Cuộc bầu cử địa phương tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua đã cho thấy sức mạnh của phe đối lập thế tục và tiến bộ trước chủ nghĩa dân tộc Hồi giáo của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Nhưng dựa vào quyền lực độc đoán, và bất chấp khủng hoảng kinh tế, vị nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn nhiều nguồn lực để bảo lưu quyền lực của mình.
Hơn 10 tháng sau chiến thắng của ông Recep Tayyip Erdogan trong cuộc bầu cử tổng thống và nghị viện, liệu khung cảnh chính trường Thổ Nhĩ Kỳ có đang định hình lại từ cuộc bầu cử địa phương vừa qua hay không?
Trong khi cuộc tổng tuyển cử tháng 5/2023 khẳng định tính tiếp nối thế bá chủ của liên minh dân tộc chủ nghĩa – Hồi giáo, Liên minh Nhân dân với các thế lực chính trị tập trung quanh tổng thống Erdogan và Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, thì cuộc bầu cử địa phương vào cuối tháng 3/2024 vừa qua đã cho thấy hình ảnh chính trường rất khác biệt. Lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền năm 2002, AKP không dẫn đầu trong một cuộc bầu cử tại quốc gia Á – Âu này. Đảng Cộng hòa của Nhân dân (CHP) đối lập, theo tư tưởng trung tả kế thừa từ nhân vật nổi danh lịch sử Mustafa Kemal Ataturk, vượt lên trên đối thủ của mình khi giành được 35% phiếu bầu tại cấp quận, huyện và 38% phiếu bầu các thị trưởng và cấp tỉnh. Hệ quả là AKP không thể giành lại ghế thị trưởng tại 2 thành phố chiến lược là Istambul và thủ đô Ankara (bị mất từ năm 2019), và còn thất bại tại nhiều thành phố quan trọng khác, bao gồm cả những nơi từng được coi là căn cứ địa chính trị của họ. Thất bại này còn mang tính cá nhân với Tổng thống Erdogan, người đã trực tiếp tham gia nhiệt tình vào quá trình vận động. Ông đã du thuyết tại 51 bang để ủng hộ các ứng cử viên của đảng mình và nhấn mạnh cam kết đặc biệt với Istambul.
Sau ngày bầu cử 31/3, CHP kiểm soát 14 trong tổng số 30 huyện lớn nhất của Thổ Nhĩ kỳ, so với 12 của AKP. Ngoài ra, Đảng Nhân dân vì Bình đẳng và Dân chủ (DEM, xã hội – dân chủ) đã giành lại ghế thị trưởng tại tất cả các khu vực người Kurd, nơi Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ kỳ từng “quét sạch” các đại diện của chính đảng này vào năm 2019, và còn chiến thắng tại một số địa phương khác. Đảng AKP cầm quyền chỉ còn giới hạn ở vùng Anatolia (Tiểu Á) trung tâm và khu vực ven Biển Đen. Đây là kết quả bầu cử tồi tệ nhất của Recep Tayyip Erdogan và đảng của ông trong vòng 22 năm qua.
Tình trạng cạn kiệt của phái Erdogan
Vậy có thể giải thích sự xoay chuyển của bối cảnh chính trị trên thế nào? Thực ra, xu hướng suy giảm uy tín quần chúng của AKP không còn là điều gì mới mẻ. Với tư cách lãnh đạo đảng, Tổng thống Erdogan đã thắng tất cả các cuộc bầu cử từ 2002 tới 2015 mà không cần liên minh với một lực lượng nào khác. Năm 2011, chính đảng cầm quyền này giành chiến thắng tại cuộc bầu cử nghị viện với tỷ lệ ủng hộ toàn quốc 49,5%. Bản thân ông Erdogan đắc cử tổng thống năm cuộc tổng tuyển cử 2014 ngay tại vòng đầu tiên mà không cần liên minh với chính đảng nào khác. Nhưng kể từ giữa năm 2015, Erdogan đã buộc phải kết minh với Đảng Hành động dân tộc (MHP), theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực hữu, để chiến thắng với cách biệt sít sao và nhờ vào một loạt những sự kiến bất thường, bắt đầu từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2017, cho tới việc ông tái cử vào các năm 2018 và 2023. Nếu không có sự đóng góp của đồng minh, AKP đã không thể giành đa số trong nghị viện năm 2018. Đà thoái trào chậm nhưng không thể đảo ngược của AKP đã buộc Erdogan phải mở rộng Liên minh Nhân dân vào năm 2023, khi đưa vào các chính đảng khác, trong đó đặc biệt có Đảng Phúc lợi mới (Hồi giáo) thành lập 2018 dưới tay của con trai Necmettin Erbakan, nhà sáng lập lịch sử của trường phái Hồi giáo chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ, cùng 2 đảng nhỏ khác, gồm một đảng dân tộc cực hữu và một đảng Hồi giáo cấp tiến người Kurd. Nhờ vào liên minh cực hữu này, Erdogan đắc cử tại vòng 2 với 52% phiếu bầu ủng hộ. Nhưng chiến thắng cá nhân của ông khi đó đã che khuất đà thoái trào của AKP. Năm 2024, chính đảng đạo Hồi của Erkaban rút khỏi liên minh và tự giành được 7% phiếu bầu trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tháng 3 vừa qua là 78%, thấp hơn mức 88% trong cuộc bầu chọn 10 tháng trước đó. Có tới 2/3 những người vắng mặt lần này (so với cuộc bầu cử tổng thống trước đó) đã từng bỏ phiếu cho AKP vào năm 2023. Nguyên nhân chính của tâm lý chán nản này là cuộc khủng hoảng kinh tế, với mức lạm phát hơn 60%/năm và tác động trước hết vào những người hưởng lương hưu. Ngoài ra, một phận cử tri theo đạo Hồi của AKP đã trừng phạt đảng này do thái độ lấp lửng với Israel kể từ khi cuộc chiến tại Gaza bùng phát: chính phủ ủng hộ Hamas mạnh mẽ trong những tuyên bố nhưng vẫn tiếp tục xuất khẩu hàng hóa không ngừng cho Israel (do sức ép từ trong nước, chỉ mới gần đây tổng thống Erdogan mới quyết định giảm bớt khối lượng xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu sang Israel – nước phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là qua Thổ Nhĩ Kỳ).
Việc ông Erdogan lựa chọn những ứng cử viên ít hấp dẫn vào các vị trí thị trưởng của các thành phố lớn rõ ràng cũng làm nản lòng thêm một bộ phận cử tri của chính AKP. Cũng như các nhà độc tài khác, vị nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cẩn trọng đặt vào những vị trí then chốt những nhân vật không có khả năng “phủ bóng” lên ông. Sự mệt mỏi và hao mòn trong 20 năm cầm quyền liên tiếp cũng lý giải sự sụt giảm sự ủng hộ quần chúng dành cho AKP. Tất cả những người từng cùng Erdogan tham gia sáng lập AKP vào năm 2001 hiện tại đều đã rời bỏ hàng ngũ hoặc “tàng hình” trên chính trường. Kể từ đầu thập niên này, AKP đã trở thành một bộ máy chính trị hoàn toàn phục vụ cá nhân Erdogan.
Thế nhưng tất cả những yếu tố gây ra bất mãn nói trên đều đã hiện hữu từ 10 tháng trước và không ngăn cản ông Erdogan tái đắc cử. Trong một xã hội có mức độ phân cực cao – nơi những người đối lập bị nhìn nhận như kẻ thù nội bộ, những người ủng hộ chính phủ dân tộc chủ nghĩa – Hồi giáo sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi bày tỏ sự không hài lòng trong một cuộc bầu cử địa phương thay vì trong một cuộc tổng tuyển cử. Họ không đối diện nguy cơ đi ngược lại định chế bảo thủ hiện tại, nhưng vẫn có thể gửi đi một thông điệp cảnh cáo mạnh mẽ. Trong một cuộc đua quyết định hơn, nhiều cử tri theo lập trường Hồi giáo – dân tộc chủ nghĩa vẫn luôn ngần ngại bỏ phiếu cho CHP vì các lý do lịch sử, trên hết là do quan điểm hiện đại hóa tập trung vào tầng lớp tinh hoa và xu hướng không kém độc đoán của phái Kemal thời trước.
Thách thức từ các lực lượng tiến bộ
Mặc dù thất bại bầu cử năm 2024 của phe cầm quyền chủ yếu bắt nguồn từ sự hao mòn từng bước của phái Erdogan, nhưng cũng có thể lý giải nó phần nào từ quá trình chuyển biến chậm chạp của CHP trong khoảng 10 năm qua. Là một chính đảng không giành được chiến thắng bầu cử nào từ năm 1989, kể từ năm 2016, CHP đã áp dụng chiến lược rộng mở, thiết lập một liên minh chính thức, Liên minh Dân tộc, với những người bất đồng chính kiến của MHP và AKP, cũng như những liên minh không chính thức với Đảng Dân chủ các Dân tộc (HDP, đảng thiên tả ủng hộ người Kurd, tiền thân của DEM). Nhờ vào chiến lược này, CHP đã giành được ghế thị trưởng tại Istambul và Ankara và vài thành phố cấp tỉnh khác vào năm 2019. Năm 2023, chiến lược liên minh này không đủ để ứng cử viên của CHP, Kemal Kilicdaroglu, giành chiến thắng trước Erdogan tại vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống hay giật được đa số ghế tại nghị viện từ tay AKP và các đồng minh. Tuy nhiên, rõ ràng là nó đã tạo ra đồng nhất nhuần nhuyễn hơn trong các bộ phận cử tri khác nhau chống lại ông Erdogan. Điều này giải thích việc tập hợp ngẫu nhiên của các nhóm cử tri khác nhau xung quanh các ứng cử viên của CHP vào tháng 3/2024, bất chấp một liên minh chính thức chống Erdogan. Tóm lại, đa phần các cử tri thế tục – dân tộc chủ nghĩa hiện đang đoàn kết xung quanh lá phiếu cho CHP.
Ngày nay, những gương mặt tiêu biểu nhất của CHP, các thị trưởng Istambul và Ankara, là sự minh họa chính xác của sự thay đổi này. Ekrem Imamoglu, bắt đầu sự nghiệp chính trị từ phe hữu khuynh tự do vào những năm 1990, và Mansur Yavas, từ phe cực hữu dân tộc chủ nghĩa. Nhưng cả 2 đều là những tín đồ bảo vệ sự tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc thế tục. Hình ảnh truyền thống của CHP như một đảng thế tục của giới tinh hoa mà Erdogan đè bẹp trong mỗi dịp bầu cử đã không còn chính xác. Thị trưởng Istambul, Imamoglu, trong quan điểm của công chúng là ứng cử viên có nhiều triển vọng nhất để chấm dứt kỷ nguyên Erdogan – AKP trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Hiện CHP đang hướng tới việc chinh phục các phiếu bầu của những cử tri trung dung, như AKP từng làm được trong những năm 2000, khi thu hút các cử tri của các đảng tự do hữu khuynh và trung dung. Khi áp dụng một lập trường ngày càng mang tính dân tộc chủ nghĩa và Hồi giáo và biến đổi định chế của mình thành một nền độc tài, Erdogan, nạn nhân của chính sự ngạo mạn của mình, đã đánh mất một số thành phần trong số những cử tri này.
Trong số 5 chính đảng giành được nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc bầu cử năm 2018, CHP là đảng duy nhất ghi nhận bước tiến trong năm 2024, trước hết nhờ vào những cử tri thanh niên và phụ nữ. Xu hướng này có thể tiếp tục nếu các thị trưởng mới đắc cử của CHP chứng minh được khả năng điều hành địa phương hiệu quả như những người tiền nhiệm AKP trong quá khứ xa xưa từng làm được và trở thành yếu tố quyết định cho sự thăng tiến những năm 2000 của chính đảng hiện đang cầm quyền, với trọng tâm là cuộc đấu tranh chống lại các tệ nạn gia đình trị, lợi ích nhóm, các hoạt động phá hoại môi trường và nạn lãng phí tràn lan. Về phần mình, DEM đã chứng minh được rằng họ có cơ sở cử tri rất chắc chắn trong lãnh thổ truyền thống của người Kurd (Kurdistan) bất chấp làn sóng đàn áp thẳng tay họ từng hứng chịu năm 2016. Nhưng hiện tại trong đảng này đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa 2 xu hướng, một bên ủng sự trở lại với những nguồn gốc Kurd của những tiền bối lão thành trong đảng, còn một bên ủng hộ việc tìm kiếm chiến lược để trở thành chính đảng cánh tả chủ chốt tại Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời vẫn bảo vệ những yêu sách truyền thống của người Kurd. Các chính đảng cánh tả – xã hội khác tại Thổ Nhĩ Kỳ còn lại không có mấy sức nặng trên chính trường quốc gia: tổng số phiếu của tất cả các hội nhóm này giành được trong cuộc bầu cử vừa qua còn chưa tới 3%.
Thế kiềng ba chân
Trước bối cảnh khá lạc quan cho những người mong muốn sự thay đổi tại vị trí lãnh đạo tối cao vào năm 2028, họ vẫn phải duy trì sự thận trọng. Trước hết, cuộc bầu cử địa phương không hề làm suy giảm quyền lực to lớn nằm trong tay Erdogan. Hệ thống siêu tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang vận hành và Erdogan hoàn toàn có thể thu hút nghị sĩ của những chính đảng hữu khuynh tự do và dân tộc chủ nghĩa hiện đang có lập trường bất đồng chính kiến. Những chính đảng này hoàn toàn “biến mất” trong đêm bầu cử 31/3/2024 vừa qua. Nhưng vị nguyên thủ này cũng phải dàn xếp được trong 4 năm tới một bộ khung định hình và quản lý chính sách kinh tế, trước nhu cầu phải thắt lưng buộc bụng để chống lạm phát (đã lên mức khoảng 60% và 80% trong 2 năm qua) và bảo vệ tầng lớp trung lưu thành thị, bị tác động mạnh mẽ bởi đà sụt giảm sức mua. Ngược lại với những chi phí tranh cử khổng lồ trước thềm cuộc bầu cử năm 2023, ông Erdogan đã phải thú nhận trong cuộc bầu cử tháng 3/2024 vừa qua rằng ngân khố đã hoàn toàn trống rỗng.
Hơn nữa, đà thăng tiến trong bầu cử của CHP không nên ẩn đi thực tế về thế kiềng ba chân vững chắc trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu ta cộng tất cả các phiếu bầu của các chính đảng từng tham gia Liên minh Nhân dân trong cuộc bầu cử tổng thống 2023 – nhưng tham gia với tư cách chính đảng đơn lẻ trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua, ta vẫn thấy đây là thế lực chủ đạo với sự ủng hộ của 47% cử tri, trong khi khối cử tri thế tục – dân tộc chủ nghĩa, với cột trụ là CHP, vẫn chỉ đứng ở vị trí thứ 2 với 42% lượng cử tri. Do vậy, CHP sẽ cần thu hút các cử tri của cực chính trị thứ 3, các cử tri của DEM và của cánh tả xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, ngay trong giới cử tri thế tục cũng vẫn có những trường phát độc tài và dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ, theo đuổi những yêu cầu về sự thừa nhận các quyền dân tộc của thiểu số người Kurd. Việc mở ra những cuộc thảo luận để giải quyết vấn đề người Kurd luôn gây ra sự hoang mang cho cả những người dân tộc chủ nghĩa bảo thủ lẫn một bộ phận cử tri thế tục. Do vậy, những đề xuất giải pháp và phương pháp tiếp cận của AKP và CHP trong vấn đề người Kurd sẽ mang tính quyết định cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Cuộc bầu cử địa phương vừa qua hé lộ rằng trọng tâm sức hút chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ đã dịch chuyển nhẹ nhàng từ cực bảo thủ và Hồi giáo hướng sang cực duy tân và thế tục. Nhưng cả 2 cực chính trị này, về tương đối, đều chia sẻ những giá trị dân tộc chủ nghĩa: một bên thách thức các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ, một bên thách thức những người láng giềng Trung Đông của quốc gia Á – Âu này.
Sự hiện diện ồ ạt của người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kích động tâm lý thù ghét giữa những người duy tân thế tục với các nước Arab. Thế lưỡng nan ngay trong lòng CHP này cũng rõ ràng trong quan hệ với Liên minh châu Âu và những đòi hỏi cho sự gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai. Nhưng nếu phe đối lập muốn chiến thắng trong cuộc bầu cử vào 4 năm tới, họ sẽ phải giành lại phiếu bầu của khoảng 5 – 6 triệu cử tri, đặc biệt là những người từ tầng lớp lao động từng bỏ phiếu cho AKP và những chính đảng khác thuộc Liên minh Nhân dân hay vắng mặt trong cuộc bầu cử 2024, đồng thời không để mất các bộ phận cử tri theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa hay thế tục. Đây là một thách thức không chỉ với các lãnh đạo của đảng CHP, mà còn đối với cả lực lượng tiến bộ Thổ Nhĩ Kỳ nói chung./.
Biên tập và chuyển ngữ: Uyển My
Tác giả: Ahmet Insel là nhà báo kỳ cựu người Thổ Nhĩ Kỳ, tác giả của cuốn sách xuất bản bằng tiếng Pháp La nouvelle Turquie d’Erdogan. Du rêve démocratique à la dérive autoritaire (La Découverte, Pari, 2015).
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]