Đây là bài viết nằm trong loạt bài có chủ đề “Cạnh tranh văn minh và chiến lược của Trung Quốc đối với châu Âu” của tác giả, tiêu đề do BBT Nghiên cứu Chiến lược đặt.
Việc Pháp có coi Trung Quốc là “trụ cột toàn cầu của chủ nghĩa De Gaulle” và thực hiện nó về mặt chính sách hay không, trước hết phụ thuộc vào việc giới tinh hoa chính trị Pháp có đạt được sự đồng thuận về điều này hay không, và thứ hai, phụ thuộc vào việc có các điều kiện thực tế để thực hiện hay không. Đối với Trung Quốc, đặc điểm văn hóa và chiến lược quốc gia của bên kia là yếu tố cơ bản ở tầm vĩ mô khi xây dựng chiến lược ngoại giao cho các nước thành viên lớn của EU. Trên cơ sở đó, Trung Quốc nên chọn Pháp làm đối tác chiến lược chính ở châu Âu. Hai điều này chỉ là điều kiện cần, còn một số yếu tố cần thiết khác để tạo thành điều kiện đủ để Pháp trở thành đối tác chiến lược hàng đầu của Trung Quốc ở châu Âu. Ở cấp độ vĩ mô, có nhiều yếu tố bao gồm các giá trị văn hóa, giá trị chính trị và hệ thống chính trị của Pháp, cũng như sức mạnh kinh tế và cơ cấu kinh tế, nhưng tầm quan trọng của chúng tương đối yếu và tác động của chúng đối với quan hệ Trung-Pháp thể hiện ở cả hai mặt. Các yếu tố ở cấp độ vi mô chủ yếu bao gồm bầu không khí xã hội và môi trường dư luận, tính cách của các nhà lãnh đạo chính trị, mối quan hệ chặt chẽ giữa Pháp và Đức, ảnh hưởng của Hoa Kỳ, v.v., ít quan trọng hơn và chủ yếu được phản ánh trong ngắn hạn và trung hạn, và là những yếu tố thường xuyên thay đổi.
1. Giá trị văn hóa, giá trị chính trị và thể chế chính trị
Các giá trị văn hóa của Pháp phần lớn dựa trên Công giáo, chủ nghĩa duy lý Hy Lạp và luật La Mã. Trong quá trình bản địa hóa, sự phát triển của Công giáo chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ, phong tục tập quán và đặc trưng chính trị của mỗi giai đoạn. Quá trình đó cũng góp phần hình thành nên những đặc điểm chính của văn hóa Pháp và hình ảnh “trưởng tử, hiếu tử của Giáo hội Công giáo”. Hệ thống luật dân sự đặc trưng của Pháp là kết quả của quá trình bản địa hóa luật La Mã. Mặc dù việc định hình các giá trị chính trị và thể chế chính trị của Pháp gắn với việc bản địa hóa Công giáo và luật La Mã, nhưng cũng có logic riêng của nó.
Thời kỳ Phục hưng là sự phục hồi và phát triển của tinh thần nhân văn, tất yếu kéo theo sự phục hưng của chủ nghĩa duy lý dưới sự trợ giúp của chủ nghĩa duy lý Hy Lạp, nước Pháp bước vào cuộc cải cách tôn giáo, cuộc cách mạng khoa học đầu tiên và trở thành trung tâm của thời kỳ Khai sáng. Trong cuộc Đại cách mạng nổ ra sau đó, Pháp đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình thế tục hóa và quá trình tách biệt giữa nhà thờ với nhà nước, ủng hộ các giá trị chính trị như tự do, dân chủ, bình đẳng, tình huynh đệ, đồng thời định hình thể chế chính trị Pháp trong quá trình chuyển đổi quanh co của các giai đoạn cùng các mô hình thống trị tương ứng để trở thành một nước cộng hòa. Sự thành lập và củng cố nền Cộng hòa thứ năm vào năm 1958 đánh dấu nước Pháp đã thiết lập một thể chế chính trị hiện đại phù hợp với họ. Các giá trị chính trị nói trên, chủ yếu bắt nguồn từ Pháp, đã trở thành của cải tinh thần chung của toàn nhân loại và là thành tựu quan trọng của nền văn minh chính trị hiện đại, được các nước hiện đại thừa nhận rộng rãi.
Các nền văn minh (văn hóa) có hai thành tố là tính chung và tính riêng. Trung Quốc và Pháp thuộc các nền văn minh khác nhau, cả hai đều có thế mạnh riêng. Ngưỡng mộ và giao lưu với nhau về văn minh (văn hóa) là một thực tế khách quan. Điều này vẫn xảy ra trong thời đại cạnh tranh văn minh. Làm thế nào để đối thoại tốt hơn và học hỏi lẫn nhau là trách nhiệm của cả hai bên.
Là những quốc gia theo khuôn khổ hiện đại, các giá trị chính trị của Trung Quốc và Pháp không phải là hoàn toàn không giống nhau, mà có những điểm tương đồng nhưng cũng có những điểm khác biệt. Sự khác biệt chủ yếu thể hiện ở sự lựa chọn khác nhau về cách thức thực hiện các giá trị chính trị, bao gồm cả cách thức thực hiện dân chủ và thể chế chính trị quốc gia, do lịch sử và thực tiễn khác nhau quyết định. Pháp là một nước cộng hòa bán tổng thống.Tổng thống là trung tâm quyền lực quốc gia và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành pháp, tư pháp và lập pháp: có quyền bổ nhiệm thủ tướng, các quan chức hành chính cấp cao khác, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Tư pháp Tối cao và Hội đồng Tư pháp Tối cao, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang. Sau khi tham khảo ý kiến của thủ tướng và chủ tịch của lưỡng viện, Tổng thống có thể giải tán quốc hội và có quyền quyết định một cuộc trưng cầu dân ý bất thường. Quyền quyết định của tổng thống trong các vấn đề đối ngoại cũng lớn hơn so với các cường quốc phương Tây khác.
Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa theo chính thể chuyên chính dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo và dựa trên khối liên minh công nông. Hệ thống xã hội chủ nghĩa là hệ thống cơ bản của Trung Quốc. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc là đặc trưng căn bản nhất của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Hệ thống chính trị cơ bản của Trung Quốc là: hệ thống hiệp thương chính trị và hợp tác đa đảng do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, hệ thống các khu vực dân tộc tự trị, hệ thống chính quyền quần chúng tự quản cấp cơ sở, và hệ thống Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc là hệ thống chính trị cơ bản của Trung Quốc. Kể từ khi cải cách và mở cửa, Trung Quốc luôn theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình độc lập, thể hiện trong “quan hệ đối tác và không liên kết”, phù hợp với truyền thống ngoại giao và văn hóa chiến lược của Trung Quốc. Quá trình trỗi dậy hòa bình của giấc mơ Trung Hoa chắc chắn tuân thủ văn hóa chiến lược và truyền thống ngoại giao đặc trưng vốn có, đồng thời cam kết xây dựng mạng lưới đối tác toàn cầu. Đối với các nước thành viên EU, Pháp là ứng cử viên đầu tiên .
Quan trọng hơn, cả Pháp và Trung Quốc đều tự hào về thể chế chính trị của mình. Cả hai đều cảm thấy rằng, thể chế chính trị hiện tại phù hợp với văn hóa, lịch sử và thực tế của họ, đồng thời là hình mẫu lý tưởng để nền văn minh của họ có chỗ đứng trên thế giới, thể hiện địa vị của họ như những cường quốc toàn cầu.
2. Đặc trưng của mô hình kinh tế
Mô hình kinh tế thị trường của Pháp rất khác với mô hình kinh tế thị trường tự do của Anh-Mỹ, và cũng khác đáng kể so với Đức, đại diện của mô hình Rhine. Mô hình này nhìn chung rất coi trọng công bằng xã hội, nhấn mạnh hệ thống an sinh xã hội và sự phối hợp lợi ích giữa doanh nghiệp với người lao động. Đức thuộc “nền kinh tế thị trường xã hội”, đề cao sự phối hợp giữa chính quyền – doanh nghiệp – công đoàn nên địa vị của ban kiểm soát công ty cao hơn ban giám đốc. Pháp có thể được coi là một “nền kinh tế thị trường có chính phủ”[1]. Pháp coi trọng việc chính phủ kiểm soát vĩ mô và can thiệp vi mô vào nền kinh tế, nhấn mạnh sự kiểm soát của nhà nước đối với các ngành công nghiệp chiến lược, hỗ trợ mạnh mẽ đổi mới công nghệ và hình thành các ngành công nghiệp có lợi thế. Với sự hỗ trợ lâu dài và mạnh mẽ của chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước của Pháp đã hình thành lợi thế công nghệ và công nghiệp hóa trong các ngành như năng lượng hạt nhân, hàng không vũ trụ, đường sắt cao tốc, sản xuất ô tô, năng lượng điện, viễn thông và công nghệ thông tin, cùng với một số lượng lớn các doanh nghiệp tư nhân đáng chú ý, Pháp đã hình thành một nền công nghiệp có công nghệ hiện đại, có một ngành sản xuất mạnh để cạnh tranh toàn cầu. Không những vậy, giá trị gia tăng công nghiệp bình quân của các doanh nghiệp Pháp cao gấp đôi Hoa Kỳ. Điều này tạo thành cơ sở kinh tế cho việc thúc đẩy chủ nghĩa De Gaulle ở Pháp.
Trong thời kỳ phục hồi kinh tế và tăng trưởng nhanh sau Thế chiến thứ hai, xu hướng của các nước Tây Âu là thiết lập một hệ thống phúc lợi tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên những bất cập của doanh nghiệp nhà nước không phải là trọng tâm chú ý của chính phủ. Vào những năm 1980, chủ nghĩa Thatcher của Anh và kinh tế học Reagan của Mỹ đã thúc đẩy phương Tây chuyển sang chủ nghĩa bảo thủ về mặt chính trị và chuyển sang chủ nghĩa tân tự do về mặt kinh tế. Sau khi tư nhân hóa, tỷ trọng của nền kinh tế quốc doanh Anh trong GDP giảm từ 11,7% năm 1979 xuống còn 2%. Điều này cũng khiến Pháp phải quan tâm đến những vấn đề tồn tại trong các doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả thấp không chỉ ảnh hưởng đến đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế của Pháp mà còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh quốc tế của các công ty nước này. Vì lý do đó, cải cách doanh nghiệp nhà nước đã được đưa vào chương trình nghị sự và tiếp tục được đẩy mạnh. Cải cách đã góp phần giảm gánh nặng tài chính của chính phủ và cải thiện hiệu quả của các doanh nghiệp liên quan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường coi trọng vấn đề chi phí – lợi ích, họ tập trung hướng đến những lợi ích ngắn hạn, tránh đầu tư mạo hiểm, dẫn đến sự phát triển công nghệ mới ở Pháp không nhận được đầy đủ hỗ trợ, và khó duy trì được lợi thế công nghệ hiện có. Hãy nhớ rằng một số ngành (điển hình như ngành công nghệ thông tin) đã không giữ chân được một lượng lớn nhân tài, và một số ngành do tư bản nước ngoài kiểm soát. Lợi thế của Pháp trong công nghệ công nghiệp và sản xuất đã suy yếu, khả năng cạnh tranh toàn cầu của nó đã giảm. Nền tảng kinh tế của chủ nghĩa de Gaulle đã bị suy yếu là một thực tế khách quan.
Tuy nhiên, cho đến nay, Pháp vẫn có sức mạnh và tiềm năng kinh tế đáng để Trung Quốc chú ý, đồng thời kinh nghiệm định vị và quản lý các doanh nghiệp nhà nước của nước này cũng có thể được Trung Quốc tham khảo.
(1) Chiến lược định vị và quản lý doanh nghiệp nhà nước. Pháp là nước tư bản phát triển được quốc hữu hóa cao nhất, trong những năm 1980, doanh nghiệp nhà nước của Pháp đóng góp 40% GDP (con số này ổn định ở mức trên dưới 10% trong những năm gần đây). Điều này có quan hệ mật thiết với truyền thống văn hóa và chính trị của Pháp. Vị trí của các doanh nghiệp nhà nước là phục vụ chiến lược đối ngoại của đất nước với bên ngoài, duy trì ổn định chính trị và xã hội bên trong, thực hiện các chính sách kinh tế chiến lược của đất nước, duy trì lợi thế công nghệ của các ngành công nghiệp tiên tiến, đồng thời nuôi dưỡng và hỗ trợ các ngành công nghiệp mới nổi có ý nghĩa chiến lược.
Về chiến lược quản lý doanh nghiệp nhà nước trải qua 3 giai đoạn: giai đoạn quản lý hành chính (sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến 1967), giai đoạn quản lý theo hợp đồng (1967 đến 2003) và giai đoạn quản lý cổ đông nhà nước (từ năm 2004 đến nay). Trong số đó, cải cách do chính phủ của Đảng Xã hội thúc đẩy vào những năm 1980 có ý nghĩa tiêu biểu. Năm 1986, hiến pháp được sửa đổi và một đạo luật mới được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc cải cách doanh nghiệp nhà nước, mục tiêu thực sự nhằm hiện thực hóa điều mà Thủ tướng Delmar đã đề xuất năm 1969, “khôi phục doanh nghiệp nhà nước thành những doanh nghiệp thực sự và trả lại cho họ quyền hoạt động độc lập.” Phương thức là nhà nước và doanh nghiệp ký kết “hợp đồng kế hoạch”: một mặt, nhà nước tác động đến định hướng phát triển của doanh nghiệp thông qua các điều khoản của hợp đồng để ngăn chặn doanh nghiệp làm tổn hại đến lợi ích công và vi phạm chiến lược phát triển chung của quốc gia, đồng thời thông qua các cơ quan quản lý của chính phủ và doanh nghiệp để cử nhân sự thực hiện. Mặt khác, doanh nghiệp được quyền tự chủ trong các hoạt động kinh doanh cụ thể. Được đánh dấu bằng việc thành lập Cơ quan tham gia của nhà nước (APE – Agence des participations de l’État) vào năm 2004. Việc quản lý của nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước đã chuyển từ “quản lý doanh nghiệp” sang “quản lý vốn” thực tiễn hơn mười năm qua đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Hình thành mối quan hệ quản lý lành mạnh giữa công sở cổ phần (nhà nước) với doanh nghiệp; việc lạm quyền của cổ đông lớn và nhỏ đã được hạn chế; ý đồ của nhà nước trong việc tối ưu hóa phân phối vốn nhà nước và điều chỉnh chiến lược kinh tế quốc gia cũng đã được thực hiện.
Cải cách phân loại là một đặc điểm đáng chú ý trong cải cách doanh nghiệp nhà nước của Pháp. 1.760 doanh nghiệp nhà nước được chia thành ba loại: các ngành như giáo dục công, chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng tiếp tục do nhà nước quản lý hoàn toàn; các ngành như năng lượng hạt nhân, hàng không vũ trụ và dịch vụ bưu chính tiếp tục do nhà nước kiểm soát; các ngành công nghiệp như năng lượng và vận tải mở cửa cho vốn tư nhân. Sau cải cách, Pháp vẫn giữ được các thành phần kinh tế quốc doanh tương đối mạnh trong số các nước phát triển phương Tây, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ công như y tế, giáo dục, thủy lợi, cũng như các ngành kinh tế chiến lược như điện hạt nhân, sản xuất hàng không, công nghiệp quân sự và năng lượng. Sau nhiều năm cải cách, tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước trong GDP đã giảm xuống còn 6,5%, một số doanh nghiệp nhà nước độc quyền lớn như Bưu điện Pháp sử dụng 3/4 lao động doanh nghiệp nhà nước trong quá trình cung cấp dịch vụ công.
(2) Các ngành lợi thế. “Nền kinh tế Pháp không còn tốt nữa, không có lợi thế công nghệ và các ngành sản xuất tiên tiến”. Đây là một quan điểm tương đối phổ biến, đồng thời nó cũng cản trở sự hợp tác giữa Trung Quốc và Pháp trong lĩnh vực công nghệ kinh tế và sản xuất. Trên thực tế, điều này là do sự hiểu biết không đầy đủ về tình hình liên quan. Pháp vẫn có nhiều lĩnh vực công nghệ tiên tiến và các ngành sản xuất tiên tiến, vẫn có khả năng cạnh tranh toàn cầu trong ngành dịch vụ (nước, tài chính, bảo hiểm, bán lẻ), ngành thời trang là trung tâm toàn cầu, bao gồm thiết kế, sản xuất quần áo, mỹ phẩm, đồ trang sức và các lĩnh vực khác. Từ năm 2020 đến 2022, tổng cộng 82 công ty của Pháp và Đức lọt vào danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Pháp đã thiết lập một nền kinh tế quốc doanh lớn mạnh, về ngành dịch vụ có Công ty Bưu chính Pháp (La Poste), Công ty Viễn thông Pháp (Orange), hãng Hàng không quốc gia Pháp (Air France), Tập đoàn tài chính Société Générale, Tín dụng nông nghiệp Pháp, Ngân hàng Paris, Công ty Bảo hiểm nhân thọ quốc gia Pháp, Công ty đường sắt Pháp (SNCF); năng lượng và sản xuất có những gã khổng lồ trong ngành như Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), Tập đoàn năng lượng hạt nhân (Avera), Tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử (Thomson), Nhà sản xuất ô tô Renault, Công ty vận tải đường sắt (Alstom) và nhiều tên tuổi trong ngành khai khoáng, dịch vụ, công nghiệp khác… Sau những năm 1980, các công ty này đã trải qua quá trình tái tổ chức, cách vận hành hiện tại của họ đã thay đổi, nhưng nhiều công ty vẫn là những công ty có công nghệ hàng đầu và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ điển hình là Tập đoàn Công nghiệp hàng không và quốc phòng Châu Âu (EADS) là tập đoàn mà Air France có cổ phần. Đây cũng là tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng lớn số 2 thế giới, có sự hợp tác của liên chính phủ (Đức, Pháp, Tây Ban Nha). Đồng thời, nó cũng sở hữu toàn bộ cổ phần của Airbus. Công ty dầu mỏ đa quốc gia TotalEnergies thâu tóm nhiều tên tuổi khác như Petrofina, Aquitaine. Liên doanh Air France-KLM được hình thành; Areva trở thành Orano (một tập đoàn đa quốc gia về lĩnh vực năng lượng hạt nhân), Gaz de France trở thành GDF Suez (một tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực sản xuất và phân phối điện, khí thiên nhiên, năng lượng tái tạo); Renault được tư nhân hóa (chính phủ vẫn nắm giữ 15,7%), nó trở thành Liên minh Renault-Nissan và tiếp tục quá trình liên minh hóa để thành lập liên minh ô tô lớn thứ ba thế giới. Đường sắt cao tốc Pháp (TGV) là sản phẩm hợp tác giữa công ty đường sắt Pháp và Alstom, đại diện cho công nghệ đường sắt cao tốc bánh hơi tốt nhất ở châu Âu.
Xét về công ty tư nhân (bao gồm cả công ty có dưới 25% cổ phần nhà nước), Schneider Electric, Alcatel, Saint-Gobain, Michelin, Dassault, Breguet, Citroen, Peugeot, Carrefour, AXA, v.v… đều là những công ty tiêu biểu của Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Cùng với các doanh nghiệp nhà nước hỗ trợ nền kinh tế Pháp, bao gồm công nghiệp, sản xuất, thực phẩm, bảo hiểm, tài chính, nước và nhiều ngành công nghiệp khác. Ngày nay, một số công ty trong số này đã được mua lại (ví dụ: Alcatel mua lại Lucent và sau đó được Nokia mua lại), và hầu hết trong số đó được chia tách và hợp nhất để trở nên lớn hơn và mạnh hơn ở một số lĩnh vực nhất định. Do đó, vẫn có nhiều công ty Pháp có khả năng cạnh tranh trên thế giới, một ví dụ điển hình là Tập đoàn đa quốc gia Veolia sau khi mua lại Suez, đã trở thành một siêu đại gia trong lĩnh vực cấp nước toàn cầu. Sau khi Citroen và Peugeot hợp nhất thành Tập đoàn Peugeot Citroen (PSA) vào năm 1976, nó hợp nhất với Fiat Chrysler Automenses vào năm 2021 để thành lập Stellantis, nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư trên thế giới. Ngoài ra còn có AXA, Carrefour, Schneider Electric, Dassault, Michelin, Bouygues, Vinci, Vivendi, Danone, v.v.
(3) Các ngành tiềm năng. Nhiều công ty Pháp đã xâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc trong nhiều năm như: Veolia, Suez, Renault, Peugeot-Citroen, Danone, Carrefour, Michelin và các công ty khác đã trở thành cầu nối hợp tác Trung-Pháp. Cũng đã có trường hợp Tập đoàn TCL (TCL Technology) của Trung Quốc mua lại mảng kinh doanh TV màu của Thomson và mảng kinh doanh điện thoại di động của Alcatel (hiện tại, hiệu quả của việc mua lại tỏ ra không mấy khả quan). Vẫn còn nhiều cơ hội để mở rộng và cải thiện quan hệ hợp tác Trung-Pháp.
Trong lĩnh vực dịch vụ công, Pháp vẫn có nhiều công ty lớn với trình độ quản lý tiên tiến, có giá trị hợp tác lớn đối với quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc. Lấy các vấn đề về cấp thoát nước làm ví dụ, cả Veolia và Suez đều có một số lượng lớn doanh nghiệp ở Trung Quốc và Veolia đã thực hiện hơn 100 dự án tại 40 thành phố ở Trung Quốc Đại lục. Sino-French Water, một liên doanh giữa Suez và Hong Kong New World Group, có 16 doanh nghiệp hợp tác ở Trung Quốc và là doanh nghiệp quốc tế có quy mô kinh doanh trong lĩnh vực cấp nước lớn nhất ở Trung Quốc. Sau khi Veolia mua lại Suez vào năm 2020, doanh thu từ nước của công ty này bằng tổng doanh thu của 8 công ty xếp sau trên thế giới cộng lại và gấp tám lần so với BEWG, công ty cấp nước lớn nhất Trung Quốc. Kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực quản lý chất thải và năng lượng là điều mà Trung Quốc đang cần.
Công nghệ và hoạt động kinh doanh điện hạt nhân của EDF: Điện hạt nhân của Pháp chiếm 70% cơ cấu điện năng, cao nhất thế giới. Khác với suy nghĩ “từ bỏ điện hạt nhân” của Đức, Pháp rất khó từ bỏ điện hạt nhân và có kế hoạch xây dựng hơn chục tổ máy điện hạt nhân. Trung Quốc hiện là quốc gia có số lượng tổ máy điện hạt nhân đang được xây dựng lớn nhất thế giới, tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu nguồn điện vẫn đang có xu hướng tăng lên. Trong quá trình giới thiệu và phát triển công nghệ điện hạt nhân ở Trung Quốc, công nghệ của Pháp được xem xét như một trong những ưu tiên và được triển khai thực hiện tại Nhà máy điện hạt nhân Daya. Trung Quốc hiện đã phát triển lò phản ứng hạt nhân “Hualong One” với quyền sở hữu trí tuệ hoàn toàn, ngoài tổ máy số 5 và 6 của Nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh (Fuqing), nó cũng đã được sử dụng ở Pakistan và các nước khác. Tuy nhiên, Pháp vẫn có lợi thế về công nghệ điện hạt nhân, bao gồm 4 thế hệ công nghệ tiên tiến và công nghệ xử lý chất thải hạt nhân. Mặc dù CGNPC (Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc) và EDF đã cùng nhau đầu tư vào dự án điện hạt nhân Hinkley Point C ở Vương quốc Anh, nó gặp phải những trở ngại bởi những lý do từ Vương quốc Anh, nhưng dự án này đã cung cấp kinh nghiệm then chốt để hai nước cùng phát triển điện hạt nhân ở thị trường thứ ba. Bên cạnh đó, công nghệ đường sắt cao tốc của Pháp cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng công nghệ đường sắt cao tốc của riêng Trung Quốc.
France Telecom là một ví dụ điển hình khác. Trong giai đoạn đầu phát triển công nghệ thông tin, Pháp đã hình thành lợi thế công nghệ toàn cầu và có những đặc trưng riêng, Orange từng sở hữu mạng lưới 3G lớn nhất thế giới, nhưng vì lý do tài chính, thị trường và các lý do khác nên chưa chuyển đổi thành một lợi thế công nghiệp toàn cầu. Trong thời đại phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp Internet, nó đã bị gạt ra bên lề, một lượng lớn công nghệ và nhân viên kỹ thuật đã được Hoa Kỳ thâu tóm, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành sự thống trị toàn cầu của Hoa Kỳ về công nghệ Internet. Ý tưởng “kiểm soát trung tâm” của nó thúc đẩy sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây và “sức mạnh Pháp” từ Thung lũng Silicon là một thực tế phổ biến. Tuy nhiên, France Telecom vẫn là một trong những công ty viễn thông lớn nhất ở châu Âu. Bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) của công ty sử dụng hơn 4.000 người và các dự án nghiên cứu dài hạn chiếm khoảng 20%, liên quan đến 15 lĩnh vực được ngành công nghệ thông tin toàn cầu quan tâm.
Carrefour và Auchan từng là những công ty nước ngoài tiêu biểu trong ngành bán lẻ của Trung Quốc. Với sự gia tăng nhanh chóng của các công ty thương mại điện tử địa phương, lợi thế của các công ty Pháp nói trên đã bị suy yếu. Tuy nhiên, từ góc độ toàn cầu, vẫn có một số lượng lớn các cửa hàng ngoại tuyến truyền thống và trải nghiệm mua sắm mà họ mang lại cho người tiêu dùng vẫn là không thể thay thế (hoặc có thể là chưa thể thay thế ở thời điểm hiện tại). Dựa trên điều này, các công ty thương mại điện tử Trung Quốc cũng đã tăng cường trở lại hoạt động bán hàng ngoại tuyến dưới danh nghĩa “phương thức bán lẻ mới”. Do đó, các công ty bán lẻ của Pháp chủ yếu bán hàng ngoại tuyến vẫn có giá trị tham khảo.
Ngoài ra, ngành công nghiệp thời trang là một lợi thế lớn của Pháp và có tiềm năng lớn trong hợp tác Trung-Pháp. Pháp là quê hương của Hermès, LVMH (Moët Hennessy Louis Vuitton), Kering và các công ty khác đứng đầu ngành thời trang toàn cầu. Các tên tuổi như Louis Vuitton và Hermes là các thương hiệu tiêu chuẩn tại các trung tâm thương mại tại các thành phố lớn ở Trung Quốc. Sau cải cách và mở cửa, quần áo, đồ da, đồ trang sức, hành lý, quản lý khách sạn và các lĩnh vực khác của Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều từ Pháp. Với sự phát triển kinh tế, Trung Quốc đã có số lượng tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới, số lượng người ra nước ngoài hàng năm lớn nhất thế giới và là thị trường tiêu dùng xa xỉ phẩm lớn nhất thế giới. Trong quá trình các doanh nghiệp địa phương của Trung Quốc ngày càng tăng cấp trên của chuỗi giá trị, Paris, với tư cách là trung tâm thời trang toàn cầu, vẫn là một thành phố lớn để các doanh nghiệp Trung Quốc học hỏi.
3. Bầu không khí xã hội và môi trường dư luận xã hội
Bầu không khí xã hội thường biểu hiện dưới dạng dư luận ngắn hạn. Là một xã hội đang già đi, môi trường dư luận của Pháp chịu ảnh hưởng sâu sắc của các phương tiện truyền thông truyền thống, trong khi một số phương tiện truyền thông lớn của Pháp lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư bản Mỹ. Đây là tác dụng phụ của quá trình tư nhân hóa tại Pháp cũng như vị thế “bá chủ truyền thông toàn cầu” của Mỹ, thể hiện ở Pháp. “Các phương tiện truyền thông thích đưa tin tiêu cực về Trung Quốc. Bầu không khí xã hội ủng hộ, củng cố tình hữu nghị với Trung Quốc không còn tốt như những năm 1980 và 1990. Ngoài những cân nhắc mang tính tổng thể của chính phủ, các doanh nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ với Trung Quốc. Điều này cũng phổ biến ở Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác. Do đó, một số phương tiện truyền thông chính thống của Pháp khó có thể đăng các bài báo khách quan và chính xác về Trung Quốc, điều này đã ảnh hưởng đến bầu không khí xã hội và môi trường dư luận ở Pháp về Trung Quốc. Nhưng điều này đòi hỏi sự phân tích biện chứng.
Vào những năm 1980, bầu không khí xã hội và dư luận môi trường thân thiện với Trung Quốc của Pháp có liên quan đến “tâm lý mạnh mẽ” của các nước phát triển đối với các nước đang phát triển. Các nước phương Tây kỳ vọng vào sự chuyển đổi của Trung Quốc từ đóng sang mở nhưng lại hiểu biết hạn chế về xã hội Trung Quốc. Với sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và sự gia tăng đáng kể về tầm ảnh hưởng toàn cầu, các yếu tố trên đang thay đổi. Pháp cần định hướng lại tâm lý của mình đối với Trung Quốc, vốn đòi hỏi sự điều chỉnh giữa các thế hệ: từ cảm xúc lẫn lộn của thế hệ cũ sang sự chấp nhận bình tĩnh của thế hệ mới.
Đặc điểm chung của các phương tiện truyền thông chính thống truyền thống của phương Tây là tự gọi mình là “những kẻ nhặt rác” và rất muốn đưa tin tiêu cực trong và ngoài nước. Các phương tiện truyền thông này có ảnh hưởng rõ ràng hơn đối với người già ở Pháp, trong khi những người trẻ tuổi và trung niên chủ yếu tiếp nhận thông tin từ các phương tiện truyền thông mới, quan điểm của họ về Trung Quốc không quá cực đoan và dễ “uốn nắn”. Giờ đây, bầu không khí xã hội trong quan hệ của Pháp với Trung Quốc thể hiện một phổ tương đối khác biệt, điều này mang lại khả năng và cơ sở cho việc cải thiện lâu dài môi trường dư luận trong quan hệ của Pháp với Trung Quốc.
Ở Pháp cũng có một bầu không khí xã hội phàn nàn rằng Trung Quốc “không quan tâm đúng mức đến Pháp”, những người hiểu biết về Trung Quốc, giới kinh doanh, giới trí thức và giới tinh hoa chính trị vẫn hy vọng tăng cường quan hệ với Trung Quốc để chia sẻ nhiều lợi ích hơn từ sự phát triển của cường quốc Châu Á và tăng cường hơn nữa mối quan hệ của họ với Bắc Kinh. Trao đổi và chia sẻ niềm tin văn hóa đang thu hút nhiều sự chú ý hơn, đồng thời ủng hộ Pháp đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề của EU và toàn cầu. Trung Quốc và Pháp nên bắt đầu từ các chi tiết, từ thế hệ trẻ, để nuôi dưỡng và củng cố bầu không khí xã hội này, đồng thời thay đổi môi trường dư luận hiện tại vốn không khách quan và bất lợi cho cả Trung Quốc và Pháp.
4. Nhân cách của các nhà lãnh đạo chính trị
Theo hiến pháp 1958, Pháp là một quốc gia bán tổng thống, tổng thống có thể đàm phán, phê chuẩn các hiệp ước, bổ nhiệm đại sứ ngoại giao cũng như đặc phái viên, chấp nhận đại sứ và đặc phái viên nước ngoài. Rõ ràng, về ngoại giao, tổng thống Pháp ít chịu sự ràng buộc của quốc hội và chính phủ, ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo quốc gia đối với ngoại giao rõ ràng lớn hơn hệ thống nội các do Vương quốc Anh đại diện, và tổng thống cũng có tầm ảnh hưởng lớn hơn so với mô hình do Hoa Kỳ đại diện. Vì vậy, tổng thống có khả năng thực hiện chiến lược và chính sách đối ngoại tương đối độc lập. Khi Đệ ngũ Cộng hòa Pháp lựa chọn đối tác chiến lược về ngoại giao, sự tương đồng và khác biệt về thể chế chính trị không phải là tiêu chí phân định ranh giới. Đó là lý do vì sao, Pháp có thể trở thành cường quốc phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Giới nghiên cứu Pháp tại Trung Quốc có một quan điểm: từ De Gaulle đến Destin, ngoại giao Pháp đi theo chủ nghĩa De Gaulle; Mitterrand là một bước ngoặt, Chirac là dư âm của chủ nghĩa De Gaulle; những người theo chủ nghĩa Đại Tây Dương; đặc biệt là Macron, người có quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ từ khi còn trẻ. Sức mạnh tài chính do Ngân hàng Rothschild đại diện là động lực quan trọng cho sự nghiệp chính trị và sự thăng tiến của ông. Một số quyết định của ông (chẳng hạn như không ngăn cản cơ sở năng lượng của Alstom bị General Electric thâu tóm), thể hiện ông là người theo chủ nghĩa Đại Tây Dương hơn là một người “Gaullist”.
Tác giả cho rằng đặc điểm văn hóa và nhu cầu chiến lược quốc gia là yếu tố quyết định cơ bản của ngoại giao Pháp, và biểu hiện điển hình của nó là chủ nghĩa De Gaulle. “Gaullism” đã có những hình thức khác nhau trong các thời đại khác nhau. Chủ nghĩa Đại Tây Dương sẽ biểu hiện trong một thời gian nhất định với một nhà lãnh đạo nhất định, nhưng đến một thời điểm nhất định, nó sẽ quay trở lại chủ nghĩa De Gaulle. Về tổng thể, chủ nghĩa Đại Tây Dương không thể áp đảo và thay thế chủ nghĩa De Gaulle. Tính cách của nhà lãnh đạo có thể quyết định đặc điểm ngoại giao của Pháp trong ngắn hạn, nhưng không thể quyết định xu hướng dài hạn.
Đối với Macron, ông ấy có khuynh hướng nhất định đối với Chủ nghĩa Đại Tây Dương, nhưng ông ấy không phải là một người theo chủ nghĩa Đại Tây Dương điển hình. Sự kết hợp giữa niềm tự hào dân tộc và nhu cầu chiến lược quốc gia đã góp phần khiến ông chú trọng hơn vào chủ nghĩa De Gaulle so với hai tổng thống tiền nhiệm của mình. Giới tinh hoa chính trị Pháp rất rõ ràng rằng có sự khác biệt về văn hóa và lợi ích quốc gia giữa Pháp và Hoa Kỳ; trong số các quốc gia khác, Hoa Kỳ chú ý nhiều hơn đến Đức và tin tưởng Ba Lan hơn; trong ngoại giao của Mỹ, có nhiều chính sách và những hành động làm tổn hại đến lợi ích của các nước châu Âu. Độc lập chiến lược châu Âu là nhu cầu của châu Âu, là mong muốn của nước Pháp.
5. Mối quan hệ thân thiết giữa Pháp và Đức
Một nước Pháp tách biệt khó có thể gây ảnh hưởng đáng kể đối với các vấn đề châu Âu và toàn cầu, đây là lý do chính khiến Robert Schuman và Jean Monnet dốc sức ủng hộ sự thống nhất châu Âu sau Thế chiến thứ hai. Do đó, cộng đồng than và thép châu Âu đã có động lực ban đầu. Sự phát triển không ngừng và đi vào chiều sâu của quá trình liên kết châu Âu đã chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của “Liên minh châu Âu”. Trong bối cảnh hội nhập châu Âu ngày càng sâu rộng, ngoại giao của Pháp bị hạn chế và chịu ảnh hưởng của Liên minh châu Âu, trong đó Đức có ảnh hưởng đáng kể nhất. Phát biểu của lãnh đạo hai nước thường đi đến một điểm đó là: “Pháp nhấn mạnh chính trị, còn Đức nhấn mạnh kinh tế.” Các nhà lãnh đạo Pháp thường lên tiếng về các vấn đề chính trị và an ninh toàn cầu, trong khi các nhà lãnh đạo Đức thường lên tiếng về các vấn đề kinh tế toàn cầu. Một ví dụ điển hình là “Đạo luật giảm lạm phát” của Hoa Kỳ, thông qua trợ cấp để lấn át các công ty châu Âu. Đức phản ứng mạnh mẽ về điều này, mức độ tham gia của các công ty Đức vào thị trường Mỹ lớn hơn các công ty Pháp. Với tư cách là “động cơ kép” của Liên minh châu Âu, mối liên hệ giữa Pháp và Đức, bên cạnh sự phân công lao động, hợp tác và tự do di chuyển nhân sự ở cấp độ EU, cấp độ chính phủ đã phát triển đến mức một số bộ, ủy ban và văn phòng hoán đổi vị trí. Sự hợp tác và chia sẻ công nghệ tiên tiến đã được thể hiện đầy đủ trong các trường hợp của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu với Tập đoàn Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng Châu Âu. Deutsche Telekom và France Telecom đã hợp nhất các hoạt động tại Vương quốc Anh của họ và trở thành nhà khai thác viễn thông lớn nhất của Vương quốc Anh. Tất cả những điều này cho thấy sự gần gũi trong mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên, Trung Quốc không có ý định chia rẽ Pháp và Đức, và sự hợp tác của họ với hai nước này là “sự bổ sung” trên cơ sở sẵn có. Trong quá trình bổ sung, Trung Quốc có quyền tập trung vào hai quốc gia theo nhu cầu chiến lược lâu dài. Đây cũng là điều Pháp cần: Đức chọn Hoa Kỳ về mặt chiến lược, còn Pháp cảm thấy chọn Trung Quốc là một phương án thích hợp. Điều này tạo nên mối quan hệ bổ sung cho sự hợp tác ngày càng được củng cố giữa Pháp và Đức, phản ánh sự khác biệt và cạnh tranh giữa hai nước về tầm ảnh hưởng trong EU và toàn cầu. Trong thời đại cạnh tranh văn minh, trạng thái bình thường là các quốc gia càng có nhiều điểm tương đồng về văn hóa thì quan hệ càng chặt chẽ, các quốc gia có sự khác biệt rõ ràng về văn hóa vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Điều này cũng đúng với Pháp và Đức.
6. Ảnh hưởng của Hoa Kỳ
Là siêu cường duy nhất và là lực lượng đứng đầu NATO, Mỹ hiện diện sâu rộng ở châu Âu: về mặt quân sự, sự tồn tại của NATO là nguyên nhân chính khiến lực lượng phòng vệ độc lập ở châu Âu khó hình thành một cách thực sự. Hoa Kỳ có lực lượng quân đội đồn trú ở các căn cứ tại Đức, Anh, Ý, Ba Lan và một số quốc gia khác, trong khi hỗ trợ và bảo vệ các quốc gia này khỏi sự “xâm lược” từ bên ngoài, nó cũng làm hạn chế sự phát triển của lực lượng phòng thủ độc lập của các nước đó. Về chính trị, tăng cường quan hệ xuyên Đại Tây Dương, hạn chế quyền tự chủ chiến lược của các nước châu Âu, nhất là EU, ủng hộ các chính đảng, chính trị gia thân Mỹ ở các nước châu Âu. Về mặt kinh tế, thông qua việc xuất khẩu một lượng lớn tư bản và công nghệ, nó ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế và sự độc lập về kinh tế của các nước châu Âu. Về văn hóa, có kế hoạch bồi dưỡng lực lượng trí thức, thân Mỹ, gây ảnh hưởng đến dư luận các nước châu Âu từ phương tiện truyền thông, Internet và các phương diện khác. Về bảo mật thông tin, việc giám sát rộng rãi các cơ quan và quan chức chính phủ ở các nước châu Âu đã được thực hiện. Thông qua các biện pháp toàn diện này, Hoa Kỳ đã hình thành một tầm ảnh hưởng vô song và to lớn đối với các nước châu Âu.
Tuy nhiên, Pháp là quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất trong số các nước lớn ở châu Âu. Nước Pháp không có các đơn vị đồn trú và căn cứ quân sự của Mỹ, nước này đã xây dựng được lực lượng phòng vệ quốc gia tương đối mạnh, có thể chỉ huy độc lập, nước này cũng có lực lượng hạt nhân độc lập, là nước số một thúc đẩy việc xây dựng một hệ thống phòng thủ độc lập ở châu Âu. Về chính trị, trong khi thừa nhận mình là thành viên của phương Tây, Pháp cam kết thúc đẩy quyền tự trị chiến lược của châu Âu. Một số chính đảng quan tâm nhiều hơn đến quan hệ giữa Pháp và Mỹ nhưng chưa thành lập đảng thân Mỹ như Đảng Xanh của Đức. Cha con bà Le Pen vui mừng trước sự đắc cử của cựu Tổng thống Trump, chủ yếu vì chủ nghĩa biệt lập mới do Trump đại diện cam kết tăng cường mối quan hệ giữa Mặt trận Quốc gia (được đổi tên thành “Liên đoàn Quốc gia” vào năm 2018) và Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ. Về văn hóa và an ninh thông tin, Pháp tỏ ra hoạt động tích cực hơn Đức trong việc thúc đẩy các quốc gia thành viên EU đồng thuận hạn chế ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại châu Âu và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương.
Từ quan điểm của ba tổng thống gần đây nhất, Sarkozy “thân Mỹ” với hy vọng hàn gắn quan hệ với Mỹ sau thời kỳ của Chirac. Do đó, việc duy trì hoặc duy trì hoặc nâng cao vị thế quốc tế của Pháp không ảnh hưởng đến cam kết duy trì sự độc lập của ngoại giao Pháp: Ông chỉ trích Hoa Kỳ về vấn đề khí hậu và một số vấn đề khác, thúc giục Hoa Kỳ rút quân khỏi Iraq càng sớm càng tốt, phản đối việc sử dụng vũ lực chống lại Iran. Hollande là một tổng thống nhu nhược, mức độ “thân Mỹ” yếu hơn Sarkozy, về vấn đề Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), ông kiên quyết “miễn trừ” các ngành công nghiệp văn hóa như phim và sách. Sau sự cố “nghe lén” của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, ông cho rằng phải đàm phán sau khi đảm bảo Mỹ ngừng nghe lén, đồng thời có thái độ cứng rắn hơn bà Merkel.
Macron, người được một số học giả coi là “người theo chủ nghĩa Đại Tây Dương”, càng nhận ra rằng Hoa Kỳ không đáng tin cậy thông qua Chủ nghĩa Trump, vì vậy ông ủng hộ quyền tự chủ chiến lược của châu Âu và tố cáo “NATO là một khối chết não”. Sau khi Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Úc thành lập liên minh ba bên (AUKUS), Pháp mất đơn đặt hàng quân sự trị giá 45 tỷ đô la Mỹ của Úc, đó là một đòn giáng mạnh vào “khuynh hướng Đại Tây Dương” của ông, và ông ta phải quay trở lại “chủ nghĩa De Gaulle” và củng cố quyền tự chủ của châu Âu. Điển hình là: hợp tác với các quốc gia thành viên EU khác để thúc đẩy việc thông qua “Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số” và “Đạo luật thị trường kỹ thuật số” để hạn chế sự “tăng trưởng khủng khiếp” của các công ty Internet Mỹ, “bảo hộ” các công ty công nghệ địa phương và bảo vệ thông tin của công dân của họ an toàn. Về vấn đề xung đột Nga-Ukraine, ông chủ trương vừa cứng rắn vừa đối thoại, điều này rõ ràng khác với quan điểm “làm suy yếu hoàn toàn nước Nga” của Mỹ.
Do đó, trong khi khẳng định ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với Pháp, sẽ không phù hợp nếu đánh giá quá cao ảnh hưởng này, điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc Trung Quốc công nhận Pháp là đối tác chiến lược hàng đầu của châu Âu.
7. Tựu trung lại
Trong quá trình xác định quốc gia đối tác chiến lược chính của châu Âu, Trung Quốc phải tính đến nhiều yếu tố quan trọng, chẳng hạn như các giá trị văn hóa, giá trị chính trị và hệ thống chính trị của bên kia; sức mạnh kinh tế và cấu trúc kinh tế; bầu không khí xã hội và môi trường dư luận; cá tính của các nhà lãnh đạo chính trị; sự gần gũi trong quan hệ giữa Pháp và Đức; ảnh hưởng của Hoa Kỳ, v.v. Tuy nhiên, đặc trưng văn hóa và chiến lược quốc gia là yếu tố nền tảng ở tầm vĩ mô và phải được ưu tiên. Đây là nhu cầu của Trung Quốc và Pháp, phù hợp với nhu cầu chiến lược lâu dài của hai nước. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc phải có tầm nhìn dài hạn, bắt đầu từ các chi tiết và cống hiến hết mình cho việc thiết lập và củng cố quan hệ đối tác hợp tác chiến lược lâu dài Trung Quốc-Pháp./.
Biên dịch: Hoàng Hải
Nguồn: 薛力, 文明竞争与中国对欧方略②:经济结构等六因素, 外交学人, 04.4.2023
Tác giả: 薛力 (Xue Li) là Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Chính trị, trưởng Phòng Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế thuộc Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (IWEP), Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS).
Các hướng nghiên cứu chính: Chiến lược đối ngoại của Trung Quốc, chính sách hàng hải, chính trị năng lượng, gần đây có sự quan tâm đến các vấn đề Biển Đông và dự án “Một vành đai, Một con đường” (OBOR).
Chú thích:
[1] Cách gọi khác là “nền kinh tế thị trường có kiểm soát”; hoặc “nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”