Với sự tham gia ngày càng rõ rệt của Hoa Kỳ vào cuộc chiến đang leo thang ở Tây Á cộng hưởng với sức mạnh tên lửa và sức mạnh mạng ngày càng lớn của Iran, liệu sức mạnh quân sự, kinh tế và an ninh của Washington có bị đe dọa không?
Vào tháng trước, Frank McKenzie, một tướng Thủy quân lục chiến Mỹ nghỉ hưu, đã nhấn mạnh trong một báo cáo do Viện An ninh Quốc gia Mỹ (JINSA) công bố: “Bản chất của mối đe dọa ở Trung Đông đã thay đổi đáng kể kể từ khi các căn cứ Mỹ lần đầu tiên được thiết lập vào nhiều thập kỷ về trước”. Mối đe dọa cốt lõi, mối đe dọa hơn bao giờ hết bây giờ chính là Iran.”
Washington hiểu rằng các đồng minh trong khu vực của mình có thể không duy trì được thái độ trung lập nếu căng thẳng tiếp tục leo thang do các chính sách quyết đoán của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Do đó, điều quan trọng là phải theo dõi tài sản nào của Hoa Kỳ có thể trở thành mục tiêu của Tehran trong bất kỳ cuộc đối đầu nào có thể xảy ra. Ảnh hưởng của Washington ở Tây Á trải dài trên một mạng lưới các lợi ích quân sự, kinh tế, chính trị và truyền thông, tất cả đều có khả năng gặp rủi ro.
Thời thế thay đổi, các mối đe dọa gia tăng
Vai trò của các căn cứ quân sự Hoa Kỳ đã tăng đáng kể theo thời gian. Ban đầu chúng nhằm mục đích cạnh tranh sự ảnh hưởng của Liên Xô, các căn cứ này ngày càng quan trọng sau sự sụp đổ của nước Iran quân chủ và Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Những căn cứ này vẫn là trọng tâm trong chiến lược phòng thủ của Hoa Kỳ, đặc biệt là trong việc ngăn chặn Liên Xô giành được chỗ đứng ở Vịnh Ba Tư. Phân bổ về mặt địa địa lý của các căn cứ quân sự Hoa Kỳ trong khu vực nhắm tới mục tiêu đối đầu với Liên Xô, tập trung vào các vị trí chiến lược. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã và sau cuộc cuộc chiến tại Iraq của Mỹ, các ưu tiên chiến lược của Mỹ ở Tây Á đã thay đổi đáng kể.
Như McKenzie chỉ ra: “Các căn cứ của chúng tôi trong khu vực Trung Đông phần lớn nằm ở vị trí cũ, thiết lập dựa trên các cuộc xung đột trong quá khứ… Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi và một trong những ưu tiên hiện tại là việc bố trí lại các căn cứ đó”.
Trọng tâm trong các mục tiêu quân sự của Hoa Kỳ đã chuyển từ việc ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô sang chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran và các đồng minh trong khu vực của nước này trong “Trục kháng chiến”. Theo nhiều tài liệu chính thức của Hoa Kỳ, mục tiêu chính của các căn cứ này trong thời kỳ hậu Xô Viết là ngăn chặn “Cộng hòa Hồi giáo”.
Sự thay đổi này được phản ánh rõ ràng trong Chiến lược An ninh Quốc gia của chính quyền Biden được công bố vào năm 2022, trong đó nêu rõ rằng “Ở Trung Đông, chúng tôi đã nỗ lực tăng cường răn đe đối với Iran, giảm leo thang xung đột khu vực, tăng cường sự hội nhập giữa nhiều đối tác khác nhau trong khu vực và củng cố sự ổn định năng lượng”.
Điều này đánh dấu một sự chuyển đổi đáng chú ý trong chiến lược của Hoa Kỳ, cho thấy Tehran đã trở thành mối quan tâm chính của các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ.
Các căn cứ của Mỹ trong khu vực bị đưa vào tầm ngắm
Vị trí gần Iran khiến các căn cứ của Hoa Kỳ trên khắp khu vực trở thành mục tiêu dễ bị tấn công trong bất kỳ cuộc xung đột nào có thể xảy ra trong tương lai. Các căn cứ này không còn được bảo vệ khỏi các mối đe dọa từ xa, chẳng hạn như Liên Xô, mà thay vào đó có khả năng bị ảnh hưởng bởi tiềm lực tên lửa và máy bay không người lái ngày càng gia tăng của Tehran.
Ví dụ, khả năng tấn công của Iran nhắm vào các mối quan tâm của Hoa Kỳ trong khu vực đã tăng lên cùng với sự phát triển của vũ khí tiên tiến, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự quan trọng của Hoa Kỳ. Báo cáo của Viện An ninh Quốc gia Mỹ xác định một số địa điểm có thể xảy ra.
Căn cứ không quân Ain al-Asad trước đây bị nhắm mục tiêu ở tỉnh Anbar của Iraq là một ví dụ điển hình. Căn cứ này cung cấp cơ sở hậu cần tương đối thuận lợi, cơ sở đào tạo và tiếp đón tới 5.000 quân nhân Hoa Kỳ. Căn cứ này đã thu hút sự chú ý đặc biệt sau khi Iran trực tiếp nhắm mục tiêu vào đây để trả đũa cho vụ ám sát Tướng Iran Qassem Soleimani của Hoa Kỳ vào năm 2020. Việc Iran nhắm mục tiêu vào căn cứ này làm nổi bật lên mối đe dọa rất thực tế mà Tehran gây ra cho các tài sản của Hoa Kỳ trong khu vực.
Hoạt động hỗ trợ hải quân tại Bahrain, nơi đặt căn cứ của Hạm đội 5 Hoa Kỳ là một cơ sở quan trọng khác có khả năng trở thành mục tiêu trong trường hợp Iran leo thang xung đột. Hạm đội 5 hoạt động trên một khu vực rộng lớn bao gồm Biển Đỏ, Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương, bao phủ các tuyến đường vận chuyển chính như Kênh đào Suez và Eo biển Hormuz.
Sự hiện diện của hải quân là nền tảng cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Tây Á, đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ các tuyến đường thương mại toàn cầu và các nguồn năng lượng, đồng thời chống lại các mối đe dọa như khủng bố và cướp biển.
Trong những trường hợp có thể xảy ra, Hạm đội 5 bao gồm hơn 20 tàu chiến, bao gồm tàu ngầm và tàu khu trục tập hợp xung quanh một tàu sân bay, và trong một nhóm tàu đổ bộ, máy bay chở hàng, trực thăng chiến đấu và nhiều đơn vị hỗ trợ khác nhau luôn trong trạng thái sẵn sàng. Hạm đội có khoảng 15.000 nhân sự trên tàu, ngoài ra còn có 1.000 người trên bộ.
Ngoài ra, Căn cứ Không quân Prince Sultan ở Ả Rập Xê Út, phía đông nam Riyadh, cũng là một trung tâm quan trọng cho các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ kể từ Chiến tranh Vùng Vịnh. Mặc dù lực lượng Hoa Kỳ đã rời khỏi căn cứ này trong một khoảng thời gian ngắn vào năm 2003, nhưng họ đã quay trở lại vào năm 2019, khẳng định lại tầm quan trọng chiến lược của căn cứ này trước những căng thẳng gia tăng với Iran.
Căn cứ Không quân Al-Udeid ở Qatar, căn cứ lớn nhất của Hoa Kỳ ở Tây Á, đóng vai trò là căn cứ hoạt động tiền phương chính và trung tâm hoạt động chung của lực lượng không quân, nơi đồn trú của khoảng 10.000 quân nhân Hoa Kỳ. Tương tự như vậy, Căn cứ Không quân Al-Dhafra ở UAE là nơi hiện diện đáng kể của quân đội Hoa Kỳ, nơi đồn trú hơn 3.800 quân nhân và hơn 60 máy bay, bao gồm máy bay trinh sát Lockheed U-2 và máy bay chiến đấu tiên tiến như F-22. Kể từ năm 2003, Al-Udeid là căn cứ chính của Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ (CENTCOM). Căn cứ này cũng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động giám sát và tình báo trên khắp Iraq, Syria và Afghanistan.
Tiềm lực tên lửa và máy bay không người lái của Iran
Nếu Iran quyết định leo thang xung đột, họ có một kho vũ khí tên lửa và máy bay không người lái khổng lồ và ngày càng tinh vi có thể được sử dụng để nhắm vào các căn cứ và vào lợi ích trong khu vực của Hoa Kỳ. Ví dụ, tên lửa Sejjil là tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn tầm trung có khả năng mang tải trọng 700 kg đến các phạm vi trong bán kính 2.000 km và khiến các căn cứ này vào tầm với. Tương tự như vậy, tên lửa Khaybar, tên lửa đạn đạo thế hệ thứ tư, có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa tới 2.000 km với khả năng tải trọng thậm chí còn lớn hơn.
Các tên lửa đáng chú ý khác trong kho vũ khí của Iran bao gồm Shahab-3, một tên lửa tầm trung nhiên liệu lỏng có tầm bắn lên tới 2.000 km. Dựa trên tên lửa Nodong-1 của Triều Tiên, tên lửa này chủ yếu có hiệu quả chống lại các mục tiêu lớn (như sân bay quân sự), nhưng Iran đã sử dụng công nghệ dẫn đường của Trung Quốc trong các phát triển tiếp theo để cải thiện đáng kể độ chính xác của các đợt tấn công.
Kế đến là tên lửa Emad, tên lửa đạn đạo dẫn đường chính xác đầu tiên của Iran có tầm bắn 1.800 km. Những vũ khí này, kết hợp với các hệ thống mới hơn như Haj Qassem và loạt Qadr, bao gồm tên lửa QD-110, gây ra mối đe dọa đáng kể đối với các cơ sở quân sự của Hoa Kỳ trên khắp Tây Á. Tên lửa Haj Qassem là thế hệ mới của tên lửa Fateh-110 và có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa. Nó được thiết kế để cơ động và tấn công mục tiêu mà không bị phát hiện, với khối lượng bảy tấn, chiều dài 11 mét và tốc độ tối đa Mach 12.
Các lựa chọn phi quân sự
Khả năng của Iran không chỉ giới hạn ở các cuộc tấn công bằng tên lửa, mà còn có thể phá vỡ các tuyến đường vận chuyển quan trọng như Eo biển Hormuz. Khoảng 30 phần trăm lượng dầu của thế giới đi qua tuyến đường thủy hẹp này khiến nơi đây trở thành một khu vực có tính chiến lược cao.
Nếu Iran đóng cửa hoặc đe dọa eo biển này, tác động đến thị trường năng lượng toàn cầu sẽ rất lớn, điều này làm gián đoạn dòng chảy của dầu mỏ và ảnh hưởng đến các nền kinh tế cách xa Tây Á. Một động thái như vậy không chỉ gây hại cho nền kinh tế toàn cầu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Hoa Kỳ, vì nhiều công ty Hoa Kỳ đang hoạt động tích cực tại khu vực này.
Năm 2023, các công ty Hoa Kỳ đã công bố 362 dự án ở Tây Á trị giá 36 tỷ đô la, tăng đáng kể so với những năm về trước. Các dự án này tập trung chủ yếu ở các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư, đặc biệt là ở Ả Rập Xê Út, UAE và Qatar, chiếm một phần đáng kể trong đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hoa Kỳ vào khu vực này. Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với các khoản đầu tư này, đặc biệt là trong trường hợp xảy ra xung đột với Iran đều có thể dẫn đến tổn thất kinh tế đáng kể cho Hoa Kỳ.
Ngoài các lợi ích quân sự và kinh tế, các đại sứ quán và phái bộ ngoại giao Hoa Kỳ tại các quốc gia như Iraq, Lebanon và Bahrain dễ bị tấn công bởi các đồng minh của Iran. Ảnh hưởng của Tehran tại các quốc gia này, cùng với khả năng huy động các phe phái “kháng chiến” đồng minh, có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho các nỗ lực ngoại giao của Washington. Các đại sứ quán hoặc “hang ổ CIA” đóng vai trò là trung tâm quan trọng cho ảnh hưởng chính trị của Hoa Kỳ, khiến chúng trở thành mục tiêu có giá trị cao trong trường hợp xảy ra xung đột rộng hơn với Iran.
Trong lĩnh vực kỹ thuật số, tiềm lực mạng ngày càng tăng của Iran là một mối đe dọa nghiêm trọng khác đối với Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này. Tehran đã bị cáo buộc tiến hành các cuộc tấn công mạng vào các ngân hàng và cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ trong quá khứ và những hành dồng này ngày càng tinh vi hơn theo thời gian. Các cuộc tấn công mạng có thể làm gián đoạn các dịch vụ quan trọng, đánh cắp dữ liệu nhạy cảm và gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể, khiến chúng trở thành một yếu tố chính trong khuôn khổ chiến lược quy mô lớn hơn của Iran chống lại lợi ích của Hoa Kỳ.
Chuỗi cung ứng của các công ty công nghệ Hoa Kỳ, vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu thô và linh kiện từ khu vực này cũng có thể bị nhắm mục tiêu. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng ở Vịnh Ba Tư có thể làm chậm trễ các chuyến hàng, gây tổn hại kinh tế cho các tập đoàn lớn như Apple và Intel, những công ty có dây chuyền sản xuất gắn liền chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu. Đổi lại, điều này sẽ có hiệu ứng lan tỏa khắp nền kinh tế Hoa Kỳ.
Một điều ngày càng rõ ràng rằng lợi ích của Washington ở Tây Á – dù là quân sự, kinh tế hay chính trị đang bị đe dọa đáng kể.
Bản chất đang thay đổi ngày càng khó lường của những rủi ro này, cùng với tiềm lực tên lửa và sức mạnh mạng ngày càng tăng của Iran đòi hỏi Hoa Kỳ phải liên tục cảnh giác và chú ý bảo vệ tài sản của mình một cách cao độ trong khu vực. Do đó, Washington và Tel Aviv phải đánh giá cẩn thận mọi mối đe dọa hoặc hành động chống lại Iran để tránh những sai lầm chính trị và thất bại chiến lược.
Biên dịch: Duy Hưng
Tác giả: Mohamed Hasan Sweidan là nhà nghiên cứu chiến lược, quan hệ quốc tế tập trung vào Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực Trung Đông.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]