Phiên họp toàn thể lần ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang được tổ chức kín tại Bắc Kinh từ ngày 15 - 18/7. Trong hội nghị toàn thể lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ sẽ thông qua dự thảo văn kiện Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương về việc tiếp tục cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa theo kiểu Trung Quốc và tập trung đi sâu vào các biện pháp giúp khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Bối cảnh của hội nghị
Ủy ban Trung ương Trung Quốc thường triệu tập bảy phiên họp toàn thể trong mỗi nhiệm kỳ năm năm. Hội nghị Trung ương thứ nhất và thứ hai tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ của ban lãnh đạo mới và các vấn đề về nhân sự. Hội nghị Trung ương lần thứ ba thường tiết lộ các chính sách có thể thay đổi hướng đi của nền kinh tế Trung Quốc.
Một số lần tổ chức Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong lịch sử đã từng chứng kiến những quyết định có tầm ảnh hưởng lớn, mang tính bước ngoặt của nền kinh tế nước này. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba của Ủy ban Trung ương năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã đưa Trung Quốc vào con đường cải cách và chuyển đổi kinh tế trên toàn quốc, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc. Hội nghị Trung ương 3 vào năm 1993 dưới thời của Giang Trạch Dân đã củng cố quá trình chuyển đổi của Trung Quốc sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa bằng cách đóng cửa nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ[1].
Hội nghị trung ương 3 trong nhiệm kỳ thứ 3 của Tập Cận Bình đã được lên lịch vào cuối năm ngoái nhưng đã bị hoãn lại mà không rõ lí do. Hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, với những diễn biến phức tạp trong lĩnh vực bất động sản, từng chiếm một phần không nhỏ trong tổng sản phẩm quốc nội của nước này.
Một số nội dung chính trong Hội nghị lần này
Phát biểu của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc vào tháng 4 vừa rồi có thể hé lộ những nội dung trọng tâm được Trung ương Trung Quốc bàn bạc trong hội nghị đang diễn ra hiện nay: “Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng cải cách và mở cửa là những công cụ quan trọng để Trung Quốc đương đại bắt kịp thời đại. Cải cách của Trung Quốc sẽ không dừng lại, và việc mở cửa của nó sẽ không chấm dứt. Chúng tôi đang lên kế hoạch và thực hiện một loạt các biện pháp quan trọng để cải cách sâu rộng toàn diện”[2]. Mặc dù có nhiều dự báo khác nhau về các nội dung chính, nhưng trọng tâm chính của hội nghị trung ương lần 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gồm 2 vấn đề chính là cải cách mô hình thị trường và biện pháp phục hồi đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Cải cách mô hình thị trường
Trong hội nghị toàn thể lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ sẽ thông qua dự thảo văn kiện Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương về việc tiếp tục cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa theo kiểu Trung Quốc[3]. Văn kiện này sẽ phác thảo các cải cách kinh tế theo kế hoạch trong những năm tới. Mặc dù các phiên họp toàn thể trước đây của ĐCSTQ đã chứng kiến những cải cách lớn và các quyết định chính sách, nhưng dường như sẽ không có bất kỳ sự thay đổi đột phá nào tại cuộc họp năm nay. Thay vào đó, hội nghị sẽ đi sâu vào các cải cách chi tiết hơn phù hợp với quỹ đạo phát triển hiện tại của Trung Quốc[4]. Hai cuộc họp của Bộ chính trị Trung Quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc phần nào đã công bố và định hướng cải cách của Trung Quốc trong hội nghị trung ương lần này.
Một tài liệu được đưa ra sau một cuộc họp Bộ Chính trị vào hồi tháng 4 cho thấy hội nghị toàn thể sắp tới sẽ tận dụng cơ hội để thúc đẩy cải cách trong nỗ lực chống lại những cơn gió ngược kinh tế và củng cố vị trí của đất nước trong một cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng với Mỹ. Các học giả và nhà quan sát đã dự đoán việc đưa ra các chính sách để giải quyết những khó khăn kinh tế của đất nước, đặc biệt là những vấn đề gây ra bởi nợ chính quyền địa phương gia tăng và lĩnh vực bất động sản đang diễn biến phức tạp.
Phiên họp toàn thể lần thứ ba của kỳ họp thứ hai Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) lần thứ 14 được tổ chức ngày 9/3/2024 đã quy tụ những cố vấn hàng đầu của Trung Quốc xác định những vấn đề có thể được bàn bạc tại hội nghị trung ương 3. Trong phiên họp, các chuyên gia cố vấn tập trung vào vấn đề nâng cao chất lượng của nền kinh tế như tiêu chuẩn mới của nền kinh tế, chất lượng nguồn lao động, phát triển xanh[5] v…v. Hội nghị nhấn mạnh mục tiêu bao trùm của cải cách toàn diện sâu sắc hơn nữa là tiếp tục hoàn thiện và phát triển chế độ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, hiện đại hóa chế độ và năng lực quản lý của Trung Quốc. Đến năm 2035, hoàn thành toàn diện việc xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tiêu chuẩn cao, hoàn thiện chế độ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, hiện đại hóa chế độ và năng lực quản lý của đất nước, cơ bản hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, cơ bản hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Hội nghị đã nêu rõ sự lãnh đạo của ĐCSTQ là bảo đảm cơ bản cho việc tiếp tục cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc. Nhất định phải duy trì sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với việc tiếp tục cải cách toàn diện[6]. Ngoài ra, ĐCSTQ còn chủ trương đi sâu cải cách, xây dựng thị trường thống nhất toàn quốc, hoàn thiện hệ thống hỗ trợ kinh tế thị trường, mở rộng thương mại hàng hóa trung gian, thương mại dịch vụ, thương mại số, xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân mở rộng thị trường ra nước ngoài, tăng cường thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài. Theo các nhà phân tích từ CITIC Securities, hội nghị toàn thể lần thứ ba có thể công bố các chính sách liên quan đến việc thúc đẩy các quy trình sản xuất cao cấp, thông minh và xanh, củng cố thế mạnh công nghiệp hiện có và mở rộng các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược, đồng thời chủ động phát triển các ngành công nghiệp tương lai để đi đầu trong các cuộc cách mạng công nghệ và công nghiệp toàn cầu[7]. Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie, cho biết: “Thách thức chính mà Bắc Kinh phải đối mặt là tìm ra một hệ thống tài chính thay thế, vì hệ thống tài chính hiện tại vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu bất động sản, đang chịu áp lực nghiêm trọng do thị trường đất đai lao dốc”[8].
Những nội hàm chính của cải cách thị trường được biểu hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, “lực lượng sản xuất chất lượng mới”. Thuật ngữ với mục tiêu đưa nền kinh tế Trung Quốc dẫn đầu trong cuộc đua đổi mới công nghệ. Các chính sách công nghiệp trước đây của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc mở rộng thị phần toàn cầu cho hàng xuất khẩu của chính họ. Thuật ngữ mới này kêu gọi chính phủ và các doanh nghiệp dẫn dắt các ngành công nghiệp tương lai đang ở giai đoạn sơ khai ở cấp độ toàn cầu[9]. Đẩy nhanh các bước đột phá về công nghệ cốt lõi trong các lĩnh vực then chốt. Cần phối hợp các nỗ lực để nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống, mở rộng các ngành công nghiệp mới nổi và thúc đẩy các ngành công nghiệp tương lai, do đó xây dựng các chuỗi đổi mới sáng tạo, chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng trong nhiều lĩnh vực. Đi đầu trong việc tuân thủ các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế có tiêu chuẩn cao, thúc đẩy mạnh mẽ việc mở cửa phối hợp ở cấp độ cao và tạo ra thế mạnh mới của nền kinh tế bao trùm có tiêu chuẩn cao hơn.
Thứ hai, “hệ thống quốc gia mới”. Thuật ngữ đề cập đến việc phân phối các nguồn lực quốc gia với sự kiểm soát tập trung, phân bổ vốn cho các lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược. Thuật ngữ này không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là ý nghĩa về mặt địa chính trị, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung đang toàn diện trên các lĩnh vực và căng thẳng kinh tế Trung – EU cũng ngày càng gia tăng.
Thứ ba, “công nghiệp hóa kiểu mới”. Sáng kiến này nhằm đưa các ngành công nghiệp của Trung Quốc lên chuỗi giá trị và thúc đẩy khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ bằng cách tập trung vào số hóa, sản xuất tiên tiến, chuỗi cung ứng an toàn và phát triển các công nghệ cốt lõi và mới nổi. Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra khái niệm công nghiệp hóa kiểu mới vào năm 2002 trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XVI. Khái niệm này đã trở thành nền tảng cho sự phát triển kinh tế và khả năng cạnh tranh toàn cầu của Trung Quốc. Gần đây, nó thu hút sự chú ý cao hơn và cam kết cụ thể từ chính phủ[10].
Cải cách dựa trên sự lãnh đạo tuyệt đối của ĐCSTQ và phải duy trì chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, lý luận Ba đại diện và quan điểm phát triển khoa học, thực hiện đầy đủ tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, đồng thời nghiên cứu và thực hiện triệt để những tư tưởng, quan điểm và suy luận mới của Tổng bí thư Tập Cận Bình về vấn đề này. Cải cách toàn diện hơn nữa nên được dẫn dắt bởi cải cách chế độ kinh tế, với việc thúc đẩy bình đẳng và công lý xã hội và cải thiện phúc lợi của nhân dân vừa là điểm khởi đầu vừa là mục tiêu cuối cùng của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc.
Đảm bảo sự phục hồi đà tăng trưởng của nền kinh tế
Khu vực tư nhân Trung Quốc đã trải qua sự phục hồi không đồng đều kể từ đại dịch COVID-19. Do đó, hội nghị toàn thể lần thứ ba dự kiến sẽ công bố các chính sách mới nhằm hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi khu vực tư nhân, với các sáng kiến như đảm bảo đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân thông qua khuôn khổ thể chế và pháp lý. Nó cũng có thể tìm cách khuyến khích đầu tư tư nhân bằng cách cải thiện hỗ trợ tài chính cho các dự án tư nhân và thực hiện các biện pháp để tăng cường cạnh tranh công bằng trên thị trường và giảm rào cản hành chính[11]. Những tín hiệu chính sách hấp dẫn nhất trước hội nghị toàn thể cho thấy khả năng có nhiều chính sách ủng hộ doanh nghiệp hơn nữa thúc đẩy các mục tiêu về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong một bài phát biểu gần đây của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã kêu gọi thúc đẩy sự phát triển của các công ty tư nhân: “Tăng cường vị thế của doanh nghiệp như là chủ thể chính của đổi mới KH&CN và cải cách toàn diện sâu sắc hơn nữa bao gồm thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của các công ty tư nhân và loại bỏ những trở ngại hạn chế sự tham gia công bằng của các công ty tư nhân vào cạnh tranh thị trường”[12].
Về vấn đề bất động sản và nợ của các địa phương ở Trung Quốc gia tăng. Các biện pháp có thể là tiếp tục thực hiện các chính sách đảm bảo chính quyền địa phương, doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tài chính cùng chia sẻ trách nhiệm, đảm bảo triển khai các dự án nhà ở và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà; kết hợp những thay đổi mới trong mối quan hệ giữa cung và cầu trên thị trường bất động sản và nguyện vọng mới của người dân về nhà ở chất lượng cao; ngoài ra còn thực hiện các giải pháp xử lý rủi ro nợ của chính quyền địa phương, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường vốn[13]. Nợ ở các địa phương Trung Quốc là hệ quả của sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn thu của bất động sản. Khi ngành bất động sản bộc lộ những hạn chế đã kéo theo sự khó khăn của các khu vực này. Cải cách của Trung Quốc trong hội nghị sắp tới cũng có nhấn mạnh tới vấn đề đa dạng các hoạt động, nguồn thu cho các địa phương.
Thúc đẩy đầu tư nước ngoài
Một trọng tâm tiềm năng khác của hội nghị toàn thể lần thứ ba là các chính sách tiếp theo nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đã giảm mạnh trong những năm kể từ đại dịch COVID-19, với việc sử dụng thực tế vốn nước ngoài giảm 8% so với cùng kỳ năm 2023[14]. Từ năm 2023, chính phủ Trung Quốc đã ban hành một số văn bản chính sách nêu rõ các biện pháp thúc đẩy đầu tư nước ngoài, gần đây nhất là kế hoạch hành động được công bố vào tháng 3/2024. Do đó, có thể thấy những cam kết tương tự nhằm cải thiện môi trường cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc, với các chính sách tiềm năng bao gồm mở rộng hơn nữa quyền tiếp cận thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ hiện đại và đảm bảo chế độ đối xử quốc gia cho các doanh nghiệp nước ngoài để họ có thể tham gia bình đẳng vào hoạt động mua sắm của chính phủ, đấu thầu và thiết lập tiêu chuẩn. Ngoài ra, có thể có những nỗ lực hướng vốn nước ngoài vào các ngành công nghiệp mục tiêu phát triển, chẳng hạn như sản xuất tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và công nghệ cao, cũng như vào các tỉnh miền Trung và miền Tây Trung Quốc.
Dự báo tác động
Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các tập đoàn kinh tế. Chắc chắn họ sẽ theo dõi chặt chẽ các thông báo được đưa ra trong phiên họp toàn thể lần thứ ba của ĐCSTQ, vì chúng có thể sẽ phác thảo các chính sách quan trọng tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau tại Trung Quốc. Đối với các công ty đang hoạt động hoặc có kế hoạch thâm nhập thị trường Trung Quốc, những thông báo này sẽ cung cấp những hiểu biết quan trọng về những thay đổi về quy định, điều kiện tiếp cận thị trường và cơ hội đầu tư. Việc thích ứng với những diễn biến này sẽ rất cần thiết để điều hướng bối cảnh kinh tế đang thay đổi của Trung Quốc và nắm bắt các cơ hội tăng trưởng.
Đánh giá của giới chuyên gia Trung Quốc đây sẽ là hội nghị mang ý nghĩa lịch sử khi xét đến suy thoái mang tính cấu trúc, căng thẳng địa chính trị Mỹ – Trung. Hội nghị sẽ đưa ra những dấu hiệu cho các nhà đầu tư nước ngoài về những bước đi nhằm cải cách kinh tế của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Ông đã tái cử nhiệm kỳ tiếp theo, đây là thời gian thích hợp để công bố dự định cho nhiệm kỳ mới sắp tới. Đặc biệt là trong một giai đoạn dài Trung Quốc đóng cửa vì chính sách Zero Covid.
Cải cách tài chính là mục tiêu hàng đầu trong danh sách theo dõi của các nhà đầu tư. Vào tháng 12 năm ngoái, các lãnh đạo cấp cao của chính phủ Trung Quốc tại một cuộc họp kinh tế quan trọng vào tháng 12 cho biết họ đang cân nhắc một “vòng cải cách tài chính và thuế mới”, làm dấy lên hy vọng rằng nhiều chi tiết hơn có thể được công bố tại hội nghị toàn thể lần thứ ba. Việc phân chia trách nhiệm chi tiêu giữa chính quyền trung ương và địa phương có thể được tái cấu trúc, với việc Bắc Kinh tiếp quản nhiều khoản chi hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khi các khu vực vật lộn với rủi ro nợ gia tăng và thu nhập từ việc bán đất giảm sút. Một số nhà kinh tế kỳ vọng một cuộc đại tu thuế tiêu dùng sẽ mở rộng nguồn thu nhập của chính quyền địa phương, cũng như cải cách thêm thuế giá trị gia tăng — nguồn thu thuế lớn nhất ở Trung Quốc[15].
Hội nghị Bộ chính trị Trung Quốc vào hồi tháng 4 đã tuyên bố cần triển khai các chính sách vĩ mô đã đề ra một cách kịp thời, thực hiện chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng. Sớm phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt kỳ hạn siêu dài, đẩy nhanh phát hành và sử dụng trái phiếu mục đích đặc biệt, duy trì cường độ chi tiêu tài khóa cần thiết, bảo đảm chi tiêu cho đời sống cơ bản của nhân dân, tiền lương của công chức, viên chức nhà nước và hoạt động của chính quyền cấp cơ sở. Linh hoạt sử dụng các công cụ chính sách như lãi suất, tỷ lệ dự trữ bắt buộc để tăng hỗ trợ cho nền kinh tế thực, hạ thấp chi phí tài chính chung. Chủ động mở rộng nhu cầu trong nước, triển khai kế hoạch hành động đổi mới trang thiết bị, đổi mới hàng tiêu dùng quy mô lớn là điều quan trọng. Đồng thời, cần tạo ra nhiều kịch bản tiêu dùng hơn nữa để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng đa dạng, chất lượng cao của nhân dân. Cần phải tiếp tục thúc đẩy đô thị hóa mới lấy con người làm trung tâm, tiếp tục khai thác tiềm năng tiêu dùng và đầu tư, triển khai tốt cơ chế hợp tác mới giữa nhà nước và tư nhân, kích thích toàn diện sức sống của đầu tư tư nhân. Hội nghị nhấn mạnh những nỗ lực liên tục thúc đẩy phát triển xanh và ít các-bon. Những chính sách trên có thể được công bố chính thức sau hội nghị trung ương lần 3, đó có thể là những tín hiệu tích cực cho cả các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài
Trên bình diện giữa các quốc gia, Trung Quốc mới đây cũng đã đưa ra các động thái nhằm đáp trả việc EU áp thuế xe điện của Trung Quốc. Những tín hiệu về chính sách sự tập trung nguồn lực vào các ngành chiến lược của hội nghị sắp tới như tham vọng tự chủ, dẫn đầu ngành công nghệ có thể làm gia tăng thêm căng thẳng. Mỹ và EU sẽ coi đó là một đe doạ và có thể tiếp tục có các chính sách nhằm kiềm chế Trung Quốc. Mỹ đã tuyên bố Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đang tận dụng năng lực công nghệ của mình để thúc đẩy mô hình quản trị độc đoán, hiện đại hóa quân đội và ưu tiên các lợi ích và giá trị của mình trong hệ thống quốc tế. Một số công nghệ nhất định có khả năng làm suy yếu an ninh của Mỹ và các đồng minh và do đó cần phải hạn chế Trung Quốc tiếp cận chúng. Washington gọi các hạn chế kinh tế của mình đối với Trung Quốc là cách tiếp cận “sân nhỏ, hàng rào cao”[16]. Căng thẳng kinh tế có thể lan rộng khi để đối phó với Mỹ và EU, Trung Quốc đã chủ động xây dựng mối quan hệ kinh tế với các nước Đông Nam Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Đông Âu đặc biệt là khối BRICS và SCO để tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. Chiến lược này dự kiến sẽ vẫn kiên định trong ngắn hạn./.
Tác giả: Phạm Quang Phúc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Tongjian Dong (2024), “How China’s third plenums have reshaped its economy – and what to expect this year”, South China Morning Post, https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/3260912/how-chinas-third-plenums-have-reshaped-its-economy-and-what-expect-year
[2] Ryan Woo (2024), “China vows reforms at long delayed party conclave amid challenging economy”, Reuters, https://www.reuters.com/world/china/chinas-communist-party-will-hold-key-third-plenum-july-2024-04-30/
[3] Xinhua (2024), “CPC to convene 3rd plenary session of 20th central committee on July 15”, The National Committee of the Chinese people’s Political Consultative Conference, http://en.cppcc.gov.cn/2024-06/28/c_1000003.htm
[4] Arendse Huld (2024), “China’s Third Plenum: What to Watch”, China Briefing, https://www.china-briefing.com/news/chinas-third-plenum-expected-outcomes-significance-policymaking/#whatcanweexpectfromthethirdplenumHeader
[5] “China’s top political advisory body holds 3rd plenary meeting of annual session” (2024), Xinhua, https://english.news.cn/20240309/85dc10a4f2a449429740c0eeb4552417/c.html
[6] “CPC to convene 3rd plenary session of 20th central committee on July 15” (2024), China Daily, https://www.chinadaily.com.cn/a/202406/28/WS667e09aea31095c51c50b437.html
[7] Hu Yuwei, Feng Tianze (2024), “二十届三中全会可能讨论哪些内容? | 宏观经济”, https://new.qq.com/rain/a/20231028A075D200
[8] Evelyn Cheng (2024), “China gears up for next week’s Third Plenum meeting. Here’s why real estate isn’t likely the main focus”, CNBC, https://www.cnbc.com/2024/07/12/china-to-hold-third-plenum-why-real-estate-isnt-likely-the-main-focus.html
[9] Yu Jie (2024), “China’s third plenum marks a sea change in growth model”, Chatham House, https://www.chathamhouse.org/2024/07/chinas-third-plenum-marks-sea-change-growth-model
[10] Giulia Interesse (2024), “Understanding China’s New-Type Industrialization: An Explainer”, China Briefing, https://www.china-briefing.com/news/understanding-chinas-new-type-industrialization-an-explainer/
[11]“20th CPC Central Committee to hold its third plenary session in July” (2024), China Daily, tldd
[12] Neil Thomas (2024), “Politics First: The Key to Understanding China’s Third Plenum”, Aisa Society, https://asiasociety.org/policy-institute/politics-first-key-understanding-chinas-third-plenum
[13] “20th CPC Central Committee to hold its third plenary session in July” (2024), China Daily, https://www.chinadaily.com.cn/a/202405/01/WS66323e19a31082fc043c5050.html
[14] 20th CPC Central Committee to hold its third plenary session in July” (2024), China Daily, tldd
[15] “Why China’s third plenum matters for global investors” (2024), The Japan Times, https://www.japantimes.co.jp/business/2024/07/08/markets/china-third-plenum-global-investors/
[16] Cameron Cavanagh (2024), “U.S. Economic Restrictions on China: Small Yard, High Fence?”, Georgetown Security Studies, https://georgetownsecuritystudiesreview.org/2023/12/26/u-s-economic-restrictions-on-china-small-yard-high-fence/