Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu và nỗ lực tái cấu trúc cán cân thương mại, Mỹ vừa áp dụng mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ. Tuyên bố từ nhà cầm quyền cho rằng đây là biện pháp “đáp trả” nhằm thu hẹp khoảng cách thương mại, song nhiều chuyên gia và nhà phân tích cho rằng đằng sau chính sách này là mục đích chiến lược của Mỹ trong việc tái định hướng các mối quan hệ thương mại và áp lực kinh tế đối với Việt Nam. Bài viết sẽ phân tích những luận cứ mà phía Mỹ đưa ra, cũng như những ý nghĩa sâu xa đằng sau chiến lược áp dụng mức thuế cao này đối với Việt Nam, từ đó khám phá mục tiêu thực sự mà Mỹ hướng tới trong bối cảnh kinh tế và chính trị hiện nay.
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp áp dụng thuế đối ứng đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong diện sẽ áp thuế ở mức cao (46%). Mặc dù, việc thực thi mức thuế như vậy đã được hoãn lại nhờ các hoạt động đàm phán của cả 2 bên. Nhưng nó đang cho thấy một tương lai hợp tác thương mại bấp bênh giữa Việt Nam và Mỹ.
Điều Mỹ thực sự muốn là gì?
Thuế đối ứng (reciprocal tariffs) là một chính sách thương mại của Mỹ nhằm giải quyết thâm hụt thương mại song phương, tức là tình trạng Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu từ một quốc gia nào đó. Lý do là thâm hụt kéo dài thường đến từ các rào cản thuế quan và phi thuế quan khiến thương mại không tự cân bằng. Việc áp thuế đối ứng nhằm giảm nhập khẩu từ các quốc gia có thặng dư lớn với Mỹ, qua đó đưa cán cân thương mại tiến gần hơn về mức cân bằng. Mức thuế được điều chỉnh tùy từng quốc gia, dao động từ 0% đến 99%, với mức trung bình chưa tính trọng số là 20%, và trung bình có trọng số là 41%. Riêng Việt Nam bị áp ở mức 46%, phản ánh mức thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ. Hiện tại, Mỹ đã tạm hoãn thực thi mức thuế này, nhưng không có gì đảm bảo cho tương lai hợp tác thương mại giữa hai bên.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chi tiết làn sóng thuế quan mới vào ngày 2 tháng 4, ông đã có một đoạn phát biểu ngẫu hứng về ý nghĩa của từ “đối ứng”. “Thuế đối ứng với các quốc gia trên toàn thế giới,” ông nói. “Đối ứng, nghĩa là: họ làm vậy với chúng ta thì chúng ta cũng làm vậy với họ. Rất đơn giản, không thể đơn giản hơn được nữa!”
Chính quyền Mỹ cho rằng Việt Nam đang áp thuế trung bình lên tới 90% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, theo thực tế, thuế suất trung bình theo trọng số thương mại của Việt Nam chỉ khoảng 5,1%. Cách tính 90% của phía Mỹ có vẻ dựa trên tỷ lệ thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ (khoảng 123,4 tỷ USD) chia cho tổng giá trị thương mại song phương (khoảng 136,5 tỷ USD), chứ không phải là thuế thực tế. Cách tính này dường như cũng được áp dụng cho các quốc gia khác bị áp thuế đối ứng cao hơn 10%, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam.
Peter Navarro, cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump về thương mại và sản xuất, đồng thời là một trong những kiến trúc sư chính đứng sau chính sách thuế mới, đã phát biểu trong các cuộc phỏng vấn vào thứ Hai ngày 7/4/2025 rằng đề nghị của Việt Nam về việc giảm thuế nhập khẩu hàng Mỹ xuống 0% là vô nghĩa, vì điều đó không giải quyết được tình trạng thâm hụt thương mại, khi mà Việt Nam bán cho Mỹ 15 đô la hàng hóa thì chỉ mua lại có 1 đô la. Ông cũng cáo buộc Việt Nam duy trì nhiều rào cản phi thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, và tuyên bố rằng một phần ba tổng lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ thực chất là hàng Trung Quốc được chuyển khẩu qua Việt Nam. Tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ được sản xuất hoặc tái xuất khẩu qua Việt Nam nhằm né thuế Mỹ áp lên Trung Quốc là điều khó đánh giá chính xác, nhưng theo các nghiên cứu thương mại chi tiết, con số này dao động từ 7% đến 16%, không phải một phần ba như cáo buộc.
Tổng thống Mỹ và đội ngũ kinh tế của ông nhiều lần khẳng định rằng các mức thuế này chỉ đơn giản là phản ánh những rào cản mà các nhà xuất khẩu Mỹ phải đối mặt khi bán hàng sang các quốc gia đó. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế, ngân hàng và tổ chức tài chính đã chỉ ra rằng các mức thuế này không hề “đối ứng” và rằng công thức mà nhóm của Trump sử dụng là thiếu cơ sở kinh tế.“Công thức ông ấy dùng là vô nghĩa,” ông Bill Reinsch, cố vấn kinh tế cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). “Ai cũng biết điều đó là vô lý và không liên quan gì đến tuyên bố ban đầu là sẽ dựa vào các rào cản thương mại thực tế, bao gồm thuế quan và phi thuế quan. Không có bằng chứng nào cho thấy họ đã cố gắng đo lường điều đó”. Ông Doug Irwin, chuyên gia thương mại toàn cầu và nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cũng đồng ý rằng thuế mới không hề “đối ứng”, vì nhiều lý do. Ông giải thích rằng: “Một điểm then chốt là Nhà Trắng không tính đến mức thuế mà các nước khác áp đặt lên hàng Mỹ, mà chỉ lấy mức thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với mỗi nước rồi chia cho tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia đó vào Mỹ. Thậm chí, ông Trump còn cho áp dụng thuế đối ứng ngay cả với các quốc gia có FTA.”
Phía Việt Nam đã nhanh chóng đề nghị xóa bỏ hoàn toàn thuế đối với hàng Mỹ, nhưng cố vấn thương mại của Trump , ông Peter Navarro đã trả lời trên CNBC rằng đề xuất đó là không đủ, vì vấn đề là các hành vi gian lận phi thuế quan. Ông cáo buộc rằng hàng Trung Quốc được chuyển khẩu qua Việt Nam, và thuế VAT cũng là một hình thức “gian lận”.
Ông Bill Reinsch nhận xét rằng các cuộc đàm phán sắp tới chẳng hạn như với Việt Nam sẽ tập trung vào thâm hụt thương mại, nhưng chuyên gia Doug Irwin cho rằng việc Mỹ muốn có thương mại cân bằng hay thặng dư với Việt Nam là không thực tế, xét theo đặc điểm kinh tế của hai nước. “Việt Nam nhận rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Mỹ xuất khẩu linh kiện, còn Việt Nam lắp ráp thành phẩm rồi xuất lại. Tự nhiên điều đó đã tạo ra thâm hụt thương mại,” ông nói.
Theo ông Bill Reinsch, Trump trong suốt hơn 40 năm qua luôn tin rằng Mỹ đang bị thiệt thòi trong thương mại toàn cầu và ông thực sự muốn tái cấu trúc lại hệ thống thương mại quốc tế, dù hiện tại điều này đang mang tính chất trả đũa cá nhân. “Vấn đề là ông ấy chỉ có một chỉ số duy nhất, đó là thâm hụt thương mại song phương, và một công cụ duy nhất, đó là thuế quan.” Reinsch cho rằng chính quyền Trump căn bản tin rằng thâm hụt thương mại là không công bằng, và họ chỉ hài lòng khi xóa bỏ hoàn toàn thâm hụt dù điều đó là phi thực tế và phi kinh tế.
Tác động đối với Việt Nam và phản ứng từ phía quốc gia Đông Nam Á
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, mức thuế 46% sẽ tác động mạnh đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Thủy sản, nhựa, cao su, dệt may, giày dép, máy móc, linh kiện điện tử. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số mặt hàng không bị ảnh hưởng, gồm: dược phẩm, chất bán dẫn, các sản phẩm đồng, kim loại quý hay một số khoáng sản không có tại Mỹ. Ngoài ra, các sản phẩm như thép, nhôm, ô tô và phụ tùng ô tô đã bị áp thuế theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại Mỹ sẽ không bị áp thêm thuế đối ứng nữa. Cụ thể, từ năm 2018, thép bị áp thuế 25%, nhôm bị áp 10%.
Trong hoàn cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có phản ứng nhanh chóng. Ngày 3/4/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính thành lập tổ công tác phản ứng nhanh, do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn dẫn đầu, để nghiên cứu tác động và đưa ra giải pháp. Sang đến ngày 4/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng bày tỏ lấy làm tiếc và cho rằng thuế mới đi ngược lại Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước, đồng thời cảnh báo về khả năng tổn hại quan hệ kinh tế song phương. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng đề xuất hoãn đàm phán từ 1 đến 3 tháng, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam giữ nguyên giá bán hiện tại chờ kết quả đàm phán. Tổng Bí thư Tô Lâm thì đã trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Trump, đề xuất Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu hàng Mỹ về 0% nếu Mỹ cũng làm điều tương tự. Và từ ngày 6 đến 14/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ công du Hoa Kỳ, dự kiến sẽ thảo luận các giải pháp tháo gỡ rào cản thương mại.
Phản ứng từ các doanh nghiệp hai bên
Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đã đề nghị một giai đoạn chuyển tiếp thay vì áp dụng đột ngột. Chủ tịch AmCham Mark Gillin cho rằng việc thay đổi đột ngột làm gián đoạn hoạt động và đi ngược với mục tiêu thương mại công bằng, kêu gọi hai bên tìm giải pháp cân bằng.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đưa ra đề xuất áp mức thuế linh hoạt theo từng mặt hàng thay vì một mức đồng loạt 46%. Đồng thời đề nghị chính phủ đàm phán giảm thuế và điều chỉnh thuế suất cụ thể phù hợp với từng nhóm sản phẩm.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam thì cho biết tác động không đáng kể, vì thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 9% kim ngạch xuất khẩu của ngành. Ngành công nghệ thông tin cũng ít bị ảnh hưởng, vì phần lớn là xuất khẩu dịch vụ, không cạnh tranh trực tiếp với hàng Mỹ.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, gọi đây là “đòn giáng mạnh”, nhưng kêu gọi doanh nghiệp bình tĩnh và chờ đợi kết quả đàm phán.
Nhìn chung, thuế suất 46% là mối đe dọa lớn đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam. Điều này có thể buộc các doanh nghiệp Việt đa dạng hóa thị trường hoặc trông chờ vào một kết quả ngoại giao tích cực.
Tác động và khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp
Trước diễn biến mới nhất, ông Dan Martin, Cố vấn Kinh doanh Quốc tế tại Dezan Shira & Associates, làm việc tại văn phòng Hà Nội, đã kêu gọi các doanh nghiệp bình tĩnh và tiếp tục theo dõi tình hình: “Nếu được triển khai theo quy mô như đề xuất, các mức thuế này chắc chắn sẽ có tác động đáng kể, đặc biệt là trong các ngành như dệt may, giày dép và nội thất, vốn có sự gắn bó chặt chẽ với thị trường Mỹ. Trong hai thập kỷ qua, các lĩnh vực này đã liên tục mở rộng, và mức thuế 46% sẽ gây áp lực lên biên lợi nhuận, việc làm và khối lượng đơn hàng. Tuy nhiên, đây không phải là một cuộc khủng hoảng; mà là một tình huống đang phát triển.” Ông cũng lưu ý rằng Việt Nam hiện đã đa dạng hóa đáng kể so với trước đây. Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, bao gồm EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh và các nước ASEAN. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: “Chúng ta chưa thể khẳng định chắc chắn. Tương tự các tình huống áp thuế trong nhiệm kỳ trước của Tổng thống Trump, đề xuất hiện tại vẫn có thể được điều chỉnh, hoãn lại hoặc thậm chí bị hủy bỏ hoàn toàn.”
Chính phủ Việt Nam đã phản hồi nhanh chóng trước các lo ngại của phía Mỹ bằng cách giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ và mở cửa một số lĩnh vực mới cho doanh nghiệp Mỹ. Một phái đoàn cấp cao do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu đã đến Washington từ ngày 6 đến ngày 14 tháng 4 để tiếp tục thảo luận. Ở thời điểm hiện tại, lời khuyên của chính phủ Việt Nam là hãy cập nhật thông tin, giữ bình tĩnh và tránh ra quyết định vội vàng. Những lợi thế cốt lõi của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn: nền tảng kinh tế vững chắc, khả năng tiếp cận khu vực và mạng lưới thương mại đang mở rộng, tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam sẽ theo sát diễn biến và cung cấp tư vấn kịp thời cho các khách hàng dựa trên tình hình thực tế.
Kết luận
Mặc dù mức thuế 46% được công bố nhằm “đối ứng” với những bất cân bằng thương mại, nhưng mục đích của Mỹ đối với Việt Nam lại chứa đựng nhiều yếu tố chiến lược hơn là vấn đề kinh tế đơn thuần. Qua các phát biểu và chính sách cụ thể, Mỹ thể hiện mong muốn tái cấu trúc hệ thống thương mại quốc tế và tạo áp lực để Việt Nam điều chỉnh các rào cản thương mại, từ đó gia tăng sự phụ thuộc của nước này vào các tiêu chuẩn và quy định do Mỹ đề ra. Tuy nhiên, Việt Nam với nền kinh tế năng động và khả năng đa dạng hóa thị trường có thể sử dụng cơ hội này để tái cân bằng hệ thống ngoại thương, đồng thời khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Qua đó, bài báo nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh chiến lược thương mại toàn cầu thay đổi, mục đích của Mỹ đối với Việt Nam cần được nhìn nhận một cách toàn diện, với các động lực kinh tế – chính trị xen lẫn nhau./.
Tác giả: Nguyễn Phương Ngân
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. EXPLAINER: What the 46% tariff means for Việt Nam and how the country plans to respond? (2025, April 6). Vietnam News. Retrieved April 11, 2025, from https://vietnamnews.vn/opinion/1695338/explainer-what-the-46-tariff-means-for-viet-nam-and-how-the-country-plans-to-respond.html
2. Jonathan Head. (2025, April 9). Trump’s tariffs are a huge blow to Vietnam’s economic ambitions. BBC. Retrieved April 11, 2025, from https://www.bbc.com/news/articles/crm332189djo
3. Nguyen, V. (2025, April 3). Understanding the US Tariff List: Implications for Vietnam. Vietnam Briefing. Retrieved April 11, 2025, from https://www.vietnam-briefing.com/news/understanding-the-us-tariff-list-implications-for-vietnam.html/
4. Sullivan, A. (2025, April 9). What’s really behind Trump’s ‘reciprocal’ tariffs? – DW – 04/08/2025. DW. Retrieved April 11, 2025, from https://www.dw.com/en/trump-reciprocal-tariffs-trade-china-economy-wto/a-72177305
5. US announces a hefty 46% reciprocal tariff on Vietnam; how will it impact you? (2025, April 3). The Financial Express. Retrieved April 11, 2025, from https://www.financialexpress.com/world-news/us-announces-a-hefty-46-reciprocal-tariff-on-vietnam-how-will-it-impact-you/3797464/
6. US Reciprocal Tariffs on Vietnam: Updates, Implications and Strategic Considerations. (2025, April 3). Frasers Law Company. Retrieved April 11, 2025, from https://www.frasersvn.com/legal-updates-and-publications/us-reciprocal-tariffs-on-vietnam-updates-implications-and-strategic-considerations