Năm 2023, Trung Quốc kỷ niệm tròn 10 năm triển khai Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) – dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất và tham vọng nhất trong lịch sử nhân loại. BRI được coi là “giấc mộng” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phản ánh tầm nhìn của Trung Quốc cũng như cá nhân ông Tập về “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. BRI xuất phát từ tham vọng tăng cường kết nối giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên tuyến đường từ châu Á sang châu Âu trên 05 phương diện là chính sách, kết cấu hạ tầng, thương mại, tài chính và kết nối con người; là sự kết hợp các dự án mới và cũ, bao trùm phạm vi địa lý rộng lớn và các nỗ lực tăng cường cơ sở hạ tầng cứng, cơ sở hạ tầng mềm và quan hệ văn hóa của Trung Quốc với các nước.
Trong một thập kỷ qua, BRI đã phát triển một cách nhanh chóng cả về mức độ phức tạp về mặt địa lý và ngành từ vùng Bắc Cực lạnh giá đến các đại dương sâu thẳm, từ khu vực châu Á, châu Phi đến châu Âu, châu Mỹ Latinh; từ cơ sở hạ tầng đến công nghệ và thậm chí cả hợp tác trong lĩnh vực hàng hải và không gian vũ trụ. Tính đến nay, BRI của Trung Quốc đã trải rộng trên khoảng 150 quốc gia và bao gồm các hành lang kinh tế cũng như các dự án cơ sở hạ tầng và kỹ thuật số lớn trên cả đất liền và biển, trong đó 65 quốc gia chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội thế giới, 35% thương mại thế giới, 39% đất đai toàn cầu, 64% dân số thế giới, 54% lượng khí thải CO2 của thế giới và 50% mức tiêu thụ năng lượng của thế giới.
BRI được nhận định là biểu tượng của chính sách đối ngoại “chủ động và tự tin” của Trung Quốc, khác xa chiến lược “trỗi dậy hòa bình” mà nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã xác lập từ hơn 40 năm về trước. Tuy nhiên, BRI của Trung Quốc cũng gặp không ít “búa rìu” của dư luận và đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, sự nghi ngại của nhiều nước đối với BRI, nỗi lo vỡ nợ, chủ quyền, môi trường và xã hội từ các nước nghèo tham gia Sáng kiến này… BRI có thể được coi là nỗ lực chính sách đối ngoại được biết đến nhiều nhất của Trung Quốc nhưng ít được hiểu rõ nhất.
ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY TRUNG QUỐC TRIỂN KHAI SÁNG KIẾN “VÀNH ĐAI, CON ĐƯỜNG”
Năm 2012, quan hệ chiến lược, ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc với thế giới gặp nhiều khó khăn. Về mặt chiến lược, các tranh chấp lãnh thổ và quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông trở nên nóng bỏng, do đó, việc triển khai BRI là một phần trong đề xuất chiến lược “Trung Quốc tiến về phía Tây” nhằm giảm leo thang xung đột trực diện ở vùng biển châu Á bằng cách tăng cường kết nối trên đất liền Á – Âu. Trung Quốc cũng phải đối mặt với tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Mỹ với việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) (mặc dù hiệp định này đã bị hủy bỏ sau đó). Không giống như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện tại, TPP đưa ra các tiêu chuẩn cao và khả năng tiếp cận thị trường rộng mở. Trong khi đó, ở trong nước, tình trạng dư thừa công suất công nghiệp, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và nền kinh tế địa phương trên bờ vực sụp đổ đòi hỏi Trung Quốc cần phải có một giải pháp chiến lược để giải quyết các khó khăn, thách thức này và BRI được coi là một giải pháp hữu hiệu.
Tháng 9/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên thông báo về Sáng kiến “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa” thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Một tháng sau, trong chuyến thăm Indonesia và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 tại Bali, ông Tập tiếp tục công bố “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”. Đây được coi là công bố chính thức của Trung Quốc với thế giới về đại kế hoạch mang tên “Một vành đai, Một con đường (OBOR). Sau đó, từ năm 2016, “Một vành đai, Một con đường” được đổi tên thành Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI).
Có thể thấy, việc Trung Quốc triển khai BRI xuất phát từ 03 động lực chính:
Thứ nhất, về mặt chiến lược: Đây là mấu chốt trong chiến lược địa kinh tế lớn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ. BRI có tác dụng xoa dịu xung đột đang leo thang ở Biển Đông kể từ sự cố bãi cạn Scarborough năm 2012, chuyển hướng tập trung vào kết nối thương mại Á – Âu.
Thứ hai, về mặt kinh tế: BRI góp phần giảm bớt tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp của Trung Quốc bằng cách mở rộng thị trường nước ngoài; đồng thời giúp khẳng định vai trò lãnh đạo khu vực của Trung Quốc thông qua quyền lực mềm về kinh tế.
Thứ ba, về mặt chính trị: Tính chất phát triển lâu dài và trên diện rộng cũng như tầm ảnh hưởng lớn của BRI vốn đòi hỏi sự lãnh đạo nhất quán đã giúp ông Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc có thêm điều kiện thuận lợi để thúc đẩy và tiến hành các cải cách về chính trị lớn, nhất là việc sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc vào tháng 3/2018, qua đó bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức Chủ tịch nước. Tư duy chiến lược đằng sau BRI cũng hình thành nên một phần hệ tư tưởng Tập Cận Bình, “cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, tạo thêm cơ sở vững chắc cho việc tuyên truyền về vai trò lãnh đạo của cá nhân ông Tập cũng như Đảng Cộng sản Trung Quốc.
CÁC HỢP PHẦN QUAN TRỌNG CỦA SÁNG KIẾN “VÀNH ĐAI, CON ĐƯỜNG”
Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc có ý nghĩa địa chiến lược rộng lớn và trên thực tế bao gồm các sáng kiến liên kết với nhau đó là:
Một là, xây dựng “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa trên đất liền” (Con đường Tơ lụa trên đất liền) nhằm tạo dựng cầu nối Á – Âu và phát triển các hành lang kinh tế Trung Quốc với Mông Cổ, Nga, Trung Á và Đông Nam Á. “Con đường Tơ lụa” trên đất liền bắt đầu từ thành phố Tây An, đi qua 10 thành phố khác của Trung Quốc rồi kết nối với các trung tâm kinh tế, thương mại tại các châu lục Âu – Á như Almaty (Kazakhstan), Bishkek (Kyrgyzstan), Samarcanda (Uzbekistan), Dushanbe (Tajikistan), Teheran (Iran), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Moscow (Nga), Duisburg (Đức), Rotterdam (Hà Lan), sau đó kết nối với điểm cuối của “Con đường Tơ lụa trên biển” tại Venice (Italy).
Hai là, thiết lập “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” (MSR) nhằm xây dựng các hành lang kinh tế qua Ấn Độ Dương, kết nối Trung Quốc với Nam Á, Trung Đông, châu Phi và Địa Trung Hải.
“Con đường Tơ lụa trên đất liền” và “Con đường Tơ lụa trên biển” thế kỷ XXI hướng tới việc thiết lập một loạt các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm đường ống dẫn dầu, đường bộ, đường sắt và cảng biển, cùng với đó là các khoản đầu tư công nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi. Trung Quốc tham vọng phát triển và hoàn thiện các tuyến đường sắt, đường bộ cùng hệ thống cảng biển, từ đó tạo ra một “vành đai” nối nước này với các trọng điểm kinh tế Đông Á, Tây Á, Nam Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ; tạo cơ hội kết nối Trung Quốc về hạ tầng và thương mại với các nền kinh tế (chiếm khoảng 40% GDP và 60% dân số thế giới).
Ba là, xây dựng “Con đường Tơ lụa kỹ thuật số” (DSR). Tháng 3/2015, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc phối hợp ban hành “Tầm nhìn và Hành động thúc đẩy cùng xây dựng Vành đai – Con đường” (gọi tắt là Sách Trắng Vành đai – Con đường). Trong đó, khái niệm “Con đường Tơ lụa thông tin” hay “Con đường Tơ lụa kỹ thuật số” lần đầu tiên được được đề cập
Tháng 5/2017, tại Diễn đàn Sáng kiến “Vành đai, Con đường”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố về DSR. Mục tiêu của Trung Quốc là thiết lập tuyến cáp quang dưới biển, cung cấp đường truyền internet ngắn nhất giữa các quốc gia châu Á – châu Âu và châu Phi, tạo dựng “cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến cho các quốc gia tham gia BRI như mạng băng thông rộng, trung tâm thương mại điện tử và thành phố thông minh. Tham vọng của Trung Quốc là thông qua “Con đường Tơ lụa kỹ thuật số” có thể thu thập và sở hữu “Dữ liệu lớn” (Big Data). Dữ liệu lớn được coi là nguồn tài nguyên quốc gia quan trọng nhất trong tương lai và sẽ trở thành đối tượng của chiến địa kinh tế và chính trị, tạo ra thách thức chiến lược đối với các nước phương Tây cả về an ninh và thương mại.
Bốn là, hình thành “Con đường Tơ lụa vùng cực” nhằm tạo dựng các tuyến vận chuyển hàng hóa mới nối Đông Á, Tây Âu và Bắc Mỹ qua Vòng Bắc Cực. Nó cũng bao gồm cả các nỗ lực khai thác tài nguyên, môi trường và khoa học. “Con đường Tơ lụa vùng cực” được nêu bật Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc (2021-2025).
Giống nhiều quốc gia khác không thuộc Bắc Cực, Trung Quốc đã tìm kiếm một vai trò lớn hơn trong khu vực thông qua Hội đồng Bắc Cực. Năm 2018, Trung Quốc đã tuyên bố họ là một “quốc gia cận Bắc Cực” và hiện đang tìm kiếm các cơ hội phát triển kinh tế ở khu vực giàu tài nguyên này. Tuy nhiên, các nỗ lực của Trung Quốc trong khuôn khổ “Con đường Tơ lụa vùng cực” hiện đang gặp nhiều khó khăn do tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine làm gián đoạn các hợp tác quốc tế ở khu vực này và khiến các hoạt động của Hội đồng Bắc Cực bị đóng băng. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, việc phát triển quan hệ Nga – Trung cũng sẽ tạo điều kiện cho các hợp tác song phương ở khu vực, từ đó hỗ trợ các dự án của Trung Quốc ở khu vực này trong tương lai.
Bên cạnh đó, BRI cũng bao hàm cả trong lĩnh vực không gian. Đây là một lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược trong cạnh tranh quốc tế, được Trung Quốc coi là lĩnh vực cạnh tranh với Mỹ nhằm giúp nước này vươn lên thành một siêu cường toàn diện về kinh tế và quân sự.
Để hiện thực hóa BRI, Trung Quốc đã thành lập 03 thiết chế tài chính để rót vốn cho Sáng kiến này, bao gồm Quỹ Con đường Tơ lụa (SRF) (năm 2014) với số vốn dự tính ban đầu 40 tỷ USD, Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB) với nguồn vốn 100 tỷ USD và Ngân hàng Phát triển mới (NDB) khởi đầu với số vốn 50 tỷ USD. Các thiết chế tài chính này giúp cung cấp nguồn vốn cho việc xây dựng và phát triển các lĩnh vực như điện, năng lượng, giao thông, viễn thông, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, cung cấp nước, các dự án bảo vệ môi trường, phát triển đô thị và dịch vụ logistic…
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA SÁNG KIẾN “VÀNH ĐAI, CON ĐƯỜNG”
1. Các giai đoạn phát triển của Sáng kiến “Vành đai, Con đường”
a. Giai đoạn 1: Từ năm 2012 đến năm 2017
Đây là giai đoạn Trung Quốc xây dựng nền tảng ổn định của BRI nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng. Trong khi thúc đẩy BRI, Trung Quốc tập trung vào việc đa dạng hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống hậu cần khu vực. Một yếu tố quan trọng khác của giai đoạn này là việc tạo ra cơ sở tài chính vững mạnh về mặt kinh tế cho Sáng kiến. Từ ngân sách ban đầu khi khởi động BRI là 47 tỷ USD vào năm 2013, đến tháng 10/2014, Trung Quốc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB), Quỹ Con đường Tơ lụa và thúc đẩy Sáng kiến. Đến tháng 5/2015, có khoảng 60 quốc gia tham gia AIIB quyết định tham gia dự án BRI. Trong khi đầu tư số tiền khổng lồ vào hệ thống giao thông của các khu vực (chủ yếu là ASEAN, Nga, Trung Á), Bắc Kinh quyết định dành lợi nhuận và xuất khẩu sản phẩm ra bên ngoài bằng cách sử dụng các tuyến trung chuyển thông qua các tuyến Suez, Malacca…
Kết quả là, trong giai đoạn 2013 – 2015, 348 dự án quốc tế đã được khởi công, với khối lượng 24,7 tỷ USD. Năm 2015, đầu tư của Trung Quốc tăng 37% so với năm 2014 và BRI đã trở thành một “quy trình – thương hiệu”. Giai đoạn 2016 – 2017, tổng chi phí các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ BRI ước tính vào khoảng 60 tỷ USD.
b. Giai đoạn 2: Từ năm 2017 đến nay
Đây là giai đoạn Trung Quốc mở rộng BRI. Vào tháng 5/2017, những thay đổi căn bản về quy mô và bản chất của BRI đã diễn ra khi BRI dựa trên các hành lang vận tải dẫn từ Trung Quốc tới châu Âu và châu Phi. Dòng vốn FDI liên tục chảy vào Trung Á, Transcaucasia, Đông Âu và Trung Đông; phát động việc tạo lập thị trường mới ở các nước dọc theo các tuyến đường trung chuyển. Những thay đổi này đã mang lại những kết quả nhất định cho sự phát triển của BRI và của chính Trung Quốc. Năm 2017, Trung Quốc đã đầu tư thêm 15 tỷ USD vào Quỹ Con đường Tơ lụa. Đến cuối năm 2017, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các nước đối tác tăng bình quân hàng năm 6%. Có thể nói năm 2017 đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Sáng kiến BRI lên tầm toàn cầu mới.
Trong giai đoạn 2019 – 2020, thêm 8,7 tỷ USD đã được phân bổ cho nhu cầu của các nước đang phát triển tham gia BRI. Từ 2020 – 2022, BRI đã bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc đã có những điều chỉnh để phù hợp với tình hình như lựa chọn các mô hình kỹ thuật số, y tế để duy trì cũng như tập trung tăng cường kết nối của Trung Quốc với Đông Nam Á, Trung Á và châu Âu.
Các chuyên gia quốc tế ước tính, từ 4 – 8 nghìn tỷ USD sẽ được đầu tư vào dự án trong khuôn khổ BRI vào năm 2030.
2. Phạm vi địa lý và chủ đề của BRI
Từ khi ra mắt đến nay, phạm vi địa lý và chủ đề của BRI đã thay đổi nhiều theo thời gian. Ban đầu, BRI tập trung vào các khu vực lân cận của Trung Quốc như Trung Á và Đông Nam Á, tuy nhiên, trọng tâm của BRI đã dần mở rộng về phía Tây với các dự án nối Trung Quốc với châu Phi và Nam Á và cuối cùng là kết nối Trung Quốc với các thị trường ở châu Âu. Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã sử dụng BRI để làm sâu sắc thêm mối quan hệ với khu vực châu Mỹ Latinh và Nam Thái Bình Dương.
Chủ đề của BRI cũng có sự bùng nổ trong các dự án cơ sở hạ tầng vật chất vào khoảng năm 2016, với việc các công ty Trung Quốc xây dựng mạng lưới đường sắt, đường bộ và đường ống mới (hoặc hiện đại hóa mạng lưới hiện có), đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng. Các khoản đầu tư này đã gây lo ngại cho phương Tây, chủ yếu là do khả năng tiềm tàng của Trung Quốc trong việc khai thác nợ phát sinh từ các khoản vay dự án cơ sở hạ tầng nhằm gây ảnh hưởng và gia tăng quyền lực mềm tại các nước tham gia BRI. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do suy thoái kinh tế trong nước, Trung Quốc đã tìm cách tăng cường quyền kiểm soát trung ương đối với sáng kiến này và số lượng các dự án cơ sở hạ tầng mới trong khuôn khổ BRI đã chậm lại kể từ năm 2019.
Hiện nay, Trung Quốc vừa tập trung hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng đang được tiến hành, đồng thời thúc đẩy “Con đường Tơ lụa kỹ thuật số”. Các chuyên gia đánh giá, việc triển khai thêm các khoản đầu tư kỹ thuật số của Trung Quốc ra nước ngoài có thể trở nên phức tạp do Bắc Kinh mong muốn kiểm soát nhiều hơn đối với các công ty công nghệ thuộc khu vực tư nhân của mình (để chuyển hướng tập trung kinh doanh sang phát triển các linh kiện tiên tiến) cũng như ảnh hưởng từ việc Mỹ triển khai các biện pháp kiểm soát lớn hơn đối với công nghệ kỹ thuật số, xuất khẩu công nghệ bán dẫn và siêu máy tính sang Trung Quốc.
CÁC THÀNH TỰU CỦA SÁNG KIẾN “VÀNH ĐAI, CON ĐƯỜNG” TRONG THỜI GIAN QUA
Sáng kiến “Vành đai, Con đường” ra đời trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động địa chính trị, tạo ra thế xoay trục đáng kể trong cán cân thương mại toàn cầu. Những biến động trong quan hệ quốc tế cũng tạo nhiều cơ hội cho Trung Quốc định hình lại “luật chơi” về thương mại tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thông qua “Vành đai, Con đường”, Trung Quốc đã nỗ lực kết nối với các châu lục, các quốc gia dọc tuyến đường trên tất cả các phương diện như xây dựng hạ tầng, đầu tư thương mại, văn hóa du lịch, an ninh chính trị, quân sự, ngoại giao,… nhằm tạo dựng những hành lang hợp tác kinh tế lớn quan trọng, kết nối Á – Âu với một đầu là vành đai kinh tế Đông Á đầy năng động, một đầu là vành đai kinh tế châu Âu phát triển và ở giữa là các nước có tiềm năng kinh tế lớn.
Mặc dù bị Mỹ và phương Tây phản đối vì các tham vọng địa chính trị to lớn ẩn BRI, Chính phủ Trung Quốc nhiều lần khẳng định, đây là một sáng kiến thương mại nhằm kết và thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước, các khu vực, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả văn hóa, xã hội, con người và mang lại lợi ích cho tất cả. Trong suốt một thập kỷ qua, sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng và viễn thông cũng như việc thiết lập mạng lưới cảng do các công ty nhà nước Trung Quốc kiểm soát là trọng tâm của BRI. Ngoài ra, các lĩnh vực khác cũng ngày càng được tích hợp, như công nghệ thông tin và truyền thông (như 5G), thương mại điện tử, tài chính, vũ trụ, du lịch, pháp lý, hải quan, giáo dục, văn hóa và các lĩnh vực khác.
1. Đối với Trung Quốc
Với nhiều điều chỉnh chiến lược, trong 10 năm qua, BRI đã đạt được khá nhiều thành tựu trên các phương diện; giúp cung cấp một môi trường gắn kết và thuận lợi cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm lối thoát. Các dự án và thông điệp đa dạng của BRI chứng minh rằng các giải pháp của Trung Quốc cho những vấn đề kinh tế này rất đa dạng mặc dù không phải tất cả đều có hiệu quả.
Thứ nhất, BRI giúp mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho Trung Quốc và nhiều điều trong số này đã được thừa nhận rõ ràng trong các thông cáo chính sách chính thức của Trung Quốc, chẳng hạn như việc mở rộng thị trường xuất khẩu của Trung Quốc, quảng bá đồng Nhân dân tệ (RMB) như một loại tiền tệ quốc tế và giảm xung đột thương mại như thuế quan và chi phí vận chuyển…. Đối với nội bộ Trung Quốc, BRI đã hỗ trợ quá trình phát triển và cải cách của tất cả các tỉnh và khu vực ở Trung Quốc thông qua việc lôi kéo họ tham gia hợp tác toàn cầu với các khu vực trên thế giới; sự phát triển và kết nối các tỉnh của Trung Quốc với các nước láng giềng được mở rộng, đồng thời Sáng kiến này còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững và mạnh mẽ ở Trung Quốc cũng như hưởng lợi từ các cơ hội thương mại mới.
“Con đường Tơ lụa trên đất liền” còn có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của khu vực Tân Cương cũng như quá trình toàn cầu hóa của miền Tây Trung Quốc. Trong khi đó, “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” có mối quan hệ chặt chẽ với chiến lược phát triển Khu vực Vịnh Lớn xung quanh Hồng Kông cũng như các tham vọng chủ quyền và hàng hải quá mức của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông và các vùng biển chiến lược. Ngoài ra, việc phát triển và kết nối cơ sở hạ tầng cứng với các nước láng giềng sẽ giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển; việc thiết lập cơ sở hạ tầng mềm với các nước đối tác sẽ cho phép giao dịch nhiều loại hàng hóa hơn với ít rào cản pháp lý hơn. Hơn nữa, các doanh nghiệp nhà nước (SOE) của Trung Quốc đang mở rộng đầu tư và hoạt động trong nền kinh tế xanh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, công nghiệp xây dựng và đường sắt và các dự án BRI tạo điều kiện thuận lợi để họ hoàn thành mục tiêu đề ra. Việc huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng này bằng cách phát hành trái phiếu bằng Nhân dân tệ cũng sẽ khuyến khích việc sử dụng đồng tiền này tại các trung tâm tài chính quốc tế, từ đó giúp Bắc Kinh hiện thực hóa tham vọng quốc tế hóa đồng nội tệ.
Nếu được triển khai thành công, BRI có thể giúp tái định hướng phần lớn nền kinh tế thế giới hướng về Trung Quốc. Việc tăng cường thương mại, đầu tư và kết nối giữa Trung Quốc với các quốc gia trên khắp Á – Âu cũng sẽ khiến các quốc gia này phụ thuộc nhiều hơn vào nền kinh tế Trung Quốc, làm tăng đòn bẩy kinh tế của nước này. Điều này có thể trao quyền cho Trung Quốc dễ dàng định hình các quy tắc và chuẩn mực chi phối các vấn đề kinh tế của khu vực.
Mặc dù BRI cũng khiến cho sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gay gắt hay như sự lãng phí trong đầu tư và cơ sở hạ tầng của BRI cũng là vấn đề đáng quan tâm nhưng BRI đã mang lại lợi ích cho các nhóm chính trị cốt lõi ở Trung Quốc, bao gồm chính quyền địa phương đầu tư vào toàn cầu hóa và tăng trưởng, các doanh nghiệp mở rộng ra nước ngoài bằng nguồn tài chính của nhà nước, các cơ quan quốc gia sử dụng nền tảng BRI và cộng đồng học giả được tiếp xúc, có kinh nghiệm và chuyên môn trong việc hiểu thế giới.
Thứ hai, BRI mang lại lợi ích chính trị, đối ngoại rất lớn cho Trung Quốc. BRI chính là một xu hướng mới trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc hay nói cách khác đây là suy nghĩ mới và sự phát triển chiến lược chính sách của thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc (chính quyền Tập Cận Bình). Những người tiền nhiệm của ông Tập chủ yếu tập trung vào chính sách đối nội (cụ thể là củng cố thị trường, nền kinh tế nội địa Trung Quốc và giảm “khoảng cách phát triển” giữa các tỉnh và thành phố của Trung Quốc) và củng cố hơn nữa vai trò của Trung Quốc trong khu vực (những năm cuối của chính quyền Đặng Tiểu Bình). Từ năm 2012, chính quyền của ông Tập đã quyết định đưa chính sách đối ngoại củaTrung Quốc lên một tầm cao mới với quyết tâm hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa”, “phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”.
Hơn nữa, vào năm 2017, khi tuyên bố bắt đầu giai đoạn mở rộng BRI, ông Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phát triển cân bằng giữa cả Trung Quốc và BRI: “Chính phủ Trung Quốc tìm cách “đảm bảo và cải thiện mức sống thông qua phát triển bền vững”; chấp nhận “cải cách và mở cửa” thị trường và khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc “ra ngoài”, đặc biệt dọc theo “Con đường Tơ lụa trên đất liền” và “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” (thậm chí là cả “ Con đường Tơ lụa vùng cực” trong tương lai gần).
Những gì mà BRI đã mang lại cho Trung Quốc suốt một thập kỷ qua cho thấy, họ đã khai thác được nguồn tài chính dồi dào của mình để tác động đến chính sách của các quốc gia đối tác nhằm phù hợp với lợi ích của chính họ, đặc biệt là ở một số quốc gia ở Trung và Nam Á, nơi còn thiếu quản trị tốt và pháp quyền mạnh mẽ, từ đó xây dựng và củng cố “quyền lực mềm” cũng như tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.
2. Đối với các nước đối tác của Trung Quốc
Dữ liệu cho thấy chiến lược BRI của Trung Quốc phần lớn đã thành công. Năm 2012, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ra nước ngoài của Trung Quốc là 82 tỷ USD, nhưng đến năm 2020 là 154 tỷ USD, được xếp hạng là nhà đầu tư nước ngoài số một thế giới. Sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào các nước đối tác của BRI cũng rất ấn tượng. Những đột phá thành công còn nằm ở ngành công nghiệp kỹ thuật số đang chớm nở, nhờ đó gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đã mở rộng mạng 5G tới 71 quốc gia dọc hành lang BRI.
Ngày 01/8/2023, Trung tâm Phát triển & Tài chính Xanh, Đại học Phúc Đán Trung Quốc công bố báo cáo cho thấy, mức độ tham gia BRI tích lũy trong 10 năm qua đã vượt mốc 01 nghìn tỷ USD, khi đạt 1,014 nghìn tỷ USD; trong đó khoảng 596 USD trong các hợp đồng xây dựng và 418 USD trong các khoản đầu tư phi tài chính. Đáng chú ý, dữ liệu sơ bộ về sự tham gia của Trung Quốc thông qua đầu tư tài chính và hợp tác theo hợp đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 tại các quốc gia tham gia BRI cho thấy có khoảng 102 giao dịch trị giá 43,3 tỷ USD, tương đương với khoảng 60% cam kết BRI của Trung Quốc trong cả năm 2022 (72,6 tỷ USD).
Về mặt tích cực, BRI thúc đẩy sự phát triển của các đối tác hợp tác và nâng cao phúc lợi của người dân, đồng thời có tác động sâu sắc tới sự phát triển kinh tế toàn cầu. BRI đã góp phần thúc đẩy phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng làm tăng thương mại; tăng cường kết nối; ổn định chính sách tiền tệ; ổn định mức độ an ninh trong khu vực; góp phần trao đổi văn hóa. Dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi và có tầm nhìn xa, BRI có một số lợi thế chiến lược về chính sách đối ngoại có thể góp phần gắn kết các quốc gia ở 3 châu lục chính (châu Á, châu Âu, châu Phi) và cho thấy tiềm năng kinh tế của họ. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, BRI đã tăng thương mại của các bên tham gia thêm 4,1%, thu hút thêm 5% đầu tư nước ngoài và nâng GDP của các nước thu nhập thấp lên 3,4%. Hưởng lợi từ BRI, tỷ trọng GDP của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trên thế giới đã tăng 3,6% từ năm 2012 đến năm 2021. Ngân hàng Thế giới ước tính đến năm 2030, BRI sẽ tạo ra 1,6 nghìn tỷ USD doanh thu toàn cầu mỗi năm, chiếm 1,3% của GDP toàn cầu. Tính đến cuối năm 2022, đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào các nước hợp tác đã tạo ra 421.000 việc làm tại địa phương, với hơn 3.000 dự án được triển khai.
Bên cạnh đó, BRI giúp tạo dựng sự kết nối giữa Trung Quốc và các quốc gia dọc theo tuyến đường trong 05 khía cạnh ưu tiên là chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại, tài chính và kết nối con người. Tính đến cuối tháng 6/2023, Trung Quốc đã ký hơn 200 văn kiện về việc cùng xây dựng BRI với 152 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế, kết hợp BRI với các chiến lược phát triển quốc gia của các đối tác hợp tác. Trong 10 năm qua, thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác BRI đã phát triển mạnh, giúp Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của 25 nước, ký 07 hiệp định thương mại tự do với 13 nước. Khung kết nối bao gồm 06 hành lang, 06 tuyến đường, nhiều quốc gia và nhiều cảng đã được định hình, thúc đẩy đáng kể khả năng kết nối của các quốc gia nội địa như Lào, Nepal và Kazakhstan với thế giới bằng cách xây dựng đường bộ và đường sắt. Tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc – châu Âu đã mở ra một kênh mới cho vận tải đường bộ Á – Âu. Thông qua BRI, Trung Quốc đã thúc đẩy các trao đổi và hợp tác về giáo dục, văn hóa và du lịch, giao lưu nhân dân và học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh dọc tuyến đường cũng phát triển mạnh mẽ.
2.1. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Kể từ năm 2013 đến nay, các trọng tâm về địa lý và chủ đề của BRI ở châu Á-Thái Bình Dương đã thay đổi để phù hợp với lợi ích chiến lược của Bắc Kinh. Mặc dù Sáng kiến này được đưa ra vào năm 2013 ở Trung Á, nhưng trong thập kỷ qua, hầu hết đầu tư BRI ở châu Á – Thái Bình Dương đều hướng tới Đông Nam Á và Nam Á, với mức đầu tư gia tăng ở Nam Thái Bình Dương kể từ năm 2018. Australia, Ấn Độ, Nhật Bản Hàn Quốc và Đài Loan vẫn nằm ngoài BRI do căng thẳng chính trị song phương với Trung Quốc hoặc liên minh của họ với Mỹ.
a. Khu vực Đông Nam Á
Vì các lý do thương mại, an ninh và địa chính trị, Đông Nam Á vẫn là tiểu vùng châu Á – Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược nhất đối với Bắc Kinh. Nhiều quốc gia ở Đông Nam Á có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của nước này. Trung Quốc được xếp hạng là đối tác thương mại lớn nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kể từ năm 2009, trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 2020. Ngoài ra, các tuyến thương mại hàng hải quan trọng tới Trung Quốc chạy qua Đông Nam Á. Bất chấp những nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào thương mại hàng hải bằng cách mở rộng mạng lưới đường sắt khu vực thông qua BRI, hàng xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào vận tải biển. Hơn nữa, thông qua các dự án BRI, Trung Quốc tìm cách gây ảnh hưởng đến các nước Đông Nam Á.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế (IISS), các dự án BRI chính thức tập trung chủ yếu ở Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines và một ít ở Việt Nam. Từ năm 2013 đến năm 2015, hầu hết các dự án BRI đều liên quan đến cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng. Từ năm 2016, chúng được đa dạng hóa bao gồm các đặc khu kinh tế và các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước tiếp nhận BRI. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, hạng mục đầu tư BRI lớn nhất ở Đông Nam Á tập trung vào các dự án trong khuôn khổ “Con đường Tơ lụa y tế”, bao gồm quyên góp và bán thiết bị bảo hộ và vaccine Trung Quốc, cũng như kết nối con người thông qua các chuyến thăm và trao đổi giữa các chuyên gia y tế. Đông Nam Á cũng là điểm đến quan trọng cho các khoản đầu tư trong khuôn khổ “Con đường Tơ lụa kỹ thuật số”, trong đó các công ty Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông ở các nước nghèo hơn, bao gồm Campuchia, Lào và Myanmar. Tại các thị trường phức tạp hơn như Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore, vai trò của Trung Quốc không quá nổi trội. Trong khi đã có nhiều tranh cãi ở các nước phương Tây về việc áp dụng cơ sở hạ tầng mạng thế hệ tiếp theo do Trung Quốc sở hữu, thì ở một số nước Đông Nam Á, cuộc tranh luận tương tự thường không xảy ra. Ví dụ, ở Indonesia, chính phủ đã ủng hộ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Trung Quốc vì chi phí thấp và có thể triển khai nhanh chóng. Ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất, Đông Nam Á còn là thị trường tăng trưởng cho các nền tảng và dịch vụ kỹ thuật số của Trung Quốc do dân số đông ngày càng tăng và “hiểu biết công nghệ”.
b. Khu vực Nam Á
Trong số các quốc gia ở tiểu vùng Nam Á, Pakistan đã nhận được tỷ trọng đầu tư BRI lớn nhất, tới hơn một nửa. Sri Lanka dưới thời Tổng thống Mahinda Rajapaksa đã coi đầu tư của Trung Quốc thông qua BRI là một cơ hội kinh tế, tuy nhiên, đây lại chính là rào cản cho việc cải thiện quan hệ của nước này với Ấn Độ. Tương tự, Nepal và Maldives đã luân phiên ưu tiên Trung Quốc hoặc Ấn Độ trong quan hệ đối ngoại của họ, tùy thuộc vào chính phủ nắm quyền trong từng thời điểm. Các dự án BRI của Trung Quốc ở khu vực Nam Á bao gồm năng lượng, bất động sản, cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật số, các hiệp định thương mại, đặc khu kinh tế và khu công nghiệp.
BRI ở Nam Á đã đạt được mục tiêu dự định là xuất khẩu năng lực công nghiệp dư thừa của Trung Quốc ra nước ngoài, tuy nhiên, phải đối mặt với những thách thức về an ninh, chính trị, kinh tế, địa lý và quản trị. Kể từ năm 2018, số lượng dự án BRI mới được đồng ý ở Nam Á đã chậm lại do điều kiện kinh tế ngày càng tồi tệ ở Maldives, Pakistan và Sri Lanka. Ngoài ra, một số dự án hiện tại nằm ở những vị trí đầy thách thức về mặt địa lý, chẳng hạn như khu vực nội địa Himalaya của Pakistan, nơi đang xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt và đường ống như một phần của dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), trong khi hiệu quả ước tính lại thua xa phương án vận chuyển đường biển. Hơn nữa, các dự án đầu tư của Trung Quốc vào khu vực Nam Á là một yếu tố thúc đẩy Ấn Độ liên kết chặt chẽ hơn với phương Tây.
c. Khu vực Trung Á
Vào thời điểm BRI được triển khai, quan hệ song phương giữa Trung Quốc và các nước ở Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan) đã mở rộng. Bắc Kinh tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với khu vực còn nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các tỉnh miền Tây kém giàu có hơn của mình. Trung Á cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước trong khu vực và Nga. Các khoản đầu tư BRI của Trung Quốc được các chính phủ Trung Á đón nhận, trong đó chủ yếu tập trung vào các dự án sản xuất điện, công nghiệp khai thác và mạng lưới đường sắt, đường cao tốc cũng như cơ sở hạ tầng sản xuất điện ít carbon thông qua các công viên năng lượng mặt trời, gió và nhà máy thủy điện. Từ năm 2020 trở đi, các dự án BRI mới tập trung gần như hoàn toàn vào các sáng kiến y tế phù hợp với chính sách ngoại giao y tế của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19.
d. Khu vực Nam Thái Bình Dương
Mặc dù các dự án BRI của Trung Quốc ở khu vực Nam Thái Bình Dương chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng lại khiến các nước phương Tây đặc biệt lo ngại, nhất là thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon năm 2022. Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Vanuatu và Liên bang Micronesia đã nhận được tỷ trọng lớn nhất trong các dự án BRI ở Nam Thái Bình Dương. Các dự án chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng sân bay, cơ sở hạ tầng sản xuất điện ít carbon, hiệp định thương mại, ngành công nghiệp khai thác, cầu đường, cơ sở hạ tầng truyền tải năng lượng và cảng; sau này là các dự án trong khuôn khổ “Con đường Tơ lụa y tế”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, các khoản vay và trợ cấp của Trung Quốc cho khu vực Nam Thái Bình Dương chỉ tạo ra tác động tối thiểu tới các quốc đảo tiếp nhận. Không có bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong đầu tư hoặc thương mại của Trung Quốc đối với tiểu vùng, ngoại trừ Papua New Guinea; trong khi đó các lo ngại liên quan đến vấn đề an ninh do ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng.
2.2. Khu vực châu Phi
Trung Quốc vừa là đối tác ngoại giao lâu đời vừa là nhà đầu tư mới ở châu Phi. Lợi ích của Trung Quốc ở lục địa này không chỉ bao gồm tài nguyên thiên nhiên mà còn cả các vấn đề thương mại, an ninh, ngoại giao và quyền lực mềm. Trung Quốc là một nước viện trợ lớn trong khu vực nhưng phạm vi, quy mô và phương thức thực hiện viện trợ của Trung Quốc chưa thực sự được sáng tỏ. Các dự án BRI của Trung Quốc ở châu Phi chủ yếu tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng lớn, được coi là niềm hy vọng thực sự cho nhiều nước châu Phi trong việc lấp đầy khoảng trống về cơ sở hạ tầng với chi phí thấp hơn. Châu Phi cũng là khách hàng cuối cùng quan trọng giúp giải quyết tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp của Trung Quốc, đặc biệt là than, xi măng, thép, thủy tinh, năng lượng mặt trời, đóng tàu và nhôm để sử dụng trong các dự án BRI.
Tuy nhiên, các dự án BRI của Trung Quốc ở châu Phi còn mang nhiều mục đích và khiến các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ cực kỳ lo ngại. Trong 05 trường hợp (02 trong số đó là ở châu Phi) bao gồm Djibouti, Walvis Bay (Namibia), Gwadar (Pakistan), Hambantota (Sri Lanka) và Piraeus (Hy Lạp), các khoản đầu tư vào cảng của Trung Quốc đã được chuyển thành các lợi ích địa chiến lược khi có sự hiện diện của Quân đội Trung Quốc. Các nhà phân tích đánh giá, những điều này liên quan mật thiết đến việc Trung Quốc thực hiện chiến lược địa chính trị nổi tiếng “chuỗi ngọc trai” cũng như tham vọng “cường quốc biển xanh” nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược của họ cũng như đối phó với các nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận và vươn tầm ảnh hưởng ở các đại dương trên thế giới. Chính vì vậy, Djibouti và Vịnh Walvis có vai trò quan trọng chiến lược về an ninh đối với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương. Ước tính, Hải quân Trung Quốc đang duy trì 05 chiến hạm và một số tàu ngầm luân phiên thường trực ở Ấn Độ Dương và được dự báo sẽ gia tăng trong các thập kỷ tới.
2.3. Khu vực châu Âu
Các chuyên gia đánh giá, quan hệ Trung Quốc – châu Âu vẫn là một trong những nhân tố hàng đầu quyết định sự phát triển của toàn bộ hệ thống hợp tác quốc tế Á-Âu. Mối quan hệ này được đặc trưng bởi các chương trình nghị sự song phương về đầu tư, thương mại, kinh tế, hợp tác chính trị, bảo vệ môi trường… và nó đã được bao hàm trong các dự án BRI mà Trung Quốc triển khai ở châu lục này. Các thành viên EU tham gia BRI bao gồm Ba Lan, Hy Lạp, Italia, Hungary, Cộng hòa Séc, Croatia, Bulgaria, Latvia, Bồ Đào Nha, Romania và Slovakia.
Tuy nhiên, BRI của Trung Quốc ở châu Âu cũng gặp không ít thách thức. Mới đây nhất, ngày 30/7/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosett cho biết, nước này đang cân nhắc việc rút khỏi BRI mà không làm tổn hại quan hệ với Bắc Kinh. Ông Crosetto cho rằng, việc chính quyền cựu Thủ tướng Giuseppe Conte quyết định để Italia tham gia BRI là một hành động “ngẫu hứng và sai lầm dẫn đến kết quả tiêu cực kép”. Bên cạnh đó, năm 2022, khối lượng vận tải đường sắt Trung Quốc – châu Âu giảm 34% qua “Hành lang phía Bắc” do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga – Ukraine. Nhiều nhà phân tích đánh giá, sự phát triển kinh tế và chính trị ở châu Âu có thể dẫn đến giảm nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi sự phân mảnh lớn hơn của chuỗi cung ứng toàn cầu có thể tiếp tục tác động đến nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu.
2.4. Khu vực Mỹ Latinh
Các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe đều là các quốc gia đang phát triển, những nền kinh tế mới nổi và là khu vực mà Trung Quốc rất quan tâm. Bắc Kinh coi khu vực Mỹ Latinh là “sự mở rộng tự nhiên” của “Vành đai, Con đường” và là nhân tố tham gia thiết yếu của BRI.
Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và kh vực Mỹ Latinh đã bùng nổ trong thế kỷ này khi tăng từ 12 tỉ USD năm 2000 lên 495 tỉ USD năm 2022, khiến Trung Quốc thành đối tác thương mại lớn nhất của Nam Mỹ. Trong vài năm trở lại đây, Bắc Kinh đã đạt được hàng loạt thỏa thuận giúp phá vỡ rào cản thương mại, thúc đẩy việc sử dụng đồng Nhân dân tệ tại khu vực vốn là “sân sau” của Washington. Chỉ trong 05 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã có thêm nhiều bước tiến nổi bật ở Mỹ Latinh, gần đây nhất là ký FTA với Ecuador, đưa nước này trở thành đối tác FTA thứ 4 của Trung Quốc ở khu vực (sau Peru, Chile và Costa Rica). Panama và Uruguay cũng có kế hoạch tiếp nối Ecuador. Trung Quốc cũng có nhiều đối tác tại khu vực Mỹ Latinh bằng cách xây dựng và cấp vốn phát triển cầu, đường và sân bay. Hơn 20 quốc gia ở châu Mỹ Latinh và Caribe đã tham gia sáng kiến BRI của Bắc Kinh.
Các chuyên gia đánh giá, vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc ngay tại chính “sân sau” của Mỹ đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với Washington, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách lấy lại ảnh hưởng chính trị ở khu vực sau nhiều năm bị lãng quên dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump…
(Còn tiếp)
Tác giả: Nguyên Long
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật, liên hệ cộng tác cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể gửi về Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ: [email protected]