Vào ngày 17/03/2023, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh liên quan đến vụ bắt cóc trẻ em từ Ukraine. Các cáo buộc khẳng định, hàng ngàn trẻ em Ukraine đã bị bắt cóc và vận chuyển vào Nga.
Lệnh này đánh dấu lần đầu tiên ICC ban hành lệnh bắt giữ một nguyên thủ quốc gia đương nhiệm. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Nga đã không phê chuẩn đạo luật mà ICC được thành lập và do đó, không công nhận quyền tài phán của tổ chức này. Phản ứng về động thái của ICC, Điện Kremlin ngày 17/03/2023 tuyên bố không công nhận thẩm quyền của ICC. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga nhận thấy chính những tuyên bố mà ICC đưa ra là “thái quá và không thể chấp nhận được”, nhấn mạnh mọi quyết định của tòa án này là “vô hiệu” đối với Nga. Phát biểu tại một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Đại diện Thường trực của Nga tại LHQ Vassily Nebenzya cho biết, ICC, cơ quan sẵn sàng thực thi công lý giả tạo theo lệnh của phương Tây, đã cho thấy sự kém cỏi của mình; nhấn mạnh: “Tòa án quốc tế thiên vị, bị chính trị hóa và kém năng lực này một lần nữa chứng tỏ sự kém cỏi của mình. ICC là con rối trong tay của tập thể phương Tây, luôn sẵn sàng thực thi công lý giả tạo theo mệnh lệnh… Điều đặc biệt đáng hoài nghi là các quyết định không có trọng lượng đáng kể về mặt pháp lý (lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin) đã được công bố vào đêm trước dịp tròn 20 năm cuộc xâm lược bất hợp pháp của Mỹ vào Iraq, vụ việc mà ICC có quyền tài phán, nhưng không làm gì để buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm”. Nga cũng mở các cuộc điều tra hình sự nhằm vào thẩm phán và công tố viên Tòa án đưa ra lệnh bắt giữ Tổng thống Putin đã “vi phạm luật pháp Nga, bao gồm vu khống, tìm cách tấn công đại diện nước ngoài được bảo vệ theo luật pháp quốc tế, với mục đích gây phức tạp quan hệ quốc tế”. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 20/03/2023 cảnh báo, việc ICC phát lệnh bắt Tổng thống Putin sẽ gây hậu quả khủng khiếp với luật pháp quốc tế và còn đưa lời đe dọa phóng tên lửa nhằm trả đũa vào The Hague, nơi đặt trụ sở ICC.
Mặc dù Nga kịch liệt phê phán quyết định của ICC và khả năng Tổng thống Vladimir bị bắt giữ theo quyết định của ICC hầu như không thể xảy ra, nhưng, cuộc điều tra và bản cáo trạng tiềm năng của ICC có thể gây ra tác động lâu dài cả về chính trị và ngoại giao đối với Nga nói chung và bản thân Tổng thống Vladimir Putin nói riêng. Quyết định này cũng sẽ khiến Nga có thể bị cô lập hơn nữa khỏi cộng đồng quốc tế và có khả năng dẫn đến các biện pháp trừng phạt kinh tế trong tương lai.
Hồ sơ ICC: Tòa án quốc tế hay Tòa án của phương Tây?
Ý tưởng thành lập nền tư pháp hình sự quốc tế hình thành từ rất sớm, từ những năm 20 đầu thế kỷ 20, trước khi LHQ ra đời, xuất hiện ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhằm trừng phạt những nhà lãnh đạo chính phủ lạm dụng quyền lực để phát động chiến tranh, đàn áp và sát hại hàng loạt dân thường. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các tòa án đặc biệt (Nuremberg, Tokyo) đã xét xử các nhân vật cầm đầu Đức quốc xã và nước Nhật quân phiệt. Từ cuối thập niên 1940 đến thập niên 1990, chiến tranh Lạnh làm ngưng trệ tiến trình, cho đến khi đối đầu Đông-Tây chấm dứt. Trên cơ sở Chương VII Hiến chương LHQ, Hội đồng Bảo an đã thành lập hai tòa án hình sự quốc tế: một về Nam Tư (theo Nghị quyết số 808 ngày 22/2/1993) và một về Ruanđa (theo nghị quyết số 955 ngày 8/11/1994). Năm 1998, hội nghị quốc tế có 120 nước tham dự đã thông qua dự thảo hiệp ước thành lập ICC. Gần bốn năm sau, ICC chính thức được thành lập. Mặc dù sự ra đời của ICC là kết quả của một thỏa thuận quốc tế giữa các quốc gia, tuy nhiên không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của Ủy ban pháp luật quốc tế của LHQ. Ngay từ khi thành lập vào năm 1948, Ủy ban pháp luật quốc tế đã tiến hành nghiên cứu, xem xét về một thiết chế tư pháp quốc tế – ICC thường trực – theo yêu cầu của LHQ. Kết quả làm việc của Ủy ban này chính là phần quan trọng của Quy chế Rome về ICC.
Tóm lại, ICC được hiểu là Tòa án quốc tế thường trực được thành lập trên cơ sở hiệp ước – Quy chế Rome – để xem xét trách nhiệm hình sự của những cá nhân phạm các tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất như tội diệt chủng, tội chống nhân loại, tội ác chiến tranh và tội xâm lược. Đây là những tội ảnh hưởng lớn đến những giá trị chung của cộng đồng quốc tế nên cần phải bị trừng trị nhằm ngăn ngừa tội phạm, hạn chế đến mức tối đa sự bỏ lọt tội phạm và trốn tội, củng cố an ninh và trật tự trên thế giới, và đặc biệt là bảo vệ những giá trị của xã hội văn minh – các quyền con người. Đây là tòa án giải quyết cuối cùng, nghĩa là nó chỉ có thể thực thi quyền tài phán của mình nếu một quốc gia không muốn hoặc không thể để truy tố cá nhân chịu trách nhiệm về tội phạm. Có thể nhận thấy rõ rằng, ICC theo Quy chế Rome là thiết chế được thừa hưởng và hoàn thiện trên cơ sở các thành tựu của lịch sử loài người trong việc bảo vệ các quyền con người như Luật quốc tế về nhân quyền, Luật nhân đạo quốc tế, Luật xung đột vũ trang. Để đảm bảo cho việc hình thành Tòa án, ngoài quy chế Rome còn có một số văn bản khác hỗ trợ như: Quy tắc về thủ tục và chứng cứ (Rules of Procedure and Evidence) và các yếu tố cấu thành tội phạm (Elements of Crimes); Thỏa thuận về các quyền ưu đãi và miễn trừ của ICC (Agreement on Privileges and Immunities of ICC – Apic). ICC là một tổ chức quốc tế độc lập và không thuộc hệ thống tư pháp của Liên hợp quốc.
Trong lịch sử của ICC, tổ chức này đã truy tố thành công nhiều tội phạm chống lại loài người nhưng cũng bị cáo buộc thiên vị phương Tây. Thành công đáng chú ý nhất là việc ICC kết án cựu Phó Tổng thống Congo Jean-Pierre Bemba vào năm 2016 vì tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người đã gây ra ở Cộng hòa Trung Phi. Bemba bị bắt vào năm 2008 theo lệnh của ICC và đã bị tòa án xét xử và kết án vào năm 2016. Một thành công đáng chú ý khác là việc đầu thú và truy tố cựu Tổng thống Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo, người đã bị bắt vào năm 2011 theo lệnh của ICC và được xét xử và tha bổng vào năm 2019.
Tuy nhiên, ICC cũng đã phải đối mặt với những lời chỉ trích và thách thức trong những năm qua. Một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, đã không ký kết ICC, với lý do lo ngại về thẩm quyền của tòa án và tác động tiềm ẩn đối với chủ quyền quốc gia. ICC đã phải đối mặt với cáo buộc thiên vị đối với một số quốc gia hoặc nhóm quốc gia, chính trị hóa và kém hiệu quả, đồng thời phải vật lộn với các vấn đề liên quan đến bảo vệ nhân chứng, hợp tác từ các quốc gia và thực thi lệnh bắt giữ. Những người chỉ trích cho rằng, tòa án do các nước phương Tây chi phối và tòa án đã nhắm mục tiêu không công bằng vào các nhà lãnh đạo từ châu Phi trong khi phớt lờ những hành động tàn bạo của các nhà lãnh đạo từ các nơi khác trên thế giới.
Một số người lập luận rằng, việc ICC tập trung vào việc truy tố các cá nhân về tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh có thể làm suy yếu các cuộc đàm phán hòa bình và hòa giải, đồng thời lưu ý rằng, quyền miễn trừ đối với các nhà lãnh đạo là cần thiết cho hòa bình và ổn định trong một số tình huống.
Ví dụ, Mỹ đã tách mình ra khỏi tòa án, thông qua luật cấm hợp tác với ICC và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ICC. Nước này cũng tuyên bố rằng, ICC đặt ra mối đe dọa đối với chủ quyền của mình và rằng, ICC nhắm mục tiêu không công bằng vào các quan chức và quân nhân Mỹ. Trung Quốc cũng đã chỉ trích các hành động của tòa án, bao gồm cả các cuộc điều tra về các tội ác bị cáo buộc ở Myanmar. Trung Quốc cho rằng, ICC bị chính trị hóa và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Ấn Độ khẳng định, thẩm quyền của tòa án chỉ giới hạn đối với các tội phạm xảy ra ở các quốc gia đã phê chuẩn Quy chế Rome và hệ thống pháp luật của chính họ có khả năng xử lý các trường hợp phạm tội ác chiến tranh, diệt chủng và tội ác chống lại loài người.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của các quốc gia đã ký kết tham gia ICC
Các quốc gia ký kết có nghĩa vụ hợp tác với ICC, bao gồm việc bắt giữ và giao nộp những cá nhân đã bị tòa án truy tố. Vì ICC không có cơ chế thực thi riêng nên tổ chức này chủ yếu dựa vào sự hợp tác của các quốc gia để thực hiện lệnh bắt giữ. Nếu một nhà lãnh đạo chính trị có lệnh bắt giữ đang chờ xử lý đến thăm một quốc gia đã ký kết ICC, quốc gia đó sẽ có nghĩa vụ bắt giữ và giao nộp cá nhân đó cho tòa án. Trong những trường hợp như vậy, khả năng thành công của lệnh bắt giữ sẽ cao hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều quốc gia không có ý chí chính trị hoặc khả năng thực hiện một vụ bắt giữ như vậy. Hơn nữa, một số quốc gia có thể chọn không hợp tác với ICC hoặc có thể có lý do chính trị hoặc chiến lược riêng để không bắt giữ những cá nhân đã bị tòa án truy tố. Do đó, khả năng thực tế của việc một nhà lãnh đạo chính trị như Tổng thống Putin bị bắt và giao nộp cho ICC là rất khó dự đoán và sẽ phụ thuộc vào một loạt các yếu tố chính trị, pháp lý và thực tế.
Kevin Jon Heller, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Copenhagen đánh giá: “Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng. Không phải ngày nào một nguyên thủ quốc gia đương nhiệm cũng bị tòa án quốc tế buộc tội. Nhưng tất nhiên, khả năng Putin sớm bị giam giữ là khá thấp”. Từ quan điểm pháp lý, bất kỳ quốc gia thành viên ICC nào cũng có nghĩa vụ thi hành phán quyết này. Nếu Tổng thống Vladimỉ Putin đến lãnh thổ của đất nước đó, giới lãnh đạo sẽ có nghĩa vụ bắt giữ và giao Tổng thống Putin cho ICC. Do đó, quyết định của ICC vừa qua thực chất đang đặt ra một tình huống “nhạy cảm” cho các quốc gia có ý định đón tiếp các chuyến thăm của Tổng thống Putin trong tương lai.
Agnès Callamard, Tổng thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng: “Thông báo này là một tín hiệu quan trọng – đối với cả Ukraine và phần còn lại của thế giới – rằng, những người bị cáo buộc chịu trách nhiệm về các tội ác theo luật pháp quốc tế ở Ukraine sẽ bị bắt giữ và xét xử, bất kể bằng cách nào”. Tổng thống Putin hiện chính thức là kẻ bị truy nã. Sau bản cáo trạng của ICC đối với Tổng thống Putin và Ủy viên phụ trách trẻ em Lvova-Belova về tội ác chiến tranh (“cưỡng bức chuyển giao trẻ em”), nếu Tổng thống Putin hoặc bà Lvova-Belova rời khỏi Nga, các quốc gia phải từ chối cung cấp nơi trú ẩn an toàn của cho hai người này, phải bắt giữ họ ngay lập tức và giao nộp họ cho ICC”. Hiện nay, quyền tài phán của ICC có hiệu lực ở các quốc gia đã phê chuẩn Quy chế Rome. Ukraine không tham gia Quy chế Rome, nhưng Ukraine đã trao cho ICC quyền điều tra các tội phạm xảy ra trên lãnh thổ của mình. Quy chế Rome đã được phê chuẩn bởi 123 quốc gia, bao gồm các quốc gia Nam Mỹ và gần một nửa số quốc gia châu Phi, vì vậy, các quốc gia này phải xem xét các lệnh do ICC ban hành.
Những thách thức về chính trị, ngoại giao đối với Nga và xu hướng quan hệ giữa Nga với phương Tây thời gian tới
Trên thực tế, khả năng Tổng thống Putin bị bắt giữ để giao cho ICC gần như không thể xảy ra. Tuy nhiên, động thái của ICC sẽ đặt ra những thách thức rất lớn về chính trị, ngoại giao đối với Nga. Trong đó, có thể đề cập đến như:
Thứ nhất, quyết định của ICC đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín quốc tế của Nga. Quyết định của ICC tạo ra cơ sở pháp lý và chính trị để phương Tây có nhiều áp lực hiệu quả và nghiêm ngặt hơn đối với các nguyên thủ quốc gia hợp tác với Tổng thống Putin. Tổng thống Putin sẽ gặp những vấn đề “khó chịu” nhiều hơn khi đến thăm các quốc gia khác hoặc tham gia các hội nghị, diễn đàn quốc tế vì chính phủ các quốc gia đó sẽ phải giải thích với dư luận quốc tế nếu như cho phép ông Putin quá cảnh mà không tiến hành bắt giữ.
Trong 123 quốc gia tham gia ICC, có một số quốc gia đồng minh quan trọng của Nga và đã tham gia vào các hiệp ước với Nga như: Serbia (phần lớn người dân nước này có cảm tình với Tổng thống Putin); Tajikistan (quốc gia tham gia vào hiệp ước Tổ chức An ninh Tập thể – CSTO); Nam Phi, Brazil (các quốc gia tham gia khối BRICS); Phần lớn các quốc gia châu Phi mà Nga đang mở rộng ngoại giao như: Nigeria, Uganda, Mali, Nam Phi, Công-gô… Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm nay sẽ được tổ chức vào tháng 08/2023 ở Nam Phi. Khi đó, việc đón tiếp Tổng thống Putin, nhân vật đang bị ICC truy nã, chắc chắn sẽ là một “vấn đề ngoại giao” đối với giới lãnh đạo Nam Phi. Trong khi đó, khối CSTO cũng sẽ gặp các vấn đề tương tự khi phải đối mặt trước áp lực ngoại giao với “tội phạm quốc tế”, trong đó, Tajikistan là thành viên của ICC.
Thứ hai, việc ICC ra lệnh truy nã Tổng thống Putin đã chấm dứt hoàn toàn các quan hệ của Mỹ và phương Tây với Nga theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Dù Mỹ và phương Tây không phải là kẻ phán quyết, nhưng các quốc gia này đã giật dây biến ICC trở thành công cụ để tránh một cuộc đối đầu quân sự, chuyển sang cô lập Tổng thống Putin bằng phán quyết của ICC, thực hiện đánh bại Nga bằng học thuyết chiến tranh cô lập, tiêu hao tự sụp đổ. Việc ICC ra lệnh bắt Tổng thống Putin còn tạo ra một tiền lệ để bao vây, cô lập, phong tỏa những cá nhân, tổ chức tại các quốc gia ủng hộ Nga, ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt. Những hệ lụy về việc ICC ra lệnh bắt Tổng thống Putin sẽ dẫn đến nhiều rủi ro cho nhiều quốc gia khác, đẩy thế giới về hai thái cực đối đầu, với những quốc gia nhỏ sẽ khó có khả năng thực hiện chính sách ngoại giao “đu dây” trong việc lựa chọn đứng về bên nào trong các vấn đề quốc tế.
Thứ ba, động thái này của ICC thực chất còn nhằm hạ uy tín của Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà ICC chọn thời điểm Nga và Trung Quốc công bố về chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Moskva để đưa ra bản án và lệnh truy nã Tổng thống Putin. Động thái này sẽ khiến cái ôm thắm thiết của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Putin sẽ có chút “ngượng ngùng”. Với tham vọng vươn lên trở thành một cường quốc có vai trò và ảnh hưởng ngày càng lớn trên trường quốc tế, chắc chắn, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không “thoải mái” khi bị gắn liền với điều tiếng không tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là đối với 123 nước đã ký công ước thừa nhận vai trò pháp lý của ICC và cam kết sẽ hành động theo lệnh của Tòa Án này.
Thứ tư, sự việc này đã mở ra một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Động thái này đã truyền tải một thông điệp rõ ràng là, chiến tranh Nga-Ukraine sẽ không thể kết thúc bằng bất kỳ biện pháp hòa bình hay ngừng bắn nào, ngay cả khi Quân đội Nga rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Nga sẽ phải đối mặt với áp lực phải giao nộp tội phạm chiến tranh cho ICC.
Tổng hợp và phân tích: Đức Minh