Tại cuộc họp lần thứ 24 của Ủy ban Hợp tác chung ASEAN–Trung Quốc (JCC) vào tháng 3/2023, hai bên đã một lần nữa khẳng định cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, những diễn biến trong quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á thời gian qua đang cho thấy tính phức tạp của mối quan hệ láng giềng này. Trên cơ sở đó, trong thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, quan hệ hai bên sẽ có những điểm gì mới? Và Việt Nam có những cơ hội, thách thức gì từ mối quan hệ này?
Các yếu tố tác động tới quan hệ ASEAN-Trung Quốc
Quan hệ ASEAN-Trung Quốc đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử. Năm 1967 khi ASEAN được thành lập, trong quan điểm của chính quyền Bắc Kinh, Trung Quốc coi ASEAN là một tổ chức được thành lập ra để kìm kẹp sự phát triển của mình và luôn cố gắng giữ khoảng cách với khu vực này. Nhưng từ thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay, mối quan hệ của hai bên đã có những sự phát triển tích cực, nhiều cơ chế hợp tác quan trọng được hai bên thiết lập. Mối quan hệ ASEAN–Trung Quốc trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI có thể có nhiều cơ hội và thách thức, song ASEAN–Trung Quốc đang không ngừng phát triển quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Sự gần gũi về không gian văn hóa là động lực then chốt góp phần gia tăng mối quan hệ của hai bên.
Trung Quốc là một nền văn minh tiêu biểu, mang trong mình một nền văn hóa có bề dày lịch sử, ẩn trong đó là những tinh hoa của phương Đông. Trong tiến trình lịch sử, một số nước trong khu vực Đông Nam Á phần nhiều ảnh hưởng từ những nét văn hóa này của Trung Quốc.
Ông Lôi Tiểu Hoa, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây cho biết: Trung Quốc-ASEAN gần nhau về địa lý, có phong tục dân gian giống nhau, quen biết giao tiếp thoải mái, ít nghi ngờ đắn đo lẫn nhau. Hai bên đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như y tế giáo dục, văn hóa, lao động, an ninh xã hội, môi trường truyền thông.
Ngày 12/6, Trung tâm ASEAN-Trung Quốc phối hợp với Cục Ngoại văn và Chính quyền nhân dân tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc tổ chức Diễn đàn hợp tác truyền thông ASEAN-Trung Quốc 2023, với chủ đề: “Thúc đẩy kết nối, chia sẻ sự phát triển và thịnh vượng”, Ông Shi Zhongjun Tổng Thư ký ASEAN nhận định: truyền thông là nhịp cầu thúc đẩy giao lưu hữu nghị, hợp tác thiết thực và chung sống hòa bình giữa các quốc gia trong khu vực, thúc đẩy hợp tác hai bên không ngừng phát triển. Truyền thông là phương tiện giao lưu văn hóa thuận tiện làm gia tăng sự hiện diện về văn hóa của hai bên, phát triển hợp tác truyền thông có thể thấy hai bên đang không ngừng xây dựng một nền văn hóa không biên giới giữa ASEAN–Trung Quốc.[1]
Hợp tác giáo dục Trung Quốc–ASEAN là lĩnh vực quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa của hai bên. Ngày 29/8 vừa qua, Tuần lễ Hợp tác giáo dục Trung Quốc–ASEAN với chủ đề “Triển vọng mới trong hợp tác giáo dục” được tổ chức tại thành phố Quý Dương, Quý Châu, Trung Quốc đã mang lại nhiều kết quả, thúc đẩy giao lưu văn hóa, nâng tầm mối quan hệ của hai bên.[2]
Với không gian văn hóa mở rộng, có nhiều điểm tương đồng trong phong tục tập quán đã thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc trong những năm vừa qua, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa được hai bên chú trọng đẩy mạnh, từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển chiến lược toàn diện của khu vực.
Tính đa dạng của các nước thành viên và nguyên tắc hoạt động của ASEAN.
Mặc dù có nhiều nét tương đồng về mặt văn hóa nhưng trong khuôn khổ các nước thành viên ASEAN vẫn có những nguyên tắc và phương thức ngoại giao nhất định đối với Trung Quốc dựa theo tình hình của từng quốc gia.
Sự thay đổi hệ tư tưởng cầm quyền ở Thái Lan là biểu hiện rõ nhất cho thấy sự đa dạng này, khi chính quyền Thủ tướng Prayuth, trong suốt từ năm 2014 đến nay đều có những chính sách thể hiện quan điểm “thân thiết” với Trung Quốc. Nhưng gần đây nhất, ngày 5/9, chính quyền thủ Thủ tướng Srattha Thavisin đã lên nắm quyền, thời gian tới khi những quan điểm về ngoại giao của chính quyền mới được công bố sẽ là căn cứ để xác định mối quan hệ giữa Thái–Trung.[3]
Quan hệ giữa Myanmar-Trung Quốc có nhiều chuyển biến, khi Trung Quốc ủng hộ Myanmar thúc đẩy chuyển đổi chính trị, ủng hộ giải quyết bất đồng và đạt được thỏa thuận hòa giải dựa trên hiến pháp và pháp luật. Bất chấp những bất ổn về chính trị từ năm 2021, mâu thuẫn giữa các lực lượng đối lập bên trong Myanmar, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh đầu tư vào khu vực này từ đó cải thiện, phát triển quan hệ hai nước. Đây cũng là hình thức để Trung Quốc thể hiện sức mạnh của mình khi hầu hết các nước phương Tây xa lánh Myanmar kể từ khi cuộc đảo chính quân sự xảy ra vào tháng 02/2021.[4]
Quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện dựa trên sự phát triển, giúp đỡ lẫn nhau được các nước thành viên (Lào, Indoneisa, Việt Nam) thiết lập với nhiều lĩnh vực trọng yếu của các nước. Hợp tác chiến lược được các nước ký kết thể hiện tầm quan trọng của các nước ASEAN trong chiến lược ngoại giao láng giềng của Trung Quốc.
Quan hệ ngoại giao song phương dựa trên quan điểm phát triển chung, tiếng nói chung, tin cậy lẫn nhau được Philippines, Timor Lester, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Singapore, Brunei, thiết lập với Trung Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao trong khu vực, tăng cường mối quan hệ lẫn nhau. Trong quan điểm ngoại giao của các nước Đông Nam Á, Trung Quốc luôn là đối tác quan trọng, là thị trường lớn của ASEAN, đóng góp vào sự phát triển của đất nước và thịnh vượng của khu vực.
Trong vấn đề Biển Đông, những hành động hung hăng, ngang nhiên xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của chính quyền Trung Quốc dẫn đến nhiều động thái cứng rắn của các quốc gia Đông Nam Á nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Điều này làm ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ ASEAN-Trung Quốc, khi Trung Quốc luôn muốn có mối quan hệ hữu nghị, bền chặt giữa hai bên nhưng lại có những động thái không phù hợp.
Ngày 7/8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập Đại sứ Quán Trung Quốc tại Manila để chuyển công hàm phản đối việc Hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển Philippines trên biển Đông ngày 5/8. Cùng ngày, Tổng thống Philippines Ferdinand Macros Jr. đã tuyên bố Manila sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bất chấp các thách thức ở Biển Đông.[5]
Không chỉ Philippines, Malaysia cũng là quốc gia xảy ra tranh chấp với Trung Quốc tại khu vực mỏ khí Kasawari, Trung Quốc bày tỏ quan ngại về hoạt động của công ty dầu khí Petronas hoạt động quy mô lớn nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng chính quyền Malaysia lại khẳng định Petronas đang hoạt động trên vùng hải phận của Malaysia. Ngày 10/8 vừa qua, Thủ tướng Malaysia khẳng định Malaysia luôn nhất quán trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Biển Đông. [6]
Về phía Indonesia, trước sự hiện diện ngày càng nhiều của Trung Quốc trong hải phận của mình, Chủ tịch Ủy ban Hạ viện Indonesia, ông Sukamta đã yêu cầu Tư lệnh Quân đội Quốc gia Indonesia triển khai tàu chiến và máy bay trinh sát ở vùng biển Natuna để bảo vệ chủ quyền quốc gia trước sự xâm nhập bởi tàu nước ngoài. Nhưng trái lại với phản ứng mạnh mẽ của Malaysia và Philippines, Indonesia được cho là có những hành động thận trọng hơn trong vấn đề biển đảo với Trung Quốc, khi nước này không đưa ra bất kỳ công hàm phản đối nào về những hành động của xâm phạm của Trung Quốc. Trong diễn biến mới nhất, chính quyền Indonesia đã có những động thái nhằm hoàn tất vòng đám phán Bộ Quy tắc ứng xử chung trên biển Đông (COC).[7]
Một quốc gia cũng đang có những mâu thuẫn trong vấn đề Biển Đông đó là Việt Nam. Trước những hành vi xâm nhập hải phận, vùng đặc quyền kinh tế trái phép của tàu Hướng Dương Hồng 10 vào hải phận Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc cần phải tuân thủ quy tắc DOC, chấm dứt ngay hành động xâm nhập trái phép của tàu Hướng Dương Hồng 10, tàu cá, tàu hải cảnh ra khỏi địa phận Việt Nam. Bà Phạm Thu Hằng Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam luôn theo dõi sát sao những diễn biến trên biển, kiên quyết thực hiện đúng Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông DOC, công ước Luật biển quốc tế 1982, và pháp luật Việt Nam.[8]
Động thái công bố “bản đồ tiêu chuẩn” vi phạm chủ quyền lãnh thổ các nước Đông Nam Á của Trung Quốc.
Với sự kiện Trung Quốc công bố bản đồ 10 đoạn đã gây nên phản ứng trái chiều từ các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với trung quốc trên Biển Đông. Qua đó Bộ Ngoại giao của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, đều không công nhận và bày tỏ quan điểm – đây là một bản đồ vô giá trị.
Tác động từ các nước lớn.
Trong thập niên thứ ba thế kỷ XXI, ASEAN đã và đang giữ vai trò trung tâm ở khu vực, sự gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn trên thế giới là cơ hội nhưng cũng tạo ra những thách thức vô cùng lớn đối với khu vực địa-chính trị được coi là xương sống của Châu Á-Thái Bình Dương. Và mối quan hệ giữa ASEAN-Trung Quốc cũng không tránh khỏi những tác động của các nước lớn trong thập niên này.
Vừa qua, ngày 21/8, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55 (AEM 55), Hội nghị tham vấn AEM-Mỹ đã được tổ chức tại thành phố Semarang, Indonesia, nhằm trao đổi về thúc đẩy hơp tác giữa ASEAN-Mỹ. Tại hội nghị, Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ với cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, cởi mở minh bạch bao trùm và dựa trên luật lệ, được xây dựng trên cơ sở do ASEAN dẫn dắt, thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực. Động thái mới của Mỹ sẽ là một nhân tố quan trọng tác động vào quan hệ ngoại giao của Trung Quốc-ASEAN, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến an ninh và luật lệ. Với việc nhất trí xây dựng các cơ chế do ASEAN dẫn dắt cho thấy, Mỹ thực sự coi trọng ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở của mình, đặc biệt trong bối cảnh những hành động ngang nhiên của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Thực tế, Chính quyền Tổng thống Joe Biden luôn ủng hộ những nỗ lực của hai bên trong việc giải quyết các bất đồng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình dựa theo Công ước Luật biển Quốc tế 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông do các bên ký kết năm 2002. Mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc cũng khó có thể tránh khỏi bất đồng khi Trung Quốc với Mỹ đang có sự cạnh tranh gay gắt trong nhiều lĩnh vực. Sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á là điều Bắc Kinh lo ngại. Trong thời gian tới, ASEAN và Trung Quốc đều sẽ có những chính sách thận trọng hơn trong các vấn đề xung đột trên Biển Đông.[9]
Tại cuộc họp giữa Ủy ban các nước ASEAN tại Bỉ (ABC) và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Cao ủy thương mại Valdis Dombrovski đã có nhiều kết quả quan trọng. Ông Valdis Dombrovski nhấn mạnh ASEAN là đối tác lớn thứ ba của EU và ngược lại, đồng thời nhấn mạnh hai khối có rất nhiều tiềm năng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác ngoại giao giữa hai bên. Ngoài ra, EU đề nghị hai bên tích cực tăng cường, triển khai có hiệu quả những FTA đã có từ trước giữa EU và Singapore, Việt Nam, đồng thời tiếp tục tăng cường, hướng tới mục tiêu lâu dài là FTA EU-ASEAN. EU đang muốn gia tăng quan hệ của mình ở Châu Á-Thái Bình Dương trước sự bành trướng của Trung Quốc. Thực chất, mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc không chịu tác động nhiều từ những chính sách của EU, nhưng có thể thấy, với tầm nhìn đạt được “Giấc mộng Trung Hoa” vào năm 2049, trước những chính sách của EU, Trung Quốc chắc chắn sẽ có những chính sách hấp dẫn nhằm đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc.[10]
Mục tiêu đối tác chiến lược toàn diện cũng được Nhật Bản quan tâm đẩy mạnh với ASEAN. Chủ đề “Tình bạn vàng, Cơ hội vàng” cho năm 2023 nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản là cơ hội cho hai bên tăng cường quan hệ đối tác song phương tiến đến “Tầm nhìn chung Nhật Bản-ASEAN” trong những năm tiếp theo[9]. Cách tiếp cận ASEAN của Nhật Bản cũng đặt ra bài toán đối với mối quan hệ giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, khi một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản đều có những tranh chấp, bất đồng với Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao về các vấn đề biển đảo. Trước những bất đồng của Nhật Bản-Trung Quốc, gần đây nhất là vấn đề phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukusima, trong thời gian tới có lẽ Trung Quốc sẽ tác động đến ASEAN nhằm hạn chế các mặt hàng đến từ Nhật Bản.[11]
Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Ấn Độ được các nhà lãnh đạo ASEAN – Ấn Độ nhất trí thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 19 diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia[10]. Trong bối cảnh mới, Ấn Độ đang là quốc gia công nghệ mạnh mẽ nhất, tham vọng siêu cường về chất bán dẫn là một điểm thu hút đầu tư và tăng cường hợp tác của quốc gia này với các quốc gia, khu vực trên thế giới. Bên cạnh đó, gần đây nhất, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên trên thế giới đổ bộ khám phá nam cực của Mặt Trăng và tiếp tục đẩy mạnh công cuộc khám phá Mặt Trời, mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành hàng không vũ trụ. Việc thúc đẩy quan hệ ASEAN-Ấn Độ là cơ hội đầy tiềm năng để các quốc gia Đông Nam Á phát triển trên nhiều lĩnh vực, và mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc cũng phần nhiều chịu tác động từ những động thái trên. Trên thực tế, một số thành viên ASEAN và Ấn Độ đều có những bất đồng về vấn đề biên giới với Trung Quốc và sự tranh giành ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực Đông Nam Á chắc chắn sẽ là thách thức vô cùng lớn đối với Trung Quốc trong việc hoạch định chính sách ngoại giao với khu vực này.[12]
Sự cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn trong khu vực đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Song, hai bên nhận định rằng, ASEAN-Trung Quốc vẫn là mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện vượt lên trên tất cả, lấy điểm tương đồng để giải quyết bất đồng, hướng tới một ASEAN-Trung Quốc hòa bình, ổn định, phát triển.
Hợp tác chính trị ASEAN-Trung Quốc những năm đầu thập niên thứ ba, thế kỷ XXI
Thập niên thứ ba của thế kỷ XXI khởi đầu với nhiều biến động, dịch bệnh COVID-19 đã làm cho các nền kinh tế-xã hội của thế giới rơi vào khủng hoảng, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, tổng cung cầu suy giảm ảnh hưởng rất lớn đến toàn cảnh quốc tế. Trước bối cảnh mở đầu kỷ nguyên đầy sóng gió, Trung Quốc-ASEAN đã cùng nhau chung tay, tăng cường hợp tác chống lại đại dịch.
Tại Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về hợp tác ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn ra ngày 20/02/2020 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. Ông Locsin Jr. hoan nghênh “những biện pháp chưa từng có trong lịch sử và hành động nhanh chóng” của Trung Quốc nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác giữa các nước có thể đẩy lùi dịch bệnh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cam kết cung cấp thông tin kịp thời về các vấn đề liên quan đến COVID-19, tăng cường hợp tác ứng phó toàn diện và hiệu quả với dịch bệnh, tuyên truyền nhân dân nhằm đẩy lùi, ứng phó với dịch bệnh, tăng cường hỗ trợ phát triển công nghệ, hợp tác có hiệu quả với các nước ASEAN, hạn chế thấp nhất sự tác động của dịch bệnh nhằm khôi phục và tăng cường trao đổi hợp tác dựa trên tiến bộ về phòng chống dịch bệnh. Sự nỗ lực của hai bên trong vấn đề phòng chống, đẩy lùi COVID 19 thể hiện sự tin cậy, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau của ASEAN-Trung Quốc trong thời gian đầu dịch bệnh.[13]
Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN–Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc diễn ra tại Trùng Khánh, Trung Quốc ngày 07/06/2021 đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Tại Hội nghị, hai bên đã đồng ý và nhấn mạnh một số vấn đề quan trọng, tiếp tục tăng cường hợp tác nhiều mặt vì thịnh vượng và phát triển chung. ASEAN ghi nhận sự đóng góp và giúp đỡ của Trung Quốc với một số quốc gia trong khu vực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đồng thời, tiếp tục nhấn mạnh DOC là tuyên bố mang tính dấu mốc, thế hiện cam kết chung, thúc đẩy hòa bình, ổn định, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai bên đã nhất trí, triển khai thực hiện các phương hướng chiến lược mới trong mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc.
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường hợp tác trong khuôn khổ khu vực, đề cao chủ nghĩa đa phương và cùng nhau ứng phó với các vấn đề toàn cầu. Mở rộng chuỗi cung ứng, tăng cường hơn nữa hợp tác về vắc-xin an toàn, hiệu quả nhằm thúc đẩy phục hồi toàn diện hậu COVID-19.
Thứ hai, tăng cường trao đổi trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục…thông qua Chương trình Học bổng lãnh đạo trẻ ASEAN-Trung Quốc, triển khai các tuyên bố chung về gắn kết các Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025 và Sáng kiến Vành đại và Con đường (BRI), liên kết các chuỗi cung ứng công nghiệp thúc đẩy phục hồi, tăng cường quan hệ gần gũi trong khu vực.
Thứ ba, cam kết nhất quán thực hiện đầy đủ DOC và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đàm phán COC, hoàn tất bộ COC phù hợp và hiệu quả, tăng cường an ninh biển đảo, theo đuổi chính sách giải quyết bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Quan hệ ASEAN-Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch năm 2021 đã có những thành tựu nổi bật, đáng chú ý trong năm 2021, chính quyền Bắc Kinh đã chia sẻ vắc-xin với các nước Đông Nam Á, điều này làm gia tăng quan hệ gần gũi của hai bên hướng đến mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được xác lập cuối năm 2021.[14]
Ngày 11/11/2022, bản Tuyên bố chung về tăng cường phát triển bền vững chung Trung Quốc-ASEAN đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc. Qua bản tuyên bố, hai bên đánh giá cao vai trò hợp tác tương trợ lẫn nhau trong bối cảnh đại dịch, khẳng định lại quan hệ phát triển ASEAN-Trung Quốc, ưu tiên phát triển và tham vấn lẫn nhau, tiếp tục thực hiện sáng kiến hội nhập ASEAN-Trung Quốc và khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng nâng cao kết nối giữa Trung Quốc và ASEAN. Đứng trước cách mạng khoa học lần thứ 4 và chuyển đổi số, Trung Quốc hoan nghênh ASEAN tham gia xây dựng chung Trung Quốc nhằm đổi mới khoa học công nghệ trong tương lai. Tăng cường hợp tác giữa hai khối trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy các cơ chế hợp tác ASEAN-Trung Quốc nhằm mở rộng xuất khẩu các mặt hàng của ASEAN sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, các vấn đề an sinh-xã hội cũng được quan tâm, tổ chức các hoạt động trao đổi để thúc đẩy phát triển xã hội, giảm nghèo và an ninh lương thực, tăng cường vai trò của phụ nữ trong Khung phục hồi toàn diện ASEAN, thúc đẩy tổ chức tư vấn Trung Quốc-ASEAN nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách trong các lĩnh vực kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.[15]
Xu hướng hợp tác chính trị ASEAN-Trung Quốc trong những năm tiếp theo
Trong những năm tiếp theo, hai bên vẫn sẽ tăng cường hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân giữa hai khối, thúc đẩy tình hữu nghị hai bên, tập trung vào lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ. ASEAN-Trung Quốc tăng cường đối thoại thông qua các Hội nghị do ASEAN chủ trì, hiểu biết lẫn nhau thông qua đối thoại, xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, an ninh phi truyền thống và ứng phó với các mối đe dọa xuyên biên giới. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của ASEAN với vai trò là trung tâm trong cấu trúc khu vực, duy trì và phát triển cấu trúc cởi mở, minh bạch, toàn diện, dựa trên luật pháp quốc tế. Trong thời gian tới hai bên cam kết thực hiện theo tuyên bố DOC và hướng tới sự phát triển của COC, thúc đẩy hợp tác kinh tế, cơ cấu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối hàng hải thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hợp tác quốc phòng được đẩy mạnh, tăng cường tình hữu nghị, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, hướng tới ASEAN-Trung Quốc hòa bình, ổn định, cùng phát triển. Tăng cường hợp tác chống tham nhũng qua các cơ chế liên quan, thúc đẩy hợp tác chung nhằm phục hồi sự phát triển, hướng đến xây dựng cấu trúc khu vực vững mạnh.[16]
Những vấn đề tranh chấp liên quan đến gìn giữ và bảo về chủ quyền quốc gia cũng là nhân tố ảnh hưởng đến xu hướng hợp tác ASEAN-Trung Quốc thời gian tới. Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông đã nhiều lần vấp phải đối của chính quyền Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc Washington “gây nguy hiểm cho hòa bình, khu vực” trong cuộc diễn tập hải quân Mỹ-Philippines ngày 11/4[17]. Gần đây nhất là những hành động của Trung Quốc, trên bãi Cỏ Mây đã làm cho quan hệ Philippines-Trung Quốc trở nên căng thẳng. Trong thời gian tới, xu hướng đối thoại thông qua các Hội nghị sẽ được hai bên đẩy mạnh và Trung Quốc cần phải tuân thủ nghiêm túc DOC, nếu không muốn xảy ra căng thẳng trong các “mặt trận” ngoại giao với các nước Đông Nam Á. Trung Quốc cũng cần phải thận trong hơn với các hành động trên biển của mình, xoa dịu căng thẳng với các nước có tranh chấp chủ quyền là cơ hội để Trung Quốc duy trì lợi thế trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn tại khu vực Đông Nam Á.
Một số vấn đề đặt ra với Việt Nam
Trong thời gian tới, Việt Nam với tư cách là thành viên sôi nổi nhất trong khối ASEAN, cũng là quốc gia láng giềng tin cậy của Trung Quốc trong khu vực, tiếp tục là cầu nối liên kết, khẳng định mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc. Những năm tiếp theo, mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc được đẩy mạnh. Các lĩnh vực giao lưu văn hóa, hợp tác kinh tế, giáo dục… trong khuôn khổ cơ chế hợp tác ASEAN-Trung Quốc cũng là cơ hội cho Việt Nam tận dụng ưu thế của mình để phát triển.
Với vấn đề Biển Đông, trước những hành động ngang nhiên vi phạm chủ quyền biển đảo nghiêm trọng của Trung Quốc, Việt Nam đã, đang và sẽ lên tiếng trong các cuộc Hội nghị giữa hai bên. Hợp tác ASEAN-Trung Quốc cũng là nơi để Việt Nam khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) là cơ sở pháp lý để Việt Nam khẳng định toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia trong vấn đề biển đảo. Thời gian tới, các cuộc thảo luận trong tiến trình đàm phán COC là cơ hội cho Việt Nam giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển với Trung Quốc.
Sự tác động của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên thế giới, đặc biệt là cuộc cạnh tranh, giành ảnh hưởng của Mỹ-Trung cũng là thách thức đối với Việt Nam. Đại hội XIII đã khẳng định, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng để ứng phó, xử lý được các mối quan hệ quốc tế phức tạp, phục vụ lợi ích quốc gia-dân tộc trong môi trường với nhiều thách thức và cơ hội như hiện nay.[18]
Tác giả: Hoàng Trần Minh Trí
Mọi trao đổi học thuật cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. Hữu Hưng, Hồ Quân (2023), “Thúc đẩy hợp tác truyền thông ASEAN-Trung Quốc”, Báo Nhân dân, 12/6/2023, https://nhandan.vn/thuc-day-hop-tac-truyen-thong-asean-trung-quoc-post757303.html
2. Hữu Hưng, Hồ Quân (2023), “Việt Nam tham dự Tuần lễ Hợp tác giáo dục Trung Quốc-ASEAN”, Báo Nhân dân, 29/8/2023, https://nhandan.vn/viet-nam-tham-du-tuan-le-hop-tac-giao-duc-trung-quoc-asean-post769800.html
3. Minh Khôi (2023), Tân thủ tướng Thái Lan tuyên thệ nhậm chức, Báo Tuổi trẻ, 05/9/2023, https://tuoitre.vn/tan-thu-tuong-thai-lan-tuyen-the-nham-chuc-20230905162936386.htm
4. Nguyên Hạnh (2023), “Trung Quốc ủng hộ Myanmar ‘tìm con đường riêng’”, Báo Tuổi trẻ, 03/5/2023, https://tuoitre.vn/trung-quoc-ung-ho-myanmar-tim-con-duong-rieng-20230503133820373.htm
5. Nhật Đăng (2023), “Philippines triệu tập đại sứ Trung Quốc sau vụ ‘vòi rồng’ ở Biển Đông”, Báo Tuổi trẻ, 07/8/2023, https://tuoitre.vn/philippines-trieu-tap-dai-su-trung-quoc-sau-vu-voi-rong-o-bien-dong-20230807123243036.htm
6. Bình An (2023), “Tàu Trung Quốc bị tố tới gần dự án khí đốt Malaysia ở Biển Đông”, Báo Tuổi trẻ, 04/4/2023, https://tuoitre.vn/tau-trung-quoc-bi-to-toi-gan-du-an-khi-dot-malaysia-o-bien-dong-20230404144204018.htm
7. VOV (2023), “Indonesia sẽ tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông để đối phó với Trung Quốc”, Tuyên Quang TV dẫn lại, https://tuyenquangtv.vn/thoi-su-chinh-tri/tin-the-gioi/202006/indonesia-se-tang-hien-dien-quan-su-o-bien-dong-de-doi-pho-voi-trung-quoc-af13c64/
8. Bộ Ngoại giao Việt Nam (2023), “Yêu cầu Trung Quốc rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam”, Báo Chính phủ, 25/5/2023, https://baochinhphu.vn/yeu-cau-trung-quoc-rut-tau-huong-duong-hong-10-va-cac-tau-hai-canh-tau-ca-ra-khoi-vung-bien-viet-nam-102230525164415964.htm
9. Hữu Chiến (2023), “ASEAN và Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế”, Việt Nam Plus, https://www.vietnamplus.vn/asean-va-hoa-ky-cam-ket-thuc-day-manh-me-hop-tac-kinh-te/890244.vnp
10. Báo Quốc tế (2023), “EU-ASEAN tăng cường tận dụng các kênh hợp tác trên tinh thần cùng có lợi”, Cổng Thông tin Sở Ngoại vụ tỉnh Nghệ An dẫn lại, 08/6/2023, https://ngoaivu.nghean.gov.vn/tin-trong-nuoc/eu-asean-tang-cuong-tan-dung-cac-kenh-hop-tac-tren-tinh-than-cung-co-loi-570768
11. Vũ Hà (2023), “Nhật Bản nâng tầm quan hệ với ASEAN và EU”, Báo Nhân dân, 18/7/2023, https://nhandan.vn/nhat-ban-nang-tam-quan-he-voi-asean-va-eu-post762717.html
12. Hữu Chiến, Văn Phong (2022), “ASEAN và Ấn Độ thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực”, Việt Nam Plus, 12/11/2022, https://www.vietnamplus.vn/asean-va-an-do-thuc-day-hop-tac-toan-dien-tren-nhieu-linh-vuc/828864.vnp
13. 中华人民共和国外交部 (2020), 中国-东盟关于新冠肺炎问题特别外长会联合声明, 21/02/2020, https://www.mfa.gov.cn/web/ziliao_674904/1179_674909/202002/t20200221_7947942.shtml
14. 中华人民共和国外交部 (2021), 王毅出席纪念中国—东盟建立对话关系30周年特别外长会, 07/6/2021, https://www.mfa.gov.cn/web/wjdt_674879/wjbxw_674885/202106/t20210607_9176941.shtml
15. 中国政府网(2022), 关于加强中国–东盟共同的可持续发展联合声明(全文), 12/11/2022, https://www.gov.cn/xinwen/2022-11/12/content_5726314.htm
16. 中国政府网(2018), 中国-东盟战略伙伴关系2030年愿景, 15/11/2018, https://www.gov.cn/xinwen/2018-11/15/content_5340677.htm
17. Thanh Bình (2023), “Mỹ – Philippines tập trận lớn nhất trong 30 năm, lần đầu bắn đạn thật ở Biển Đông”, Báo Tuổi trẻ, 11/4/2023, https://tuoitre.vn/my-philippines-tap-tran-lon-nhat-trong-30-nam-lan-dau-ban-dan-that-o-bien-dong-20230411115229299.htm
18. Báo Chính phủ (2021), Đường lối đối ngoại Đại hội XIII với khát vọng phát triển của đất nước, 05/4/2021, https://baochinhphu.vn/duong-loi-doi-ngoai-dai-hoi-xiii-voi-khat-vong-phat-trien-cua-dat-nuoc-102290246.htm