Tiêu đề bài viết do Ban Biên tập đặt
Kể từ đầu năm nay, mâu thuẫn, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đã liên tục xảy ra. Sau “sự cố khinh khí cầu” vào tháng 2, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã đến thăm Mỹ vào tháng 3 để gặp McCarthy, người phát ngôn mới của Hạ viện Mỹ, sau đó là việc Mỹ sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự mới ở Philippines để chống lại Trung Quốc, v.v. Tất cả những điều này đã tác động nghiêm trọng đến quan hệ giữa hai siêu cường, gây thêm những thách thức, khó khăn cho mối quan hệ song phương vốn đã căng thẳng. Sau cuộc gặp giữa Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan vào tháng 5, các quan chức cấp cao của hai nước đã gặp nhau, và các chính trị gia Mỹ đã làm dịu lập trường của họ, nói rằng họ đang tìm cách “giảm thiểu rủi ro” chứ không phải “tách rời” với Trung Quốc. Bầu không khí trong quan hệ Trung-Mỹ đã có phần lắng dịu, nhưng vẫn còn quá sớm để nói về khả năng bình thường hóa.
1. Mỹ nhiều lần nhắc lại chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc
Gần đây, các văn bản chính thức và các quan chức cấp cao của Mỹ đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính, lớn nhất và toàn diện nhất đối với họ. Mỹ kiên quyết theo đuổi cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Chiến lược An ninh Quốc gia gần đây nhất của Mỹ mô tả Trung Quốc là một quốc gia có cả ý định và khả năng định hình lại trật tự thế giới, vì vậy cần ngăn chặn Trung Quốc giành lợi thế trước Mỹ. Báo cáo “Đánh giá mối đe dọa toàn cầu năm 2023” của Mỹ xếp Trung Quốc là mối đe dọa toàn cầu hàng đầu, và việc đối phó với các thách thức từ phía Bắc Kinh là “ưu tiên quan trọng nhất” của Washington.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cho rằng Trung Quốc là “đối thủ đang ngày càng muốn thay đổi trật tự quốc tế”. Giám đốc Tình báo Quốc gia Haynes tin rằng “Trung Quốc đang ngày càng thách thức Mỹ trên bình diện toàn cầu”. Bộ trưởng Tài chính Yellen nhấn mạnh trong bài phát biểu hồi tháng 4 rằng để bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia và bảo vệ lợi ích của Mỹ, nước này phải đối đầu với Trung Quốc bất chấp việc mất đi lợi ích kinh tế. Ngay cả Bộ trưởng An ninh Nội địa Mayorkas cũng mô tả mối đe dọa từ Trung Quốc là “đặc biệt nghiêm trọng”. Biden nhấn mạnh rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất có khả năng thách thức Mỹ về kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ.
2. Mỹ đang làm sâu sắc hơn quan hệ “liên minh, đối tác”
Mỹ đang liên tục điều chỉnh tư duy của mình để kiềm chế Trung Quốc, đặc biệt đề cao “đồng minh và đối tác” để tạo ra một cuộc đối đầu theo hướng phe nhóm. Năm nay, dưới sự trung gian thúc đẩy của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được “sự hòa giải”, liên minh Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc đã được tăng cường. Mỹ cùng Hàn Quốc đã đưa ra “Tuyên bố Washington” vào tháng 4. Mỹ đã cung cấp một chiếc ô hạt nhân cho Hàn Quốc, đồng thời gửi tàu ngầm hạt nhân chiến lược và máy bay ném bom chiến lược đến nước này lần đầu tiên sau 40 năm. Mỹ cũng tuyên bố cam kết bảo vệ Philippines xung quanh khu vực Biển Đông, thậm chí kết nối với Việt Nam và cả các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương, thúc đẩy hợp tác với “Bộ Tứ” – Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ nhằm kiềm chế Trung Quốc, nhằm nhanh chóng xây dựng một NATO phiên bản châu Á-Thái Bình Dương.
Từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ ngày càng “trói chặt” châu Âu, cùng với lục địa già liên kết kiềm chế Trung Quốc là điều chưa từng có tiền lệ. Trong một khoảng thời gian, thái độ của EU đối với Trung Quốc đã thay đổi tương đối phức tạp. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Borrell cũng như các nhà lãnh đạo khác của EU đã thể hiện thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc, nói rằng chiến lược ngoại giao của họ đối với Trung Quốc cần táo bạo hơn. Họ tiếp tục đề xuất “giảm thiểu rủi ro kinh tế” cũng như giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Mỹ đã định hướng G7 tham gia nhiều hơn vào tình hình châu Á-Thái Bình Dương và liên kết chặt chẽ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 5, mặc dù bày tỏ hy vọng duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc, nhưng Mỹ đã tích cực củng cố mối quan hệ đồng minh nhằm “cùng đối phó với các thách thức của Trung Quốc”. Ý định chung của họ là “chống lại Trung Quốc, kiểm soát Trung Quốc”. Vương quốc Anh đã đưa ra tuyên bố có tiếng vang rằng “Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu hiện nay.”
3. Số lượng dự luật liên quan đến Trung Quốc do Quốc hội Mỹ đưa ra đã tăng lên đáng kể
Quốc hội Mỹ từ lâu đã không thân thiện với Trung Quốc, gần đây lực lượng chống Trung Quốc trong Quốc hội gia tăng mạnh mẽ, hàng loạt dự luật mang tinh thần phủ định Trung Quốc là một nước đang phát triển được tung ra ráo riết. Quốc hội mới của Mỹ không chỉ thành lập “Ủy ban Đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ-Trung Quốc” để tạo tiếng vang cho “Văn phòng Điều phối các vấn đề Trung Quốc” của Quốc vụ viện, mà các hoạt động lập pháp liên quan đến Trung Quốc của họ cũng diễn ra thường xuyên hơn trước. Hơn 150 đề xuất đã được đưa ra trong hơn 60 ngày kể từ khi thành lập Quốc hội mới, và có tới 11 đề xuất tính riêng trong ngày 23 tháng 3.
Các nghị sĩ chống Trung Quốc đã thúc đẩy “tách rời” và kích động tâm lý chống Trung Quốc trong nhân dân. Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ vào tháng 3 năm nay, có tới 83% người Mỹ được hỏi có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc. Họ cũng thổi phồng các vấn đề liên quan đến Đài Loan. Sau khi cựu Chủ tịch Hạ viện Pelosi thăm Đài Loan vào năm ngoái, Chủ tịch Hạ viện hiện tại McCarthy đã gặp lại nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trong năm nay, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của quan hệ Trung-Mỹ.
Luật pháp và các chính sách liên quan đến Trung Quốc tại Quốc hội Mỹ đã nhận được sự ủng hộ nhất trí của lưỡng đảng và chúng cho thấy một xu hướng dài hạn. Theo thống kê của truyền thông Mỹ, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ cạnh tranh gay gắt ở 9 trên 10 lĩnh vực chính sách lớn, ngoại trừ chính sách Trung Quốc có tính nhất quán cao. Nhận thức của các chính trị gia và giới tinh hoa Mỹ ngày nay về Trung Quốc là “thuyết về mối đe dọa từ Bắc Kinh” hoặc “thuyết về sự suy tàn của Trung Quốc” hoặc “thuyết về sự sụp đổ của Trung Quốc”. Một số học giả tin rằng một Quốc hội bảo thủ hơn đang ngày càng chi phối chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.
4. Sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để ràng buộc Trung Quốc và Nga lại với nhau
Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từng là khu vực phụ trong địa chiến lược của Mỹ, nhưng giờ đây “lần đầu tiên được coi là một trọng tâm chính”.
Khủng hoảng Ukraine bùng nổ, thay vì làm chậm lại quá trình quay trở lại chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, lại đẩy nhanh tốc độ chuyển hướng của họ sang châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ tin rằng mối đe dọa từ Nga là “sắp xảy ra nhưng không nghiêm trọng” và “thách thức của Trung Quốc là đáng kể nhưng không khẩn cấp”. Vì vậy, Mỹ vẫn coi Trung Quốc là thách thức chiến lược hàng đầu, là “đối thủ chiến lược chủ yếu”, đẩy mạnh triển khai cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, trói buộc Trung Quốc và Nga vào “một phe” để thực hiện trấn áp chiến lược. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Hicks thẳng thừng nói rằng dù Nga và Ukraine đang xung đột, Mỹ vẫn tập trung vào việc cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương và Washington có một chiến lược rõ ràng cho cuộc đua tranh này.
Mỹ đang cố tình lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine và hướng nó sang Trung Quốc. Một số nước châu Âu đã học theo Mỹ khi liên tục vu khống Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine, thậm chí còn đưa ra những lời cảnh báo và đe dọa không thể giải thích được. Các nhà lãnh đạo chính của Liên minh châu Âu tuyên bố rằng mối quan hệ Trung Quốc-EU cần được xem xét liên quan với cuộc khủng hoảng Ukraine; nói rằng thái độ của Trung Quốc đối với Putin và cuộc khủng hoảng sẽ là yếu tố quyết định trong quan hệ Trung Quốc-EU. Có người còn cho rằng “trung lập tức là đứng về phía kẻ xâm lược”.
Một số nước NATO gia tăng nghi ngờ về Trung Quốc, cáo buộc Trung Quốc ngày càng trở thành đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống của châu Âu. Mỹ cũng đưa NATO vào châu Á-Thái Bình Dương để củng cố “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Đức tuyên bố sẽ triển khai tàu chiến ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2024 và tiến hành cái gọi là “tự do hàng hải” ở Biển Đông. NATO sẽ thành lập văn phòng liên lạc đầu tiên ở châu Á tại Nhật Bản.
5. Eo biển Đài Loan trở thành điểm nóng nguy hiểm trong quan hệ Trung-Mỹ
Chính quyền Biden đang can thiệp vào Đài Loan về mọi mặt và ngày càng phát triển ở mức độ sâu hơn. Mỹ đã phê duyệt 9 thương vụ cung cấp vũ khí cho Đài Loan, bao gồm cả vũ khí tấn công tiên tiến. Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2023 của Mỹ có một số lượng lớn các điều khoản tiêu cực liên quan đến Đài Loan, đề xuất đẩy nhanh việc bán vũ khí cho Đài Loan, đồng thời thúc đẩy việc Liên minh Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc bán tên lửa tiên tiến cho hòn đảo này. Mỹ đã gửi hơn 200 cố vấn quân sự đến Đài Loan để huấn luyện quân đội của họ và có 25 doanh nghiệp quân sự của Mỹ muốn hợp tác với Đài Loan.
Mỹ muốn quốc tế hóa vấn đề Đài Loan. Blinken cho biết vào tháng Hai rằng cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan không phải là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, mà là mối quan tâm của toàn thế giới. Giờ đây, không chỉ Nhật Bản và Hàn Quốc công khai bày tỏ lập trường về hòa bình eo biển Đài Loan mà ngay cả Liên minh châu Âu, thậm chí cả NATO cũng bắt đầu can thiệp. Vào tháng 4, các ngoại trưởng G7 đã đưa ra một tuyên bố chung, nói rằng họ “phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc”. Do đó, vấn đề eo biển Đài Loan đã phát triển từ “điểm nóng” thành “điểm bùng phát” nguy hiểm.
6. Quan chức cấp cao Trung Quốc và Mỹ gặp nhau tại Vienna, bầu không khí quan hệ hai nước có xu hướng dịu đi
Đối với nhận định và hành động trên của Mỹ, trên nguyên tắc “tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình, hợp tác cùng có lợi”, Trung Quốc đã tiến hành đấu tranh kiên quyết và có các biện pháp đối phó cần thiết, giữ vững thế “đánh mà không phá”, bảo vệ có hiệu quả lợi ích cũng như an ninh quốc gia. Cuộc gặp giữa Vương Nghị và Sullivan vào ngày 10 -11/5 dường như là một tín hiệu tích cực cho sự tương tác giữa hai bên và loại bỏ các trở ngại, là một bước quan trọng hướng tới sự ổn định của quan hệ Trung-Mỹ.
Gần đây, Mỹ đã thể hiện một số “thiện chí” và có động thái cam kết và đối thoại, cùng vói đó, một số dư luận liên quan đến Trung Quốc đã chuyển sang “hợp tác”. Sau hội nghị thượng đỉnh G7, Biden nói rằng quan hệ Trung-Mỹ sẽ sớm bắt đầu tan băng. Sullivan đã nói rõ rằng Mỹ “ủng hộ việc loại bỏ rủi ro” hơn là “tách rời”. Yellen cho biết việc “tách rời” hoàn toàn hai nước sẽ là “thảm họa”. Blinken, Yellen, Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Raimondo đều bày tỏ mong muốn đến thăm Trung Quốc, v.v., Tuy nhiên, liệu việc Trung Quốc và Mỹ nối lại đối thoại cấp cao có chuyển sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc từ đối đầu sang hợp tác hay không, quan hệ song phương sẽ có những điều chỉnh mang tính cơ cấu hay không? Liệu điều đó có đồng nghĩa với một sự thay đổi cơ bản trong chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc hay không vẫn đòi hỏi sự quan sát, phân tích bình tĩnh và hợp lý. Còn về việc quan hệ hai nước có thể thực sự “tan băng” và đạt được sự ổn định hay không, chúng ta sẽ chờ đợi cũng như lắng nghe những gì ông ấy nói và làm.
Điều tôi (tác giả) muốn chỉ ra ở đây là hành động của Mỹ thường không đi đôi với lời nói, nói một đằng làm một nẻo. Một mặt, nước này tuyên bố không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc, cũng như không muốn một cuộc “chiến tranh lạnh mới”, nhưng mặt khác, nước này tiếp tục gây ra các cuộc khủng hoảng. Họ nói sẽ tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc, nhưng thay vì thực hiện cam kết, họ lại gia tăng bao vây Trung Quốc. Họ đã nhiều lần kêu gọi xây dựng các hàng và tăng cường sức ép với Trung Quốc.
Biên dịch: Hoàng Hải
Tác giả: Bian Qingzu là Nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Hữu nghị với Nước ngoài (Trung Quốc).
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]