BBT: Tháng đầu tiên trong năm 2024, thế giới tiếp tục ghi nhận nhiều diễn biến đáng chú ý trên tất cả các lĩnh vực. Các diễn biến này thể hiện đa dạng nhiều xu hướng tương tác giữa các quốc gia, tổ chức trên toàn cầu. Cùng Nghiên cứu Chiến lược điểm lại các sự kiện đáng chú ý trong tháng 1/2024. Qua đó, một số gợi mở nghiên cứu cũng đã được đề xuất gửi tới quý độc giả, các chuyên gia đa lĩnh vực cùng tham gia cộng tác.
MỘT SỐ SỰ KIỆN ĐÁNG CHÚ Ý ĐÃ DIỄN RA TRONG THÁNG 1/2024
Một số dấu ấn đáng chú ý trong quan hệ giữa các siêu cường
1. Trưởng ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Mỹ.
Từ ngày 8-11/1/2024, ông Lưu Kiến Siêu – Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có chuyến thăm “bất thường” tới Mỹ ngay trong thời điểm Đài Loan tổ chức bầu cử. Chuyến thăm được cho là nhằm mục tiêu chia sẻ và làm rõ quan điểm chiến lược của phía Trung Quốc, đặc biệt là lựa chọn phát triển của Bắc Kinh cũng như vấn đề Đài Loan.
2. Bước tiến mới trong quan hệ Nga – Trung. Đầu năm 2024, Nga và Trung Quốc đã công bố mức tăng trưởng thương mại lớn nhất trong lịch sử. Theo đó, quy mô thương mại hai nước đã vượt mốc 240 tỷ USD. Điều này cho thấy đà gia tăng toàn diện trong quan hệ giữa hai đối tác “không giới hạn” này.
Bên cạnh đó, cuối tháng 1/2024, Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước Nga – Trung đã tiến hành hội đàm trực tuyến, bàn về 2 nội dung quan trọng: (1) tiếp tục nâng tầm quan hệ song phương; (2) thảo luận, thống nhất quan điểm về các điểm nóng trên toàn cầu.
Tình hình Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
1. Bán đảo Triều Tiên nóng lên sau khi Triều Tiên đã phá huỷ tượng đài thống nhất quốc gia. Các nguồn tin cho rằng, Bình Nhưỡng đã xác định Hàn Quốc là kẻ thù chính của họ. Trong nửa cuối tháng 1/2024, Triều Tiên liên tục có những vụ phóng tên lửa mới. Các động thái này đang cho thấy một bán đảo Triều Tiên đầy căng thẳng, bất trắc trong tương lai.
2. Đài Loan có nhà lãnh đạo mới. Theo kết quả cuộc bầu cử ngày 13/1/2024, ông Lại Thanh Đức – ứng viên của Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) đã chính thức trở thành tân lãnh đạo của Đài Loan, kế nhiệm bà Thái Anh Văn – người cũng thuộc Đảng Dân tiến DPP. Sự thay đổi này được dự báo sẽ không tạo ra quá nhiều sự khác biệt trong các chính sách của Đài Loan.
3. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đạt được các đồng thuận quan trọng. Theo đó, ngày 29/1, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bế mạc tại Lào. Hội nghị đã nhất trí tán thành sáng kiến của Thái Lan về việc thiết lập một hành lang nhân đạo nhằm cung cấp viện trợ cho người dân phải di dời do xung đột ở Myanmar. Tại Hội nghị lần này, Myanmar đã cử đại diện phi chính trị tham gia.
4. Hàn Quốc đứng trước vòng xoáy khủng hoảng chính trị mới sau khi xuất hiện các mâu thuẫn bên trong nội bộ đảng cầm quyền của Tổng thống Yoon Seok-yue. Thậm chí, các nhóm đối lập đã tận dụng bê bối liên quan đến hành vi “tham nhũng” của phu nhân tổng thống nhằm đưa ra các cáo buộc gây bất lợi cho Tổng thống đương nhiệm. Cụ thể, trước áp lực từ các bên, bà Kim Kun-hee – phu nhân Tổng thống Yoon Seok-yue đã xác nhận hành vi nhận quà biếu là một túi sách hàng hiệu trị giá khoảng 2.200USD.
5. Nhật Bản ghi nhận mức lạm phát cao nhất 41 năm qua. Ngày 19/1/2024, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã công bố chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) ở nước này năm 2023 tăng 3,1% so với năm trước đó, đánh dấu mức tăng cao nhất trong lịch sử 41 năm trở lại đây. Điều đó cho thấy áp lực kinh tế đối với xã hội Nhật Bản đang ngày càng gia tăng.
6. Nhật Bản tiếp tục hứng chịu sóng thần. Vào ngày đầu tiên của năm 2024, một trận sóng thần có cường độ yếu với độ cao sóng khoảng 3m đã xảy ra không lâu sau trận động đất mạnh 7,6 độ rich-te. Tính đến ngày 15/1/2024, trận sóng thần đã gây ra thiệt hại đáng kể về người và tài sản, ước tính đã có hơn 200 người thiệt mạng. Nhiều quốc gia đã nhanh chóng có các động thái hỗ trợ quốc đảo này khắc phục hậu quả thiên tai.
Tình hình châu Âu – Đại Tây Dương
1. NATO tập trận, căng thẳng trong quan hệ NATO – Nga được đẩy cao. NATO khởi động cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 với gần 90.000 quân tại các địa điểm được cho là sát với biên giới nước Nga. Đáp lại, Nga tuyên bố, cuộc tập trận này có thể gây ra hậu quả bi thảm đối với châu Âu.
2. Mâu thuẫn nội bộ EU gia tăng. Ngày 13/1/2024, 120 thành viên Nghị viện châu Âu (EP) đã cùng kiến nghị lên Chủ tịch Roberta Metsola việc tước bỏ quyền biểu quyết của Hungary trong EU. Động thái này đã thể hiện nhiều mâu thuẫn, rạn nứt trong nội bộ Liên minh châu Âu. Nguyên nhân xuất phát từ việc Hungary thường xuyên có quan điểm ngược chiều với các thành viên EU khác trong các vấn đề khu vực.
3. Tình hình tranh cử Nghị viện châu Âu có những diễn biến mới. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã tuyên bố từ bỏ tranh cử vào ngày 26/1/2024. Quyết định của ông đang mở ra nhiều cơ hội choThủ tướng Hungary Viktor Orban – ứng viên tiềm năng nhất ở thời điểm hiện tại. Trong trường hợp ông Viktor Orban có thể trúng cử vào cuối năm nay, châu Âu nhiều khả năng sẽ có những thay đổi chính sách quan trọng. Bản thân Hungary trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông Viktor Orban đã có nhiều tính toán hoàn toàn khác biệt với EU. Nước này cho rằng cấu trúc an ninh châu Âu cần phải có Nga. Đây là quan điểm khác với phần lớn các nước phương Tây. Đồng thời, Hungary cũng đã gây ra những cản trở nhất định đối với quá trình mở rộng của NATO cũng như việc viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
4. Azerbaijan xem xét rời Hội đồng châu Âu. Ngày 24/1/2024, Azerbaijan đang xem xét các thủ tục nhằm ra khỏi Hội đồng châu Âu. Baku cho rằng, nước này đang được đối xử một cách không công bằng trong nhiều vấn đề.
Tình hình châu Phi và Mỹ Latinh
1. Hội nghị Thượng đỉnh châu Phi – Italia được tổ chức tại Rome (Italia) với sự tham gia của 45 quốc gia châu Phi cùng nước chủ nhà Ý, các quan chức EU, Liên hợp quốc và các tổ chức cho vay quốc tế khác. Mục tiêu của hội nghị lần này được cho là nhằm thúc đẩy phát triển tại châu Phi, giải quyết vấn đề di cư, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và tạo dựng mối quan hệ mới giữa châu Âu và châu Phi.
2. ECOWAS lâm vào khủng hoảng trầm trọng sau khi 3 nước tuyên bố rời khỏi tổ chức. Theo đó, ngày 28/1/2024, ba nước Niger, Mali và Burkina Faso tuyên bố sẽ rời khỏi ECOWAS (Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi). Sự việc xảy ra được cho xuất phát từ bất đồng giữa các quốc gia trong ECOWAS liên quan đến khủng hoảng tại Niger. Trong khi Mali và Burkina Faso ủng hộ lực lượng đảo chính tại Niger thì các quốc gia còn lại trong tổ chức tìm cách can thiệp vào tình hình quốc gia này.
3. Xu hướng đoàn kết và chia rẽ phức tạp ở Mỹ Latinh. Trước tình hình gia tăng căng thẳng Venezuela – Guyana gia tăng, Mỹ đang tìm cách tăng cường can thiệp vào khu vực này. Đặc biệt, gần đây, Mỹ đang lên kế hoạch phong tỏa tài sản của Venezuela. Trong hoàn cảnh đó, nhiều nước đã lên án các hành động của Mỹ nhưng một số khác đi ngược lại với xu hướng này.
Các diễn biến mới tại các điểm nóng xung đột toàn cầu
1. Tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ leo thang
Lực lượng Houthi vẫn tiếp tục có những động thái tấn công các tàu hàng đi qua vùng biển này, trong đó tập trung chủ yếu vào các tàu hàng của phương Tây. Trong khi đó, các tàu hàng của Trung Quốc và một số quốc gia khác được cho là có thể an toàn đi qua vùng biển này. Nhiều tàu hàng quốc tế đã buộc phải lựa chọn con đường vòng, đi qua mũi Hảo Vọng để tránh bị tấn công. Điều đó khiến thời gian và chi phí vận tải gia tăng. Đáp trả, Mỹ đã tiến hành tấn công quân sự vào các cơ sở được cho là của Houthi tại Yemen. Các động thái thù địch từ hai các bên tiếp tục đặt Biển Đỏ đứng trước nguy cơ bị tê liệt bởi khả năng nổ ra xung đột diện rộng.
2. Xu hướng mới trong việc hỗ trợ Ukraine của các nước phương Tây
Ngay sau khi Mỹ tuyên bố dừng viện trợ an ninh cho Ukraine, vấn đề hỗ trợ cho cuộc xung đột ở quốc gia này dường như đã được đẩy về phía các đối tác đồng minh ở châu Âu. Việc Anh và Ukraine đạt được thỏa thuận an ninh vào ngày 12/1/2024 có thể coi là sự kiện khởi đầu cho xu hướng này.
Đồng thời, gần đây, sau Hội nghị Thượng đỉnh EU ngày 25/1/2024, Liên minh châu Âu cũng đã cam kết tiếp tục viện trợ cho Ukraine bằng nguồn tài sản của Nga bị phương Tây phong tỏa sau các lệnh trừng phạt.
3. Tình hình xung đột ở Myanmar tiếp tục diễn biến căng thẳng
Quân đội chính phủ Myanmar thời gian qua đã để mất thêm một số vùng kiểm soát về tay các lực lượng đối lập, đẩy tình thế đối đầu giữa các lực lượng vũ trang trong nước này ngày càng khó lường hơn. Các diễn biến này tiếp tục cho thấy một tương lai khủng hoảng khó có thể được
4. Dải Gaza tiếp tục lâm vào tình thế bế tắc, bất chấp xung đột quân sự có xu hướng giảm nhẹ. Theo đó, từ phía Israel, một mặt, nước này tiếp tục triển khai quân đội tại các khu vực điểm nóng, ý đồ thiết lập vùng đệm an ninh xung quanh Gaza. Đồng thời ở mặt khác, các cuộc biểu tình dân sự đang cản trở các hoạt động viện trợ vào dải Gaza. Điều này khiến bất đồng giữa các bên liên quan tiếp tục được đẩy cao bất chấp việc xung đột quân sự có phần giảm nhiệt so với thời gian trước đó.
MỘT SỐ GỢI MỞ NGHIÊN CỨU TRONG THÁNG TIẾP THEO
Trên cơ sở các vấn đề đã nêu, Nghiên cứu Chiến lược khuyến nghị cộng tác viên – các Nhà Nghiên cứu quốc tế đa lĩnh vực tiếp tục cộng tác, gửi bài theo một số tuyến chủ đề nghiên cứu sau đây:
- Tình hình căng thẳng tại các điểm nóng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian vừa qua, tác động và dự báo trong thời gian tới; những khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.
- Việt Nam trong bối cảnh mới: thời cơ, thách thức, tác động, dự báo và khuyến nghị chính sách trên các lĩnh vực: kinh tế, đối ngoại, quốc phòng – an ninh.
- Những chuyển biến mới trong quan hệ nước lớn (Mỹ-Trung-Nga; EU, Ấn Độ, Nhật Bản…) thời gian tới.
- Xu hướng phát triển của tình hình xung đột toàn cầu trong thời gian tới và tác động của nó
- Và một số đề xuất nghiên cứu có tính khoa học, tính thực tiễn cao khác.
Bài viết cộng tác và thông tin cộng tác viên vui lòng gửi về địa chỉ mail: [email protected]. Trân trọng cảm ơn sự cộng tác, trao đổi học thuật của các nhà nghiên cứu./.
TM. BAN BIÊN TẬP