Ngày 5/6/2024, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay mang tên Baltops 2024, kéo dài đến ngày 22/6/2024 ở khu vực Baltic. Cuộc tập trận này có sự tham gia của 12.000 binh sĩ đến từ 19 quốc gia thành viên NATO, bao gồm cả Ba Lan và Thụy Điển. Đây là lần đầu tiên Thụy Điển tham gia cuộc tập trận của NATO kể từ khi gia nhập liên minh quân sự này vào tháng 3/2024. Tập trận Baltops 2024, còn được gọi là “Chiến dịch Baltic”, được tổ chức ở vùng biển xung quanh đảo Gotland, Vịnh Riga, Vịnh Bothnia và các địa điểm huấn luyện ở Thụy Điển (đảo Gotland và quần đảo Stockholm), Ba Lan, Đức và Litva[1]. Mục đích của cuộc tập trận hải quân Baltops 2024 nhằm thể hiện khả năng tương tác chiến lược giữa các đối tác trong NATO ở các cấp độ chiến thuật và chiến dịch, cũng như thực hành các chiến dịch chung nhằm ứng phó với khủng hoảng[2].
Phản ứng của Nga và các bên liên quan
Vào chủ nhật ngày 02/6/2024, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói rõ với Moscow rằng NATO sẽ sẵn sàng tự vệ nếu cần thiết. Ông Scholz cũng phát biểu rằng bởi vì vẫn sẽ tồn tại mối đe dọa từ Nga nên Đức và các đồng minh khác đã quyết định từ năm 2023 rằng họ sẽ triển khai thêm các đơn vị tới vùng biển Baltic và đóng quân vĩnh viễn ở đó trong tương lai.
Cùng với đó, vào ngày 31/05/2024, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg đã bác bỏ các cảnh báo và nói rằng các hành động tự vệ không phải là sự leo thang. Bên cạnh việc tăng cường hoạt động quân sự gần biên giới với Nga, một yếu tố khác cũng đang khiến đối đầu NATO – Nga leo thang là việc NATO cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tấn công bên trong lãnh thổ Nga, dẫn đến nguy cơ đối đầu quân sự trực diện với Moscow. Trong cuộc họp báo tại Phần Lan, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các nước đồng minh tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine[3]. Đồng thời, vào ngày 12/6, người đứng đầu NATO cũng cho biết NATO đang điều chỉnh kho vũ khí hạt nhân của mình để đáp ứng các mối đe dọa an ninh, lưu ý đến các cuộc tập trận và tuyên bố hạt nhân mới nhất của Nga[4].
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo ủy quyền cho Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ gửi để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong Nga, gần biên giới với tỉnh Kharkov của Ukraine. Trước đây, ông Biden nhất quyết hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ gửi để tránh xung đột trực tiếp Nga – NATO. Sự thay đổi chính sách của Nhà Trắng đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ cho phép phản ứng quân sự hạn chế nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ của một nước có vũ khí hạt nhân.
Sau Mỹ, Đức cũng tuyên bố rằng Ukraine có thể dùng vũ khí do Berlin gửi để tấn công sang các mục tiêu bên kia biên giới mà Nga sử dụng để tấn công Kharkov. Cộng hòa Czech, Hà Lan, Phần Lan và Ba Lan ủng hộ quyết định này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn nhắc lại ý tưởng gửi quân phương Tây đến Ukraine mà ông từng đề xuất hồi tháng 2. Paris được cho là đang thảo luận với Kiev về việc gửi các chuyên gia huấn luyện quân sự của Pháp tới Ukraine. Hà Lan, Đan Mạch bật đèn xanh cho Kiev sử dụng các máy bay chiến đấu F-16 mà các nước này cam kết gửi cho Ukraine để tấn công các mục tiêu bên trong Nga. Các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư luôn đi đầu trong yêu cầu của Ukraine về viện trợ quân sự từ phương Tây, trong nỗ lực thách thức lợi thế sức mạnh không quân của Nga. Đến nay đã có Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy cam kết gửi tiêm kích F-16 cho Kiev [5].
Việc ngày càng nhiều nước NATO ủng hộ cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây đánh sang Nga đang khiến căng thẳng đối đầu giữa liên minh quân sự này và Nga thêm nóng.
Về phía Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo các thành viên NATO không cho phép Ukraine bắn vũ khí vào Nga, sau khi một số đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế áp đặt đối với việc sử dụng vũ khí tài trợ cho Kiev[6]. Ngoài ra, Nga cũng cáo buộc các chính phủ phương Tây tạo ra các mối đe dọa sai sự thật để lừa dối người dân của họ về cuộc xung đột Ukraine. Các quan chức Nga đã mô tả các hành động thù địch với Ukraine là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm do Mỹ khởi xướng nhằm phá hoại sự phát triển của Nga, trong đó, binh lính Ukraine đóng vai trò là “bia đỡ đạn”, mặc dù họ được phương Tây hỗ trợ toàn diện về vũ khí, tình báo, đào tạo cũng như lên kế hoạch tác chiến. Theo giới chức Nga, một cuộc xung đột trực tiếp với NATO sẽ là mối đe dọa hiện hữu đối với Nga[7]. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh được tổ chức gần biên giới Nga cho thấy liên minh do Mỹ đứng đầu đang “chuẩn bị nghiêm túc” cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Moscow. Theo bà Zakharova, khối NATO và lãnh đạo của từng quốc gia thành viên đang “gia tăng mức độ cuồng loạn chống Nga nhằm biện minh cho quy mô quân sự hóa chưa từng có ở châu Âu”. Hồi tháng 3, Thư ký Hội đồng An ninh Nga khi đó là Nikolai Patrushev nói rằng cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 của NATO đang “làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn tình hình thế giới” bằng cách mô phỏng một cuộc đối đầu quân sự với Moscow[8]. Do đó, Moskva cảnh báo bất kỳ cuộc đụng độ nào đều sẽ buộc họ phải triển khai vũ khí hạt nhân theo học thuyết hạt nhân của mình. Ngày 11/6, Nga đã cho biết quân đội của họ đã bắt đầu giai đoạn hai của cuộc tập trận nhằm thực hành triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật cùng với quân đội Belarus sau những gì Moscow cho là mối đe dọa từ các nước phương Tây [9].
Một số nhận định về cuộc tập trận BALTOPS 2024
BALTOPS 2024 là cuộc tập trận hải quân lớn nhất của NATO ở biển Baltic. Cuộc tập trận giúp tăng cường khả năng tương tác và phối hợp giữa các lực lượng hải quân của các quốc gia thành viên NATO và đối tác. Đây cũng là cơ hội để thử nghiệm các công nghệ và chiến thuật mới, góp phần nâng cao năng lực tác chiến của NATO[10]. Cuộc tập trận được coi là một thông điệp mạnh mẽ về cam kết của NATO trong việc bảo vệ an ninh khu vực Baltic [11].
Mặc dù NATO khẳng định tính chất phòng thủ của cuộc tập trận, Nga coi đây là một hành động khiêu khích và có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng trong khu vực[12]. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Nga và phương Tây leo thang, đặc biệt là sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, có thể làm phức tạp thêm tình hình an ninh quốc tế[13]. Vì vậy, tình hình kinh tế và an ninh của khu vực này, của Châu Âu và thế giới sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng. Đặc biệt, các nước NATO phải đối mặt với thách thức cân bằng kinh tế dưới tác động của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời chịu ảnh hưởng từ vấn đề an ninh năng lượng và an ninh chính trị do cuộc xung đột gây ra. Trong tương lai gần, có thể thấy rằng cuộc chiến giữa Ukraine và Nga chưa thể kết thúc, nhưng ít nhất đã có dấu hiệu cho thấy NATO đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc chiến có thể kéo dài. Các quốc gia NATO đã tính toán cẩn thận để hạn chế tối đa những yếu tố bất ngờ mà có thể dự đoán trước, chẳng hạn như sự thiếu hụt về kỹ thuật, khả năng tác chiến, vũ khí, đạn dược, và các vấn đề khác.
Theo giới phân tích, căng thẳng Nga – NATO ngày càng leo thang và rõ ràng là đang ở mức đối đầu trực tiếp. Ngày 5/6/2024, Tổng thống Putin đã nhắc đến học thuyết hạt nhân của Nga. Theo đó, nếu có hành động đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Moscow sẽ cân nhắc sử dụng mọi biện pháp. Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng khẳng định việc sử dụng vũ khí hạt nhân phải được cân nhắc một cách thận trọng. Nhà lãnh đạo Nga chỉ ra rằng phương Tây đã nhiều lần cáo buộc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng đến nay “Mỹ là quốc gia duy nhất sử dụng vũ khí hạt nhân trong Thế chiến thứ hai”.
Những diễn biến hiện nay cho thấy sự cần thiết phải nối lại đối thoại Nga – Mỹ về giảm thiểu rủi ro hạt nhân và kiểm soát vũ khí để tránh tính toán sai lầm và cạnh tranh hạt nhân. Các quốc gia không có vũ khí hạt nhân có thể thúc giục Moscow và Washington tham gia đàm phán về một thỏa thuận khung kiểm soát vũ khí hạt nhân mới trước khi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới hết hạn vào năm 2026[14].
BALTOPS 2024 được đánh giá là một cuộc tập trận quan trọng, thể hiện cam kết của NATO trong việc bảo vệ an ninh khu vực Baltic và tăng cường khả năng răn đe đối với Nga. Tuy nhiên, cuộc tập trận cũng có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và tác động đến cục diện an ninh toàn cầu./.
Tác giả: Phương Ngân
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Thành Nam (2024), Máy bay, tàu chiến rầm rộ tới Litva tham gia tập trận lớn chưa từng có của NATO ở vùng Baltic, Báo Tin tức, https://baotintuc.vn/tap-tran-dien-tap/may-bay-tau-chien-ram-ro-toi-litva-tham-gia-tap-tran-lon-chua-tung-co-cua-nato-o-vung-baltic-20240605053643950.htm
[2] Ngọc Long (2024), Hơn 50 tàu chiến NATO đến Litva tham gia cuộc tập trận lớn nhất Baltic, Báo Tin tức, https://baotintuc.vn/tap-tran-dien-tap/hon-50-tau-chien-nato-den-litva-tham-gia-cuoc-tap-tran-lon-nhat-baltic-20240605060056689.htm
[3] Ban Thời sự VTV (2024), Nguy cơ căng thẳng NATO – Nga leo thang mất kiểm soát, https://vtv.vn/the-gioi/nguy-co-cang-thang-nato-nga-leo-thang-mat-kiem-soat-20240607054831695.htm
[4] Sabine Siebold (2024), NATO chief says the alliance is adapting its nuclear arsenal to security threats, Reuters, https://www.reuters.com/world/europe/nato-chief-says-alliance-is-adapting-its-nuclear-arsenal-security-threats-2024-06-12/
[5] Ban Thời sự VTV (2024), Nguy cơ căng thẳng NATO – Nga leo thang mất kiểm soát, https://vtv.vn/the-gioi/nguy-co-cang-thang-nato-nga-leo-thang-mat-kiem-soat-20240607054831695.htm
[6] Reuters (2024), Scholz to Putin: we will defend ‘every square inch’ of NATO territory, https://www.reuters.com/world/europe/scholz-putin-we-will-defend-every-square-inch-nato-territory-2024-06-02/
[7] Thành Nam (2024), Telegraph: NATO chuẩn bị kế hoạch quân sự cho xung đột tiềm tàng với Nga, Báo Tin tức, https://baotintuc.vn/the-gioi/telegraph-nato-chuan-bi-ke-hoach-quan-su-cho-xung-dot-tiem-tang-voi-nga-20240605045241914.htm
[8] Thành Đạt (2024), Hàng nghìn quân NATO tập trận lớn chưa từng có ở vùng biển gần Nga, Dân trí, https://dantri.com.vn/the-gioi/hang-nghin-quan-nato-tap-tran-lon-chua-tung-co-o-vung-bien-gan-nga-20240605075702736.htm
[9] Sabine Siebold (2024), NATO chief says the alliance is adapting its nuclear arsenal to security threats, Reuters, https://www.reuters.com/world/europe/nato-chief-says-alliance-is-adapting-its-nuclear-arsenal-security-threats-2024-06-12/
[10] Alimat Aliyeva (2024), Largest NATO Baltops naval exercises begin in Lithuania, https://www.azernews.az/region/227040.html
[11] NATO (2024), BALTOPS 24 SET TO DEMONSTRATE NATO AGILITY IN DYNAMIC SECURITY ENVIRONMENT, https://ac.nato.int/archive/2024/baltops-24-announcement.aspx
[12] NATO largest naval exercise BALTOPS 24 to start Wed, https://en.mehrnews.com/news/216137/NATO-largest-naval-exercise-BALTOPS-24-to-start-Wed
[13] Alison Bath (2024), New NATO member Sweden joins US Navy and other allies in Baltic Sea drills, https://www.stripes.com/branches/navy/2024-06-05/baltops-russia-navy-baltic-14087952.html Source – Stars and Stripes
[14] Ban Thời sự VTV (2024), Nguy cơ căng thẳng NATO – Nga leo thang mất kiểm soát, https://vtv.vn/the-gioi/nguy-co-cang-thang-nato-nga-leo-thang-mat-kiem-soat-20240607054831695.htm