Trong bối cảnh toàn cầu phức tạp sau đại dịch Covid-19, ngoại giao Việt Nam đang có những bước chuyển rất đáng chú ý. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá công tác đối ngoại từ sau Đại hội XIII rằng đã “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước”[1]. Năm 2024, hướng đi đối ngoại vẫn là phát triển ngoại giao đa phương, thiết lập các mối quan hệ đối tác sâu rộng thực chất với bạn bè quốc tế. Ngày 7/3/2024, Việt Nam chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam – Australia lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện. Động thái này diễn ra không lâu sau khi Việt Nam nâng mức quan hệ tương tự với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Trong Toàn văn tuyên bố chung Việt Nam – Australia có một số điểm đáng chú ý thể hiện ý chí mong muốn hợp tác, gắn kết kinh tế, xây dựng tri thức giữa hai nước.
Bước tiến quan trọng trong quan hệ hai nước
Sáng 7/3, Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Phu nhân đã chủ trì lễ đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Australia, theo nghi thức trọng thể nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ nước ngoài thăm nước này. Sau 19 phát đại bác chào mừng, người đứng đầu hai bên đã cùng ký sổ lưu niệm và trao đổi tặng phẩm. Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Anthony Albanese tiến hành hội đàm cùng bộ trưởng các bộ ngành hai nước[2].
Sau hơn 50 năm quan hệ ngoại giao (1973-2024), 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện và 6 năm quan hệ Đối tác chiến lược, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây chính là thời điểm phù hợp và lý tưởng để đưa quan hệ hai nước bước hai dân tộc cùng bước vào kỷ nguyên hợp tác mới. Và trên tinh thần đó, hai nhà lãnh đạo Việt Nam – Australia đã nhất trí nâng cấp quan hệ từ Đối tác Chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện[3].
Trong bản Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ, gồm 38 điểm, hai nước thống nhất cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện 6 phương hướng lớn bao gồm: làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh và tư pháp; thúc đẩy gắn kết kinh tế; xây dựng tri thức và kết nối nhân dân; tăng cường hợp tác về khí hậu, môi trường và năng lượng; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; cuối cùng là củng cố hợp tác khu vực và quốc tế[4]. Những điểm đáng chú ý của văn bản ngoại giao này nằm ở khả năng hợp tác chính trị, quốc phòng an ninh, thúc đẩy các điều kiện giao lưu kinh tế và cùng chung tay giải quyết các vấn vấn đề khu vực cũng như quốc tế.
Một số điểm đáng chú ý từ Tuyên bố chung giữa hai nước
Bối cảnh quan hệ hai nước
Quan hệ Đối tác chiến lược hai nước Việt Nam – Australia được thiết lập trong bối cảnh đặc biệt. Nửa cuối năm 2023, Việt Nam lần lượt đón tiếp chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính thức nâng cấp quan hệ hai nước lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện bỏ qua giai đoạn Đối tác Chiến lược. Không lâu sau đó, Việt Nam tiếp tục nâng cấp quan hệ ở cấp độ tương tự với Nhật Bản. Sau cùng, trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Hà Nội tháng 12/2023, hai nước đã cùng thống nhất xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai” Việt – Trung. Liên tiếp các mối quan hệ ngoại giao được nâng tầm trong một khoảng thời gian ngắn cho thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong chiến lược phát triển các nước lớn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Australia vốn coi họ là một phần của thế giới phương Tây, nhưng với vị trí địa lý đặc biệt, tương lai của Australia có mối liên hệ đáng kể với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, vai trò cầu nối Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương khiến cho ASEAN trở thành nhân tố phát triển hàng đầu trong đó có sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam. Trải qua hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với dấu mốc bắt đầu từ năm 1973, Australia trở thành quốc gia cho đến thời điểm hiện tại có thời gian từ Đối tác Chiến lược nâng cấp lên Chiến lược Toàn diện ngắn nhất với 6 năm từ 2018 đến 2024 (nếu không tính đến các đối tác có tính chất “đặc biệt” như Trung Quốc, Nga và Mỹ). Điều này cho thấy mối quan tâm sâu sắc mà Việt Nam định hướng phát triển đa phương hóa, đa dạng hóa với các quốc gia khu vực Nam Bán cầu.
Dưới phần mở đầu của Tuyên bố, hai bên đưa ra tầm nhìn về hòa bình, ổn định, tự cường, đề cao độc lập, chủ quyền và tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc, và coi đây là nền tảng của hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới[6]. Trước những biến động phức tạp của thời đại tranh chấp toàn cầu, biên giới quốc gia trở nên mong manh hơn bao giờ khi một mâu thuẫn dễ dàng dẫn đến leo thang thành xung đột. Nhìn về cuộc chiến tranh Nga – Ukraine và Israel – Palestine, đảo Đài Loan, bán đảo Triều Tiên… Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres: “Cơ chế quản trị toàn cầu theo mô hình hiện nay đang làm gia tăng tình trạng chia rẽ. Thế giới đang đối mặt với những thách thức hiện hữu nhưng cộng đồng quốc tế lại bị phân tán và chia rẽ sâu sắc nhất trong 75 năm qua”[7].
Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ với vai trò trung gian dựa trên các cơ chế giải quyết của Hiến chương Liên Hợp Quốc cần được thúc đẩy phát triển mạnh. Trước sự gia tăng quyền lực của các nước lớn muốn tạo ra trật tự có lợi cho mình, các nước vừa và nhỏ như Việt Nam cùng chung tay với những “cường quốc tầm trung” như Australia cùng giải quyết các thách thức chung. Thách thức chung không được nêu rõ, tuy nhiên có thể hiểu như những khó khăn hai bên đang đối mặt khi lợi ích trên biển bị xâm phạm. Trong khu vực Đông Nam Á – Châu Đại Dương hiện nay, Trung Quốc nổi lên với nền kinh tế, quân sự có sức ảnh hưởng rất lớn. Vấn đề nhạy cảm trong tranh chấp hàng hải được ASEAN – Australia phối hợp lên án mạnh mẽ đối với các hành động gây tổn hại tới tình hình an ninh khu vực của các bên có liên quan.
Hợp tác sâu sắc hơn về chính trị, quốc phòng, an ninh
Mở đầu phần nội thứ hai của Tuyên bố chung, vấn đề chính trị, quốc phòng, an ninh được hai bên làm sâu sắc hơn. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, theo đó “hai bên tiếp tục cam kết duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao thường xuyên trên tất cả các kênh giữa Đảng Cộng sản, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam với các chính đảng, Chính phủ và Quốc hội Australia; quan hệ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và tư pháp, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực”[8].
Phát triển chính trị giữa hai nước đạt được tầm cao mới, kênh tiếp xúc được mở rộng giữa một nước đa nguyên đa đảng và một nhất nguyên một đảng ngày càng gắn kết. Sự khác biệt trong thể chế chính trị được tôn trọng. Trong kênh đó, Đảng Cộng sản được ghi rõ ràng, không chung chung với các chính đảng của Australia bao gồm cả những đảng có tư tưởng đối lập. Nền đối ngoại Đảng đang có xu hướng tiên phong bên cạnh các hoạt động ngoại giao nhà nước được diễn ra thường niên. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế trở thành nhu cầu thiết yếu, xóa bỏ bất đồng về thể chế chính trị, mâu thuẫn ý thức hệ, gác lại quá khứ để hướng tương lai phát triển lòng tin chiến lược.
Đến hiện tại, Việt Nam đang có quan hệ Đối tác Chiến lược, Chiến lược Toàn diện với tất cả các thành viên diễn đàn Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD – Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia) và Liên minh quốc phòng AUKUS (Mỹ, Anh, Australia). Trong những mối quan hệ phức tạp này, các bên đang có tính toán phù hợp, tránh để việc phát triển quan hệ đối tác trở thành lý do để Việt Nam phải chọn phe. Ghi nhận hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực quốc phòng không đồng nghĩa với gắn kết an ninh hai nước làm một mà chia sẻ mối quan tâm an ninh và cách giải quyết vấn đề. Với lĩnh vực an ninh, quốc phòng càng cần đưa ra quan điểm hợp tác rõ ràng vì ổn định, hòa bình không kết nạp, tham gia liên minh.
Đối với Việt Nam, không phải là thành viên AUKUS nhưng nằm trong tầm ảnh hưởng mục tiêu của AUKUS, những diễn biến của liên minh này, đều tác động đến môi trường hòa bình ổn định trong khu vực, từ đó ảnh hưởng đến an ninh chính trị và kinh tế của Việt Nam[9]. Trong năm 2023, khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và đưa ra triển vọng tham gia các cơ chế cung cấp viện trợ tài chính, quân sự hoặc chuyển giao vũ khí có thể tạo ra vết nứt trong quan hệ hữu nghị gắn bó với các đối tác Nga, Trung, làm lung lay chính sách cân bằng nước lớn theo một số kênh truyền thông nhận định. Về phía Australia, nước này cũng gia tăng phát triển quan hệ đa phương với các đối tác ngoài liên minh nhằm gia tăng ảnh hưởng hơn so với vai trò một bên trong trục bánh xe và nan hoa song phương của Mỹ.
Hai bên mở rộng hợp tác trong trao đổi công nghiệp quốc phòng và an ninh hàng hải. Đứng trước việc căng thẳng có xu hướng gia tăng trên các vùng biển nhất là vùng biển mang tính chất cầu nối như biển Đông. Thứ nhất, phi quân sự hóa trên biển nên làm trọng tâm của mọi vấn đề bàn bạc, chia sẻ thông tin về các hành động sử dụng vũ lực trên biển để cùng lên án, đấu tranh. Thứ hai, “tăng cường hợp tác hàng hải, bao gồm hợp tác về quản lý tài nguyên biển bền vững và chống đánh bắt cá trái phép, không kiểm soát và không báo cáo”[10]. Tài nguyên biển là lực đẩy quan trọng để phát triển kinh tế, do đó hợp tác tăng cường khả năng bảo vệ bền vững, chống khai thác trái phép. Trong đó, sự xuất hiện của các hành động khai thác không kiểm soát và không báo cáo có thể gia tăng nguy cơ hoán cải từ những tàu do thám, tàu cướp biển, tàu dân quân biển mang theo vũ khí trên biển không có quốc kỳ xác định. Do đó, kiểm soát hành động đánh bắt không kiểm soát, không báo cáo nhằm đảo bảo thực thi luật pháp quốc tế về Công ước bảo tồn tài nguyên sinh vật [11], vừa kiểm soát tốt tình hình an ninh khu vực. Trên hết, làm sâu sắc hợp tác chính trị, an ninh, quốc phòng được dựa trên góp sức hai bên vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thúc đẩy gắn kết kinh tế
Hợp tác phát triển, thúc đẩy gắn kết kinh tế là điểm sáng thứ hai trong nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện hai nước. Trong đó Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam-Australia, bổ trợ bằng việc triển khai “Chiến lược kinh tế Đông Nam Á tới năm 2040” của Australia được nhắc đến đầu tiên. Đến nay với hơn 630 dự án và hơn 2,03 tỷ USD vốn đăng ký, Australia xếp thứ 20/145 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, đa số trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Chiều ngược lại, Việt Nam đã đầu tư sang Australia hơn 90 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 550 triệu USD. Trong năm 2023, thương mại song phương giữa hai nước đạt khoảng 14 tỷ USD, thuộc nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau.[12]. Chiến lược kinh tế 2040 có thể trở thành đối trọng với sáng kiến “vành đai và con đường” (BRI) của Trung Quốc. Tiểu vùng Mekong và Đông Nam Á hải đảo từ trước đến nay được hỗ trợ phát triển nhiều từ phía Bắc Kinh, sau khi triển khai sáng kiến “vành đai và con đường” với khuôn khổ “hai hành lang một vành đai” cho mục tiêu chiến lược tăng sức ảnh hưởng kinh tế, hạ tầng giao thông vận tải từ đó đổi lại sự ủng hộ về chính trị cho Trung Quốc.
Việt Nam chưa tham gia vào BRI, song với vị trí cầu nối Bắc – Nam thì khả năng góp mặt trong các dự án càng cao hơn khi đã vào “cộng đồng chia sẻ tương lai” với Trung Quốc. Theo Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, thứ nhất, Australia là đối tác đối thoại lớn và lâu nhất với ASEAN từ năm 1974. Thứ hai, Australia cùng với Mỹ là hai đối tác chiến lược toàn diện của ASEAN từ năm 2021. Ông khẳng định tương lai nền kinh tế Australia gắn liền với Đông Nam Á[13]. Do đó, việc chen chân vào thị trường ASEAN tranh giành với Trung Quốc giúp Australia giải quyết được nhiều vấn đề sản xuất trong nước tránh để mất thị trường quan trọng khi mà cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn. Về cơ bản, định hướng gắn kết hai nền kinh tế nhằm gắn ASEAN với kinh tế Australia thông qua Việt Nam từ đó hai bên cùng được hưởng lợi ích.
Australia cam kết thúc đẩy các biện pháp tiếp cận thị trường và tạo thuận lợi thương mại cho cả hai nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp[14]; giúp đỡ Việt Nam nghiên cứu phát triển ngành nông nghiệp. Thị trường Australia là một thị trường khắt khe chất lượng đầu vào theo tiêu chuẩn Mỹ, EU. Australia cũng yêu cầu nhiều quy định về nhập khẩu như: chính sách thuế và thuế suất; quy định về bao bì, nhãn mác; quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch; quyền sở hữu trí tuệ; thương hiệu; tập quán kinh doanh,… Đây cũng là một thị trường có nền nông nghiệp nội địa dồi dào, phong phú[15]. Trong khi đó hàng nông nghiệp Việt Nam tuy chất lượng tốt nhưng thường mất điểm trong khâu trồng, chăm sóc. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam có thể cải thiện những điểm yếu trong nuôi trồng, đánh bắt ưu tiên chất lượng hàng đầu nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Các vấn đề khu vực và quốc tế
Trong số các vấn đề khu vực và quốc tế, Việt Nam – Australia nhất trí quan hệ hai nước gắn với quan hệ của ASEAN với Australia. Các điểm nóng trên thế giới như chiến tranh Nga – Ukraine, Palestine – Israel, biển Đỏ, phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên… không được đề cập cụ thể, tuy nhiên hai bên nhất trí thúc đẩy kêu gọi lập lại hòa bình, ổn định khu vực. Tăng cường đối thoại, đàm phán giảm leo thang căng thẳng phòng ngừa xung đột trước từ xa.
Đang chú ý hơn là tuyên bố về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở, ổn định và thịnh vượng. Điều này khá giống với thuật ngữ “chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ[16]. Australia có quan hệ mật thiết với châu Âu và Mỹ do đó nước này trở thành một phần quan trọng trong các chiến lược xoay trục sang châu Á được khởi động từ thời Tổng thống Obama và được tiếp nối sang các đời Tổng thống Mỹ tiếp theo Đặc biệt dưới thời Trump nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong Tuyên bố, ASEAN đóng vai trò trung tâm với cơ chế thúc đẩy tăng cường quan hệ đôi bên Australia – ASEAN. Đặt ASEAN trong đó có Việt Nam vào tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP). Về cơ bản, AOIP lặp lại và nhấn mạnh các nguyên tắc cốt lõi lâu đời của nhóm 10 quốc gia Đông Nam Á và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, quan trọng nhất là làm sâu sắc hơn các quá trình hội nhập khu vực, duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ, giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế. Hơn nữa, do nhấn mạnh vào “phương thức ASEAN” nên AOIP cung cấp một không gian hợp tác với điều kiện các bên sẵn sàng chấp nhận cấu trúc an ninh khu vực đa phương với ASEAN là trung tâm[17]. Australia không nằm trong Đông Nam Á nhưng có quan hệ lợi ích mật thiết với khu vực. Tạo quan hệ tốt với Việt Nam – quốc gia từng làm chủ tịch ASEAN 2020 và có tiếng nói mạnh mẽ trong khối giúp Australia có thể tiếp cận vào các cơ chế an ninh, quân sự, kinh tế của ASEAN giải quyết thách thức chung từ cạnh tranh chiến lược Trung Quốc – Mỹ.
Trong vấn đề biển Đông và tiểu vùng Mekong, hai bên bày tỏ quan ngại trước những diễn biến tại Biển Đông và tái khẳng định cam kết đối với hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp, bao gồm các tranh chấp tại Biển Đông, bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)[18]. Biển Đông là vùng biển chung của khu vực trong đó có 5 nước, 6 bên liên quan tới các tranh chấp trên Biển Đông bao gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei. Thời gian gần đây, Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự làm mất trật tự an ninh trên biển, đe dọa an toàn hàng hải của ASEAN và Australia. Giải quyết mâu thuẫn bằng hòa bình và luật pháp quốc tế dựa trên các cơ chế song phương, ba bên, tuyên bố đưa ra giữa các bên với tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ từ bên thứ ba – Australia không có tranh chấp trực tiếp nên có thể đóng vai trò trung gian hòa giải. Dường như trong các vấn đề khu vực hai nhà nước chú trọng hợp tác nhất đến đối phó với sức ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc.
Về tiểu vùng Mekong, điểm mới trong Tuyên bố nhắc đến quản lý nguồn nước xuyên biên giới và nhu cầu trong đảm bảo an ninh phi truyền thống khu vực[19]. Chia sẻ lợi ích quốc gia không đồng từ vùng thượng lưu khiến cho nước ở vùng hạ lưu như Việt Nam bị giảm đi nhiều lợi ích kinh tế, môi trường nông sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Do đó, phát triển cơ chế hợp tác đối tác Mekong – Australia nhằm phát triển bền vững những nhu cầu kinh tế – chính trị khu vực, tự cường, lâu dài và bao trùm.
Kết luận
Ngoại giao đa phương Việt Nam đang trong quá trình tiến lên mạnh mẽ kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Bứt phá trong phạm vi địa lý và chủ thể quan hệ ngoại giao. Phát triển từ các đối tác khu vực Tiểu vùng sông Mekong đến toàn bộ Đông Nam Á, từ những quốc gia truyền thống như Nga, Trung Quốc. Ngày nay đối ngoại Việt Nam vươn mình xa, sâu rộng hơn từ cường quốc cho đến các nước tầm trung. Trong 7 Đối tác Chiến lược Toàn diện, mức thiết lập quan hệ cao nhất đều là những nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, trong đó có những quốc gia từng đối đầu, cấm vận, tham chiến tại Việt Nam, với phương châm gác lại quá khứ hướng tới tương lai. Điều đặc biệt tạo nên từ sự khéo léo và tầm nhìn thêm bạn bớt thù, của sách lược “ngoại giao cây tre” trong thời đại mới. Nói riêng về mối quan hệ Việt Nam – Australia mới được nâng cấp, Tuyên bố chung mang tính hợp tác cao, đề cao vai trò của Việt Nam – ASEAN – Australia trong cùng phát triển kinh tế cùng đấu tranh trước các mối đe dọa an ninh khu vực. Mặc dù quãng đường phía trước đặt với hai nước còn nhiều thách thức do tình hình quốc tế biến động, song với nền tảng 50 năm thiết lập quan hệ cùng những điều kiện hợp tác cụ thể hóa trong bản Tuyên bố chung giữa hai nước sẽ là cơ sở vững chắc cho tiến trình gắn kết kinh tế, phát triển vị thế và chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế tồn đọng. Bản Tuyên bố chung còn có vai trò như kinh nghiệm quý báu rút ra cho Việt Nam để tiếp tục trên con đường hội nhập quốc tế trong tương lai./.
Tác giả: Phạm Quang Hiền
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược, mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Báo Điện tử Chính phủ (2024), “Ngoại giao Việt Nam năm 2023: Điểm sáng nổi bật trong thành tựu của đất nước”. https://baochinhphu.vn/ngoai-giao-viet-nam-nam-2023-diem-sang-noi-bat-trong-thanh-tuu-cua-dat-nuoc-102240101083039986.htm
[2] Hà Văn (2024), “Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Australia theo nghi thức trọng thể nhất”, Báo Điện tử Chính phủ. https://baochinhphu.vn/le-don-thu-tuong-pham-minh-chinh-tham-chinh-thuc-australia-theo-nghi-thuc-trong-the-nhat-102240307070411414.htm
[3] [4] An Nguyên (2024), “Việt Nam – Australia nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện”, Báo Thanh niên. https://thanhnien.vn/viet-nam-uc-nang-cap-quan-he-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-185240307233959858.htm
[5] [6] [8] [10] [14] [18] [19] Báo Điện tử Chính phủ (2024), “Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Australia”. https://baochinhphu.vn/tuyen-bo-chung-ve-viec-nang-cap-quan-he-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-giua-viet-nam-va-australia-102240307105419401.htm
[7] Đàm Linh (2024), “Liên hợp quốc kêu gọi xây dựng trật tự thế giới mới”, VTV Online. https://vtv.vn/the-gioi/lien-hop-quoc-keu-goi-xay-dung-trat-tu-the-gioi-moi-20240217195016133.htm
[9] Thi Thi (2024), “Khả năng mở rộng AUKUS và một số tác động đối với khu vực”, Nghiên cứu Chiến lược. https://nghiencuuchienluoc.org/kha-nang-mo-rong-aukus-va-mot-so-tac-dong-doi-voi-khu-vuc/
[11] CCAMLR Commission (1997), “Report of the Sixteenth Meeting of the Commission” https://www.ccamlr.org/pu/E/pubs/cr/97/cc-xvi-all.pdf
[12] Thanh Giang (2024), “Khoảng cách địa lý xa không ngăn được tấm lòng, sự quyết tâm hợp tác của Việt Nam và Australia”, Báo Nhân Dân. https://nhandan.vn/khoang-cach-dia-ly-xa-khong-ngan-duoc-tam-long-su-quyet-tam-hop-tac-cua-viet-nam-va-australia-post798687.html
[13] Ngọc Diệp (2024), “Quan hệ Australia – Việt Nam và ASEAN, triển vọng từ góc nhìn của Giáo sư Carl Thayer”, Pháp Luật Online. https://plo.vn/quan-he-australia-viet-nam-va-asean-trien-vong-tu-goc-nhin-cua-giao-su-carl-thayer-post779515.html
[15] Trung tâm WTO (2023), “Xuất khẩu nông sản sang Australia: Chinh phục thị trường khắt khe”. https://trungtamwto.vn/an-pham/23220-xuat-khau-nong-san-sang-australia-chinh-phuc-thi-truong-khat-khe
[16] Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam (2023), “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ”. https://vn.usembassy.gov/vi/trang-thong-tin-chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-hoa-ky/
[17] Bùi Hồng Hạnh (2023), “Cách tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu và một số vấn đề đặt ra đối với các nước ASEAN”, Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/2018/827684/cach-tiep-can-khu-vuc-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-lien-minh-chau-au-va-mot-so-van-de-dat-ra-doi-voi-cac-nuoc-asean.aspx