Cân bằng trong cấu trúc chính trị giữa phương Tây với phần còn lại của thế giới đang ngày càng được củng cố và trở thành một đặc điểm quan trọng của quan hệ quốc tế trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI. Dĩ nhiên, thế giới trong năm 2023 hẳn sẽ chẳng thiếu những xáo động, nhưng xét trên mọi bình diện, giữa quá trình “phi phương Tây hoá” (De-Westernisation), những thay đổi lớn chưa từng thấy trong thế kỷ này sẽ tiếp tục diễn ra theo chiều hướng không thể đảo ngược. Bài viết của GS. Vương Văn từ Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương (RDCY), Đại học Nhân dân Trung Hoa.
Ý nghĩa toàn cầu của năm 2022 có vẻ như đang bị đánh giá thấp. Tầm quan trọng của nó đối với lịch sử thế giới đã vượt xa Vụ tấn công khủng bổ ngày 11 tháng 9 năm 2001 hay Cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế hồi 2008. Nó có thể sánh với năm 1991, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nếu cần một từ khoá cho năm 2022 thì đó chính là “phi phương Tây hoá”.
Quá trình “phi phương Tây hoá” trong năm 2022 không chỉ giới hạn ở việc Nga sử dụng các biện pháp quân sự quyết liệt nhằm phá vỡ trật tự quốc tế đơn cực do Mỹ thống trị. Trên thực tế, sau hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đang tích cực đẩy mạnh chính sách hướng Đông và tăng cường hội nhập của Liên minh kinh tế Á-Âu. Các quốc gia phi phương Tây đang thể hiện sự độc lập chưa từng có cũng như chia sẻ chung xung lực. Ở Trung Quốc, sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng cộng sản lần thứ XX, cường quốc đang trỗi dậy này đang nỗ lực bằng mọi cách để vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và sự suy thoái kinh tế, tiếp tục vững bước tiến tới mục tiêu trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại và mạnh mẽ vào năm 2050.
Tuy nhiên, Trung Quốc không đơn độc trong việc theo đuổi con đường riêng để hiện thực hoá chiến lược phát triển của chính mình. Họ có sự đồng hành của phần lớn các quốc gia phi phương Tây.
Ở Mỹ La-tinh, nhà lãnh đạo cánh tả Lula một lần nữa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Brazil sau hơn một thập niên. Tương tự như vậy, các chính phủ cánh tả lần lượt lên nắm quyền ở Mexico, Argentina, Peru, Chile, Honduras, Colombia và các quốc gia khác, có thể nói các quốc gia với hơn 80% dân số của Mỹ La-tinh này đã “rẽ trái” trong những năm gần đây. Họ chủ trương vừa giữ khoảng cách với Mỹ, vừa thúc đẩy tiến trình độc lập và hội nhập của Mỹ La-tinh.
Ở Đông Nam Á, các quốc gia ASEAN đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh G20 và Hội nghị APEC vào cuối năm 2022, một mặt giữ cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, mặt khác thông qua đoàn kết khu vực và sự năng động của nền kinh tế đã không ngừng củng cố vai trò “trung tâm” vốn có của mình trong cấu trúc chính trị khu vực.
Tại Trung Á, trong năm 2022, năm quốc gia trong vùng đã cùng nhau nỗ lực tổ chức đối thoại cấp cao, ký kết hàng loạt văn kiện quan trọng như Hiệp ước hợp tác, láng giềng hữu nghị và phát triển Trung Á thế kỷ XXI; tiếp tục giữa khoảng cách cân đối với Nga, Mỹ, châu Âu và các cường quốc khác, đưa quá trình hội nhập khu vực của Trung Á lên một nấc thang mới.
Ở Trung Đông, 22 quốc gia của thế giới Ả Rập, sau khi trải qua cái gọi là “Cuộc chiến chống khủng bố” và “Mùa xuân Ả Rập” trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, đã bắt đầu tập trung chuyển đổi chiến lược nhằm giành độc lập và theo đuổi một mục đích duy nhất là phát triển. Ví dụ, các quốc gia Ả Rập Xê Út và Qatar có “Tầm nhìn 2030”, trong khi Iraq triển khai “Kế hoạch 2035”, Kuwait với “Tầm nhìn 2035”, Oman với “Tầm nhìn 2040” và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất với “Tầm nhìn 2050”, tất cả đều đang thể hiện kỳ vọng phát triển của thế giới Ả Rập. Một loạt sự kiện vào cuối năm 2022 như World Cup tại Qatar, Hội nghị thượng đỉnh các nước Ả Rập-Trung Quốc và Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh-Trung Quốc, đã nâng tầm ảnh hưởng toàn cầu của thế giới Ả Rập lên tầm cao chưa từng có.
Ở châu Phi, năm 2022 là dấu mốc kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Liên minh châu Phi, trong khi chiến lược “Thống nhất tự hoàn thiện, độc lập phát triển” của họ đang ngày một vững vàng.
Nhiều cường quốc khu vực cũng đang nuôi mộng mở rộng ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu và đang nỗ lực giữ khoảng cách cần thiết với phương Tây. Chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã lợi dụng xung đột giữa Nga và Ukraine để tăng cường toàn diện sức ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Ấn Độ thì tìm thế cân bằng Đông-Tây và đã đứng vững trước áp lực của phương Tây khi bị yêu cầu cùng tập đoàn trên áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga. New Deli đã duy trì một chính sách đối ngoại độc lập trong quan hệ đối tác với Bắc Kinh và Moskva, đồng thời được chuyển giao trọng trách chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và G20 vào thời điểm cuối năm 2022; giờ đây Ấn Độ đứng trước những cơ hội lớn để nâng tầm ảnh hưởng như một cường quốc của thế giới.
Truyền thông phương Tây luôn vẽ ra viễn cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung. Nhưng trên thực tế đó phải là một kịch bản đối đầu song hành giữa “bá quyền phương Tây” và “tiến trình phát triển độc lập phi Phương Tây hoá”.
Phương Tây không có cách nào để ngăn chặn xu hướng này. Mỹ đã giữ vai trò lãnh đạo thế giới trong một thế kỷ với nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế lớn. Bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, đại dịch COVID-19 và chiến sự bùng nổ ở Ukraine cho thấy sự lãnh đạo của Mỹ đã không thể thuyết phục thế giới được nữa. Ngược lại, Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có trong các vấn đề của chính mình như COVID-19, xung đột sắc tộc, tình trạng hồi phục kinh tế và khả năng duy trì trật tự chính trị.
Tỷ trọng của châu Âu trong nền kinh tế thế giới đã giảm xuống mức trầm trọng nhất kể từ thế kỷ XIX. Năm 2022, GDP của Ấn Độ ước tính sẽ vượt qua GDP của Vương quốc Anh, và một người gốc Ấn Độ đã trở thành thủ tướng của Vương quốc Anh. Có người gọi đó là “cuộc phản công của vùng đất bị thực dân hoá”, nếu không muốn nói trắng ra là một sự trả thù.
Năm 2020, Trung Quốc đã chiếm lĩnh vị trí đứng đầu toàn cầu về lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài, về giá trị sản xuất công nghiệp cũng như tổng thương mại hàng hoá. Lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ và các nước phương Tây không còn có thể khẳng định mình là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất được nữa.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng thường xuyên vượt mặt các nước phương Tây trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện lợi thế quốc gia vượt trội với nhiều quỹ tín dụng quốc tế hấp dẫn nhất. Rõ ràng, “vốn tư bản” không chỉ có ở phương Tây.
Năm 2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực. Điều này phản ánh một sự thật là phương Tây đã mất đi thế độc quyền đối với thương mại tự do quốc tế.
Sự “độc lập” trong tiến trình phát triển chính trị và “phi phương Tây hoá” của các nền kinh tế khu vực đi kèm với “phi đô la hoá” thương mại toàn cầu và “phi Mỹ hoá” công nghệ.
Trong quý 2 năm 2022, tỷ trọng đồng đô la Mỹ trong tài sản dự trữ quốc tế chỉ chiếm 59,53%, thấp hơn nhiều so với mức 72,7% hồi năm 2001; hiện ở mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Mỹ và các nước châu Âu cũng đã đánh mất thế độc quyền tuyệt đối về công nghệ thông minh, điện toán lượng tử, Big Data, công nghệ 5G, v.v.
Từ quá trình hội nhập của các nền kinh tế khu vực đến việc tăng cường ảnh hưởng toàn cầu, từ độc lập ngoại giao đến kỳ vọng phát triển trong tương lai, chưa bao giờ có một giai đoạn nào trong lịch sử thế giới như đầu những năm 2020, khi thế giới phi phương Tây lại thể hiện sức sống và sự phát triển độc lập mạnh mẽ như vậy.
Sự hưng thịnh của các quốc gia phi phương Tây không nhất thiết phải đáp trả nền bá quyền của phương Tây bằng những đối đầu, xung đột hay nỗ lực kiềm chế. Thay vào đó, tất cả họ đều tập trung vào việc thoát khỏi vòng kiểm soát của phương Tây, lấy lợi ích quốc gia làm trung tâm và dựa vào sự thức tỉnh chính trị. Dân chủ trong chính trị quốc tế và tôn trọng lẫn nhau là những yêu cầu chính đáng nhất của các nước phi phương Tây.
Cân bằng trong cấu trúc chính trị giữa phương Tây với phần còn lại của thế giới đang ngày càng được củng cố và trở thành một đặc điểm quan trọng của quan hệ quốc tế trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI. Dĩ nhiên, thế giới trong năm 2023 hẳn sẽ chẳng thiếu những xáo động, nhưng xét trên mọi bình diện, giữa quá trình “phi phương Tây hoá”, những thay đổi lớn chưa từng thấy trong thế kỷ này sẽ tiếp tục diễn ra theo chiều hướng không thể đảo ngược.
Biên dịch: Giang Đinh
Về tác giả: Vương Văn làm việc tại Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương (RDCY), Đại học Nhân dân Trung Quốc.