Dân số nhập cư sinh ra ngoài lãnh thổ Mỹ đã tăng 15% trong vòng 12 năm qua và chính lực lượng lao động gồm 32,5 triệu nhân công này, chủ yếu là người gốc Mỹ Latinh bị bóc lột cao độ, là một trong những nguyên nhân chính cho mức tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ.
Tại Mỹ, nơi những người nhập cư có những đóng góp to lớn vào lịch sử hình thành và phát triển quốc gia, những luận điệu chống đối những người nước ngoài nhập cảnh để tìm kiếm vận may giờ đây đã trở thành “con ngựa chiến” trong các diễn văn tiền bầu cử. Nhưng trái ngược về những cảnh báo về “mối đe dọa”, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rất rõ ràng rằng những cộng động này mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ nói chung và túi tiền của những người bản địa nói riêng.
Vai trò to lớn thường bị phủ nhận
Một báo cáo của Viện George Bush nêu rõ “những địa phương có tỷ lệ người nhập cư cao thường thu được những kết quả khả quan hơn so với các địa phương có tỷ lệ người nhập cư thấp hơn”, với đánh giá cụ thể về tác động tích cực của các nhóm người nhập cư trong nhiều lĩnh vực từ thu nhập cho tới phát triển văn hóa. Báo cáo này đã phản bác những suy luận mơ hồ rằng người nhập cư tước đoạt việc làm của người bản địa hay làm mức lương nói chung hạ thấp, với việc chứng minh bằng những con số rằng những thành phố có tỷ lệ người nhập cư cao có nhiều sáng kiến hơn và đóng góp trực tiếp của những người dân không sinh ra tại Mỹ luôn nằm ở mức cao.
Các nghiên cứu cho thấy người nhập cư sáng tạo ra sản phẩm mới và nhận bằng sáng chế với tỷ lệ cao hơn người bản xứ. Có tới 27% những người theo học bằng thạc sĩ và tiến sĩ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán học là người nước ngoài với thị thực tạm thời. Những người nhập cư chiếm 14% dân số các thành phố lớn nhưng chiếm tới 23% các vị trí việc làm trong các ngành khoa học và công nghệ.
Những người nhập cư có trình độ chuyên môn thấp hơn đảm nhiệm hàng triệu việc làm cơ bản sẽ bị bỏ trống nếu không có sự hiện diện của họ trong các lĩnh vực cơ bản như y tế, công nghiệp chế tạo và xây dựng. Vai trò quan trọng của họ trong lĩnh vực y tế đã như một phước lành cho nước Mỹ trong đại dịch Covid-19: trung bình cứ 3 chỗ làm trong ngành tiền tuyến chống dịch đầy nguy hiểm này thì đã có 1 vị trí do người lao động nhập cư đảm nhiệm. Tương tự, người nhập cư đã giúp “ổn định” các ngành công nghiệp tại miền Trung Tây nước Mỹ, khi bù đắp tình trạng thiếu hụt lao động có thể đã khiến nhiều xí nghiệp tại đây phải đóng cửa.
Và trong khi con số người nhập cư tăng cao tại Mỹ đang gây chia rẽ trong hàng ngũ các chính trị tại khắp đất nước “hợp chúng quốc” này và trở thành một trong những đề tài tranh luận lớn trong cuộc bầu cử tổng thống, vì nó làm dấy lên cảm giác phẫn nộ trong một bộ phận cử tri, thì có một nơi mà hầu như tất cả mọi người đều cảm thấy lạc quan trước hiện tượng đó: Phố Wall.
Các doanh nhân hàng đầu, các quỹ đầu tư đang hài lòng với làn sóng nhập cư đó, nhất là sau khi Văn phòng Ngân khố của Hạ viện Mỹ đưa ra tính toán rằng hoạt động nhập cư sẽ tạo ra mức tăng ròng 7 tỷ USD cho GDP nước Mỹ trong thập kỷ tới. Nói cách khác: hoạt động nhập cư là một mối kinh doanh lớn, nhưng tất nhiên không phải với những người nhập cư.
Các nhà kinh tế của những ngân hàng đầu tư là những người ý thức rõ được động lực mà những người nhập cư mang lại không chỉ đối với lực lượng lao động mà cả với chi phí của người tiêu dùng. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã nâng mức dự báo về tăng trưởng kinh tế Mỹ trong ngắn hạn với tính toán về các tác động này; JP Morgan và BNP Paribas cũng nằm trong số các ngân hàng thừa nhận trong vài tuần qua tác động kinh tế tích cực từ hiện tượng gia tăng lượng người nhập cư.
Janet Henry, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của tập đoàn HSBC nhận định: “Nhập cư không chỉ là một vấn đề có sức nặng về xã hội và chính trị, mà còn là một vấn đề kinh tế vĩ mô rất quan trọng”, đồng thời chỉ ra rằng không một nền kinh tế phát triển nào được hưởng lợi nhiều như Mỹ từ hoạt động nhập cư và “tác động của di cư đóng góp một phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Mỹ trong 2 năm qua”.
Những người lao động nhập cư hiện chiếm tới một phần năm tổng lực lượng lao động toàn nước Mỹ, một kỷ lục kể từ khi Chính phủ Mỹ bắt đầu thống kê chi tiết về chỉ số này từ 2 thập kỷ qua. Các nhà kinh tế và giới chức Mỹ nhiều lần nhấn mạnh mối liên kết giữa sự gia tăng người lao động nước ngoài và quá trình hồi phục nhanh chóng hậu đại dịch. Jerome Powell, Chủ tịch Hội đồng thống đốc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), từng khẳng định rằng làn sóng nhập cư là một trong những nguyên nhân đằng sau sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của “chú Sam”.
Theo thống kê chính thức, bộ phận dân chúng sinh ra ngoài nước Mỹ đã tăng trưởng đáng kể trong vòng nửa thế kỷ qua cả về số lượng tuyệt đối lẫn trong tỷ lệ dân số Mỹ: năm 1970, cộng đông này có số lượng 9,6 triệu người và chiếm 4,7% dân số Mỹ thì tới năm 2022, các con số này lần lượt là 46,2 triệu người và 13,9%.
Đáng chú ý, hơn một nửa số người nhập cư vào Mỹ đến từ các nước Trung và Nam Mỹ, với con số gia tăng hơn 2 triệu người trong vòng 12 năm qua. Trong đó, cho dù đã giảm khoảng 1 triệu người, những người sinh ra tại Mexico vẫn tiếp tục là cộng đồng nhập cư lớn nhất tại Mỹ ngày nay, với tổng số 10,68 triệu người vào năm 2022, tương đương khoảng một phần tư tổng dân số nhập cư của Mỹ. Cũng cần nhớ rằng, những người nhập cư sinh ra tại Mexico mới chỉ là một phần trong tổng số 36 triệu người có nguồn gốc Mexico đang sinh sống tại Mỹ, đồng thời, theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, người nhập cư Mexico cũng là nhóm người không giấy tờ hợp pháp đông đảo nhất nhập cảnh vào Mỹ.
Khoảng 80% người nhập cư sinh ra tại Mexico đã sống tại Mỹ từ trước năm 2010, cho dù khoảng 2 triệu người trong số họ đến Mỹ sau cột mốc trên. Trong vòng 12 năm qua, tỷ lệ người Mexico giành được quyền công dân Mỹ đã gia tăng tới mức ngày nay gần một phần ba người nhập cư sinh ra tại Mexico, mà một nửa trong số họ không có trình độ giáo dục bậc cao, đã trở thành công dân Mỹ.
Một nghề “kinh doanh” tàn bạo và siêu lợi nhuận
Tháng 12/2013, giới chức Mỹ bắt đầu cảnh báo rằng những băng đảng buôn bán ma túy đã xâm nhập vào hoạt động “buôn người” đầy lợi nhuận, nhưng tới nay vẫn hầu như chưa có bước đi mạnh mẽ nào được tiến hành để ngăn chặn hoạt động tội phạm phi pháp và phi nhân tính này. Ngày nay, ngành “kinh doanh” này lớn tới mức có trị giá ít nhất khoảng 10 tỷ USD mỗi năm.
Trước đây, người di cư không giấy tờ thường phải thuê những kẻ “chân gỗ” giúp họ vượt qua biên giới tới Mỹ và hướng dẫn họ trong suốt hành trình, nhưng mô hình này đã thay đổi. Ngày nay, người di cư phải trả tiền cho các băng đảng ma túy, vì từ nhiều năm qua chúng nắm quyền kiểm soát thực sự các con đường bí mật từ Mexico vào Mỹ, theo như nhật báo Mexico “El Economista” (Nhà kinh tế) đã mô tả.
Trên hành trình vượt biên gian nan của mình, trước khi bị tuần cảnh biên giới Mỹ chặn lại, người di cư đã bị các băng đảng ma túy chặn lại: tại mỗi chặng dừng nghỉ họ phải cho chúng thấy những vòng đeo tay mầu xanh, đỏ, tím hay vàng tùy theo quy ước, và phải khai với những kẻ buôn lậu rằng đã nộp tiền cho ai trong băng, và nhiều khi họ phải trả tiền lộ phí không phải để được tới Mỹ mà chỉ là để vượt qua lãnh thổ Mexico tới phần biên giới với Mỹ.
Chỉ riêng tại Texas, hoạt động kinh doanh “dịch vụ” nhập cư trái phép tại bang biên giới Texas đã tạo ra cả một mạng lưới hoàn chỉnh các ngành nghề thứ cấp – mà không hẳn lúc nào cũng là phi pháp – từ cho vay nặng lãi, tẩy trắng tài chính, cho thuê nhà, cò mồi, bảo kê cho tới cả các luật sư mờ ám, thậm chí còn khiến các nhà tù còn trở nên “thịnh vượng”. Năm 2018, vùng đất “miền Tây hoang dã” này đã trở thành tâm điểm của vụ bê bối xuất phát từ chính sách “không khoan nhượng” của tổng thống khi đó Donald Trump, khi chia cắt 2.300 trẻ em của các gia đình nhập cư trái phép khỏi cha mẹ chúng. Texas cũng là địa phương có nhiều cơ sở giam giữ nhất dành cho người nhập cư trái phép. Được xây dựng năm 1983, trung tâm giam giữ tại Houston là nhà tù tư hữu đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Mỹ, và những chủ sở hữu của nhà tù này – CCA (Corrections Corporation of America) và tập đoàn GEO – hiện là hai doanh nghiệp nhà tù lớn nhất nước Mỹ, được giao dịch trên sàn chứng khoán.
Theo trung tâm nghiên cứu “In The Public Interest” (INPI – Vì ích lợi công), mô hình hoạt động này khiến cho các doanh nghiệp trại giam thúc đẩy việc giam giữ ồ ạt những người phạm tội nhẹ. Hai doanh nghiệp vừa nêu trên từng, báo mức lợi nhuận dòng lên tới 4 tỷ USD trong năm 2017, và họ từng “đầu tư” tới 10 triệu USD các chính trị gia và gần 25 triệu từ 1989 tới 2017.
Mặt khác, một nghiên cứu của Hội đồng Dân cư quốc gia Mexico kết luận những người di cư thường phải trả từ 5.000 tới 9.600 USD để đi xuyên qua lãnh thổ “đất nước Aztec” và khoảng 2.200 USD nữa để được một người dẫn đường đưa qua biên giới Mexico – Mỹ. Về phần mình, các tổ chức tội phạm có tổ chức lại phụ thuộc việc làm ăn của mình vào mối quan hệ với các quan chức tham nhũng. Rất ít người di cư bất hợp pháp vượt được qua chặng đường “trường chinh” ấy và tới được đích đến của mình mà không có sự tham gia của giới tội phạm có tổ chức; nói cách khác là các băng đảng Mexico đang hưởng lợi từ sự tuyệt vọng của người di cư.
Giờ đây, các băng đảng từng khét tiếng với hoạt động buôn bán ma túy như Sinoala, Jalisco và Zetas đang kiểm soát hoạt động vận chuyển người di cư. Thành phố Juárez (giáp giới với Mỹ, thường được biết tới với biệt danh “thành phố bạo lực nhất thế giới”, với tỷ lệ người bị sát hại còn cao hơn cả các nơi đang có chiến tranh) thường xuyên chứng kiến các vụ đụng độ đẫm máu giữa các nhóm Mexicles (cánh vũ trang của băng đảng Sinaloa) và Línea (thuộc băng đảng Juárez) để giành quyền “cung cấp dịch vụ độc quyền” cho các đoàn người di cư.
Còn tại Colombia, lãnh thổ mà những người di cư từ Nam Mỹ tới Mỹ cần phải đi qua, tình cảnh cũng không khác nhiều. Jeremy McDermott, Giám đốc tại Colombia của cơ quan nghiên cứu quốc tế InSight Crime, tổng kết rằng có 2 băng đảng lớn hiện đứng đằng sau hoạt động buôn bán người di cư tại quốc gia Nam Mỹ này: nhóm Tren de Aragua (tầu hỏa Aragua), một siêu băng đảng chủ yếu “làm ăn” với người di cư Venezuela, và nhóm tự vệ Gaitanistas (lấy theo tên của cựu chính trị gia được lòng dân Colombia Jorge Gaitán) hay còn được với tên gọi quen thuộc hơn là Clan de Golfo (Băng vùng Vịnh).
Trong đó, rừng rậm Darien – nằm tại biên giới Colombia – Panama và là “nút cổ chai” mà mọi đoàn người di cư từ Nam Mỹ lên Mỹ phải đi qua – trong vài năm qua đã nhanh chóng trở thành điểm nóng của một cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo cấp châu lục: con đường gian nan và đầy rẫy nguy hiểm thuộc đủ loại này từ chỗ chỉ đếm được “nhỏ giọt” người di cư liều lĩnh nhất đi qua thì nay đang chứng kiến những “dòng lũ” những con người tìm kiếm vận mệnh mới. Theo thống kê chính thức của Panama, chỉ riêng trong năm 2023, đã có 360.000 người di cư vượt qua “nút cổ chai” Darien (con số người thiệt mạng tại Darien – tỷ lệ khá cao so với tổng số người thử vận may qua đây – thường không thể thống kê được chính xác), vượt xa kỷ lục 250.000 ngươi fnawm 2022.
Để ứng phó, Mỹ, Colombia và Panama đã ký một thỏa thuận nhằm “chấm dứt dòng vận chuyển người bất hợp pháp”, một thực hành “gây ra cái chết và tình trạng bóc lột những người yếu thế để tìm kiếm lợi nhuận cao và phi pháp”. Ngày nay, những khoản lợi nhuận đang ở mức cao hơn bao giờ hết: chỉ riêng trong năm 2023, những thủ lĩnh địa phương đã đút túi hàng chục triệu USD nhờ việc vận hành – với quy mô ngày càng lớn và cách thức ngày càng chuyên nghiệp – những công đoạn khác nhau của dòng người di cư. Fredy Marin, người từng là quan chức của huyện Necoclí, thuộc bang ven biển Antioquia, nhưng hiện đã chuyển sang mở “công ty” cung cấp xuồng máy chuyên chở người vượt biên tới Mỹ với giá 40 USD/lượt đã tóm tắt: “có cả một nền kinh tế thật đẹp ở đây”.
Tóm lại, nếu Mỹ từng thất bại dù bỏ ra nhiều tỷ USD suốt vài thập kỷ trong cuộc chiến chống nạn buôn lậu ma túy do chiến lược “đánh ngọn không đánh gốc”, nghĩa là không xử lý những nguyên nhân kinh tế – xã hội của vấn đề mà chỉ nhắm vào các hiện tượng tội phạm, đồng thời đan xen lồng ghép nhiều mục đích chính trị vào các dự án, chương trình trong cuộc chiến này; thì thật khó để tin rằng với một tâm lý tương tự họ có thể giành những kết quả khả quan hơn trong vài năm tới trong cuộc chiến chống hoạt động di cư bất hợp pháp – một cuộc chiến thậm chí còn mang nhiều động cơ chính trị thời vụ hơn trong khi mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ chẳng kém./.
Biên tập và chuyển ngữ: Uyển My
Tác giả Mirko C. Trudeau là nhà kinh tế, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị người Mỹ, cộng tác viên của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Mỹ Latinh (CLAE)
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]