Với sự chiếm đóng của quân nổi dậy và sự thất bại của chính quyền quân sự, tương lai của Myanmar đang bị nghi ngờ.
Kể từ khi cuộc chính biến quân sự vào năm 2021 lật đổ Chính phủ dân chủ của Myanmar, quân đội nước này đã phải đối mặt với một cuộc nổi dậy quật cường và kiên định của phiến quân. Những người phản đối chính quyền quân sự rất đa dạng, bao gồm các tổ chức vũ trang đại diện cho nhiều dân tộc thiểu số ở Myanmar và các lực lượng dân quân trung thành với Chính phủ bị lật đổ. Nhiều nhà quan sát cho rằng những nhóm kháng chiến như vậy tỏ ra cứng nhắc, thiếu linh hoạt và yếu đuối để tạo ra một thách thức thực sự cho Chính quyền quân sự. Nhưng mọi thứ đã thay đổi trong những tháng gần đây. Phe nổi dậy đã phát động một cuộc tấn công nhằm vào chính quyền quân sự ở miền bắc bang Shan giáp với Trung Quốc với tên gọi “Chiến dịch 1027”, được đặt tên theo ngày nó bắt đầu, 27/10/2023. Cuộc tấn công được lãnh đạo bởi một liên minh quân đội các dân tộc thiểu số được gọi là Liên minh Ba Anh em, bao gồm Quân đội Quốc gia Arakan, Đội quân Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar và Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta’ang.
Nhờ những nỗ lực của họ, chính quyền quân sự đã bị lung lay. Liên minh Ba anh em hiện kiểm soát Laukkai, thủ phủ của vùng Kokang và nhiều thị trấn khác ở bang Shan. Các tuyến đường thương mại với Trung Quốc và các tuyến đường huyết mạch khác vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân nổi dậy. Điều quan trọng là Chiến dịch 1027 đã lôi kéo thúc đẩy các nhóm kháng chiến khác hành động. Một số độc lập, một số nhóm khác do Chính phủ Thống nhất Quốc gia lãnh đạo – một chính phủ ngầm bao gồm nhiều người ủng hộ nhà lãnh đạo bị lật đổ bởi cuộc đảo chính Aung San Suu Kyi. Chính quyền quân sự đã mất quyền kiểm soát cửa khẩu biên giới với Ấn Độ gần Mizoram và đang nỗ lực giành quyền kiểm soát khu vực trung tâm Mandalay. Tại bang Kayah, chính quyền quân sự đang chịu sức ép từ Quân đội Karenni, trong khi Lực lượng Phòng vệ Nhân dân – một tập hợp các nhóm khác nhau của chính quyền kháng chiến trên danh nghĩa do Chính phủ Thống nhất Quốc gia kiểm soát – và Quân đội Giải phóng Quốc gia Karenni đang quấy rối chính quyền quân sự ở khu vực phía nam Tanintharyi và các khu vực phía đông đông giáp Thái Lan. Tại Bang Rakhine nhạy cảm – nơi khởi đầu cuộc diệt chủng chống lại dân tộc thiểu số người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar từ năm 2016 đến năm 2018 – Quân đội Arakan đã phá vỡ lệnh ngừng bắn mong manh kéo dài hai năm mà họ đã ký với quân đội Myanmar và tấn công vào các vị trí của họ.
Chính phủ quân sự đang gặp bất lợi ở hầu hết các khu vực trên đất nước. Các cuộc tấn công của phe nổi dậy đã được chứng minh là rất hiệu quả, đến nỗi Tổng thống Myanmar đã cảnh báo vào tháng 11/2023 rằng nước này có nguy cơ bị “chia tách”. Vì tuyệt vọng, quân đội Myanmar ngày càng trở nên bạo lực. Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy một cuộc đình chiến mới giữa liên minh Ba anh em và chính quyền quân sự đã khiến Naypyidaw tức giận tiến hành các cuộc không kích trừng phạt nhằm vào các lực lượng đối lập. Theo Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang, ngay cả sau khi ký kết thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 01/2024, chính quyền quân sự vẫn tiếp tục vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Sự trừng phạt tập thể như vậy, mặc dù được coi là đương nhiên đối với chính quyền quân sự, vẫn tiếp tục củng cố thêm những tổn thất về lãnh thổ và chính trị của Naypyidaw. Tinh thần quân đội dường như đi xuống, không có gì ngạc nhiên khi bạo lực đã kích động một cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà quan sát Myanmar về tương lai của đất nước này.
Theo quan điểm của Naypyidaw, khả năng chia nhỏ Myanmar thành một quốc gia dân tộc thiểu số là có thật. Một kịch bản như vậy có thể diễn ra bất kể sự tồn tại của chính quyền quân sự. Nhưng sự thất bại và sụp đổ hoàn toàn của chính quyền quân sự cũng không thể bỏ qua. Nhìn từ quan điểm quân sự khác biệt, Myanmar có thể đang trên đà viết lại khế ước xã hội của mình theo các ranh giới liên bang. Khả năng phục hồi, phối hợp, đổi mới chiến thuật và thành quả chiến lược của cuộc kháng chiến là chưa từng có. Cuộc tấn công mất nhiều tháng để lên kế hoạch và sự phối hợp giữa các nhóm khác nhau đã khơi dậy hy vọng rằng đất nước có thể đạt được một mô hình đoàn kết giữa các sắc tộc trong khuôn khổ chủ nghĩa liên bang. Tương lai của Myanmar sẽ được quyết định bởi sự thành công của cuộc kháng chiến cũng như bởi những thực tế kinh tế và xã hội tiềm ẩn dẫn đến sự tan rã của liên bang ngay từ đầu.
Ma túy và lừa đảo
Cuộc đảo chính năm 2021 đã chấm dứt một thập kỷ thử nghiệm dân chủ. Khi lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi, Tướng Min Aung Hlaing, người lên kế hoạch cho cuộc đảo chính, đã đánh giá sai về hai mặt. Ông đánh giá thấp sự gắn bó sâu sắc của giới trẻ Myanmar với các quyền tự do mà họ đã trải qua từ năm 2011 đến 2021. Trong những năm đó, chủ nghĩa đa số đã làm suy yếu nền dân chủ non trẻ của đất nước và quân đội đã kiểm soát phần lớn Quốc hội nhưng hầu hết mọi người coi dân chủ hóa là một công việc đang được tiến hành và muốn nó tiếp tục. Bằng cách thực hiện một cuộc chính biến, Min Aung Hlaing đã lấy đi giấc mơ của cả một thế hệ và đánh mất chính nền tảng xã hội mà ông cần để duy trì quyền lực của mình. Trong nhiều thập kỷ, lực lượng dân quân dân tộc thiểu số đã chiến đấu chống lại Chính phủ Myanmar, vốn được đa số người Bamar nắm giữ quyền lực. Nhưng sau cuộc đảo chính năm 2021, ngay cả những người đến từ trung tâm Bamar cũng đã gia nhập lực lượng dân quân thiểu số hoặc thành lập các nhóm vũ trang của riêng họ, những nhóm kháng chiến đi đầu trong cuộc tấn công hiện nay.
Khi chính quyền quân sự lật đổ bà Aung San Suu Kyi vào năm 2021 và đẩy đất nước vào tình cảnh hỗn loạn, họ tin rằng các nhóm vũ trang thiểu số sẽ nhanh chóng cầu hòa. Quân đội Myanmar tin rằng họ có thể buộc các lực lượng này phải cúi đầu vì họ mạnh hơn và sẵn sàng lạm dụng vũ lực, trong khi quân đội thiểu số bị chia rẽ và ít có sự hỗ trợ của nước ngoài. Chính quyền quân sự vẫn sử dụng pháo binh và không kích từ trên không để làm suy yếu các thành trì kháng cự mà không quan tâm đến các thương vong ngoài ý muốn. Ở những khu vực thiếu quân lực, chính quyền quân sự đã thuê dân quân tư nhân và sử dụng lực lượng biên phòng để tấn công những người kháng chiến. Các tổ chức ủy quyền như vậy được thanh toán bằng tiền mặt thu được từ hoạt động buôn bán ma túy trong khu vực và bằng cách nhắm mắt làm ngơ trước các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp quy mô lớn. Chẳng hạn như các trung tâm cờ bạc trực tuyến và các vụ lừa đảo trên Internet nhắm vào người dân ở Trung Quốc. Một vụ tấn công tại một trung tâm lừa đảo như vậy thuộc khu vực biên giới với Trung Quốc ở Kokang đã kích hoạt Chiến dịch 1027… Những trung tâm lừa đảo này bắt giữ công dân Trung Quốc làm con tin cho các hoạt động lao động cưỡng bức, bao gồm dọn dẹp, nấu ăn và mại dâm… lấy hàng tỷ đô la ra khỏi nền kinh tế Trung Quốc. Ngày 20/10, các lính canh đã nổ súng vào hàng chục con tin đang cố gắng trốn thoát, giết chết nhiều người, một trong số đó là các điệp viên ngầm của Trung Quốc. Liên minh Ba anh em nhân sự kiện này như cơ hội để phát động Chiến dịch 1027, hứa hẹn sẽ “dọn dẹp” tất cả các trung tâm lừa đảo như vậy ở Kokang.
Chính quyền quân sự đã sai lầm khi cho rằng quân đội thiểu số sẽ sụp đổ dưới áp lực. Trên thực tế, cuộc đảo chính năm 2021 đã làm gia tăng sự lo lắng của các nhóm dân tộc thiểu số. Thậm chí đẩy những người ký kết thỏa thuận ngừng bắn quốc gia năm 2015, được ký kết bởi Naypyidaw và gần 10 nhóm phiến quân khác nhau vào rừng rậm. Cuộc đảo chính đã tạo ra một sự đồng thuận hiếm hoi giữa các phong trào kháng chiến rằng cách duy nhất để giải phóng Myanmar khỏi quân đội là giải phóng đất nước khỏi chính quyền quân sự bằng vũ lực. Nó trái ngược với các biện pháp phi bạo lực được sử dụng bởi một số nhóm trước đó, bao gồm Liên minh Quốc gia Karen và Mặt trận Quốc gia Chin. Đây là thất bại đầu tiên kể từ năm 1949, khi quân đội Myanmar mất quyền kiểm soát các thành phố lớn Mandalay và thị trấn Pyin Oo Lwin, bị quân đội của Liên minh Quốc gia Karen kiểm soát. Đó là bởi vì, ngoài việc đoàn kết lực lượng kháng chiến, cuộc đảo chính còn làm suy yếu sức mạnh của quân đội Myanmar.
Quân đội Myanmar tự coi mình là đội tiên phong của chủ nghĩa dân tộc Phật giáo Myanmar. Sau cuộc đảo chính, nó đã chứng kiến sự sụp đổ trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của mình, thậm chí bao gồm cả những người theo chủ nghĩa cải cách ủng hộ tự do hóa chính trị và kinh tế trong thập kỷ trước. Nhưng khi cuộc nội chiến ở Myanmar lan rộng, binh lính trong quân đội bắt đầu mất niềm tin vào các chỉ huy của họ. Hàng loạt binh lính trong quân đội bắt đầu đào tẩu và trong vòng hai năm sau cuộc đảo chính, 13.000 đến 15.000 quân trong quân đội Myanmar đã thiệt mạng (số lượng ngày nay còn cao hơn). Chính quyền quân sự vẫn không được tin tưởng, cản trở khả năng tuyển mộ binh sĩ. Để làm hài lòng các sĩ quan cấp cao, quân đội cho phép các sĩ quan được hưởng lợi từ các doanh nghiệp tội phạm. Quân đội giúp quản lý nền kinh tế hợp pháp và bất hợp pháp của Myanmar. Tuy nhiên, quân đội đã nhắm mắt làm ngơ trước nạn tham nhũng, làm suy yếu hệ thống chỉ huy và kiểm soát của họ, làm suy giảm tinh thần và gây ra thương vong lớn cho binh lính. Mặc dù sự sụp đổ của quân đội chưa xảy ra, nhưng cuộc nổi dậy đã làm suy giảm đáng kể sức mạnh chính trị, quân sự và kinh tế của quân đội.
Nguyên nhân của các cuộc nổi dậy
Các nhóm kháng chiến cho biết họ muốn làm nhiều hơn là chỉ đánh bại chính quyền quân sự. Họ cũng tuyên bố rằng họ sẽ tái tạo Myanmar thành một quốc gia có nền dân chủ liên bang, trao quyền bình đẳng cho tất cả các cộng đồng, bất kể chủng tộc, tôn giáo hay thành phần dân tộc của họ. Mặc dù Liên minh Ba anh em và Chính phủ Thống nhất Quốc gia không phải là đồng minh chính thức, nhưng sự sẵn sàng phối hợp hành động quân sự có thể được coi là một ví dụ về sự hợp tác cần thiết để thành lập một nước cộng hòa liên bang. Có những dấu hiệu cho thấy các lực lượng dân quân khác đang vượt qua xung đột nột bộ và liên minh với chính phủ quân sự. Tháng 11 vừa qua, hai nhóm đối đầu là Ủy ban phục hồi bang Shan và Đảng Tiến bộ bang Shan đã ký thỏa thuận ngừng bắn. Đảng Tiến bộ Shan đã chống lại chính quyền quân sự kể từ năm 2014, trong khi Ủy ban Phục hồi bang Shan vẫn duy trì các kênh liên lạc với Naypyidaw. Nhưng sự thành công của Chiến dịch 1027 đã khiến Ủy ban Phục hồi bị cô lập, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc làm hòa với quân kháng chiến.
Cuộc chiến bên trong Myanmar nhận được rất ít sự hỗ trợ ngoại giao trong khu vực và không thể mong đợi sự giúp đỡ có ý nghĩa từ nước ngoài. Cách duy nhất để chế ngự chính quyền là vượt qua sự chia rẽ và khai thác các cuộc khủng hoảng nội bộ của chính quyền. Các nhóm kháng chiến đã âm thầm đổi mới cơ chế phối hợp một cách hiệu quả. Họ đã xây dựng các cơ quan gồm Ban Chỉ huy và Điều phối Trung ương, Ủy ban Chỉ huy và Điều phối Liên hợp để đảm bảo rằng dân quân và quân đội các dân tộc có thể phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn. Thông qua các tổ chức này, các nhóm khác nhau sẽ tư duy về chiến thuật và phối hợp hành động quân sự. Chính phủ Thống nhất Quốc gia đã thành lập một ủy ban hỗ trợ phối hợp với Liên minh Ba anh em để lên kế hoạch tấn công, huấn luyện tân binh, cung cấp vũ khí và viện trợ. Để khuyến khích những người đào thoát khỏi quân đội Myanmar, Chính phủ Thống nhất Quốc gia đã xây dựng các trại giúp những người đào tẩu chuyển sang cuộc sống dân sự. Tại Kawlin, một thị trấn ở quận trung tâm Sagaing gần đây đã rơi vào tay Chính phủ Thống nhất Quốc gia, các tù nhân chính trị đã được trả tự do và việc giao thực phẩm và thuốc men đã được nối lại. Tương tự, Quân đội Arakan đã thiết lập các hệ thống quản trị song song tại các khu vực do họ kiểm soát. Họ đã xây dựng các tòa án, cơ chế trị an và các phòng khám y tế, đồng thời cho phép các cơ quan viện trợ hoạt động trên thực địa, chứng tỏ khả năng cầm quyền của mình. Họ còn cung cấp viện trợ cho cả người theo đạo Phật và người theo đạo Hồi ở Rakhine, thể hiện cam kết đối với các nguyên tắc liên bang.
Chính quyền quân sự yếu nhất trong lịch sử
Nhưng giấc mơ liên bang này phải đối mặt với hai thách thức: sự trỗi dậy của căng thẳng giữa các sắc tộc cùng với sự gia tăng của ma túy và buôn bán bất hợp pháp ở Myanmar. Ví dụ, hầu hết các nhóm kháng chiến đều không thoải mái khi tiếp nhận người Rohingya. Quân đội Arakan cam kết khôi phục cuộc sống bình thường cho cộng đồng người Rohingya, mặc dù nhiều thành viên của cộng đồng này đã bỏ chạy khỏi đất nước, nhưng họ không tuyển dụng một người nào, mặc dù họ đã công khai tuyên bố rằng họ là người thế tục. Trên thực tế, Quân đội Arakan đã chiếm giữ tài sản trước đây thuộc về người Rohingya. Tương tự như vậy, các cộng đồng thiểu số nghi ngờ rằng Chính phủ đoàn kết dân tộc có thể quay trở về chủ nghĩa phật giáo-Bamar trong thời kỳ cai trị của Aung San Suu Kyi. Bất chấp sự phối hợp quân sự, sự ngờ vực này khiến liên minh Ba anh em không thể chấp nhận sự lãnh đạo của Chính phủ đoàn kết dân tộc. Những căng thẳng này có thể dễ dàng bùng phát, làm suy giảm mối quan hệ hợp tác giữa họ.
Phân phối nguồn lực là một điểm căng thẳng khác. Mong muốn tự chủ của các cộng đồng thiểu số không chỉ mang tính chính trị mà còn mang tính kinh tế. Một liên minh liên bang đang hoạt động đòi hỏi sự phân bổ các nguồn lực hạn chế một cách công bằng. Giống như chính quyền quân sự, lực lượng kháng chiến đã sa lầy vào việc buôn bán ma túy và không thể tạo ra việc làm quy mô lớn. Tranh giành tài nguyên có thể thúc đẩy các nhóm sắc tộc khác nhau thực hiện chủ nghĩa bảo hộ khi chiến tranh kết thúc, dẫn đến xung đột thứ cấp và có thể chia cắt Myanmar thành các quốc gia sắc tộc giống như tình hình phổ biến ở bang Wa. Mặc dù bang này trên danh nghĩa là một phần của Myanmar, nhưng người Wa có cơ cấu chính trị riêng, sử dụng đồng nhân dân tệ thay vì Kyat và có lực lượng vũ trang độc lập. Sự tồn tại gần như có chủ quyền của họ được Trung Quốc đảm bảo, có thể đóng vai trò là hình mẫu cho các quốc gia dân tộc thiểu số có thể xuất hiện từ đống đổ nát của Myanmar trong tương lai. Nhưng sự phụ thuộc như vậy vào Trung Quốc sẽ làm suy yếu mô hình liên bang. Bắc Kinh không có lợi khi có một nền dân chủ liên bang chặt chẽ ở sân sau của mình. Trung Quốc có thể sẽ sử dụng nhóm này chống lại nhóm khác để duy trì sự ảnh hưởng của họ ở Myanmar.
Có thể nói, thời điểm hiện tại là thời điểm nhạy cảm nhất trong lịch sử hiện đại của Myanmar. Chính quyền quân sự hiện tại yếu nhất trong lịch sử từ trước đến nay. Phong trào kháng chiến đã đạt được những thắng lợi chưa từng có về lãnh thổ, chính trị và quân sự. Các nhóm kháng chiến khác nhau cần thương lượng với nhau về một giải pháp để đảm bảo rằng một Chính phủ hậu quân sự tiềm năng ở Myanmar không rơi vào một cuộc nội chiến, như đã xảy ra khi chính phủ Afghanistan sụp đổ vào những năm 1990. Để tránh lặp lại số phận giống Afghanistan, cuộc kháng chiến của Myanmar nên học hỏi từ phong trào chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, vốn coi trọng hòa giải dân tộc hơn là tập trung quyền lực. Chỉ khi đó Myanmar mới có cơ hội trở thành một quốc gia có nền dân chủ liên bang./.
Biên dịch: Nguyên Nguyễn
Avinash Paliwal là tác giả của cuốn sách “India’s Near East: A New History”. Bài viết được đăng trên tạp chí Foreign Affairs
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]