Bài phát biểu nhậm chức của nhà lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức hôm 20/5, được giới truyền thông thân hữu ca ngợi là “nghiêng về quan điểm độc lập nhất trong lịch sử”, khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên vì giọng điệu mạnh mẽ. Những bình luận gần đây về bài phát biểu này đã đặt ra một câu hỏi hấp dẫn: Lại Thanh Đức có đánh cược rằng Đại lục sẽ không thực sự tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Đài Loan?
Một số nhà quan sát chắc chắn rằng đây là trường hợp có thể xảy ra, trong khi những người khác lại nghi ngờ. Việc Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận quân sự kéo dài hai ngày xung quanh Đài Loan được diễn ra ngay sau bài phát biểu của ông Lại đã củng cố độ tin cậy cho nhận định này.
Những hành động tại các khu vực tập trận quân sự được công bố bởi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan, tiến vào các vùng nước nhạy cảm đối với an ninh của hòn đảo này. Có chuyên gia nhận định rằng những điều trên đại diện cho một “cuộc diễn tập toàn diện về cuộc tấn công quân sự vào Đài Loan”, thể hiện sự cải thiện liên tục của Đại lục trong khả năng áp đặt lệnh phong tỏa, ngăn chặn viện trợ bên ngoài đối với hòn đảo này.
Các cuộc tập trận có lợi cho Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP)
Thông thường, thị trường chứng khoán được đánh giá là sẽ rất nhạy cảm với khủng hoảng. Nhưng vào ngày đầu tiên của cuộc tập trận quân sự, chỉ số chứng khoán có trọng số vốn hóa trên sàn giao dịch chứng khoán Đài Loan (TAIEX) đã tăng, với cổ phiếu blue-chip Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) thiết lập mức cao mới. Ít nhất về bề ngoài, các nhà đầu tư tổ chức và bán lẻ không bị ảnh hưởng và không bị xáo trộn bởi các cuộc tập trận quân sự.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi một số nhà bình luận cho rằng Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) cầm quyền thậm chí là có thể nhận thấy cuộc tập trận này có lợi vì chúng đã giúp huy động người dân tập trung tại Viện Lập pháp (LY) vào ngày 24/5/2024. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên phe đối lập là Quốc dân Đảng (KMT) và Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), những phe đã hợp lực và nắm giữ đa số trong LY.
… ông Lại hy vọng có thể thúc đẩy các phong trào quần chúng để giải quyết vấn đề đảng đối lập vượt số đa số trong chính phủ.
DPP đã nhanh chóng phản ứng với việc người triệu tập họp kín của đảng DPP là Ker Chien-ming tổ chức một cuộc họp báo bất thường vào buổi sáng diễn tập quân sự, áp dụng chiến thuật “bôi đỏ” (抹红) để chống lại phe đối lập. Ông cáo buộc họ thông đồng với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để “bán đứng Đài Loan” bằng cách thúc đẩy các dự luật cải cách nhằm kiềm chế và làm suy yếu một chính phủ được người Đài Loan ủng hộ.
Lời khen ngợi gần đây của ông Lại Thanh Đức đối với Ker Chien-ming về hành động “quyết liệt bảo vệ dân chủ” trên Facebook là bằng chứng cho thấy họ có quan điểm tương đồng về cách xử lý phe đối lập. Nhưng vẫn còn phải xem xét xem cuộc tập trận quân sự của Đại lục có cung cấp một công cụ cho DPP để kích động sự thù địch của công chúng chống lại một kẻ thù chung hay coi phe đối lập là thân Trung, ủng hộ thống nhất lãnh thổ hay không.
Dùng phong trào quần chúng để đối phó với phe đối lập
Lại Thanh Đức dẫn đầu một chính phủ được cho là yếu kém, người đứng đầu Đài Loan chỉ nhận được 40% số phiếu bầu và cơ quan lập pháp của ba đảng đều thiếu đa số. Đối mặt với tình trạng 60% công chúng không ủng hộ chính phủ cũng như phe đối lập đông hơn đảng cầm quyền, đảng DPP cầm quyền đứng trước tình hình khó khăn khi thực hiện các chính sách.
Một số nhà bình luận thông thạo chiến thuật của DPP chỉ ra rằng, ông Lại có thể đang sử dụng sự phân đôi về quan điểm độc lập-thống nhất để phân biệt các đảng phái chính trị và củng cố quyền lực của mình. Không chỉ vậy, ông còn hy vọng có thể thúc đẩy các phong trào quần chúng để giải quyết vấn đề phe đối lập đông hơn trong chính phủ.
Cựu nhà lập pháp DPP và nhà bình luận hiện tại Julian Kuo, người đã từ bỏ tư cách thành viên DPP, đã tuyên bố trên một chương trình truyền hình trực tiếp vào ngày 23/5/2024 rằng khi ông Lại Thanh Đức nhấn mạnh trong bài phát biểu nhậm chức rằng Trung Hoa Dân quốc (ROC) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa “không phải là phụ thuộc lẫn nhau” và kêu gọi Trung Quốc “đối mặt với thực tế về sự tồn tại của ROC”, đó là sự phủ nhận trắng trợn về việc cả hai bên eo biển đều thuộc về một Trung Quốc.
Mặc dù ông Lại không đề cập đến từ “Đài Loan độc lập”, nhưng đó là một tuyên bố mạnh mẽ về nền độc lập của Đài Loan và mong muốn duy trì nền độc lập của Đài Loan trên thực tế, nhằm chống lại việc sáp nhập về Đại lục.
DPP cho rằng Đại lục sẽ không sử dụng vũ lực
Julian Kuo giải thích rằng ông Lại đã chơi lá bài “Đài Loan độc lập” trong bài phát biểu nhậm chức của mình vì ông tin rằng Đại lục sẽ không sử dụng vũ lực đối với Đài Loan vào thời điểm này. Không chỉ vậy, căng thẳng an ninh quốc gia gia tăng cũng sẽ góp phần củng cố khả năng quản lý của DPP.
Lại Thanh Đức đang lợi dụng sự chia rẽ chính trị để “hạ bệ Quốc dân Đảng (KMT) và triệt hạ Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP)”. Ông chắc chắn rằng Quốc dân Đảng sẽ không dám thúc đẩy thống nhất đất nước, và bằng cách “bôi nhọ” Đảng Nhân dân Đài Loan, ông hy vọng sẽ giành được phiếu bầu của những người trẻ coi trọng quyền tự trị của Đài Loan.
Những lời hô hào công khai của ông Lại về nền độc lập trên thực tế hay “sự độc lập thực dụng của Đài Loan” thực sự đang thử thách giới hạn của Đại lục và bước lên ranh giới đỏ giữa hai bên eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, miễn là Đại lục chỉ tiến hành các cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan và không gây chiến trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Lại, thì đến thời điểm diễn ra cuộc bầu cử địa phương năm 2026 và cuộc bầu cử người đứng đầu Đài Loan năm 2028, DPP có thể lập luận rằng việc ủng hộ Đài Loan độc lập đã không dẫn đến xảy ra chiến tranh. Nó có thể gán cho phe đối lập cái mác là đồng minh của ĐCSTQ và kéo dài thời gian cai trị lâu dài của họ.
Sự chia rẽ “thống nhất/độc lập” là một công cụ chính trị
Sự chia rẽ ủng hộ thống nhất với quan điểm ủng hộ độc lập vẫn còn ảnh hưởng đến nền chính trị Đài Loan khi nhiều cuộc thăm dò cho thấy dư luận chính thống “bác bỏ” hoặc “sợ hãi” thống nhất; hơn nữa, khoảng 80% cử tri được khảo sát ủng hộ việc duy trì hiện trạng, hy vọng duy trì lối sống và dân chủ, tự do của Đài Loan. Điều này được DPP giải thích có nghĩa là “ủng hộ hiện trạng độc lập trên thực tế”.
Trong khi ông Lại nhấn mạnh rằng ông có thiện chí với Đại lục trong bài phát biểu nhậm chức, ông liên tục gọi nước này là “Trung Quốc” và yêu cầu nối lại du lịch trên “cơ sở có đi có lại”. Ông không trả lời “cả hai bên eo biển Đài Loan đều là người Trung Quốc” và không đề cập đến Đạo luật xuyên eo biển nhấn mạnh “một quốc gia, hai chế độ”. Thay vào đó, ông cắt đứt mối quan hệ của Đài Loan với Đại lục trên các khía cạnh dân tộc, văn hóa và lịch sử.
Dựa trên những ngày liên tiếp bị đe dọa chính trị và ép buộc quân sự với cường độ cao ở Đại lục, rõ ràng là phía bên kia eo biển Đài Loan không nhận thấy bất kỳ thiện chí nào. Họ thậm chí có thể đã từ bỏ ảo tưởng của mình và bắt đầu chuẩn bị cho cuộc đối đầu với Đài Loan.
Một số người cho rằng sự tự tin ngang ngược của Lại Thanh Đức xuất phát từ niềm tin “ĐCSTQ sẽ không tấn công và Mỹ sẽ đến giải cứu”; hơn nữa, với mục đích cải thiện quan hệ Trung-Mỹ, Đại lục khó có thể tấn công Đài Loan trước cuộc bầu cử Mỹ. Nhưng cuộc bầu cử ở Mỹ sẽ kết thúc sau sáu tháng nữa. Điều gì sẽ xảy ra nếu Donald Trump trở lại nắm quyền – liệu cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Đài Loan có hết hạn?
Với nhiều cuộc tập trận quân sự, đại lục đã thể hiện chiến lược vĩ đại là “bao vây và tiêu diệt quân tiếp viện của địch” (围点打援). Điều này nhằm bao vây Đài Loan, ngăn chặn viện trợ nước ngoài can thiệp và tranh giành sự ủng hộ của quốc tế cho việc thống nhất hòa bình thông qua các kênh ngoại giao. Những hành động này đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với chiến lược an ninh quốc gia của Đài Loan về mặt quốc phòng, ngoại giao và chính sách xuyên eo biển.
… ai có thể đảm bảo rằng khi “sói” xuất hiện tiếp theo, đó sẽ không phải là một cuộc tấn công thực sự?
Quan hệ Trung-Mỹ và tình hình chính trị trong nước của họ tiếp tục làm gia tăng rủi ro ở eo biển Đài Loan. Với việc các cuộc tập trận quân sự của Đại lục ngày càng trở nên chân thực và “sói” bị coi như “hổ giấy”, ai có thể đảm bảo rằng khi “sói” xuất hiện tiếp theo, đó sẽ không phải là một cuộc tấn công thực sự?
Chính quyền Đài Loan đã nhiều lần bác bỏ Đồng thuận năm 1992, vốn cho phép tạo ra sự mơ hồ về chính trị giữa hai bên eo biển Đài Loan. Giờ đây, bằng cách giương cao ngọn cờ độc lập trên thực tế, trong khi dựa vào niềm tin rằng Đại lục sẽ không tiến hành một cuộc tấn công thực sự, họ có đi quá đà không?
Biên dịch: Hoàng Bích Phượng
Tác giả: Ôn Duy Trung, phóng viên Đài Bắc của tờ Liên hợp Tảo báo (Singapore)
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]