Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng như các nhà lãnh đạo chủ chốt của Nga đã từng để ngỏ khả năng thành lập liên minh quân sự Nga – Trung Quốc. Câu hỏi về khả năng hình thành liên minh này cũng như những tác động khó lường của nó luôn là vấn đề lớn ảnh hưởng đến tính toán của giới chức của các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Đáng chú ý, trong thời gian qua, Mỹ và NATO đã thống nhất kế hoạch cung ứng xe tăng chủ lực cho Ukraine. Đây được coi là bước leo thang nguy hiểm của các nước phương Tây trong cuộc đối đầu với Nga. Liệu rằng điều này có trở thành một động lực quan trọng, thúc đẩy việc hình thành liên minh quân sự Nga – Trung Quốc hay không?
Sự phát triển của quan hệ quân sự Nga – Trung Quốc
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù không phủ nhận khả năng nâng cấp quan hệ Nga – Trung trong lĩnh vực quân sự, nhưng dường như hai nước vẫn chưa đủ động lực để thực hiện điều đó. Gần nhất, trong bối cảnh Mỹ và các nước NATO đang có động thái thúc đẩy gia tăng căng thẳng tại Ukraine khi các quốc gia này dự định sẽ gửi một số lượng lớn xe tăng chủ lực cho Kiev, giới chuyên gia cũng đã đặt ra câu hỏi liệu rằng sự leo thang này đã là đủ để thúc đẩy Nga – Trung ký một hiệp định liên minh hay không?
Tác giả Nadia Helmy có bài viết trên tờ Modern Diplomacy cho rằng, Nga và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác quân sự thông qua việc Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình về tầm quan trọng của hợp tác kỹ thuật – quân sự giữa hai nước sau cuộc tập trận chung năm 2022 giữa hai nước diễn ra trên biển Hoa Đông vào tháng 12/2022. Đây là một động thái nhằm thích ứng với sự gia tăng nhanh chóng của các lực lượng Mỹ hiện diện tại khu vực này. Sự phát triển quan hệ quân sự của Nga – Trung Quốc phần nào cũng đang cho thấy sự va chạm của hai chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” theo quan điểm của Mỹ và chiến lược “Châu Á – Thái Bình Dương” theo quan điểm của Trung Quốc và Nga. Tác giả cũng cho rằng, Nga sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh trong bối cảnh Mỹ gia tăng áp lực với Trung Quốc thông qua việc thiết lập các khối liên minh mới ví dụ như liên minh Bộ Tứ (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia) hoặc AUKUS (Mỹ, Australia, Anh), hoặc đơn giản là việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho đảo Đài Loan.
Đối với quân đội Trung Quốc, sự hợp tác với các lực lượng vũ trang Nga góp phần đáng kể vào việc thực hiện kế hoạch cải cách quân sự, an ninh mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang muốn hướng đến. Mục đích nhằm thay đổi một cách toàn diện Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, biến quân đội nước này trở thành một lực lượng chiến đấu có quy mô và thiện chiến nhất thế giới, đủ sức mạnh để đương đầu với bất kỳ một mối đe dọa nào kể cả Quân đội Mỹ.
Cuộc tập trận chung Nga – Trung Quốc tại biển Hoa Đông tháng 12/2022 không phải là lần duy nhất trong năm 2022 hai nước tiến hành các hoạt động quân sự chung. Điều tương tự cũng đã được thực hiện vào tháng 5/2022 tại vùng biển Nhật Bản và biển Hoa Đông, trùng với thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ tại Nhật Bản. Đây có thể là một động thái nhằm khẳng định, Trung Quốc và Nga sẵn sàng thiết lập một liên minh đối xứng với một liên minh quân sự mới mà Mỹ đang muốn thiết lập tại khu vực Đông Á, thậm chí phạm vi ảnh hưởng của nó trải dài liền hai đại dương “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
PGS.TS. Nadia Helmy nhấn mạnh rằng, các hội nghị thượng đỉnh gần đây diễn ra giữa Bắc Kinh và Moscow đều tập trung vào hợp tác quân sự song phương, tìm ra các giải pháp nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trước các mối đe dọa của phương Tây; cùng nhau xây dựng một trật tự quốc tế đa cực, kiên quyết chống lại một mô hình quốc tế do Mỹ thống trị.
Ngoài ra, các cuộc tập trận chung trên biển chủ yếu diễn ra tại biển Hoàng Hải (người Nga gọi là “Tương tác hải quân chung Nga – Trung”) cũng đã được triển khai thường niên (trừ năm 2020) với sự tham gia của nhiều tàu chiến hai nước. Các cuộc tập trận này mô phỏng các hoạt động tác chiến phòng không, chống ngầm và tìm kiếm cứu nạn. Nội dung hướng đến của các cuộc tập trận được thay đổi qua các năm.
Kể từ năm 2013, thời gian và phạm vi địa lý của các cuộc tập trận chung Nga – Trung Quốc tương đối đa dạng, trải khắp từ châu Âu sang châu Á. Bao gồm: Biển Nhật Bản (2013), Biển Hoa Đông (2014), Địa Trung Hải và Biển Nhật Bản (2015), Biển Đông (2016), Biển Baltic và Biển Nhật Bản (2017), Biển Đông (2018), Hoàng Hải (2019), Biển Nhật Bản (2021). Trung Quốc cũng đã tham gia “Cuộc tập trận chung Vostok của Nga” vào năm 2018, được tổ chức tại Quân khu phía Đông của Nga và có khoảng 3.200 binh sĩ thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tham gia. Quân đội Trung Quốc và Nga cũng thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ tuần tra chung trong khu vực địa lý và lãnh thổ quanh vùng biển, vùng trời xung quanh Nhật Bản. Hầu hết các cuộc tập trận và nhiệm vụ tuần tra chung giữa Trung Quốc và Nga diễn ra ở phía Đông của Biển Nhật Bản, qua eo biển Tsugaru phía Bắc (giữa vùng Honshu và Hokkaido), dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản, rồi phía Tây qua eo biển Osumi ở phía Nam tỉnh Kagoshima.
Mục tiêu chính của việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự như vậy giữa Trung Quốc và Nga vẫn là để hợp nhất các lực lượng nhằm ứng phó với mối nguy cơ từ Mỹ và các đồng minh. Điều này có mối liên quan mật thiết đối với các sự kiện gây leo thang căng thẳng giữa Nga và Trung Quốc với Mỹ và các nước đồng minh của họ, từ cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, tới tình hình chiến sự tại Ukraine 2022 hay các diễn biến căng thẳng tại eo biển Đài Loan, Biển Đông, Biển Nhật Bản trong những năm qua.
Ngoài các hoạt động hợp tác quân sự song phương, Nga và Trung Quốc cũng thường xuyên tham gia các cuộc diễn tập quân sự cùng với các thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Những động thái của lãnh đạo Nga – Trung Quốc
Chủ tịch Tập Cận Bình hiện mới đề cập đến việc Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường hợp tác chiến lược với Nga chứ chưa trực tiếp đề cập đến vấn đề nâng cấp quan hệ quốc phòng với Moscow. Điều này có thể được lý giải bởi Mỹ chưa có động thái gây sức ép lớn đối với Trung Quốc liên quan đến những nghi vấn nước này hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tại Ukraine. Khác với trường hợp của Triều Tiên và Iran, những nước mà Mỹ đã đưa ra những cáo buộc cụ thể về việc họ cung cấp đạn dược và máy bay không người lái cho Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có thông điệp tới người đồng cấp Trung Quốc bày tỏ mong muốn của Nga về việc phát triển quan hệ quân sự giữa hai nước để đối đầu với áp lực chưa từng có của phương Tây. Tổng thống Putin khẳng định quyền của hai nước được giữ vững lập trường, nguyên tắc và nguyện vọng xây dựng một trật tự quốc tế công bằng, đa cực chống lại trật tự đơn cực của Mỹ. Phía Nga đảm bảo với người đồng cấp Trung Quốc rằng, hợp tác quân sự giữa hai bên Trung Quốc và Nga nhằm hướng đến việc ủng hộ hòa bình và an ninh quốc tế.
Washington bày tỏ lo ngại rằng, mối quan hệ hợp tác như vậy có thể bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung cấp quân sự nào mà Nga cần để tiếp tục cuộc chiến chống lại Ukraine. Thế nhưng, thay vì tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc để ngăn cản khả năng đó xảy ra, các quan chức phương Tây lại nhiều lần đã phớt lờ lời đe dọa của Trung Quốc, tiếp tục cùng Mỹ “xâm lấn” các lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh, khiến mối lo ngại của Mỹ ngày càng hiện hữu.
Hiện tại, Trung Quốc thông qua các phương tiện truyền thông chính thức của chính phủ và Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn đang khẳng định tiếp tục tuân thủ quan điểm khách quan và công bằng của mình về cuộc chiến ở Ukraine, dựa trên thực tế là phương Tây đã gây ra cuộc xung đột này bởi tham vọng mở rộng NATO về phía Đông, sang các quốc gia nằm ngay gần biên giới Nga. Điều này phù hợp với quan điểm của Nga, đồng thời mâu thuẫn với phương Tây vốn coi cuộc chiến Nga – Ukraine là cuộc tấn công của Moscow vào một quốc gia có chủ quyền.
Còn nhớ, trước khi Nga triển khai Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đã có một cuộc hội đàm quan trọng mà ở đó, cả hai đã có chung quan điểm phản đối việc mở rộng của NATO; chống lại việc hình thành các khối liên minh đối lập ở Châu Á – Thái Bình Dương. Đó là tín hiệu ủng hộ Nga của Trung Quốc trong cuộc đối đầu với các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ.
Mặt khác, hợp tác kinh tế và quân sự giữa Trung Quốc và Nga cũng được tăng cường kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự của Nga chống lại Ukraine vào tháng 2 năm 2022, bất chấp lời đe dọa của Mỹ đối với Bắc Kinh khi bắt đầu chiến tranh. Trung Quốc đã phớt lờ những lời đe dọa này, trở thành chỗ dựa lớn giúp Nga hóa giải các biện pháp trừng phạt của Phương Tây.
Có thể nói, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc thời gian gần đây đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trên phương diện quân sự, vượt qua giới hạn của những tuyên bố chính trị. Đó như một hệ quả tất yếu trong bối cảnh Mỹ ngày càng có nhiều động thái ngăn chặn, kiềm tỏa nhằm bóp nghẹt hai nước này. Đặc biệt là sau hàng loạt động thái tìm kiếm, mở rộng các liên minh an ninh, chính trị, kinh tế và quân sự của Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc và Nga trong khu vực của họ, điển hình là liên minh AUKUS – QUAD.
Bước leo thang mới của Washington tại Ukraine
Ngày 25/1/2023, Tổng thống Joe Biden đã xác nhận, Mỹ sẽ gửi 31 xe tăng chủ lực Abrams tới Ukraine sau khi Đức đồng ý gửi xe tăng Leopard 2 cho Kiev. Đây được coi là bước leo thang nguy hiểm của Mỹ trong cuộc đối đầu với Nga. Riêng trường hợp của Đức, Nga cho rằng, Berlin chịu sức ép lớn từ Mỹ trong quyết định cung cấp xe tăng cho Ukraine. Do vậy, mấu chốt của vấn đề vẫn nằm ở thượng tầng chính quyền Mỹ.
Sự hỗ trợ của Mỹ và các nước đồng minh có thể giúp Ukraine xây dựng được 2 tiểu đoàn xe tăng, trong đó, riêng số lượng xe tăng Mỹ cung cấp cho Ukraine đủ để xây dựng được 1 tiểu đoàn. Điều này sẽ giúp quân đội Kiev cải thiện được đáng kể sức chiến đấu sau những thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến.
Liên quan đến quyết định viện trợ xe tăng cho Ukraine của Mỹ, nhiều lãnh đạo quốc tế đã lên tiếng chỉ trích. Bà Kim Yo-jong (em gái của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) đã gọi hành động của Washington đã “vượt qua lằn ranh đỏ” để có thể giành quyền bá chủ bằng một cuộc chiến ủy nhiệm. Thậm chí, ngay tại Mỹ, cựu Tổng thống Donald Trump cũng phản đối quyết định này, ông cho rằng điều đó có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ, mất kiểm soát.
Abrams và Leopard 2 xuất hiện tại Ukraine có thể tạo ra những hệ quả gì?
Mặc dù với số lượng không nhiều như mong đợi của Tổng thống Ukraine Zelensky, lượng xe tăng mà Mỹ và Đức cung cấp khó có thể xoay chuyển được cục diện chiến trường. Nhưng nó có thể là sự khởi đầu cho một chuỗi các hệ quả trong tương lai.
Thứ nhất, nó có thể mở ra một chương mới cho sự hỗ trợ không giới hạn của NATO cho Kiev. Điều này đồng nghĩa với việc, cuộc chiến tại Ukraine sẽ có chiều hướng khốc liệt hơn, dai dẳng hơn. Số quốc gia can dự sâu vào cuộc chiến sẽ tiếp tục gia tăng. Ban đầu là cung ứng vũ khí, tương lai hoàn toàn có thể có sự tham gia trực tiếp của các lực lượng quân sự chính quy của các quốc gia. Điều đó dẫn đến nguy cơ hình thành nên một cuộc chiến quy mô lớn chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Thứ hai, các nước châu Âu đặc biệt là các thành viên NATO sẽ phải chịu thêm gánh nặng toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là an ninh và kinh tế liên quan đến sự leo thang căng thẳng của cuộc chiến. Châu Âu sẽ tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng, trì trệ. Bởi sau xe tăng, các nước này sẽ phải chịu thêm các áp lực cung ứng thêm các trang thiết bị, vũ khí mới cho chiến trường Ukraine.
Thứ ba, việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine sẽ làm suy yếu năng lực phòng thủ của các quốc gia châu Âu, tạo điều kiện cho Mỹ tăng cường ảnh hưởng trở lại tại lục địa già. Các nước châu Âu không có nhiều lựa chọn ngoài việc tiếp tục chìm sâu vào “chiếc ô bảo trợ” của Mỹ.
Thứ tư, tâm lý bất an về một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ hiện hữu trở lại. Việc ngày càng có nhiều vũ khí được đổ vào chiến trường Ukraine có thể làm cuộc chiến này đi đến tình trạng mất kiểm soát. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân tuy ít có khả năng xảy ra nhờ sự kiềm chế của các bên, nhưng sẽ không có gì đảm bảo nếu sự kiềm chế đó không còn được giữ vững.
Liệu bước leo thang này có khiến Nga – Trung Quốc thiết lập liên minh quân sự?
Tình hình chiến trường Ukraine chắc chắn là một trong những yếu tố có tác động đến việc thiết lập liên minh quân sự Nga – Trung Quốc trong tương lai. Hiện tại, hai nước vẫn để ngỏ khả năng thiết lập liên minh, nhưng chưa hiện thực hóa điều đó do động lực còn chưa đủ. Bước leo thang này liệu có phải là động lực còn thiếu hay không?
Trước hết, việc cung ứng xe tăng cho Ukraine trước mắt sẽ không làm xoay chuyển cục diện chiến trường. Rất khó để Ukraine có thể giành lại được lợi thế chỉ với 2 tiểu đoàn xe tăng. Do vậy, áp lực tạo ra đối với Nga là chưa đủ để nước này cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Đồng thời, việc này chưa tạo ra áp lực an ninh đủ lớn cho Trung Quốc, nước này cũng không có lý do để nóng vội thực hiện các biện pháp đáp trả. Tuy nhiên, tiếp sau xe tăng sẽ là gì, diễn biến chiến trường khi đó sẽ thế nào vẫn còn là một dấu hỏi.
Mặt khác, chiến sự Ukraine leo thang trong tình trạng Nga vẫn có thể kiểm soát được tình hình chưa chắc đã gây bất lợi cho Trung Quốc. Thậm chí còn là cơ hội tốt cho nước này tăng cường hợp tác kinh tế với các bên liên quan đến cuộc chiến. Việc thiết lập liên minh quân sự Nga – Trung Quốc quá sớm có thể làm gián đoạn các lợi ích kinh tế của nước này ở thời điểm hiện tại. Ở mặt trận địa chính trị Châu Á – Thái Bình Dương, sức ép của Mỹ vẫn nằm trong khả năng ứng phó của Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh chưa có đủ động lực để nghĩ đến việc thiết lập một liên minh quân sự đối xứng.
Cuối cùng, liên minh quân sự Nga – Trung Quốc dường như được coi là quân át chủ bài trong đại chiến lược lật đổ đế chế Mỹ của hai nước. Tình hình quốc tế hiện nay mặc dù đang bước vào giai đoạn căng thẳng mới, nhưng vẫn chưa dồn Nga và Trung Quốc đến bước đường cùng. Do đó, trước mắt, hai nước sẽ chưa tung ra lá bài chiến lược để đối phó với những động thái leo thang của Mỹ tại Ukraine.
Tuy vậy, sự leo thang của Mỹ tại Ukraine ít nhiều cũng đã tác động thêm một lực đẩy khiến Nga và Trung Quốc tiếp tục xích lại nhau. Mặc dù chưa đủ để hình thành liên minh quân sự Nga – Trung, nhưng chặng đường đó cũng đã được rút ngắn thêm một bước.
Tổng hợp và phân tích: Hoàng Hải