AUKUS được tuyên bố thành lập vào tháng 9/2021, là liên minh giữa ba quốc gia: Mỹ, Anh và Australia nhằm tạo ra một đối trọng đối với Trung Quốc và Nga. AUKUS có hai trụ cột chính: Trụ cột thứ nhất là, chia sẻ năng lực hạt nhân cho Australia bằng cách cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trụ cột thứ hai là, hợp tác phát triển “các năng lực quốc phòng tân tiến” liên quan tới 8 lĩnh vực, gồm: Các năng lực dưới biển, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), các năng lực mạng tân tiến, năng lực vũ khí siêu thanh cũng như chống vũ khí siêu thanh, tác chiến điện tử, đổi mới sáng tạo và chia sẻ thông tin. Theo tuyên bố, AUKUS sẽ giúp bảo vệ “cam kết chung đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AĐD-TBD), đồng thời thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng bằng cách thúc đẩy các quốc gia khác trong khu vực tăng cường khả năng phòng thủ (một mình hoặc cùng với các chính phủ AUKUS).
Kể từ khi thành lập tới nay, AUKUS chưa để lại nhiều dấu ấn. Mặc dù tuyên bố thành lập từ tháng 9/2021, phải tới tháng 3/2023, ba nước mới ký thỏa thuận ba bên về mô tả cách thức vận hành AUKUS.
Ba quốc gia cam kết hợp tác để xây dựng một cơ sở công nghiệp tàu ngầm ba bên mạnh mẽ. Năng lực tàu ngầm bổ sung sẽ tăng cường khả năng của Australia trong việc bảo vệ các tuyến đường biển của mình khỏi sự can thiệp của Trung Quốc. Đầu năm 2023, Australia cùng với 2 thành viên còn lại là Mỹ và Anh đã đồng ý hợp tác phát triển một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia. Lãnh đạo 3 nước đã công bố lộ trình cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ trụ cột đầu tiên của AUKUS.
Về trụ cột thứ hai, tháng 4/2023, nhóm các đối tác ba bên AUKUS đã trình diễn thành công thử nghiệm Trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là lần đầu tiên khả năng AI của Australia, Anh và Mỹ được triển khai trên các hệ thống tự chủ của liên minh cho nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR). Ông Abe Denmark, Cố vấn cấp cao AUKUS của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, “việc phát triển và triển khai các công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến có tiềm năng thay đổi cách chúng tôi tiếp cận các thách thức quốc phòng và an ninh”[1]. Các Bộ trưởng Quốc Phòng của Mỹ, Anh, Australia đã gặp nhau tại California ngày 1/12/2023 để nâng cao hợp tác công nghệ cao về các hệ thống radar không gian sâu, AI và máy tính lượng tử nhằm củng cố lực lượng vũ trang của cả ba[2].
Cuối năm 2023, Tổng thống Mỹ Biden đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) tạo điều kiện thuận lợi cho các khía cạnh chính của quan hệ đối tác hợp tác công nghệ AUKUS khi các cam kết liên quan của Mỹ với AUKUS đã trở thành luật. Ba quốc gia Australia, Anh, Mỹ từ lâu đã có mối quan hệ quốc phòng thân thiết, và AUKUS tăng cường hơn nữa lợi ích an ninh của các bên tham gia, thông qua mở rộng hợp tác và tiếp cận các khả năng tiên tiến để chia sẻ vè hội nhập sâu hơn về khoa học, cơ sở công nghiệp và chuỗi cung ứng.
Khả năng mở rộng và lĩnh vực tiềm năng của AUKUS
Khi thành lập AUKUS, ngoài trụ cột chính là cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Australia, trụ cột thứ 2 được đưa ra chính là sự tính toán của 3 quốc gia thành viên chủ chốt đối với khả năng mở rộng hợp tác quân sự phi hạt nhân với các quốc gia khác. Các quan chức Mỹ cho biết, AUKUS có thể mở rộng trong giai đoạn thứ hai để bao gồm các quốc gia khác. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định rằng: “Chúng tôi từ lâu đã làm việc cùng nhau về các vấn đề an ninh quốc gia quan trọng nhất. Và vì vậy, khi chúng tôi tiếp tục phát triển AUKUS, cánh cửa rất rộng mở cho các đối tác khác tham gia khi họ thấy phù hợp trong tương lai.”[3]
Trên thế giới hiện tại chỉ 6 quốc gia Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ được cho là sở hữu những tàu ngầm hạt nhân tối tân. Với AUKUS, Australia sẽ là quốc gia thứ 7 trên thế giới, và là quốc gia thứ 2 sau Anh được Mỹ cung cấp công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân vào năm 1958. Do đó, AUKUS thành lập được xem là bước ngoặt đối với Australia và Mỹ sẽ không dễ dàng chia sẻ cho bất kỳ đồng minh hay đối tác nào. Trọng tâm hạt nhân của AUKUS đã gây ra sự tranh cãi, và lo ngại cho cả các đồng minh lẫn đối thủ về khả năng AUKUS sẽ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang và đi ngược các tiêu chuẩn không phổ biến vũ khí hạt nhân ở AĐD-TBD. Từ đó, việc tham gia AUKUS ở trụ cột 1 dường như không khả thi đối với các quốc gia. Ngược lại, Trụ cột 2 tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào quân sự để nâng cao năng lực quốc phòng là xu hướng tất yếu và quan trọng trong tương lai, có tiềm năng rất lớn để trở thành điểm kết nối AUKUS với các quốc gia khác. Thành công cuối cùng của AUKUS sẽ không chỉ nằm ở sự hợp tác phát triển công nghệ mà còn ở việc áp dụng các năng lực tiên tiến của đồng minh và toàn bộ nỗ lực tăng cường khả năng răn đe tổng hợp, điều mà nhiều quốc gia luôn hướng tới.
Bộ Quốc phòng Anh đã nhấn mạnh rằng trụ cột 2 cho phép các đối tác AUKUS hợp tác để thúc đẩy “sự hiểu biết tập thể” về AI, các công nghệ tự chủ, đồng thời làm thế nào để nhanh chóng đưa đưa các công nghệ này vào các hoạt động phức tạp một cách an toàn và có trách nhiệm để hỗ trợ an ninh và ổn định AĐD-TBD.[4] Điều phối viên AĐD-TBD của Nhà Trắng Kurt Campbell cũng cho biết ông hy vọng sẽ có một số lĩnh vực thuộc trụ cột 2 mà các đồng minh và đối tác khác cũng có thể tham gia là “lĩnh vực siêu thanh, an ninh mạng, chiến tranh chống tàu ngầm”.
Có thể thấy rõ những ưu tiên trong hợp tác quốc tế về trụ cột 2 sẽ chủ yếu liên quan đến công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực liên quan đến biển. Trong khi cuộc cách mạnh công nghệ 4.0 đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu và nhanh chóng như vũ bão, cùng với sự xuất hiện của các xu hướng liên quan đến trí tuệ nhân tạo như hiện nay, việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến này vào quân sự một cách hiệu quả là một yêu cầu bức thiết quan trọng để tăng cường khả năng phòng thủ quân sự tương ứng và bảo vệ an ninh hiệu quả hơn. Sự cố của hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm Sắt” của Israel trước sự tấn công của nhóm binh sĩ Hamas đã khẳng định thêm nhu cầu nghiên cứu và cải tiến từng ngày của công nghệ trong lĩnh vực quân sự, nếu không cái giá phải trả sẽ không thể tưởng tượng. Ngoài ra, các quốc gia AUKUS và đối tác đều gắn liền với “AĐD-TBD tự do và rộng mở” do đều là các quốc gia có biển và biển đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm các lợi ích an ninh, hoặc có những quốc gia đang trực tiếp liên quan đến việc tranh chấp trên biển như Nhật Bản có tranh chấp với Trung Quốc đối với đảo Senkaku/Điếu Ngư, cùng với tham vọng gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc được thể hiện lộ liễu khi đơn phương tuyên bố chủ quyền của hơn 90% lãnh thổ Biển Đông dù đó là hành động trái với Luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Do đó mục tiêu phát triển không thể không bao gồm các lĩnh vực liên quan đến biển và hải quân. Trong đó, với tiêu chí phi hạt nhân, hợp tác chia sẻ thông tin, an ninh hàng hải, hay các hợp tác khác liên quan đến tiềm lực cứng sẽ có thể là những lĩnh vực được các bên xem xét.
Động lực thúc đẩy sự mở rộng của AUKUS
AUKUS được thành lập với mục tiêu hỗ trợ cho chiến lược “AĐD-TBD tự do và rộng mở”, nhưng cụ thể hơn là để đối trọng với mối đe dọa an ninh ngày càng tăng từ Trung Quốc. Vậy nên Trung Quốc cũng là lý do để AUKUS mở rộng quan hệ đối tác của mình.
Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình không chỉ về ngoại giao mà cả quân sự.
Vị thế và tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh không ngừng mở rộng trên thế giới. Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 120 quốc gia trên khắp thế giới[5]. Tháng 1/2024, quốc gia Nauru ở Thái Bình Dương đã chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc. Gần đây, Ngoại trưởng Papua New Guinea, Justin Tkatchenko, xác nhận nước này đang đàm phán sớm với Bắc Kinh về một thỏa thuận an ninh.
Tiềm lực quân sự của Trung Quốc đang ngày càng tăng. Trung Quốc đã bắt đầu chương trình hiện đại hóa quân sự dài hạn của mình từ cuối những năm 1990, đăc biệt tập trung vào năng lực trên không và trên biển. Thượng nghị sĩ Mỹ Dan Sullivan đã tiết lộ rằng ước tính của chính phủ Mỹ cho thấy ngân sách quốc phòng hàng năm của Trung Quốc vào khoảng 700 tỷ USD[6], cao hơn nhiều so với con số mà chính phủ Trung Quốc công bố là khoảng 225 tỷ USD[7], và gần ngang bằng với ngân sách quốc phòng năm 2023 của Mỹ chỉ hơn 800 tỷ USD. Một trong những nguồn dữ liệu quốc phòng độc lập – Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) – xác định ngân sách quân sự của Trung Quốc cho năm 2022 khoảng 290 tỷ USD, cao hơn cả chi tiêu quốc phòng của 17 nước khác (có chi tiêu lớn tiếp theo) ở AĐD-TBD cộng lại.
Ước tính chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc (Đơn vị: Tỷ USD). Nguồn: CSIS China Power Project; SIPRI[8]
Không chỉ gia tăng ngân sách quốc phòng để nâng cao tiềm lực quân sự của mình, Trung Quốc nay đã mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự ra thế giới. Năm 2022, Trung Quốc đã ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon, văn bản dự thảo cho phép Bắc Kinh “thực hiện các chuyến thăm tàu, thực hiện bổ sung hậu cần và dừng chân và chuyển tiếp ở Quần đảo Solomon” hay cụ thể hơn là thiết lập một căn cứ quân sự chỉ cách bờ biển phía đông của Australia 2.000 km, khiến Australia, New Zealand và Mỹ lo ngại[9].
Cuộc chiến Nga – Ukraine đã bước sang năm thứ 3 với những diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã tạo ra một cách thức khác mà các quốc gia có thể sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu của mình. Điều này tiếp tục tạo ra những thách thức mới đối với các nguyên tắc quốc tế nhằm duy trì trật tự hòa bình và an ninh quốc tế sau Thế chiến II. Do đó, với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, cùng với những động thái gần đây của họ ở eo biển Đài Loan, có lý do để lo lắng về một “Chiến dịch quân sự đặc biệt” phiên bản mới, được thực hiện bởi Trung Quốc.
Trong lúc đó, chức năng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên tiếp đặt ra những dấu hỏi khi không thể giải quyết các vấn đề quan trọng do sự “khác biệt quan điểm” giữa các thành viên Mỹ – Nga – Trung. Theo Giáo sư Luật Alexander Gillespie thuộc Đại học Waikato (New Zealand) và Giáo sư Quan hệ Quốc tế Robert G. Patman thuộc Đại học Otago (New Zealand), “Niềm tin rằng một cường quốc đang trỗi dậy gần như chắc chắn đang cố gắng thay thế Mỹ trở thành cường quốc thống trị toàn cầu xảy ra vào các bộ phận quan trọng của luật pháp quốc tế đang rơi tự do, toàn cầu hóa có nguy cơ bị đình trệ và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày càng không thể giải quyết các vấn đề quan trọng.”[10]
Các quốc gia tham gia hợp tác ở “trụ cột 2” có thể được hưởng nhiều lợi ích
Thứ nhất, AUKUS là một công cụ tăng tốc công nghệ, tạo điều kiện trao đổi thông tin và chuyên môn có khả năng ứng dụng ngay lập tức cho quốc phòng và các lĩnh vực khác xa hơn. Trụ cột 2 của AUKUS hướng tới việc đặt các khả năng tiên tiến vào tay lực lượng vũ trang các nước thành viên, đặc biệt là liên quan đến “năng lực mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, khả năng bổ sung dưới biển, siêu thanh và chống siêu thanh”. Những công nghệ này sẽ có tác động sâu sắc đến không gian chiến đấu trong tương lai và các nước cần chúng để bắt kịp với nền quân sự tiên tiến của các quốc gia có thể gây ra đe dọa trong khu vực, từ đó bảo vệ an ninh đất nước.
Thứ hai, AUKUS khuyến khích hội nhập sâu rộng hơn giữa các cơ sở công nghiệp của các quốc gia thành viên. Cũng như hợp tác về nghiên cứu và phát triển rộng lớn hơn, hợp tác công nghiệp quốc phòng chặt chẽ hơn có những lợi ích vượt xa lĩnh vực quốc phòng của nước đó. Theo Andrew Dowse, Giám đốc của RAND Australia, “khi xem xét lợi ích của AUKUS, điều quan trọng là phải nhận ra rằng mặc dù nó sẽ giúp tăng cường khả năng răn đe, nhưng nó không phải là cam kết ứng phó với khủng hoảng, và cũng không thay thế các thỏa thuận quan hệ khác. AUKUS không cung cấp quyền truy cập vào các khả năng tiên tiến của một quốc gia, cũng không tăng cường mối quan hệ vốn đã chặt chẽ giữa các lực lượng quân sự mặc dù nó sẽ dẫn đến khả năng tương tác tốt hơn. Thay vào đó, AUKUS liên quan đến sự tích hợp lớn hơn của các lĩnh vực quốc phòng rộng lớn trên khắp các quốc gia, trong nghiên cứu và phát triển, sản xuất và chuỗi cung ứng. Do đó, tăng cường hệ thống đổi mới tập thể, bao gồm cả việc chuyển đổi các nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R&D) sang khả năng hoạt động.”[11] Điều này tạo cơ hội cho các mối quan hệ mới giữa các đối tác AUKUS trong khoa học, học thuật, công nghiệp và xã hội dân sự.
Đối tác hợp tác hay tư cách thành viên của AUKUS
Tiềm năng vượt trội của “trụ cột 2” tạo ra nhiều suy đoán về việc mở rộng quan hệ đối tác với các quốc gia đồng minh khác bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và hai thành viên còn lại của liên minh tình báo Ngũ Nhãn, là Canada và New Zealand.
New Zealand
Trong nhiều tháng qua đặc biệt là sau khi thành lập chính phủ mới từ tháng 10/1023, các quan chức quốc phòng của New Zealand đã đưa ra nhiều tín hiệu về việc gia nhập liên minh quân sự AUKUS.
Tháng 3/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Andrew Little tiết lộ nước này đang xem xét lời mời từ Washington để tham gia trụ cột 2[12]. Cuối tháng 7/2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định “”cánh cửa đang mở” để New Zealand và các đối tác khác tham gia AUKUS.
Thủ tướng Luxon chỉ ra Thái Bình Dương là một khu vực quan trọng. “chúng ta có một khu vực ngày càng cạnh tranh, những nước trong khu vực đang ngày càng đầu tư vào khả năng quân sự. Làm thế nào chúng ta đảm bảo hòa bình, và sự ổn định và an ninh trong khu vực của chúng ta?”[13]. Đối với New Zealand, các cuộc chạy đua vũ trang ngày càng gia tăng và các điểm nóng căng thẳng địa chính trị cực đoan tại Thái Bình Dương, trong đó nổi bật là vấn đề Triều Tiên và tình hình eo biển Đài Loan… đặt ra nhu cầu cho một sự hợp tác có thể bù đắp cho những hạn chế của Wellington, giúp nước này thúc đẩy lợi ích quốc gia và đảm bảo quan điểm của mình được lắng nghe và đảm bảo sự ổn định trong môi trường quốc tế.
Cam kết của New Zealand về phi hạt nhân là không thể thay đổi, bất kỳ sự tham gia nào vào trụ cột 1 sẽ ngay lập tức bị loại do chính sách phi hạt nhân của nước này. Do đó, trụ cột thứ 2 là lối đi duy nhất để New Zealand và AUKUS đến gần nhau hơn. Thủ tướng Christopher Luxon đã bày tỏ sau cuộc gặp với người đồng cấp Australia Anthony Albanese ngày 20/12/2023 rằng “chúng tôi đang khám phá trụ cột 2 của AUKUS, đó thực sự là về các công nghệ mới mà chúng tôi muốn xây dựng khả năng, hoặc được mang lại, hoặc được cung cấp từ liên minh. Ở giai đoạn này đối với chúng tôi, đó là việc khám phá những gì có trong trụ cột 2, cách nó có thể được định hình và khi nào có cơ hội để New Zealand tham gia”[14].
Tương lai về gia nhập AUKUS của Wellington đang rất gần khi tại Hội nghị Tham vấn Bộ Trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Australia – New Zealand vào đầu tháng 2/2024, Ngoại trưởng New Zealand Ông Winston Peters đã nêu ra vấn đề này để thảo luận. Sau đó, tuyên bố chung của họ nêu ra “AUKUS đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở AĐD-TBD”[15]. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Marles tuyên bố một phái đoàn Australia sẽ đến New Zealand “rất sớm” để thông báo cho các quan chức New Zealand về trụ cột thứ hai của hiệp ước AUKUS. Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand, Judith Collins đã nói rằng New Zealand thực sự muốn xem xét các cơ hội là gì và liệu đó có phải là thứ mà nước này có thể tham gia hay không, và bà cũng[16] cho biết thêm rằng New Zealand có thể cung cấp không gian và chuyên môn về công nghệ. Bà Collins chia sẻ rằng bà hy vọng nước này có thể tham gia lĩnh vực công nghệ và không gian, các lĩnh vực mà có thể mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà khoa học New Zealand. Bà cũng bày tỏ niềm hy vọng sẽ có quyết định chính thức về việc tham gia vào một thời điểm nào đó trong năm nay[17].
Trước đó, trong Tài liệu Đánh giá Chính sách Quốc phòng và Chiến lược An ninh Quốc gia của New Zealand được công bố vào tháng 8/2023 nhắc đến “Chúng tôi đang đầu tư để hiện đại hóa khả năng của mình trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời tăng cường mối quan hệ với bạn bè và đối tác ở Thái Bình Dương và hơn thế nữa”. Tài liệu cũng phác thảo lĩnh vực mà chính phủ nước này sẽ tập trung nỗ lực tăng cường để đảm bảo an ninh quốc gia, trong đó đó “đầu tư nhiều hơn vào một lực lượng quốc phòng có khả năng chiến đấu và hệ thống an ninh quốc gia” và “tăng cường hợp tác an ninh và quan hệ trong khu vực AĐD-TBD”[18]. Việc tham gia trụ cột 2 của AUKUS có thể là một bước đi phù hợp với các tài liệu trên, thông qua việc hợp tác với các đối tác ở Thái Bình Dương để hiện đại hóa quân sự của mình nhờ tiếp cận và cùng phát triển ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này.
Yếu tố kinh tế cũng sẽ thúc đẩy New Zealand tiếp cận trụ cột 2. Một cuộc họp báo của các quan chức quốc phòng của chính phủ New Zealand trước đó đã liệt kê các cơ hội cho cộng đồng nghiên cứu và ngành công nghiệp của New Zealand. Trong khi đó, chính phủ đã yêu cầu cắt giảm ngân sách từ các bộ phận của mình, bao gồm giảm 7,5% từ quốc phòng[19]. Tài trợ của nhà nước cho nghiên cứu và phát triển từ lâu đã không đủ, và điều này dường như không thể thay đổi. Do đó, việc tham gia AUKUS có thể giúp New Zealand tận dụng cơ hội hợp tác trong trụ cột 2 để phát triển ngành nghiên cứu và tối ưu hóa nguồn ngân sách của chính phủ.
Nhật Bản
Vị trí địa lý chiến lược của Nhật Bản so với Trung Quốc mang lại một lợi thế cho AUKUS nếu nước này tham gia liên kết. Do đó, 3 nước AUKUS đều bày tỏ mong muốn hợp tác với quốc gia này.
Trong báo cáo về Nghiên cứu AĐD-TBD, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh tuyên bố Nhật Bản sẽ có nhiều lợi ích về công nghệ và an ninh hơn nếu Nhật Bản tham gia vào trụ cột 2 của AUKUS. Với khuôn khổ hợp tác quốc phòng về nghiên cứu và phát triển chung sẵn có với Mỹ, Anh và Australia, Nhật Bản có đủ nền tảng để hợp tác với AUKUS. Báo cáo kêu gọi Anh đề xuất với Australia và Mỹ để đưa Nhật Bản cùng Hàn Quốc tham gia hợp tác trong khuôn khổ AUKUS[20]. Bộ trưởng Quốc phòng Australia cũng bày tỏ mong muốn Tokyo đóng vai trò lớn hơn trong việc phát triển quốc phòng theo quan hệ đối tác an ninh AUKUS.
Cùng với đó, cũng giống như các nước khác, nếu tham gia AUKUS ở trụ cột 2, Nhật Bản có thể được hưởng một số lợi ích đáng kể. Với khuôn khổ hợp tác quốc phòng về nghiên cứu và phát triển chung sẵn có với Mỹ, Anh và Australia, Nhật Bản có đủ nền tảng để hợp tác với AUKUS
Chiến lược Quốc phòng 2022 của Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng các công nghệ tiên tiến cho quốc phòng và chuẩn bị cho một cuộc đua dài hạn cho vị trí lãnh đạo công nghệ. Lợi thế trong các công nghệ quan trọng và mới nổi được đề cập trong trụ cột 2 của AUKUS sẽ trực tiếp chuyển thành lợi thế quân sự, việc tiếp cận các công nghệ này sẽ tăng đường đang kể khả năng quốc phòng và đảm bảo an ninh cho quốc gia láng giềng với Trung Quốc.
Quan trọng hơn, việc hợp tác này sẽ thúc đẩy quá trình quốc tế hóa công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản. Nhóm AUKUS mở rộng có thể tạo cơ hội cho các nhà sản xuất quốc phòng Nhật Bản học hỏi bí quyết tiếp thị và bán hàng từ các đối tác của AUKUS. Đồng thời, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới khó khăn như hiện tại, sức mạnh kinh tế suy giảm của Nhật Bản có thể dẫn đến sự suy giảm đầu tư khoa học và công nghệ trong tương lai. Để có được các công nghệ quan trọng và mới nổi hiệu quả hơn, Tokyo có thể hợp tác với các đồng minh và đối tác thông qua thỏa thuận trụ cột 2 rộng mở của AUKUS. Điều này sẽ cho phép các ngành công nghiệp quốc phòng của các nước bổ sung cho khả năng cho nhau và tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô. Tăng cường quan hệ giữa các ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản và các thành viên AUKUS có thể cải thiện khả năng cạnh tranh của ngành.
Canada
Giống như các nước khác, Canada không quan tâm đến trụ cột 1 của AUKUS. Bộ trưởng Quốc phòng Anita Anand đã chia sẻ khi được hỏi liệu nước này có muốn gia nhập liên minh quốc phòng AUKUS hay không vào tháng 5/2023 rằng: “Canada rất quan tâm đến việc tăng cường hợp tác về AI, điện toán lượng tử và các công nghệ tiên tiến khác với mối quan hệ quốc phòng với các đồng minh thân cận nhất của chúng tôi”[21].
Thách thức đối với sự mở rộng của AUKUS
Mặc dù việc gia nhập với AUKUS ở trụ cột 2 có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc nâng cấp hệ thống quốc phòng và đảm bảo an ninh, sẽ không dễ để AUKUS thay đổi số lượng thành viên, thay vào đó, trước khi trở thành thành viên, các quốc gia có thể liên kết với AUKUS thông qua tư cách đối tác hợp tác.
Đối với New Zealand, mặc dù chính phủ đương nhiệm bảy tỏ thái độ tích cực đối với việc tham gia AUKUS, chính phủ nước này sẽ cần cân nhắc thật kỹ giữa những lợi ích và rủi ro mà nó có thể mang lại để chứng minh cho người dân và thuyết phục các Đảng đối lập trong Nghị viện về tư cách thành viên này.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Đại học Massey William Hoverd cho biết Canberra là đồng minh quân sự duy nhất của Wellington, hợp tác chặt chẽ hơn với Canberra là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, việc gia nhập AUKUS có nguy cơ bị lôi kéo vào cuộc đấu tranh quyền lực ở Thái Bình Dương giữa Mỹ và Trung Quốc[22]. “Lợi ích của New Zealand nằm ở việc hỗ trợ hòa bình khu vực, thương mại, hợp tác quốc tế và các vấn đề của Liên Hợp Quốc, thay vì hỗ trợ cuộc đấu tranh của một siêu cường chống lại một siêu cường khác”. Phil Twyford, Phó phát ngôn viên phụ trách các vấn đề đối ngoại của Công đảng New Zealand cho biết[23].
Sự tham gia của New Zealand sẽ tạo ra sự không chắc chắn thực sự về chính sách đối ngoại độc lập của mình, có thể làm tổn hại đến vị thế ngoại giao của New Zealand với tư cách là một quốc gia Thái Bình Dương thể hiện một chính sách đối ngoại độc lập, dựa trên luật lệ. Đồng thời nó cũng làm suy yếu cam kết của nước này đối với an ninh phi hạt nhân trong một khu vực mà nhiều quốc gia đã chỉ trích AUKUS vì thúc đẩy phổ biến vũ khí hạt nhân kể cả khi nước này chỉ tham gia vào trụ cột 2.
Mặc dù Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2023 của New Zealand thừa nhận “sự ổn định, an ninh và thịnh vượng” của nước này phụ thuộc rất nhiều vào trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, nhưng Trung Quốc không phải là mối đe dọa duy nhất đối với trật tự này. Trong khi tham vọng toàn cầu của Trung Quốc là có thật, nó không nên bị thổi phồng quá mức. Sự gia tăng ấn tượng của Bắc Kinh lên vị thế siêu cường đã được xây dựng dựa trên sự tham gia đầy đủ vào nền kinh tế tư bản thế giới và hiệu suất thương mại đáng kinh ngạc. Điều này đã tạo ra mức độ phụ thuộc kinh tế cao lẫn nhau giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại mà New Zealand là một trong số đó.
Tuy nhiên, cũng có thể nhìn thấy được sự tự tin từ đảng cầm quyền hiện tại. Trả lời câu hỏi liệu việc gia nhập AUKUS – mà Trung Quốc coi là một hiệp ước mang tư duy Chiến tranh Lạnh sẽ gây nguy hiểm cho khu vực – có thể làm xấu đi mối quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand hay không, Ngoại trưởng Peters nói rằng: “Trung Quốc là một quốc gia thực hiện những điều vì lợi ích quốc gia của họ, thì đó cũng là điều chúng tôi làm”[24].
Đối với Nhật Bản, có thể nhìn thấy sự nhiệt tình từ AUKUS về việc mong muốn hợp tác xa hơn với Tokyo, song Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã từng chia sẻ sau hội nghị Thượng đỉnh QUAD năm 2022 rằng “AUKUS có tầm quan trọng đối với sự ổn định và hòa bình trong khu vực, Nhật Bản ủng hộ nó nhưng chúng tôi hiện không có kế hoạch tham gia liên minh AUKUS”[25]. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng Tokyo sẽ phát triển quan hệ đối tác với các quốc gia thành viên AUKUS. Điều này có nghĩa là trong ngắn hạn, Nhật Bản sẽ không gia nhập AUKUS, mà chỉ hợp tác với các quốc gia thành viên của liên minh này. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles đã nói rằng “AUKUS đã sẵn sàng hợp tác với các đồng minh và đối tác trong trụ cột thứ hai, nhưng sự hợp tác với Nhật Bản sẽ không sớm diễn ra vì AUKUS vẫn tập trung rất nhiều vào việc nghiên cứu các công nghệ cải tiến mới giữa ba quốc gia trước hết. Khi trụ cột thứ hai trở nên trưởng thành hơn, điều này sẽ mất vài năm… Tôi nghĩ lúc đó sẽ có cơ hội để xem xét cách chúng ta có thể hợp tác với Nhật Bản trong vấn đề đó”[26].
Sự tiếp cận thận trọng của Nhật Bản trong thời điểm hiện tại có thể giải thích bằng một số lý do[27]. Thứ nhất, nước này thiếu một hệ thống miễn trừ an ninh đầy đủ. Đạo luật bảo vệ bí mật được chỉ định đặc biệt về an ninh thông tin ở Nhật Bản chỉ giới hạn ở 4 lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, phòng chống gián điệp và phòng chống khủng bố mà không bao gồm thông tin về kinh tế và công nghệ. Từ đó, các nhà sản xuất Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong việc truy cập thông tin mật trong các hoạt động phát triển chung. Thứ 2, Tokyo đang phấn đấu trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn như Mỹ và Anh. Do đó, một số ý kiến đã lo ngại về xung đột lợi ích tiềm ẩn. Cuối cùng, AUKUS là thỏa thuận mang định hướng quân sự. Sự gia nhập của Nhật Bản sẽ báo hiệu cho Trung Quốc rằng nước này là một phần của mạng lưới “răn đe tổng hợp” của Mỹ. Trong bối cảnh Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang hợp tác để khôi phục kênh đối thoại thông qua hội nghị thượng đỉnh ba bên, Tokyo có thể cảm thấy rằng thời điểm này không phù hợp để tham gia AUKUS.
Tuy nhiên, chưa thể chắc chắn về việc trong tương lai, Tokyo có xem xét gia nhập AUKUS không, vì liên minh này vẫn luôn khẳng định chào đón Nhật Bản tham gia hoặc một sự kiện mà nước này cảm thấy bị de dọa và cần thiết phải nâng cao năng lực quốc phòng của mình hơn nữa. Cần lưu ý rằng, môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang tiềm ẩn những điểm nóng có thể trở thành xung đột bất cứ khi nào. Tokyo đã liên tục báo hiệu rằng họ sẽ không đứng ngoài cuộc nếu có một tình huống bất ngờ đối với Đài Loan.
Ngoài ra, sự không chắc chắn trong chính sách đối ngoại của Mỹ qua các nhiệm kỳ tổng thống và Đảng cầm quyền cũng đặt ra những quan ngại cho các thành viên muốn tham gia một cơ chế do Mỹ dẫn đầu như AUKUS, nhất là khi cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây có thể sẽ làm thay đổi chính quyền đương nhiệm, chính quyền đã tạo ra liên minh này. Nếu ông Biden không thể tái đắc cử Tổng thống mà thay vào đó là ông Donald Trump, những hành động tiếp theo của ông Trump đối với một cơ chế được lập ra thời chính quyền Biden có thể không được ưu tiên như trước. Điều đó dẫn đến những rủi ro cho các thành viên mới, khi không thể tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu và áp dụng công nghệ cao trong lĩnh vực quân sự mà các bên vẫn kì vọng, hoặc hơn nữa, là phải trả tiền cho những công nghệ này giống như Tổng thống Trump đã làm với đồng minh Hàn Quốc của mình trong thời còn tại chức.
Những hệ quả có thể có của việc mở rộng AUKUS
Ngay từ đầu, sự thành lập của AUKUS đã tạo nên sự chia sẽ quan điểm giữa các quốc gia trong khu vực. Trong khi một số quốc gia bày tỏ sự ủng hộ, cũng không ít quốc gia bày tỏ thái độ chỉ trích mà nổi bật là Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng, AUKUS sẽ làm tổn hại hòa bình khu vực, thúc đẩy chạy đua vũ trang và phá hoại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Đối với phần lớn các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả ASEAN, một cách khách quan, sự mở rộng của liên minh AUKUS sẽ càng làm gia tăng những lo ngại về chạy đua vũ trang ở cấp độ rộng hơn. Trước đó, khi thành lập, Indonesia và Malaysia đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch đóng tàu ngầm hạt nhân của Australia và ngay cả Singapore – đối tác thân thiết nhất của Australia cũng bày tỏ lo ngại. Nếu bất kỳ quốc gia nào trở thành thành viên thứ 4 của AUKUS thì đều tạo ra tiền lệ cho các quốc gia khác có thể gia nhập liên minh này, và ngày càng tạo ra sự chênh lệch giữa các quốc gia thành viên và không phải thành viên ở trong khu vực về tiềm lực và năng lực quân sự. Điều này dẫn đến tâm lý bất an của các quốc gia, từ đó một chạy đua quân sự rõ ràng và mạnh mẽ hơn là điều không thể tránh khỏi.
Một cách chi tiết hơn, nếu New Zealand trở thành thành viên của AUKUS, điều này là một minh chứng rõ ràng cho việc sự cạnh tranh gay gắt giữa hai thế lực chính là Mỹ và phương Tây với Trung Quốc hoặc rộng hơn là 3 nước Nga – Trung – Triều đã khiến một quốc gia vốn dĩ trung lập như New Zealand cũng cảm thấy bị de dọa và phải kìm kiếm một bên để nhận được sự bảo hộ. Và chắc chắn, New Zealand sẽ không phải trường hợp duy nhất, với sự xuất hiện của các quốc gia tiếp theo chọn bên. Điều này sẽ không chỉ làm leo thang các cuộc chạy đua vũ trang và đối đầu chính trị mà còn làm suy yếu hòa bình và ổn định trên khắp khu vực AĐD-TBD và thậm chí trên toàn cầu. Chiến tranh Lạnh 2.0 không chỉ còn là mối lo ngại mà tiến dần đến hiện thực.
Một viễn cảnh khác nếu Nhật Bản trở thành thành viên của AUKUS, vị trí địa lý Nhật Bản sẽ tạo điều kiện cho tàu ngầm của liên minh có thể tiếp cận Trung Quốc với một khoảng cách gần hơn thông qua việc hợp tác giữa các bên. Điều này có thể tạo ra sự căng thẳng lớn hơn trong quan hệ khu vực, đặc biệt là với Trung Quốc, mà việc gia tăng căng thẳng và các hành vi trả đũa là không thể tránh khỏi. Những điều này tạo ra áp lực an ninh và gia tăng thách thức đối với các nước khác trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia nhỏ hơn và có sự bất đồng về các vấn đề biển đảo với Trung Quốc như Việt Nam, Philippines, Malaysia…
Sự mở rộng của AUKUS cũng có thể làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN. Sự mở rộng thêm của một khối liên minh mạnh mẽ với các quốc gia lớn sẽ có thể làm mờ nhạt vai trò của các định chế nhỏ hơn trong khu vực. Các nước Đông Nam Á chia sẻ mong muốn chung là tuân thủ độc lập chiến lược và duy trì hòa bình, ổn định khu vực thay vì việc chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hàm ý đối với Việt Nam
Đối với Việt Nam, không phải là thành viên AUKUS nhưng nằm trong tầm ảnh hưởng mục tiêu của AUKUS, những diễn biến của liên minh này, nhất là việc mở rộng thành viên hay căng thẳng với một bên khác đều tác động đến môi trường hòa bình ổn định trong khu vực, từ đó ảnh hưởng đến an ninh chính trị và kinh tế của Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, việc đảm bảo môi trường ổn định, an ninh để phát triển đất nước là một trong những mục tiêu được ưu tiên hàng đầu. Do đó, cần phải tiếp tục theo dõi sát sao và đánh giá một cách cẩn thận những diễn biến liên quan để đưa ra những quyết định phù hợp với lợi ích quốc gia của mình.
Việc mở rộng AUKUS là có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là với Trung Quốc. Việt Nam cần phải cân nhắc kỹ lưỡng các bước hành động, duy trì và phát triển quan hệ ổn định, hữu nghị, hợp tác cân bằng với các nước lớn. Đứng trước sự cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, Việt Nam cần tận dụng các lợi thế của mình để làm sâu sắc mối quan hệ với các nước lớn tạo thế nước này đối trọng nước khác để tránh nguy cơ trở thành “con tốt trên bàn cờ” của các nước lớn. Bên cạnh có, Hà Nội cần tích cực hợp tác, đoàn kết với các quốc gia ASEAN, để xây dựng một ASEAN chung chí hướng, vững mạnh, không bị lép vế trước các định chế khác. Một ASEAN vững mạnh sẽ có lợi cho Việt Nam nói riêng và toàn khối nói chung trong việc giải quyết các vấn đề cấp khu vực với các bên khác.
Cuối cùng, kể cả khi sự mở rộng của AUKUS có thể gây ra áp lực cho Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực tăng cường quân sự, Việt Nam cần bình tĩnh trước các vấn đề, chủ động tìm hiểu, dự tính các khả năng, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối mặt với những bất ngờ. Trước hết, Việt Nam vẫn cần tiếp tục tập trung vào việc phát triển năng lực quốc gia trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia mạnh, tạo điều kiện phản ứng tốt hơn trước các thách thức cũng như hạn chế các rủi ro. Tiềm lực kinh tế mạnh sẽ cho phép Việt Nam đầu tư vào quốc phòng nhiều hơn, không bị yếu thế trước các thế lực thù địch. Cùng với đó, tiếp tục kiên định với chủ trương thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”, “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Bảo vệ Tổ quốc phải bằng chính bản lĩnh, trí tuệ, thực lực, sức mạnh nội sinh của đất nước, kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Không thể dựa vào bất kỳ liên minh quân sự nào, càng không thể trông chờ vào nước ngoài[28]./.
Tác giả: Thi Thi
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Chú thích tham khảo:
[1] The U.S. Department of Defense, AUKUS Partners Demonstrate Advanced Capabilities Trial, https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3408870/aukus-partners-demonstrate-advanced-capabilities-trial/
[2] Như Trung (2023), Mỹ, Anh, Australia đề cao hợp tác về radar không gian, AI trong thỏa thuận chung, Báo Quốc tế, https://baoquocte.vn/my-anh-australia-de-cao-hop-tac-ve-radar-khong-gian-ai-trong-thoa-thuan-chung-252334.html
[3] Lucy Craymer and Renju Jose, Blinken says door open for New Zealand to engage on AUKUS, Reuters, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/blinken-says-door-open-new-zealand-engage-aukus-2023-07-27/
[4] The UK Government | Ministry of Defence, World first as UK hosts inaugural AUKUS AI and autonomy trial, https://www.gov.uk/government/news/world-first-as-uk-hosts-inaugural-aukus-ai-and-autonomy-trial
[5] Ambassador Mark A. Green, China Is the Top Trading Partner to More Than 120 Countries, Wilson Center, https://www.wilsoncenter.org/blog-post/china-top-trading-partner-more-120-countries
[6] Peter Robertson and Wilson Beaver, China’s Defense Budget Is Much Bigger Than It Looks, Foreign Policy, https://foreignpolicy.com/2023/09/19/china-defense-budget-military-weapons-purchasing-power/
[7] The State Councial of The People’s Republic of China, China’s 2023 defense budget to rise by 7.2 pct, remaining single-digit for 8th year, https://english.www.gov.cn/premier/news/202303/05/content_WS6403fdb7c6d0a757729e7af9.html
[8] CSIS China Power Project, “What Does China Really Spend on its Military?”, https://chinapower.csis.org/military-spending/
[9] Kate Lyons and Dorothy Wickham, The deal that shocked the world: inside the China-Solomons security pact, The Guardian, https://www.theguardian.com/world/2022/apr/20/the-deal-that-shocked-the-world-inside-the-china-solomons-security-pact
[10] Alexander Gillespie and Robert G. Patman, Approach with caution: why NZ should be wary of buying into the AUKUS security pact, The Conversation, https://theconversation.com/approach-with-caution-why-nz-should-be-wary-of-buying-into-the-aukus-security-pact-203915
[11] US. Department of State, AUKUS: A Commitment to the Future – United States Department of State, https://www.state.gov/aukus-a-commitment-to-the-future/
[12] The Guardian, “New Zealand may join Aukus pact’s non-nuclear component”, https://www.theguardian.com/world/2023/mar/28/new-zealand-may-join-aukus-pacts-non-nuclear-component
[13] Giles Dexter, Luxon ‘exploring’ non-nuclear part of AUKUS pact, Radio New Zealand, https://www.rnz.co.nz/news/political/505227/luxon-exploring-non-nuclear-part-of-aukus-pact
[14] Giles Dexter, Luxon ‘exploring’ non-nuclear part of AUKUS pact, Radio New Zealand, https://www.rnz.co.nz/news/political/505227/luxon-exploring-non-nuclear-part-of-aukus-pact
[15] New Zealand Government, JOINT STATEMENT ON AUSTRALIA-NEW ZEALAND MINISTERIAL CONSULTATIONS (ANZMIN) 2024, https://www.beehive.govt.nz/release/joint-statement-australia-new-zealand-ministerial-consultations-anzmin-2024
[16] Eva Corlett, New Zealand steps up interest in Aukus as Pacific security concerns grow, The Guardian, https://www.theguardian.com/world/2024/feb/02/new-zealand-aukus-alliance-membership
[17] Nick Lee-Frampton, New Zealand’s defense minister talks strategy, supply chains and AUKUS, Defense News, https://www.defensenews.com/interviews/2024/02/08/new-zealands-defense-minister-talks-strategy-supply-chains-and-aukus/
[18] New Zealand Government. Roadmap for future of defence and national security released, https://www.beehive.govt.nz/release/roadmap-future-defence-and-national-security-released
[19] Sian Troath, Joining AUKUS could boost NZ’s poor research and technology spending – but at what cost?, The Conversation, https://theconversation.com/joining-aukus-could-boost-nzs-poor-research-and-technology-spending-but-at-what-cost-223719
[20] Báo Việt Nam và Thế Giới, “Đã đến lúc Nhật Bản gia nhập AUKUS?”, https://www.vietnam.vn/da-den-luc-nhat-ban-gia-nhap-aukus/
[21] Ismail Shakil in Ottawa, Canada wants more cooperation with AUKUS allies on advanced technologies, Reuters, https://www.reuters.com/world/americas/canada-wants-more-cooperation-with-aukus-allies-advanced-technologies-2023-05-08/
[22] Giles Dexter, Luxon ‘exploring’ non-nuclear part of AUKUS pact, Radio New Zealand, https://www.rnz.co.nz/news/political/505227/luxon-exploring-non-nuclear-part-of-aukus-pact
[23] Radio New Zealand, 工党:澳英美三边安全伙伴关系是旨在遏制中国的军事协定, https://www.rnz.co.nz/news/chinese/509046/article
[24] Eva Corlett, New Zealand steps up interest in Aukus as Pacific security concerns grow, The Guardian, https://www.theguardian.com/world/2024/feb/02/new-zealand-aukus-alliance-membership
[25] Aanhal Nigam, Japan ‘not currently thinking about joining AUKUS’, says PM Kishida after QUAD summit, Republic World, https://www.republicworld.com/world-news/russia/japan-not-currently-thinking-about-joining-aukus-says-pm-kishida-after-quad-summit-articleshow/ (Accessed: 25 February 2024).
[26] RACHAEL BAYLISS- CHAN, Australia wants Japan to work with AUKUS, Japan Times, https://www.japantimes.co.jp/news/2024/02/18/japan/politics/australia-looks-to-japan-aukus/
[27] Rena Sasaki, Now is the time for Japan to join AUKUS, East Asia Forum, https://eastasiaforum.org/2023/11/22/now-is-the-time-for-japan-to-join-aukus/
[28] Trường Giang, Vì sao Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”?, Báo Điện Tử VOV, https://vov.vn/chinh-tri/vi-sao-viet-nam-thuc-hien-chinh-sach-quoc-phong-4-khong-post1051598.vov