Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Joe Biden, lãnh đạo bốn quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã tập trung tại quê nhà của Biden – thành phố Wilmington, bang Delaware. Trong 2 ngày 21-22/9/2024 (theo giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của “Đối thoại An ninh Bốn bên” (QUAD) giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã được tổ chức tại đây.
Nhà nghiên cứu Hạng Hạo Vũ, nghiên cứu viên đặc biệt tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc, thuộc Viện Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương đã có một số nhận định về hội nghị này. Ông cho rằng Biden đã sắp xếp hàng loạt các hoạt động tiếp đón mang đậm dấu ấn cá nhân, cố ý thể hiện mối quan hệ “cá nhân thân thiết” giữa các lãnh đạo bốn quốc gia, nhằm thể hiện sự gắn kết giữa họ và tạo dấu ấn “di sản ngoại giao”cho nhiệm kỳ sắp kết thúc của mình.
Nghiên cứu viên Lữ Tường tại Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng cho biết, thời gian tổ chức hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch từ trước, khi đó Biden có thể chưa quyết định rút khỏi cuộc đua tái tranh cử. Ông hy vọng cơ chế QUAD sẽ tiếp tục được thực thi trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Tuy nhiên ngày nay, “bất kể ai là tổng thống Mỹ tiếp theo, họ sẽ có một bộ chính sách đối ngoại mới của riêng mình. Còn Biden sẽ là một trong số ít nhân vật hiếm hoi, sau khi rời nhiệm sở ngay lập tức mất đi ảnh hưởng và biến mất khỏi sân khấu chính trị. Hiện tại, dù chưa rời nhiệm sở, ông đã ở trong tình trạng gần như biến mất.”
Ngoài Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng sắp kết thúc nhiệm kỳ, và Australia sẽ tổ chức bầu cử vào năm tới. Do đó, Reuters gọi đây là “hội nghị thượng đỉnh chia tay” do Biden chủ trì.
Hạng Hạo Vũ cho rằng, từ nội dung và kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này, không có nhiều điều mới mẻ.
“Ngoài việc tổng kết tiến trình hợp tác trong bốn năm qua, họ tiếp tục thổi phồng cái gọi là ‘mối liên kết giá trị’ và trật tự Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Hội nghị liệt kê các kế hoạch và sáng kiến hợp tác của bốn quốc gia, bao gồm các lĩnh vực như hàng hải, cứu trợ nhân đạo và giảm thiểu thiên tai; cơ sở hạ tầng, công nghệ quan trọng và mới nổi, biến đổi khí hậu và năng lượng mới, cùng văn hóa nhân văn. Điều này nhằm thể hiện cơ chế hợp tác bốn bên ở mức độ cao toàn diện và thực tế. Mặc dù trong tuyên bố chung sau hội nghị không nhắc đích danh Trung Quốc, nhưng theo ông, hội nghị này vẫn ngấm ngầm nhắm vào Trung Quốc.
Tuyên bố chung không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, nhưng ai cũng có thể nhận ra mục tiêu mà QUAD nhắm tới
Ngày 21 tháng 9, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố rằng QUAD không liên quan đến bất kỳ quốc gia nào khác và không nhằm vào bất kỳ nước nào. Ông cũng cho biết tuyên bố chung sau hội nghị sẽ không đề cập đến bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
Tuy nhiên, tuyên bố này nhanh chóng bị bác bỏ bởi một đoạn ghi âm từ cuộc họp kín được truyền thông nước ngoài công bố, chứng tỏ tính không đáng tin của lời nói này. Khi các đại biểu nghĩ rằng giới truyền thông không còn nghe thấy nội dung của cuộc họp nữa, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố chủ đề đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh – Trung Quốc. Sau đó, Tổng thống Biden nói với các lãnh đạo của ba nước còn lại rằng: “Trung Quốc tiếp tục có những hành động hung hăng, thử thách chúng ta trên khắp khu vực, bao gồm cả Biển Đông, Biển Hoa Đông, Nam Á và eo biển Đài Loan. Điều này cũng đúng trong các lĩnh vực quan hệ giữa hai nước, bao gồm kinh tế và công nghệ.” Vì quên tắt micro, những nội dung này đã được ghi lại rõ ràng.
Hạng Hạo Vũ cho rằng, trong bối cảnh Mỹ triển khai các hoạt động ngoại giao “dày đặc” trong thời gian gần đây với Trung Quốc và quan hệ Mỹ – Trung có phần dịu lại, thái độ của Mỹ đối với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh QUAD lần này tỏ ra có phần mâu thuẫn. Một mặt, Washington dường như không muốn “chọc giận Trung Quốc”, vì vậy Jake Sullivan công khai tuyên bố rằng hội nghị lần này “không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào khác”, Nhà Trắng hết sức phủ nhận việc cơ chế QUAD là công cụ để Mỹ kiềm chế Trung Quốc ở khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Nhưng mặt khác, truyền thông lại tiết lộ rằng các nước vẫn tiếp tục thảo luận về “mối đe dọa từ Trung Quốc” trong các cuộc họp.
Sau hội nghị, bốn quốc gia đã ra tuyên bố chung. Chúng ta cần lưu ý rằng mặc dù tuyên bố chung không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, nhưng lại có khá nhiều nội dung liên quan đến Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Ví dụ, tuyên bố chung bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”, “tiếp tục quan ngại về việc quân sự hóa các đảo và bãi đá đang tranh chấp cũng như các cuộc diễn tập uy hiếp và đe dọa tại Biển Đông”. “Lên án việc sử dụng nguy hiểm các tàu tuần duyên và tàu dân quân trên biển, bao gồm cả việc ngày càng nhiều các cuộc diễn tập nguy hiểm”. “Phản đối việc can thiệp quấy nhiễu vào hoạt động phát triển tài nguyên biển của các quốc gia khác” v.v..
Tuyên bố chung cũng công bố kế hoạch giữa lực lượng tuần duyên Mỹ, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, Lực lượng biên phòng Australia, và Lực lượng tuần duyên Ấn Độ về việc khởi động nhiệm vụ quan sát hàng hải lần đầu tiên vào năm 2025, nhằm nâng cao khả năng phối hợp và tăng cường an ninh hàng hải. Trong những năm tới, các nhiệm vụ tiếp theo sẽ được thực hiện trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để tăng cường hơn nữa an ninh hàng hải.
Đáng chú ý, bốn quốc gia đã công bố một sáng kiến đào tạo hàng hải mới tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, “cho phép các đối tác trong khu vực tận dụng tối đa Quan hệ Đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về Nhận thức Lĩnh vực Hàng hải (Indo-Pacific Partnership for Maritime Domain Awareness, gọi tắt là IPMDA) để giám sát và bảo vệ vùng biển, thực thi pháp luật và ngăn chặn các hành vi phi pháp. Các quốc gia đối tác QUAD có kế hoạch trong năm tới sẽ áp dụng công nghệ và dữ liệu mới vào IPMDA, tiếp tục cung cấp các khả năng tiên tiến và thông tin cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.”
Các nghiên cứu cho rằng Mỹ có hai “con bài” chính tại Tây Thái Bình Dương, đó là vấn đề Đài Loan và vấn đề Biển Đông. “Nếu Mỹ lấy vấn đề Đài Loan làm chủ đề cho QUAD, hội nghị lần này sẽ không thể diễn ra, vì Australia và Ấn Độ có thể không muốn đứng về phía Mỹ rõ ràng trong vấn đề này. Do đó, Mỹ nhấn mạnh nhiều hơn vào vấn đề Biển Đông.”
“Xung quanh vấn đề Biển Đông, trong tuyên bố chung có hai điểm chính: Một là cùng nhau tăng cường sự hiện diện bán quân sự, cụ thể là các hành động liên quan đến lực lượng tuần duyên. Hai là tăng cường cái gọi là quan hệ đối tác nhận thức tình huống”. Các phân tích chỉ ra rằng nếu trong tương lai cơ chế chia sẻ tình báo hình thành ở Biển Đông, nó có thể gây ra mối đe dọa lớn đối với Trung Quốc.
Ngày 23 tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến chỉ ra rằng, cơ chế “tứ giác” được xác định là cơ chế lãnh đạo hàng đầu trong “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ, là công cụ để Mỹ bao vây Trung Quốc và duy trì vị thế thống trị của mình. “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” cố gắng tạo ra sự đồng thuận chống lại Trung Quốc thông qua việc phóng đại “mối đe dọa từ Trung Quốc”, muốn tập hợp hợp tác an ninh quân sự xung quanh các vấn đề hàng hải, mục đích và phương pháp hoàn toàn giống nhau.
“Mỹ luôn khẳng định rằng không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào, nhưng chủ đề đầu tiên của hội nghị lại chính là Trung Quốc. Trong suốt cuộc hội nghị đều lấy Trung Quốc làm đề tài. Sự bất nhất từ lời nói tới thực tế khiến ngay cả truyền thông của Mỹ cũng không tin nổi”.
Mỹ đưa ra củ cà rốt và tất nhiên là khó ai có thể lấy được
Ngoài việc tăng cường an ninh hàng hải, bốn nhà lãnh đạo cũng công bố một loạt các dự án hợp tác.
Ví dụ, tuyên bố chung kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh rằng “chúng tôi nhận thức được nhu cầu cấp thiết phải mở rộng số lượng các thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an, để làm cho cơ quan này trở nên đại diện hơn, toàn diện hơn, minh bạch và hiệu quả hơn, dân chủ và có trách nhiệm hơn. Việc mở rộng số ghế thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an đã được cải cách cần phải bao gồm đại diện từ châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và Caribe.”
Các phân tích cho rằng: “Đây là cách để an ủi Nhật Bản và Ấn Độ, vì cả hai nước đều đang cố gắng gia nhập nhóm năm nước thường trực, muốn có tiếng nói quan trọng hơn trong Liên Hợp Quốc. Dĩ nhiên, lời kêu gọi này rất phi thực tế.”
Ngoài ra, bốn quốc gia còn công bố một sáng kiến mang tên “Kế hoạch Đưa Ung Thư lên Mặt Trăng” (Quad Cancer Moonshot), nhằm kết thúc bệnh ung thư thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng y tế, mở rộng hợp tác nghiên cứu và các hỗ trợ khác. Kế hoạch này sẽ bắt đầu từ việc ứng phó với bệnh ung thư cổ tử cung và sau đó sẽ mở rộng ra các loại bệnh ung thư khác.
“Lời kêu gọi này cũng là một sự khuyến khích đối với Ấn Độ”. Ấn Độ là quốc gia lớn sản xuất thuốc generic. Hiện tại, Mỹ đang nhấn mạnh việc giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực dược phẩm. Điều này là một điểm nóng mà trong những năm qua ít được chú ý. Mỹ có thể sẽ hứa hẹn với Ấn Độ nhiều hơn về nguồn dược phẩm dưới danh nghĩa chống lại ung thư, và chúng ta cần nhìn nhận vấn đề dược phẩm này một cách dài hạn.”
Tuyên bố chung cũng đề cập rằng bốn nước sẽ phát huy tốt hơn các lợi thế bổ sung của nhau, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn, nhằm đa dạng hóa thị trường và tăng cường tính cạnh tranh. Đồng thời nâng cao khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng bán dẫn giữa bốn quốc gia.
“Vấn đề phân công chuỗi cung ứng bán dẫn mang ý nghĩa rất mạnh mẽ nhắm vào Trung Quốc”. Nhà nghiên cứu Lữ Tường cho rằng việc hình thành một chuỗi công nghiệp hóa mang tính chính trị mới là hướng đi lớn của Mỹ. Do đó, khi Nhật Bản cố gắng tái khẳng định vai trò của mình trong chuỗi công nghiệp bán dẫn, Mỹ sẽ đưa ra một số chính sách khuyến khích. Điều này cũng mang lại cho Ấn Độ những kỳ vọng về tương lai.
Tuy nhiên, Lữ Tường cũng nhấn mạnh rằng việc chuyển dịch chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng bán dẫn thực sự phần lớn vẫn phụ thuộc vào thị trường, chứ không phải chỉ là sự can thiệp của Mỹ. Ví dụ, việc Foxconn chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại sang Ấn Độ dường như không thành công. Vì vậy việc chuyển một phần chuỗi công nghiệp bán dẫn sang Ấn Độ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
“Nội dung của tuyên bố chung có thể khơi dậy một số kỳ vọng từ các quốc gia đối tác, nhưng về hiệu quả có thể đạt được bao nhiêu, vẫn cần xem xét thận trọng. Mỹ đã tung ra vài ‘củ cà rốt’, nhưng tung rất xa, không dễ mà có thể lấy được.
QUAD có thể được coi là “dự án chủ lực” của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Kể từ khi được nâng cấp thành cơ chế hội nghị thượng đỉnh vào năm 2021, cho đến nay đã tổ chức bốn hội nghị thượng đỉnh.
Theo nhận định của Hạng Hạo Vũ, nếu đánh giá toàn diện về tiến độ của cơ chế bốn bên, ngoài việc tạo ra một “Chương trình nhận thức vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải và một số cuộc diễn tập quân sự chung, thì các lĩnh vực hợp tác khác dường như thiên về hình thức, thiếu thực chất, ồn ào nhưng ít hiệu quả. Nó còn cách khá xa so với những mục tiêu ban đầu mà bốn nước đã đặt ra.
Triển vọng phát triển của QUAD không mấy lạc quan
Mặc dù Biden nhiều lần nhấn mạnh rằng QUAD sẽ tiếp tục tồn tại sau cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 nhưng vẫn không thể che giấu “khủng hoảng sinh tồn” của nó.
Hạng Hạo Vũ cho rằng, thực chất, cơ chế an ninh tứ giác chỉ là một công cụ chiến lược địa chính trị của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Nhìn từ bản đồ, bốn quốc gia này tạo thành một hình thoi khổng lồ, trải dài qua Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, bao trùm hầu hết các quốc gia và khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương, và dường như hình thành một thế bao vây nhằm vào Trung Quốc.
Ông chỉ ra rằng nhóm bốn nước rất quan tâm đến việc sử dụng chiêu bài “bảo vệ các giá trị chung” và “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Nhưng thực chất chỉ là muốn liên minh để duy trì quyền lực khu vực, lợi dụng một số vấn đề địa chính trị để kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, ẩn sau mục tiêu chung này, những bất đồng và sự khác biệt giữa bốn nước thỉnh thoảng lại xuất hiện, khiến triển vọng phát triển có thể không mấy lạc quan.
Đối với phân tích của Hạng Hạo Vũ, có ba điểm chính sau:
Thứ nhất, cơ chế tứ giác (QUAD) dưới sự lãnh đạo của Mỹ, hiện tại chỉ có Nhật Bản đang đóng vai trò là nhà thúc đẩy tích cực nhất. Trong bối cảnh Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột địa chính trị ở châu Âu và Trung Đông, kết quả bầu cử tổng thống trong nước còn khó lường. Trong tương lai, Mỹ dù ai lên nắm quyền, việc có thể duy trì sự quan tâm và đầu tư vào các liên minh trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hay không vẫn phải đối mặt với nhiều bất định.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong nhiệm kỳ của mình đã tích cực thúc đẩy quá trình tăng cường quân sự, đồng thời củng cố mối quan hệ an ninh quốc phòng với các đồng minh khu vực của Mỹ. Ông cố gắng mở rộng ảnh hưởng khu vực thông qua các hợp tác đa phương nhỏ mà Mỹ dẫn dắt, nhằm đạt được mục tiêu quân sự “mượn thuyền ra khơi”. Tuy nhiên, khi Kishida hoàn thành “cuộc hành trình từ biệt” của mình, nội các mới của Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề chính sách trong nước. Liệu có thể duy trì cam kết ngoại giao đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hay không cũng là điều không chắc chắn. Ngay cả khi Nhật Bản thể hiện sự tích cực, họ vẫn cần sự hỗ trợ và phối hợp từ chính phủ mới của Mỹ.
Thứ hai, với vai trò là “mắt xích yếu” trong cơ chế an ninh bốn bên, Ấn Độ nhiều khả năng sẽ tiếp tục đóng vai trò “cản trở”. Trong hai năm qua, lập trường “thân Nga” của Ấn Độ trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến Mỹ, Nhật Bản và Australia rơi vào thế khó xử và bối rối. Điều này cũng dẫn đến sự thiếu gắn kết trong hợp tác giữa các bên. Nhật Bản và Australia rõ ràng là những đồng minh “trung thành” của Mỹ, nhưng Ấn Độ, dù xuất phát từ chiến lược ngoại giao “độc lập tự chủ” truyền thống hay từ tham vọng trở thành “cường quốc”, không sẵn sàng bị cuốn theo nhịp độ của Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Từ góc độ này, sự hiện diện của Ấn Độ như một yếu tố “gây khó khăn” đã định sẵn rằng cơ chế bốn bên khó có thể trở thành một “liên minh bốn bên” thực sự như kỳ vọng của Mỹ và Nhật Bản.
Thứ ba, và cũng là điểm quan trọng nhất, mặc dù “kiềm chế Trung Quốc” là một điểm hợp tác lợi ích lớn của nhóm bốn nước, nhưng nó cũng sẽ hạn chế sự phát triển sâu sắc và thực chất của cơ chế bốn bên. Sự hợp tác giữa bốn nước công khai và ngầm nhấn mạnh việc nhắm đến Trung Quốc, với mục tiêu xây dựng một “vòng vây” để kiềm chế Trung Quốc về mặt an ninh quân sự, tạo ra lợi thế chiến lược trong lĩnh vực công nghệ và ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, cho dù là khuấy động tình hình ở Biển Đông, thúc đẩy sự đối đầu giữa các liên minh, hay mong muốn “tách rời” khỏi Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và ngành công nghiệp, tất cả những điều này đều không nhận được sự đồng tình và ủng hộ từ phần lớn các quốc gia trong khu vực. Hơn nữa, chính bản thân bốn nước cũng có những mối quan hệ thương mại sâu sắc với Trung Quốc.
Với sự cải thiện trong quan hệ giữa Trung Quốc và Australia, Australia cũng đang có những tính toán thận trọng và thực tế hơn trong quan hệ với Trung Quốc. Tất cả những yếu tố này cho thấy rằng cơ chế tứ giác, với mục tiêu chính là kiềm chế Trung Quốc, đã bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu mất phương hướng và khó khăn trong việc định hướng phát triển.
Hạng Hạo Vũ cho rằng, với việc Kishida và Biden sắp rời khỏi chính trường, hội nghị thượng đỉnh bốn bên lần này giống như một buổi bữa tiệc chia tay, trấn an đối tác. Nếu cơ chế an ninh tứ giác kiên quyết nhấn mạnh mục tiêu nhắm vào Trung Quốc, cuối cùng sẽ gặp phải những rào cản nội bộ cũng như từ bên ngoài, từ đó mất đi động lực phát triển.
Triển vọng phát triển của cơ chế an ninh tứ giác có lẽ sẽ không lạc quan như những gì được thể hiện trong sự “tương tác thân mật” của bốn nước lần này.
Lữ Tường cũng cho rằng, từ góc độ chiến lược, điều kiện cần thiết để hình thành một liên minh là phải có mối đe dọa chung. Trung Quốc sẽ không trở thành một mối đe dọa đối với hòa bình thế giới cũng như không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào, bao gồm cả Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc là một cường quốc có trách nhiệm, rất có ý thức trong việc đảm nhận trọng trách của mình. Trong bối cảnh này, việc hình thành một liên minh thực sự có ý nghĩa sẽ rất khó khăn.
“QUAD có thể duy trì hình thức này, nhưng ngoài việc chia sẻ thông tin tình báo, rất khó để tưởng tượng rằng họ có thể thực sự hình thành một cơ chế hiệu quả,” Lữ Tường bổ sung./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Vương Huệ, cây bút của trang mạng Quan sát viên, Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]