Ngày 10/11/2024, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố về “đường cơ sở của lãnh hải tiếp giáp bãi cạn Scarborough”, khẳng định “đây là bước đi tự nhiên của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường quản lý biển một cách hợp pháp và phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như thông lệ chung”. Động thái này của Trung Quốc diễn ra chỉ đúng 02 ngày sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos ký “Đạo luật Vùng biển và Đạo luật Đường biển đối với quần đảo của Philippines” tái khẳng định phạm vi lãnh thổ hàng hải và quyền khai thác tài nguyên của Philippines, bao gồm cả ở Biển Đông. Hành động “ăn miếng trả miếng” giữa Trung Quốc và Philippines một lần nữa cho thấy căng thẳng giữa hai bên liên quan các tranh chấp ở Biển Đông ngày càng leo thang, tác động lớn đến hiện trạng hiện nay ở Biển Đông cũng như hòa bình, an ninh và ổn định ở vùng biển chiến lược này. Cách Philippines và Trung Quốc điều hướng, kiềm chế và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông đến đâu sẽ có tác động trước mắt, lâu dài và cả tương lai, trong đó có cả các động lực địa chính trị rộng lớn hơn của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trung Quốc tuyên bố “đường cơ sở cho vùng lãnh hải” tiếp giáp bãi cạn Scarborough
Bãi cạn Scarborough, Philippines gọi là Bajo de Masinloc, Trung Quốc gọi là Hoàng Nham, là một chuỗi rạn san hô hình tam giác cách Luzon, đảo chính của Philippines, khoảng 125 hải lý. Cả Trung Quốc, Philippines và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn này, tuy nhiên, trên thực tế bãi cạn Scarborough đã nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc kể từ năm 2012. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết bác bỏ tất cả các yêu sách của Trung Quốc đối với các rạn san hô ở Biển Đông, bao gồm cả bãi cạn Scarborough; trong đó phán quyết rằng bãi cạn Scarborough là một bãi đá chứ không phải một hòn đảo, có nghĩa là ngay cả khi bãi cạn này được hưởng lãnh hải 12 hải lý, nó cũng không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế mà thay vào đó được công nhận là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.Đường cơ sở mới (màu đỏ) do Trung Quốc vẽ xung quanh bãi cạn Scarborough ở Biển Đông (CCTV)/Benar News
Ngày 08/11/2024, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã ký 02 đạo luật tái khẳng định phạm vi lãnh thổ hàng hải và quyền khai thác tài nguyên của Philippines, bao gồm cả ở Biển Đông. Trong đó, (1) “Đạo luật về Vùng biển”, xác định rõ lãnh thổ quốc gia trên biển của Philippines, cũng như những khu vực bên ngoài mà Phillippines được hưởng các quyền được có trên biển theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS); (2) “Đạo luật Đường biển của quần đảo”, cho phép tổng thống Philippines thiết lập các tuyến hàng hải và hàng không cho tàu thuyền, máy bay và các phương tiện nước ngoài có thể đi qua mà “không gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Philippines”. Luật mới quy định Philippines sẽ sử dụng tài nguyên trong vùng biển và đưa ra các biện pháp xử phạt hành chính theo UNCLOS và theo phán quyết năm 2016 của PCA.
Đáng chú ý, “Đạo luật về Vùng biển” khẳng định phần lớn quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là thuộc “lãnh thổ của Philippines”, đồng thời tuyên bố vùng biển kéo dài 12 hải lý tính từ đường cơ sở của quần đảo là lãnh hải của Manila.
Động thái này của Philippines bị Trung Quốc phản đối gay gắt và có các hành động đáp trả ngay lập tức. Chỉ hai ngày sau, tức ngày 10/11/2024, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố về “đường cơ sở của lãnh hải tiếp giáp với đảo Hoàng Nham” (cách Trung Quốc gọi bãi cạn Scarborouhg) trong đó xác định tọa độ địa lý cho 16 điểm cơ sở xung quanh bãi cạn Scarborough, đánh dấu thông báo đường cơ sở chính thức đầu tiên cho khu vực này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định “đây là bước đi tự nhiên của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường quản lý biển một cách hợp pháp và phù hợp với luật pháp quốc tế, như UNCLOS và Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp”.
Trong tuyên bố này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản đối “Đạo luật Vùng biển và Đạo luật Đường biển của quần đảo của Philippines” vì cho rằng chúng “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải” của Bắc Kinh ở Biển Đông; khẳng định Trung Quốc “sẽ tiếp tục làm mọi việc cần thiết theo luật pháp để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của mình”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh còn nhấn mạnh nếu Philippines thực hiện bất kỳ động thái xâm phạm hoặc khiêu khích nào ở Biển Đông dựa trên luật này, Trung Quốc sẽ “kiên quyết đáp trả”.
Đây là lần thứ hai trong năm 2024 và lần thứ tư kể từ năm 1996 đến nay, Trung Quốc tuyên bố về “đường cơ sở” ở Biển Đông. Trong đó: (1) Trong tuyên bố xác lập đường cơ sở ngày 15/5/1996, Trung Quốc đã tự ý vạch đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa), trong đó xác lập 28 điểm cơ sở trên các thực thể của quần đảo Hoàng Sa, từ đó nối thành các đoạn cơ sở thẳng bao kín toàn bộ quần đảo này. (2) Năm 2012, Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở của quần đảo Điếu Ngư và các đảo liên quan, cùng với tên và tọa độ địa lý của 17 điểm lãnh hải. (3) Ngày 01/3/2024, Trung Quốc ra “Tuyên bố về đường cơ sở lãnh hải phía Bắc Vịnh Bắc Bộ”, trong đó có 7 điểm cơ sở khi nối với nhau tạo thành một đường cơ sở mới nhằm tuyên bố “lãnh hải” ở Vịnh Bắc Bộ.
Đường cơ sở lãnh hải là đường khởi đầu để các quốc gia ven biển thiết lập các yêu sách về quyền tài phán trên biển và thường đi theo đường mực nước thấp của quốc gia ven biển. Theo UNCLOS, các quốc gia ven biển có thể có chiều rộng lãnh hải là 12 hải lý.
Trung Quốc cập nhật bản đồ mới cho cái gọi là “huyện Tây Sa và Nam Sa” và đặt tên tiêu chuẩn cho 64 đảo đá và rạn san hô ở Biển Đông
Cũng trong ngày 10/11, Bộ Tài nguyên Trung Quốc công bố bản đồ cập nhật hiển thị nhãn cho cái gọi là “huyện Tây Sa và huyện Nam Sa” – mà Trung Quốc thành lập trái phép vào năm 2020 – nhưng không xuất hiện trên các bản đồ trước đó. Bộ Nội vụ Trung Quốc đã ban hành mã vùng hành chính cho “huyện Tây Sa và Nam Sa”. Các mã này được sử dụng để xác định địa điểm cho mục đích điều tra dân số và hành chính, thường xuất hiện dưới dạng sáu chữ số đầu tiên trên chứng minh nhân dân của cư dân sinh ra và đăng ký tại một khu vực của Trung Quốc.
Cùng ngày, Bộ Tài nguyên và Bộ Nội vụ Trung Quốc ra “Thông báo về việc công bố tên tiêu chuẩn của 64 đảo đá và rạn san hô ở Biển Đông”, trong đó có nêu chi tiết vị trí tọa độ, tên tiêu chuẩn và bính âm tiếng Trung của các đảo đá và rạn san hô này. Hầu hết các đảo đá và rạn san hô mới được bổ sung đều nằm ở quần đảo Trường Sa và tập trung ở vùng biển xung quanh bãi Cỏ Mây (Trung Quốc gọi là Nhân Ái, Philippines gọi là Aiyu) . Trong số đó có một số tên như “Rạn san hô Bắc Đẩu, Rạn san hô Đầu Bắc Đẩu, Rạn san hô Đông Bắc Đẩu, Rạn san hô Trung Bắc Đẩu, Rạn san hô Nam Bắc Đẩu, Rạn san hô Tây Bắc Đẩu, Rạn san hô Bắc Bắc Đẩu, Rạn san hô Đông Nhân Ái, Rạn san hô Trung Nhân Nhân Ái, Rạn san hô Bắc Nhân Ái”… Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhấn mạnh, những đảo đá và rạn san hô này có kích thước nhỏ và ngay cả khi nhập tọa độ chính xác cũng rất khó để tìm thấy vị trí cụ thể của chúng trên Google Maps.
Đây là lần thứ 3 kể từ năm 1983 đến nay, Trung Quốc công bố tên địa danh tiêu chuẩn cho các đảo đá ở Biển Đông. Trong đó: (1) Tháng 3/1983, Ủy ban Địa danh Trung Quốc được ủy quyền xuất bản “Một số tên địa lý tiêu chuẩn của các đảo” ở Biển Đông; (2) Ngày 19/4/2020, Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Bộ Dân chính Trung Quốc công bố cái gọi là “Danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo, đá trên Biển Đông” và “55 thực thể địa lý dưới đáy Biển Đông” với tọa độ cụ thể, tên tiêu chuẩn và bính âm tiếng Trung của các đảo đá và thực thể địa lý này. Hầu hết các thực thể này tập trung ở phần phía Tây Biển Đông, trong đó một số nằm dọc theo cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố và rất gần đất liền Việt Nam.
Một số phản ứng và đánh giá liên quan
Trung Quốc: Ngay trong ngày 08/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu Đại sứ Philippines tại Trung Quốc để “phản đối nghiêm khắc” đối với hai đạo luật của Philippines. Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines cũng ra tuyên bố nhắc lại sự phản đối của Trung Quốc đối với hai đạo luật này, cảnh báo Bắc Kinh “sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải của mình”. Ngày 10/11, Cảnh sát biển Trung Quốc tuyên bố nhấn mạnh, lực lượng này sẽ “tiếp tục tuần tra và thực thi luật pháp Trung Quốc” ở khu vực bãi cạn Scarborough và các khu vực hàng hải lân cận nhằm bảo vệ “chủ quyền lãnh thổ quốc gia cũng như các quyền và lợi ích hàng hải”.
Trong khi đó, trên thực địa, ngày 13/11, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động tập trận không quân và hải quân ở gần khu vực bãi cạn Scarborough.
Philippines: Ngày 12/11, Hội đồng Hàng hải Quốc gia Philippines (NMC) khẳng định “đường cơ sở” mà Trung Quốc tuyên bố xung quanh bãi cạn Scarborough “vi phạm chủ quyền lâu đời của Philippines” và đây là “sự tiếp nối của việc chiếm giữ bất hợp pháp bãi cạn này vào năm 2012”. NMC khẳng định, “đường cơ sở” này của Trung Quốc trái với UNCLOS và Phán quyết năm 2016 của PCA, do đó, không có bất kỳ cơ sở pháp lý hoặc hiệu lực nào.
Ngày 13/11, Bộ Ngoại giao Philippines triệu Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên để phản đối việc này, đồng thời nhấn mạnh “đường cơ sở” mà Trung Quốc vẽ ra “xâm phạm chủ quyền của Philippines và trái với luật pháp quốc tế”. Bộ Ngoại giao Philippines cũng gửi công hàm tới phía Trung Quốc để phản đối việc này. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Philippines, từ ngày 01/7/2022 đến ngày 12/11/2024, Philippines đã gửi tổng cộng 189 công hàm ngoại giao phản đối tới Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông. Cùng ngày, trong cuộc gặp với người đồng cấp Australia tại Canberra, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro khẳng định, chính phủ Philippines chính thức bác bỏ “các đường cơ sở và điểm cơ sở” do Trung Quốc tuyên bố xung quanh bãi cạn Scarborough.
Đài Loan: Ngày 12/11, Cơ quan Ngoại giao Đài Loan ra tuyên bố bác bỏ “các yêu sách chủ quyền mới của Philippines và Trung Quốc” ở Biển Đông, nhấn mạnh các hành động gần đây của cả Philippines và Trung Quốc đang “làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”, đồng thời khẳng định quyền của Đài Loan đối với các vùng biển tranh chấp theo luật pháp quốc tế.
Malaysia: Ngày 14/11, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Mohamad Alamin cho biết, Malaysia sẽ gửi công hàm phản đối luật hàng hải mới của Philippines do chúng có liên quan yêu sách đối với bang Sabah của Malaysia trên đảo Borneo. Ông Mohamad nói trước Quốc hội Malaysia rằng, Bộ Ngoại giao sẽ “gửi công hàm phản đối để thể hiện cam kết bảo vệ quyền chủ quyền của Sabah và chủ quyền của đất nước Malaysia”.
Mỹ: Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với luật hàng hải mới của Philippines. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller gọi đây là “vấn đề thường lệ” và thêm rằng Mỹ đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Philippines trong việc duy trì luật pháp quốc tế, đặc biệt là ở Biển Đông; đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia điều chỉnh các yêu sách hàng hải của mình phù hợp với luật biển quốc tế như được phản ánh trong UNCLOS.
Các động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Trung Quốc và Philippines liên quan đến các yêu sách chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông luôn tâm điểm quan tâm của dư luận trong và ngoài khu vực. Các nhà phân tích Trung Quốc khẳng định, việc Trung Quốc tuyên bố “đường cơ sở” xung quanh bãi cạn Scarborough là “hợp pháp và hợp lý”, giúp nước này thực hiện các biện pháp đối phó “có mục tiêu hơn” đối với Philippines. Ding Duo – Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách và Luật Đại dương tại Viện Nghiên cứu Nam Hải nhấn mạnh, hiện Trung Quốc đã có “bộ công cụ, chính sách và phương tiện đa dạng” để bảo vệ “lãnh thổ chủ quyền” của Trung Quốc. Theo ông Ding, “việc công bố các đường cơ sở làm rõ phạm vi yêu sách của Trung Quốc đối với tất cả những vấn đề liên quan, đưa ra hướng dẫn rõ ràng hơn để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các quyền hàng hải” của Trung Quốc đối với bãi cạn này; đồng thời “các tàu vi phạm từ các quốc gia khác, đặc biệt là của Philippines, bao gồm tàu đánh cá, tàu thực thi pháp luật và tàu quân sự, sẽ bị giám sát chặt chẽ về vị trí và khoảng cách gần với các vùng biển cụ thể”.
Trong khi đó, chuyên gia Raymond Powell tại Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian thuộc Đại học Stanford đánh giá, việc Philippines thông qua luật hàng hải mới là một bước cần thiết về mặt pháp lý. Đồng quan điểm, Giáo sư Zachary Abuza – Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington đánh giá, về cơ bản, luật này không thay đổi mọi thứ trên thực địa, nhưng chúng giúp Philippines khẳng định quyền kiểm soát hiệu quả của mình và tạo cơ sở pháp lý để thách thức các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Điều gì ẩn sau các hành động leo thang căng thẳng vừa qua ở Biển Đông?
Một là, việc “Đạo luật về Vùng biển” của Phillippines khẳng định phần lớn quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là thuộc “lãnh thổ của Philippines” đang làm phức tạp thêm các tranh chấp hiện nay ở Biển Đông, ảnh hưởng đến các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Đồng thời, đạo luật tạo ra các yêu sách chồng chéo về chủ quyền lãnh thổ ở vùng biển chiến lược này; làm ảnh hưởng đến hiện trạng hiện nay ở Biển Đông cũng như hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Hai là, việc Trung Quốc tuyên bố “đường cơ sở cho vùng lãnh hải” tiếp giáp bãi cạn Scarborough là hành động “nội luật hóa” các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông, làm leo thang căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm, xung đột rất lớn trên biển. Trong thời gian tới, khả năng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các hoạt động thực thi quyền chấp pháp xung quanh bãi cạn Scarborough, dựa trên việc quy định “đường cơ sở” này.
Ba là, Trung Quốc đang ngày càng tăng cường thể hiện các gọi là “quyền quản lý thực tế” ở Biển Đông thông qua việc cập nhật bản đồ các đơn vị hành chính mới mà nước này đơn phương thành lập trái phép cũng như công bố danh xưng tiêu chuẩn cho các đảo đá và rạn san hô ở các khu vực tranh chấp. Trung Quốc muốn củng cố sự hiện diện hành chính trên các vùng biển tranh chấp, từ đó tạo điều kiện để thực thi “nội luật” của nước này nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền quá mức ở Biển Đông.
Bốn là, các hành động của cả Trung Quốc và Philippines thời gian qua nhiều khả năng còn nhằm thử phản ứng của chính quyền của Tống thống đắc cử Donald Trump trong thời gian tới. Cả hai bên đều muốn thăm dò phản ứng của Washington đối với vấn đề Biển Đông cũng như trong quan hệ song phương Mỹ, từ đó, có thể điều chỉnh chính sách liên quan vấn đề Biển Đông cho phù hợp với an ninh và lợi ích quốc gia của chính họ.
Tình hình Biển Đông đang tiềm ẩn nguy cơ leo thang căng thẳng, nhất là trong bối cảnh các bên liên quan không thực sự kiềm chế và thiện chí giải quyết tranh chấp trên tinh thần hòa bình vì lợi ích hợp lý, hợp pháp, phù hợp với UNCLOS, luật pháp và thông lệ quốc tế. Mỗi hành động leo thang căng thẳng và vượt tầm kiểm soát của các bên tranh chấp, nhất là giữa Philippines và Trung Quốc như thời gian qua đều có thể dẫn hậu quả không thể lường trước được. Hơn nữa, cách Philippines và Trung Quốc điều hướng chính sách Biển Đông của mình ra sao sẽ có tác động sâu sắc trong cả ngắn hạn và dài hạn đối với động lực địa chính trị rộng lớn hơn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tác giả: Nguyên Long
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. Micah McCartney (2024), China’s New Map Claims Territory Disputed by US Ally, https://www.newsweek.com/china-news-map-claims-territory-disputed-philippines-1983605
2. AP (2024), China maps out baseline claims over a contested South China Sea shoal with the Philippines, https://edition.cnn.com/2024/11/10/asia/china-delimits-south-china-sea-philippines-intl-hnk/index.html
3. Maroosha Muzaffar (2024), China draws up new map for southernmost city amid tension over disputed islands with Philippines, https://www.independent.co.uk/asia/china/china-new-map-philippines-sansha-disputed-island-b2646901.html
4. SCMP (2024), South China Sea: Beijing updates Sansha city map amid flaring tensions over disputed islands, https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3286285/south-china-sea-beijing-updates-sansha-city-map-amid-flaring-tensions-over-disputed-islands
5. Zhou Jin (2024), Baselines for Huangyan Dao released, https://www.chinadaily.com.cn/a/202411/10/WS6730baaea310f1265a1cc856.html
6. ANI News (2024), Philippines opposes China’s new map claim over Scarborough Shoal, https://www.aninews.in/news/world/asia/philippines-opposes-chinas-new-map-claim-over-scarborough-shoal20241113124313/
7. Orange Wang (2024), China’s Scarborough Shoal mapping to allow ‘more targeted’ steps against Philippines, https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3286090/chinas-scarborough-shoal-mapping-allow-more-targeted-steps-against-philippines
8. Leopold Chen (2024), South China Sea: Beijing updates Sansha city map amid flaring tensions over disputed islands, https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3286285/south-china-sea-beijing-updates-sansha-city-map-amid-flaring-tensions-over-disputed-islands?module=top_story&pgtype=subsection
9. Ministry of Foreign Affairs the People’s Republic of China (2024), Foreign Ministry Spokesperson’s Remarks on China’s release of the Baselines and Base Points of the Territorial Sea Adjacent to Huangyan Dao, https://www.fmprc.gov.cn/eng/xw/fyrbt/202411/t20241110_11524122.html
10. Li Yan (2024), China announces standard names of some islands and reefs in the South China Sea, https://www.ecns.cn/news/politics/2024-11-11/detail-iheixwur8179376.shtml
11. RFA (2024), Philippines rejects China’s new map claim in South China Sea, https://www.rfa.org/english/southchinasea/2024/11/11/china-south-sea-baselines/
12. RFA (2024), Increased risk of conflict in South China Sea, forum warns, https://www.rfa.org/english/southchinasea/2024/10/24/south-china-sea-conflict-forum-vietnam/
13. Luo Wangshu (2024), China Coast Guard reiterates sovereignty over Huangyan Island, https://global.chinadaily.com.cn/a/202411/10/WS67308fb3a310f1265a1cc823.html
14. Declare sovereignty! China announces “standard names” for 64 islands and reefs in the South China Sea, https://news.vocofm.com/en/chinanews/118067/
15. Cristina Chi (2024), Philippines accuses China of illegally mapping claims to Scarborough Shoal, https://www.philstar.com/headlines/2024/11/12/2399606/philippines-accuses-china-illegally-mapping-claims-scarborough-shoal
16. Reuters (2024), China and Philippines spar over baseline drawings in South China Sea, https://www.japantimes.co.jp/news/2024/11/14/asia-pacific/politics/china-philippines-maritime-laws/
17. Reuters (2024), Malaysia to protest to Philippines over new maritime laws, https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/927079/malaysia-to-protest-to-philippines-over-new-maritime-laws/story/#goog_rewarded
18. Joseph Yeh (2024), Taiwan rejects South China Sea claims of the Philippines, China, https://focustaiwan.tw/politics/202411120009
19. Jovi Land Rita (2024), PH files diplomatic protest vs China’s Scarborough baseline, https://www.msn.com/en-us/news/national/ph-files-diplomatic-protest-vs-china-s-scarborough-baseline/ar-AA1tYNoP?ocid=Peregrine
20. Tommy Walker (2024), Philippines bolsters maritime claims despite China pressure, https://www.voanews.com/a/philippines-bolsters-maritime-claims-despite-china-pressure/7864730.html
21. Joyce Ann L. Rocamora (2024), PH files protest vs. China-declared baselines in Scarborough, https://www.pna.gov.ph/articles/1237708