Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự thay đổi nhanh chóng của các mối quan hệ kinh tế quốc tế, “thuế đối ứng” của Mỹ đã trở thành chủ đề được quan tâm và tranh luận sôi nổi. Việc áp dụng các biện pháp thuế này không chỉ làm dấy lên những căng thẳng thương mại mà còn đẩy các nền kinh tế, đặc biệt là các quốc gia BRICS, vào tình thế phải đối mặt với những tác động tiêu cực về chuỗi cung ứng và tăng trưởng kinh tế.
Các thành viên BRICS đã tiến hành thảo luận chuyên sâu về chính sách “thuế đối ứng” của Mỹ, bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng trước những căng thẳng thương mại do các biện pháp của Mỹ gây ra, đồng thời cùng nhau kêu gọi phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong cuộc họp lần thứ hai của Nhóm liên lạc về các vấn đề kinh tế và thương mại BRICS. Cuộc họp diễn ra thông qua hội nghị trực tuyến trong 2 ngày 10-11/4/2025.
Trong cuộc họp, Trung Quốc chỉ ra rằng việc chính phủ Mỹ gần đây áp dụng thuế đối ứng đã làm tổn hại nghiêm trọng hệ thống thương mại quốc tế, gây gián đoạn các chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp toàn cầu, tạo ra những tác động lâu dài đối với kinh tế thế giới, thể hiện rõ chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và hành vi bắt nạt về kinh tế. Tuyên bố nhấn mạnh tác động lâu dài của các hành động từ phía Mỹ đối với nền kinh tế thế giới, đồng thời kêu gọi các nước BRICS bảo vệ tiến trình toàn cầu hóa và một hệ thống thương mại dựa trên luật lệ. Trung Quốc nhấn mạnh rằng các nước BRICS là một nền tảng quan trọng để các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển tăng cường đoàn kết, hợp tác và bảo vệ lợi ích chung. BRICS cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị toàn cầu cũng như đẩy mạnh tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, đầu tư toàn cầu. Trong bối cảnh quan trọng này, các thành viên BRICS cần kiên định đi theo con đường toàn cầu hóa đúng đắn, cùng nhau bảo vệ hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc, đồng thời duy trì ổn định kinh tế toàn cầu, theo một tuyên bố được đăng trên trang web chính thức của bộ.
Các thành viên BRICS bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động nghiêm trọng về thuế đối ứng của Mỹ đối với hệ thống thương mại đa phương. Nhiều thành viên cho rằng các loại thuế này vi phạm nghiêm trọng quy tắc của WTO, thể hiện chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, có thể gây cản trở lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như làm tổn hại lợi ích của các nước đang phát triển, theo tuyên bố. Khi căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng, các thành viên BRICS đang phát tín hiệu về một sự phản kháng tập thể đối với những chính sách mà họ cho là gây tổn hại đến sự phát triển kinh tế công bằng toàn cầu. Các nước BRICS cần tăng cường đoàn kết và thể hiện lập trường thống nhất trước thế giới về vấn đề này. Tất cả các bên sẽ tiếp tục trao đổi chuyên sâu thông qua các kênh kinh tế và thương mại để ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ, nâng cao phối hợp lập trường, duy trì và bảo vệ hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, đồng thời chung tay ứng phó với căng thẳng thương mại toàn cầu hiện nay.
Theo MOFCOM, ngày 11/4/2025, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã có cuộc gọi video với Phó Tổng thống Brazil Geraldo Alckmin, người cũng giữ chức Bộ trưởng Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ của Brazil. Hai bên đã trao đổi quan điểm về việc tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc – Brazil, đối phó với việc Mỹ áp đặt cái gọi là thuế đối ứng và phát huy vai trò của các diễn đàn đa phương như BRICS và G20. Hãng tin Bloomberg đưa tin vào thứ Sáu rằng Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng Brazil đang đến Trung Quốc để tìm kiếm các quan hệ đối tác về lưu trữ năng lượng với các công ty, trong đó có tập đoàn điện tử hàng đầu Huawei Technologies và hãng xe lớn BYD.
Vào thứ Sáu, một sự cố kỹ thuật trong hệ thống liên quan đến mã miễn thuế cho mọi hàng hóa đang trên đường vận chuyển trong tuần này, hàng hóa đáng lẽ phải được miễn trừ các khoản thuế mới mà chính quyền Mỹ áp đặt, bao gồm cả hàng hóa đang trên đường từ Trung Quốc và bất cứ quốc gia nào nằm trong diện tạm hoãn 90 ngày, đã được khắc phục, theo một báo cáo của CNBC. Sự cố kéo dài hơn 10 tiếng, theo thông báo mới nhất của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ. Hải quan Mỹ đã đưa ra một cập nhật lúc 8:19 sáng (giờ địa phương) rằng họ nhận thức về việc mã nhập khẩu để giúp các nhà nhập khẩu hàng hóa Mỹ được miễn thuế không hoạt động và “vấn đề đang được xem xét,” theo báo cáo. Giám đốc Điều hành Cảng Los Angeles Gene Seroka cho biết hôm thứ Sáu nhập khẩu tại cảng biển nhộn nhịp nhất của Mỹ có thể sẽ giảm ngay từ tháng Năm, do các công ty tạm dừng đặt hàng nhằm ứng phó với tình trạng Mỹ liên tục tăng thuế đối với Trung Quốc và các đối tác thương mại khác.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã có cuộc hội đàm với Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala nhằm giải quyết các mối quan ngại liên quan đến thuế quan. Bắc Kinh cũng đã đệ trình các khiếu nại chính thức lên WTO, thách thức tính hợp pháp của các biện pháp thuế từ phía Hoa Kỳ.
Theo Tân Hoa Xã, trong phiên họp thường niên đầu tiên của Hội đồng Thương mại Hàng hóa thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva vào thứ Tư ngày 9/4/2025, Trung Quốc đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về “thuế đối ứng” của Mỹ và những tác động tiêu cực của nó, đồng thời kêu gọi Mỹ tuân thủ các quy tắc của WTO nhằm tránh gây bất ổn cho kinh tế toàn cầu và hệ thống thương mại đa phương.
Tuyên bố của Trung Quốc đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi, với 46 thành viên WTO đồng tình với lập trường của Trung Quốc tại cuộc họp, cùng bày tỏ lo ngại về các mức thuế quan của Mỹ và kêu gọi Washington tuân thủ quy định của WTO, theo Tân Hoa Xã. Trung Quốc nhấn mạnh rằng hệ thống thương mại đa phương lấy WTO làm trung tâm chính là nền tảng thể chế của thương mại toàn cầu. Cam kết thuế quan đa phương dựa trên nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) giúp đảm bảo mọi thành viên WTO có thể tiến hành thương mại và hợp tác trong một môi trường minh bạch, có thể dự đoán và không phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, theo Trung Quốc, chính sách “thuế đối ứng” của Mỹ vượt xa mức trần thuế mà Mỹ đã cam kết tại WTO. Việc áp dụng thuế quan mang tính phân biệt đối xử là hành vi vi phạm nguyên tắc MFN, thể hiện chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ thương mại và cưỡng ép kinh tế từ phía Mỹ. Trung Quốc cũng nêu rõ rằng Mỹ là nước sáng lập và cũng là một trong những bên hưởng lợi lớn nhất từ hệ thống thương mại đa phương. Việc đánh giá lợi ích của Mỹ từ thương mại quốc tế chỉ dựa trên cán cân thương mại hàng hóa là quá đơn giản.
Các mức “thuế đối ứng” này bị coi là “sai lầm và phản tác dụng”, không chỉ không giải quyết được mất cân bằng thương mại mà còn gây tác động ngược lại đối với chính Mỹ, làm rối loạn trật tự thương mại quốc tế. Trung Quốc nhấn mạnh không có bên nào thắng trong một cuộc chiến thương mại, và kêu gọi tất cả các thành viên WTO rút ra bài học từ lịch sử, bảo vệ các quy tắc thương mại đa phương và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và hợp tác trong khuôn khổ đa phương.
Liên minh châu Âu (EU) cũng cho rằng “thuế đối ứng” của Mỹ làm suy yếu nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của WTO và không hiệu quả trong việc giải quyết mất cân bằng thương mại. Các thành viên WTO khác như Vương quốc Anh, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ trích các mức thuế này đã phá vỡ trật tự thương mại quốc tế, gây bất ổn cho chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, đồng thời gây tổn hại đến lợi ích của cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, bao gồm cả người dân Mỹ. Các nước thành viên WTO như Peru, Kazakhstan và Tchad cũng lên án chính sách “thuế quan đối ứng” vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia đang phát triển có nền kinh tế yếu, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một hệ thống thương mại đa phương công bằng, cởi mở, minh bạch, bao trùm và không phân biệt đối xử để bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển.
Các thành viên WTO nhất trí rằng hệ thống thương mại đa phương do WTO dẫn dắt đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển thương mại toàn cầu và cần tiếp tục được ủng hộ mạnh mẽ. Họ kêu gọi tất cả các thành viên giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ thể chế đa phương.
Các biện pháp đơn phương của Mỹ không chỉ gây bất ổn cho thương mại quốc tế mà còn làm suy giảm sự hợp tác đa phương, đặc biệt là trong nhóm các nước BRICS. Sự kêu gọi bảo vệ hệ thống thương mại dựa trên quy tắc đã trở thành tiếng nói chung của các quốc gia đang phát triển, đồng thời là minh chứng cho sự cần thiết của đối thoại và hợp tác quốc tế nhằm giải quyết những bất đồng.
Tác giả: Nguyễn Phương Ngân
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. Bernama-anadolu. (2025, April 13). BRICS members discuss US reciprocal tariffs, express ‘serious concern’ about trade tensions. New Straits Times. Retrieved April 16, 2025, from https://www.nst.com.my/business/economy/2025/04/1201057/brics-members-discuss-us-reciprocal-tariffs-express-serious-concern
2. Economy. (2025, April 13). BRICS warn US tariffs hurt global growth. The Sudan Times. Retrieved April 16, 2025, from https://thesudantimes.com/economy/brics-warn-us-tariffs-hurt-global-growth/
3. Global Times. (2025, April 10). China expresses grave concern over US’ ‘reciprocal tariffs’ at WTO meeting, drawing broad support. Global Times. Retrieved April 16, 2025, from https://www.globaltimes.cn/page/202504/1331828.shtml
4. Global Times. (2025, April 12). BRICS members express grave concern over US ‘reciprocal tariffs,’ call for joint defense of multilateral trade system. Global Times. Retrieved April 16, 2025, from https://www.globaltimes.cn/page/202504/1331963.shtml