Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 16-22/10/2022 đã đưa ra một số tầm nhìn lớn, mang tính chiến lược và những bước đi cụ thể để hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa đất nước vào năm 2035. Trong đó, Trung Quốc đã có những thay đổi trong chính sách đối ngoại từ sau Đại hội XX. Và Bắc Kinh đã, đang cũng như sẽ triển khai những chính sách này như thế nào?
Quan điểm ngoại giao của Bắc Kinh sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX
Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 16-22/10/2022 đã đưa ra một số tầm nhìn lớn, mang tính chiến lược và những bước đi cụ thể để hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa đất nước vào năm 2035. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XX, trong đó ông Tập Cận Bình tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 3. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu nhiệm vụ chiến lược, các phương hướng phát triển trên tất cả các lĩnh vực trong 5 năm tới, thậm chí là dài hơn để hướng tới hoàn thành mục tiêu phấn đấu 100 năm thứ hai.
Về chính sách đối ngoại, Đại hội lần thứ XX nêu rõ Trung Quốc sẽ kiên quyết theo đuổi “chính sách đối ngoại hòa bình độc lập” và tuyên bố rằng “Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền hoặc tham gia bành trướng”. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp về các vấn đề liên quan đến Đài Loan. Trước những biến động mạnh mẽ của tình hình thế giới, Đại hội lần thứ XX đã thể hiện sự nhất quán trong quan điểm, chính sách đối ngoại, các mục tiêu cốt lõi và nguyên tắc an ninh của Trung Quốc. Báo cáo Đại hội lần thứ XX nhấn mạnh: “Trung Quốc tuân thủ chính sách mở cửa với thế giới bên ngoài, hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy xây dựng một nền kinh tế thế giới mở và mang lại lợi ích tốt hơn cho tất cả các dân tộc”. Trung Quốc vẫn theo đuổi quan điểm ngoại giao của mình từ trước tới nay, tuy nhiên sẽ có những điều chỉnh mang tính cụ thể trong cách tiếp cận các chủ thể trên thế giới dựa trên các khung chiến lược có sẵn.
Cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tóm tắt các nhiệm vụ ngoại giao chính của Trung Quốc trong năm 2023 bao gồm: đẩy mạnh “ngoại giao nguyên thủ quốc gia”, tiếp tục nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chất lượng cao của đất nước, chủ động trong việc nhận biết, tìm kiếm và ứng phó với sự thay đổi trên thế giới, cũng như bảo vệ, giải quyết các rủi ro và thách thức lớn từ bên ngoài. Ông nói thêm rằng Trung Quốc sẽ thúc đẩy quan hệ với các nước lớn cùng tồn tại hòa bình, ổn định và phát triển. Cụ thể là làm sâu sắc thêm lòng tin, hợp tác cùng có lợi, củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – Nga; thực hiện các thỏa thuận đạt được bởi các nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc; tăng cường trao đổi cấp cao và liên lạc chiến lược với châu Âu, thúc đẩy sự phát triển ổn định, lâu dài của quan hệ Trung Quốc – châu Âu; và làm sâu sắc thêm tình hữu nghị, tin cậy lẫn nhau và các lĩnh vực cùng quan tâm với các nước láng giềng.
Đối với vấn đề Đài Loan, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không từ bỏ phương án sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn phong trào đòi độc lập.
Các bước triển khai
Sau Đại hội Đảng lần thứ XX, Trung Quốc đã xác định lại các mục tiêu, chính sách đối ngoại của mình đối với nhiều quốc gia. Sau khi được bầu vào vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hồi tháng 12/2022, ông Tần Cương đã bắt đầu một chiến lược ngoại giao nhằm thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài, tăng cường sức mạnh “mềm” và “cứng” của Trung Quốc. Ngày 15/03/2023, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tham dự Hội nghị Cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông đã đề xuất Sáng kiến Văn minh Toàn cầu (Global Civilization Initiative), một sáng kiến cộng đồng khác do Trung Quốc đề xuất cho thế giới bên cạnh Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (Global Development Initiative) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu (Global Security Initiative). Những sáng kiến này đều nhằm mục đích thể hiện tinh thần chủ động của Trung Quốc trong việc đóng góp và xây dựng thế giới phát triển, mở cửa, công bằng và văn minh.
Kể từ sau Đại hội Đảng XX, Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến lược ngoại giao nước lớn và ngoại giao láng giềng của mình thông qua hàng loạt cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao. Chỉ trong vòng 1 tuần kể từ khi kết thúc Đại hội, Chủ tịch Tập đã gặp liên tiếp 4 vị lãnh đạo 4 quốc gia từ châu Á đến Châu Âu, là Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan, Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ngoại giao “nguyên thủ quốc gia” trở thành một phần quan trọng trong triển khai chiến lược đối ngoại của Trung Quốc.
Trong quan hệ nước lớn, Trung Quốc tập trung xử lý mối quan hệ với Mỹ, châu Âu và Nga
Trong quan hệ ngoại giao với Mỹ, nhiều chuyên gia cho rằng, Ông Tập Cận Bình đã có chính sách mềm mỏng hơn đối với Mỹ kể từ sau Đại hội XX. Khi Tổng thống Biden ban hành lệnh cấm xuất khẩu chip cao cấp và thiết bị sản xuất sang Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, Mỹ và các chuyên gia đã nghĩ về sự trả đũa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra[1]. Trong Đại hội XX, ông Tập kêu gọi Trung Quốc “tự lực cánh sinh khoa học và công nghệ” thay vì có những biện pháp trả đũa chính quyền Biden. Ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản và đổi mới ban đầu trong các lĩnh vực chính của Trung Quốc. Tại cuộc gặp với Tổng thống Biden bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali – Indonesia, Chủ tịch Trung Quốc đã đề xuất hai bên cùng “tồn tại hòa bình, không xung đột, không đối đầu”. Trong thư chúc mừng Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, ông Tập cũng đã viết: “Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Hoa Kỳ với sự tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình, hợp tác cùng có lợi, tìm ra con đường đúng đắn cho sự chung sống giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong kỷ nguyên mới, vì lợi ích của cả hai nước và thế giới”. Có thể thấy, Trung Quốc đang cố gắng cải thiện mối quan hệ với Mỹ. Cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bali, hai bên đã thiết lập lại cơ sở liên lạc trực tiếp, nối lại các kênh đối thoại chính thức cấp cao, mở đầu cho những hi vọng cải thiện mối quan hệ. Tháng 1/2023, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Yellen cũng đã có cuộc hội đàm kéo dài 3 giờ tại Zurich, Thụy Sỹ. Cuộc hội đàm đã đạt được những kết quả tích cực và nhiều chuyên gia cho rằng dường như đã có một chút thay đổi trong quan hệ Trung – Mỹ theo chiều hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, “sự cố khinh khí cầu” vào tháng 2/2023 đã khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến thăm đến Trung Quốc, đưa mối quan hệ này quay lại giai đoạn căng thẳng. Ngày 8/5/2023, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã có cuộc gặp Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns để thảo luận về quan hệ song phương. Bộ trưởng Tần Cương tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ổn định quan hệ Trung – Mỹ, dù chỉ trích Mỹ vì đã phá vỡ động lực tích cực đã đạt được trong cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo hai bên ở Bali, ông cũng cho biết rằng việc ổn định quan hệ Mỹ-Trung nên là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ – Trung năm 2023 được dự báo sẽ đối mặt nhiều thách thức.
Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng Mỹ không được phép vượt qua “lằn ranh đỏ” là Đài Loan. Phát biểu khai mạc Đại hội XX, Chủ tịch Tập đã nhấn mạnh Trung Quốc kiên quyết chống lại các hoạt động ly khai đòi “Đài Loan độc lập” và các hành động khiêu khích, can thiệp từ bên ngoài – ám chỉ Mỹ – vào các vấn đề của Đài Loan. Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc giải quyết vấn đề Đài Loan và hiện thực hóa sự thống nhất hoàn toàn của Trung Quốc là một sứ mệnh lịch sử và một cam kết không thể lay chuyển. “Trung Quốc sẽ tiếp tục cố gắng thống nhất bằng hòa bình với sự chân thành và nỗ lực tối đa, nhưng Trung Quốc sẽ không bao giờ bác bỏ khả năng sử dụng vũ lực và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhằm vào sự can thiệp của các thế lực bên ngoài cũng như một số ít phần tử ly khai”.
Hiện nay, quan hệ Trung Quốc – EU, quan hệ Trung Quốc và các nước thành viên đã chèn thêm yếu tố chiến tranh Nga-Ukraine. Trung Quốc không lên án hành động quân sự của Nga và thể hiện quan điểm “trung lập” đối với cuộc chiến này, khiến châu Âu hoài nghi về lập trường thực sự của Trung Quốc, cảnh báo Bắc Kinh không được viện trợ quân sự cho Nga và sử dụng nó như một thước đo cho việc quyết định tăng cường hoặc hạn chế quan hệ với Trung Quốc. Ngày 04/03/2023, người phát ngôn Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc), ông Vương Siêu cho biết Quốc hội nước này đã bắt đầu làm việc về pháp luật chính sách đối ngoại[2]. Bắc Kinh đang tập trung nhiều hơn vào các nghiên cứu pháp lý quốc tế để thúc đẩy lợi ích của mình khi họ chịu áp lực trừng phạt ngày càng tăng từ Mỹ và Châu Âu.
Với mục tiêu tăng cường phát triển kinh tế, Trung Quốc tìm kiếm sự thiết lập lại quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Châu Âu. EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, Trung Quốc đã nhận ra sự “trung lập” trong quan điểm đối với xung đột Nga – Ukraine, mất cân bằng cán cân thương mại EU- Trung Quốc, và cạnh tranh chiến lược với Mỹ, đã làm suy yếu vị thế của Bắc Kinh trên khắp châu Âu. Trung Quốc mong muốn giải quyết thỏa đáng các mâu thuẫn và khác biệt với châu Âu, tăng cường liên kết chiến lược và hợp tác thiết thực. Trung Quốc đã nỗ lực để cải thiện mối quan hệ Trung Quốc – châu Âu thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc với các lãnh đạo của các quốc gia châu Âu nói riêng và Liên minh châu Âu nói chung. Kể từ Đại hội XX, Trung Quốc đã đón tiếp nhiều lãnh đạo cấp cao từ châu Âu như Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Tây Ban Nha, Chủ tịch Ủy ban EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu , Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hungary. Ở chiều ngược lại, gần đây, ba lãnh đạo Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Bộ trưởng Tần Cương, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị, và Phó Chủ tịch nước Hàn Chính đã đến thăm nhiều quốc gia của châu Âu, bao gồm Đức, Pháp, Na Uy, Hà Lan, Bồ Đào Nha… Các chuyến thăm này nhằm mục đích: (1) Làm sâu sắc thêm quan hệ song phương giữa Trung Quốc và các nước châu Âu; (2) Cải thiện quan hệ Trung Quốc – EU và không để EU đứng về Mỹ chống lại Trung Quốc; (3) Thuyết phục châu Âu ủng hộ Trung Quốc trong việc hòa giải cuộc xung đột Nga-Ukraine. Sự bùng nổ của hoạt động ngoại giao này chắc chắn sẽ đóng vai trò là chất xúc tác cho việc trẻ hóa quan hệ Trung Quốc – châu Âu và mở đường cho một giai đoạn quan hệ thịnh vượng hơn.
Nga và Trung Quốc đã tuyên bố mối quan hệ “không giới hạn” vào Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022. Hướng tới sự phát triển của ngoại giao Trung-Nga vào năm 2023, Cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói rằng Trung Quốc sẽ “làm sâu sắc thêm lòng tin chiến lược lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi với Nga”. Trong quan hệ với Moska, Bắc Kinh đặc biệt chú trọng các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước. Ngày 22/2/2023, Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Nga và gặp Tổng thống Putin. Tiếp đó, ngày 20/3/2022, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga, đây là chuyến du công nước ngoài đầu tiên của ông sau khi tái đắc cử chức Chủ tịch Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cũng thăm chính thức Trung Quốc từ 23 – 24/5[3]. Các cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo cấp cao diễn ra thường xuyên giúp mối quan hệ song phương giữa hai nước ngày càng phát triển thực chất.
Đối với vấn đề xung đột Nga – Ukraine, Trung Quốc giữ quan điểm “trung lập”, bằng việc không công khai ủng hộ hành động của Nga nhưng cũng không lên án kế hoạch quân sự của chính quyền Putin. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết cơ quan này đã và đang liên lạc với cả hai bên nhằm thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình, chấm dứt cuộc xung đột này. Ngày 26/4, ông Tập đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, tiến hành trao đổi sâu sắc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng với Nga.
Ngoại giao láng giềng
Bên cạnh ngoại giao nước lớn, Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao láng giềng hướng đến các quốc gia xung quanh nước này, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, cũng như môi trường ổn định để phát triển và xóa bỏ thế bao vây của Mỹ.
Sau Đại hội XX, Chủ tịch Tập đã đưa ra một kế hoạch về ngoại giao tập trung vào các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các nước bao quanh Biển Đông như Việt Nam, Indonesia và Philippines. Cuối tháng 10/2022, Bắc Kinh đã mời Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc, trở thành nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo cấp cao đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội XX. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam. Sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Indonesia Zokoway (Joko Widodo) tại một cuộc họp song phương sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali – Indonesia. Cũng tại đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã mời Tổng thống Phillippines Macros Jr. thăm Trung Quốc. Tổng thống Marcos cũng là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên mà Trung Quốc tiếp đón vào năm 2023. Đầu tháng 4/2023, Trung Quốc và Singapore đã nâng cấp quan hệ song phương lên “quan hệ đối tác toàn diện, chất lượng cao và hướng tới tương lai” nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long[4].
Trung Quốc đang tìm cách khôi phục quan hệ kinh tế với Trung Á sau khi dịch COVID-19 làm gián đoạn tăng trưởng của nước này trong ba năm qua. Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào các nước Trung Á, nhất là thông qua Sáng kiến Vành Đai và Con đường BRI nhằm gia tăng mối liên kết kinh tế và thúc đẩy sự ổn định của các quốc gia Trung Á này. Trung Quốc coi sự thịnh vượng kinh tế tại Trung Á là một cách để ổn định hơn nữa vùng Tân Cương[5]. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào tất cả các nước Trung Á đã vượt quá 15 tỷ USD vào cuối tháng 3 năm nay[6]. Tuy nhiên, sáng kiến BRI của Trung Quốc đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đã tạo gánh nặng nợ nần cho các quốc gia mới nổi đối với các dự án mà họ không đủ khả năng chi trả. Bắc Kinh đã là một chủ nợ lớn của các quốc gia Trung Á, với các các quốc gia nghèo hơn như Kyrgyzstan và Tajikistan, khoản vay của Trung Quốc chiếm hơn 1/5 GDP của họ. Mới đây, Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á đã diễn ra từ ngày 18-19/5/2023 với các quốc gia Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Thông qua hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc sẽ viện trợ 3,7 tỷ USD cho các nước Trung Á. Trung Quốc sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác giảm nghèo với các nước Trung Á thông qua khoa học và công nghệ. Sau hội nghị thượng đỉnh ở Tây An, Bắc Kinh dự kiến sẽ khởi động các sáng kiến miễn thị thực mới với một số nước Trung Á. Hiện tại, Kazakhstan và Uzbekistan đều đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về chế độ miễn thị thực. Kyrgyzstan vẫn đang đàm phán các điều khoản với Bắc Kinh. Cựu Trưởng khoa Nghiên cứu Trung Á tại Đại học Lan Châu (Trung Quốc) Yang Shu đã nhận định rằng tình hình ngày càng xấu đi ở phía Đông Trung Quốc, bao gồm Biển Đông, Nhật Bản,… đang hiện hữu. Vì vậy, Bắc Kinh cần tăng cường đầu tư vào phía Tây để tăng cường an ninh và hợp tác kinh tế[7]. Trung Quốc đang phải nỗ lực để giảm thiểu các mối đe dọa an ninh và áp lực từ Mỹ cùng các đồng minh. Để đổi lấy sự hợp tác kinh tế lớn hơn, Trung Quốc sẽ hỗ trợ các nước Trung Á trong việc giữ an ninh cho khu vực trong bối cảnh Nga còn “bận” ở Ukraine.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng chủ động hướng đến việc xây dựng và phát triển mối quan hệ ngoại giao với các nước mới nổi ở Châu Phi và Nam Mỹ. Sau khi đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tần Cương chú trọng đến việc thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp của Bắc Kinh. Một trong những nỗ lực này nhằm vào sự hợp tác “Nam-Nam” giữa Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi, nhiều trong số đó là ở châu Phi. Tháng 1/2023, Tân Ngoại trưởng Tần Cương đã có chuyến công du tại châu Phi trên cương bị người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông Tần Cương đã ký kết thỏa thuận đình chỉ nợ với 19 quốc gia Châu Phi, đồng thời kêu gọi các bên liên quan góp phần giảm bớt áp lực nợ nần của châu Phi. Các chuyên gia cho rằng, chuyến thăm Châu Phi của ông Tần Cương – chuyến công du đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Trung Quốc, là một động thái nhằm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi, cạnh tranh với Mỹ. Chuyến đi diễn ra sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – châu Phi tháng 12/2022 do Tổng thống Biden tổ chức. Ngày 19/4/2023, Chủ tịch Tập đã hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Gabon – Ali Bongo Ondimba, nguyên thủ quốc gia châu Phi đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau khi ông Tập tái đắc cử làm Chủ tịch Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”. Ngày 14/4/2023, Ông Tập đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tại Bắc Kinh.
Một bước ngoặt khác trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc là làm trung gian cho cuộc đàm phán giữa Ả Rập Xê Út và Iran. Cả hai nước đã đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao và mở lại Đại sứ quán, cũng như cơ quan đại diện của họ trong vòng hai tháng sau khi các cuộc đàm phán kết thúc tại Bắc Kinh ngày 10/3/2023.
Ngoại giao quốc phòng – an ninh
Hiện đại hóa quốc phòng được đặt là một trong những mục tiêu cốt lõi trong phát triển quốc gia sau Đại hội Đảng lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh việc hiện đại hóa hơn nữa quốc phòng và quân đội, bằng cách thông tin hóa và thông minh hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Ông Tập đã đặt ra mục tiêu chiến lược là nâng tầm lực lượng quân đội Trung Quốc thành lực lượng đẳng cấp thế giới. Để đạt được mục tiêu này, văn kiện đại hội nêu rõ PLA sẽ tăng cường huấn luyện quân đội, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu trên diện rộng, tăng cường quản trị quân sự toàn diện. Việc hiện đại hóa sẽ được phản ánh dưới dạng lý thuyết quân sự, hình thức tổ chức của quân đội, vũ khí và thiết bị quân sự. Đổi mới bao gồm các vấn đề như định hướng chiến lược quân sự, xây dựng chiến lược và chiến thuật chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng răn đe chiến lược mạnh, nâng cao năng lực của lực lượng chiến đấu trong các lĩnh vực mới và thúc đẩy sâu sắc huấn luyện quân sự theo định hướng chiến đấu.
Bên cạnh phát triển nội lực về quân sự – quốc phòng, Trung Quốc đã thúc đẩy và tăng cường hợp tác an ninh chiến lược với nhiều quốc gia khác. Tháng 12/2022, Trung Quốc và Nga đã cùng nhau tham gia cuộc tập trận chung bắn đạn thật “Liên hợp trên biển 2022”. Tháng 3/2023, Trung Quốc tiếp tục tham gia một cuộc tập trận hải quân với Nga và Iran ở Biển Arab. Ngày 23/3, cuộc diễn tập quân sự Rồng Vàng năm 2023 giữa Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã được khai mạc tại Campuchia[8]. Cuộc diễn tập nhằm trao đổi kinh nghiệm và nâng cao năng lực của quân đội hai nước trong các hoạt động nhân đạo, cứu hộ thảm họa và chống khủng bố trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Ngày 11/5, quân đội hai nước Trung Quốc và Lào đã tổ chức cuộc diễn tập quân sự chung có tên gọi “Lá chắn hữu nghị Trung-Lào 2023”[9], là nền tảng trao đổi kinh nghiệm giữa quân đội hai nước cũng như biện pháp cụ thể để làm sâu sắc hơn tình hữu nghị và tăng cường hợp tác giữa hai nước.
Bên cạnh tăng cường mối quan hệ an ninh giữa các quốc gia, các cuộc tập trận quân sự của PLA nhằm kiểm tra và tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội trong điều kiện thực chiến, đồng thời đạt được mục tiêu chính trị, chính là gửi thông điệp mạnh mẽ về Đài Loan. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng đây là một lời cảnh báo nghiêm trọng về sự khiêu khích của các lực lượng bên ngoài đòi ly khai “Đài Loan độc lập” và là một hành động cần thiết để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Đánh giá chính sách đối ngoại và các bước triển khai của Trung Quốc từ sau Đại hội Đảng lần thứ XX
Có thể nhìn thấy, từ sau Đại hội XX, hoạt động ngoại giao của Trung Quốc đã được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả. Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động “ngoại giao nguyên thủ quốc gia” kết hợp với “ngoại giao sân nhà” để đón tiếp và gặp gỡ nhiều vị lãnh đạo cấp cao từ nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Trung Quốc đã không chỉ tập trung vào các nước lớn như Mỹ, châu Âu, hay các nước láng giềng như ASEAN, Trung Á, mà tiếp cận toàn diện đến mọi khu vực trên thế giới. Các bước triển khai đường lối đối ngoại của Trung Quốc đối với các đối tượng khác nhau đều phục vụ cho mục tiêu cốt lõi của Trung Quốc là đảm bảo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, phát triển hiện đại hóa đất nước, đồng thời đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia. Chỉ trong vòng nửa năm, Trung Quốc đã có nhiều sự kiện ngoại giao lớn đáng chú ý, việc thúc đẩy quan hệ với Nga, cải thiện mối quan hệ với châu Âu, phát triển mối quan hệ với các đối tác khác như châu Phi, Trung Á cho thấy Trung Quốc đang bắt tay vào một chiến dịch quốc tế quy mô lớn, rõ ràng và đầy tham vọng nhằm mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh và làm xói mòn dần ảnh hưởng của Washington trên toàn cầu[10].
Sự thành công trong việc đưa Ả Rập Xê Út và Iran đàm phán với nhau và đạt được kết quả tích cực, đã giúp danh tiếng và uy tín của Trung Quốc được nâng cao trong cộng đồng quốc tế. Trung Quốc coi đây là minh chứng cho việc Trung Quốc sẵn sàng, nỗ lực tham gia vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế, và mang lại kết quả có ý nghĩa đối với cả các bên liên quan, cũng như toàn thế giới. Đây sẽ là tiền đề để Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian hoà giải, thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hoà bình giữa Nga và Ukraine. Điều này sẽ làm tăng vị thế và ảnh hưởng của Trung Quốc, đồng thời đóng vai trò lớn hơn trong quản trị toàn cầu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen và Tổng thống Pháp Macron nói rằng họ đánh giá cao những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị và mong muốn Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng hơn.
Hội nghị Thượng đỉnh Trung Á do Trung Quốc chủ trì được tổ chức gần như song song với Hội nghị Thượng đỉnh các nước G7 ở Nhật Bản cũng thể hiện rằng Trung Quốc đang gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng của mình với Mỹ. Chuyên gia về Nga và Trung Á tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải (Trung Quốc) Li Lifan chia sẻ với tờ South China Morning Post rằng dù lịch trình hai hội nghị thượng đỉnh có phải cố ý sắp xếp sát nhau hay không thì “rõ ràng đây là cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và phương Tây do Mỹ dẫn đầu trong bối cảnh có nhiều cuộc thảo luận về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”[11].
Thông qua các Sáng kiến Văn minh Toàn cầu mới được công bố, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến An ninh Toàn cầu mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó, Trung Quốc đang ngày càng nỗ lực xây dựng một hình ảnh tích cực cho chính mình trong việc gia tăng ảnh hưởng toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tại ngoài các tuyên bố chung về GSI và GDI, thực tế chưa có thông tin chi tiết nào rằng Trung Quốc sẽ làm gì trong thực tế, hay cam kết tài trợ bao nhiêu cho dự án.
Dự đoán các hành động tiếp theo của Trung Quốc
Thứ nhất, duy trì cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Mặc dù Trung Quốc đang thể hiện tinh thần cải thiện mối quan hệ Trung – Mỹ, và cả hai quốc gia đều bày tỏ mong muốn ngăn quan hệ song phương xấu đi, tuy nhiên thực tế cả hai nước đều không có sự tin tưởng lẫn nhau. Hơn nữa, thông qua những sự kiện như Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á, hay sự tiếp cận đến các nước châu Phi trong thời gian vừa qua, Trung Quốc đã thể hiện rõ quan điểm và tham vọng của mình.
Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy cải thiện mối quan hệ với châu Âu thông qua đối thoại và giải quyết các bất đồng lợi ích về kinh tế. Kể từ cuộc đối đầu Mỹ-Trung, Bắc Kinh đã cố gắng bố trí cách phá vỡ vòng vây và kiềm chế của Washington đối với nước này. Hiện nay, Trung Quốc tập trung vào hai phần: Một là các nước phía Nam, đặc biệt là SCO, BRICS (ngoại trừ Ấn Độ), ASEAN, Trung Đông và châu Phi; Hai là châu Âu. Châu Âu đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc để chống lại Mỹ và làm suy yếu áp lực chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Là đồng minh đáng tin cậy nhất của Mỹ, châu Âu có vai trò quan trọng trong việc liệu Washington có thể giành chiến thắng hay không. Xem xét yếu tố này, cho dù muốn hay không, Trung Quốc đều phải cố gắng hết sức để lôi kéo châu Âu, cố gắng không để cho châu Âu đứng ở tuyến đầu của cuộc chiến chống Trung Quốc và chiến đấu bên cạnh Hoa Kỳ.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao quan hệ hợp tác với Nga. Nga đã trở thành một đối tác quan trọng của Trung Quốc về cả kinh tế lẫn chính trị – an ninh trong thời gian vừa qua. Việc hợp tác với Nga mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích, do đó, Trung Quốc vẫn sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực với Nga, đồng thời thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine. Sourabh Gupta, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc – Mỹ ở Washington, đánh giá rằng hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ quay lưng lại với Moskva[12].
Thứ tư, tiếp tục thúc đẩy ngoại giao láng giềng, Trung Quốc có mục tiêu giảm căng thẳng địa chính trị với các đồng minh, bạn bè và đối tác của Mỹ trên toàn thế giới, tạo môi trường thuận lợi để nước này nắm thế chủ động trong cấu trúc an ninh khu vực, mở rộng các mối quan hệ trước sự kiềm tỏa của Mỹ. Ông Tập coi các khu vực xung quanh Trung Quốc là điểm tựa chiến lược trong công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Do đó, Trung Quốc khẳng định kiên trì phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng trên nguyên tắc cùng chung sống hòa bình, hợp tác cùng có lợi và cùng phát triển.
Thứ năm, Trung Quốc sẽ tích cực hơn nữa trong việc tham gia hòa giải, tìm kiếm giải pháp hòa bình giữa Nga và Ukraine. Sự thành công trong việc cải thiện mối quan hệ giữa Iran và Ả Rập Xê Út cho phép Trung Quốc tự tin hơn trong việc tham gia trung gian hòa giải xung đột giữa các bên. Hơn nữa, sự tham gia này sẽ giúp Trung Quốc thể hiện vai trò nước lớn có trách nhiệm của mình đối với các vấn đề quốc tế mà Trung Quốc luôn muốn hướng đến. Giáo sư Luật tại Đại học Thành phố Hồng Kông Wang Jiangyu đã nhận định rằng “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn được nhìn nhận trên trường quốc tế như một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng”.
Thứ sáu, Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh hợp tác kinh tế với các quốc gia thông qua sáng kiến BRI trong giai đoạn tiếp theo. Mặc dù BRI thường bị chỉ trích là một chương trình “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc dành cho các nền kinh tế đang phát triển, nó cũng mang lại những kết quả tích cực đáng ghi nhận trong việc phát triển cơ sở hạ tầng tại các quốc gia này. Hơn nữa, thông qua sáng kiến BRI, Trung Quốc đã gia tăng ảnh hưởng của mình một cách mạnh mẽ về cả kinh tế và chính trị trên cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, năm 2023 là năm Trung Quốc kỷ niệm 10 năm triển khai BRI, đây là một thời điểm lý tưởng để Trung Quốc tích cực tuyên truyền và mở rộng hợp tác trong thời gian tới./.
Tác giả: Thi Thi
[1] 张俊华 (2023), “客座评论:中美关系的融冰的开始?”, DW, 22.01.2023.
[2] Teddy Ng and Laura Zhou (2023), “China’s ‘two sessions’ 2023: new laws to counter foreign sanctions planned”, The South China Morning Post, https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3212362/chinas-two-sessions-2023-new-laws-counter-foreign-sanctions-planned
[3] Bích Liên (2023), “Thủ tướng Nga sắp thăm Trung Quốc”, Báo Tin Tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/the-gioi/thu-tuong-nga-sap-tham-trung-quoc-20230519183622195.htm
[4] Hưu Hưng (2023), “Trung Quốc và Singapore nâng cấp quan hệ nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long”, Báo Nhân Dân, https://nhandan.vn/trung-quoc-va-singapore-nang-cap-quan-he-nhan-chuyen-tham-cua-thu-tuong-ly-hien-long-post745821.html
[5] Nicole Hong (2023), “As the U.S. Attends the G7, China Hosts a Summit of Its Own”, The New York Times, https://www.nytimes.com/2023/05/18/world/asia/china-central-asia-g7.html
[6] William Yang (2023), “What is China’s strategy for Central Asia?”, DW, https://www.dw.com/en/what-is-chinas-strategy-for-central-asia/a-65637703
[7] Đức Hiền (2023), “Cuộc chiến ngầm giữa 2 thượng đỉnh G7 và Trung Quốc-Trung Á”, Báo Điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, https://plo.vn/cuoc-chien-ngam-giua-2-thuong-dinh-g7-va-trung-quoc-trung-a-post734209.html
[8] Huỳnh Thảo (2023), “Quân đội Campuchia và Trung Quốc diễn tập quân sự Rồng Vàng năm 2023”, Báo Tin Tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/tap-tran-dien-tap/quan-doi-campuchia-va-trung-quoc-dien-tap-quan-su-rong-vang-nam-2023-20230323163835448.htm
[9] Ngọc Ánh (2023), “Trung Quốc, Lào diễn tập quân sự chung”, Báo Tin Tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/quan-su/trung-quoc-lao-dien-tap-quan-su-chung-20230512061702640.htm
[10] Vũ Hoàng (2022), “Chính sách đối ngoại Trung Quốc năm 2023”, VNExpress, https://vnexpress.net/chinh-sach-doi-ngoai-trung-quoc-nam-2023-4552666.html
[11] Đức Hiền (2023), “Cuộc chiến ngầm giữa 2 thượng đỉnh G7 và Trung Quốc-Trung Á”, Báo Điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, https://plo.vn/cuoc-chien-ngam-giua-2-thuong-dinh-g7-va-trung-quoc-trung-a-post734209.html
[12] Vũ Hoàng (2022), “Chính sách đối ngoại Trung Quốc năm 2023”, VNExpress, https://vnexpress.net/chinh-sach-doi-ngoai-trung-quoc-nam-2023-4552666.html
[13] Xinhuanet, “An overview of Xi’s diplomacy in spring 2023”, https://english.news.cn/20230503/ee4703681c6f449daf1c6249cf1b759c/c.html
[14] Carla Freeman, Mary Glantz, Daniel Markey, Jason Tower, Andrew Watkins (2023), “Five Takeaways from China’s Latest Diplomacy”, United States Institute of Peace, https://www.usip.org/publications/2023/05/five-takeaways-chinas-latest-diplomacy
[15] Nguyên Long (2022), “Nhận diện “Giấc mộng Trung Hoa” sau bước ngoặt Đại hội Đảng XX”, Báo điện tử Dân Trí. https://dantri.com.vn/the-gioi/nhan-dien-giac-mong-trung-hoa-sau-buoc-ngoat-dai-hoi-dang-20-20221024210907878.htm
[16] Asia Society Policy Institute, “China’s Political-Economy, Foreign and Security Policy: 2023”, https://asiasociety.org/policy-institute/chinas-political-economy-foreign-and-security-policy-2023
[17] DW, “王毅談2023中國外交:加深中俄關係”, https://p.dw.com/p/4LQPf
[18] Earl Carr (2023), “Understanding China’s Foreign Policy And Economic Priorities In Africa And America’s Response”, Forbes, https://www.forbes.com/sites/earlcarr/2023/02/10/understanding-chinas-foreign-policy-and-economic-priorities-in-africa-and-americas-response/
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]