Ngày 27/8/2024, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có chuyến thăm kéo dài 3 ngày (từ 27-29/8/2024) tới Trung Quốc. Đây được cho là động thái phối hợp kiểm soát và quản lý rủi ro giữa hai bên, đồng thời có thể mở đường cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong những tháng tới. Bài viết đánh giá những nội dung, kết quả đã đạt được trong chuyến thăm, mục đích của hai bên và dự báo quan hệ song phương thời gian tới.
Chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan được xem là sự kiện mang ý nghĩa chiến lược, diễn ra trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/7/2024 tuyên bố sẽ tạm dừng tất cả các vòng đàm phán với Mỹ về kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân nhằm phản đối việc Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho đảo Đài Loan. Ở chiều ngược lại, Mỹ và các đồng minh bao gồm Nhật Bản và Philippines đã cáo buộc Trung Quốc gia tăng căng thẳng khu vực. Ngày 19/08/2024, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án Trung Quốc về các vụ va chạm giữa tàu Hải cảnh Trung Quốc và tàu tuần tra Philippines ở Biển Đông trong vài tháng qua, nhấn mạnh Mỹ “ủng hộ đồng minh Philippines và lên án các hành động nguy hiểm” của Trung Quốc, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, chấm dứt hành vi nguy hiểm và gây mất ổn định, những yếu tố trên khiến cho căng thẳng trong quan hệ song phương đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Do đó, hai bên muốn thông qua chuyến công du Bắc Kinh lần này để nối lại hoạt động đàm phán, “hạ nhiệt” căng thẳng song phương và giải quyết những khác biệt trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ trong vòng 8 năm qua, đồng thời cũng là hoạt động tiếp nối hàng loạt chuyến thăm Trung Quốc diễn ra trước đó của Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và nhiều thành viên nội các khác dưới thời chính quyền Joe Biden kể từ khi hai nước tái khởi động quan hệ ngoại giao vào tháng 11/2022. Chuyến đi của ông Sullivan dựa trên các cuộc gặp trước đó với ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Vienna, Malta và Bangkok, nêu bật những nỗ lực hai nước đang triển khai nhằm duy trì các kênh liên lạc mở và giải quyết căng thẳng đang gia tăng ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Những nội dung đáng chú ý được đề cập trong chuyến thăm
Từ ngày 27-28/8/2024, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan đã gặp, hội đàm với Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đề cập đến nhiều vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trong cuộc hội đàm, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng cũng như khả năng điện đàm hoặc hội đàm trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước trong thời gian tới. Theo đó, Vương Nghị cho rằng quan hệ Trung – Mỹ đã trải qua những thăng trầm, việc rút ra những bài học kinh nghiệm sẽ giúp mở ra tương lai tốt hơn và tìm ra con đường phù hợp để hai nước lớn hòa hợp với nhau. Ở chiều ngược lại, Sullivan cho biết Mỹ mong muốn tiếp tục duy trì trao đổi chiến lược với Trung Quốc, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giảm bớt hiểu lầm và đánh giá sai. Ngoại trưởng Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ không nên “dung túng” Manila xâm phạm các khu vực mà Bắc Kinh đưa ra yêu sách trên Biển Đông. Đáp lại, ông Sullivan tuyên bố Mỹ cam kết bảo vệ các đồng minh của nước này tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và “bày tỏ quan ngại” về các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong vấn đề Đài Loan, Vương Nghị nhấn mạnh “Đài Loan độc lập” là nguy cơ lớn nhất đối với hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Mỹ nên thực hiện cam kết không ủng hộ “Đài Loan độc lập”, kiên trì nguyên tắc “một Trung Quốc” và ba thông cáo chung Trung – Mỹ, ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan và ủng hộ sự thống nhất hòa bình của Trung Quốc. Ông Jake Sullivan cho biết, Mỹ kiên trì chính sách “một Trung Quốc”, không ủng hộ “Đài Loan độc lập”, không ủng hộ “hai Trung Quốc” hay “một Trung Quốc, một Đài Loan” ([1]).
Về quan hệ Trung – Mỹ, ông Vương Nghị cũng thể hiện thái độ không hài lòng của Bắc Kinh trước việc Washington áp thuế đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc và áp lệnh kiểm soát xuất khẩu nhắm vào các nhà sản xuất chip của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Mỹ nên “ngừng gây nguy hiểm cho các lợi ích hợp pháp của Trung Quốc”. Đáp lại, ông Jake Sullivan đã “nhấn mạnh mối quan ngại” về việc Trung Quốc hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Nga trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine vẫn dai dẳng, chưa hồi kết. Bác bỏ quan điểm của phía Mỹ, ông Vương Nghị cho rằng Trung Quốc cam kết “hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”, cảnh báo Mỹ không áp đặt “các lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp”. Đánh giá về cuộc hội đàm, ông Sullivan cho rằng, hai bên có những khác biệt đáng kể về một số vấn đề, chẳng hạn như không thể đạt được sự đồng thuận mới về vấn đề Biển Đông và đã có “những trao đổi và tương tác mạnh mẽ” trong các vấn đề an ninh, kinh tế và thương mại. Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cũng cho rằng “mặc dù chúng tôi không đồng thuận trên một số phương diện, nhưng cuộc đối thoại rất hữu ích” ([2]).
Vào ngày làm việc cuối cùng của chuyến thăm (29/8/2024) Jake Sullivan đã lần lượt gặp Tập Cận Bình và Trương Hựu Hiệp, theo đó:
Trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng, Chủ tịch Trung Quốc chỉ ra rằng trong thế giới đầy biến động và thay đổi, các quốc gia cần đoàn kết và phối hợp, không phải chia rẽ hay đối đầu. Là hai nước lớn, Trung Quốc và Mỹ phải chịu trách nhiệm về lịch sử, vì người dân và vì thế giới, và phải là yếu tố ổn định cho hòa bình thế giới và là động lực cho sự phát triển chung; Tập Cận Bình nêu lên bốn “không thay đổi” của Trung Quốc: (i) Trung Quốc cam kết phát triển quan hệ Trung-Mỹ ổn định, lành mạnh và bền vững; (ii) xử lý quan hệ Trung-Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi; (iii) kiên trì bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển; (iv) nỗ lực duy trì tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân Trung Quốc và Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc bày tỏ hy vọng phía Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc theo cùng một chí hướng, nhìn nhận Trung Quốc và sự phát triển của nước này một cách tích cực và hợp lý, coi sự phát triển của nhau là cơ hội chứ không phải là thách thức và cùng Trung Quốc tìm ra con đường đúng đắn để hai nước lớn có thể hòa hợp với nhau ([3]).
Về phía Mỹ, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đánh giá, kể từ cuộc gặp thượng đỉnh tại San Francisco (bang California, Mỹ) giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 11/2023, hai bên đã nghiêm túc thực hiện những nhận thức chung và đạt được tiến triển tích cực. Ông Sullivan cho biết, Tổng thống Joe Biden mong lại sớm có dịp trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Washington hy vọng tiếp tục duy trì liên lạc chiến lược với Bắc Kinh và tìm ra cách để hai nước chung sống hòa bình, quan hệ hai bên phát triển bền vững. Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng bày tỏ sẵn sàng tiếp tục duy trì liên lạc với Tổng thống Joe Biden.
Cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp. Đây là cuộc gặp đầu tiên sau 8 năm giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ([4]). Tại cuộc hội đàm, ông Trương Hựu Hiệp cho rằng: “Yêu cầu gặp tôi của ngài cho thấy ngài coi trọng an ninh quân sự và mối quan hệ giữa quân đội của chúng ta”. Đáp lời, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đánh giá “hiếm khi chúng ta có cơ hội để có được sự trao đổi như thế này” và nhấn mạnh hai nước “cần quản lý có trách nhiệm mối quan hệ Mỹ – Trung”. Tướng Trương Hựu Hiệp cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại San Francisco hồi tháng 11/2023 và cuộc điện đàm giữa hai bên vào tháng 4/2024, đã chỉ rõ hướng đi cho quan hệ Trung – Mỹ phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững, hai bên cần thực hiện tốt nhận thức chung giữa nguyên thủ hai nước, thúc đẩy “Tầm nhìn San Francisco” trở thành hiện thực; hy vọng hai nước cần tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng thắng; cho rằng, việc duy trì sự ổn định trong lĩnh vực an ninh quốc phòng giữa hai nước phù hợp với lợi ích chung và cũng là mong đợi chung của cộng đồng quốc tế.
Đề cập vấn đề Đài Loan, Trương Hựu Hiệp đề xuất ba “điểm ngừng”: Ngừng sự thông đồng quân sự Mỹ – Đài; ngừng trang bị vũ bị cho Đài Loan; ngừng lan truyền những câu chuyện sai sự thật liên quan đến Đài Loan và nhấn mạnh vấn đề Đài Loan là lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh, là “lằn ranh đỏ” đầu tiên không được vượt qua trong quan hệ Trung – Mỹ”. Ông Trương Hựu Hiệp tuyên bố: “Chúng tôi nhất quyết có biện pháp đáp trả đối với những hành động khiêu khích của các thế lực đòi Đài Loan độc lập”. Đồng thời kêu gọi Washington điều chỉnh nhận thức chiến lược về Bắc Kinh, quay lại chính sách “lý tính thiết thực” với Trung Quốc, tôn trọng các lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh, thúc đẩy trao đổi, giao lưu giữa quân đội hai bên và gánh vác trách nhiệm nước lớn ([5]).
Chu Phong, Viện trưởng Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh, Trung Quốc và Lý Minh Giang, Phó Giáo sư Viện Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore đều cho rằng, chuyến thăm của Sullivan có nghĩa là kênh đối thoại chiến lược cấp cao Trung – Mỹ chính thức được khởi động, Tập Cận Bình và Trương Hựu Hiệp đều đã tiếp Sullivan, cho thấy Bắc Kinh rất coi trọng đối thoại chiến lược với Mỹ. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc đi sâu hiểu biết, ngăn chặn xung đột và hiểu lầm giữa hai nước, Trung Quốc thực sự hy vọng ổn định quan hệ Trung – Mỹ thông qua tương tác cấp cao, cả Trung Quốc và Mỹ đều biết rằng đối thoại không giúp giải quyết bất đồng, mục đích chính là ngăn chặn mối quan hệ giữa hai nước rơi vào tình trạng đối đầu, Mỹ hy vọng sẽ quản lý một cách có trách nhiệm sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi Trung Quốc hy vọng sẽ nghiêng nhiều hơn theo hướng hợp tác trong quá trình cạnh tranh và hợp tác giữa hai nước ([6]).
Những kết quả và kỳ vọng đạt được sau chuyến thăm
Những kết quả đã đạt được
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận định, cuộc trao đổi đã diễn ra “thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng” ([7]). Ở chiều ngược lại, phía Nhà Trắng cho biết, hai bên đã có các cuộc thảo luận “thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng về một loạt các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu” ([8]). Từ những đánh giá về cuộc họp được hai bên công bố cho thấy lãnh đạo Trung – Mỹ đã đạt được đồng thuận về việc duy trì đối thoại và trao đổi, với mục tiêu chung là tránh xung đột, theo đó:
(i) Hai bên đều đồng thuận đây là một cuộc hội đàm “thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng”, sâu sắc và hiệu quả về các vấn đề mang tính chiến lược trong quan hệ hai nước, cho thấy cuộc gặp kéo dài hai ngày lần này vẫn giữ phong cách “trao đổi chiến lược” mà Vương Nghị và Sullivan đã tiến hành vào 18 tháng trước.
(ii) Hai bên rất coi trọng vai trò dẫn dắt của lãnh đạo hai nước trong quan hệ Trung – Mỹ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện sự đồng thuận mà các nguyên thủ đã đạt được. Đề cập về “con đường đúng đắn để các nước lớn cùng chung sống” giữa Trung Quốc và Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh: “Hai bên cần đề cao các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi, thực hiện sự đồng thuận mà nguyên thủ hai nước đã đạt được, qua đó thúc đẩy quan hệ Trung – Mỹ phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững”. Về phía Mỹ, Nhà Trắng đánh giá, cuộc họp này là một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm duy trì các kênh trao đổi và quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ Trung – Mỹ, như đã được Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Woodside năm 2023.
(iii) Hai bên đều có ý định tiếp tục thực hiện sự đồng thuận đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung – Mỹ ở San Francisco, tiếp tục duy trì trao đổi chiến lược và đối thoại tiếp xúc ở mọi cấp độ song phương. Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện sự đồng thuận quan trọng mà nguyên thủ hai nước đã đạt được tại hội nghị ở San Francisco, duy trì tiếp xúc cấp cao và trao đổi ở tất cả các cấp, đồng thời tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực như kiểm soát ma túy, hành pháp, hồi hương người nhập cư bất hợp pháp và thực hiện các bước cụ thể để giải quyết khủng hoảng khí hậu. Hai bên “đã ghi nhận những tiến triển trong hoạt động liên lạc thường xuyên, bền vững giữa quân đội hai nước trong 10 tháng qua”; nhất trí tổ chức các cơ chế như cuộc gọi trực tuyến giữa lãnh đạo quân đội hai nước và vòng đối thoại liên chính phủ Trung – Mỹ về trí tuệ nhân tạo (AI) lần thứ hai vào thời điểm thích hợp.
(iv) Hai bên đều mong muốn tránh xung đột và cùng tồn tại hòa bình, nhưng có sự bất đồng về phương thức đạt được điều này. Vương Nghị cho rằng, điểm mấu chốt để Trung Quốc và Mỹ tránh xung đột và đối đầu nằm ở việc Mỹ cần tuân thủ ba thông cáo chung; gìn giữ nền tảng chính trị cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, tôn trọng chế độ chính trị và con đường phát triển của Trung Quốc, tôn trọng quyền phát triển chính đáng của người dân Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Sullivan cho rằng, giữa Mỹ và Trung Quốc có bất đồng, có cạnh tranh, nhưng cũng có nhiều lĩnh vực cần hợp tác. Đồng ý rằng đối phương cần được đối xử theo cách bình đẳng và cạnh tranh cũng cần phải lành mạnh và công bằng. Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng tồn tại hòa bình trên hành tinh này trong một thời gian dài, mục tiêu chính sách của Mỹ là tìm cách để quan hệ Trung – Mỹ phát triển bền vững. Mỹ sẵn sàng tiếp tục duy trì trao đổi chiến lược với Trung Quốc, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cũng như giảm bớt những hiểu lầm và đánh giá sai lầm ([9]).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, các cuộc hội đàm cũng cho thấy mâu thuẫn sâu sắc giữa hai nước về nhiều vấn đề, đặc biệt là kinh tế, thương mại, công nghệ chiến lược và chính sách đối với các điểm nóng như eo biển Đài Loan, cụ thể:
(i) Về định nghĩa mối quan hệ giữa hai nước, phía Trung Quốc khẳng định, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ không thể được định nghĩa bằng sự cạnh tranh. Hai nước phải tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng với nhau. Trong khi đó, phía Mỹ vẫn coi cạnh tranh là đặc điểm mang tính quyết định trong quan hệ Trung – Mỹ, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác trong các lĩnh vực phù hợp với lợi ích của mình.
(ii) Hai bên có sự khác biệt, bất đồng sâu sắc trong quan điểm về vấn đề Đài Loan, Biển Đông, Ukraine cũng như các vấn đề kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ.
Về vấn đề Đài Loan, phía Trung Quốc cảnh báo “Hai nước Trung Quốc và Mỹ phải tránh xung đột và đối đầu, điểm mấu chốt là tuân thủ ba thông cáo chung; gìn giữ nền tảng chính trị cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”; nhấn mạnh “Đài Loan thuộc về Trung Quốc và Trung Quốc nhất định sẽ thống nhất”…cảnh báo Mỹ ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Loan và ủng hộ sự thống nhất hòa bình của Trung Quốc. Đáp lại, ông Sullivan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên hai bờ eo biển Đài Loan.
Về vấn đề Biển Đông, Vương Nghị nhấn mạnh “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải đối với các đảo ở Biển Đông, đồng thời gìn giữ tính nghiêm túc và hiệu quả của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; cảnh báo Mỹ không được sử dụng các hiệp ước song phương như một cái cớ để làm tổn hại chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, cũng như không được ủng hộ hay dung túng những hành vi xâm phạm của Philippines. Trong khi đó, Sullivan nhắc lại cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; bày tỏ quan ngại về “các hành vi thất thường của Trung Quốc nhằm đáp trả các hoạt động hàng hải hợp pháp của Philippines ở Biển Đông”.
Về vấn đề xung đột Nga – Ukraine, Vương Nghị bày tỏ, Trung Quốc luôn nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình, thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine và sẽ tiếp tục làm điều đúng đắn. Cảnh báo phía Mỹ không nên đẩy trách nhiệm về phía Trung Quốc, càng không nên tùy ý áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp. Ở chiều ngược lại, Sullivan bày tỏ lo ngại về “sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga và ảnh hưởng của nó đối với an ninh châu Âu và xuyên Đại Tây Dương”.
Về các vấn đề kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ, Vương Nghị cho rằng, an ninh của các quốc gia phải chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, an ninh của đất nước mình không thể được xây dựng trên sự thiếu an toàn của các quốc gia khác; yêu cầu Mỹ ngừng kiềm chế Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, cũng như ngừng làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của phía Trung Quốc. Việc sử dụng “thuyết dư thừa công suất” làm cái cớ để thực hiện chủ nghĩa bảo hộ sẽ chỉ làm tổn hại đến sự phát triển xanh toàn cầu và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của kinh tế thế giới. Đáp lại, ông Sullivan khẳng định “Mỹ không có ý định tách rời Trung Quốc”, nhưng “Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hành động cần thiết để ngăn chặn việc công nghệ tiên tiến của Mỹ bị sử dụng để làm suy yếu an ninh quốc gia, mà không làm hạn chế quá mức hoạt động thương mại hay đầu tư” đồng thời nêu những lo ngại liên tục về “các chính sách thương mại không công bằng và các hoạt động kinh tế phi thị trường” của Trung Quốc.
Những kỳ vọng sau chuyến thăm
Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị rời nhiệm sở, chuyến thăm Bắc Kinh của ông Jake Sullivan có thể mở đường cho chuyến thăm đầu tiên của ông Biden đến Trung Quốc. Theo đó, ông Jake Sullivan và ông Vương Nghị sẽ thảo luận về các vấn để phối hợp nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Tập – Biden tới đây để tiếp tục khẳng định những nhận thức chung đã đạt được giữa hai lãnh đạo tại cuộc gặp ở California hồi tháng 11/2023. Tuy nhiên, một số nhà bình luận vẫn còn nghi ngờ, cho rằng chuyến thăm Trung Quốc của một tổng thống sắp mãn nhiệm khó có khả năng xảy ra. Nếu ông Biden rời Nhà Trắng mà không thực hiện chuyến đi này, ông sẽ cùng Ronald Reagan trở thành một trong hai Tổng thống Mỹ không đặt chân đến Trung Quốc trong thời gian tại nhiệm. Trong bối cảnh này, chuyến thăm của ông Jake Sullivan sẽ được coi là một sự thay thế quan trọng ([10]). Ông Chu Phong, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Trung – Mỹ, hoàn toàn có thể sẽ xảy ra. Bởi vì, bất luận ông Donald Trump hay bà Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới thì việc duy trì quan hệ vừa hợp tác và đối thoại thực chất vừa cạnh tranh không chỉ là yêu cầu ngoại giao quan trọng đối với Trung Quốc, đây cũng là một mục tiêu chiến lược an ninh và ngoại giao cơ bản từ góc độ của chính phủ Mỹ. Căn cứ vào lịch trình hoạt động đối ngoại quốc tế trong nửa cuối năm 2024, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden có thể sẽ gặp nhau bên lề hai sự kiện lớn gồm Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) từ 10-16/11/2024 tại thủ đô Lima của Peru và Hội nghị thượng đỉnh G-20 từ ngày 18-19/11/2024 tại Rio de Janeiro của Brazil ([11]).
Bên cạnh đó, cơ chế đối thoại giữa Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cũng có thể trở thành mắt xích quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Đây được xem là chất xúc tác tiềm năng để khởi xướng đối thoại, sắp xếp một cuộc gặp tiềm năng giữa nguyên thủ quốc gia Trung – Mỹ, đồng thời cũng thúc đẩy các nỗ lực ổn định quan hệ song phương.
Mục đích của Mỹ, Trung đằng sau chuyến thăm Bắc Kinh của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan
Chuyến thăm của Jake Sullivan và các cuộc gặp với giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã cho thấy những nỗ lực của cả hai bên trong việc điều chỉnh và định hình lại chính sách đối ngoại. Sự thay đổi từ cạnh tranh và đối đầu sang tìm kiếm sự tham gia mang tính xây dựng đã phản ánh mong muốn của hai nước trong việc đảm bảo tính liên tục, duy trì sự ổn định bang giao song phương và trong khu vực. Tuy nhiên, hai nước cũng có những mục đích riêng, theo đó:
Về phía Mỹ, chuyến công du dài 3 ngày tới Bắc Kinh của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan mang theo nhiều thông điệp mà phía Mỹ muốn chuyển tải tới Trung Quốc, cử tri trong nước, cũng như các quốc gia đồng minh, đối tác của Mỹ:
Thứ nhất, phía Mỹ muốn thông qua chuyến thăm nhằm duy trì liên lạc cấp cao, ổn định quan hệ song phương, xử lý có trách nhiệm các bất đồng nhằm tránh những hiểu lầm khiến cạnh tranh Trung – Mỹ chuyển sang xung đột (trong bối cảnh ngày 17/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tuyên bố, bất chấp sự phản đối và cảnh báo mạnh mẽ của Trung Quốc, Mỹ vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, phá hủy niềm tin chính trị, cũng như làm suy yếu bầu không khí để hai bên tiếp tục tham vấn về kiểm soát vũ khí. Do đó, Trung Quốc quyết định đình chỉ tổ chức các vòng đàm phán mới về kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân với Mỹ. Việc thúc đẩy nối lại hoạt động đàm phán kể trên cũng nằm trong mục đích của ông Jake Sullivan trong chuyến công du Bắc Kinh lần này). Trong lĩnh vực quân sự, ông Sullivan muốn mở rộng các cuộc đối thoại quân sự song phương xuống đến cấp chỉ huy quân khu, một bước đi mà Washington hy vọng có thể ngăn chặn xung đột ở các khu vực cụ thể. Cao Phi, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhận định “cuộc bầu cử tổng thống hiện nay là thách thức chính trị lớn nhất đối với Mỹ. Trong bối cảnh này, Washington mong muốn ổn định mọi yếu tố có thể ảnh hưởng đến các cuộc thăm dò, bao gồm cả mối quan hệ của họ với Bắc Kinh, việc thể hiện khả năng quản lý hiệu quả các mối quan hệ quốc tế, bao gồm cả việc duy trì sự ổn định với Trung Quốc, báo hiệu với thế giới bên ngoài rằng chính quyền Mỹ có thể xử lý tốt các mối quan hệ với các cường quốc và duy trì sự ổn định quốc tế” ([12]). Ông Chu Phong, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh cho rằng, “do những khó khăn trong nội tại nên tới đây bất luận là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa tại Mỹ đều sẽ không ngừng công kích, lợi dụng “vấn đề Trung Quốc” để lôi kéo và tranh thủ lá phiếu ủng hộ của cử tri. Do vậy, trong chuyến thăm lần này, hai bên sẽ buộc phải trao đổi về việc làm thế nào để kiểm soát và quản lý những khác biệt và rủi ro để tránh những phản ứng thái quá” ([13]).
Thứ hai, nhắn gửi thông điệp trấn an tới các cử tri: Mỹ sẵn sàng bảo vệ lợi ích chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương, nhưng tránh đối đầu toàn diện với Trung Quốc, tránh những bất ngờ, rủi ro trong bối cảnh nước Mỹ sắp bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực. Dylan Loh, Phó Giáo sư tại Đại học Nanyang ở Singapore, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhận định, các kênh đối thoại quân sự mở rộng sẽ giúp “giảm thiểu nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm, hay mỗi bên diễn giải sai ý đồ của đối phương”. Trung – Mỹ đang trong những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, mặc dù không thể san bằng bất đồng về quyền tự do lưu thông hàng hải ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, nhưng chính quyền Biden cần chứng minh rằng quan hệ giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới “không đến nỗi tệ”. Trung Quốc có thể là mối đe dọa và thách thức lớn nhất” đối với Mỹ trong thế kỷ 21, Washington cần cứng rắn với Bắc Kinh để bảo vệ quyền lợi kinh tế hay chiến lược của Mỹ nhưng đôi bên không nhất thiết phải lao vào một cuộc xung đột vũ trang. Đó là thông điệp chính quyền Biden nhắn gửi tới cử tri sắp được kêu gọi bầu lại tổng thống cho một nhiệm kỳ 4 năm ([14]).
TS Satoru Nagao, thuộc Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ cho rằng (i) đây là thời điểm nguy hiểm đối với Washington, Mỹ đang tiêu tốn nguồn lực để hỗ trợ Ukraine và Israel, trong khi Mỹ cũng đang phải tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống. Vì thế, Nhà Trắng có thể lo ngại không thể chia sẻ đủ nguồn lực để giải quyết tình hình ở một nơi khác trên thế giới, nên cần phòng ngừa rủi ro có thể xảy đến từ Trung Quốc. Thời gian qua, Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động trong khu vực. Cụ thể, Trung Quốc và Philippines gần đây liên tục căng thẳng ở Biển Đông, điều tương tự cũng xảy ra ở biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. (ii) Trong bối cảnh hiện nay, nếu Trung Quốc có ý định tiến hành các hoạt động quân sự nhắm vào Đài Loan, đây sẽ là thách thức nghiêm trọng cho Mỹ, Mỹ muốn đánh giá rủi ro đó và giao tiếp là một cách để đánh giá. (iii) Trung Quốc đang tham gia hòa đàm giữa Nga và Ukraine, nhiều bên khác cũng đang muốn đóng vai trò giải quyết xung đột Ukraine, như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gần đây đã đến thăm cả Moscow lẫn Kyiv; Ukraine đã tấn công Nga và chiếm một số lãnh thổ để có thêm “lá bài” đàm phán. Do đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cần đánh giá khả năng về vấn đề này ([15]).
Thứ ba, chuyến thăm là nỗ lực củng cố di sản chính trị của chính quyền Mỹ hiện tại, đảm bảo rằng chính sách Trung Quốc của họ trở nên vững chắc và có nhiều khả năng được chính quyền tiếp theo kế thừa và duy trì. Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, ông Joe Biden muốn thúc đẩy chính sách ngoại giao trực tiếp để tác động đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và kiềm chế những căng thẳng; Mỹ cũng muốn Trung Quốc hành động nhiều hơn ở trong nước để ngăn chặn việc phát triển các loại hóa chất có thể tạo thành fentanyl, nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sử dụng ma túy quá liều ở Mỹ, đồng thời chia sẻ quan điểm về các tiêu chuẩn an toàn cho trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, Mỹ đang nỗ lực đạt được thêm nhiều tiến bộ trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể trước khi Tổng thống Joe Biden kết thúc nhiệm kỳ. Trong bối cảnh Đảng Cộng hòa đang chỉ trích mạnh mẽ các nỗ lực ngoại giao của chính quyền Joe Biden, cho rằng các cuộc đàm phán với Trung Quốc thời gian qua là lãng phí, không thực chất (trên thực tế những nỗ lực trên đã mang lại một số kết quả khi Trung Quốc cam kết đặt ra các mục tiêu khí hậu toàn diện hơn và giải quyết lượng khí thải phi carbon dioxide mạnh, xử lý ba tiền chất fentanyl và khôi phục liên lạc giữa quân đội hai nước). Cùng với đó, Mỹ đang tích cực tác động đến lập trường của Trung Quốc đối với Nga. Với việc hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump đang cạnh tranh cho chức tổng thống, ông Jake Sullivan đang nỗ lực củng cố quan hệ với Bắc Kinh từ đó tận dụng “quân bài Trung Quốc” nhằm khai thác tối đa phiếu bầu và sự đóng góp của các nhà đầu tư người Mỹ gốc Hoa. Đây là những động thái tạo tiền đề thuận lợi cho Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, người có thể sẽ theo đuổi, tiếp nối các chiến lược tương tự. Sự liên tục này được xem là rất quan trọng để duy trì quan hệ đối ngoại ổn định, qua đó làm nổi bật những thành tựu về chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Về phía Trung Quốc, giới lãnh đạo nước này hy vọng phía Mỹ sẽ nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc một cách tích cực và hợp lý, coi sự phát triển của nhau là cơ hội chứ không phải là thách thức và cùng Trung Quốc tìm ra con đường đúng đắn để hai nước lớn có thể hòa hợp. Qua đó, Trung Quốc muốn tận dụng chuyến thăm để nhấn mạnh mong muốn ổn định mối quan hệ với Mỹ trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế và an ninh nội bộ, với hy vọng vực dậy nền kinh tế đang suy yếu. Điều này phản ánh nỗ lực của Trung Quốc trong việc giảm bớt áp lực từ bên ngoài để tập trung vào giải quyết các vấn đề trong nước. Theo GS Stephen Robert Nagy thuộc Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật cho rằng, “Trung Quốc có động thái nỗ lực ổn định quan hệ song phương với Mỹ càng nhiều càng tốt trước khi một nhà lãnh đạo mới bước vào Nhà Trắng do nền kinh tế đang trì trệ và áp lực ngày càng tăng từ Mỹ cùng đồng minh. Một nguyên nhân khác là Trung Quốc đang đối mặt những thách thức nhất định từ trong nước, Bắc Kinh cũng không muốn đi quá giới hạn hoặc không muốn đàm phán trước khi Nhà Trắng đổi chủ” ([16]).
Qua chuyến thăm, Bắc Kinh muốn bày tỏ sự phản đối với thuế quan của Mỹ đối với một loạt hàng hóa của ngành chế tạo và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhắm vào các nhà sản xuất chip Trung Quốc, đồng thời tái khẳng định chủ quyền đối với Đài Loan.
Ngoài việc có thể mở ra các cuộc điện đàm và gặp gỡ trực tiếp tiềm năng giữa lãnh đạo Trung – Mỹ trong các dịp đa phương, Bắc Kinh vẫn hy vọng Tổng thống Joe Biden có thể đến thăm Trung Quốc trước khi rời nhiệm sở. Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024, khi các chính trị gia Mỹ thường lấy Trung Quốc “làm vật tế thần” để giành được sự ủng hộ chính trị. Nếu ông Biden có thể đến thăm Trung Quốc, điều đó không những cho thấy quan hệ Trung – Mỹ không thể dễ dàng chia tách mà còn giúp ích trong việc giảm bớt áp lực lên chính sách Trung Quốc của Mỹ ([17]).
Trong trường hợp bà Kamala Harris, ứng cử viên Đảng Dân chủ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, chuyến thăm của ông Sullivan có thể giúp tạo tiền đề cho chính sách Trung Quốc của chính quyền tiếp theo. Da Wei, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa cho rằng, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu duy trì quan hệ song phương khi làn sóng chính trị Mỹ đang thay đổi. Việc ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris đang tỏ ra ấn tượng hơn so với ông Joe Biden trong các cuộc thăm dò ý kiến “khiến việc tương tác với chính quyền Biden trở nên có giá trị hơn… bởi phía Trung Quốc tin rằng chính quyền Harris trong tương lai sẽ có tính liên tục mạnh mẽ hơn nhiều với những thay đổi. Mặc dù vẫn chưa rõ Jake Sullivan sẽ đóng vai trò gì trong chính quyền tiềm năng của bà Kamala Harris (trong trường hợp đắc cử), nhưng Trung Quốc có thể cũng quan tâm đến việc tiếp tục đầu tư vào mối quan hệ với cá nhân ông”. Cùng chung quan điểm này, Jing Qian, Giám đốc điều hành Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á nhận định: “quan điểm phổ biến trong giới tinh hoa Trung Quốc là mặc dù Tổng thống Biden có thể sắp kết thúc sự nghiệp chính trị, nhưng chính sách và ảnh hưởng chính trị của Sullivan dự kiến sẽ còn tồn tại trong một thời gian nữa” ([18]).
Kết luận
Trung Quốc và Mỹ đã coi chuyến thăm Trung Quốc của Sullivan là một “cuộc trao đổi chiến lược”, bao gồm nhiều chủ đề, tập trung vào trao đổi trực tiếp và chuyên sâu về các vấn đề song phương, khu vực cũng như toàn cầu. Mục đích chuyến thăm Trung Quốc của Sullivan không phải để đạt được những đột phá hay tiến bộ mới trong quan hệ Trung – Mỹ, mà nhằm tiếp tục đà ổn định quan hệ trong năm qua thông qua trao đổi chiến lược và tránh xuất hiện những căng thẳng trong vài tháng tới. Đánh giá về kết quả chuyến thăm, Yun Sun, Giám đốc Trung Quốc tại Tổ chức Nghiên cứu Stimson Center nhận định, các cuộc gặp đã gia tăng sự ổn định cho quan hệ Trung – Mỹ, điều mà Bắc Kinh coi trọng, giao tiếp quân sự song phương được đổi mới là một ví dụ về sự ổn định đang được cải thiện ([19]).
Vài tuần qua, các quan chức Trung Quốc đã đến Washington để thảo luận về vấn đề fentanyl, trong khi các quan chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ cũng đã tới Thượng Hải. Dự kiến, Đặc phái viên khí hậu John Podesta cũng sẽ sớm có chuyến thăm Trung Quốc và Chuyến thăm Bắc Kinh của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan vừa qua cũng nhấn mạnh xu hướng thúc đẩy, tăng cường các cuộc gặp cấp cao Trung – Mỹ trong bối cảnh Washington đang tiến gần hơn đến cuộc bầu cử tổng thống.
Trao đổi chiến lược giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan với các quan chức hàng đầu Trung Quốc đã đóng vai trò tích cực trong việc kiểm soát và duy trì ổn định mối quan hệ cạnh tranh giữa hai bên, tránh những phán đoán sai lầm về mặt chiến lược, nhất là ngăn ngừa xung đột quân sự trong bối cảnh cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Mặc dù chuyến thăm không thể giải quyết hết những mâu thuẫn sâu sắc, nhưng việc tiếp tục trao đổi và giữ liên lạc thường xuyên có thể giúp giảm thiểu nguy cơ hiểu lầm và sai sót trong đánh giá chiến lược, điều có thể dẫn đến xung đột quân sự không mong muốn. Do đó, chuyến thăm này có thể được coi là một bước đi quan trọng trong việc kiểm soát và quản lý căng thẳng giữa hai cường quốc, đóng góp vào việc duy trì ổn định khu vực và toàn cầu. Ngô Tâm Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán cho rằng, các cuộc đối thoại đang được hai phía thúc đẩy sẽ góp phần giảm thiểu căng thẳng và tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau, trọng tâm của các cuộc đàm phán không nhất thiết phải tạo ra kết quả ngay lập tức. Đó là duy trì liên lạc và giải quyết các vấn đề chính như vấn đề Đài Loan ([20]).
Cạnh tranh công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), là một trong những mặt trận nóng bỏng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc hai bên đồng ý tổ chức cuộc đối thoại liên chính phủ thứ hai về AI cho thấy sự nhận thức về tầm quan trọng của lĩnh vực này và sự cần thiết phải quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cuộc cạnh tranh sẽ giảm nhiệt. Trên thực tế, Mỹ vẫn tiếp tục thắt chặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc, trong khi Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh phát triển các công nghệ cốt lõi để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Cuộc đua này sẽ còn kéo dài và có khả năng đẩy nhanh quá trình phân tách về công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, dẫn đến tác động lan tỏa đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và các nước thứ ba, bao gồm cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Có thể nói, chuyến thăm của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan được xem là nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm duy trì ổn định trong quan hệ với Trung Quốc để tập trung cho bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới, đồng thời có thể mở ra cơ hội diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối năm nay bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 hoặc Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Việc duy trì các kênh đối thoại này là cực kỳ quan trọng trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không ngừng leo thang, đặc biệt về các vấn đề như Biển Đông, Đài Loan, và chiến lược an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, căn cứ vào những nội dung hội đàm trong chuyến thăm, mặc dù hai bên đã có những cuộc thảo luận mang tính xây dựng và đạt được một số đồng thuận, nhưng quan hệ Trung – Mỹ trong tương lai vẫn khó có thể lắng dịu, bởi không bên nào sẵn sàng bước vào một giai đoạn “tan băng”, những mâu thuẫn cơ bản về chiến lược, kinh tế, và công nghệ giữa hai nước vẫn sẽ tiếp tục, bất chấp những nỗ lực của ông Sullivan. Sau bốn năm nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, hai siêu cường Trung – Mỹ vẫn ở thế đối đầu trong các lĩnh vực như an ninh, thương mại, và công nghệ trong một trật tự thế giới mới đang hình thành./.
Tác giả: Phạm Lưu Bình
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1]. Bộ Ngoại giao Trung Quốc, 2024, 王毅同美国总统国家安全事务助理沙利文举行战略沟通 (Tạm dịch: Vương Nghị đã có cuộc trao đổi chiến lược với Sullivan, Trợ lý Tổng thống Mỹ về các vấn đề an ninh quốc gia), https://www.fmprc.gov.cn/zyxw/202408/t20240828_11480627.shtml, truy cập ngày 28/8/2024.
[2]. Lianhe zaobao, 2024, 习近平张又侠分别会见沙利文 学者:北京重视中美战略对话以防冲突 (Tạm dịch: Tập Cận Bình và Trương Hựu Hiệp lần lượt hội đàm với Mỹ Sullivan: Bắc Kinh rất coi trọng đối thoại chiến lược Trung – Mỹ để ngăn chặn xung đột), https://www.zaobao.com.sg/news/china/story20240829-4570956, truy cập ngày 29/8/2024.
[3] Mạng Chính phủ Trung Quốc, 2024, 习近平会见美国总统国家安全事务助理沙利文 (Tạm dịch: Tập Cận Bình gặp Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Tổng thống Mỹ), https://www.gov.cn/yaowen/liebiao/202408/content_6971203.htm, truy cập ngày 29/8/2024.
[4]. Cuộc gặp gần nhất giữa giới lãnh đạo an ninh Mỹ – Trung diễn ra năm 2016, khi đó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ là bà Susan Rice và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long.
[5]. Bộ Quốc phòng Trung Quốc, 2024, 张又侠会见美国总统国家安全事务助理 (Tạm dịch: Trương Hựu Hiệp hội kiến Trợ lý Tổng thống Mỹ về các vấn đề an ninh quốc gia ), http://www.mod.gov.cn/gfbw/qwfb/16334272.html, truy cập ngày 29/8/2024.
[6]. Lianhe zaobao, 2024, 习近平张又侠分别会见沙利文 学者:北京重视中美战略对话以防冲突, TLĐD.
[7]. Bộ Ngoại giao Trung Quốc, 2024, 王毅同美国总统国家安全事务助理沙利文举行战略沟通, TLDD.
[8]. Whitehouse, 2024, Readout of National Security Advisor Jake Sullivan’s meeting with Chinese Communist Party Politburo Member, Director of the Office of the Foreign Affairs Commission, and Foreign Minister Wang Yi (Tạm dịch: Bản tóm tắt cuộc họp của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan với Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị), https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2024/08/28/readout-of-national-security-advisor-jake-sullivans-meeting-with-chinese-communist-party-politburo-member-director-of-the-office-of-the-foreign-affairs-commission-and-foreign-minister-wang-3/, truy cập ngày 28/8/2024.
[9]. Lê Thị Thanh Loan (biên dịch), 2024, Tương đồng và khác biệt trong trao đổi chiến lược Mỹ – Trung mới nhất, https://nghiencuuquocte.org/2024/09/02/tuong-dong-va-khac-biet-trong-trao-doi-chien-luoc-my-trung/, truy cập ngày 29/8/2024.
[10]. Theprint, 2024, Will Jake Sullivan’s Beijing trip fix China-US ties? It’s a substitute for Biden’s absence (Tạm dịch: Chuyến thăm Bắc Kinh của Jake Sullivan có thể hàn gắn được mối quan hệ Trung-Mỹ? Đây là sự thay thế cho việc vắng mặt của Biden), https://theprint.in/opinion/eye-on-china/will-jake-sullivans-beijing-trip-fix-china-us-ties-its-a-substitute-for-bidens-absence/2241645/, truy cập ngày 28/8/2024.
[11]. Lianhe zaobao, 2024, 沙利文下周访华或为习拜会铺路 分析:中美对管控风险有共识 (Tạm dịch: Chuyến thăm Trung Quốc của Sullivan vào tuần tới có thể mở đường cho chuyến thăm của ông Tập, Phân tích: Trung Quốc và Mỹ có sự đồng thuận về quản lý rủi ro), https://www.zaobao.com.sg/news/china/story20240824-4533826, truy cập ngày 24/8/2024.
[12]. Theprint, 2024, Will Jake Sullivan’s Beijing trip fix China-US ties? It’s a substitute for Biden’s absence, TLĐD.
[13]. Lianhe zaobao, 2024, 沙利文下周访华或为习拜会铺路 分析:中美对管控风险有共识, TLĐD.
[14]. RFI, 2024, Xử lý có trách nhiệm các bất đồng, mục tiêu chuyến đi Trung Quốc của cố vấn an ninh Nhà Trắng, https://s.net.vn/6NqD, truy cập ngày 30/08/2024.
[15]. Hoàng Đình, 2024, ‘Hữu hảo’ Mỹ – Trung trước ngày Nhà Trắng đổi chủ, https://thanhnien.vn/huu-hao-my-trung-truoc-ngay-nha-trang-doi-chu-18524083120355597.htm, truy cập ngày 01/09/2024.
[16]. Hoàng Đình, 2024, ‘Hữu hảo’ Mỹ – Trung trước ngày Nhà Trắng đổi chủ, TLĐD.
[17]. Lianhe zaobao, 2024, 习近平张又侠分别会见沙利文 学者:北京重视中美战略对话以防冲突, TLĐD.
[18]. Foreign Policy, 2024, What to Expect From Jake Sullivan’s China Visit (Tạm dịch: Những điều mong đợi từ chuyến thăm Trung Quốc của Jake Sullivan), https://foreignpolicy.com/2024/08/27/china-jake-sullivan-us-visit-beijing-diplomacy/, truy cập ngày 27/8/2024.
[19]. Foreign Policy, 2024, What to Expect From Jake Sullivan’s China Visit, TLĐD.
[20]. Theprint, 2024, Will Jake Sullivan’s Beijing trip fix China-US ties? It’s a substitute for Biden’s absence (Tạm dịch: Chuyến thăm Bắc Kinh của Jake Sullivan có thể hàn gắn được mối quan hệ Trung-Mỹ? Đây là sự thay thế cho sự vắng mặt của Biden), TLĐD.