Vấn đề mà Hoa Kỳ phải đối mặt không chỉ là câu chuyện về trần nợ, mà nó báo hiệu một hệ thống chính trị đang mệt mỏi và hoàn toàn có khả năng bị tê liệt. Trong khi đó, khủng hoảng nợ của Hoa Kỳ có thể là hồi chuông cảnh báo căng thẳng, xung đột trên toàn cầu.
Trần nợ là gì?
Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, giới hạn nợ hay trần nợ thường được biết đến là “tổng số tiền mà chính phủ Hoa Kỳ được phép vay để đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý hiện có của mình, bao gồm cả phúc lợi an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, lương quân nhân, lãi suất nợ quốc gia, hoàn thuế và các khoản thanh toán khác. Về mặt lịch sử, trần nợ đã có từ năm 1917, được sửa đổi bởi Đạo luật nợ công được thông qua vào năm 1939 và 1941. Hiện tại, trần nợ hiện ở mức 31,46 nghìn tỷ USD.
Kể từ năm 1960, Quốc hội đã luôn hành động khi được yêu cầu tăng trần nợ, tổng cộng đã có 78 lần gia hạn tạm thời hoặc sửa đổi định nghĩa về trần nợ. Điều này đã xảy ra 49 lần dưới thời các tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa và 29 lần dưới thời các tổng thống thuộc Đảng Dân chủ.
Việc không tăng giới hạn nợ liên bang sẽ dẫn đến nhiều hậu quả: vỡ nợ quốc gia, khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế (với tác động toàn cầu), mất việc làm, đóng cửa các bộ phận của chính phủ, có thể bị đình chỉ thanh toán chăm sóc sức khỏe, và về mặt lý thuyết, hạ xếp hạng tín nhiệm nợ chính phủ AAA/AA+ của Hoa Kỳ. Vấn đề trở nên phức tạp rất nhanh, tùy thuộc vào việc vỡ nợ sẽ kéo dài bao lâu và những nghĩa vụ nào không được đáp ứng. Thật vậy, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã nhiều lần cảnh báo rằng nếu trần nợ không sớm được nâng lên, thì sẽ có “những lựa chọn khó khăn được đưa ra đối với những hóa đơn không được thanh toán.”
Vị thế đồng đô la lung lay, thậm chí bị phế truất
Một trong những mối lo ngại lớn liên quan đến khả năng vỡ nợ là bản thân nó sẽ tạo thêm động lực cho quá trình lật đổ vị thế đồng đô la Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Trung Quốc, Nga, Nam Phi và một số quốc gia khác đã bắt đầu thực hiện một phần giao dịch của họ bằng các loại tiền tệ khác để thoát khỏi khả năng vũ khí hóa đồng tiền quốc gia của chính phủ Hoa Kỳ, điều này đã được chứng minh trong các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga. Đối với bất kỳ ai đang theo dõi, Trung Quốc đã và đang nỗ lực để phi đô la hóa, khoản nợ của Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ đã giảm từ hơn 1 nghìn tỷ đô la vào năm 2022 xuống còn 859 tỷ đô la vào tháng 1 năm 2023 (và dự kiến sẽ giảm xuống thấp hơn).
Mặc dù không có khả năng nhanh chóng thoát khỏi đồng đô la Mỹ trong ngắn hạn, nhưng xu hướng này không có lợi đối với Washington. Cùng với đó, khả năng in tiền không ngừng của Washington dưới dạng Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ và các chứng khoán khác sẽ chấm dứt.
Sự suy giảm của đồng đô la Mỹ sẽ dẫn đến những hậu quả đối với nhu cầu chi tiêu công ngày càng lớn của các tầng lớp chính trị Mỹ. Nhưng, theo các chuyên gia, điều đó sẽ khó có thể xảy ra, vì chính sách trần nợ của Washington là một màn trình diễn được diễn ra liên tục – đặc biệt là khi thâm hụt không còn là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, thâm hụt không phải là vấn đề quan trọng cho đến khi chúng xảy ra; việc tiếp tục tước bỏ các lợi thế so sánh của Hoa Kỳ – nền chính trị dân chủ ổn định, chính sách kinh tế thận trọng, sự đồng thuận chung về chính sách kinh tế và nợ có thể quản lý được – tất cả đều có tác động tích lũy.
Vấn đề mà Hoa Kỳ phải đối mặt không chỉ là trần nợ. Bản thân cuộc khủng hoảng trần nợ là triệu chứng của một vấn đề còn nan giải hơn nhiều: một hệ thống chính trị mệt mỏi, rệu rã, có thể bị phá vỡ.
Tiến sĩ Scott B. MacDonald là Nhà Kinh tế học, tác giả cuốn sách The New Cold War, China and the Caribbean. (Scott B. MacDonald, "Will King Dollar Survive America’s Debt Ceiling Crisis?", The National Interest, 29.5.2023).
* * *
Khoản nợ khổng lồ đến từ đâu?
Năm 2000, khoản nợ của chính phủ liên bang vẫn là 3,5 nghìn tỷ USD, tương đương 35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của năm đó. Đến năm 2022, khoản nợ này đã tăng vọt lên 24 nghìn tỷ đô la, tương đương 95% GDP của Hoa Kỳ (một số nguồn khác ước tính khoản nợ lên tới trên 30 nghìn tỷ đô la, tương đương 123% GDP). Cuộc khủng hoảng nợ hiện nay là do khoản nợ của Hoa Kỳ đã tăng quá nhanh. Nhưng cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều phớt lờ một giải pháp là “ngăn chặn Mỹ tiếp tục gây chiến và cắt giảm chi tiêu quân sự”.
Giả sử rằng nợ của chính phủ liên bang vẫn ở mức khoảng 35% GDP như năm 2000. Ngày nay, con số nợ đó sẽ chỉ là 9 nghìn tỷ đô la chứ không phải 24 nghìn tỷ đô la. Tại sao chính phủ Hoa Kỳ tạo ra thêm khoản nợ 15 nghìn tỷ đô la như vậy?
Câu trả lời đúng duy nhất là chính phủ Hoa Kỳ đã và đang “nghiện” tiến hành chiến tranh cũng như tăng chi tiêu quốc phòng. Theo thống kê của Viện Quốc tế và Công chúng Watson tại Đại học Brown, từ năm tài chính 2001 đến năm tài chính 2022, Mỹ đã chi cho chiến tranh lên tới con số đáng kinh ngạc là 8 nghìn tỷ USD, hơn một nửa trong số 15 nghìn tỷ USD nợ bổ sung (con số này thực tế có thể cao hơn). Một nửa còn lại có thể được tính để đối phó với thâm hụt ngân sách do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch viêm đường hô hấp cấp mới (Covid-19).
Để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ hiện nay, nước Mỹ cần phải ngừng nuôi tổ hợp công nghiệp – quân sự, đây cũng chính là nhóm vận động hành lang quyền lực nhất ở Washington DC. Như cựu Tổng thống Dwight Eisenhower đã có câu nói nổi tiếng trước khi rời nhiệm sở vào ngày 17 tháng 1 năm 1961, “Trong quá trình giám sát trách nhiệm giải trình của chính phủ, chúng ta phải cảnh giác trước việc một tổ hợp công nghiệp-quân sự giành được quá nhiều ảnh hưởng, dù cố ý hay không. Từ năm 2000, tổ hợp công nghiệp-quân sự của Hoa Kỳ đã cố ý kéo đất nước vào các cuộc chiến tranh thảm khốc ở Afghanistan, Iraq, Syria, Libya và bây giờ là Ukraine.
Tổ hợp công nghiệp-quân sự từ lâu đã áp dụng một chiến lược thắng lợi về mặt chính trị để đảm bảo rằng cổ tức từ ngân sách quân sự của chính phủ liên bang chảy đến mọi khu vực bầu cử. Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ gần đây đã đưa ra một lời nhắc nhở: “Ngân sách quốc phòng ảnh hưởng đến khu vực bầu cử của mỗi thành viên Quốc hội thông qua một loạt phương tiện, chẳng hạn như trả lương hoặc trợ cấp phúc lợi cho quân nhân tại ngũ cũng như đã nghỉ hưu, các tác động kinh tế, môi trường của các căn cứ quân sự tỏa ra các khu vực xung quanh, và việc mua sắm các hệ thống và linh kiện vũ khí bởi các nhà máy địa phương”.
Hiện nay, ngân sách quân sự hàng năm của Hoa Kỳ vào khoảng 900 tỷ đô la Mỹ, chiếm 40% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu, vượt tổng chi tiêu quân sự của 10 nước xếp sau. Năm 2022, chi tiêu quân sự của Mỹ sẽ gấp 3 lần Trung Quốc. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, chi tiêu quân sự từ năm 2024 đến năm 2033 sẽ đạt mức đáng kinh ngạc là 10,3 nghìn tỷ USD dựa trên sức mua hiện tại. Ít nhất một phần tư chi tiêu có thể được tiết kiệm nếu Hoa Kỳ ngừng tiến hành chiến tranh một cách có chủ ý, đóng cửa hơn 800 căn cứ quân sự ở nước ngoài, đồng thời đàm phán và ký kết các thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới với Trung Quốc và Nga.
Con đường mà “tổ hợp công nghiệp – quân sự” đã lựa chọn cho nước Mỹ
Thay vì theo đuổi các mục tiêu tài chính hòa bình và có trách nhiệm thông qua ngoại giao, tổ hợp công nghiệp-quân sự thường xuyên khủng bố công chúng Mỹ, miêu tả một số “kẻ thù” mà Hoa Kỳ phải cố gắng hết sức để đánh bại thông qua các mô tả như trong “truyện tranh về các siêu anh hùng”. Kể từ năm 2000, danh sách này bao gồm Taliban ở Afghanistan, Saddam Hussein ở Iraq, Bashar al-Assad ở Syria, Mohammad Gaddafi ở Libya, Nga và giờ là Trung Quốc. Chúng tôi thường xuyên thấm nhuần một quan niệm rằng cuộc chiến này có liên quan đến sự tồn vong của Hoa Kỳ.
Chính sách đối ngoại hướng tới mục tiêu hòa bình đã bị tổ hợp công nghiệp-quân sự phản đối mạnh mẽ, nhưng người dân Mỹ lại có ý kiến khác. Ngày càng có nhiều người được hỏi muốn Hoa Kỳ ít can thiệp hơn vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và giảm bớt việc triển khai lực lượng quân sự ở nước ngoài. Về vấn đề Ukraine, các cuộc thăm dò cho thấy hơn một nửa người dân Mỹ (52%) muốn chính phủ đóng “vai phụ” trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, trong khi chỉ có 26% số người được hỏi muốn Mỹ đóng “vai trò chính.” Đó là lý do tại sao Tổng thống Biden, kể cả một số người tiền nhiệm của ông, ngại yêu cầu Quốc hội tăng thuế để trang trải cho các cuộc chiến mà nước Mỹ đang tham gia. Công chúng sẽ kiên quyết hét lên: “Tôi phản đối!”
Mặc dù các cuộc chiến do Hoa Kỳ cố tình phát động là không tốt cho chính họ, nhưng các cuộc chiến đã mang đến những thảm họa sâu sắc hơn cho các quốc gia mà Hoa Kỳ tuyên bố sẽ “giúp đỡ”. Như Henry Kissinger đã nói một câu nổi tiếng, “Làm kẻ thù của nước Mỹ có thể nguy hiểm, nhưng làm bạn của nước Mỹ thì nguy hiểm hơn”. Từ năm 2001 đến năm 2021, Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc chiến ở Afghanistan cho đến khi bom đạn đã tàn phá quốc gia này thành từng mảnh, chính phủ của họ đang phải vật lộn để đảm bảo ngân sách và người dân phải chịu cảnh đói khổ. Giờ đây Ukraine đã trở thành đối tượng bị Mỹ “thao túng”, số phận của nước này có thể không khác là mấy so với các “nạn nhân đã được nêu tên”, đó là: chiến tranh liên miên, chết chóc và sự hủy diệt.
Nếu Hoa Kỳ chấm dứt các cuộc chiến tranh có chủ ý cũng như hạn chế chạy đua vũ trang, thay thế chúng bằng các thỏa thuận ngoại giao và kiểm soát vũ khí thực sự, thì có thể cắt giảm chi tiêu quân sự một cách thận trọng, hiệu quả. Nếu các tổng thống cùng các nghị sĩ Mỹ thực sự nghe lời của các nhà ngoại giao lão thành như William Burns (ông là đại sứ Mỹ tại Nga năm 2008 và hiện là giám đốc CIA) thì Mỹ đã có thể dùng biện pháp ngoại giao để duy trì, đảm bảo an ninh của Ukraine, đồng thời đảm bảo với Nga rằng Mỹ sẽ không cho Ukraine gia nhập NATO chừng nào họ chưa đưa quân vào Ukraine. Tuy nhiên, sự bành trướng “mất kiểm soát” của NATO chính xác là hướng đi được tổ hợp công nghiệp-quân sự ưa chuộng. Các nước thành viên NATO đều là khách hàng lớn của doanh nghiệp quân sự Mỹ.
Đồng thời, Mỹ đã đơn phương rút khỏi một loạt thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng. Năm 2020, Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABMT). Theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Hoa Kỳ phải thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng kế hoạch mà tổ hợp công nghiệp-quân sự đưa ra trước Quốc hội Hoa Kỳ là chi hơn 600 tỷ đô la Mỹ cho “hiện đại hóa” kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ vào năm 2030.
Ngày nay, tổ hợp công nghiệp-quân sự của Mỹ đang tô vẽ viễn cảnh chiến tranh với Trung Quốc vì vấn đề Đài Loan. Tiếng trống chiến tranh chống lại Trung Quốc đang tạo đà gia tăng ngân sách quân sự, nhưng Hoa Kỳ có thể dễ dàng tránh chiến tranh với Trung Quốc, điều kiện cần là Hoa Kỳ tuân thủ nền tảng của mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, trong đó có chính sách “Một Trung Quốc”. Một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là điều không thể tưởng tượng được. Nó không chỉ dẫn đến sự phá sản của Hoa Kỳ mà còn có nhiều khả năng dẫn đến sự hủy diệt của cả thế giới.
Chi tiêu quân sự không phải là thách thức duy nhất mà ngân sách chính phủ Mỹ phải đối mặt. Một hệ thống chăm sóc sức khỏe cũ kỹ và cồng kềnh cũng làm tăng thêm gánh nặng tài chính. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, nợ của Hoa Kỳ có thể lên tới 185% GDP vào năm 2052 nếu các chính sách hiện tại không được điều chỉnh. Mỹ nên giới hạn chi tiêu chăm sóc sức khỏe và tăng thuế đối với người giàu. Tuy nhiên, để khôi phục kỷ luật cũng như trật tự tài khóa, đồng thời cứu Hoa Kỳ và thế giới khỏi nền chính trị tồi tệ do các nhóm vận động hành lang thống trị, bước đầu tiên quan trọng nhất là phải đoạn tuyệt với nhóm vận động hành lang phức hợp quân sự-công nghiệp.
Tác giả: Jeffrey Sachs, Giáo sư Đại học Columbia, nguyên cố vấn cấp cao của Liên hợp quốc (Jeffrey Sachs, "America’s Wars and the US Debt Crisis", Common Dreams, 20.5.2023).
* * *
“Kiểm soát” tổ hợp công nghiệp – quân sự: nói dễ, làm khó
Chiến tranh rõ ràng đang đem đến nguồn lợi khổng lồ cho tổ hợp công nghiệp – quân sự Mỹ, bất kể nó đem đến những hậu quả tồi tệ cho các quốc gia thất bại trên thế giới như thế nào. Con số 8.000 tỷ đô la trong 20 năm thậm chí còn lớn hơn quy mô kinh tế trong thời gian tương tự của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Do vậy, không thể có một lý do đơn giản nào có thể khiến tổ hợp công nghiệp – quân sự Mỹ ngừng việc can thiệp vào các chính sách đối ngoại của chính phủ liên bang.
Liên quan đến việc vận động hành lang cho các cuộc bầu cử ở Mỹ, trong hai kỳ bầu cử gần nhất, ngành công nghiệp vũ khí đã tài trợ hơn 83 triệu đô la cho các ứng viên tranh cử. Đáng chú ý, Lockheed Martin dẫn đầu với 9,1 triệu đô la, tiếp theo là Raytheon với 8 triệu đô la, Northrop Grumman với 7,7 triệu đô la. Ngoài ra, theo OpenSecrets, một nhóm theo dõi các chiến dịch vận động hành lang đã đưa ra thông tin rằng: “58 thành viên của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện đã nhận được trung bình 79.588 đô la từ ngành công nghiệp – quân sự trong kỳ bầu cử năm 2022”. Chưa hết, Văn phòng Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren còn báo cáo rằng, có gần 700 cựu quan chức cấp cao của chính phủ, bao gồm các cựu tướng lĩnh, đô đốc hiện đang làm việc cho các nhà thầu quốc phòng. Phần lớn họ đã trở thành các nhà vận động hành lang của Lầu Năm góc[1]. Điều đó cho thấy các “xúc tu” của tổ hợp công nghiệp – quân sự đã bám chắc vào thượng tầng chính trị của Mỹ. Việc kiểm soát thế lực này vốn đã là khó khăn chứ chưa bàn đến khả năng có thể loại bỏ được quyền lực của tổ hợp công nghiệp – quân sự. Bởi, để loại bỏ được nó cũng đồng nghĩa với việc thay thế hoàn toàn những người cầm quyền được họ ủng hộ tranh cử. Điều đó hoàn toàn không thể đối với nước Mỹ ngày nay. Toàn bộ hệ thống chính trị của nước này đang trở thành “con tin” của bộ máy chiến tranh đứng sau Lầu Năm góc.
Tuy nhiên, nhìn vào sự “suy yếu ngắn hạn” của tổ hợp công nghiệp – quốc phòng Mỹ giai đoạn (1991 – 2001) cũng có thể gợi mở ra một vấn đề. Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã mất đi một đối thủ lớn, lý do căn bản nhất để bộ máy chiến tranh ở nước này hoạt động đã tan rã. Đó là nguyên nhân khiến thế lực này mất đi động lực chính để phát triển. Đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân giúp nợ của chính phủ liên bang duy trì ở ngưỡng thấp, chỉ chiếm chưa đến 40% GDP. Thời đại hòa bình ngắn ngủi mang lại một cách thức để có thể kiểm soát các tổ hợp công nghiệp – quân sự. Nhưng trên thực tế, ngay cả khi suy yếu nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, nền chính trị Mỹ vẫn không thoát được khỏi sự chi phối của thế lực này. Kết quả là Mỹ đã nhanh chóng trở lại với những cuộc phiêu lưu mới sau sự kiện 11 tháng 9 năm 2001.
Điều đó cho thấy, một nền hòa bình bền vững, lâu dài thay vì một giai đoạn hòa bình ngắn ngủi, bấp bênh mới là cách hữu hiệu để gia tăng kiểm soát và loại bỏ thế lực của tổ hợp công nghiệp, quân sự Mỹ. Để làm được điều đó, tự thân nước Mỹ gần như không đủ sức có thể thực hiện được, mà cần phải có những chuyến biến phức hợp từ hai yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Và tất nhiên, đó phải là một sự kiện có tầm vóc đặc biệt lớn, tạo ra bước ngoặt mang tính toàn cầu.
Mối liên hệ với tình hình căng thẳng ở Đông Á
Chính phủ Mỹ càng lâm vào nợ nần cũng có nghĩa rằng, tổ hợp công nghiệp – quân sự càng làm ăn phát đạt cũng như ngày càng hoạt động tích cực. Cùng với việc đẩy cao căng thẳng phương Tây và Nga ở Đông Âu, Mỹ đang gặt hái được thành tựu rất lớn liên quan đến việc đẩy cao căng thẳng ở các khu vực khác, trong đó có các điểm nóng Đông Á. Một cuộc “đối đầu kép” với Nga và Trung Quốc trên hai mặt trận đang tạo ra vô số cơ hội làm ăn cho tổ hợp công nghiệp – quân sự Mỹ. Cũng cần nói thêm rằng, các tên tuổi lớn trong bộ máy công nghiệp – quân sự Mỹ như: Lockheed Martin, Boeing, Raytheon, General Dynamics, Northrop Grumman… đang là các nhà thầu cung cấp vũ khí chính cho các đồng minh của Mỹ ở Đông Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan… Giống như điều đã bộc lộ từ xung đột Nga – Ukraine, căng thẳng leo thang ở khu vực này sẽ càng giúp các nhà thầu quân sự lớn mạnh. Một nguồn lợi khổng lồ như vậy sẽ không dễ dàng bị bỏ qua, bất chấp những cảnh báo của Henry Kissinger về một sai lầm chiến lược khi cùng lúc đối đầu với hai siêu cường còn lại[2].
Theo cách hiểu đó, vấn đề nợ của Mỹ có mối quan hệ thuận chiều với lợi nhuận của các “ông trùm” công nghiệp quân sự và với tình hình căng thẳng tại các điểm nóng trên toàn cầu. Nợ chính phủ của Mỹ ngày càng tăng báo hiệu các mối làm ăn của tổ hợp công nghiệp – quân sự ngày càng thuận lợi, cũng cho thấy rằng nguy cơ gia tăng căng thẳng ở Đông Á cũng như các điểm nóng khác càng cao. Thật không may, các dự báo về vấn đề nợ của Mỹ hầu hết đều đi đến nhận định: nợ sẽ chỉ có tăng, không thể giảm trong tương lai, thậm chí có thể đạt ngưỡng 185% so với GDP của nước này vào giữa thế kỷ này[3]. Xu hướng hình thành thế đối đầu ở Đông Á hiện nay đang chứng minh cho mối quan hệ thuận chiều ấy. Mỹ đang cố gắng xây dựng lực lượng nhằm ứng phó với Trung Quốc. Ngay cả NATO cũng đã hiện diện ở Nhật Bản, đóng vai trò cố vấn kinh nghiệm xây dựng một liên minh tương tự ở mặt trận Thái Bình Dương, thậm chí là mở rộng ra khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tác động đối với Việt Nam
Vấn đề nợ của chính phủ Mỹ nghe có vẻ xa xôi đối với một đất nước cách đó nửa vòng Trái Đất, nhưng thực tế ảnh hưởng của nó tới Việt Nam không hề nhỏ.
Một, Việt Nam là “chủ nợ” lớn thứ 36 của Mỹ trên thế giới với 37 tỷ đô la[4], đồng thời, quan hệ thương mại với Mỹ đã và đang đem lại nguồn thặng dư thương mại đặc biệt lớn đối với Việt Nam (khoảng 116 tỷ đô la năm 2022[5]). Nước Mỹ ngày càng nợ nần trầm trọng sẽ tiếp tục làm bóp méo thêm nền kinh tế của nước này, trước hết là ảnh hưởng đến khu vực sản xuất phi quân sự, làm mất cân đối cơ cấu sản xuất, cũng như làm tăng sự chênh lệch về khả năng cung và cầu của thị trường trong nước. Điều đó một mặt sẽ tạo động lực cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào thị trường Mỹ, thương mại phi quân sự giữa hai nước sẽ tiếp tục gia tăng. Nhưng mặt khác, thặng dư thương mại của Việt Nam từ thị trường Mỹ sẽ đi kèm với những áp lực chính trị theo chiều ngược lại. Đồng thời, các điều chỉnh trong “cuộc chiến tiền tệ” hiện nay và trong tương lai có khả năng ảnh hưởng rất lớn đối với Việt Nam, bởi thương mại với Mỹ đang là nguồn cung ngoại tệ rất lớn. Một điều chỉnh nhỏ cũng có thể gây ra thất thoát, thiệt hại đáng kể đối với các lợi ích kinh tế của Việt Nam.
Hai, như đã nêu trên, căng thẳng Đông Á đang leo thang từng ngày, và nó có mối liên hệ mật thiết với vấn đề nợ của nước Mỹ mặc dù chỉ là mối liên hệ gián tiếp. Tuy nhiên, nước Mỹ càng lâm vào nợ nần, Việt Nam càng cần phải cảnh giác đối với các diễn biến an ninh toàn cầu cũng như ở khu vực. Bởi đó là dấu hiệu tổ hợp công nghiệp – quân sự của Mỹ đang gia tăng hoạt động, làm phức tạp thêm tình hình mâu thuẫn, xung đột trên khắp thế giới. Việt Nam cần phải chủ động có những giải pháp ứng phó với những diễn biến phức tạp về vấn đề an ninh, quốc phòng, đồng thời có những phương án linh hoạt về kinh tế nhằm ứng phó với các thách thức như: sự rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu, các động thái bất ngờ trong cuộc “chiến tranh tiền tệ”, các chính sách áp đặt về kinh tế của các nước lớn…
Tình trạng nợ của nước Mỹ khó có thể được khắc phục, thay vào đó khả năng trầm trọng thêm đã hiện hữu. Bản thân nước Mỹ gần như không có khả năng loại bỏ thế lực của tổ hợp công nghiệp – quân sự để giải quyết vấn đề nợ nần. Do vậy, cách duy nhất là thế giới cần học cách thích nghi và ứng phó với mối đe dọa xuất phát từ tham vọng của bộ máy sản xuất chiến tranh này./.
Tổng hợp, biên dịch và bình luận: Hoàng Hải
[1] William D. Hartung & Benjamin Freeman, “The Military Industrial Complex Is More Powerful Than Ever”, The Nation, 09.5.2023
[2] Jin Canrong (Hoàng Hải, dịch), “Ngăn chặn kép”: Mỹ đang phạm phải sai lầm chiến lược, Nghiên cứu Chiến lược, 26.4.2023
[3] David Lawder, U.S. debt burden to rise to 185% of GDP in 2052, Reuters, 28.7.2022.
[4] Dorothy Neufeld, Which Countries Hold the Most U.S. Debt?, Visual Capitalist, 24.3.2023.
[5] Census, 2022: U.S. trade in goods with Vietnam, https://www.census.gov/foreign-trade/balance/c5520.html