Tháng 10 vừa qua là khoảng thời gian quan trọng với chính trị Trung Quốc khi nước này công bố hai tài liệu đối ngoại quan trọng. Vào lúc 10 giờ sáng ngày 10/10, Văn phòng Thông tin của Hội đồng Nhà nước đã tổ chức buổi họp báo công bố Sách Trắng “Chung tay xây dựng BRI: Thực tiễn quan trọng trong xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” nhân dịp kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Sau đó 2 tuần ngày 25/10, Trung Quốc tiếp tục công bố tài liệu “Triển vọng chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới” khẳng định định hướng chính sách đối ngoại trong tương lai giữa Bắc Kinh với các quốc gia. Vậy ngoại giao láng giềng của Trung Quốc trong thời gian tới có điểm đáng chú ý và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam là gì?
Bối cảnh mới của ngoại giao láng giềng Trung Quốc
Bối cảnh toàn cầu
Thế giới hiện nay đang trong một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn nổi cộm lên những bất ổn ở khắp các châu lục từ Á – Âu – Phi – Mỹ cho đến Bắc Cực, Nam Cực. Cuối năm 2022, đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên toàn cầu, con đường vận tải – thương mại thế giới được mở cửa sau hơn 2 năm chống chọi đại dịch, chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy được nối liền trở lại tạo ra cơ hội phục hồi sản xuất đối với những quốc gia chịu hậu quả nặng nề bởi dịch bệnh. Xung đột Nga – Ukraine là biến cố xảy ra ngoài dự báo của dư luận quốc tế, được coi là sự kiện địa chính trị lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc xung đột cùng những biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Nga và Ukraine, mà còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.
Sự kiện này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, trật tự an ninh không chỉ ở châu Âu mà còn làm thay đổi cục diện thế giới, làm lung lay một số nền tảng quan hệ quốc tế, khiến quan hệ giữa Mỹ, phương Tây với Nga bước sang giai đoạn đối đầu căng thẳng. Các nước lớn tiếp tục xu thế vừa hợp tác vừa cạnh tranh, giành giật ảnh hưởng, trong đó cạnh tranh có phần nổi trội hơn. Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố: “Trật tự thế giới đơn cực đã kết thúc!”[1]. Cả Trung Quốc và Nga đều tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo, sẽ nỗ lực phối hợp chung để xây dựng trật tự thế giới đa cực. Quan hệ Mỹ – Trung Quốc lún sâu vào khó khăn. Hơn thế, Mỹ nhiều lần khẳng định, xung đột Nga – Ukraine không thay đổi nhận định về việc Trung Quốc là đối thủ chiến lược chủ yếu nhất của Mỹ.
Ở châu Á nói riêng, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hết sức phức tạp, vấn đề eo biển Đài Loan, việc tái ổn định Afghanistan sau khi Mỹ rút quân, cùng diễn biến chiến sự đang diễn ra tại Israel sau khi lực lượng Hamas tấn công bằng tên lửa vào nước này ngày 7/10. Châu Á cũng đang phải đối mặt với những thách thức như phát triển kinh tế không đồng đều và các vấn đề an ninh và chính trị nổi bật đòi hỏi các quốc gia cần hợp sức vượt qua trong đó Trung Quốc đóng vai trò quan trọng. Có hai quan điểm và xu hướng trái ngược nhau liên quan đến tương lai của châu Á. Một bên ủng hộ chủ nghĩa đa phương thực sự, hợp tác cùng có lợi, phát triển hội nhập và theo đuổi sự phát triển chung một cách hài hòa. Nhóm còn lại thể hiện sự quay trở lại tâm lý Chiến tranh Lạnh và các liên minh chính trị hóa các vấn đề kinh tế, chia khu vực thành các khối khác nhau, đồng thời gây ra sự chia rẽ và đối đầu[2]. Một “kỷ nguyên mới” mà thế giới đang bước vào đồng thời cũng tạo ra cho Trung Quốc điều kiện để điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình.
Tình hình nội bộ Trung Quốc
Một sự kiện trọng đại với chính trị Trung Quốc năm 2022 là tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua Toàn văn Báo cáo Đại hội với chủ đề giương cao ngọn cờ vĩ đại Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đoàn kết phấn đấu xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại.
Trong báo cáo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước – Tập Cận Bình nêu rõ “đề ra phương châm chiến lược tổng thể giải quyết vấn đề Đài Loan trong thời đại mới, thúc đẩy hai bờ eo biển Đài Loan giao lưu và hợp tác, kiên quyết phản đối hành vi chia rẽ “Đài Loan độc lập”, kiên quyết phản đối thế lực bên ngoài can thiệp, nắm chắc quyền chủ đạo và quyền chủ động trong quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan”[3].
Ngoài ra, Bắc Kinh nỗ lực thúc đẩy toàn diện nền ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại, kiên định bảo vệ công bằng, chính nghĩa quốc tế, đề xướng thi hành chủ nghĩa đa phương thực sự, kiên quyết phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền, phản đối chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và hành vi bắt nạt dưới mọi hình thức một cách không dao động[4]. Sau Đại hội XIX, ngày 28/12/2017, tại Hội nghị Công tác các nhà ngoại giao Trung Quốc làm việc ở nước ngoài, ông Tập Cận Bình đưa ra nhận định từ đó đến nay: “Nhìn ra thế giới, chúng ta đang đứng trước một sự thay đổi lớn chưa từng có trong 100 năm”[5]. Luận đoán được coi là gắn với tên tuổi của ông về thực tại hướng đến tương lai chưa từng có kể từ khi Trung Quốc thoát ra khỏi chế độ phong kiến và các thăng trầm lịch sử đến kỷ nguyên mới khi Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Trung Quốc chấm dứt khoảng thời gian giấu mình chờ thời khi đã đạt được những thành tựu to lớn để tiếp bước đến giấc mơ khôi phục sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Trong suốt quá trình diễn biến của đại dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2022 và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, chính phủ Trung Quốc đã chuyển hóa dần những khó khăn thành mục tiêu mới. Trong đại dịch, Trung Quốc đã tận dụng Vaccine trong nước như đòn bẩy ngoại giao tạo hình ảnh láng giềng thân thiện. Tiếp tục hoàn thiện bố cục tổng thể về ngoại giao, tích cực xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác bao phủ toàn cầu, thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới. Ngày 10/10/2023, Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc công bố Sách trắng về “Chung tay xây dựng “Vành đai và Con đường”: Những thực tiễn quan trọng trong xây dựng cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại”. Trong đó, sách trắng khẳng định sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc nhưng thuộc về thế giới và mang lại lợi ích cho toàn cầu[6]. Đồng thời cho thấy sáng kiến chỉ nhằm mục đích mang lại lợi ích về kinh tế tạo sự thịnh vượng chung không nhằm đến các mục đích chính trị hay áp đặt phụ thuộc lên bất cứ quốc gia nào mà dựa trên tinh thần hợp tác cùng phát triển.
Điều chỉnh mới trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc (2013 – 2023)
Năm 2013, lần đầu tiên định hình khái niệm ngoại giao láng giềng thời Tập Cận Bình
Từ năm 1949 đến nay, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã trải qua ba bước ngoặt phát triển quan trọng mà Đại hội XIX gọi đó là bước khởi đầu “đứng lên”, kế tiếp “giàu lên” và đến nay “mạnh lên”. Tương ứng với các thời kỳ lịch sử phát triển đi cùng sự phát triển ấy, chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng có sự điều chỉnh để đáp ứng mục tiêu chiến lược khác nhau của từng thời kỳ. Sau khi trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chiếm 18,5% nền kinh tế toàn cầu[7], tức là bước vào thời kỳ “mạnh lên”, đặc biệt từ sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, ngoại giao của Trung Quốc cũng chuyển từ “giấu mình chờ thời” sang khởi xướng, dẫn dắt, chủ động tạo ra sân chơi mới, đề ra luật chơi, mạnh dạn đề xuất phương án Trung Quốc, vạch ra “giới hạn đỏ” trong quan hệ quốc tế, cứng rắn trong việc bảo vệ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Tại Báo cáo Đại hội XVIII nêu: “Trung Quốc sẽ kiên trì thân thiện với láng giềng, coi láng giềng là đối tác, củng cố láng giềng hữu nghị, đi sâu hợp tác cùng có lợi, cố gắng làm cho sự phát triển của bản thân bạn đến các nước xung quanh tốt hơn”[8]. Ngoại giao láng giềng – Ngoại giao ngoại vi, một bộ phận quan trọng trong bố cục ngoại giao của Trung Quốc cũng có những thay đổi tương ứng. Trong đó, vị trí các nước xung quanh đều có ý nghĩa nhất định đối với sự tiến lên của dân tộc Trung Hoa.
Về ý nghĩa an ninh, các nước xung quanh có ý nghĩa quan trọng về địa chiến lược đối với Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình nhận định rằng “dù là từ vị trí địa lý, môi trường tự nhiên hay là quan hệ lẫn nhau, xung quanh đối với Trung Quốc đều có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng”[9]. Những khu vực này có thể trở thành vành đai an ninh quan trọng với chiến lược an ninh quốc gia, mở con đường hướng ra biển chống bao vây mà Trung Quốc nhắm đến khi xác định cạnh tranh dẫn đầu thế giới với Mỹ. Để phát triển ổn định, quốc gia cần đảm bảo ổn định về an ninh biên giới với các nước láng giềng. Về cả trên đất liền và trên biển Trung Quốc tiếp giáp và có lợi ích với các khu vực Trung Á, Đông Bắc Á, Nam Á, Đông Nam Á do vậy quan hệ xung quanh giữa Bắc Kinh với các khu vực, quốc gia này là mối quan tâm hàng đầu.
Về mặt kinh tế, Bắc Kinh tiếp tục nhấn mạnh tính chất đối tác, coi các nước xung quanh là đối tác quan trọng hàng đầu. Để phục vụ cho công cuộc cải cách mở cửa trong nước, Trung Quốc coi trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại với các nước láng giềng làm trọng tâm chính sách. “Trung Quốc luôn đặt các nước xung quanh ở vị trí quan trọng hàng đầu trong toàn cục ngoại giao” và “đối tác hợp tác quan trọng hàng đầu của sáng kiến Vành đai và Con đường là các nước xung quanh, đối tượng được hưởng quan trọng đầu tiên cũng là các nước xung quanh”[10]. Sau cùng, thiết lập cơ chế giải quyết những vấn đề tồn tại các nước xung quanh mang lại cho Trung Quốc môi trường ổn định để phát triển. Trung Quốc coi xung quanh là nơi an thân lập mệnh, là cơ sở của phát triển phồn vinh[11]. Trên thực tế, từ khi nước này tiến lên xác lập vị thế nước lớn hầu hết các vấn đề an ninh và ổn định khu vực đều có tên Trung Quốc làm một bên cần giải quyết. Vấn đề với ASEAN trong tranh chấp chủ quyền ở biển Nam Trung Quốc (ta gọi là biển Đông) hay vấn đề kiểm soát đảo Điếu Ngư (Senkaku) ở vùng biển Hoa Đông với Nhật Bản, xô xát biên giới đất liền với Ấn Độ…đều có một phần nguyên do từ Trung Quốc. Trong khi mục tiêu chính sách ngoại giao láng giềng từ khi được đặt nền móng đó là vững chắc tại châu Á và vươn ra thế giới thông qua châu Á. Bởi vậy, muốn phát triển ổn định chỉ có cách điều hòa quan hệ với xung quanh giảm căng thẳng tăng hợp tác để tạo môi trường hòa bình ổn định. Chính sách này có điểm tiếp tục, không thay đổi, nhưng cũng có điều chỉnh nhất định, gắn với dấu ấn cá nhân của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, chúng đan xen với nhau, trong bản thân điểm tiếp tục, không thay đổi, vẫn có điều chỉnh và điều chỉnh để phục vụ điểm không thay đổi.
Năm 2023, lần đầu tiên phát triển, nâng tầm ngoại giao láng giềng dưới dạng là một tài liệu chính thức
Ngày 10/10, Văn phòng Thông tin của Hội đồng Nhà nước đã tổ chức buổi họp báo công bố Sách Trắng “Chung tay xây dựng BRI: Thực tiễn quan trọng trong xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” nhân dịp kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường. Văn bản này khẳng định sáng kiến BRI của Bắc Kinh nhằm giúp đỡ và kiến thiết các quốc gia đang phát triển cho mục tiêu xây dựng cộng đồng tương lai chung thuộc về thế giới. Sau đó không lâu, ngày 24/10/2023, Tân hoa xã đăng tải một tài liệu do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Tôn Vệ Đông công bố với tựa đề “Triển vọng chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”. Hai tài liệu này đều có điểm chung hướng dư luận đến với hình ảnh Trung Quốc đóng góp sáng kiến vì nhân loại, chung tay giúp đỡ cho các quốc gia yếu xóa đi hình ảnh “cá lớn nuốt cá bé” xưa nay. Đây là một dấu hiệu đáng chú ý liên quan đến những điều chỉnh của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng. Lần đầu tiên phát triển, nâng tầm ngoại giao láng giềng dưới dạng một tài liệu chính thức thể hiện chính sách cụ thể. Trước đó, Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc kiên định thi hành chính sách ngoại giao hòa bình độc lập và tự chủ, quyết định lập trường và chính sách của mình, bảo vệ nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, công bằng, chính nghĩa quốc tế. Trong đó đối với quan hệ các nước láng giềng Trung Quốc sử dụng phương châm ngoại giao: Thân, Thành, Huệ, Dung và thân thiện với láng giềng, làm đối tác với tất cả, sâu sắc quan hệ hữu nghị tin cậy lẫn nhau và hội tụ lợi ích với các nước xung quanh[12]. Đến năm 2023, những chính sách của đại hội XX (2022) đã được hiện thực hóa thành một tài liệu chính thức thể hiện chính sách đối ngoại láng giềng thân thiện thúc đẩy hợp tác của Trung Quốc. Ngoại giao láng giềng vẫn tiếp tục phục vụ cho mục tiêu “giấc mộng Trung Hoa”của Trung Quốc kế thừa, phát huy và triển khai thêm các mục tiêu mới. Những hoạch định chiến lược dưới thời ông Tập Cận Bình ngoài việc được cụ thể hóa bằng các tài liệu cụ thể còn được khái quát cao hơn tách biệt hơn với chính sách đối ngoại chung.
Điểm mới về ngoại giao láng giềng Trung Quốc phát triển thêm không chỉ các quốc gia sát với biên giới Trung Quốc mà mở rộng đến lục địa Á – Âu, từ khu vực Tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương chính sách vạch ra tầm nhìn về châu Á trong kỷ nguyên mới về hòa bình, an ninh, thịnh vượng cùng tồn tại hữu hảo[13]. Việc xác định mở rộng này đưa ra khả năng phục hồi châu Á đầy triển vọng. Xây dựng châu Á thành một cộng đồng phát triển kinh tế – khoa học dựa trên sự hợp tác và đoàn kết giữa các quốc gia. Nhìn chung, Trung Quốc đang thể hiện một vai trò quan trọng một nước lớn có trách nhiệm coi trọng láng giềng luôn đề cao láng giềng trong thế cục ngoại giao chung toàn châu Á.
Đông Nam Á và Việt Nam trong chính sách ngoại giao láng giềng mới của Trung Quốc
Đối với khu vực Đông Nam Á
Các quốc gia láng giềng là nơi đặt nền móng cho sự phát triển thịnh vượng của Trung Quốc. Năm 2020 thế giới được chứng kiến một thế cục chưa từng có, dưới tác động của đại dịch và cục diện Trung – Mỹ nóng lên cả kinh tế lẫn quân sự, đến năm 2023 các yếu tố phức tạp đó trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ngày càng gia tăng. Đông Nam Á là khu vực có vị trí địa – chiến lược, các quốc gia trong khu vực đang trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, Tổ chức ASEAN càng thể hiện vị trí, vai trò chính trị quan trọng. Đông Nam Á vì vậy trở thành mối quan tâm lớn trong chính sách đối ngoại của các nước lớn, trong đó có Trung Quốc.
Kể từ Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012, quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng đã tăng tốc nâng cấp và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Mục tiêu của ngoại giao láng giềng đã được nâng cao, từ láng giềng hòa mục, yên ổn, giàu có đến xây dựng cộng đồng chung vận mệnh. Cộng đồng chung vận mệnh theo cách lý giải của Trung Quốc không chỉ hướng đến gắn kết về kinh tế, mà còn phát huy điểm chung, điểm tương đồng, sự chia sẻ mà Trung Quốc thường tuyên truyền là có họa cùng chịu, có phúc cùng hưởng, tức là cùng nhau chia sẻ cả lợi ích và rủi ro, cả cơ hội và thách thức. ASEAN từ lâu đã trở thành khu vực trung chuyển, tập kết hàng hóa quan trọng do hệ thống cảng và nhân công rẻ. Do vậy, kết hợp Sáng kiến Vành đai Con đường một công thức để gắn kết hệ thống giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng Đông Nam Á vào chuỗi sản xuất – cung ứng thế giới tăng cường thêm các điểm đến và đi của hàng hóa Trung Quốc. Khu vực Đông Nam Á có vai trò quan trọng đối với quyền lợi an ninh và chiến lược của Trung Quốc.
Hợp tác cùng có lợi và cùng có lợi ngày càng sâu sắc với các quốc gia láng giềng. Vào năm 2022, tổng khối lượng xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ vượt quá 2,17 nghìn tỷ USD, tăng 78% so với năm 2012. Tổng vốn đầu tư hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN vượt quá 380 tỷ USD[14]. Trung Quốc đi đầu trong việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực và thúc đẩy việc Hiệp định có hiệu lực và thực thi, trao quyền và nâng cao hiệu quả trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.
Trong khoảng giữa năm 2021, thời kỳ đại dịch trở nên trầm trọng ở Trung Quốc, các nước láng giềng châu Á đã chung tay giúp đỡ và hỗ trợ dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi dịch lây lan Trung Quốc đã cung cấp một lượng lớn sự hỗ trợ về trang thiết bị y tế và chia sẻ kinh nghiệm chống dịch phù hợp với nhu cầu của từng nước láng giềng. Ngoài ra, Trung Quốc tích cực sử dụng Vaccine như một cách thức ngoại giao nhằm đưa quan hệ Bắc Kinh – ASEAN phát triển thêm nồng thắm. Đối với Trung Quốc, Đông Nam Á luôn giữ vị thế hàng đầu trong ưu tiên hợp tác.
Vai trò của Đông Nam Á trong chính sách ngoại giao láng giềng kỷ nguyên mới do Trung Quốc công bố ngày càng được củng cố và nâng cao. Tính đến ngày công bố tài liệu này, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác, quan hệ hợp tác hoặc quan hệ chiến lược cùng có lợi với nhiều hình thức và nội hàm phong phú với ASEAN trong tổng số 28 nước láng giềng để xây dựng một cộng đồng chung[*]. Bắc Kinh đã giải quyết các vấn đề biên giới với các nước láng giềng Đông Nam Á trên đất liền thông qua đàm phán và ký kết các hiệp ước láng giềng hữu nghị, hữu nghị và hợp tác. Tích cực đi đầu trong việc tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á và sẵn sàng ký kết đầy đủ. Nghị định thư về Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân vào bất kỳ lúc nào. Từ đó, trên các mặt hợp tác gặt hái được nhiều thành quả. Vành đai và Con đường trở thành cầu nối vững chắc cho việc tăng cường mở cửa thị trường để hợp tác kinh tế. Trung Quốc tích cực mở rộng Vành đai và Con đường Á – Âu với 24 quốc gia đã hợp tác với ASEAN, vận động thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở Hạ tầng Châu Á và Quỹ Con đường Tơ lụa (SRF) để hỗ trợ cho việc xây dựng các dự án. Với nỗ lực chung của các bên, kiến trúc kết nối “sáu hành lang, sáu con đường, nhiều quốc gia, nhiều cảng”[15] về cơ bản đã được hình thành, hợp tác “Vành đai và Con đường” đã đạt được kết quả tốt đẹp.
Hợp tác khu vực ngày càng sâu sắc và thực chất hơn. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc và các nước láng giềng đồng sáng lập đã phát triển thành tổ chức hợp tác khu vực toàn diện lớn nhất và đông dân nhất thế giới. Hợp tác Lancang – Mekong là một hoạt động hợp tác thành công cùng có lợi trong tiểu vùng và vành đai phát triển kinh tế Lancang – Mekong đang hình thành. Trung Quốc tuân thủ tinh thần cởi mở, bao trùm và tích cực tham gia hợp tác đa phương như cơ chế hợp tác Đông Á lấy ASEAN +3 làm trung tâm, hợp tác Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc với APEC.
Đông Nam Á cùng là khu vực tồn tại nhiều bất ổn trong việc quản lý và kiểm soát hiệu quả các vấn đề nóng. Trung Quốc đã tích cực đóng góp công sức của mình vào việc thúc đẩy giải quyết chính trị các vấn đề điểm nóng trong khu vực, đồng thời đưa ra đề xuất và thực hiện các giải pháp cho các điểm nóng mang đặc sắc Trung Quốc. Từ năm 2017, sau khi phán quyết của Tòa trọng tài Liên Hợp Quốc được tuyên bố bác bỏ yêu sách “Đường chín đoạn” của Trung Quốc, chính sách đối ngoại của nước này trên biển với các nước trong Đông Nam Á trở nên linh hoạt, thậm chí có lúc mềm mỏng. Từ những cách tiếp cận trên, chính sách ngoại giao láng giềng đã đạt được nhiều thành quả trong xây dựng hình ảnh với cộng đồng ASEAN, mở rộng đối ngoại đa phương gián tiếp với các đối tác ASEAN trong việc giành ảnh hưởng trước Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, chính sách ngoại giao ngoại vi này cũng tác động hạn chế đến ASEAN khi dần trở lên phụ thuộc Trung Quốc. Các chiến lược xây dựng cộng đồng chung vận mệnh đặt tương lai của các đối tác hòa cùng Trung Quốc trong ván cờ một mất một còn. Thực tế Covid-19 đã để lại nhiều hậu quả, tiêu biểu ở Campuchia với các dự án nhà thầu Trung Quốc đóng cửa trong quá trình thực hiện hoặc tình trạng nợ công quốc gia của Lào từ các khoản vay. Thực trạng trên dẫn đến sự phụ thuộc cùng gia tăng ảnh hưởng từ Trung Quốc gây ra nguy cơ mất đoàn kết trong nội bộ khối ASEAN nhằm lôi kéo sự ủng hộ dành cho Trung Quốc trước những hành động phát triển quân cảng Ream (Campuchia) ảnh hưởng đến an ninh hàng hải khu vực.
Quan hệ Trung – Việt dưới tác động của bối cảnh mới
Việt Nam và Trung Quốc vốn láng giềng gần gũi, núi sông liền kề, có truyền thống hữu nghị lâu đời, là đồng chí Xã hội Chủ nghĩa. Chiều 27/6, tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Hoa, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập khẳng định Bắc Kinh coi Hà Nội là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc; đây là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc trên sự phát triển lâu dài của quan hệ Trung – Việt[16]. Báo cáo Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều lần nhắc đến điểm hội tụ, giao thoa về lợi ích, trong quan hệ với các nước láng giềng, nhấn mạnh làm sâu sắc hơn sự tin cậy hữu nghị. Trong chính sách ngoại giao láng giềng, khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, giữ vị trí quan trọng. Về đầu tư, tính đến tháng 8/2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã có gần 4.000 dự án ở Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 26 tỷ USD, đứng thứ 6/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký mới gần 2,7 tỷ USD[17]. Việt Nam có vị trí cầu nối giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Vì vậy, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc trong khung khổ BRI có ý nghĩa thúc đẩy hợp tác, kết nối khu vực.
Ngay sau thành công của Đại hội XX, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được chính phủ Trung Quốc gửi lời mời thăm chính thức. Nhận lời mời, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao đã tiến hành thăm chính thức Bắc Kinh từ 30/10 – 01/11/2022. Chuyến thăm cho thấy trong bối cảnh an ninh – kinh tế thế giới hết sức phức tạp, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn luôn xem Việt Nam là một quốc gia quan trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ thắm thiết hơn nữa giữa hai đảng. Khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của Việt Nam trong chính sách ngoại giao láng giềng.
Ngày 5/9, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu đã thăm đến Việt Nam và trao đổi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các vấn đề trong quan hệ Việt – Trung. Trong chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước từ ngày 10-11/9/2023 của Tổng thống Joe Biden quan hệ Việt – Mỹ đã có bước phát triển chưa từng có chính thức nâng cấp lên mức Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này đồng nghĩa với sự ưu tiên Việt Nam giành cho Hoa Kỳ ngang bằng với Trung Quốc đối tác truyền thống xưa nay. Dư luận thế giới ghi nhận nhiều ý kiến lo ngại việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong giai đoạn căng thẳng giữa những mâu thuẫn chưa tìm ra cách giải quyết của Mỹ – Trung sẽ gây ra phản ứng mạnh từ Trung Quốc lên Viêt Nam. Tuy nhiên, dẫn lời tờ Responsible State Craft lưu ý: “Rõ ràng là trong khi tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Việt Nam, Washington nghĩ tới Trung Quốc. Nhưng nếu Washington cho rằng vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần Hà Nội sẽ hợp lực với Washington trong lĩnh vực an ninh để chống lại Trung Quốc thì đó sẽ là một sai lầm đáng buồn. Việt Nam có chiến lược đối với Trung Quốc, nhưng đó không phải là chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc”[18].
Nhiều trang tin đưa thông tin về vấn đề Việt Nam và Mỹ, song điều đó hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu chính đáng của Việt Nam, nhằm phục vụ lợi ích kinh tế, hội nhập sâu rộng toàn diện và phát triển đất nước, thể hiện đường lối độc lập, tự chủ. Ngày 16/9, tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, nhân dịp tham dự Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại – đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CABIS) lần thứ 20, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, ông Lý khẳng định “Trung Quốc luôn coi quan hệ với Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc”[19]. Do đó, quan hệ Việt – Trung vẫn giữ nguyên giá trị dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và công việc nội bộ mỗi nước. Đồng thời cho thấy ngoại giao láng giềng không đặt Mỹ làm nhân tố phá hỏng quan hệ tốt đẹp của Trung Quốc với các đối tác.
Một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam
Phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc
Trong 15 năm qua kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008 – 2023), quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển theo hướng thực chất, hiệu quả với nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực. Trung Quốc là nước đầu tiên mà Việt Nam xây dựng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên mà Trung Quốc thiết lập quan hệ này. Hiện nay, môi trường quốc tế và khu vực đang có sự biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc chưa từng có tiền lệ. Thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề an ninh phi truyền thống có mức độ ảnh hưởng sâu rộng đặc biệt ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế toàn cầu. Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine làm thay đổi cán cân quyền lực thổi bùng làn sóng phản đối chính sách bá quyền. Quan hệ Nga – Trung có bước tiến triển đồng thời cũng làm cho quan hê Trung – Mỹ xấu đi theo. Không ngoài cuộc, là đối tác với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, Việt Nam thấy được vai trò của mình trong chiến lược cạnh tranh nước lớn, do đó có chuẩn bị chính sách cân bằng nước lớn hiệu quả. Nhưng nhìn ở một chiều hướng tích cực thì hợp tác để cùng đối mặt và vượt qua thách thức chính là cơ hội để Việt Nam và Trung Quốc tăng cường sự tin cậy, tiếp tục củng cố quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Thứ nhất, lĩnh vực kinh tế, thương mại trở thành điểm sáng nổi bật trong quan hệ láng giềng. Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu với kim ngạch xuất khẩu 2,26 tỷ USD, chiếm 63,6% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả của nước ta. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu năm nay tăng mạnh 133,6% và tăng 47,7% so với tổng kim ngạch cả năm 2022 (1,53 tỷ USD)[20]. Ngoài duy trì tăng trưởng về kim ngạch, hai bên nhấn mạnh đến thương mại điện tử, thúc đẩy an toàn, ổn định chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng giữa hai nước. Về lâu dài, Việt Nam cần đẩy mạnh cởi mở các điều kiện giao thương kinh tế, đơn giản thủ tục thuế quan, hành chính trong xuất nhập khẩu hàng hóa; kích thích doanh nghiệp trong nước ổn định sản xuất tăng sản lượng đi đôi với chất lượng sản phẩm.
Thứ hai, về kết cấu hạ tầng cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối với Trung Quốc, nhất là các tỉnh biên giới. Đã có nhiều kết quả khi hai nước thực hiện kết nối BRI với “Hai hàng lang, một vành đai kinh tế”. Những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện Tuyến đường bộ – đường biển mới phía Tây, coi đó là một hợp phần của BRI ở khu vực phía Nam. Vì vậy, đẩy nhanh kết nối hợp tác Lan Thương – Mê Công, kết nối Việt Nam với Tuyến đường bộ – đường biển bao gồm kết nối từ hướng Quảng Tây và kết nối từ hướng Vân Nam, kết nối đường sắt Vân Nam – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng[21]. Trong hợp tác đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt gần 1,3 tỷ USD với 233 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam[22]. BRI không chỉ có lợi chung cho ASEAN mà riêng Việt Nam cũng được hưởng lợi ích lớn. Để đạt được những thành tựu xa hơn Việt Nam cần tiếp tục đổi mới chính sách thu hút đầu tư, cải cách hành chính, các thủ tục như thành lập doanh nghiệp, cấp phép đầu tư, thẩm duyệt báo cáo tác động môi trường. Xây dựng cơ chế hợp tác song phương đi vào chiều sâu, phát triển hệ thống cảng neo đậu, phát triển dịch vụ và giao thông.
Thứ ba, trong vấn đề an ninh – quốc phòng quan điểm của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển. Việt Nam cần áp dụng luật pháp quốc tế ứng với Công ước Luật Biển 1982, đưa Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) làm cơ sở đàm phán. Thống nhất với Trung Quốc về biện pháp giải quyết tranh chấp trên bộ, trên biển bằng các văn kiện cả hai bên đã ký trước đó.
Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc (tháng 6/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhất quán coi trọng việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc; khẳng định đây là chủ trương nhất quán, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam[23].
Vừa hợp tác vừa đấu tranh
Là một quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Á và tiếp giáp Biển Đông, Việt Nam vừa có biên giới trên đất liền, vừa có vùng biển chồng lấn với các quốc gia láng giềng. Đồng thời, việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang đứng trước những thách thức mới do tình hình thế giới cũng như khu vực đặt ra những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Xung đột Nga – Ukraine tác động sâu sắc đến không chỉ phạm vi châu Âu mà còn tận đến các nước Đông Nam Á, đặc biệt với những quốc gia trong vùng tranh chấp biển Đông. Các nước này quan ngại nguy cơ xung đột nước lớn tương tự xảy ra ở khu vực biển Đông đặc biệt là cạnh tranh Mỹ – Trung phức tạp. Đối với Việt Nam nói riêng, biển Đông có tầm quan trọng chiến lược vô cùng quan trọng về kinh tế cũng như quốc phòng, an ninh. Với ASEAN nói chung, biển Đông mang lại lợi ích kinh tế, con đường giao thương kết nối các nước tạo khối đoàn kết chung về lợi ích của khu vực.
Vấn đề trên biển Đông giữa Việt Nam với Trung Quốc không phải mới xuất hiện mà đã tồn tại lâu dài trước đó. Từ khi ông Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo, một số vấn đề biển đảo nhất là ở khu vực quần đảo Hoàng Sa càng trở lên nóng hơn. Với chính sách ngoại giao láng giềng định hình từ khi ông Tập nắm quyền (2012) luôn khẳng định một thế cục ngoại giao ngoại vi với Việt Nam về vấn đề biển Đông hòa bình, hữu nghị cùng phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế một số hành động từ phía chính quyền Bắc Kinh xung quanh cơ sở pháp lý “đường chín đoạn” và đỉnh điểm vào năm 2014 với sự kiện giàn khoan HD-981. Do đó, trong chính sách đối ngoại của Việt Nam cần nêu cao tinh thần vừa đấu tranh vừa hợp tác.
Thứ nhất, vận dụng những thành quả trong đối ngoại hai Đảng, hai Nhà nước qua bao chặng đường dựa trên phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt. Cùng chính sách ngoại giao thân thiện chủ động làm bạn với tất cả của Việt Nam và Chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới định vị đúng vai trò nước lớn Trung Quốc cam kết giúp đỡ các dân tộc khác hòa cùng sự phát triển chung của nhân loại.
Thứ hai, hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” trong thế độc lập về chủ quyền tự chủ về công việc nội bộ. Thúc đẩy quan hệ hợp tác trên tinh thần“lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”[24], bình đẳng, chân thành, cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền, độc lập nước sở tại và luật pháp quốc tế.
Thứ ba, chú trọng củng cố, xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước, bao gồm ổn định về chính trị, phát triển nhanh và bền vững về kinh tế, nâng cao dân trí, tăng cường tiềm lực quốc phòng. Tăng cường trao đổi thông tin về biên giới đất liền, trên biển chủ động đấu tranh với những hành động tổn hại đến lợi ích đôi bên. Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đổi mới tư duy về quốc phòng và chuyển hóa cách nhìn nhận đối tượng – đối tác trước những xung đột tiềm ẩn.
Thứ tư, duy trì được đường biên giới đất liền hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với Trung Quốc. Trên biển, luôn đảm bảo vùng biển Việt Nam là vùng biển an toàn, hữu nghị, hợp tác, đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán chính đáng dựa trên các nguyên tắc và công ước quốc tế. Tranh thủ tối đa sự ủng hộ của bạn bè thế giới trên cơ sở chủ trương thêm bạn, bớt thù; khai thác triệt để mặt đối tác nhằm bảo đảm lợi ích lâu dài và chắc chắn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Tổng hợp và phân tích: Phạm Quang Hiền
Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Nguyễn Anh Tuấn (2023), “Một số tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine tới cục diện thế giới”, Tạp chí Tuyên giáo Trung ương. https://tuyengiao.vn/the-gioi/mot-so-tac-dong-cua-cuoc-xung-dot-nga-ukraine-toi-cuc-dien-the-gioi-146676
[2] (2023), “Outlook on China’s Foreign Policy on Its Neighborhood In the New Era”, Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China. https://www.fmprc.gov.cn/eng/wjdt_665385/2649_665393/202310/t20231024_11167100.htm
[3] [4] (2022), “Toàn văn Báo cáo tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, 中华人民共和国驻胡志明市总领事馆. http://hochiminhcity.china-consulate.gov.cn/xwdt/202210/t20221026_10792286.html
[5] Nguyễn Thị Phương Hoa (2022), “Trao đổi kinh nghiệm, hợp tác lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bối cảnh mới”, Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thong-tin-ly-luan/-/2018/825020/trao-doi-kinh-nghiem%2C-hop-tac-ly-luan-giua-dang-cong-san-viet-nam-va-dang-cong-san-trung-quoc-trong-boi-canh-moi.aspx
[6] Hữu Hưng (2023), “Trung Quốc công bố Sách trắng về sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Báo Nhân dân.https://nhandan.vn/trung-quoc-cong-bo-sach-trang-ve-sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-post776792.html
[7] Ngọc Vân (2022), “Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới thế nào?”, Báo Lao động. https://laodong.vn/tu-lieu/trung-quoc-tro-thanh-nen-kinh-te-lon-thu-2-the-gioi-the-nao-1110783.ldo
[8] [12] Nguyễn Thị Phương Hoa & Trần Thị Hải Yến (2020), “Ngoại giao láng giềng của Trung Quốc từ Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay”, Tạp chí Điện tử Lý luận chính trị. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/3320-ngoai-giao-lang-gieng-cua-trung-quoc-tu-dai-hoi-xviii-dang-cong-san-trung-quoc-den-nay*.html
[9] 李源 & 常雪梅 (2013), “习近平在周边外交工作座谈会上发表重要讲话强调 :为我国发展争取良好周边环境”, 人民网-人民日报. http://cpc.people.com.cn/n/2013/1026/c64094-23333683.html
[10] 王佳宁 (2015), “深化合作伙伴关系 共建亚洲美好家园”, 新华网. http://www.xinhuanet.com//politics/2015-11/07/c_1117071978.htm
[11] 周光扬 (2014), “习近平在印度世界事务委员会的演讲”, 新华网. http://www.xinhuanet.com//politics/2014-09/19/c_1112539621.htm
[13] 白宇 & 卫嘉 (2023), “新时代中国的周边外交政策展望”, 人民网. http://politics.people.com.cn/n1/2023/1025/c1001-40102613.html
[14] [15] (dịch) Nguyễn Phượng (2023), “Chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”, Nghiên cứu Chiến lược. https://nghiencuuchienluoc.org/chinh-sach-ngoai-giao-lang-gieng-cua-trung-quoc-trong-ky-nguyen-moi/
[16] Dương Ngọc (2023), “Việt Nam – Trung Quốc: Ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng”, Báo Người Lao Động. https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/viet-nam-trung-quoc-uu-tien-trong-chinh-sach-ngoai-giao-lang-gieng-20230627222021009.htm
[17] [24] An Nhi (2023), “Hợp tác Việt Nam – Trung Quốc trong khung khổ sáng kiến Vành đai và con đường góp phần thúc đẩy phát triển, kết nối khu vực”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo.
[18] Elena Nikulina (2023), “Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cấp quan hệ. Những ai sẽ thua?’, sputniknews. https://sputniknews.vn/20230916/viet-nam-va-hoa-ky-se-duoc-huong-loi-tu-viec-nang-cap-quan-he-nhung-ai-se-thua-25306642.html
[19] Hà Nhân (2023), “Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc”, Báo Tiền phong. https://tienphong.vn/viet-nam-la-huong-uu-tien-trong-chinh-sach-ngoai-giao-lang-gieng-cua-trung-quoc-post1569688.tpo
[20] Phan Đức (2023), “Trung Quốc là thị trường đứng đầu về nhập khẩu rau quả Việt Nam”, Công an Nhân dân. https://cand.com.vn/kinh-te/trung-quoc-la-thi-truong-dung-dau-ve-nhap-khau-rau-qua-viet-nam-i707874/
[21] (2022), “Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc”, Tạp chí Tuyên giáo Trung ương. https://tuyengiao.vn/thoi-su/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-141481
[22] Song Anh (2023), “Thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. https://dangcongsan.vn/tieu-diem/thuc-day-quan-he-lang-gieng-huu-nghi-hop-tac-toan-dien-viet-nam-trung-quoc-646706.html
[23] Hà Văn (2023), “Chuyến thăm chính thức Trung Quốc và tham dự Hội nghị WEF Thiên Tân của Thủ tướng Phạm Minh Chính đạt nhiều kết quả quan trọng”, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chuyen-tham-chinh-thuc-trung-quoc-va-tham-du-hoi-nghi-wef-thien-tan-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-dat-nhieu-ket-qua-quan-trong-119230629083733049.htm
[*] Gồm: Afghanistan, Pakistan, Triều Tiên, Timor-Leste, Nga, Philippines, Kazakhstan, Hàn Quốc, Kyrgyzstan, Campuchia, Lào, Maldives, Malaysia, Mông Cổ, Bangladesh, Myanmar, Nepal, Nhật Bản, Sri Lanka, Tajikistan, Thái Lan, Turkmenistan, Brunei, Uzbekistan, Singapore, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam.
Bình Luận 1