Mặc dù chi tiêu quân sự của Nhật Bản ít hơn so với Trung Quốc, nhưng rõ ràng nước này đang tập trung vào việc phát triển sức mạnh quân sự một cách có chọn lọc để đạt được một mục đích duy nhất. Vì vậy, cần đề cao cảnh giác và ứng phó thích đáng với những bất thường và những tính toán sắp được thực hiện đằng sau ngân sách quân sự.
Vào ngày 29 tháng 3, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua tổng ngân sách quân sự là 6,6 nghìn tỷ yên, tăng tới 27%, đây là mức tăng cao nhất trong gần 70 năm. Đọc kỹ các tài liệu giải thích về ngân sách của Bộ Quốc phòng và lướt qua các tờ báo lớn của Nhật Bản, bạn có thể tìm thấy “năm điểm bất thường lớn” đằng sau nó.
Sự bất thường đầu tiên là sức mạnh của quân đội ít nhất tăng gấp đôi. Chi tiêu quân sự của Nhật Bản bao gồm hai phần: phần thứ nhất là chi phí cho vấn đề nhân sự khoảng 2 nghìn tỷ yên, chủ yếu được sử dụng để trả lương; phần thứ hai là chi phí hàng hóa, được sử dụng để bảo trì, mua vũ khí, thiết bị, nghiên cứu và phát triển công nghệ, cơ sở vật chất. Vì việc sản xuất vũ khí mất nhiều thời gian nên hầu hết các hợp đồng đều kéo dài vài năm. Bộ Quốc phòng thanh toán “khoản đặt cọc” trong năm đầu tiên và phần còn lại sẽ được chi trả thành nhiều đợt trong vài năm tiếp sau đó. Do đó, phần lớn chi phí cho các hợp đồng quân sự thực chất là một khoản cho vay trả góp. Nói cách khác, có một sự chậm trễ trong ngân sách quân sự phản ánh cường độ xây dựng quân đội của Nhật Bản. “Số lượng hạng mục hợp đồng” được Bộ Quốc phòng ký kết mới hàng năm là chỉ số tốt nhất về khả năng xây dựng quân đội hiện nay. Theo tài liệu ngân sách, Bộ Quốc phòng đã ký “số lượng hợp đồng hàng hóa” lên tới 9 nghìn tỷ yên trong năm 2023 và có kế hoạch ký tổng cộng 43 nghìn tỷ yên trong giai đoạn 2023-2027. Điều này có thể cho thấy sức mạnh quân sự của Nhật Bản sẽ tăng ít nhất “gấp đôi”. Để tăng tốc độ tăng cường sức mạnh quân sự, Bộ Quốc phòng hoàn toàn không quan tâm đến “khả năng chi trả của họ”, và đang điên cuồng tăng số tiền “đi vay”.
Điều bất thường thứ hai là việc xây dựng lực lượng tấn công quy mô lớn và có hệ thống. Năm nay, Bộ Quốc phòng đã đầu tư 1,4 nghìn tỷ yên (số tiền theo hợp đồng) để phát triển cái gọi là “lực lượng phòng vệ ngoài khu vực” (một cái tên để ngụy trang của Nhật Bản dành cho lực lượng tấn công). Con số này đã vượt quá tổng số lượng vũ khí và thiết bị đã mua trong những năm trước. Trong số đó, 93,9 tỷ yên được sử dụng để mua “tên lửa chống hạm cải tiến Type 12” và 12,7 tỷ yên được sử dụng để đưa tên lửa JASSM vào biên chế. Mặc dù Bộ Quốc phòng “kín tiếng” về số lượng tên lửa nhưng căn cứ vào giá mua vũ khí dẫn đường trước đây của Nhật Bản và giá JASSM do Mỹ xuất khẩu, có thể suy đoán số lượng mua của hai loại này lên tới hàng trăm chiếc mỗi năm. Với việc hoàn thành nghiên cứu và phát triển các biến thể phụ của Type 12, số lượng đơn đặt hàng có thể tăng hơn nữa trong tương lai. Tên lửa này tuy gọi là tên lửa chống hạm, nhưng thực chất là một loại tên lửa hành trình tàng hình hoàn toàn mới, có khả năng tấn công cả tàu và mặt đất, phạm vi phóng trên đất liền có thể bao phủ hầu hết các vùng biển xung quanh Trung Quốc và hàng trăm km dọc theo bờ biển, và nó hoàn toàn không phải là một “vũ khí sử dụng để tự vệ”.
Một dự án quy mô lớn đáng chú ý khác là chi 200 tỷ yên để phát triển vũ khí siêu thanh tiên tiến. Hình ảnh thu nhỏ cho thấy tên lửa này có khả năng là tên lửa hai tầng mà Bộ Quốc phòng cho biết có tầm bắn xa hơn các phiên bản trước. Điều này có nghĩa là Nhật Bản có khả năng chính thức bắt đầu phát triển vũ khí siêu thanh tầm trung.
Các bản vẽ mang tính mô phỏng có trong tài liệu ngân sách cho thấy Bộ Quốc phòng dự kiến sử dụng các mạng lưới vệ tinh và máy bay không người lái để nhắm vào các mục tiêu của kẻ thù trước khi tấn công bằng vũ khí tầm xa. Để nâng cao tính kịp thời của trinh sát, Lực lượng Phòng vệ đã bắt đầu thử nghiệm việc truyền hình ảnh vệ tinh tốc độ cao, dự định sẽ phóng một mạng lứoi vệ tinh bao gồm 50 vệ tinh trinh sát, đồng thời sẽ giới thiệu nhiều loại máy bay không người lái trinh sát; Để tăng tốc độ ra quyết định, trí tuệ nhân tạo sẽ được ứng dụng để hỗ trợ. Các dự án nghiên cứu phát triển và thử nghiệm trên chứng minh rằng Nhật Bản muốn sử dụng vũ khí tấn công để tấn công các mục tiêu “nhạy cảm về thời gian”, họ không hài lòng với việc “tiếp cận đối thủ” chỉ để răn đe, mà là gây thiệt hại thực sự cho đối thủ.
Điều bất thường thứ ba là phần lớn lực lượng mới tập trung ở quần đảo Tây Nam. Với việc khai trương cơ sở Ishigaki, Lực lượng Phòng vệ đã đóng quân trên tất cả các hòn đảo lớn của Quần đảo Tây Nam, nhưng việc tăng cường triển khai theo hướng này vẫn chưa dừng lại. Sau khi hoàn thành 2 tàu Aegis mới, 8 tàu Aegis hiện tại sẽ chủ yếu được triển khai ở quần đảo Tây Nam, và các tàu này sẽ được trang bị tên lửa hành trình “Tomahawk”. Theo truyền thông Nhật Bản, trong tương lai, một nửa trong số 14 đơn vị được trang bị “tên lửa phòng không Type 03 cải tiến” cũng như “tên lửa chống hạm Type 12 cải tiến”. Điều này sẽ khiến nó không còn là “mắt xích yếu” nơi cửa ngõ của Bộ Quốc phòng, quần đảo Tây Nam chính là nơi tập kết các lực lượng tiến công và phòng ngự mới. Việc triển khai tập trung này là cực ít thấy kể sau Thế chiến II.
Điều bất thường thứ tư là giả thiết về việc sử dụng vũ lực ẩn chứa nhiều bí ẩn. Bộ Quốc phòng tuyên bố rằng vào năm 2027, một lực lượng quân sự đóng vai trò là lực lượng chính “có khả năng đối phó cơ bản với sự xâm lược vào Nhật Bản” sẽ được thành lập. Hiện nay, Nhật Bản coi Trung Quốc là “thách thức chiến lược chưa từng có”. Mặc dù trong “Sách trắng quốc phòng” không thiếu những lời vu khống chống lại Trung Quốc, nhưng chưa bao giờ người ta đồn đoán rằng một cuộc chiến tranh có thể nổ ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản về vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Trên thực tế, chính việc Nhật Bản gần đây cho phép cánh hữu vi phạm lãnh hải của quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) trong một thời gian dài, đã khiến lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc phải tiếp tục thực thi pháp luật. Điều này cũng chứng tỏ chính phủ Nhật Bản không lo ngại việc tranh chấp lãnh thổ có thể dẫn đến chiến tranh. Vậy, “sự xâm lược” đến từ đâu? “Chiến lược An ninh Quốc gia” của Nhật Bản đã tuyên bố rằng họ sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn “các cuộc khủng hoảng xung quanh và những thay đổi mang tính đơn phương nhằm đe dọa đến hiện trạng của Nhật Bản”, đồng thời sẽ thực hiện các biện pháp khác nhau dựa trên “lập trường mong đợi một giải pháp hòa bình cho các vấn đề xuyên eo biển”. Kể từ năm 2020, chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần thảo luận về “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, các quan chức cấp cao đã nhiều lần nhấn mạnh rằng “khủng hoảng ở eo biển Đài Loan” chính là “khủng hoảng ở Nhật Bản”. Có thể thấy, cái gọi là “xây dựng một lực lượng quân sự tập trung đối với Nhật Bản để đối phó với xâm lược” chỉ là cái cớ cho việc “chuẩn bị can thiệp vào eo biển Đài Loan bằng lực lượng quân sự của Mỹ”.
Điều bất thường thứ năm là giới truyền thông Nhật Bản đã làm ngơ trước “con voi trong phòng[1]”. Khắp các tờ báo lớn, các báo cáo về ngân sách quân sự chỉ giới hạn ở mức “tăng 27%” và “đoán xem chính phủ Nhật Bản tập hợp các nguồn tài chính bằng cách nào”. Hợp đồng lên tới 9 nghìn tỷ yên và số lượng tên lửa với sản lượng hàng trăm tên lửa hàng năm đáng để đào sâu nghiên cứu trong các báo cáo đề xuất, nhưng không có tờ báo nào đề cập đến nó. Về tính bất hợp pháp và nguy cơ can thiệp của Nhật Bản vào vấn đề Đài Loan, nước này hoặc làm ngơ hoặc phớt lờ. Điều này khiến mọi người liên tưởng đến nhóm nhỏ các nhà báo mang đặc trưng của Nhật Bản, tự hỏi liệu chính phủ Nhật Bản có thao túng giới truyền thông hay không. Trong môi trường dư luận như vậy, người dân Nhật Bản rất “nhiệt tình” can thiệp vào eo biển Đài Loan. Các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ người dân Nhật Bản ủng hộ sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào eo biển Đài Loan thực sự cao hơn so với Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, Hoa Kỳ sẽ sử dụng các căn cứ quân sự ở Nhật Bản.
Mặc dù chi tiêu quân sự của Nhật Bản ít hơn so với Trung Quốc, nhưng rõ ràng nước này đang tập trung vào việc phát triển sức mạnh quân sự một cách có chọn lọc để đạt được một mục đích duy nhất. Vì vậy, cần đề cao cảnh giác và ứng phó thích đáng với những bất thường và những tính toán sắp xảy ra đằng sau việc điều chỉnh ngân sách quân sự này/.
Biên dịch: Hoàng Hải
Tác giả: Từ Vĩnh Chi (徐永智) là cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Đông Bắc Á thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc.
Chú thích:
[1] “Con voi trong phòng” nhằm ám chỉ một vấn đề lớn, rất dễ nhận ra nhưng trên thực tế lại bị người ta lờ đi như không có.