Ngày 5/8/2024, Thủ tướng Bangladesh - Sheikh Hasina - người vừa tái đắc cử trong cuộc bầu cử hồi đầu năm đã tuyên bố từ chức và nhanh chóng rời khỏi đất nước. Khủng hoảng chính trị ở Bangladesh đã ở trạng thái mất kiểm soát tạm thời. Cho dù những diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng này như thế nào thì nó vẫn sẽ tạo ra một mối lo ngại chung đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt là các cường quốc. Trong bối cảnh bên cạnh Bangladesh - ở Myanmar cũng đang tồn tại một “lò lửa khủng hoảng”, sự mất kiểm soát của Bangladesh có thể khiến tình hình an ninh Nam - Đông Nam Á trở nên phức tạp và khó lường hơn.
Từ tháng 6/2024, một cải cách đáng chú ý của Chính phủ Bangladesh là việc cố gắng khôi phục “cơ cấu công vụ”, dành một số vị trí công vụ cho thân nhân của các cựu công chức có ảnh hưởng. Điều này đã tạo ra một làn sóng bất bình trong giới trẻ trong nước.
Ngày 1/7, một cuộc biểu tình đã nổ ra tại Đại học Dhaka, một trường đại học nổi tiếng ở Bangladesh. Làn sóng biểu tình nhanh chóng lan sang các cơ sở khác và dần phát triển thành xung đột bạo lực trên toàn quốc. Mặc dù Tòa án Tối cao Bangladesh ngày 21/7 tuyên bố rằng 93% việc làm trong chính phủ sẽ không có hạn ngạch nhưng vẫn không thể dập tắt được sự phẫn nộ của công chúng. Cho đến nay, các cuộc biểu tình đã trở nên mất kiểm soát, đã có nhiều người thiệt mạng và ít nhất 11.000 người bị bắt giữ
Ngày 5/8/2024, Thủ tướng Sheikh Hasina, người lên nắm quyền vào năm 2009 và vừa đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 vào tháng 1 năm nay, bất ngờ từ chức và quân đội tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời. Ngay sau đó, lãnh đạo phe đối lập Đảng Quốc gia Bangladesh và cựu Thủ tướng Khaleda Zia được trả tự do.
“Cơ cấu công vụ” có phải là giọt nước tràn ly?
Cơ cấu công vụ của Bangladesh dành 56% việc làm của chính phủ cho các nhóm người cụ thể. Cơ cấu này ban đầu được cha của Thủ tướng Hasina là Sheikh Mujibur Rahman (hay còn gọi là Mujib) xây dựng nhằm củng cố quyền lực của ông vào năm 1972, ngay sau khi Bangladesh giành được độc lập. Hệ thống này từ lâu đã bị chỉ trích vì loại trừ những ứng viên đủ tiêu chuẩn và để trống các vị trí nếu ứng viên được chỉ định không vượt qua bài kiểm tra tuyển dụng. Năm 2018, cải cách cơ cấu công vụ đã từng gây ra làn sóng phản đối ở Bangladesh, chính phủ Hasina phải bãi bỏ hệ thống này để dập tắt tình trạng bất ổn.
Trong tỷ lệ 56% trước đây, 10% dành cho phụ nữ, 10% cho các tầng lớp bình dân khác, 5% cho người thiểu số, 1% cho người khuyết tật. Điều quan trọng là 30% vị trí đầu vào của chính phủ được dành cho thân nhân của các “cựu binh” gắn với thời kỳ nắm quyền của ông Mujib. Điều này có nghĩa là, chỉ để lại 44% vị trí, hay khoảng 3.000 vị trí, cho 400.000 sinh viên tốt nghiệp đại học có thể cạnh tranh thông qua kỳ thi tuyển công chức.
Nền kinh tế Bangladesh tương đối lạc hậu và thiếu việc làm nhưng lương công chức chính phủ lại tương đối cao. Kết quả là, cơ cấu công vụ như vậy đã gây ra sự thất vọng và tức giận trong nhiều thanh niên Bangladesh đang hy vọng có được việc làm trong chính phủ. Tuy nhiên, khi bắt đầu các cuộc biểu tình, các nhóm sinh viên đã nói rõ rằng họ không muốn xóa bỏ hoàn toàn hệ thống cơ cấu vốn có. Họ chỉ chủ trương điều chỉnh một tỷ lệ hợp lý cho các nhóm trong xã hội.
Bản chất của cuộc khủng hoảng
Về bản chất, cuộc biểu tình này ban đầu được phát động vì mục đích kinh tế chứ không phải mục đích chính trị.
Bangladesh đang thiếu việc làm nghiêm trọng và người dân Bangladesh tỏ ra bi quan về sự phát triển kinh tế. Bangladesh là một quốc gia nhỏ chỉ có diện tích khoảng 148.000 km2 nhưng có dân số 170 triệu người và có độ tuổi trung bình khoảng 27 tuổi. Hàng năm, một lượng lớn thanh niên cần việc làm. Trong vài năm qua, do dịch bệnh và môi trường kinh tế quốc tế suy thoái, Bangladesh đã phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như lạm phát cao, thất nghiệp gia tăng và dự trữ ngoại hối giảm. Hiện nay, hơn 30 triệu thanh niên Bangladesh đang thất nghiệp, chiếm gần 1/5 tổng dân số. Khủng hoảng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao đã thúc đẩy tình trạng bất ổn.
Sau khi Tòa án tối cao Bangladesh ban hành phán quyết vào ngày 21/7/2024 về việc sửa đổi cơ cấu công vụ, các yêu cầu của sinh viên về cơ bản đã được đáp ứng và tình hình đang dần lắng dịu. Nhưng sau khi lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ và Internet được khôi phục, tình hình lại rẽ sang một hướng mới. Tác giả cho rằng, thế lực đứng sau của phong trào đã thay đổi, sinh viên không còn giữ vai trò này, và mục tiêu của phong trào đã thay đổi, đó là loại bỏ Hasina khỏi chính trường. Tình hình hiện tại đang làm nổi lên những nghi vấn rằng, phong trào “đảo chính” ở Bangladesh có dấu hiệu can thiệp từ bên ngoài.
Điều gì khiến chính phủ Hasina vẫn chủ trương khôi phục một chính sách bất hợp lý?
Chính phủ Hasina phải đối mặt với tình thế lưỡng nan giữa phát triển kinh tế và duy trì an ninh chính trị. Mâu thuẫn chính hiện nay ở Bangladesh là sự xung đột giữa việc phân bổ lợi ích cho một số ít nhóm lợi ích thương mại và công nghiệp do gia đình Hasina đại diện với công chúng ở Bangladesh.
Vấn đề này lẽ ra có thể được giải quyết theo hai cách: một là cải cách hệ thống phân phối của cải, nhưng Bangladesh có dân số đông, Hasina và các nhóm lợi ích xung quanh bà không muốn giải quyết vấn đề này thông qua cải cách hệ thống phân phối và chuyển giao lợi ích kinh tế; Thứ hai là thực hiện các biện pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, làm cho chiếc bánh lớn hơn, tạo thêm việc làm và của cải xã hội, đồng thời cải thiện mức sống của người dân. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên của Bangladesh không đủ, thiếu vốn, công nghệ và các động lực khác. Muốn có được những điều này đòi hỏi phải có đầu tư bên ngoài, chuyển giao công nghệ và công nghiệp, nhưng sự suy thoái của môi trường kinh tế và chính trị quốc tế đã khiến các lựa chọn chính sách đối ngoại của nước này trở nên khó khăn.
Trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 1 năm nay, Hasina chiến thắng với tỷ lệ ủng hộ thấp. Với nền kinh tế đang gặp khó khăn trong phát triển, chính phủ Hasina lo lắng về an ninh chính trị và hy vọng có thể “vun đắp” các cơ sở hỗ trợ, củng cố quyền lực của mình. Chính phủ Hasina hy vọng sẽ tăng cường quan hệ với các đồng minh là nhóm thân nhân các “cựu binh” có tầm ảnh hưởng, và quân đội bằng cách khôi phục “cơ cấu công vụ”. Đó được coi là giải pháp của Hasina nhằm “tỏ thiện chí” với quân đội.
Tuy nhiên, trước sự phản đối và bạo loạn của sinh viên đại học, Tòa án Tối cao Bangladesh đã tuyên bố nhượng bộ. Lệnh của Tòa án Tối cao khôi phục hạn ngạch cho các vị trí công vụ xuống mức có thể đáp ứng được sinh viên. Và bây giờ với cái kết này, có thể nói Hasina đã “kiệt sức”.
Thế khó đối với chính sách đối ngoại của Chính phủ Hasina
Chính phủ Bangladesh luôn hy vọng sử dụng các nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của nước này, nhưng chiến lược cân bằng các cường quốc đã khiến họ phải hy sinh rất nhiều thành tựu kinh tế. Để đạt được cái gọi là sự cân bằng giữa các cường quốc, nhiều dự án kinh tế cũng được phân bổ giữa các cường quốc, hoặc một số dự án rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân cũng như sinh kế của người dân bị bỏ dở hoặc hoãn lại do sự cản trở và phản đối của một số cường quốc trong và ngoài khu vực.
Về vấn đề cân bằng chiến lược của các cường quốc, Hoa Kỳ và phương Tây đã chỉ trích và gây áp lực đối với chính phủ của Hasina. Điều đó đã được thể hiện rõ ngay trước cuộc bầu hồi đầu năm nay.
Một lý do quan trọng khiến Hasina dám cứng rắn với Mỹ và phương Tây là Ấn Độ không đứng về phía Mỹ và phương Tây. Sau khi ông Sheikh Mujibur Rahman – cha của bà Hasina và cũng là cựu lãnh đạo của Bangladesh bị ám sát, Hasina được Ấn Độ bảo vệ nên bà luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với chính trường Ấn Độ. Đồng thời, Ấn Độ đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để cố gắng gây ảnh hưởng đến công việc nội bộ của Bangladesh. Nhiều chính trị gia ở Bangladesh ít nhiều có mối liên hệ với Ấn Độ. Ấn Độ có thể tác động đến an ninh chính trị và sự ổn định của chính phủ Hasina từ bên ngoài, đồng thời có thể cung cấp nơi trú ẩn chính trị cho Hasina và các quan chức chính phủ cấp cao của bà khi bất ổn chính trị xảy ra trong nước.
Đánh giá từ hai chuyến thăm gần đây của Hasina tới Ấn Độ, chính phủ Hasina rất quan tâm đến cái gọi là mối quan tâm về chiến lược và an ninh của Ấn Độ. Họ không chỉ tham gia sáng kiến hàng hải “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, một trong những trụ cột trong chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Ấn Độ, mà còn cho phép Ấn Độ đi qua Bangladesh để tăng cường kết nối với vùng đông bắc Ấn Độ và khu vực phía nam Tây Tạng hiện do Ấn Độ chiếm đóng và quản lý. Các nhượng bộ về sông Teesta dành cho Ấn Độ cũng trở thành một vấn đề khiến nhiều quốc gia xung quanh lo ngại.
Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Bangladesh, đặc biệt là trong một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Trung Quốc không chỉ cung cấp vốn mà còn cung cấp công nghệ, giúp loại bỏ nhiều nút thắt phát triển cho Bangladesh. Đồng thời, một số lượng lớn các công ty Trung Quốc đã chuyển dây chuyền công nghiệp của họ sang Bangladesh, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm. Vào thời điểm phát triển kinh tế trong nước đang gặp khó khăn, chính phủ Hasina hy vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và giảm bớt xung đột xã hội trong nước thông qua đầu tư nguồn lực bên ngoài từ Trung Quốc. Đây là mục đích chính trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Hasina vào đầu tháng 7/2024. Người ta nói rằng chính phủ Hasina hy vọng có được khoản vay dài hạn trị giá 5 tỷ USD từ Trung Quốc vào thời điểm đó để giúp Bangladesh ổn định nền kinh tế. Nhưng, mục tiêu này đã không đạt được.
Đối với các nước Nam Á, trong đó có Bangladesh, kinh nghiệm lịch sử từ trước đến nay cho thấy, để đạt được sự phát triển kinh tế – xã hội, họ phải dựa vào các nước ngoài khu vực có trình độ kinh tế, công nghệ tiên tiến và thực sự sẵn sàng giúp đỡ họ phát triển. Một số chính trị gia mong đợi sự phát triển kinh tế thông qua hội nhập kinh tế khu vực do Ấn Độ dẫn đầu, nhưng đó chỉ là một giấc mơ khó có thể đạt được, bởi chính Ấn Độ cũng gặp phải sự cạnh tranh từ các thế lực khác. Trình độ phát triển chung của nền kinh tế Ấn Độ không cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực và các nước Nam Á nhỏ, bao gồm cả Bangladesh, mô hình quan hệ ở đây không hẳn là quan hệ “win-win” cùng thắng, mà đôi khi sự “được-mất” được thể hiện khá rõ.
Liệu có bàn tay can thiệp từ Mỹ và Phương Tây?
Bài phát biểu công khai của Thủ tướng Hasina về việc Hoa Kỳ gây áp lực buộc bà phải mở đường cho một căn cứ quân sự ở Bangladesh có thể được nhiều người viện dẫn làm bằng chứng cho bàn tay can thiệp của Mỹ và Phương Tây. Tuy nhiên, ngoài việc chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền của Hoa Kỳ cũng như phương Tây đã kêu gọi chính phủ Bangladesh bảo vệ những người biểu tình ôn hòa khỏi bạo lực, và một số phương tiện truyền thông của Hoa Kỳ và phương Tây cũng đã chỉ trích chính phủ Bangladesh, chưa có nhiều căn cứ để khẳng định sự can thiệp này.
Nhưng nếu đánh giá từ góc độ lợi ích, rõ ràng việc Hasina buộc phải rời khỏi chính trường là điều có lợi đối với Mỹ. Người ta có thể thấy sức mạnh của sự ủng hộ của truyền thông Hoa Kỳ và phương Tây đối với phong trào quần chúng ở Bangladesh. Đã có sự gia tăng đáng kể các báo cáo cho rằng chính phủ Hoa Kỳ và phương Tây cũng như các tổ chức nhân quyền đã yêu cầu quân đội không đàn áp phong trào này.
Vấn đề ở đây là, sau khi Hasina rời đi, lực lượng thay thế nắm quyền có thực sự là một đồng minh tiềm năng với Mỹ hay không. Đó sẽ là một vấn đề hóc búa đối với Mỹ.
Diễn biến tiếp theo của khủng hoảng chính trị ở Bangladesh có thể là gì?
Hasina đã tự nguyện từ chức vì bà ấy hy vọng bảo vệ lợi ích của toàn bộ nhóm thân cận của mình thông qua quân đội, vì quân đội cũng là một phần trong nhóm lợi ích của bà. Tuy nhiên, do sự cản trở của phe đối lập, việc tiếp quản quyền lực của quân đội đang gặp nhiều khó khăn. Tổng tư lệnh quân đội phải đàm phán với các bên để thành lập chính phủ lâm thời dưới sự ủy quyền của tổng thống, sau đó sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới trong thời gian tới.
Chính trường Bangladesh trong 30 năm qua là cuộc đấu tranh giữa hai gia đình và hai người phụ nữ. Giờ đây, lãnh đạo phe đối lập Đảng Quốc gia Bangladesh và cựu Thủ tướng Khaleda Zia đã được trả tự do, tổng thống đã ra lệnh thả tất cả những người bị bắt trong phong trào, bồi thường nhà nước cho những người thương vong và ra lệnh cho quân đội thiết lập lại trật tự xã hội. Nếu quân đội và phe đối lập có thể thỏa hiệp thì trật tự có thể được lập lại nhanh chóng nhưng nếu phe đối lập muốn trả đũa Liên đoàn Awami sau khi lên nắm quyền thì tình hình sẽ tiếp tục hỗn loạn.
Hiện nay, mặc dù có một số phe phái cực đoan hơn kêu gọi tiếp tục phong trào “đảo chính” cho đến khi quyền lực được chuyển giao cho sinh viên và nhân dân lao động, lật đổ toàn bộ giai cấp quyền lực, nhưng chưa rõ sự ủng hộ của họ mạnh đến mức nào và có vẻ như họ sẽ khó thành công. Vì mục tiêu của phong trào đã đạt được là việc lật đổ Hasina nên sự gắn kết của phong trào quần chúng không còn nữa.
Dù những diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng này như thế nào thì nó vẫn sẽ tạo ra một mối lo ngại chung đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt là các cường quốc. Mối quan hệ phức tạp giữa Bangladesh với các nước lớn đang tạo ra một mối lo chung với các nước này, nhất là với Mỹ và Ấn Độ. Đó là việc, liệu thế lực mới lên nắm quyền ở Bangladesh là ai, họ sẽ tiếp cận với các nước lớn theo cách như thế nào. Hơn nữa, bên cạnh Bangladesh – ở Myanmar cũng đang tồn tại một “lò lửa khủng hoảng”, sự mất kiểm soát của Bangladesh có thể khiến tình hình an ninh Nam – Đông Nam Á trở nên phức tạp và khó lường hơn. Không gian xung đột lan rộng sẽ gây bất lợi trước tiên cho cả Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á./.
Lược dịch: Hoàng Hải
Tác giả: Lưu Tông Nghĩa (刘宗义) là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á, Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc).
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Bình Luận 1