Đối thoại Shangri-la 2024 (Diễn đàn an ninh châu Á lần thứ 21) được tổ chức tại Singapore đã chính thức khép lại vào 2/6 sau ba ngày thảo luận sôi nổi về các vấn đề nóng trong khu vực như vấn đề Đài Loan, Biển Đông, chiến tranh Nga – Ukraine, v.v. Đây là diễn đàn do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức hằng năm, thu hút các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách quốc phòng an ninh, các chuyên gia, học giả, nhà phân tích an ninh trên thế giới thảo luận về các vấn đề an ninh đang nổi trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đối thoại Shangri-La năm nay có sự tham gia của gần 600 đại biểu với phái đoàn kèm theo là 3.000 người đến từ 55 quốc gia, đại diện của 350 hãng truyền thông quốc tế tham gia đưa tin sự kiện. Đã có ít nhất 91 cuộc gặp song phương diễn ra trong suốt sự kiện.
Không có nhiều nội dung mới, Đối thoại Shangri-la 2024 là diễn đàn để các bên khẳng định lại quan điểm của mình trong vấn đề an ninh khu vực được đặt trong bối cảnh an ninh khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Dù vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt và bất đồng giữa một số quốc gia, đại biểu các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì đối thoại và ưu tiên các giải pháp ngoại giao để giải quyết mâu thuẫn.
Mỹ – Trung nối lại đối thoại quốc phòng song phương
Vào ngày 31/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân có cuộc gặp song phương bên lề kéo dài hơn một tiếng ngay trước thềm khai mạc Đối thoại. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai bộ trưởng kể từ năm 2022. Trong cuộc gặp, hai bên tiếp tục đưa ra quan điểm khác biệt trong các vấn đề Đài Loan, Biển Đông, chiến tranh tại Ukraine.
Phía Bắc Kinh, trong vấn đề Đài Loan, yêu cầu Mỹ tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc”, ngừng ủng hộ các lực lượng đòi ly khai độc lập của Đài Loan, phản đối mạnh mẽ việc Mỹ chúc mừng tân Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, ông Đổng phản đối mạnh mẽ việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tại Philippines, khẳng định đây mối đe dọa thực sự đối với an ninh khu vực [1]. Ngược lại, phía Mỹ bày tỏ quan ngại về hoạt động khiêu khích gần đây của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) quanh eo biển Đài Loan, tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên hòn đảo. Bộ trưởng Austin bày tỏ Bắc Kinh “không nên sử dụng quá trình chuyển đổi chính trị của Đài Loan – một phần của quá trình dân chủ thông thường – làm cái cớ cho các biện pháp cưỡng chế”. Ông cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền tự do hàng hải trên biển được bảo đảm theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là ở Biển Đông [2].Về chiến tranh Nga – Ukraine, Mỹ cáo buộc Trung Quốc hỗ trợ cơ sở công nghiệp quốc phòng cho Nga trong khi phía Bắc Kinh tái khẳng định cam kết không cung cấp vũ khí cho bất kỳ một quốc gia tham chiến [2].
Dù vẫn còn sự khác biệt, cả Mỹ và Trung đã cởi mở hơn khi trao đổi, đồng thuận về tầm quan trọng của duy trì đối thoại quân đội song phương. Kết quả, hai bên đã đồng ý sẽ thành lập một nhóm công tác truyền thông về khủng hoảng, và nối lại đường dây liên lạc quân sự trong những tháng sắp tới. Kênh liên lạc mới sẽ được thiết lập giữa những người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (IndoPacom) và Bộ Tư lệnh Mặt trận phía Đông của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đi tiên phong trong các hoạt động quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột ở Đài Loan [3].
Quan điểm của Mỹ về các vấn đề an ninh khu vực
Phát biểu tại Diễn đàn vào ngày 01/06 [4], Bộ trường Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đề cập đến sự thay đổi của hệ thống “trục và nan hoa” – trung tâm là Mỹ với các nan hoa là đồng minh của Mỹ như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Úc và Đài Loan. Hệ thống này, giờ đây sẽ được thay thế bằng “sự hội tụ mới” của “tập hợp các sáng kiến và thể chế chồng chéo và bổ sung cho nhau, được thúc đẩy bởi một tầm nhìn chung và ý thức chung về nghĩa vụ chung.”
Trước nhiều lo ngại Mỹ sẽ chuyển sự tập trung sang các điểm nóng khác tại châu Âu và Trung Đông trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần, Bộ trưởng Austin tái khẳng định Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Ông khẳng định Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương, và dẫn lời Tổng thống Joe Biden về tương tác qua lại giữa Mỹ và khu vực này – “Mỹ quan trọng đối với tương lai của khu vực và khu vực này quan trọng hơn bao giờ hết đối với Mỹ”.
Ông cho biết Mỹ và nhiều quốc gia trong khu vực đang thúc đẩy hợp tác quốc phòng, đảm bảo an ninh khu vực. Cùng với Nhật Bản, Mỹ đang phát triển Thiết bị đánh chặn pha lướt (GPI) để chống lại các mối đe dọa siêu thanh. Mỹ và Ấn đã đạt được bước tiến lịch sử trong việc cùng sản xuất động cơ máy bay chiến đấu và xe bọc thép. Ở Đông Nam Á, Mỹ sử dụng công nghệ và đào tạo mới để duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, hợp tác với đồng minh, điển hình là Philippines để phát huy khả năng phòng thủ trên biển và mở rộng nhận thức về lĩnh vực hàng hải trên toàn khu vực.
Bên lề Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Austin trong ngày 2/6 đã có cuộc gặp mặt với các Bộ trưởng quốc phòng và đại diện của của các quốc gia Đông Nam Á để bàn về việc duy trì môi trường an ninh khu vực dựa trên luật lệ. Trong cuộc gặp, ông Austin tái khẳng định cam kết mạnh mẽ với khu vực, đồng thời cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác cùng các nước ASEAN giải quyết các thách thức an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương [5].
Trung Quốc tiếp tục khẳng định quan điểm cứng rắn về vấn đề Đài Loan
Trong phần phát biểu và trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân vào ngày 2/6, ông Đổng chỉ tập trung trả lời câu hỏi xoay quanh vấn đề Đài Loan bằng từ ngữ cứng rắn và từ chối trả lời câu hỏi về các vấn đề khác. Ông khẳng định Đài Loan là “cốt lõi của các vấn đề cốt lõi” đối với Trung Quốc, nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc khi theo đuổi thống nhất Đài Loan bằng biện pháp hoà bình nhưng không quên quả quyết sức mạnh của PLA vẫn là một lực lượng mạnh mẽ để duy trì sự thống nhất đất nước [6]. Ông Đổng gọi việc đối phó với lực lượng Đài Loan độc lập như bắt cá trong chậu, không đáng bận tâm [7]. Không trực tiếp điểm tên Mỹ, ông Đổng chỉ trích các bên bán vũ khí cho Đài Loan, gọi đây là “lằn ranh đỏ” đối với Trung Quốc. Ông lên án hành động này của “thế lực bên ngoài” là đang nhắm vào Trung Quốc, nhằm kiềm chế quốc gia này [8], và tuyên bố bất cứ ai dám tách Đài Loan khỏi Trung Quốc “sẽ bị đập nát thành từng mảnh” [6].
Đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ông Đổng khẳng định tầm nhìn của Trung Quốc về xây dựng một cộng đồng có tương lai chung cho nhân loại và không cho phép chủ nghĩa bá quyền, chính trị quyền lực làm suy yếu lợi ích của các nước Châu Á – Thái Bình Dương [9]. Trong đó, theo ông Đổng, ASEAN giữ vai trò trung trung tâm trong an ninh khu vực, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng với ASEAN [10]. Ông Đổng trong ngày khai mạc Diễn đàn đã gặp tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong và cam kết xây dựng một mô hình hợp tác an ninh mới giữa hai nước [11].
Vai trò đối thoại của ASEAN trong giải quyết xung đột
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã có bài phát biểu khai mạc Diễn đàn. Không còn phát biểu mềm dẻo về tranh chấp Biển Đông như thời Tổng thống tiền nhiệm Duterte, ông Marcos chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc hành xử “hung hăng” trong vùng biển của Philippines, cảnh báo Trung Quốc không vượt qua “lằn ranh đỏ” ở Biển Đông nếu công dân Philippines thiệt mạng do các hành động cố ý của Trung Quốc. Philippines sẽ coi đó gần như là một hành động chiến tranh và sẽ đáp trả tương ứng. Ông yêu cầu các bên khi tham gia vào khu vực “phải tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động”, đồng thời yêu cầu Mỹ và Trung Quốc có trách nhiệm trong quản lý cạnh tranh nhằm duy trì sự ổn định ở khu vực. Tuy nhiên, đề cập Công ước Liên hợp quốc về luật biển UNCLOS 1982 và Phán quyết Trọng tài năm 2016, Tổng thống Philippines cam kết giải quyết và quản lý các vấn đề khó thông qua đối thoại và ngoại giao [12].
Bộ trưởng Ng Eng Hen trong ngày 1/6 đã tổ chức cuộc thảo luận bàn tròn với 24 bộ trưởng và các đại diện từ các quốc gia. Ông nhấn mạnh những vấn đề giữa các nước lớn (Mỹ và Trung Quốc) chỉ có thể giải quyết bởi chính các nước này. Tuy nhiên, Singapore sẵn sàng tạo điều kiện để các bên gặp mặt và trao đổi quan điểm [13].
Trong vấn đề tranh chấp ở dải Gaza, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto, sắp tới là tân Tổng thống nước này, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra một giải pháp công bằng cho cuộc chiến Israel-Gaza, theo đó ông ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Indonesia bày tỏ sự sẵn sàng đóng góp lực lượng gìn giữ hòa bình để duy trì và giám sát lệnh ngừng bắn, bảo vệ và đảm bảo an ninh cho tất cả các bên [14] và hỗ trợ sơ tán và điều trị cho thường dân Palestine bị thương và những người cần chăm sóc tại bệnh viện Indonesia. Là vị tân tổng thống, nhiều bên quan tâm về chính sách đối ngoại của ông Prabowo Subianto trong thời gian tới. Ông Prabowa khẳng định chính sách không liên kết của Indonesia, duy trì mối quan hệ tốt đẹp nhất với tất cả các quốc gia trên thế giới [15].
Quan điểm từ giới chuyên gia về kết quả của Đối thoại Shangri La 2024
Đối thoại năm nay được nhận định đã thành công khi nhiều vấn đề nóng của khu vực và thế giới ở thời điểm hiện tại, như sự cạnh tranh Mỹ – Trung, cuộc xung đột tại Ukraine và dải Gaza, căng thẳng tại Biển Đông, hay vấn đề Đài Loan, đã được các bên tham dự nghiêm túc, thẳng thắn và mạnh mẽ đem ra thảo luận[16] [17]. Bên cạnh việc các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc sử dụng ngôn từ cứng rắn để chỉ trích, các quốc gia nhỏ hơn cũng không ngần ngại khẳng định quan điểm của mình. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bất ngờ có mặt tại Đối thoại, có bài phát biểu quan trọng kêu gọi các nước châu Á tham dự Hội nghị Hoà bình về Ukraine diễn ra vào giữa tháng 06/2024. Trong bài phát biểu, Tổng thống Zehenskyy gọi Trung Quốc chỉ là “một công cụ trong tay Tổng thống Putin” khi chỉ trích Trung Quốc hỗ trợ Nga phá vỡ hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới bằng cách gây áp lực buộc các nước khác không tham dự [18].
Dù có quan điểm khác biệt với Mỹ trong các vấn đề Đài Loan, biển Đông, Ukraine, song cuộc gặp giữa 2 quan chức cấp cao quốc phòng Mỹ – Trung vẫn được hai bên đánh giá tích cực là cuộc đối thoại thẳng thẳng và cần thiết trong việc quản lý sự cạnh tranh. Tuy nhiên, việc nối lại trao đổi không có nghĩa là những khác biệt và xung đột giữa hai nước đã được giải quyết. Trung Quốc vẫn đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan và Mỹ tiếp tục các cuộc tập trận chung với Philippines và các đồng minh khác. Trong khi hai bên tiếp tục theo đuổi mục tiêu riêng của mình, đối thoại và kiểm chế là điều hai bên có thể thực hiện ở hiện tại. [19]
Giới học giả Trung Quốc chỉ trích bài phát biểu của Bộ trưởng Austin chỉ tập trung xoay quanh lợi ích của Mỹ, phớt lờ vai trò trung tâm của ASEAN và khu vực, mà theo đó Mỹ đặt mục tiêu đạt được vai trò lãnh đạo trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua các sáng kiến các liên minh quân sự, ám chỉ việc thành lập một phiên bản “NATO tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Sai lầm về chiến lược và nhận thức sai lầm về an ninh này, theo chuyên gia Trung Quốc, sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn, xung đột và thậm chí là chiến tranh, thay vì thúc đẩy an ninh và ổn định [20].
Đánh giá, dự báo tình hình an ninh khu vực thời gian tới
Bài phát biểu của các nhà lãnh đạo quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc đã khẳng định Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tiếp tục sẽ là khu vực trọng tâm cạnh tranh chiến lược của nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, trong thời gian tới. Việc Tổng thống Philippines phát biểu dẫn đề khai mạc cũng cho thấy rằng vấn đề Biển Đông đang được đưa trở lại trung tâm và được cả thế giới quan tâm [21].
Sự mở rộng mạng lưới quan hệ đối tác an ninh của Mỹ cho thấy động lực trong quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ có thể đã thay đổi vì Washington phải cân bằng giữa các khu vực khác nhau trên thế giới, nhưng sự thay đổi sẽ không quá nhiều. Các yếu tố khác góp phần tạo ra sự thay đổi nhỏ này có thể đến tự vấn đề chính trị trong nước của Mỹ và “phản ứng của các quốc gia trong khu vực và các tổ chức phi nhà nước trước sự suy yếu của trật tự quốc tế hiện tại [19]. Sự mở rộng này cũng là một cảnh báo rõ ràng đối với Bắc Kinh rằng các hành động quân sự vượt giới hạn của Trung Quốc trong khu vực có thể thúc đẩy phản ứng của Mỹ [21]. Ngược lại, phía Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy mạng lưới tương tự hiện có của mình và xây dựng hình tượng Mỹ là kẻ ngoài cuộc, can thiệp vào các vấn đề của châu Á.
Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Trong một trật tự thế giới vai trò của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cụ thể là khu vực Đông Nam Á, ngày càng được nâng cao, vị thế của các nước thuộc khu vực trong hệ thống chính trị quốc tế cũng vì thế được nâng cao. Là một quốc gia quan trọng trong vành đai châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng hạ tầng, và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng, thúc đẩy lôi kéo tập hợp lực lượng sẽ phá vỡ sự ổn định chiến lược toàn cầu, đặt các nước nhỏ trong tình trạng thường xuyên phải điều chỉnh chính sách và áp lực “chọn bên” ngày càng lớn. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần xây dựng chiến lược linh hoạt, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tăng cường nội lực và cải thiện năng lực quốc phòng, cũng như nâng cao vị thế trong các diễn đàn quốc tế và khu vực./.
Tác giả: Khánh Ly
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. Choi, S. H., & Choi, S. H. (2024, May 31). China-US relations: defence ministers Dong and Austin hold ‘positive, practical and constructive’ meeting, says Beijing. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/military/article/3264822/china-us-relations-defence-ministers-dong-jun-and-lloyd-austin-meet-shangri-la-dialogue-singapore?
2. Vincent Ni. (2024, May 31). S. and Chinese Defense Chiefs hold first official meeting in Singapore. VPM. https://www.vpm.org/npr-news/npr-news/2024-05-31/u-s-and-chinese-defense-chiefs-hold-first-official-meeting-in-singapore
3. Choong, W. (2024, May 31). Shangri-La Dialogue at 21: Time to grow up. The Straits Times. https://www.straitstimes.com/opinion/shangri-la-dialogue-at-21-time-to-grow-up?
4. “The New Convergence in the Indo-Pacific”: Remarks by Secretary of Defense Lloyd J. Austin. (n.d.). U.S. Department of Defense. Retrieved June 2, 2024, from https://www.defense.gov/News/Speeches/Speech/Article/3793580/the-new-convergence-in-the-indo-pacific-remarks-by-secretary-of-defense-lloyd-j/
5. TingCorrespondent, W. P. (2024, June 2). US defence chief engages South-east Asia counterparts in “informal” meeting. The Straits Times. https://www.straitstimes.com/singapore/us-defence-chief-engages-south-east-asia-counterparts-in-informal-meeting
6. Abigail Hauslohner, & Christian Shepherd. (2024, June 2). S. and China lay out competing security visions for Asia-Pacific. The Washington Post. https://www.washingtonpost.com/national-security/2024/06/02/us-china-taiwan-shangri-la-dialogue/
7. Aixin, L., Singapore, G. Y. in, weapons, L. X. D. reporter at the G. T. covering, & Beijing, military development L. X. in. (2024a, June 2). China’s approach to global security elaborated at Shangri-La Dialogue – Global Times. Www.globaltimes.cn. https://www.globaltimes.cn/page/202406/1313470.shtml
8. Aixin, L., Singapore, G. Y. in, weapons, L. X. D. reporter at the G. T. covering, & Beijing, military development L. X. in. (2024b, June 2). China’s approach to global security elaborated at Shangri-La Dialogue – Global Times. Www.globaltimes.cn. https://www.globaltimes.cn/page/202406/1313470.shtml
9. Đình Nam. (2024, June 2). Đối thoại Shangri-La 2024: Quản trị rủi ro, tạo dựng niềm tin. VOV.VN. https://vov.vn/the-gioi/doi-thoai-shangri-la-2024-quan-tri-rui-ro-tao-dung-niem-tin-post1099045.vov
10. Đỗ Vân , Lê Dương , & Tất Đạt. (2024, June 2). Trung Quốc khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong an ninh khu vực. Baotintuc.vn. https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-khang-dinh-vai-tro-trung-tam-cua-asean-trong-an-ninh-khu-vuc-20240602112205214.htm
11. 黄佐春. (2024, June 2). 国防部长:我们对待“台独”武装就像瓮中捉鳖. News.cctv.com. https://news.cctv.com/2024/06/02/ARTIIOogJpe46kksCkk3V1Ot240602.shtml
12. Hữu Hưng, & Văn Hiếu . (2024, June 1). Đối thoại Shangri-La 2024: Philippines đề cao luật pháp quốc tế. BAO DIEN TU VTV. https://vtv.vn/the-gioi/doi-thoai-shangri-la-2024-philippines-de-cao-luat-phap-quoc-te-20240601063714452.htm
13. Jie, L. H. (2024, June 2). Ukraine’s Zelenskyy accuses China of helping Russia to disrupt upcoming peace summit. CNBC. https://www.cnbc.com/2024/06/02/zelenskyy-accuses-china-of-helping-russia-to-disrupt-peace-summit.html
14. Kimberly Lim. (2024, June 1). Shangri-La Dialogue: Prabowo calls for both sides’ “right to exist” in Israel-Gaza war. South China Morning Post. https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3265018/shangri-la-dialogue-indonesias-prabowo-calls-palestinian-state-end-war-remains-firm-non-alignment-us
15. Natasha Ganesan. (2024, June 1). Strengthened resolve to prevent conflict from occurring in Asia, says Ng Eng Hen at Shangri-La Dialogue. CNA. https://www.channelnewsasia.com/singapore/shangrila-dialogue-ng-eng-hen-defence-conflict-asia-us-china-4379331
16. Post, R. I. (2024, June 2). Prabowo lauded for Gaza peace plan support – Middle East and Africa. The Jakarta Post. https://www.thejakartapost.com/world/2024/06/02/prabowo-lauded-for-gaza-peace-plan-support.html
17. (2024, June 1). US Defense Chief Seeks To Reassure Asia-Pacific Partners. Eurasia Review. https://www.eurasiareview.com/02062024-us-defense-chief-seeks-to-reassure-asia-pacific-partners/
18. Seong Hyeon Choi, & Amber Wang. (2024, May 31). China-US relations: defence ministers Dong and Austin hold “positive, practical and constructive” meeting, says Beijing. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/military/article/3264822/china-us-relations-defence-ministers-dong-jun-and-lloyd-austin-meet-shangri-la-dialogue-singapore?
19. Times, G. (2024, June 2). Anyone who dares to separate Taiwan from China is engaging in self-destruction: Chinese Defense Minister – Global Times. Www.globaltimes.cn. https://www.globaltimes.cn/page/202406/1313460.shtml
20. Xinghui Kok and Fanny Potkin. (2024, June 2). Prospect of peaceful “reunification” with Taiwan being “eroded”, China says. Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/prospect-peaceful-reunification-with-taiwan-being-eroded-china-says-2024-06-02/
21. YeoCorrespondent, M. (2024, June 2). Shangri-La Dialogue’s success comes from not skirting issues: Ng Eng Hen. The Straits Times. https://www.straitstimes.com/singapore/shangri-la-dialogue-s-success-comes-from-not-skirting-issues-ng-eng-hen