Trang Politico của Mỹ đăng bài phân tích so sánh hai sự kiện gần đây: Một là khung cảnh Tổng thống Mỹ Biden khi đến thăm Kiev với tư thế chiến thắng và bài phát biểu hùng tráng, hùng hồn. Hai là việc Thủ tướng Đức Scholz đột ngột đến thăm Washington, không có truyền thông tháp tùng, không họp báo, không nghi lễ, không thỏa thuận, chỉ để thảo luận về tình hình nghiêm trọng của cuộc xung đột Nga-Ukraine[1].
Hai câu chuyện
Chiến tranh Nga-Ukraine đã diễn ra được một năm và luôn có hai cách mô tả khác nhau trong việc phân tích tình hình chiến sự. Câu chuyện đang tràn ngập trên các phương tiện truyền thông phương Tây mô tả quân đội Ukraine đã dũng cảm chống trả và quân đội Nga đã có một khởi đầu tồi tệ. Lấy tạp chí Foreign Affairs của Mỹ số đầu tiên năm nay làm ví dụ, bài báo đăng tải không chỉ nói về thất bại của quân đội Nga trên chiến trường mà còn cho rằng thất bại đó sẽ gây chia rẽ chính trị ở Nga và phương Tây nên dọn dẹp mớ hỗn độn đó như thế nào[2]. Những câu chuyện không chính thống mô tả điều ngược lại chỉ có thể được nhìn thấy trên các nền tảng xã hội. Cách đây một thời gian, sau khi phóng viên nổi tiếng Hersh đăng một bài báo cho rằng vụ nổ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên “Dòng chảy Phương Bắc” là do Mỹ gây ra, trong một cuộc phỏng vấn, ông đã khẳng định rõ ràng: Tình hình chiến tranh Nga-Ukraine hoàn toàn không phải như những gì truyền thông Phương Tây mô tả.
Những tường thuật như vậy chủ yếu từ các cựu quan chức Lầu Năm Góc hoặc các nhà phân tích cũ của CIA, có ít người tiếp cận được cũng có nghĩa là nó ít gây ra ảnh hưởng. Họ cho rằng khi Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”, ông đã thực sự đánh giá thấp phản ứng của NATO, cho rằng chỉ cần chưa tới 200.000 quân là có thể răn đe Kiev. Do vậy, Nga không thực sự huy động nhân lực, vật lực, không muốn Ukraine chịu thiệt hại quá lớn. Xét cho cùng, trong mắt Nga, Ukraine vẫn là anh em. Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa đưa ra lập trường cứng rắn, buộc Kiev nghiêm túc thực hiện thỏa thuận Minsk. Đầu tháng 4 năm ngoái, Ukraine sẵn sàng lùi bước nhưng Mỹ ngấm ngầm cản trở hiệp định không ký kết, NATO hoàn toàn ủng hộ cuộc phản công của quân đội Ukraine.
Vào mùa hè năm ngoái, lực lượng Nga không đủ mạnh để bảo vệ các khu vực bị chiếm đóng và phải rút lui. Phương Tây rất phấn khích, cả quan chức và các nhà tuyên truyền đều tin rằng Ukraine có thể đẩy lùi quân đội Nga, thu hồi Crimea, thậm chí có thể buộc Putin phải từ chức và đạt được sự thay đổi chế độ ở Nga. Họ không biết rằng những thất bại này đã khiến Nga phải đánh giá lại tình hình và nhận ra rằng Ukraine về cơ bản đã trở thành một con tốt thí của NATO. Kể từ tháng 9 năm ngoái, Nga đã thực sự bắt đầu huy động nhân lực và vật lực, và mục đích của cuộc chiến đã trở thành phi quân sự hóa Ukraine, tức là đánh bại thực sự năng lực quân sự của Ukraine.
Mọi thứ đang thay đổi
Hai câu chuyện này đã trải qua những thay đổi tinh tế trong khoảng một tháng qua. Các phương tiện truyền thông chính thống đã dần trở nên bi quan hơn, mặc dù chính quyền Biden vẫn tràn đầy tự tin. Truyền thông phương Tây bắt đầu đưa tin trận chiến Bakhmut diễn ra bi thảm, quân đội Ukraine thương vong nặng nề. “News Weekly” tuyên bố [3] rằng thời gian trung bình của những người lính Ukraine sống sót ở Bakhmut chỉ là bốn giờ. Tờ “Washington Post” thậm chí còn tỏ ra lảng tránh[4], cho rằng cố vấn quân sự Mỹ đề nghị rút quân khỏi Bakhmut vì cho rằng ý nghĩa chiến lược của nó không lớn, nhưng Tổng thống Ukraine Zelensky kiên quyết không bỏ cuộc và tiếp tục tăng cường lượng lớn sức mạnh quân sự; phía Hoa Kỳ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tôn trọng quyết định quân sự của Ukraine.
Cựu lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ hiện đang chiến đấu trong Quân đoàn quốc tế tại Ukraine, nói với ABC News rằng ở Bakhmut, những người lính Ukraine chiến đấu trên tiền tuyến chỉ có thể sống sót trong khoảng bốn giờ.
Tất nhiên, họ cũng cho rằng quân đội Nga đã phải trả giá đắt khi tấn công Bakhmut. Chỉ là bọn họ vẫn phải thừa nhận, chủ lực của quân đội Nga ở Bachmut là Quân đoàn đánh thuê Wagner, bọn họ cũng đã đưa ra rất nhiều báo cáo cơ bản về lực lượng tư nhân này. Wagner quân số ước tính cao nhất khoảng chừng 5 vạn, đã tham chiến từ khi cuộc chiến bắt đầu. Đến thời điểm này, quân đội Ukraine đã phải chịu thương vong nặng nề. Đối với 300.000 quân Nga do Putin điều động vào tháng 9 năm ngoái, họ vẫn đang trong quá trình huấn luyện, và họ chỉ thỉnh thoảng được cử ra tiền tuyến để “thử lửa” chứ chưa thực sự chiến đấu.
Bakhmut là pháo đài phòng thủ mà Ukraine dày công xây dựng trong 8 năm sau khi khủng hoảng nổ ra vào năm 2014 và Zelensky nhất quyết không bỏ cuộc tại Bakhmut. Kết quả là một lượng lớn quân đội Ukraine bị đưa vào thế nồi hầm. Từ tháng 8 năm ngoái, họ đã đối đầu với Quân đội Wagner và bị tiêu hao. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu hiện tại của Nga, khiến cho quân đội Ukraine bị bào mòn và cuối cùng đạt được phi quân sự hóa Ukraine. Ngay cả các phương tiện truyền thông chính thống cũng thừa nhận[5] rằng thất bại của quân đội Ukraine ở Bakhmut đã làm suy yếu khả năng phát động một cuộc phản công chiến lược.
Một báo cáo của Wall Street Journal có tiêu đề “Quân đoàn Wagner của Nga rút cạn sức mạnh của Ukraine tại Bakhmut” tuyên bố rằng những tổn thất của quân đội Ukraine tại Bakhmut đã làm suy yếu khả năng phát động một cuộc phản công chiến lược.
Về trang bị, quân đội Ukraine cũng gặp khó khăn. Vốn dĩ ai cũng cho rằng công nghiệp quân sự của Mỹ đứng đầu thế giới, nhưng những câu chuyện không chính thống (ở phương Tây) đã nhiều lần chỉ ra rằng Mỹ đã đối phó với những đối thủ không có nền sản xuất công nghiệp như Việt Nam, Iraq, Afghanistan trong gần nửa thế kỷ. Đối phó với Nga, một quốc gia có lực lượng quân sự lớn như vậy, cần phải huy động công nghiệp quân sự khổng lồ. Cho đến nay, vũ khí hỗ trợ Ukraine của NATO về cơ bản là từ lượng dư thừa trong kho dự trữ, đã sử dụng nhiều nguồn lực để tham gia sản xuất quân sự nhằm cứu Ukraine nhưng không giành được sự ủng hộ của người dân phương Tây. Hơn nữa, mặc dù Hoa Kỳ có công nghệ cao, nhưng trong 20 đến 30 năm qua, quá nhiều nhà máy đã bị đóng cửa, thiết bị phải được mua lại và sự mất mát của công nhân lành nghề cũng khá nghiêm trọng. Bây giờ đẩy mạnh đầu tư, xây dựng thì phải mấy năm nữa mới xây xong. Trên chiến trường Bakhmut, quân đội Nga bắn hàng chục nghìn quả đạn mỗi ngày, trong khi quân đội Ukraine chỉ bắn vài nghìn quả, tuy nhiên lượng tiêu thụ đã vượt quá khả năng sản xuất của Mỹ rất nhiều, kho dự trữ của NATO cũng không còn bao nhiêu [6].
Gần đây, các phương tiện truyền thông chính thống của phương Tây cũng bắt đầu đưa tin Quân đội Ukraine không đủ đạn dược, Tổng thư ký NATO đã ra mặt nói rằng lượng tiêu thụ đạn dược của Quân đội Ukraine như hiện tại sẽ không thể duy trì đến mùa hè này. Tờ “Wall Street Journal” thậm chí còn tuyên bố rằng các chuyên gia tư vấn quân sự Hoa Kỳ đã thiết kế một chương trình huấn luyện mới cho quân đội Ukraine: với trọng tâm là cách tiết kiệm đạn dược [7] . Kể từ Thế chiến II, quân đội Hoa Kỳ luôn ném bom bừa bãi. Nếu không phải “Wall Street Journal” nói như vậy, nhiều người thật sự sẽ không tưởng tượng được một hình ảnh quân đội Hoa Kỳ lại vất vả tiết kiệm đạn dược.
Một báo cáo của Wall Street Journal, “Quân đội Ukraine huấn luyện để tiết kiệm đạn dược”
Phân tích quân sự chính thống (của phương Tây) vẫn không lạc quan về cuộc phản công của Nga [8]. Cơ sở chính là hai điểm: thứ nhất, những tân binh được quân đội Nga huy động đã trực tiếp tham gia phản công và thiếu kinh nghiệm; thứ hai, trận chiến Nga-Ukraine đã bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống chỉ huy của quân đội Nga, rất khó thay đổi trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này cũng rất ít khi thấy các nhà phân tích quân sự Mỹ, thay vì phân tích điểm mạnh, điểm yếu của địch và ta về nhân lực, binh lực, thì họ lại đặt hy vọng thắng lợi vào sự thiếu kinh nghiệm và sai lầm chỉ huy của đối phương.
Những tính toán sai lệch so với thực tế
Từ góc độ tổng thể của các nhân tố chiến lược, Ukraine cũng đang ở một vị trí cực kỳ bất lợi. Các cuộc tấn công của quân đội Nga đang phá hủy cơ sở hạ tầng ở Ukraine, đặc biệt là nguồn cung cấp năng lượng. Khi chiến tranh mới bắt đầu, quân đội Nga không sẵn sàng thực hiện kiểu tấn công chiến lược này và các nhà phân tích phương Tây vẫn cho rằng điều đó là không thể tưởng tượng được. Đến đầu tháng 10 năm ngoái, cây cầu Crimea phát nổ, và kể từ đó các cuộc tấn công đáp trả bằng tên lửa của Nga đã khiến cơ sở hạ tầng ở Ukraine bị hư hại nặng nề.
Mặt khác, theo số liệu do viện nghiên cứu chính sách Brookings của Mỹ công bố gần đây trên tờ “Washington Post” [9]: Kể từ sau chiến tranh, chi tiêu tài chính của chính phủ Ukraine cao hơn gấp đôi so với thu lại; tỷ lệ lạm phát hàng năm vượt quá 25%; xuất khẩu có tổng giá trị giảm xuống còn khoảng một nửa so với trước chiến tranh. Có thể nói nền kinh tế và tài chính đang trong tình trạng “bán tê liệt”, hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Hơn nữa còn tổn thất nghiêm trọng về dân số, 8 triệu người chạy sang châu Âu, gần 3 triệu người chạy sang Nga. Trước chiến tranh, Ukraine có dân số 40 triệu người, một phần tư trong số đó đã bị mất đi trong vòng một năm. Hơn 5 triệu người cũng phải di dời khỏi các khu vực chiến sự trong nước.
Dữ liệu do Washington Post công bố: Thay đổi về thu và chi ở Ukraine trong khoảng thời gian từ tháng 1/ 2021 đến tháng 12/2022.
Số liệu do “Washington Post” công bố: Tỷ lệ lạm phát của Ukraine từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2023 (biểu đồ bên trái), xuất khẩu của Ukraine giảm mạnh kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine (biểu đồ bên phải).
Theo số liệu do Washington Post công bố: Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, khoảng 5,4 triệu người Ukraine đã phải di tản (hình bên trái) và 8 triệu người Ukraine đã chạy sang các nước châu Âu khác.
Theo số liệu do Washington Post công bố: Sau khi bùng nổ xung đột Nga-Ukraine, 2,85 triệu người Ukraine đã đổ sang Nga.
Để so sánh, Nga có tổng dân số 140 triệu người. Sau khi chiến tranh nổ ra, 900.000 người đã rời đi, truyền thông phương Tây nhận định đây là một tổn thất lớn về dân số. Một năm sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề nhất đối với Nga, tỷ giá hối đoái của đồng Rúp về cơ bản đã trở lại mức trước chiến tranh. Kinh tế Nga năm ngoái suy giảm 2,2%, giá cả cơ bản ổn định. Phương Tây cũng không hoàn toàn cắt đứt dòng nhập khẩu năng lượng từ Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thậm chí còn ước tính rằng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm nay, tất nhiên, Reuters đưa tin rằng ước tính của IMF là quá lạc quan [10].
Những diễn biến này cho thấy NATO do Mỹ đứng đầu đã đi lệnh hướng so với thực tế trong các tính toán chiến lược của mình. Sau cuộc phản công ở Ukraine vào mùa hè năm ngoái, ảo tưởng chiến lược đã xuất hiện ở phương Tây và các phương tiện truyền thông chính thống (của phương Tây) cũng làm theo. Họ cho rằng cuộc chiến tranh ủy nhiệm sử dụng quân đội Ukraine có thể đánh bại quân đội Nga, từ đó khiến Putin phải từ chức, gây ra cuộc cách mạng màu ở Nga, thậm chí chia rẽ nước Nga. Họ đã không tính toán kỹ lưỡng tương quan sức mạnh giữa Nga và Ukraine, không suy nghĩ rõ ràng về chi phí và đầu tư cần thiết, và không ước tính đúng hậu quả chiến lược dẫn đến. Những giọng điệu bi quan và bình tĩnh bắt đầu xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thống của phương Tây, dần dần khẳng định việc phân tích nhân lực, vật lực và chiến lược bằng những câu chuyện không chính thống, có lẽ một số người trong cơ sở đã nhận ra rằng cục diện chiến tranh Nga-Ukraine đang thay đổi.
Biên dịch: Hoàng Hải
Nguồn: 修木, 西方主流叙事逐渐向非主流叙事靠近:俄乌战场正在发生什么?, 澎湃新闻 ∙ 外交学人, 13.3.2023
Chú thích:
[1] Jonathan Lemire and Eli Stokols, Biden’s triumphant visit to Kyiv gives way to a sober war reality. Politico, March 3, 2023. https://www.politico.com/news/2023/03/03/biden-ukraine-visit-00085343
[2] Liana Fix and Michael Kimmage, Putin’s Last Stand. Foreign Affairs, Jan./Feb. 2023. https://www.foreignaffairs.com/russian-federation/putin-last-stand-russia-defeat
[3] Anna Skinner, Bakhmut Life Expectancy Near Four Hours On Frontlines, Fighter Warns. Newsweek, Feb. 20, 2023. https://www.newsweek.com/bakhmut-life-expectancy-near-four-hours-frontlines-ukraine-russia-1782496
[4] Yasmeen Abutaleb and John Hudson, U.S. warns Ukraine it faces a pivotal moment in war. Washington Post, Feb. 13, 2023. https://www.washingtonpost.com/politics/2023/02/13/us-ukraine-war-critical-moment/
[5] Yaroslav Trofimov, Russia’s Wagner Troops Exhaust Ukrainian Forces in Bakhmut. Wall Street Journal, March 5, 2023. https://www.wsj.com/articles/russias-wagner-troops-exhaust-ukrainian-forces-in-bakhmut-b58e726c
[6] Marc Santora and Shashank Bengali, As Russia and Ukraine expend ammunition at a staggering rate, the race to rearm takes on added urgency. New York Times, Feb. 15, 2023. https://www.nytimes.com/live/2023/02/15/world/russia-ukraine-news#as-russia-and-ukraine-expend-ammunition-at-a-staggering-ratethe-race-to-rearm-takes-on-added-urgency
[7] Daniel Michaels and Nancy A. Youssef, Ukraine’s Troops Will Need Fewer Bullets and Shells After Training, U.S. Hopes. Wall Street Journal, Feb. 14, 2023. https://www.wsj.com/articles/ukraines-troops-will-need-fewer-bullets-and-shells-after-training-u-s-hopes-62081a97
[8] MICHAEL KOFMAN AND NICHOLAS DANFORTH, RUSSIA’S WINTER OFFENSIVE. War on the Rocks, Feb. 18, 2023. https://warontherocks.com/2023/02/russias-winter-offensive/
[9] Michael O’Hanlon, Constanze Stelzenmüller and David Wessel, These charts suggest peace isn’t coming to Ukraine anytime soon. Washington Post, Feb. 21, 2023. https://www.washingtonpost.com/opinions/interactive/2023/ukraine-war-statistics-territory-refugees-economy/
[10] Pierre Briancon, The IMF’s outlook on Russia is too rosy to be true. Reuters, Feb. 10, 2023. https://www.reuters.com/breakingviews/imfs-outlook-russia-is-too-rosy-be-true-2023-02-10/