Chỉ vài ngày sau chuyến thăm tới Đức và Pháp nhằm “cầu viện” cho cuộc chiến chống Nga, Tổng thống Zelensky tiếp tục có cơ hội tìm kiếm thêm sự hỗ trợ tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 được tổ chức với hình thức trực tuyến vào đúng ngày kỷ niệm 2 năm diễn ra cuộc chiến tại Ukraine. Ở đó, ông Zelensky được phát biểu và kêu gọi sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo G7. Đáp lại, các quốc gia thành viên G7 đã có những động thái ủng hộ và cam kết viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Những kết quả đạt được từ hội nghị trực tuyến G7 đã tạo ra những mối lo ngại mới về tương lai cuộc chiến sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới ở Ukraine.
Bối cảnh của Hội nghị Thượng đỉnh G7 trực tuyến
Ngày 24/2/2024, nhân kỷ niệm 2 năm Nga triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo G7 đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt bằng hình thức trực tuyến. Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến lần này tập trung vào việc hỗ trợ Ukraine và đánh giá lại nhiều vấn đề qua 2 năm xung đột Nga – Ukraine đã được tổ chức.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh gần đây Ukraine đã phải hứng chịu những thất bại trên chiến trường phía đông, khi các tướng lĩnh của nước này phàn nàn về tình trạng thiếu cả vũ khí và binh lính ngày càng tăng. Khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ ba, cuộc xung đột sẽ được quyết định không chỉ trên chiến trường mà còn ở chính thủ đô của các nước phương Tây và những nơi khác xa chiến tuyến. Các diễn biến khốc liệt của cuộc chiến vẫn tiếp tục diễn ra. Trong tháng này, Nga đã ghi nhận chiến thắng lớn nhất trong 9 tháng gần đây. Họ giành được thị trấn Avdiivka ở phía đông và chấm dứt nhiều tháng giao tranh ở khu vực này.
Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới cho biết việc xây dựng lại nền kinh tế Ukraine có thể tiêu tốn gần 500 tỷ USD. Hai triệu đơn vị nhà ở đã bị hư hại hoặc bị phá hủy, và gần 6 triệu người vẫn ở lại nước ngoài sau khi chạy trốn khỏi cuộc chiến[1]. Với lực lượng Ukraine đang ở thế yếu, khả năng đẩy lùi các lực lượng Nga của Kyiv phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ về quân sự, tài chính và chính trị của phương Tây[2]. Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelensky đã phải tới Pháp và Đức nhằm tìm kiếm các cam kết mạnh mẽ hơn cho việc duy trì cuộc chiến với Nga. Và tại hội nghị lần này, ông Zelensky tiếp tục có những bài phát biểu về việc cần thiết của việc tăng cường nguồn viện trợ cho Ukraine chống lại nước Nga từ các quốc gia còn lại của khối G7.
Những kết quả đáng chú ý
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 đã đưa ra tuyên bố dài 5 trang, 18 đoạn và 1.813 từ. Nó chỉ đề cập riêng đến chiến dịch tấn công Ukraine của Nga và những diễn biến bên trong nước Nga, dẫn đầu là vụ sát hại Navalny chỉ hơn một tuần trước đó. Trong tuyên bố của mình, các nhà lãnh đạo G7 đã 7 lần khẳng định sứ mệnh nền tảng đặc biệt của họ là bảo vệ và thúc đẩy dân chủ, nhân quyền ở cả Ukraine và Nga. Bốn khẳng định về dân chủ và ba khẳng định về nhân quyền[3]. Các cam kết của hội nghị năm nay so với các hội nghị vào 2 năm trước ít hơn và tập trung hơn vào vấn đề ở Ukraine.
Các nhà lãnh đạo G7 tuyên bố sẽ hỗ trợ Ukraine tại những thời điểm cần thiết trong cuộc chiến chống lại Nga và cho biết họ sẽ tìm cách buộc Moskva phải trả giá cho những thiệt hại do cuộc chiến gây ra. Tuyên bố chỉ ra G7 sẽ tiếp tục ủng hộ quyền tự vệ của Ukraine và nhắc lại cam kết của họ đối với an ninh lâu dài của nước này, bao gồm cả việc ký kết và thực hiện các cam kết và thỏa thuận an ninh song phương. G7 cũng đáp ứng các nhu cầu tài chính khẩn cấp và sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính quan trọng cho Ukraine cho đến năm 2027. Sau các hiệp ước an ninh song phương với Anh, Đức, Pháp, tại hội nghị lần này Ukarine tiếp túc ký kết các bản hiệp ước tương tự với Ý và Canada[4]. “Thông điệp mà tôi muốn gửi hôm nay tới… tất cả người dân Ukraine là họ không đơn độc”, Thủ tướng Ý, bà Meloni nói khi ký hiệp ước quốc phòng 10 năm với Zelensky. Thủ tướng Trudeau đã ký một hiệp định tương tự và cam kết hỗ trợ tài chính và quân sự khoảng 2,25 tỷ USD trong năm nay. Ông Trudeau nói: “Chúng tôi sẽ sát cánh cùng Ukraine bằng bất cứ giá nào, miễn là cần thiết”. Các thỏa thuận này sẽ hứa hẹn tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và an ninh, hỗ trợ phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine, đào tạo binh sĩ Ukraine, chia sẻ và hợp tác thông tin tình báo cũng như hỗ trợ phòng thủ mạng[5].
Bên cạnh đó, G7 còn nêu rõ sẽ tiếp tục làm tăng chi phí chiến tranh của Nga, làm suy giảm nguồn thu nhập của Nga và cản trở nỗ lực xây dựng cỗ máy chiến tranh của nước này. Các nhà lãnh đạo cam kết thực hiện và thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt đối với Nga và áp dụng các biện pháp mới khi cần thiết. Bản tuyên bố còn chỉ ra rằng, các quốc gia G7 sẽ tiếp tục gây áp lực đáng kể lên nguồn thu từ năng lượng và các mặt hàng khác của Nga. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các bước để thắt chặt việc tuân thủ và thực thi giới hạn giá dầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các bước để hạn chế nguồn thu từ năng lượng trong tương lai của Nga. Tiếp tục cản trở việc Nga phát triển các dự án năng lượng trong tương lai và cản trở việc phát triển các giải pháp thay thế cho vận chuyển năng lượng và các dịch vụ khác của nước này”. Cam kết tiếp tục hành động chống lại các tác nhân của nước thứ ba ủng hộ vật chất cho cuộc chiến của Nga, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp bổ sung đối với các thực thể ở các nước thứ ba. Chúng tôi kêu gọi các tổ chức tài chính ngừng hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của Nga và chúng tôi sẽ thực hiện các bước thích hợp, phù hợp với hệ thống pháp luật của mình, để ngăn chặn hành vi này. Các tổ chức tài chính và các thực thể khác tạo điều kiện cho Nga mua các vật dụng hoặc thiết bị cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của nước này đang hỗ trợ các hành động làm suy yếu Ukraine. Hội nghị của G7 đã lên án mạnh mẽ việc xuất khẩu của Triều Tiên và việc Nga mua tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là vi phạm trực tiếp các UNSCR có liên quan và kêu gọi họ chấm dứt ngay các hoạt động đó. G7 cũng bày tỏ quan ngại và kêu gọi Iran và Trung Quốc ngừng hỗ trợ quân đội Nga và cuộc chiến của họ ở Ukraine.
Phản ứng từ giới chuyên gia, học giả
Hội nghị thượng đỉnh lần này gửi đi những thông điệp chính trị rất quan trọng. Eliot Cohen, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, đồng thời là cựu cố vấn tại Hoa Kỳ, cho biết: “Điều mà người Nga muốn làm bây giờ là thuyết phục mọi người rằng trường hợp của Ukraine là vô vọng. Người Nga không ngừng nghỉ, có những nguồn tài nguyên về cơ bản là vô hạn và sẵn sàng chịu đựng vô hạn. Tôi không nghĩ bất kỳ điều nào trong số đó là đúng, nhưng tôi nghĩ đó là phần lớn những gì người Nga muốn chúng ta tin tưởng.[6]”. Cho nên, hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra là cách các nhà lãnh đạo G7 gửi đi một thông điệp về quyết tâm của châu Âu đối với Ukraine và phản bác lại tuyên bố của Điện Kremlin rằng Nga chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến hiện đã bước sang năm thứ ba. Cố vấn Pháp nói: “Chúng ta không hề u ám. Chúng tôi muốn Nga hiểu điều đó. Chúng ta để chấm dứt cuộc chiến này và khôi phục các quyền của Ukraine”. Tuy nhiên, cố vấn cho biết cuộc họp làm việc sẽ không phải là dịp để công bố việc chuyển giao vũ khí mới cho Ukraine mà là để bàn bạc các cách thức hiệu quả hơn trên thực địa, cũng như tăng cường phối hợp giữa các đồng minh và Ukraine[7].
Bên cạnh đó, hội nghị vừa qua không chỉ thể hiện quyết tâm của các nhà lãnh đạo G7, mà còn cho thấy họ đang có tinh thần đoàn kết vô cùng cao trong việc giúp đỡ Ukraine đủ sức chống lại Nga trên chiến trường. Rishi Sunak đã kêu gọi Mỹ tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự “táo bạo hơn” cho Ukraine, sau lễ kỷ niệm hai năm ngày Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Viết trên tờ The Sunday Times, Thủ tướng Anh cho biết các đồng minh của Ukraine nên sử dụng số tiền có được thông qua các lệnh trừng phạt và tài sản của Nga để tài trợ cho quốc phòng của Ukraine. Vương quốc Anh đã cam kết đầu tư 245 triệu bảng để sản xuất đạn pháo cho Ukraine và 8,5 triệu bảng tài trợ nhân đạo khi cuộc xung đột bước sang năm thứ ba. Tổng thống Mỹ đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo được phê duyệt thêm viện trợ quân sự, khi Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Hoa Kỳ tìm cách chặn viện trợ quân sự cho Ukraine như một phần của cuộc chiến đảng phái về vấn đề nhập cư. Trong hoàn cảnh đó, Thủ tướng Anh Sunak nói: “Chúng ta không bao giờ nên đánh giá thấp những gì Mỹ đã làm cho Ukraine và an ninh châu Âu-Đại Tây Dương. Tôi kêu gọi họ tiếp tục hỗ trợ và tôi tin rằng họ sẽ làm được”. Ông Sunak cũng đề nghị các đồng minh của Ukraine nên tìm cách phân phối lại trực tiếp bất kỳ khoản tiền nào lấy được từ Nga hoặc công dân nước này cho các nỗ lực chiến tranh. Bộ Ngoại giao Anh cho biết trước cuộc họp: “Cùng với người Pháp, chúng tôi sẽ chứng minh sức mạnh đoàn kết chống lại hành động quân sự của Nga”. Khi được hỏi tại sao Thủ tướng không tới Ukraine cùng các nhà lãnh đạo khác, Phó Thủ tướng Oliver Dowden nói với chương trình Buổi sáng Chủ nhật với Trevor Phillips của Sky: “Bạn không nên đọc từ đó bất kỳ sự giảm sút nào trong sự hỗ trợ của Vương quốc Anh dành cho Ukraine[8].
Các hãng truyền thông đối lập với Nga thường công bố các thiệt hại lớn của quân đội nước này trong 2 năm diễn ra “chiến dịch quân sự đặc biệt” là tương đối lớn. Đồng thời, các cuộc biểu tình đoàn kết với Ukraine đã được tổ chức trên khắp châu Âu, bao gồm cả ở London, Berlin và Stockholm[9]. Sự cam kết mạnh mẽ của các quốc gia G7 báo hiệu một cuộc chiến khốc liệt sẽ còn kéo dài, và thiệt hại cho các bên sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Một điểm đáng chú ý, ẩn chứa trong các gói an ninh được Canada và Ý (và trước đó là Vương quốc Anh, Pháp, Đức và Đan Mạch) ký kết là một quyết tâm lớn nhằm đương đầu với thách thức an ninh lớn nhất tại châu Âu kể từ thế chiến hai. Thách thức này nghiêm trọng hơn cả ở Afganistan và Iraq, cuộc chiến tại Ukraine đang thử thách sự kiên nhẫn của chính quốc gia này cũng như của phương Tây. Các bản cam kết và tuyên bố sau hội nghị đã phản ánh phần nào quyết tâm của các nước tham dự. Dominique Arel, chủ tịch nghiên cứu Ukraine tại Đại học Ottawa, cho biết ông đang nhìn thấy những dấu hiệu về sự quyết tâm ngày càng tăng của thế giới phương Tây, nhưng ông tự hỏi Canada có bao nhiêu quyền lực để duy trì. Ông chỉ ra sự miễn cưỡng của chính phủ liên bang trong việc tăng cường sản xuất đạn dược và việc họ kiên quyết từ chối cho biết liệu nước này có cố gắng đáp ứng tiêu chuẩn của NATO về 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng hay không. Arel cho biết, người châu Âu không còn coi Ukraine là hiện tượng “chỉ xảy ra một lần” và đã bắt đầu nhận ra và rèn luyện bản thân cho một cuộc chiến lâu dài, thay vì chỉ hy vọng chiến tranh sẽ kết thúc vào ngày mai[10].
Emily Harding, giám đốc chương trình tình báo, an ninh quốc gia và công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết cái chết gần đây của thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny và việc Điện Kremlin có thể sớm triển khai các phương án hạt nhân là những tín hiệu đáng quan tâm. Tổng thống Vladimir Putin có ý gieo rắc nỗi sợ hãi ở châu Âu. “Việc Putin cho phép điều này ngay trước Hội nghị [An ninh] Munich là khá thú vị và có lí do để lo sợ về điều đó. Đồng thời, phương Tây, do Mỹ dẫn đầu, không thể cho phép Moskva tiếp tục tiến lên mà không lùi bước[11] – Harding nói trong một hội thảo trực tuyến gần đây tại trung tâm kỷ niệm hai năm cuộc chiến ở Ukraine.
Kết luận
Có thể khẳng định rằng, với những kết quả đạt được cũng như quyết tâm đã thể hiện của nhóm G7, phương Tây sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine theo nhiều phương cách trong cuộc đối đầu với Nga. Chiến sự tại Ukraine sẽ không có dấu hiệu kết thúc sớm trong năm 2024. Trước đó đã có nhiều ý kiến cho rằng chiến sự tại Ukraine sẽ có những tín hiệu khả quan do sự giảm sút trong viện trợ từ nhà tài trợ lớn nhất là Mỹ, cùng với đó là sự mơ hồ của nước Mỹ về cuộc bầu cử sắp diễn ra tại nước này. Sự xao nhãng của nước Mỹ sẽ đưa Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga bàn về việc kết thúc xung đột do không còn đủ nguồn lực để tiếp tục cuộc chiến. Tuy vậy, trách nhiệm viện trợ cho Ukraine đang được chuyển hướng cho các nước phương Tây khác, đặc biệt là các thành viên ở châu Âu. Sự ủng hộ và cam kết mạnh mẽ thông qua các bản hiệp ước an ninh kéo dài nhiều năm giữa các nước G7 và Ukraine sẽ khiến cho triển vọng đàm phán hòa bình khó có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần./.
Tác giả: Phạm Quang Phúc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1] Andrea Shalel (2024), “Ukraine needs $486 bln to recover, rebuild after nearly two years of war – World Bank”, Reuters, https://www.reuters.com/world/europe/ukraine-needs-486-bln-recover-rebuild-after-nearly-two-years-war-world-bank-2024-02-15/
[2] Andrew Gray (2024), “Explainer: In third year of war, why Ukraine’s fate hinges on West”, Reuters, https://www.reuters.com/world/europe/third-year-war-why-ukraines-fate-hinges-west-2024-02-22/
[3] “G7 Leaders’ Statement, 24 February 2024” (2024), Consuliun, https://www.consilium.europa.eu/en/press/press-releases/2024/02/24/g7-leaders-statement-24-february-2024/
[4] TTXVN (2024), “Tổng thống Ukraine ký thỏa thuận an ninh song phương với Italia và Canada”, Báo nhân dân, https://nhandan.vn/tong-thong-ukraine-ky-thoa-thuan-an-ninh-song-phuong-voi-italia-va-canada-post797460.html
[5] Tom Balmforth (2024), “Explainer: What are the security deals Ukraine is discussing with allies?”, Reuters, https://www.reuters.com/world/europe/what-are-security-deals-ukraine-is-discussing-with-allies-2024-02-23/
[6] Murray Brewster (2024), “Two years on, the war in Ukraine becomes a test of Western staying power”, CBC, https://www.cbc.ca/news/politics/ukraine-war-anniversary-western-support-1.7125003
[7] Bình Giang (2024), Pháp tổ chức hội nghị về Ukraine, Báo Tiền Phong, https://tienphong.vn/phap-to-chuc-hoi-nghi-ve-ukraine-post1615048.tpo
[8] Harry Stedman (2024), “Rishi Sunak calls on US to continue with ‘bolder’ military support for Ukraine”, The Irish News, https://www.irishnews.com/news/uk/rishi-sunak-calls-on-us-to-continue-with-bolder-military-support-for-ukraine-BYLSKV6N7VKSVJT7C5FF7FCTCY/
[9] “Western leaders rally around Kyiv as Ukraine marks invasion anniversary” (2024), MSN, https://www.msn.com/en-gb/news/world/western-leaders-arrive-in-kyiv-as-ukraine-marks-invasion-anniversary/ar-BB1iOeRj
[10] Olena Harmash, Angelo Amante (2024), “Western leaders in Kyiv, G7 pledge support for Ukraine on war anniversary”, Reuters, https://www.reuters.com/world/europe/western-leaders-kyiv-g7-pledge-support-ukraine-war-anniversary-2024-02-24/
[11] Michel Rose (2024), “Paris conference to belie ‘doom and gloom’ on Ukraine, Elysee says”, Aol, https://www.aol.com/news/paris-conference-belie-doom-gloom-170440061.html