Tháng 4/2024, các hoạt động quân sự xung quanh thị trấn Myawaddy (đô thị nằm gần biên giới của Myanmar với Thái Lan) đã gửi đi một số tín hiệu đáng chú ý về tình hình khủng hoảng ở quốc gia Đông Nam Á này. Cụ thể, ngày 15/4/2024, lực lượng nổi dậy ở Myanmar tuyên bố đã hoàn toàn kiểm soát được thị trấn Myawaddy. Tuy nhiên, quân đội Myanmar đã thành công với nỗ lực tái chiếm lại đô thị này sau đó chưa tới 10 ngày. Mặc dù đã giành lại được Myawaddy, nhưng sự thất bại trước đó của quân đội đã cho thấy cán cân lực lượng đang thay đổi theo hướng có lợi cho các lực lượng nổi dậy. Quân đội Myanmar đang ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn. Với việc các nhóm nổi dậy đang gia tăng khả năng kiểm soát ở các khu vực biên giới, đẩy lực lượng quân đội co cụm về phía đồng bằng, xung đột Myanmar đang có xu hướng cân bằng hơn, cũng đồng nghĩa với khả năng leo thang kéo dài trong thời gian tới. Điều này sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với không chỉ Myanmar mà còn là vấn đề nan giải đối với toàn khu vực, thậm chí là liên khu vực.
Quân đội Myanmar đang dần mất ưu thế
Sau 3 năm khủng hoảng, khả năng kiểm soát đất nước của quân đội Myanmar đang ngày càng suy giảm. Nhiều nơi từng được quân đội kiểm soát hàng chục năm đang dần rơi vào tay của các lực lượng nổi dậy. Gần đây nhất, quân đội đã phải tạm thời rút quân khỏi Myawaddy, để lực lượng nổi dậy chiếm được thị trấn này và phải mất hơn 1 tuần bổ sung lực lượng, quân đội mới có thể tái chiếm lại được đô thị quan trọng giáp biên giới Thái Lan này. Mặc dù vậy, áp lực đối với Myawaddy vẫn sẽ được gia tăng, tầm quan trọng chiến lược của đô thị này chắc chắn sẽ thu hút các lực lượng nổi dậy. Câu hỏi đặt ra là Myawaddy có ý nghĩa gì đối với cục diện khủng hoảng ở Myanmar?
Myawaddy, ở bang Karen, là một trong những cửa khẩu biên giới quan trọng nhất ở Myanmar trong quan hệ thương mại với Thái Lan[1]. Nếu mất thị trấn này, đó sẽ là một tổn thất lớn đối với chính quyền quân sự Myanmar. Thậm chí, hệ lụy của thất bại đó có thể lớn hơn tưởng tượng. Việc kiểm soát Myawaddy có thể mở đường cho đà tiến công của quân nổi dậy hướng tới Mawlamyine nơi có một hải cảng rất quan trọng ở phía Nam Myanmar. Nếu điều này có thể xảy ra, cục diện xung đột ở Myanmar sẽ có một bước ngoặt rất lớn. Quân nổi dậy có thể chia cắt hoàn toàn dải đất phía Nam Myanmar dọc theo biên giới với Thái Lan. Đó sẽ là một tổn thất đặc biệt lớn đối với quân đội Myanmar cả về chính trị lẫn kinh tế. Cần nhắc lại rằng, Mawlamyine là điểm khởi đầu của Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC) dài 1.450km xuyên qua bốn quốc gia: Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Một tác động khác cũng cần được xem xét, khi quân nổi dậy kiểm soát được dải đất miền Nam, họ cũng có thể gây sức ép đặc biệt lớn tới nhiều cảng biển quan trọng của Myanmar nằm ở phía Nam như: Yangon, Thilawa, Kyaukpyu và nhiều cảng biển khác. Đồng thời, họ cũng có thể kiểm soát được tuyến giao thương biển phía Nam của Myanmar. Đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào chính quyền quân sự Myanmar. Phản ứng trước những thất bại gần đây của quân đội Myanmar, Thủ tướng Thái Lan cũng đã chia sẻ với Reuters rằng, quân đội Myanmar đang suy yếu[2].
Ở một góc nhìn tổng thể hơn, điều gì sẽ xảy ra nếu quân đội Myanmar hoàn toàn mất khả năng kiểm soát biên giới trên bộ?
Thứ nhất, việc mất biên giới trên bộ sẽ làm suy giảm đáng kể khả năng kết nối với các nước láng giềng. Về mặt kinh tế, hoạt động giao thương trên bộ có khả năng tê liệt dưới áp lực kiểm soát của lực lượng nổi dậy. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại giao khác cũng sẽ chịu tác động tiêu cực khi con đường còn lại duy nhất khả thi trong việc tương tác với thế giới bên ngoài là đường hàng không và đường biển vốn không thể đáp ứng được nhu cầu ngoại giao của Myanmar.
Thứ hai, quân đội Myanmar sẽ khó kiểm soát các căn cứ địa của các nhóm nổi dậy ở khu vực biên giới với các nước, thậm chí, khó có thể xác định và có các biện pháp quân sự và ngoại giao nhằm vào các căn cứ của quân nổi dậy được đặt bí mật ở bên trong lãnh thổ các quốc gia láng giềng.
Thứ ba, các thất bại quân sự ở biên giới sẽ khiến niềm tin của người dân Myanmar vào khả năng của quân đội suy giảm. Điều này sẽ tác động ngược trở lại đối với chính sách nhập ngũ bắt buộc của chính phủ quân sự.
Có thể thấy, sự suy yếu của quân đội Myanmar được thể hiện ở phạm vi kiểm soát đất nước của họ đang ngày càng thu hẹp. Thay vì kiểm soát được toàn bộ Myanmar sau cuộc đảo chính, giờ đây, quân đội Myanmar đang có xu hướng co cụm về phía các đồng bằng trung tâm, “nhường” lại nhiều khu vực biên giới về tay các lực lượng nổi dậy. Biên giới đang trở thành một điểm yếu lớn đối với chính quyền quân sự Myanmar.
Đây hoàn toàn không phải là nguy cơ xa vời mà là một thực tế trước mắt. Tất cả các quốc gia láng giềng của Myanmar hiện nay đều đã siết chặt an ninh biên giới nhằm ngăn chặn ngọn lửa xung đột lan sang đất nước họ. Ví dụ, Thái Lan đã tổ chức tuần tra biên giới thường xuyên hơn để ngăn ngừa xung đột vượt qua biên giới. Trong khi đó, Ấn Độ đã lên kế hoạch xây dựng hàng rào biên giới với Myanmar với mục đích tương tự. Tuy nhiên, vẫn có sự mơ hồ về những “cánh cửa hẹp” có thể giúp các nhóm nổi dậy qua lại giữa biên giới các nước với Myanmar. Điều đó càng khiến quân đội nước này khó kiềm chế được các đối thủ.
Sự lớn mạnh nhanh chóng của các thế lực nổi dậy
Myanmar vốn là một quốc gia đặc biệt phức tạp về an ninh khi có tới hàng chục lực lượng vũ trang và bán vũ trang hoạt động độc lập, thậm chí đối đầu với chính phủ của quốc gia này dù ở bất cứ giai đoạn cầm quyền nào.
Sau khi quân đội Myanmar thực hiện cuộc đảo chính năm 2021, thậm chí đã xuất hiện thêm các lực lượng nổi dậy mới cũng như các liên minh vũ trang mới. Ví dụ: Lực lượng phòng vệ nhân dân (PDF) một lực lượng chống chính quyền quân sự hiện nay với quân số đông đảo tới 65.000 người ở thời điểm năm 2022[3]. Quân Giải phóng nhân dân Bamar được thành lập bởi nhà hoạt động Maung Saungkha[4]. Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Chin (CNDF) được tổ chức bởi Tổ chức Quốc gia Chin (CNO)[5]. Lực lượng Phòng vệ dân tộc Karenni (KNDF) được lãnh đạo bởi nhà hoạt động Khun Bedu[6]… và nhiều lực lượng đối lập khác.
Bên cạnh đó, các liên minh giữa nhiều nhóm nổi dậy cũng từng bước được mở rộng, phát triển như: Liên minh Huynh đệ (hoặc Liên minh ba anh em) bao gồm: Quân đội Arakan (AA) có lực lượng đông đảo và hoạt động rộng khắp nhiều bang Myanmar, Đội quân Liên minh Dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) từng tách ra từ Đảng Cộng sản Miến Điện (CPB), Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta’ang (TNLA) hoạt động chủ yếu ở khu tự trị của người Pa Laung. Ba lực lượng này còn liên kết với Quân đội độc lập Kachin (KIA) trong một liên minh gọi là Liên minh phương Bắc (Myanmar). Một liên minh đáng chú ý khác là 4 lực lượng của người Karen bao gồm: Quân đội Giải phóng Quốc gia Karen, Quân đội Karenni, Mặt trận Giải phóng Nhân dân Quốc gia Karenni, Lực lượng Phòng vệ Dân tộc Karenni đã hợp lại tạo thành tổ chức có tên gọi là Liên minh 4K[7].
Những lực lượng nêu trên chưa phải là tất cả “kẻ thù” của chính quyền quân sự Myanmar hiện nay. Số nhóm nổi dậy thực tế đông hơn rất nhiều. Một điều quan trọng đối với tình hình hiện nay là các nhóm nổi dậy này đang có xu hướng chuyển từ hoạt động đơn lẻ sang mở rộng liên kết, liên minh, cùng nhau đối phó với quân đội Myanmar. Điều này đang ngày càng tạo ra mối đe dọa lớn đối với quyền lực của chính quyền quân sự. Việc đoàn kết các nhóm vũ trang và bán vũ trang đối lập khiến họ trở nên mạnh hơn, có thể thực hiện các chiến dịch quy mô lớn hơn nhằm đánh bật quân đội Myanmar ra khỏi các khu vực ở biên giới. Thậm chí, họ cũng có thể triển khai các chiến dịch quy mô, tiến sâu về phía đồng bằng trong tương lai.
Tuy vậy, một mặt trái của việc phát triển đa dạng các lực lượng đối lập ở Myanmar đó là việc khó có thể dung hòa lợi ích của tất cả những nhóm người đứng đầu các lực lượng này cho dù họ có một “kẻ thù” chung là chính quyền quân sự Myanmar. Có nghĩa rằng, sẽ tồn tại sự cạnh tranh ngầm giữa các lực lượng nổi dậy và điều đó sẽ khiến cuộc “nội chiến” ở quốc gia Đông Nam Á này sẽ có tính chất đặc biệt phức tạp.
Hệ quả từ sự bành trướng của các lực lượng nổi dậy
Tình thế hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách đối với chính quyền quân đội Myanmar cũng như tình hình phát triển của quốc gia Đông Nam Á đặc biệt này.
Thứ nhất, sự gia tăng tính cân bằng của cuộc xung đột khi quân đội mất dần ưu thế, các nhóm nổi dậy ngày một mạnh lên sẽ khiến các nước lớn dè chừng hơn, thận trọng hơn trong các mối quan hệ với chính quyền quân sự. Cũng có nghĩa rằng, khả năng hợp tác thực tế của chính quyền quân sự Myanmar với thế giới bên ngoài không nhiều. Nhiều hoạt động ngoại giao sẽ chỉ mang tính hình thức khi các quốc gia khác sẽ kiên nhẫn chờ đợi cục diện xung đột ở Myanmar sẽ nghiêng về bên nào. Sự thận trọng của quốc tế sẽ khiến các chương trình hợp tác phát triển kinh tế của Myanmar gặp nhiều khó khăn. Khủng hoảng kinh tế – xã hội sẽ khó có thể được giải quyết một sớm một chiều nếu như chính quyền quân sự không có những biện pháp cần thiết để đảm bảo.
Thứ hai, áp lực quân sự đối với các đô thị phía Nam sát biên giới với Thái Lan đang ngày càng gia tăng (mà Myawaddy là một trong số đó). Nếu các lực lượng nổi dậy đủ mạnh và đủ quyết tâm tấn công về phía Nam, bắt đầu từ Myawaddy, tiến tới cửa cảng Mawlamyine, quân đội Myanmar hoàn toàn có khả năng mất toàn bộ dải đất phía Nam, giáp với Thái Lan. Nhìn nhận ở góc độ chiến lược quân sự, như cố Thượng tướng, nhà lý luận quân sự Việt Nam Hoàng Minh Thảo đã đúc kết rằng: “Hình trận dài, mỏng thì dễ đánh”[8]. Dải đất phía Nam Myanmar là một trường hợp có hình trận tương tự như vậy. Nếu mất vùng đất chiến lược này (đây là một nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra), đó là một thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với chính phủ quân sự. Ngược lại, đối với lực lượng nổi đậy, đó sẽ là một chiến thắng mang tính biểu tượng, có giá trị chiến lược đặc biệt. Họ có thể mở rộng thêm khả năng kiểm soát các tuyến đường biển phía Nam. Họ cũng có thể phát triển các cảng biển cho mục đích dân sự lẫn quân sự, từ đó xây dựng lực lượng hải quân nhằm hình thành nên một lực lượng quân đội toàn diện, có đầy đủ các quân binh chủng.
Thứ ba, những thành công quân sự của các lực lượng nổi dậy có thể tạo ra tiếng vang lớn, thu hút sự ủng hộ của người dân Myanmar, đặc biệt ở những nơi nằm trong sự kiểm soát của các lực lượng nổi dậy. Hiệu ứng ủng hộ sẽ tạo ra nhiều điều kiện cho các nhóm nổi dậy tiếp tục tuyển mộ, bổ sung lực lượng, tiếp tục khiến cán cân lực lượng có những sự thay đổi. Hơn nữa, việc cán cân lực lượng đổi chiều có thể tạo ra cơ hội thúc đẩy quá trình can thiệp, tìm kiếm lợi ích từ các thế lực bên ngoài.
Thứ tư, từ chính các tác động nêu trên, xã hội Myanmar sẽ ngày càng phân hóa và mâu thuẫn sâu sắc. Khả năng hòa giải dân tộc sẽ khó đạt được trong tương lai gần, đẩy cuộc xung đột nội bộ của quốc gia này lâm vào tình thế bế tắc. Trải qua nhiều năm xung đột, mặc dù đang xuất hiện xu hướng liên minh giữa các nhóm nổi dậy, nhưng điều này không phản ánh được xu hướng đoàn kết giữa các dân tộc. Những biểu hiện này chỉ đang cho thấy sự xích lại gần nhau giữa các nhóm có chung một số mục tiêu nhất định và gần gũi về mặt địa lý, đậm tính cục bộ, chưa tạo dựng được một phong trào đoàn kết đủ lớn, tập hợp tất cả các nhóm nổi dậy trong nước.
Tương lai xung đột ở Myanmar
Ở trong nước, trong trường hợp lực lượng nổi dậy mở rộng phạm vi kiểm soát, cắt đứt được dải đất phía Nam Myanmar (giáp biên giới Thái Lan), với những giá trị chiến lược đã nêu ở trên, quân đội Myanmar gần như chắc chắn sẽ phải triển khai các chiến dịch quân sự để ngăn chặn. Xung đột ở miền Nam Myanmar leo thang là điều khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khu vực biên giới phía Nam giáp với Thái Lan không phải là vấn đề duy nhất đối với quân đội Myanmar. Các nhóm nổi dậy ở phía Bắc và phía Tây cũng đang chờ đợi những thời cơ phù hợp để mở rộng phạm vi kiểm soát. Chính quyền quân sự sẽ phải đứng ở tình thế tiến thoái lưỡng nan khi “tứ bề thọ địch”.
Dù kịch bản tuyến đường chiến lược từ Myawaddy tiến ra cửa cảng Mawlamyine rơi vào tay lực lượng nổi dậy có sớm xảy ra hay không, quân đội Myanmar cũng sẽ phải tăng cường hệ thống phòng thủ ở khu vực này. Cũng có nghĩa rằng, quân đội đang ở thế bị động và các lực lượng nổi dậy đang vào thế chủ động. Khi đó, quân nổi dậy sẽ có một lựa chọn thứ hai – tiếp tục kiểm soát biên giới, kéo dài thời gian vây hãm quân đội ở đồng bằng lớn, làm suy yếu năng lực đối ngoại của chính phủ quân sự – điều đó là đủ để tạo ra các áp lực đáng kể đối với các chính sách đối nội của ông Min Aung Hlaing. Các nhóm nổi dậy sẽ tiếp tục chờ đợi sự suy yếu của quân đội và từng bước thực hiện chiến lược “tằm ăn dâu”, tiến về phía đồng bằng.
Đối với tất cả các lựa chọn có thể xảy ra này, kết quả chung là cuộc nội chiến sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2024 theo hướng phức tạp hơn và cán cân lực lượng sẽ dần bất lợi đối với quân đội Myanmar, trừ khi chính quyền quân sự có bước đi đột phá trong chiến lược chung của họ.
Ở khu vực, xung đột tiếp diễn phức tạp ở Myanmar tiếp tục tạo ra các bài toán khó cho ASEAN, nếu không có giải pháp phù hợp, vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết xung đột bên trong khu vực của tổ chức sẽ bị suy yếu. Điều này sẽ thúc đẩy ASEAN tăng cường các chương trình nghị sự, Hiến chương ASEAN có thể sẽ phải điều chỉnh theo hướng gia tăng sự can thiệp của khu vực vào tình hình Myanmar nếu cuộc xung đột diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Câu chuyện sẽ bắt đầu một cuộc cải cách lớn chưa từng có của ASEAN kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
Một động thái khác cũng có thể được tính đến, ASEAN có thể đứng ra làm trung gian hòa giải với một hội nghị đa phương gồm: ASEAN, đại diện của chính quyền quân sự và đại diện của các nhóm nổi dậy có tầm ảnh hưởng quyết định. Theo cách như vậy, ít nhất cuộc chiến có thể sẽ được kiểm soát trong ngắn hạn. Nhưng cũng khó giải quyết được tận gốc vấn đề. Myanmar vẫn sẽ cần một cuộc bầu cử với tính chất phức tạp chưa từng có. Và một cuộc tổng quyển cử như vậy sẽ cần một lực lượng quốc tế đông đảo tới giám sát. ASEAN sẽ là một thành viên quan trọng trong nhóm giám sát này.
Cuối cùng, trước khi nghĩ tới khả năng hòa giải trọn vẹn, Myanmar vẫn đang đứng trước nguy cơ can thiệp của các nước lớn khác. Điều kiện thúc đẩy quá trình này nhanh hơn là sự phát triển nhanh chóng của các lực lượng nổi dậy, giữ vai trò nhất định đối với cục diện xung đột ở Myanmar. Khi đó, chính sách trung lập của nhiều nước sẽ có những chuyển biến. Sự suy yếu của quân đội Myanmar sẽ thúc đẩy sự can dự của các nước lớn, nhằm sớm tạo dựng các cơ sở hợp tác với phần lợi của của các cường quốc trở nên nhiều hơn.
Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Tình hình Myanmar khó có thể đi đến hồi kết trong năm 2024, do vậy, Việt Nam duy trì chính sách trung lập đối với vấn đề Myanmar vẫn là lựa chọn phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Nhưng trung lập ở đây không có nghĩa là không làm gì cả, vì một môi trường sinh tồn chung của các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam cần có những nỗ lực làm trung gian hòa giải hoặc những sáng kiến cải cách Hiến chương ASEAN để thích nghi với những thách thức mới của thời cuộc.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần chủ động đề cao vai trò, trách nhiệm của ASEAN, phản đối sự can thiệp của các nước lớn vào Myanmar bởi điều đó sẽ trở thành một tiền lệ nguy hiểm đối với khu vực và chính Việt Nam.
Kinh nghiệm khủng hoảng Myanmar có thể là một bài học lớn đối với Việt Nam trong việc xử lý các mâu thuẫn nội bộ trong nước. Việt Nam cần nghiêm túc thúc đẩy quá trình nghiên cứu cuộc xung đột ở quốc gia Đông Nam Á này, đúc kết các bài học kinh nghiệm và tìm kiếm các biện pháp phòng ngừa ứng với điều kiện thực tế ở Việt Nam./.
Tác giả: Hoàng Hải
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Rebecca Ratcliffe & Lorcan Lovett (2024), Blow for Myanmar’s military as rebels say hundreds have surrendered at key border town, The Guardian, https://www.theguardian.com/world/2024/apr/09/myanmar-military-rebels-myawaddy-karen-state-surrender-thailand
[2] Panu Wongcha-um (2024), Thai PM says Myanmar regime ‘losing strength’, Reuters, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/thai-pm-says-myanmar-regime-losing-strength-2024-04-08/
[3] Vũ Cao (2023), Phiến quân PDF ở Myanmar, họ là ai?, Báo Công an nhân dân, https://cand.com.vn/ho-so-interpol/phien-quan-pdf-o-myanmar-ho-la-ai–i682575/
[4] Maung Saungkha (2022), Ready for war: my journey from peaceful poet to revolutionary soldier, The Guardian, https://www.theguardian.com/global-development/2022/feb/09/hungry-for-war-my-journey-from-peaceful-poet-to-revolutionary-soldier-myanmar
[5] Salai Benezer (2021), Chin people form CNO, CNDF, https://www.bnionline.net/en/news/chin-people-form-cno-cndf
[6] KT (2021), An interview with the Karenni Nationalities Defense Force (KNDF) information officer, https://www.bnionline.net/en/news/interview-karenni-nationalities-defense-force-kndf-information-officer
[7] Esther J (2023), Two more military outposts fall to Karenni resistance forces near Thai border, https://myanmar-now.org/en/news/two-more-military-outposts-fall-to-karenni-resistance-forces-near-thai-border/
[8] Hoàng Minh Thảo (2006), Tác phẩm giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 99