Rõ ràng là không thể quay trở lại trạng thái cân bằng quyền lực đã tồn tại trước cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sự mở rộng của NATO bằng cách thêm Thụy Điển và Phần Lan có khả năng thay đổi hoàn toàn cán cân quyền lực ở khu vực Baltic, đồng thời phá hủy các hình thức hợp tác cũ với Nga. Nội dung bài nghiên cứu đánh giá các rủi ro và tác động đối với Nga ở khu vực Baltic trong các điều kiện mới; sự thay đổi các vành đai an ninh trong khu vực và tầm quan trọng của những thay đổi này đối với Nga; lập trường của các quốc gia vùng Baltic đối với cuộc khủng hoảng Ukraine và tác động của lập trường này trong quan hệ với Nga, cũng như các vấn đề an ninh ở khu vực Kaliningrad.
Giới thiệu
Trong những năm gần đây, cách tiếp cận để giải thích các vấn đề an ninh đã thay đổi rất nhiều. Hệ thống quan hệ quốc tế đã có những thay đổi sau đại dịch Covid-19 và sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Nhìn bề ngoài, thế giới sẽ vẫn ở trong tình trạng mất cân bằng và bất ổn trong một thời gian khá dài. Cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng thực tế hiện nay việc đưa ra các quyết định quan trọng sẽ phụ thuộc vào lợi ích của bên này hay bên kia. Tất nhiên, trong bối cảnh này, cần phải hiểu chính sách an ninh sẽ được xây dựng như thế nào không chỉ ở cấp độ toàn cầu mà còn ở cấp độ khu vực.
Tình hình xung quanh khu vực biển Baltic hiện nay khá phức tạp. Tất nhiên, khi phân tích các vấn đề về an ninh, cần phải tính đến những thay đổi liên quan đến sự xuất hiện của các mối đe dọa và thách thức bên ngoài mới của thế kỷ XXI. Cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014 đã dẫn đến sự đối đầu giữa Nga và châu Âu, đồng thời đặt ra vấn đề xem xét lại các phương pháp tiếp cận an ninh ở khu vực biển Baltic.
Bên cạnh đó, điều rất quan trọng trước tiên là phải hiểu chúng ta đang nói về đối tượng nào. Nếu xem xét ở khu vực hẹp hơn, thì chỉ có thể có nghĩa là các quốc gia tiếp cận biển Baltic: Nga, Đức, Ba Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Litva, Latvia, Estonia[1]. Đồng thời, Na Uy và Iceland là thành viên của Hội đồng các quốc gia vùng biển Baltic (CBSS). Phần lớn là do sự hỗ trợ của Nga mà Belarus cũng được kết nối với khu vực này, điều này cũng không thể bỏ qua, đặc biệt là trong bối cảnh an ninh của khu vực Kaliningrad. Cũng cần tính đến lợi ích của các quốc gia khác thực hiện chính sách của họ ở khu vực biển Baltic thông qua Liên minh châu Âu (EU) và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cũng cần làm nổi bật một số vấn đề làm phức tạp đáng kể việc hình thành chính sách an ninh chung và thường khiến việc đạt được sự đồng thuận là không thể. Vì vậy, chúng ta không thể nói về tính nhất quán của khu vực biển Baltic. Cần lưu ý sự vắng mặt của các chuẩn mực chung cho tất cả các bên tham gia trong khu vực (ngoại trừ các vấn đề an ninh môi trường), sự vắng mặt của các thể chế an ninh khu vực, cũng như sự khác biệt trong cách tiếp cận để hiểu các mối đe dọa (đặc biệt là trong thời gian gần đây).
Tình hình khu vực biển Baltic: rủi ro và tác động đối với Nga
Trong những năm tồn tại của Liên Xô, người ta có thể nói về sự tồn tại của sự cân bằng, với sự tham gia của Đan Mạch, Na Uy và Iceland vào NATO từ năm 1949 được cân bằng bởi tính trung lập của Thụy Điển và chính sách quan hệ hợp tác đặc biệt giữa Phần Lan và Liên Xô, trong khi Estonia, Latvia, Litva là các nước Cộng hòa liên bang, Ba Lan và CHDC Đức là một phần của phe Xã hội chủ nghĩa[2].
Sau sự sụp đổ của Liên Xô, tình hình trong khu vực đã thay đổi, bao gồm cả việc tăng cường vai trò và sự hiện diện của Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, cần lưu ý những nỗ lực để duy trì sự cân bằng. Năm 1995, Phần Lan và Thụy Điển gia nhập EU, nhưng Thụy Điển vẫn ưu tiên tính trung lập trong lĩnh vực an ninh, còn Phần Lan, lưu ý đến truyền thống trong chính sách của mình, đã cố gắng xây dựng quan hệ với cả EU và Nga thông qua ý tưởng “Khuôn khổ hợp tác Bắc Âu”. Tuy nhiên, trong quan hệ Nga-Châu Âu đã nhanh chóng nảy sinh vấn đề mâu thuẫn giữa các tài liệu và quan điểm xác định đường lối phát triển chiến lược của khu vực biển Baltic. Điều này cũng liên quan đến việc xác định các vấn đề quan trọng nhất, các phương pháp giải quyết chúng và xây dựng một kế hoạch hành động. Năm 2004, Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan trở thành một phần của EU, do đó tạo ra yếu tố “đa số” trong khu vực cho tổ chức.
Năm 2009, Hội đồng châu Âu đã thông qua chiến lược của Liên minh châu Âu cho khu vực biển Baltic (EUSBSR), chiến lược này đã trở thành chiến lược khu vực vĩ mô đầu tiên ở châu Âu[3]. Trong bối cảnh này, điều quan trọng là phải hiểu những gì được bao hàm trong khái niệm an ninh châu Âu. Liệu có thể xây dựng một chính sách ở châu Âu và vùng Baltic mà không tính đến lợi ích của Nga, quốc gia về mặt địa lý cũng là một phần của châu Âu và một phần của vùng biển Baltic? Câu hỏi này cũng có thể được đặt ra rõ ràng hơn: Châu Âu có muốn coi Nga là một phần của hệ thống an ninh châu Âu không? Nga thực sự bị cô lập trong liên minh châu Âu, đã nhận được một số cáo buộc chống lại chính mình. Ngay cả trong những năm đó, danh sách các mối đe dọa do Nga gây ra khá rộng lớn: xả nước thải ra biển Baltic, sự an toàn của các cơ sở năng lượng hạt nhân, sự phụ thuộc của các quốc gia EU vào nguồn cung cấp năng lượng, quân sự hóa khu vực Kaliningrad, những vấn đề chưa được giải quyết trong việc giải thích các sự kiện của Chiến tranh thế giới thứ hai[4]. Mặt khác, nỗ lực xây dựng mối quan hệ trên cơ sở tìm kiếm sự hiểu biết chung về sự cần thiết phải duy trì sự phát triển bền vững, các vấn đề văn hóa và bảo vệ sức khỏe. Sau đó, Nga phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: hình thành chính sách của mình theo các luật chơi của châu Âu[5] mà các đối tác ở khu vực biển Baltic đã cố gắng áp đặt, hoặc xây dựng vị thế độc lập của mình có tính đến lợi ích quốc gia thuần túy.
Không nên nghĩ rằng các nước láng giềng của Nga ở vùng biển Baltic độc lập trong việc xây dựng chính sách nội vùng của họ. Yếu tố ảnh hưởng của Mỹ đối với việc hình thành chính sách an ninh là không thể bàn cãi. Ngay từ năm 1997, đã có một chính sách khung của chính phủ Hoa Kỳ đối với khu vực Biển Baltic – Sáng kiến Bắc Âu (NEI). Chương trình hợp tác nâng cao ở Bắc Âu (Enhanced Partnership in Northern Europe – e-PINE) xuất hiện tiếp theo có các công thức sau: “Mục tiêu chính của chính sách – tích hợp Estonia, Litva và Latvia vào cộng đồng dân chủ Tây Âu – đã được đạt được, điều này được chứng minh bởi việc ba quốc gia đề nghị gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). NEI cũng đã thành công trong việc tạo ra một mạng lưới các mối quan hệ chính trị và cá nhân giữa các quốc gia ở khu vực Biển Baltic và với Hoa Kỳ[6]. Theo chiến lược này, “Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO, cùng với chương trình Đối tác cơ hội nâng cao – EOP (Enhanced Opportunities Partner), vẫn là một trụ cột của an ninh Châu Âu. Hoa Kỳ sẽ làm việc với các thành viên liên minh và EOP ở Bắc Âu để tăng cường an ninh khu vực[7]. Tất cả các kế hoạch này (có thể ngoại trừ Sáng kiến Bắc Âu) không những không bao gồm Nga mà còn cố tình tập trung vào sự phát triển của khu vực không có sự ảnh hưởng của Nga, nhấn mạnh vai trò của NATO và liên minh châu Âu.
Chúng ta hãy lưu ý ví dụ nổi bật nhất về sự tương tác giữa Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực. Ngày 03/03/2018, phái đoàn gồm tổng thống ba nước vùng Baltic đã đến hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Tại hội nghị thượng đỉnh dành riêng “Kỷ niệm 100 năm tách khỏi Nga của các quốc gia vùng Baltic”, người ta nói về việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở vùng Baltic, và vấn đề cung cấp khí đốt tự nhiên của Mỹ cũng được nêu ra. Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống D.Grybauskaite, khi nói về Nga, đã lưu ý: “Khi một quốc gia cư xử hung hăng, gây chiến, đe dọa, có tên lửa hạt nhân ở biên giới của bạn, tất nhiên là đôi khi bạn sẽ gọi quốc gia này là không thân thiện lắm. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang đầu tư vào quốc phòng, chúng tôi đang đầu tư vào an ninh của mình, chúng tôi đang đầu tư vào cải cách NATO và chúng tôi muốn thấy một NATO mạnh mẽ, một liên minh mạnh mẽ. Và đó là những gì chúng ta sẽ làm cùng nhau”[8].
Rõ ràng là Hoa Kỳ đang thúc đẩy lợi ích năng lượng của mình với Estonia, Latvia và Litva mong muốn đầy tham vọng của họ để đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh của khu vực Baltic. Trong kịch bản này, Nga được xem là một mối đe dọa.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi vào ngày 6 tháng 3 năm 2018, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Tillerson và các ngoại trưởng Estonia, Latvia, Litva đã đồng ý “tăng cường hợp tác trong việc chống lại các nỗ lực đưa thông tin sai lệch và tấn công mạng ác ý của Nga. Họ đã thảo luận về các chiến lược để chống lại mối đe dọa mà Nga đặt ra đối với an ninh châu Âu và sự thiếu tôn trọng của Nga đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước láng giềng[9] .
Đúng như vậy, tuyên bố được thông qua vào cuối hội nghị thượng đỉnh chỉ nêu rằng “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ dự định tiếp tục triển khai lực lượng định kỳ ở các nước Baltic để tăng cường khả năng răn đe và kích thích nỗ lực của Estonia, Latvia và Litva nhằm phát triển quốc phòng của họ. Hoa Kỳ cam kết giúp Estonia, Latvia và Litva cải thiện khả năng sẵn sàng và khả năng quân sự của họ thông qua hỗ trợ an ninh liên tục. Chúng tôi tiếp tục khám phá những ý tưởng và cơ hội mới, bao gồm phòng không, song phương và trong NATO, để tăng cường khả năng răn đe trên toàn khu vực”[10]. Tất nhiên, vấn đề năng lượng không thể không được đề cập trong tuyên bố[11] nhưng Hoa Kỳ chắc chắn đang thúc đẩy lợi ích năng lượng của mình để đổi lấy ảo tưởng hỗ trợ các quốc gia vùng Baltic.
Không có gì ngạc nhiên khi trong những năm gần đây, ý tưởng về “mối đe dọa từ Nga” đã được ủng hộ tích cực ở khu vực biển Baltic. Không nên quên rằng ngoại trừ Nga và cho đến nay là Thụy Điển, tất cả các quốc gia thuộc khu vực biển Baltic của khu vực đều là thành viên của NATO. Và không còn nghi ngờ gì nữa, các quốc gia vùng Baltic đã đặt cược lợi ích trong các vấn đề an ninh vào NATO. Tổ chức này kể từ đầu năm 2016 “đã thực hiện các bước phòng thủ và tương xứng để đối phó với môi trường an ninh đã thay đổi. Để đối phó với việc Nga sử dụng lực lượng quân sự chống lại các nước láng giềng, đồng minh đã yêu cầu tăng cường sự hiện diện của NATO ở khu vực Baltic. Trên thực tế, điều này thể hiện ở sự gia tăng số lượng các tiểu đoàn quân sự ở các vùng lãnh thổ Baltic. “Bốn nhóm chiến đấu đa quốc gia – hay “sự hiện diện tăng cường về phía trước” – được triển khai. Năm 2017, các cụm chiến đấu ở Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan đã bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu toàn diện. Hơn 4.500 quân nhân từ châu Âu và Bắc Mỹ phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng vệ nội bộ”[13]. Thực tế là điều này khiến các quốc gia trở thành đối tượng của chính sách NATO hơn là các các nhà hoạt động độc lập không thực sự quan trọng đối với Estonia, Latvia và Litva, những nước phải biện minh cho luận điệu chống Nga kéo dài của họ.
Vào ngày 12 tháng 6 năm 2020, Hội đồng Bắc Đại Tây Dương của NATO đã công nhận Ukraine là đối tác có cơ hội mở rộng. Khả năng cấp tình trạng này là một phần của sáng kiến khả năng tương tác của NATO, nhằm mục đích duy trì và tăng cường hợp tác giữa các đồng minh và đối tác có đóng góp đáng kể cho các hoạt động và sứ mệnh do NATO lãnh đạo[14]. Rõ ràng đây không phải là điều mà phía Nga muốn thấy. Hơn nữa, hiện tại (ngay cả trước các sự kiện năm 2022), Nga chủ yếu được thế giới coi là một cường quốc năng lượng và quân sự. Hình ảnh Nga với tư cách là người kế thừa hợp pháp của Liên Xô đã ăn sâu vào trong tâm trí, ý thức của người dân thế giới, kế thừa từ nó những đặc điểm tiêu cực. Theo quan điểm của phương Tây, đó là đặc điểm muốn thống trị thế giới, sử dụng các công cụ quân sự và năng lượng để gây áp lực nhằm đạt được lợi ích quốc gia của mình [15]. Các sự kiện ở Ukraine chỉ làm gia tăng tình trạng chống Nga. Sau khi Crimea tái hợp với Nga vào năm 2014, Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt tuyên bố rằng Nga đã đi chệch khỏi “con đường hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn”[16].
Các vấn đề an ninh năng lượng và các đề xuất của Nga theo hướng này đã được giới tinh hoa chính trị của khu vực biển Baltic nhìn nhận một cách thận trọng. Chỉ cần phân tích loại phản đối nào mà các dự án Dòng chảy phương Bắc – Nord Stream và Nord Stream 2 gặp phải là đủ. Việc xây dựng Nord Stream 2 bị đóng băng, sau đó các đường ống dẫn khí đốt bị tấn công, tranh chấp vẫn đang tiếp diễn.
Trong bối cảnh đó, Hội đồng các quốc gia vùng biển Baltic có thể trở thành một nền tảng cho việc hình thành chính sách an ninh. Tổ chức đã cố gắng giải quyết các vấn đề khá quan trọng về bảo vệ môi trường, các vấn đề nhân đạo và xã hội, sự lan rộng của tội phạm có tổ chức và di cư bất hợp pháp trong toàn khu vực[17]. Rõ ràng, phần lớn những vấn đề này không thể được giải quyết nếu không có sự tham gia của Nga – đây là quan điểm được chia sẻ bởi các đối tác của quốc gia trong CBSS [18].
Trong khái niệm chính sách đối ngoại của Nga năm 2016, “một vai trò quan trọng được giao cho việc Nga tham gia hợp tác trong khuôn khổ Hội đồng các quốc gia biển Baltic”[19]. Tuy nhiên, luận điệu chống Nga cũng đóng vai trò của nó ở đây. Vào ngày 3 tháng 3 năm 2022, đại diện của CBSS (tất nhiên, không có Nga) đã thông qua tuyên bố: “chúng tôi không thấy khả năng tiếp tục hợp tác dự kiến với liên bang Nga trong khuôn khổ CBSS. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng Nga không được tham gia vào quá trình tố tụng, công việc và dự án của CBSS và các cơ quan làm việc cho đến khi có thể hợp tác trở lại theo các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”[20]. Đổi lại, vào ngày 17 tháng 5 năm 2022, Bộ Ngoại giao Liên bang Nga tuyên bố rằng “tình hình trong Hội đồng các quốc gia ven Biển Baltic (CBSS) đang xấu đi. Các quốc gia NATO và Liên minh châu Âu với tư cách là một phần của CBSS đã từ bỏ đối thoại bình đẳng và các nguyên tắc mà cấu trúc khu vực này ở Baltic được tạo ra và liên tục biến nó thành một công cụ của chính sách chống Nga”[21]. Do đó, Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong CBSS. Tuyên bố cho biết “việc chấm dứt tư cách thành viên CBSS sẽ không ảnh hưởng đến sự hiện diện của Nga trong khu vực. Những nỗ lực buộc đất nước chúng tôi rời khỏi Baltic chắc chắn sẽ thất bại. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác có trách nhiệm, tổ chức các sự kiện về các vấn đề chính liên quan đến sự phát triển của vùng Baltic, di sản chung của chúng tôi và bảo vệ lợi ích của đồng bào chúng tôi”[22].
Ngày nay, chúng ta có thể quan sát thấy một tình huống đối đầu khá gay gắt ở khu vực Biển Baltic, khi Nga bị phản đối bởi một nhóm khá thân thiết gồm các quốc gia có tư tưởng chống Nga, hầu hết là thành viên của NATO và EU, và không có nền tảng chung để xây dựng bất kỳ cuộc đối thoại nào về các vấn đề an ninh.
Thay đổi cục diện an ninh và cân bằng quyền lực ở khu vực Baltic trong bối cảnh Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO – Ý nghĩa đối với Nga
Để đánh giá vấn đề gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, cần phải đưa ra câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi điều gì có thể thay đổi kể từ khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, các quốc gia đã tích hợp đầy đủ vào các hoạt động của tổ chức. Do đó, nhà nghiên cứu Phần Lan Tuomas Forsberg tin rằng “đó là một sự thay đổi đột ngột trong chính sách đối ngoại và an ninh của cả hai nước, nhưng là hệ quả hợp lý của tư cách thành viên của họ trong Liên minh châu Âu và quan hệ đối tác chặt chẽ với NATO trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh”[23].
Việc phân tích “hệ quả hợp lý”, tức là sự phát triển của chính sách an ninh của Thụy Điển và Phần Lan, khá thú vị. Trong những năm Chiến tranh Lạnh, người ta có thể nói về một quan điểm nguyên tắc nhất định về vấn đề này. Thụy Điển đã tuyên bố chính sách “không liên minh trong thời bình, với mục đích duy trì tính trung lập trong trường hợp chiến tranh”[24]. Chỉ từ năm 1995, Thụy Điển mới nhận được tư cách quan sát viên tại Liên minh Tây Âu[25]. Trong khi đó, Phần Lan theo đuổi chính sách không liên kết quân sự và tự vệ, ủng hộ việc tăng cường an ninh châu Âu trên cơ sở hợp tác quốc tế rộng rãi. Một trong những biện pháp tăng cường an ninh là việc ký kết của Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau với Liên Xô vào tháng 4 năm 1948. Trong các yếu tố quyết định sự ổn định ở khu vực này, cần ghi nhận nỗ lực của các quốc gia vùng Baltic đề xuất nhằm đảm bảo tình trạng phi hạt nhân hóa cho các quốc gia phía Bắc. Những vấn đề này đã được giải quyết bởi Tổng thống Phần Lan, U. Kekkonen trong những năm 1960[26]. Ông đặt vấn đề về sự cần thiết phải củng cố tình trạng phi hạt nhân hiện có của Bắc Âu bằng các thỏa thuận chung[27].
Nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Sự khởi đầu của sự hợp tác chặt chẽ hơn có thể bắt nguồn từ thời điểm các quốc gia tham gia Chương trình đối tác vì hòa bình (PFP) vào năm 1994 và Hội đồng đối tác châu Âu-Đại Tây Dương (Euro-Atlantic Partnership Council – EAPC – một diễn đàn đa phương để đối thoại cùng nhau tất cả các nước đồng minh và đối tác trong khu vực châu Âu-Đại Tây Dương) vào năm 1997[28] chương trình đối tác và hợp tác cá nhân (IPCP) được thống nhất chung trong thời hạn hai năm xác định chương trình hợp tác Phần Lan-NATO, Thụy Điển-NATO[29].
Chính phủ Thụy Điển đã mô tả mối quan tâm của mình đối với chương trình như sau:
– “Sự cần thiết duy trì một mức độ cao về tiềm năng quân sự và dân sự cho hợp tác trong các hoạt động quốc tế giải quyết khủng hoảng (khả năng tương tác) và thực hiện quốc tế hóa của lực lượng vũ trang Thụy Điển, bao gồm cả việc là một quốc gia cung cấp binh lính cho các hoạt động gìn giữ hòa bình.
– Sự cần thiết phải tác động đến các hoạt động mà Thụy Điển thực hiện cùng với NATO với tư cách là một quốc gia đối tác và đóng góp quân đội.
– Mối quan tâm chung hơn trong việc tìm hiểu các hoạt động và sự phát triển của NATO”[30].
Năm 2001, Phần Lan và Thụy Điển đã công bố vai trò khá tích cực của mình, đưa ra “một sáng kiến chung nhằm nâng cao vai trò của Hội đồng đối tác châu Âu-Đại Tây Dương (EAPC) trong cuộc chiến chống khủng bố. Hội đồng tập hợp các quốc gia thành viên NATO và các quốc gia “đối tác vì hòa bình” (PFP). Mục đích chính của sáng kiến là xác định một số lĩnh vực hợp tác có thể có trong EAPC để tăng cường sự đóng góp của Hội đồng cho chiến dịch chống khủng bố”[31].
Với sự hợp tác chặt chẽ với NATO vào năm 2009, Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển đã tạo ra Liên minh Hợp tác quốc phòng Bắc Âu – 2009 (Nordic Defence Cooperation – NORDEFCO), sau đó đã trở thành một nền tảng để thảo luận về chiến lược an ninh phía Bắc[32]. Tháng 11 năm 2018, các bộ trưởng quốc phòng Bắc Âu đã ký Hiệp ước “Tầm nhìn Bắc Âu 2025” (NORDEFCO vision 2025), đặt ra “Khuôn khổ chính trị và tham vọng hợp tác quốc phòng ở khu vực Bắc Âu cho đến năm 2025 thông qua một số nguyên tắc chỉ đạo chung cùng với 16 mục tiêu cụ thể. Tầm nhìn 2025 nêu lên tham vọng hợp tác quốc phòng Bắc Âu bằng cách tuyên bố rằng nó nên được áp dụng không chỉ trong thời bình mà cả trong thời kỳ khủng hoảng hoặc xung đột. Ngoài ra, mục tiêu biến NORDEFCO thành một nền tảng để đối thoại chính trị chặt chẽ, trao đổi thông tin và nếu có thể, phối hợp các quan điểm chung của các nước Bắc Âu về các tình huống khủng hoảng có thể xảy ra”[33]. Tài liệu cũng đề cập đến việc tăng cường hợp tác với Litva, Latvia và Estonia[34].
Tất cả các kế hoạch này đều thiếu cam kết an ninh với Nga. Cũng không thể quên rằng Thụy Điển và Phần Lan là những đối tác rất tích cực của NATO, những người đóng góp quý giá cho sứ mệnh “Hỗ trợ quyết liệt” do NATO dẫn đầu ở Afghanistan (NATO-led resolute support mission in Afghanistan), “Các lực lượng cho Kosovo” (Kosovo Force – KFOR) tại Kosovo, phái bộ NATO tại Iraq (NATO mission Iraq – NMI).
Một điểm khá riêng biệt là các cuộc tập trận được tiến hành tích cực và trong đó Phần Lan và Thụy Điển tham gia. Cuộc tập trận quân sự Aurora-17 vào ngày 11 tháng 9 năm 2017 do Thụy Điển đã tiến hành là một ví dụ. Frieda WallNor, một nhà bình luận của tờ Dagens Industri, ghi nhận “sự nghiêm túc trong thái độ đối với mối đe dọa quân sự của Nga”[35]. Theo bà, “kịch bản của cuộc tập trận rất thực tế: một lực lượng quân sự vượt trội, đó là Nga, đang tìm cách giành quyền kiểm soát vùng Baltic và ngăn chặn nỗ lực của NATO hỗ trợ các nước Baltic, đồng thời tấn công Thụy Điển”[36].
Quân đội Mỹ tích cực tham gia các cuộc tập trận này. Tướng Curtis M. Ska Parrotti, Chỉ huy Bộ tư lệnh Hoa Kỳ Châu Âu, cho biết khả năng tương tác và hợp tác giữa Thụy Điển và Hoa Kỳ vẫn rất quan trọng: “Tôi mong muốn tiếp tục các cuộc tập trận quân sự trong tương lai như Aurora-17, trong đó tất cả chúng ta có thể học hỏi và chia sẻ thông tin có giá trị cho quân đội”[37]. Các đơn vị nước ngoài khác cùng tham gia diễn tập là Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Latvia, Litva và Na Uy, mặc dù với số lượng nhỏ hơn nhiều[38].
Giai đoạn kết thúc của Aurora-17 là “tập trung vào các hoạt động phòng thủ thực tế, hợp tác đa quốc gia chống lại các cuộc tấn công từ hai quốc gia hư cấu: A- land và B-land. Về mặt địa lý, các quốc gia này, theo bản đồ tập trận chính thức, nằm trên lãnh thổ của Nga và Belarus trong thế giới thực” [39]. Theo kịch bản của cuộc tập trận, “lực lượng vũ trang của các quốc gia này tấn công vào đảo Gotland và một số bộ khu vực của Thụy Điển, đặc biệt là tại các khu vực chiến lược quan trọng như sân bay Arlanda. Lực lượng dự phòng quốc tế ở Aurora-17 chủ yếu đóng vai trò tấn công, các lực lượng nước ngoài khác tham gia cùng quân đội Thụy Điển để bảo vệ trước các cuộc tấn công từ phía Đông”[40].
Kết quả của sự hợp tác Thụy Điển-Phần Lan với NATO là kết quả được mong đợi: vào ngày 18 tháng 5 năm 2022, tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thông báo rằng “do hành động quân sự vô cớ của Nga vào Ukraine, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, Phần Lan và Thụy Điển đã gửi thư chính thức yêu cầu gia nhập NATO[41]. Nhà nghiên cứu Tuomas Forsberg tuyên bố: “đối với cả Phần Lan và Thụy Điển, động lực chính để gia nhập NATO là nhu cầu ổn định chiến lược hơn khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. Quyết định nhanh chóng từ bỏ quan hệ không liên kết quân sự truyền thống là do sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận trước cuộc chiến không có lý do của Nga [42]
Điều này có phải là một bất ngờ hoàn toàn cho Nga? do phản ứng cảm xúc mạnh mẽ của dư luận trước cuộc chiến không có lý do của Nga. Từ năm 2016, bộ ngoại giao Phần Lan đã công bố một báo cáo, tác động của việc Phần Lan có thể trở thành thành viên NATO, trong đó tuyên bố rằng “khả năng nộp đơn xin gia nhập là một công cụ để giải quyết những bài toán địa chính trị với một láng giềng không thể đoán trước gây ra”[43] và rằng “khả năng trở thành thành viên NATO sẽ thuận lợi hơn nhiều cho Phần Lan nếu quyết định như vậy được Phần Lan và Thụy Điển phối hợp đưa ra hơn là nếu Phần Lan tham gia một mình. Tương tự như nếu Thụy Điển gia nhập NATO một mình sẽ khiến Phần Lan bị cô lập và không được bảo vệ.[44]
Cần lưu ý rằng ở giai đoạn này, chỉ có Phần Lan gia nhập thành công tổ chức, bỏ lại Thụy Điển phía sau. Vào ngày 4 tháng 4 năm 2023, quá trình gia nhập của quốc gia này vào NATO bắt đầu, kết thúc bằng việc ký kết “Tuyên bố chung về việc hoàn thành quá trình hội nhập quân sự của Phần Lan vào NATO” vào ngày 12 tháng 6 năm 2023. Chỉ huy lực lượng phòng vệ Phần Lan, Tướng Timo Kivinen, tuyên bố rằng “NATO được xây dựng trên nguyên tắc của những người lính ngự lâm: một người vì tất cả, tất cả vì một người. Người Phần Lan chúng tôi nhận thức rõ điều này và cam kết thực hiện các nghĩa vụ phát sinh theo nguyên tắc này.”[45]
Tuy nhiên, vấn đề lại ở chỗ khác, sự hội nhập vào NATO của Phần Lan đã thay đổi hoàn toàn luật chơi với Nga. Bên cạnh đó, “chiếc áo choàng của lính ngự lâm” vẫn chưa thể trao cho Thụy Điển. Cả Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ đều chưa phê chuẩn đơn đăng ký của họ và rõ ràng là vấn đề này có thể sẽ kéo dài cho đến mùa thu năm 2023, nếu không muốn nói là lâu hơn nữa. Hành động đốt kinh Quran không tạo thêm tiếng vang cho quốc gia này. Thủ tướng Hungary – Viktor Orban đang theo đuổi chính sách đi ngược lại mong muốn của Thụy Điển về việc nhanh chóng gia nhập tổ chức. Do đó, Phần Lan đã ở trong NATO, nhưng không có “bờ vai” của Thụy Điển và nhận được sự không hài lòng rõ ràng của một quốc gia láng giềng hùng mạnh.
Tất nhiên, việc NATO mở rộng ở khu vực Biển Baltic không phải là sự liên kết của các lực lượng địa chính trị mà nhà nước Nga muốn thấy, điều này gây khó chịu cho Nga. Vấn đề chính là hầu hết các quốc gia ở khu vực Biển Baltic sẽ là thành viên của một câu lạc bộ an ninh quân sự đóng cửa với Nga, điều này sẽ gây thêm rủi ro trong trường hợp xung đột có thể leo thang. Không còn nghi ngờ gì nữa, đất nước này cũng sẽ cần phải thực hiện các biện pháp để tăng cường an ninh cho biên giới của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, thực tế là việc thay đổi chiến lược an ninh của Thụy Điển và Phần Lan, vốn sẽ khó xây dựng quan hệ hơn nữa, có vẻ đau đớn hơn. Sự rạn nứt trong hợp tác vào năm 2022, sau khi tình hình ở Ukraine trở nên trầm trọng hơn, đã đóng lại nhiều cơ hội do Nga ở gần Phần Lan mang lại. Cần phải hiểu rằng ngay cả khi trong tương lai có sự thay đổi đường lối chính trị ở Thụy Điển và Phần Lan, họ sẽ không thể từ bỏ các nghĩa vụ ràng buộc họ với NATO. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến sự tương tác của các quốc gia này với Nga và trong khuôn khổ liên minh châu Âu. Ở giai đoạn này, Nga đã, đang và sẽ là “nguồn đe dọa” đối với Phần Lan, cũng như Thụy Điển, và điều này chưa thể thay đổi. Sự phát triển hơn nữa của các sự kiện phần lớn phụ thuộc vào việc điều chỉnh tình hình ở Ukraine và hành động của NATO về vấn đề này. Nga cũng nhận thức rõ rằng không thể tránh khỏi những hậu quả chính trị cũng như sự cần thiết phải điều chỉnh cách nhìn về chính sách an ninh ở khu vực biển Baltic.
Lập trường của các nước vùng Baltic đối với cuộc khủng hoảng Ukraine và các hình thức tham gia hỗ trợ Kiev
Lập trường của các quốc gia vùng biển Baltic ngày nay rõ ràng là chống Nga. Không thể nói rằng chính các sự kiện ở Ukraine đã gây ra tiêu cực như vậy. Thay vào đó, chúng trở thành chất xúc tác cho một thái độ đã chín muồi từ lâu trong tâm trạng của giới tinh hoa chính trị của các nước vùng Baltic. Lý do cho tất cả điều này là gì? Người ta không thể không đồng ý với giáo sư Mgimo R.KH. Simonyan rằng “biện chứng chính trị ở đây là mối quan hệ giữa EU, Hoa Kỳ và liên bang Nga càng xấu đi, thì người Balts càng chứng tỏ mình là rào cản cuối cùng của nền văn minh Châu Âu trước nước Nga khó lường, thì họ càng dễ dàng hơn để nhận sự ủng hộ và hỗ trợ từ các quốc gia lớn mà họ … “gắn bó”[46].
Với sự sụp đổ của Liên Xô, Estonia, Latvia, Litva, cũng như Ba Lan, đã cố gắng biện minh cho vị trí và vai trò của họ trong nền chính trị phương Tây bằng cách xem xét lại các diễn giải lịch sử, thái độ đối với các dân tộc thiểu số nói tiếng Nga nói chung và về phía người hàng xóm phía Đông. Năm 2004, Liên minh châu Âu và NATO (Ba Lan là thành viên NATO từ năm 1999) đã đưa các quốc gia này vào nhóm “gia đình thân thiện” của họ, điều này không chỉ đòi hỏi các quyền mà còn cả nghĩa vụ. Đặc biệt, vào năm 2006, các bộ trưởng quốc phòng NATO đã quyết định phân bổ ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDT) của họ cho quốc phòng nhằm tiếp tục đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu của liên minh”[47]. Trong bối cảnh các chỉ số kinh tế không quá khả quan, mong muốn củng cố lĩnh vực quân sự như vậy thậm chí còn đòi hỏi sự giải thích nhiều hơn đối với các cử tri. Do đó, mong muốn tách mình ra khỏi “quá khứ độc tài” dần dần trở thành “mối đe dọa từ Nga”, Liên minh Châu Âu cũng đóng một vai trò nhất định. Theo nhà nghiên cứu V.V. Vorotnikova, “Từ năm 2004 Ukraine đã trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của các quốc gia thuộc vùng Scandinavia- Baltic (Đan Mạch, Latvia, Litva, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Estonia) – trước hết, liên quan đến sự mở rộng tiếp theo của liên minh Châu Âu khiến nó trở thành một quốc gia giáp ranh với EU, và thứ hai, do cuộc “cách mạng Cam” diễn ra ở quốc gia này vào cuối năm”[48]. Chương trình đối tác phương đông năm 2009 nhiều khả năng nhằm mục đích đưa các nước EU xích lại gần Ukraine hơn và bỏ qua Nga. Tuy nhiên, năm 2022 cuối cùng đã đưa các quốc gia vùng Baltic đến với một lập trường khá cứng rắn đối với Nga. Gần như ngay lập tức “Latvia, Litva và Estonia đã tham gia kêu gọi kích hoạt điều khoản thứ tư của Hiệp ước NATO – về việc bắt đầu hội đàm trong điều kiện “đe dọa đến toàn vẹn và an ninh”[49]. Chính phủ Thụy Điển tuyên bố rằng “kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đối với Ukraine, Thụy Điển đã cung cấp hỗ trợ quân sự, nhân đạo và dân sự cho Ukraine. Cùng với EU, Thụy Điển cũng đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ kinh tế vĩ mô và một số gói trừng phạt đối với Nga”[50]. Nhà nghiên cứu Thụy Điển M. Engstrom cũng lưu ý vai trò của NATO đối với an ninh tương lai của Thụy Điển: “đoàn kết với các nền dân chủ phương Tây khác là một phần cơ bản trong chính sách an ninh của Thụy Điển. Trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine hiện nay, các quốc gia NATO như Hà Lan đã thể hiện khả năng giúp Thụy Điển bảo vệ Gotland khỏi cuộc tấn công của Nga. Sự hợp tác như vậy là trọng tâm của một số hoạt động diễn tập gần đây”[51]. Vị trí của Phần Lan cũng tương tự. Quốc gia này “lên án mạnh mẽ các hành động quân sự của Nga ở Ukraine và kiên quyết ủng hộ độc lập, chủ quyền, quyền tự quyết và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Bề ngoài, giới lãnh đạo chính trị của đất nước đang theo sát hành động của Nga và tình hình an ninh ở Châu Âu. Phần Lan sẽ phản ứng trước các hành động của Nga với tư cách là một phần của liên minh Châu Âu”[52]. Bước tiếp theo của Phần Lan và Thụy Điển là gia nhập NATO, tổ chức rõ ràng không thân thiện với Nga.
Vào ngày 28 tháng 9 năm 2022, Zbigniew Rau, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan, tuyên bố: “Cuộc xung đột của Nga và Ukraine đã gây ra một sự thay đổi mang tính địa chấn ở khu vực xuyên Đại Tây Dương. Điều này đánh dấu khởi đầu của sự đoàn kết chưa từng có giữa các quốc gia của thế giới tự do để bảo vệ chủ quyền và dân chủ ở Ukraine. Trước cuộc xung đột này, Ba Lan là nước đầu tiên đến viện trợ Ukraine. Chúng tôi đã trở thành đối tác tiền tuyến gần nhất, nhà cung cấp viện trợ nhân đạo và trung tâm hậu cần. Chúng tôi không chỉ là nước đầu tiên trong số các đồng minh Châu Âu gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, mà chúng tôi còn đứng thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ về mọi hỗ trợ quân sự”[53]. Lập trường này không có gì ngạc nhiên và hoàn toàn phù hợp với luận điệu trước đó của quốc gia này.
Giống như các đối tác vùng Baltic, Đan Mạch cũng “cung cấp hỗ trợ quân sự, nhân đạo và tài chính cho Ukraine sau các hành động quân sự của Nga”[54]. Tuy nhiên, Đan Mạch muốn nhấn mạnh rằng nó là một bên khá trung lập trong các hành động của Nga, chỉ ra rằng “mức độ nguy hiểm của các cuộc tấn công mạng chống lại Đan Mạch đã tăng lên, và cuộc chiến cũng ảnh hưởng đến nguồn cung cấp năng lượng và dẫn đến nguy cơ thiếu điện”[55].
Đức thấy mình ở một vị trí khó khăn hơn – do các vấn đề kinh tế và năng lượng – nhưng nước này cũng ủng hộ đường lối chống Nga. Ngày 27 tháng 2 năm 2022, thủ tướng Đức Olaf Scholz có bài phát biểu tuyên bố rằng “Hành động quân sự của Nga là một bước ngoặt (Zeitenwende) trong lịch sử châu Âu, khi ông lên kế hoạch chi tiết cho một sự đoạn tuyệt triệt để với chính sách truyền thống của Đức đối với Nga (Ostpolitik). Ông cũng tuyên bố tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, phá vỡ truyền thống thiếu ngân sách cho quân đội kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc (so với mục tiêu 2% của NATO)”[56] mặc dù nếu chúng ta chú ý đến dư luận ở Đức, nó khá mơ hồ. Trong nghiên cứu của mình, trung tâm giám sát, phân tích và chiến lược (CEMAS) đã kết luận rằng xếp hạng tán thành các thuyết âm mưu thân Nga trong toàn bộ người dân Đức đã tăng lên trong cuộc xung đột ở Ukraine. Vào tháng 4 năm 2022, 12% đồng ý với nhận định rằng NATO khiêu khích Nga buộc Nga phải tham chiến. Vào tháng 10, 19% đã giữ quan điểm này, trong đó 16% ở Tây Đức và 33% ở Đông Đức. Ý kiến cho rằng Ukraine là một phần của Nga được chia sẻ bởi 1% ở phía Tây và 24% ở phía Đông[57].
Có thể giả định rằng đối với một số người dân Đức, việc chuyển đổi từ quan hệ đối tác và hợp tác cùng có lợi sang chính sách chống lại Nga là khá khó khăn. Nếu chúng ta tiếp tục chủ đề của dư luận, thì vào tháng 5 năm 2022, Hội đồng quan hệ đối ngoại Châu Âu (ECFR) đã tiến hành một cuộc khảo sát quy mô lớn, bao gồm các quốc gia thuộc khu vực biển Baltic, đã chứng minh rằng mặc dù người châu Âu thống nhất lên án hành động thù địch và mong muốn cắt đứt quan hệ với Nga, nhưng họ lại bị chia rẽ về vấn đề nhận thức về sự kết thúc của cuộc xung đột[58]. Thứ nhất, có những “con diều hâu” phía Bắc và phía Đông (Estonia, Ba Lan, Đan Mạch và Vương quốc Anh), nơi phần lớn dân chúng ủng hộ mạnh mẽ các mục tiêu của Kiev trong cuộc đối đầu. Thứ hai, Tây Âu mơ hồ (Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), nơi có nhiều ý kiến khác nhau về cách chấm dứt xung đột. Trên thực tế, họ chia đều các quan điểm “xung đột giữa Nga và Ukraine phải chấm dứt càng sớm càng tốt, ngay cả khi điều đó có nghĩa là chuyển giao quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ của Ukraine cho Nga” và “Ukraine phải giành lại lãnh thổ của mình, ngay cả khi điều đó có nghĩa là một cuộc chiến tranh kéo dài hơn hoặc nhiều người Ukraine thiệt mạng và lượng người phải di cư nhiều hơn”[59]. Cuối cùng là “các liên kết yếu ở phía Nam (Italia và Romania), nơi mong muốn chiến tranh kết thúc nhanh chóng chiếm ưu thế”[60]. Cuộc khảo sát tiếp theo của ECFR, được thực hiện vào tháng 1 năm 2023 tại mười quốc gia châu Âu (Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Vương quốc Anh, Italia, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania và Tây Ban Nha), cho thấy người châu Âu thống nhất một cách đáng ngạc nhiên trong quyết tâm ủng hộ nền độc lập của Kiev[61].
Trước hết, một thái độ như vậy cho thấy rằng Nga sẽ không nhận được sự ủng hộ trong các hành động của mình giữa chính phủ các nước trong khu vực biển Baltic. Lập trường này sẽ được phản ánh trong tất cả các hoạt động và sáng kiến của Nga trong khu vực sẽ vấp phải sự phản đối từ các nước láng giềng. Có thể nói thêm rằng trong các vấn đề về an ninh của mình đối với phần lớn các quốc gia vùng Baltic sẽ gắn liền với một cuộc đối đầu công khai với Nga. Trong một môi trường như vậy, khả năng phát triển hợp tác về lĩnh vực an ninh hay bất kỳ hoạt động dự án nào khác đều là không thể. Mặt khác, mặc dù về bản chất chủ yếu là chống Nga, nhưng cũng có thể thấy sự tiêu cực đối với NATO và mong muốn kết thúc cuộc xung đột ở Ukraina càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, ở giai đoạn này rất khó để đưa ra một dự báo lạc quan về sự cải thiện tình hình trong khu vực. Quá trình giải quyết sẽ rất lâu và khó khăn.
(Còn tiếp)
Biên dịch: Bùi Toàn
Tác giả: Natalya Markushina là Tiến sĩ Khoa học Chính trị, Giáo sư Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Tổng hợp St. Petersburg
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với BBT Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
Tham khảo:
- Клемешев А.П. Корнеевец В. С., Пальмовский Т., Студжиницки Т., Федоров Г. М. Подходы к определению понятия «Балтийский регион» // Балтийский регион. 2017. Т. 9. № 4. С. 7–28.
- Маркушина Н.Ю. Россия и концепции Северной Европы // Научно-аналитический журнал Обозреватель-Observer.2011. №. 7. С. 66–73; Маркушина Н.Ю. Северная безопасность и концепция «Нового Севера» // Научно-аналитиче ский журнал Обозреватель-Observer. 2011. №. 4. С. 92–100.
- EU Strategy for the Baltic Sea Region // European Commission, https://ec.europa.eu/regional_policy/policy/cooperation/macro-regional-strategies/baltic-sea_en
- Europe’s Strategy for the Baltic Sea Region // Euroregion Baltic, https://www.eurobalt.org/wp-content/uploads/2005/12/file82.pdf
- Маркушина Н.Ю. Перспективы трансформации концепции «Новый Север» на современном этапе // Азимут научных исследований: экономика и управление. 2015. №. 4 (13). С. 100–102.
- 6Enhanced Partnership in Northern Europe (e-PINE) // U.S. Department of State. Bureau of European and Eurasian affairs, https://www.state.gov/enhanced-partnership-in-northern-europe-e-pine/
- Ibid.
- Remarks by President Trump and Heads of the Baltic States in Joint Press Conference // U.S.Embassy in Estonia, https://ee.usembassy.gov/remarks-joint-press-conference/
- Secretary Tillerson’s Meeting with the Foreign Ministers of Estonia, Latvia, and Lithuania // U.S.Embassy in Estonia, https://ee.usembassy.gov/estonia-latvia-lithuania/
- A Declaration to Celebrate 100 Years of Independence of Estonia, Latvia and Lithuania // U.S.Embassy in Estonia, https://ee.usembassy.gov/declaration-100-years-independence/
- Ibid.
- NATO-Russia relations: the facts // Официальный сайт НАТО, https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_111767.htm
- NATO-Russia relations: the facts // Официальный сайт НАТО, https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_111767.htm
- NATO recognises Ukraine as Enhanced Opportunities Partner // Официальный сайт НАТО, https://www.nato.int/cps/en/natohq/news_176327.htm
- Маркушина Н.Ю. Перспективы трансформации концепции «Новый Север» на современном этапе // Азимут научных исследований: экономика и управление. 2015. №. 4 (13). С. 100–102.
- Ibid.
- Oldberg I. Soft Security in the Baltic Sea Region Russian interests in the Council of Baltic Sea States // Swedish Institute of International Affairs, https://www.ui.se/globalassets/ui.se-eng/publications/ui-publications/soft-security-in-the-baltic-searegion-russian-interests-in-the-council-of-baltic-sea-states-min.pdf
- Ibid.
- Указ Президента Российской Федерации от 30.11.2016 No 640. Об утверждении Концепции внешней политики Российской Федерации // Официальный сайт Президента РФ, http://static.kremlin.ru/media/acts/files/0001201612010045.pdf
- Declaration by the Ministers of Foreign Affairs of Denmark, Estonia, Finland, Germany, Iceland, Latvia, Lithuania, Norway, Poland and Swedenand the High Representative of the European Union for Foreign Affairs and Security Policy on the participation by the Russian Federation and Belarusin the work of the Council of the Baltic Sea States // Government.no, https://www.regjeringen.no/contentassets/8818049096154946aedc4b2508cd43f0/220303-final-draft-declarationcbss-minus-russia.pdf
- Заявление МИД России о выходе Российской Федерации из Совета государств Балтийского моря // Министерство иностранных дел Российской Федерации. 17.05.2022, https://www.mid.ru/ru/press_service/spokesman/official_statement/1813674/
- Ibid.
- Forsberg T. Finland and Sweden’s Road to NATO // Current History. 2023. Vol. 122. N 842. P. 89–94.
- Hirdman S. Sveriga, EG och neutraliteten // Tiden. Stockholm. 1989. Arg.81. № 6/7. P. 334; См. также: Швеция и Европейское сообщество. Москва, 1990. С. 20.
- Маркушина Н.Ю. Погодин С.Н. Экономическая и политическая география стран Северной Европы / Н.Ю. Маркушина, С.Н. Погодин. СПб., 2004. С. 35.
- Маркушина Н.Ю. Вопросы мягкой безопасности в контексте «Северного измерения» // Каспийский регион: политика, экономика, культура. 2011. № 2(27). С.107-116.
- Кекконен У.К. Финляндия: путь к миру и добрососедству. Статьи, речи, письма. 1943 – 1978. Москва, 1979. С. 278-279.
- Relations with Sweden // Официальный сайт НАТО, https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_52535.htm; Relations with Finland // Официальный сайт НАТО, https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_49594.htm?selectedLocale=en
- Ibid.
- Sweden’s cooperation in the Euro-Atlantic Partnership Council (EAPC) and Partnership for Peace (PfP) // The Government Offices of Sweden, https://www.government.se/contentassets/2e85a5b2191c4a4393afbd2e608cc613/swedenscooperation-in-the-euro-atlantic-partnership-council-eapc-and-partnership-for-peace-pfp
- Finland and Sweden present a joint initiative on action against terrorism in NATO`s Euro-Atlantic Partnership Council. Press releases, 07.11.2001 // Finland abroad, https://finlandabroad.fi/web/irq/foreign-ministry-s-press-releases/-/asset_publisher/kyaK4Ry9kbQ0/content/suomen-ja-ruotsin-terrorismin-vastaisia-toimia-koskeva-yhteisaloite-euroatlanttisessakumppanuusneuvostossa/35732
- The NORDEFCO chod guidance, Version 2.02 December 2011, NORDEFCO, https://www.nordefco.org/Files/111202_chod-guidance-v-2_final.pdf
- NORDEFCO Vision 2025 // NORDEFCO, https://www.nordefco.org/Files/nordefco-vision-2025-signed.pdf
- Ibid.
- СМИ Скандинавии: Россия захватит Балтику и заодно — Швецию // Inosmi.12.09.2017, http://inosmi.ru/overview/20170914/240274814.html
- Ibid.
- U.S. Forces Participate in Swedish Military Exercise // U.S. Department of Defense, https://www.defense.gov/News/News-Stories/Article/Article/1316420/us-forces-participate-in-swedish-military-exercise/
- The Strategic Ramifications of the Aurora 17 Exercise in Sweden // International centre for defence and security, https://icds.ee/en/the-strategic-ramifications-of-the-aurora-17-exercise-in-sweden/
- Ibid
- The Strategic Ramifications of the Aurora 17 Exercise in Sweden // International centre for defence and security, https://icds.ee/en/the-strategic-ramifications-of-the-aurora-17-exercise-in-sweden/
- Relations with Sweden // Официальный сайт НАТО, https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_52535.htm; Relations with Finland // Официальный сайт НАТО, https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_49594.htm?selectedLocale=en
- Forsberg T. Finland and Sweden’s Road to NATO // Current History. 2023. № 122 (842). P. 89–94.
- The effects of Finland’s possible NATO membership // Foundation for Strategic Research, https://www.frstrategie.org/sites/default/files/documents/publications/autres/2016/2016-heisbourg-mfa-finland-nato.pdf
- Ibid.
- Joint Declaration on the Closure of the Military Integration Process of Finland’s NATO membership Defence Forces // The finnish defence forces, https://puolustusvoimat.fi/en/-/joint-declaration-on-the-closure-of-the-military-integrationprocess-of-finland-s-nato-membership
- Симонян P.Х. Страны Балтии и Россия в контексте украинского кризиса // Мировая экономика и международные отношения. 2019. Т. 63. № 9. С. 61, https://www.imemo.ru/index.php?page_id=1248&file=https://www.imemo.ru/files/File/magazines/meimo/09_2019/08-SIMONYAN.pdf
- Финансирование НАТО // Официальный сайт НАТО. URL: https://www.nato.int/cps/ru/natohq/topics_67655.htm
- Воротников В.В. Отношения стран Скандинавско-Балтийского региона и Украины: военно-политическое и экономи-ческое измерения // Международная аналитика. 2017. №4 (22). С. 18-27.
- Балтийские страны готовятся к военному конфликту с Россией // BBC, https://www.bbc.com/russian/news-60522259
- Russia’s invasion of Ukraine // Governmemt Offices of Sweden, https://www.government.se/government-policy/russias-invasion-of-ukraine/
- Engström M. How the Russia-Ukraine crisis could change Sweden’s security policy // European Council on foreign relation, https://ecfr.eu/article/how-the-russia-ukraine-crisis-could-change-swedens-security-policy/
- Q&A on Russian invasion of Ukraine // Businessfinland.fi, https://www.businessfinland.fi/4959e0/globalassets/finnishcustomers/news/news/2022/visit-finland-qa-on-russia-ukraine-crisis.pdf
- Poland and the War in Ukraine: A Conversation with Zbigniew Rau, Poland’s Minister of Foreign Affairs // Center for Strategic and International Studies, https://www.csis.org/analysis/poland-and-war-ukraine-conversation-zbigniew-rau-polands-minister-foreign-affairs
- The war affects Denmark // Kriseinformation.dk. Danish Authority Information, https://en.kriseinformation.dk/war
- The war affects Denmark // Kriseinformation.dk. Danish Authority Information, https://en.kriseinformation.dk/war
- Muttreja I. Blumenau B. How Russia’s invasion changed German foreign policy // Chatham House, https://www.chathamhouse.org/2022/11/how-russias-invasion-changed-german-foreign-policy
- Schwarz K.-P. Understanding Germany’s half-hearted support of Ukraine // GIS reports, https://www.gisreportsonline.com/r/germany-russia-ukraine/
- Krastev I. Leonard M. Fragile unity: Why Europeans are coming together on Ukraine (and what might drive them apart) //European Council on foreign relation, https://ecfr.eu/publication/fragile-unity-why-europeans-are-coming-together-on-ukraine/
- Krastev I. Leonard M. Fragile unity: Why Europeans are coming together on Ukraine (and what might drive them apart) // European Council on foreign relation, https://ecfr.eu/publication/fragile-unity-why-europeans-are-coming-together-on-ukraine/
- Ibid.
- Ibid.