Tóm tắt: Hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) đã được tổ chức tại Moscow. Điểm nhấn của sự kiện là cuộc họp của Hội đồng nguyên thủ các quốc gia thành viên CIS. Có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Armenia, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan. Hội nghị đã ra những tuyên bố chung thể hiện sự đoàn kết và cam kết ủng hộ Nga trên trường quốc tế, mở ra nhiều cơ hội cho hội nghị thượng đỉnh của BRICS diễn ra vào cuối tháng 10. Thế nhưng thượng đỉnh CIS năm nay cũng đặt ra cho Nga những thách thức.
Bối cảnh
Thượng đỉnh CIS diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động khó lường. Từ căng thẳng leo thang tại Trung Đông tới những diễn biến mới nhất tại Nga và Ukraine. Ở Trung Đông, căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Israel và Iran đang đẩy khu vực này tới nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tổng lực giữa các bên. Còn đối với cuộc chiến tại Ukraine cũng đang có diễn biến nguy hiểm khi cả Nga và Ukraine đều đang có những hướng tấn công của riêng mình. Về phía Ukraine, cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga ở Kursk tuy chịu nhiều thiệt hại về nhân lực và vật lực nhưng việc “cắm chốt” được ở đây sẽ tạo tiếng vang lớn cho Kiev cả về chính trị và ngoại giao. Nó còn giúp nước này có điều kiện đem ra “mặc cả” trên bàn đàm phán sau này. Còn về phía Nga, tận dụng việc Ukraine dồn quân cho mặt trận ở Krusk, nước này đã mở nhiều cuộc tấn công lớn và giành được thắng lợi quan trọng ở những phòng tuyến quan trọng ở khu vực Donbass. Những diễn biến quân sự trên chắc chắn sẽ tác động tới chương trình nghị sự của thượng đỉnh CIS năm nay.
Về bối cảnh chính trị, thượng đỉnh CIS diễn ra khi chưa đầy 1 tháng nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Hai ứng cử viên của Đảng dân chủ và Đảng Cộng hòa đang cạnh tranh nhau khốc liệt. Những tuyên bố chung của thượng đỉnh lần này cùng với thượng đỉnh của BRICS diễn ra vào cuối tháng 10 như một thông điệp tới vị chủ nhân mới của Nhà trắng trong 4 năm sắp tới.
Những nét chính trong quá trình phát triển của CIS
Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) được thành lập vào ngày 8 tháng 12 năm 1991, ngay sau khi Liên Xô tan rã. Đây là một tổ chức liên chính phủ bao gồm phần lớn các nước từng là một phần của Liên Xô. Mục đích chính của việc thành lập CIS để đảm bảo một quá trình chuyển đổi hòa bình. Sau khi Liên Xô tan rã, các nước thành viên cần một cơ chế để hợp tác, giải quyết các vấn đề chung và đảm bảo một quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường một cách ôn hòa. CIS tạo ra một khung pháp lý để các nước thành viên có thể hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế như thương mại, năng lượng, giao thông vận tải một cách ôn hòa, từ đó góp phần vào duy trì ổn định và an ninh cho khu vực. Ngoài ra, CIS cũng là công cụ để Nga duy trì vị thế và tầm ảnh hưởng trong không gian hậu Xô viết, từ đó đảm bảo được sức mạnh của mình như một cường quốc toàn cầu. Theo quy định hiện nay, các hội nghị thượng đỉnh của CIS sẽ diễn ra hai lần một năm theo cả hai hình thức khác nhau. Hội nghị được tổ chức theo hình thức không chính thức thường không có chương trình nghị sự và không ký kết tuyên bố chung. Ngoài ra, một hội nghị thượng đỉnh bất thường có thể được triệu tập theo yêu cầu của một quốc gia thành viên.
Những nội dung chính của Thượng đỉnh CIS 2024 được thể hiện thông qua bài phát biểu của nguyên thủ các quốc gia. Tổng thống Nga Vladimir Putin lưu ý đến tiến trình tạo ra cơ sở hạ tầng tài chính độc lập tại CIS. Trao đổi từ vấn đề tăng cường đảm bảo an ninh chung đến các vấn đề hợp tác văn hóa và nhân đạo. Kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hợp giữa CIS và BRICS và mời các nước CIS tới thượng đỉnh của BRICS vào cuối tháng 10 này. Ngoài ra, tổng thống Putin cũng đề cập đến việc CIS đã xây dựng được cơ sở hạ tầng tài chính trong nội khối. Việc sử dụng tiền tệ quốc gia trong thanh toán đã mở rộng và tỷ lệ của chúng trong các giao dịch thương mại trong CIS đã vượt quá 85%. Về vấn đề tăng cường vai trò của CIS trên trường thế giới cũng được Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đề cập . Đặc biệt, ông đề xuất tạo ra một định dạng tương tác mở rộng giữa các thành viên CIS và các quốc gia khác. Ngoài ra còn có mở rộng CIS trở thành CIS+. Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko cho biết cần phải phát triển và tăng cường tiềm năng của các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung trong nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghệ, chăm sóc sức khỏe và văn hóa[1].
Sau hội nghị thượng đỉnh CIS, một loạt các văn bản đã được ký kết, bao gồm lời kêu gọi của các nguyên thủ quốc gia CIS gửi tới nhân dân CIS và cộng đồng quốc tế nhân kỷ niệm 80 năm chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941–1945. Đáng chú ý nhất trong một loạt các văn bản được ký kết như: Tuyên bố của các nguyên thủ quốc gia về Phát triển hợp tác trong Trí tuệ nhân tạo dân sự, tuyên bố về các nguyên tắc hợp tác nhằm đảm bảo an ninh ở Á-Âu, tuyên bố về việc không chấp nhận việc sử dụng các biện pháp hạn chế đơn phương trong quan hệ quốc tế. Cả hai đều được ký kết trong cuộc họp của các Ngoại trưởng CIS[2].
Mục đích
Củng cố thế tập hợp lực lượng trong cạnh tranh địa chính trị toàn cầu. Hội nghị gần nhất diễn ra vào tháng 10 năm ngoái với những bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sự ủng hộ của Nga trên trường quốc tế khi các nhà lãnh đạo của Nga, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đã ký một thỏa thuận thành lập Tổ chức quốc tế về tiếng Nga và có đưa ra 4 tuyên bố chung trong đó có 1 tuyên bố chung về về quan hệ quốc tế trong thế giới đa cực[3]. Trong hội nghị lần này, một tuyên bố chung về việc không chấp nhận việc sử dụng các biện pháp hạn chế đơn phương trong quan hệ quốc tế cũng đã được ký kết. Tuyên bố chung đã góp phần vào duy trì tầm ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xô viết trước những nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này của cả Mỹ và Trung Quốc. “Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng hợp tác trong SNG là một trong những ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Nga”, ông Putin phát biểu tại cuộc họp của những người nguyên thủ quốc gia CIS ở Moscow. Nga coi các nước CIS là đối tác chiến lược và Moscow quyết tâm tăng cường hợp tác với họ, đó là nhận định từ dư luận phương Tây sau khi hội nghị thượng đỉnh CIS diễn ra[4]. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế đang bị phân mảnh. Thượng đỉnh CIS 2024 sẽ củng cố thêm sự ủng hộ của các nước dành cho Nga trên trường quốc tế, khẳng định Nga không bị cô lập. Ngoài củng cố sự ủng hộ về chính trị, thượng đỉnh CIS cũng đã chứng kiến nhiều văn kiện hợp tác được ký kết ở trong đa dạng các lĩnh vực khác nhau như AI, năng lượng, văn hóa, giáo dục v…v. Những hợp tác đó thuận lợi cho Nga và các nước trong khối này ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhau hơn.
Bước đi tiếp theo trong nỗ lực phi đô la hóa. BRICS mà đi đầu là Nga và Trung Quốc đã tuyên bố về xây dựng một trật tự thế giới “công bằng hơn”. Một trong những trọng tâm chính cho tham vọng đó chính là phi đô la hóa trên trong thương mại toàn cầu. Bài phát biểu trực tuyến của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của BRICS đã khẳng định đồng USD đang mất dần vai trò toàn cầu trong một quá trình “khách quan và không thể đảo ngược”. Ông Putin tuyên bố tiến trình phi đô la hóa đang “đạt được động lực”, đồng thời cho biết thêm rằng những thành viên của BRICS đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh trong các giao dịch chung, một động thái dự báo sẽ tái cấu trúc đáng kể động lực thương mại toàn cầu[5]. Thế nhưng nó đang vấp phải những khó khăn khi bản thân các nước của BRICS như Trung Quốc, Ấn Độ vẫn đang có mối quan hệ khá chặt chẽ vào Mỹ và tỉ lệ sử dụng đồng đô la trong các giao dịch thương mại vẫn cao. Trong khi đồng nhân dân tệ là đồng tiền mạnh nhất trong khối BRICS cũng mới chỉ chiếm 6% trong lưu thông thương mại thế giới. Và với thực tế 85% lưu thông hàng hóa của CIS đã không phụ thuộc vào đồng đô la có thể tạo động lực mới cho tham vọng phi đô la hóa của BRICS. Vì vậy, việc tăng cường hợp tác giữa BRICS với CIS hay thậm chí là hội nhập CIS vào BRICS sẽ tạo thuận lợi hơn trong nỗ lực phi đô la hóa của khối này.
Gửi thông điệp tới chính quyền Mỹ khi Washington đang phải xao lãng cho việc bầu cử Tổng thống. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn căng thẳng nhất cho 2 ứng viên của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Việc ra những tuyên bố chung và những gợi mở cho Hội nghị BRICS diễn ra vào cuối tháng 10 sẽ gây sức ép lên bất cứ vị tân Tổng thống Mỹ nào trong nhiệm kỳ tới. Một thế giới sẽ trở nên đa cực hơn và khó cho Mỹ kiểm soát hơn.
Tác động và thách thức đặt ra
Tác động tới BRICS
Tổng thống Vladimir Putin đã mời các nhà lãnh đạo CIS tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ được tổ chức tại Kazan vào ngày 22-24 tháng 10. Theo Trợ lý Tổng thống Nga Ushakov, trong hơn 30 quốc gia xác nhận tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS có tới 24 quốc gia tham dự ở cấp nguyên thủ quốc gia. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đã xác nhận sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS. Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề an ninh năng lượng và lương thực, việc sử dụng các loại tiền tệ quốc gia trong giao dịch song phương và đa phương, việc mở rộng thành viên BRICS và các hình thức hợp tác mới, hợp tác nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững, hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân…[6]. Với số lượng thành viên tham gia như trên thể hiện tầm ảnh hưởng của BRICS ngày càng lớn trong quan hệ quốc tế. Động thái kêu gọi các quốc gia CIS có hợp tác chặt chẽ hơn với BRICS sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả phía Nga nói riêng và BRICS nói chung. Đối với BRICS, các quốc gia CIS sẽ tạo thuận lợi hơn cho nỗ lực phi đô la hóa cũng như tăng cường vị thế và tầm ảnh hưởng của khối này so với G7. Còn đối với Nga, việc các nước CIS hội nhập sâu hơn vào BRICS sẽ giúp tăng cường tiếng nói và tầm ảnh hưởng lớn hơn của Nga trong khối này, vốn đang là Trung Quốc với tiềm lực vượt trội về các mặt so với các thành viên còn lại. Một hình thức hợp tác mới có thể được triển khai như các cơ chế tăng cường hợp tác giữa hai khối hay thậm chí là đề cập tới khả năng kết nạp thêm các thành viên cho BRICS.
Những vấn đề đặt ra thách thức cho Nga
Sau cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao CIS tổ chức tại Moscow. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Armenia tuyên bố rằng nước này không tham gia vào hai tuyên bố được thông qua trước đó trong ngày. Tuyên bố đầu tiên được thông qua tập trung vào các nguyên tắc hợp tác nhằm đảm bảo an ninh ở Âu Á và ủng hộ việc điều chỉnh kiến trúc tương tác Âu Á (The Eurasian architecture of interaction) trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế, văn hóa và các lĩnh vực khác cho phù hợp với trật tự đa cực”. Tuyên bố thứ hai về việc không chấp nhận sử dụng các biện pháp hạn chế đơn phương trong quan hệ quốc tế – khuyến nghị các quốc gia thành viên không nên thông qua, mở rộng hoặc áp dụng các biện pháp đó. Tuyên bố định nghĩa các biện pháp đơn phương là ‘hành vi cưỡng chế do một quốc gia, nhóm hoặc hiệp hội các quốc gia thực hiện nhằm vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm việc gây sức ép dưới mọi hình thức, dù là chính trị, pháp lý, tài chính hay kinh tế, với mục đích buộc một quốc gia khác phải thay đổi chính sách của mình, qua đó gây ra chi phí và thiệt hại cho quốc gia này và những người ủng hộ đường lối chính trị của quốc gia đó”. Động thái của Armenia được tiếp nối sau một loạt các hành động xích lại gần với phía Mỹ hơn trong thời gian gần đây. Những động thái trên xuất phát từ việc Armernia cho rằng Nga đã không thể hiện đúng vai trò của mình trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Armernia và Azebaizan. Vào hồi tháng 6, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết nước này sẽ rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu[7]. Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đã nhanh chóng phản hồi những lời thăm dò của Armenia về mối quan hệ an ninh và kinh tế chặt chẽ hơn. Một cuộc họp vào tháng 4 tại Brussels có sự tham gia của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von Der Leyen, Phó Chủ tịch EU Josep Borrell và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã mang lại một khoản viện trợ đáng kể cho Armenia. EU đã cam kết 270 triệu euro (khoảng 291 triệu đô la) trong bốn năm và Hoa Kỳ đã bổ sung thêm 65 triệu đô la viện trợ nhằm giúp Armenia phục hồi sau thất bại trong Chiến tranh Karabakh lần thứ hai. Trong tuyên bố chung, những người tham gia khẳng định cam kết mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực chính trị và kinh tế, bao gồm “quản trị, thực thi pháp luật, thương mại, kết nối, nông nghiệp, năng lượng và công nghệ”. Động cơ chính là giảm sự phụ thuộc kinh tế của nước này vào Nga. Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố mô tả cuộc họp là một nỗ lực khác của “phương Tây tập thể” nhằm gia tăng căng thẳng ở Nam Kavkaz và cảnh báo những khoản hỗ trợ đó sẽ gây ra tác động tiêu cực cho khu vực[8]. Khối CIS đã có 2 trường hợp rút khỏi nhóm trong quá khứ đó là Gruzia và Ukraine khi hai nước này đều có xung đột quân sự với Nga. Hiện tại với trường hợp của Armernia, cả Mỹ và EU đều đang có những động thái tăng cường sự ảnh hưởng nhưng vẫn tránh kích động để Nga có những phản ứng thái quá. Nhưng nó cũng đã phản ánh thế khó của Nga trong việc duy trì tầm ảnh hưởng trong không gian hậu Xô viết. Bởi thực tế nước này không còn đủ tiềm lực để duy trì tầm ảnh hưởng lớn như trước đây do đang phải căng mình ở chiến trường Ukraine. Kéo các quốc gia CIS xích gần lại hơn với BRICS có thể là giải pháp hiệu quả hơn cho Nga trong thời điểm này. Mặc dù có khả năng các thành viên CIS sẽ ngày càng xích gần lại với các nước trong BRICS như Trung Quốc hay Ấn Độ nhưng đó không phải là Mỹ và phương Tây – những đối thủ trực tiếp của Nga hiện tại. [9]
Tác giả: Phạm Quang Phúc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] “Summit of the leaders of the Commonwealth of Independent States proposes to consider CIS+ format” (2024), TV BRICS, https://tvbrics.com/en/news/the-leaders-of-the-commonwealth-of-independent-states-summit-discuss-cis-format/
[2] “CIS Heads of State Council meeting” (2024), The Embassy of the Russian Federation to the Republic of Kazakhstan, https://kazakhstan.mid.ru/en/press-centre/news/cis_heads_of_state_council_meeting/
[3] Mikhail Tereshchenko (2024), “FACTBOX: CIS Summits”, TASS, https://tass.com/world/1853033
[4] “Cooperation Within CIS One of Russia’s Top Priorities – Putin” (2024), Global Security, Cooperation Within CIS One of Russia’s Top Priorities – Putin (globalsecurity.org)
[5] Khánh Linh (2023), “BRICS: Định vị vai trò trong thế giới nhiều biến động”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/brics-dinh-vi-vai-tro-trong-the-gioi-nhieu-bien-dong-645420.html
[6] Đặng Cường (2024), “Hơn 30 quốc gia xác nhận tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan”, VOV, https://vov.vn/the-gioi/hon-30-quoc-gia-xac-nhan-tham-du-hoi-nghi-thuong-dinh-brics-o-kazan-post1127605.vov
[7] Vũ Thanh (2024), “Armenia hướng tới trở thành ‘đối tác chiến lược’ của Mỹ”, Báo tin tức, https://baotintuc.vn/the-gioi/armenia-huong-toi-tro-thanh-doi-tac-chien-luoc-cua-my-20240613150612938.htm
[8] James Kilner (2024), “Russia warns of ‘negative consequences’ after £230m Armenia-EU deal”, The Telegraph, https://www.telegraph.co.uk/world-news/2024/04/07/eu-deal-to-help-former-soviet-country-break-from-russia/