Cuối tháng 10 năm nay, nhóm các quốc gia BRICS sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên tại thành phố Kazan của Nga. Tổ chức được đặt tên theo chữ cái đầu của 5 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cho đến nay đã mở rộng số lượng, bao gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tuy chưa chính thức gia nhập, Ả Rập Xê Út cũng đã tham gia tích cực vào các hoạt động của tổ chức. Kết hợp lại, mười quốc gia này chiếm tới 35,6% GDP toàn cầu theo sức mua tương đương (nhiều hơn 30,3% của G7) và 45% dân số thế giới (trong khi G7 chỉ chiếm chưa đến 10%). Trong những năm tới, BRICS có khả năng sẽ mở rộng hơn nữa, với hơn 40 quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập, bao gồm các cường quốc mới nổi như Indonesia.
Với BRICS, Putin có thể tuyên bố rằng bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga sau cuộc xung đột với Ukraine, đất nước của ông không những không bị ruồng bỏ trên trường quốc tế mà còn là một thành viên chủ chốt của một tổ chức năng động sẽ định hình tương lai của trật tự quốc tế. Thông điệp đó không chỉ đơn thuần là lời nói khoa trương, mà còn là minh chứng cho tài ngoại giao của Moscow trong việc lôi kéo các quốc gia phi phương Tây gia nhập tổ chức.
Khi Hoa Kỳ và các đồng minh ngày càng ít có khả năng định hình trật tự toàn cầu một cách đơn phương, nhiều quốc gia khác đang tìm cách tăng cường quyền tự chủ của mình thông qua việc thu hút sự chú ý từ các trung tâm quyền lực khác. Với việc không thể hoặc không muốn gia nhập các cơ chế được dẫn dắt bởi Hoa Kỳ (như G7) và ngày càng mất niềm tin vào các tổ chức tài chính toàn cầu do Washington đứng sau (như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới), việc các quốc gia tìm kiếm và thiết lập quan hệ với các sáng kiến và tổ chức phi phương Tây dần trở thành xu hướng mới, và BRICS được coi là một trong số các sáng kiến phù hợp với nhiều tầm ảnh hưởng nhất.
Kể từ khi được thành lập vào 15 năm trước, nhiều nhà phân tích phương Tây đã dự đoán về sự tan rã của BRICS do khác biệt trong quan điểm giữa các thành viên. Tuy nhiên, cho tới nay, BRICS vẫn còn tồn tại. Bất chấp các sự kiện địa chính trị toàn cầu như xung đột Nga – Ukraine hay căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong những năm gần đây, BRICS vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm từ các quốc gia đang phát triển, coi cơ chế này là một “phương tiện” quan trọng để định hướng tương lai bản thân.
Dù có sức hấp dẫn rất lớn nhưng hiện nay, BRICS vẫn đang phải vật lộn với một vài rạn nứt trong nội bộ. Một số thành viên của tổ chức, chủ yếu là Trung Quốc và Nga, muốn định vị BRICS trở thành tổ chức chống phương Tây và trật tự toàn cầu do Hoa Kỳ tạo ra. Việc bổ sung Iran – “kẻ thù không đội trời chung” của Washington – đang làm gia tăng cảm giác rằng các nước thành viên đang đứng về một bên trong một trận chiến quy mô lớn với phương Tây. Song, các quốc gia như Brazil và Ấn Độ không chia sẻ tham vọng này. Thay vào đó, họ chỉ muốn sử dụng BRICS để dân chủ hóa và thúc đẩy cải cách trật tự hiện tại, giúp định hướng thế giới từ sự đơn cực đang phai nhạt hậu Chiến tranh Lạnh sang một thế giới đa cực rõ nét hơn, mà trong đó các quốc gia có thể “lèo lái” giữa các cơ chế do Hoa Kỳ và Trung Quốc dẫn dắt. Sự cạnh tranh giữa các quốc gia chống phương Tây và các quốc gia không liên kết này sẽ không chỉ định hình tương lai của BRICS, mà còn để lại những ảnh hưởng lớn cho trật tự toàn cầu.
Những nỗ lực định hình BRICS của Nga
Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan diễn ra sau nhiều nỗ lực ngoại giao của Điện Kremlin nhằm biến tổ chức hỗn tạp này trở thành một tổ chức toàn cầu và chủ động. Năm 2006, Nga đã triệu tập cuộc họp đầu tiên giữa các Bộ trưởng ngoại giao BRIC tại New York trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên hợp quốc. Vào tháng 6 năm 2009, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã tiếp đón các nhà lãnh đạo của Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ trong một hội nghị thượng đỉnh khai mạc tại Yekaterinburg. Và đến năm 2010, Nam Phi trở thành thành viên tiếp theo, hoàn thành tên viết tắt của tổ chức như ngày nay.
Mười lăm năm trước, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bắt nguồn từ Hoa Kỳ đã khơi dậy sự quan tâm đến nhóm BRIC. Việc các cơ quan quản lý của Washington không ngăn chặn được cuộc khủng hoảng và sự kém hiệu quả lộ rõ của các cơ chế như Bretton Woods—chưa kể đến sự tăng trưởng ngoạn mục liên tục của Trung Quốc trong thời điểm các nền kinh tế phương Tây đang chật vật—đã thúc đẩy các lời kêu gọi phân phối lại quyền lực và trách nhiệm kinh tế toàn cầu giữa phương Tây và các khu vực đang phát triển. BRICS là một trong những tổ chức tiêu biểu nhất đã thể hiện quan điểm này. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Moscow và các đối tác của mình chủ yếu nỗ lực cải thiện trật tự hiện có, chẳng hạn như việc thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) nhằm bổ sung cho các thể chế quốc tế như IMF hay WB, chứ không phải phá hoại nó.
Tuy nhiên, Nga nhìn thấy mục đích và giá trị lớn hơn ở BRICS sau khi phải trải qua việc sáp nhập Crimea năm 2014, cuộc chiến ở miền đông Ukraine và các lệnh trừng phạt phối hợp của phương Tây. Moscow đã mô tả hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2015 là một dấu hiệu cho thấy họ không bị cô lập và tổ chức này có thể đóng vai trò thay thế cho G7 (là G8 trước khi Nga bị trục xuất). Cảm giác của Điện Kremlin rằng BRICS sẽ là nơi ẩn náu khỏi sự bá quyền của Hoa Kỳ chỉ trở nên rõ ràng hơn kể từ cuộc xung đột tại Ukraine năm 2022.
Mối quan hệ của Nga với các thành viên BRICS khác là Trung Quốc và Ấn Độ đã giúp Moscow vượt qua chiến dịch trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vẫn gây ảnh hưởng gián tiếp tới Nga, chẳng hạn như áp lực từ Washington đã buộc nhiều ngân hàng Trung Quốc phải chấm dứt giao dịch với các đối tác Nga trong năm nay, do đó làm gián đoạn các chương trình thanh toán và gia tăng chi phí giao dịch cho các nhà nhập khẩu Nga. Công cụ trừng phạt này của Washington không chỉ ảnh hưởng đến các khoản thanh toán bằng đô la Mỹ của Moscow mà đến cả các khoản thanh toán bằng Nhân dân tệ. Những lệnh trừng phạt đó cũng đã được áp dụng cho NDB của BRICS, khiến cho mọi dự án ở Nga bị đóng băng.
Bất chấp những khó khăn này, BRICS vẫn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của Nga. Trước tháng 2 năm 2022, Moscow hy vọng vào một trật tự đa cực trong đó Nga có thể cân bằng quan hệ với hai siêu cường thế giới là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đã đập tan tàn dư của chủ nghĩa thực dụng trong chính sách đối ngoại của Điện Kremlin. Vì Putin coi cuộc chiến là một phần của cuộc cạnh tranh lớn hơn với phương Tây, nên giờ đây ông đang tìm cách làm suy yếu vị thế của Hoa Kỳ ở bất cứ nơi nào có thể – bao gồm cả việc làm suy yếu các các thể chế toàn cầu hiện tại hay hỗ trợ Trung Quốc thách thức quyền bá chủ của Hoa Kỳ. Cách tiếp cận này có thể được nhìn thấy trong nhiều lĩnh vực, bao gồm việc Nga chia sẻ công nghệ quân sự tiên tiến với Trung Quốc, Iran và Triều Tiên; nỗ lực chấm dứt các cơ chế trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng; thúc đẩy các chương trình thanh toán không bị phương Tây kiểm soát. Với bài phát biểu hồi tháng 7 năm nay, Putin đã tóm tắt chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ chủ tịch BRICS của Nga là một “quá trình đầy gian nan” nhằm lật đổ “chủ nghĩa thực dân cổ điển” mà Hoa Kỳ lãnh đạo, kêu gọi chấm dứt “sự độc quyền” của Washington trong việc đặt ra các quy tắc.
Trong cuộc chiến chống lại “sự độc quyền” của phương Tây, Putin đã xác định chiến dịch quan trọng nhất là làm suy yếu sự thống trị của đồng Đô-la trong các giao dịch tài chính quốc tế. Thông qua BRICS, Nga hy vọng xây dựng một hệ thống thanh toán và cơ sở hạ tầng tài chính có thể chống lại các lệnh trừng phạt với sự tham gia của tất cả các quốc gia thành viên. Hoa Kỳ có thể gây sức ép với từng đối tác của Nga, nhưng điều đó sẽ khó khăn hơn nhiều hoặc thậm chí là không thể nếu các quốc gia này tham gia một hệ thống thay thế có sự tham gia từ các đối tác quan trọng của Hoa Kỳ như Brazil, Ấn Độ và Ả Rập Xê Út. Việc NDB đình chỉ các dự án ở Nga sẽ là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng BRICS cần phải phát triển hơn nữa để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Vai trò lãnh đạo của Trung Quốc
Nga có thể là quốc gia tiên phong trong việc sử dụng BRICS để tạo ra một giải pháp thay thế cho trật tự toàn cầu mà Hoa Kỳ lãnh đạo, nhưng Trung Quốc mới là động lực thực sự thúc đẩy sự mở rộng của tổ chức này. Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, Bắc Kinh cũng cùng có chung quan điểm với Moscow trong việc thúc đẩy BRICS trở nên phù hợp hơn với tình hình thế giới. Trung Quốc muốn định vị mình là một phần của nhóm các nước đang phát triển đầy năng động, tìm cách tái cân bằng các thể chế toàn cầu để phản ánh sự chuyển dịch về sức mạnh kinh tế và công nghệ một cách công bằng hơn. Tuy nhiên với phương châm “giấu mình chờ thời”, Bắc Kinh dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vẫn chưa sẵn lòng lãnh đạo BRICS.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi kể từ khi Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo của Trung Quốc vào năm 2012. Chỉ 1 năm sau đó, Bắc Kinh đã đưa ra một dự án đầy tham vọng với tên gọi Sáng kiến Vành đai và Con đường – một chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng với quy mô toàn cầu. Cùng thời điểm đó, Trung Quốc đã giúp khởi động các tổ chức tài chính khu vực mà nước có ảnh hưởng mạnh mẽ: đầu tiên là NDB vào năm 2014, sau đó là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) được thành lập năm 2016. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ bằng cách mở rộng việc sử dụng đồng tiền này trong thanh toán thương mại, hoán đổi tiền tệ quốc gia với các ngân hàng trung ương khác để thúc đẩy tính thanh khoản toàn cầu và vận động để đưa đồng tiền của mình vào rỏ quyền rút vốn đặc biệt của IMF, biến nó thành đồng tiền dự trữ toàn cầu duy nhất không thể chuyển đổi. Thông qua NDB, các sáng kiến sử dụng đồng nội tệ trong thương mại song phương và nỗ lực tạo ra một nhóm tiền tệ dự trữ quốc gia, BRICS đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các thể chế đa phương giúp tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trong trật tự toàn cầu hiện nay.
Khi quan hệ Mỹ-Trung lao dốc trong thập kỷ vừa qua, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã trở nên ngày càng cấp tiến. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng Hoa Kỳ sẽ không sẵn lòng để Trung Quốc trở thành cường quốc thống trị ở châu Á, càng không muốn chia sẻ quyền lãnh đạo toàn cầu với Bắc Kinh, và Washington đang lợi dụng các liên minh và thể chế nền tảng của trật tự toàn cầu hiện nay nhằm hạn chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Để đáp trả, Tập Cận Bình đã bắt tay vào các dự án như Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu, đơn phương xác định các quy tắc phổ quát mới và làm suy yếu các giá trị phổ quát của phương Tây. Những sáng kiến này đã thể hiện tham vọng của Trung Quốc trong việc tái cấu trúc lại trật tự hiện nay thay vì cải cách nó.
Việc chia sẻ chung quan điểm về BRICS đã khiến Putin và Tập trở thành một cặp đôi quyền lực. Cả hai đều muốn hạ bệ Hoa Kỳ khỏi vị trí bá chủ toàn cầu, tìm cách tạo ra các nền tảng tài chính và công nghệ “miễn nhiễm” với áp lực từ Washington thông qua việc tăng cường đa phương hóa bằng cơ chế BRICS. Giống như Putin, Tập Cận Bình đã lý giải cho những hành động này theo các nguyên tắc đạo đức khi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023 rằng “Chúng ta không đánh đổi các nguyên tắc, khuất phục trước áp lực bên ngoài hoặc hành động như chư hầu của quốc gia khác. Các quy tắc quốc tế phải được tất cả các quốc gia cùng nhau viết ra, duy trì dựa trên các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, thay vì bị chi phối bởi những quốc gia có sức mạnh và tiếng nói nhất.”
Ngoài ra, với sự hậu thuẫn của Nga, Trung Quốc đang thúc đẩy việc kết nạp thêm nhiều thành viên mới nhất có thể để trở thành người lãnh đạo của một khối mạnh mẽ và đông đảo. Các cuộc đàm phán bí mật đã thu hẹp danh sách thành viên mới thành con số sáu, và con số này đã giảm xuống còn năm sau khi Argentina từ bỏ cam kết tham gia với chiến thắng của ứng cử viên theo chủ nghĩa tự do Javier Milei trong cuộc bầu cử vào năm ngoái.
Hội nghị thượng đỉnh ở Kazan sẽ là cuộc họp đầu tiên của BRICS mở rộng. Tuy nhiên, những tham vọng của Trung Quốc về việc tăng cường vai trò và sức ảnh hưởng của BRICS trên trường quốc tế sẽ gặp nhiều khó khăn bởi sự kém gắn kết và dễ tổn thương khi không phải quốc gia thành viên nào cũng sẽ chấp nhận các kế hoạch chống phương Tây của Tập Cận Bình và Putin.
Trung Quốc, Nga, và các quốc gia không liên kết
Sự rạn nứt này đang thể hiện rõ giữa các thành viên sáng lập khối. Trong khi Trung Quốc và Nga có cùng chung quan điểm thì Brazil và Ấn Độ vẫn duy trì theo đuổi việc cải cách quản trị toàn cầu thay vì phá hủy hệ thống quốc tế như hiện tại. Các lãnh đạo ở Brasília và New Delhi rất nỗ lực trong việc vừa duy trì lập trường không liên kết, vừa tìm kiếm điểm chung với cả phía phương Tây lẫn Nga – Trung. Khi nói đến cuộc chiến ở Ukraine, cả Brazil và Ấn Độ đa phần đều đứng ngoài cuộc, miễn cưỡng ủng hộ các nỗ lực cô lập Nga của phương Tây nhưng cũng không muốn đứng về phía Moscow một cách rõ ràng, thừa nhận rằng chiến dịch quân sự này đồng nghĩa với việc vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Mặc dù cả hai đều được hưởng lợi kinh tế từ Nga do sự chuyển hướng thương mại dưới áp lực từ các lệnh trừng phạt, không nước nào muốn cắt đứt quan hệ với phương Tây hoặc tự đưa mình vào một khối chống phương Tây.
Do đó, Brazil và Ấn Độ vẫn luôn cảnh giác với xu hướng cứng rắn hơn của BRICS. Ban đầu, cả hai đều phản đối nỗ lực mở rộng nhóm mà Bắc Kinh đề xuất vào năm 2017 với tên gọi “BRICS Plus” bởi lo ngại rằng việc kết nạp thêm thành viên sẽ làm giảm ảnh hưởng của chính họ. Đến năm 2023, Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao, gây sức ép buộc Brazil và Ấn Độ ủng hộ việc mở rộng với lý do rằng sự phản đối của 2 quốc gia sẽ làm cản trở tiềm năng của các nước đang phát triển. Để duy trì vị thế của mình ở Nam bán cầu, Ấn Độ đã từ bỏ sự phản đối, khiến Brazil cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận việc kết nạp thêm thành viên. Brazil dù đã nỗ lực chống lại việc kết nạp các quốc gia công khai chống phương Tây nhưng cuối cùng vẫn thất bại khi Iran được chính thức công bố là một trong những thành viên mới.
Việc Trung Quốc áp đặt các ưu tiên của mình tại hội nghị thượng đỉnh năm 2023 đã khiến các nhà ngoại giao Brazil bất ngờ, lo ngại rằng vai trò của mình sẽ bị suy yếu trước một Trung Quốc quyết đoán và một BRICS với nhiều thành viên hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực tới chiến lược không liên kết của quốc này. Dẫu vậy, vẫn có sự đồng thuận rộng rãi rằng việc mở rộng thành viên đã tạo ra những lợi ích đáng kể cho toàn khối. Brasilia đánh giá cao việc củng cố quan hệ với các thành viên mới bởi nó tạo điều kiện thuận lợi trong việc đàm phán với Washington và Brussels. BRICS mở rộng cũng đã giúp các quốc gia như Brazil và Nam Phi, nơi bộ máy quan liêu có kiến thức hạn chế về thế giới phi phương Tây, có thể điều chỉnh phù hợp với trật tự đa cực. Hơn nữa, việc này sẽ giúp các thành viên có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các lãnh đạo Trung Quốc nhằm vận động sự đầu tư của Bắc Kinh tới khu vực Nam bán cầu.
Bất chấp sự khác biệt ngày càng tăng giữa phe chống phương Tây và không liên kết, tất cả các thành viên vẫn đồng thuận với một số điểm cơ bản về tầm quan trọng của BRICS. Thế giới đang chuyển đổi từ trật tự đơn cực do Mỹ lãnh đạo sang trật tự đa cực với những sự cạnh tranh của một số trung tâm quyền lực, do đó, bất chấp những căng thẳng nội bộ, BRICS vẫn là nền tảng quan trọng để tích cực định hình quá trình chuyển đổi này. Quả thực, nếu nhìn nhận theo quan điểm của các quốc gia Nam bán cầu, đa cực là cách an toàn nhất để hạn chế sự bá quyền, đảm bảo các quy tắc, chuẩn mực quốc tế cũng như sự ổn định toàn cầu. Vấn đề cơ bản này đã giữ cho tất cả các thành viên cam kết gắn bó với BRICS kể từ khi thành lập – điều mà các nhà hoạch định chính sách phương Tây thường không chú ý tới.
Đó cũng là lý do tại sao phần lớn các quốc gia đang phát triển mong đợi sự đa cực hóa hơn nữa trong trật tự thế giới hiện nay thay vì sự thống trị tuyệt đối của Washington và phương Tây. Điều này đã khiến việc gia nhập BRICS ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ khắp các khu vực trên thế giới: Malaysia, Algeria, hay thậm chí là Colombia. Tuy nhiên, bất kỳ quốc gia nào gia nhập BRICS sẽ phải giải quyết một câu hỏi quan trọng: Họ sẽ đứng về bên nào? các nước không liên kết như Brazil và Ấn Độ, hay phe chống phương Tây do Trung Quốc và Nga lãnh đạo? Iran, với việc là một quốc gia bị ruồng bỏ trên trường quốc tế, chắc chắn sẽ lựa chọn đứng về bên chống phương Tây. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia khác có thể coi việc gia nhập BRICS là một cách để củng cố mối quan hệ của họ với Trung Quốc và các quốc gia khác ở Nam bán cầu nhưng không làm suy giảm mối quan hệ với phương Tây.
Ả Rập Xê Út là một ví dụ điển hình. Trong khi Riyadh vẫn là đồng minh chủ chốt của Washington, nước này đã tìm cách thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh và khởi xướng một chiến dịch ngoại giao ở những khu vực mà Ả Rập Xê Út theo truyền thống không đóng vai trò gì như Mỹ Latinh và Caribe, cùng với các khoản đầu tư vào các quốc gia như Chile và Guyana. Các chính phủ Mỹ Latinh cũng dần đón nhận những sáng kiến này với một lý do: trong một thế giới ngày càng bất ổn và đang tiến dần đến trật tự đa cực, sẽ tốt hơn nếu có thể đa dạng hóa các chiến lược kinh tế và ngoại giao của mình.
Kết luận
Ở phương Tây, một số nhà phê bình coi BRICS chỉ là một nhóm hỗn tạp không đáng được quan tâm. Tuy nhiên, một số người khác tin rằng đây là sẽ mối đe dọa trực tiếp đến trật tự toàn cầu. Nhìn chung, cả hai quan điểm đều đang thiếu sự tinh tế: việc BRICS nổi lên như một nhóm chính trị đã phản ánh những bất bình về sự không công bằng của trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo. Nhưng do những thay đổi trong chiến lược lớn của Trung Quốc và Nga, sự khác biệt trong nhóm cũng ngày càng rõ rệt và việc mở rộng gần đây có thể làm suy yếu sự gắn kết của khối.
Hiện tại, dù Trung Quốc và Nga đang chiếm ưu thế trong cuộc đấu tranh nội bộ về việc định hình tương lai của BRICS, điều này vẫn có thể thay đổi. Sự phân bổ quyền lực trong khối hiện nay đang không đồng đều khi nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn nền kinh tế của tất cả các thành viên sáng lập khác cộng lại, nhưng điều đó không có nghĩa là các thành viên khác không thể chống lại sự chuyển đổi của nhóm thành một khối do Bắc Kinh và Moscow kiểm soát. Trong nhiều năm, Brazil và Ấn Độ đã luôn thể hiện sự ôn hòa trên trường quốc tế để khiến Nga và Trung Quốc giảm bớt sự quyết liệt trong những phát ngôn của mình về BRICS. Tổng thống Brazil đã công khai bác bỏ việc định hình BRICS như một đối trọng với G7 và thường xuyên tuyên bố rằng tổ chức này “không chống lại bất kỳ ai”. Arvind Subramanian, cựu cố vấn kinh tế của chính phủ Ấn Độ, gần đây đã thúc giục New Delhi rời khỏi nhóm, vì theo quan điểm của ông, việc mở rộng đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ tăng cường khả năng kiểm soát BRICS. Nhưng với sức ảnh hưởng đáng kể của mình, sự ra đi của Brazil hoặc Ấn Độ sẽ làm suy yếu nghiêm trọng toàn bộ khối theo cách không có lợi cho Trung Quốc và Nga.
Việc giải quyết những căng thẳng và mâu thuẫn nội bộ sẽ là mục tiêu quan trọng của BRICS trong thời gian tới. Những rạn nứt trong khối có khả năng sẽ gia tăng nhưng sẽ không dẫn đến sự tan rã của nhóm. Việc tìm ra mẫu số chung trong quan điểm sẽ trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là các vấn đề địa chính trị nhạy cảm như xung đột Nga – Ukraine hay cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington. Những khác biệt nội bộ do đó sẽ khiến BRICS có ít ảnh hưởng hơn trên trường quốc tế, bất chấp những nỗ lực thúc đẩy các biện pháp thoát khỏi ảnh hưởng của phương Tây ngày càng gia tăng./.
Lược dịch: Trần Anh Khôi
Các tác giả:
Alexander Gabuev là Giám đốc Trung tâm Carnegie Russia Eurasia tại Berlin.
Oliver Stuenkel là Phó Giáo sư tại Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Fundação Getulio Vargas tại São Paulo và là Học giả thỉnh giảng tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]