Đông Nam Á bao gồm 11 quốc gia có sự đa dạng về tôn giáo, văn hóa, lịch sử và địa lý, là một trong những khu vực kinh tế năng động nhất, góp phần tạo nên tầm quan trọng quốc tế của khu vực. Đối với Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) của Trung Quốc, Đông Nam Á có tầm quan trọng chiến lược trong quỹ đạo thành công của Sáng kiến, là một trong 06 hành lang kinh tế của Sáng kiến với các tuyến đường biển và đường bộ quan trọng cho phép Trung Quốc mở rộng xâm nhập vào thị trường châu Phi và châu Âu. Các quốc gia trong khu vực có nguồn vốn đầu tư BRI nhiều nhất phải kể đến như: Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia… BRI cũng là phương tiện chính để Trung Quốc tương tác với các nước trong khu vực bên cạnh mối quan hệ song phương chặt chẽ vốn có từ lâu.
Tại Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế Vành đai, Con đường lần thứ 3 (BRF-3) tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh trong hai ngày 17 và 18/10/2023, Đông Nam Á nổi bật trong danh sách thành công của Sáng kiến với trị giá hàng tỷ đôla đầu tư. Điều này cho thấy, Đông Nam Á sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của BRI trong những năm tới, tuy nhiên, đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, vẫn cho thấy một bức tranh hỗn hợp về các cơ hội và thách thức mà khu vực này cần phải quản lý một cách khéo léo, nhất là trong bối cảnh Đông Nam Á trở thành trọng tâm của cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
VAI TRÒ CỦA ĐÔNG NAM Á TRONG SÁNG KIẾN VÀNH ĐAI, CON ĐƯỜNG
Nhìn bề ngoài, Sáng kiến “Vành đai, Con đường” chủ yếu dựa trên yếu tố kinh tế nhưng lại mang ý nghĩa địa chính trị – chiến lược to lớn đối với sự phát triển cũng như vai trò và vị thế của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. BRI, tổ hợp siêu dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất và tham vọng nhất trong lịch sử nhân loại giúp mở ra các kênh đầu tư mới cho nguồn dự trữ tiền tệ khổng lồ của Trung Quốc, đánh dấu một bước tiến lớn trong công cuộc tái thiết trật tự thế giới Trung Quốc thời cổ đại (hay còn được biết đến dưới cái tên là “Tianxia” – Thiên Hạ). Trật tự thế giới mới này sẽ không chỉ đơn giản tồn tại trên lý thuyết mà mang những hàm ý địa chính trị quan trọng đối với “giấc mộng Trung Hoa” hay “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” theo tư tưởng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong phạm vi rộng lớn và bao trùm của BRI, Đông Nam Á đóng vai trò là đối tác chiến lược quan trọng, là mắt xích trọng yếu của “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, cho phép kết nối bờ biển Trung Quốc với khu vực Nam Á, Trung Đông và châu Âu thông qua Biển Đông và Ấn Độ Dương bởi:
Một là, về mặt địa lý, văn hóa và kinh tế: Đông Nam Á có vị trí địa lý quan trọng trong tổng thể BRI của Trung Quốc. Khu vực này có một số điểm huyết mạch trên tuyến đường biển quốc tế quan trọng như eo biển Malacca, eo biển Sunda và eo biển Lombok nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Do đó, việc Trung Quốc ưu tiên đầu tư vào một khu vực gần gũi hơn về mặt địa lý và gắn kết về mặt văn hóa trước khi mạo hiểm vươn ra ngoài là điều hợp lý. Hơn nữa, mối quan hệ văn hóa giữa Trung Quốc đại lục và các quốc gia Đông Nam Á vốn có từ lâu, lại được gắn kết hơn sau các phong trào di cư ồ ạt của cộng đồng người Hoa sang Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Singapore… trong suốt thế kỷ 19 và 20. Mối liên hệ chặt chẽ giữa các cộng đồng người Hoa là nền tảng thúc đẩy xu hướng đầu tư an toàn và đầy sức hấp dẫn với các công ty Trung Quốc luôn sẵn sàng góp sức để mở rộng BRI, qua đó góp phần tạo dựng những thành công trong thập kỷ qua của Sáng kiến. Đông Nam Á trở thành tâm điểm cho đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng vì khu vực này cung cấp cho cả chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp tư nhân nước này chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy hơn so với các khu vực khác như châu Phi và châu Mỹ Latinh. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN kể từ năm 2009, trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 2020.
Hai là, về mặt địa chính trị: Trong thời gian qua, tâm điểm của mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN là căng thẳng leo thang liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và hàng hải. Căng thẳng gia tăng với một số quốc gia trong khu vực cũng như cạnh tranh chiến lược với Mỹ tại địa bàn này đã khiến chính phủ Trung Quốc và các nhà đầu tư tư nhân nước này phải tìm kiếm các cách thức khác để thúc đẩy lợi ích và BRI chính là công cụ hữu ích. Thông qua BRI, Trung Quốc có thể tham gia vào nền kinh tế, chính trị và xã hội dân sự ở Đông Nam Á, góp phần giúp Bắc Kinh tạo dựng “quyền lực mềm” trong khu vực từ đó dễ bề gây ảnh hưởng về an ninh, kinh tế, và chính trị. Mặt khác, ở góc độ nhất định, siêu dự án này cũng góp phần giảm thiểu căng thẳng theo định hướng chính sách về Biển Đông của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa các yêu sách chủ quyền quá mức của nước này ở Biển Đông cũng như ngày càng chiếm lĩnh vị thế lớn hơn trong khu vực, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh với Mỹ ngày càng gay gắt và lan rộng ra nhiều lĩnh vực.
THỰC TIỄN TRIỂN KHAI SÁNG KIẾN VÀNH ĐÀI, CON ĐƯỜNG Ở ĐÔNG NAM Á TRONG THẬP KỶ QUA
Mục tiêu tham gia BRI của Đông Nam Á
Việc các nước Đông Nam Á tham gia BRI của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược sau:
Một là, các nước Đông Nam Á hiểu rằng đầu tư của Trung Quốc trong các dự án BRI có thể mang lại cơ hội khắc phục vấn đề cơ sở hạ tầng không đầy đủ trong khu vực, vốn là trở ngại lớn cho sự tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, các dự án BRI liên quan đến nguồn tài chính có nguồn gốc quốc tế bao gồm từ Trung Quốc có thể thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, năng lượng và dịch vụ…
Hai là, các nước Đông Nam Á kỳ vọng, các dự án đầu tư trong khuôn khổ BRI có thể giúp giảm bớt sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc, gia tăng khả năng tiếp cận thị trường tỷ dân hơn, từ đó tăng xuất khẩu sang thị trường rộng lớn này.
Ba là, các dự án BRI sẽ giúp tăng cường kết nối khu vực và quốc tế, từ đó thúc đẩy xuất khẩu không chỉ sang thị trường Trung Quốc mà còn vươn ra các châu lục khác như châu Âu để kết tiểu vùng này tới khu vực Trung Á, Nga và Đông Âu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực và hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế. Vai trò và vị trí địa chính trị của Đông Nam Á cũng ngày một tăng lên.
Thực tiễn triển khai BRI ở Đông Nam Á
Trong suốt một thập kỷ qua, phạm vi địa lý và các ưu tiên theo chủ đề cũng như các dự án trong khuôn khổ BRI đã có sự thay đổi. Từ năm 2013 đến năm 2015, hầu hết các dự án BRI đều liên quan đến cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng. Từ năm 2016, các dự án này được đa dạng hóa bao gồm các đặc khu kinh tế và các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước tiếp nhận BRI. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, hạng mục đầu tư BRI lớn nhất ở Đông Nam Á là tập trung vào các dự án trong khuôn khổ “Con đường Tơ lụa y tế”, bao gồm quyên góp và bán thiết bị bảo hộ và vaccine Trung Quốc, cũng như kết nối con người thông qua các chuyến thăm và trao đổi giữa các chuyên gia y tế. Các dự án lớn nhất của BRI trong khu vực chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải như đường sắt, đường bộ, cảng biển, sân bay và các dự án năng lượng. Đáng chú ý nhất phải kể đến dự án Đường sắt Côn Minh – Singapore, kết nối thành phố phía Nam của Trung Quốc tới các thành phố lớn nhất của phần Đông Nam Á lục địa. Dự án gồm 03 tuyến chính, trong đó tuyến phía Đông chạy qua Hà Nội và tới thành phố Hồ Chí Minh ở Việt Nam; tuyến phía Tây chạy tới Yangon của Myanmar qua hệ thống đường sắt nội địa Đại Lý – Thụy Lệ; tuyến giữa đi qua Vientiane, Lào và giao với hai tuyến đường sắt Đông và Tây tại Bangkok, Thái Lan. Từ đó, tiếp tục xuyên qua Malaysia và kết nối với điểm cuối cùng tại Singapore. Đông Nam Á cũng là điểm đến quan trọng cho các khoản đầu tư trong khuôn khổ “Con đường Tơ lụa kỹ thuật số” (DSR) trong đó các công ty Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông ở các nước nghèo hơn, bao gồm Campuchia, Lào và Myanmar. Tại các thị trường phức tạp hơn như Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore, vai trò của Trung Quốc không quá nổi trội. Trong khi đã có nhiều tranh cãi ở các nước phương Tây về việc áp dụng cơ sở hạ tầng mạng thế hệ tiếp theo do Trung Quốc sở hữu, thì ở một số nước Đông Nam Á, cuộc tranh luận tương tự thường không xảy ra.
Nhìn chung, đại dịch đã đẩy nhanh quá trình chuyển hướng của Trung Quốc sang cơ sở hạ tầng “mềm” như dịch vụ y tế và nền kinh tế kỹ thuật số. DSR trong chương trình nghị sự BRI của Trung Quốc ngày càng chiếm vị trí quan trọng với cốt lõi là thúc đẩy các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, hầu hết là các công ty tư nhân như Huawei, ZTE, Tencent, Alibaba giành được ưu thế trong các thị trường kỹ thuật số toàn cầu mới nổi, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ tăng cường các hoạt động cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ. Những xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong thời gian dài. Hiện Trung Quốc đang tích cực triển khai BRI thông qua một vài cơ chế như Quỹ Hợp tác đầu tư Trung Quốc – ASEAN, Hành lang kinh tế Trung Quốc – Đông Dương (CIPEC) nhằm kết nối các thành phố lớn nhất Đông Nam Á và thúc đẩy Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA). Tuy nhiên, mức độ tham gia và triển khai BRI ở khu vực Đông Nam Á từ trước đến nay có nhiều sự khác biệt, cụ thể:
Nhóm các nước rất tích cực ủng hộ BRI gồm Lào, Campuchia:
Campuchia: Trong một thập kỷ qua, BRI được đón nhận rất tích cực ở Campuchia khi đáp ứng các nhu cầu cải thiện và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng ở nước này, trong đó tập trung vào các dự án lớn như đường cao tốc, đường bộ và cầu. Các dự án BRI về cơ sở hạ tầng ở Campuchia đã giúp kết nối thủ đô Phnom Penh với các vùng nông thôn của đất nước, kinh tế các địa phương và quốc gia được thúc đẩy. Một trong những dự án đáng chú ý nhất là Đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville, giúp giảm thời gian di chuyển và tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch địa phương. Hơn nữa, BRI còn thúc đẩy hoạt động chuyển tiền xuyên quốc gia giữa hai nước, từ đó vừa thúc đẩy thương mại song phương, vừa thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.
Lào: Là đối tác quan trọng đối với BRI của Trung Quốc trong khu vực, Lào kỳ vọng có thể cải thiện hợp tác kinh tế và xã hội với Trung Quốc, qua đó giúp thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững, phát triển từ một quốc gia không giáp biển thành một quốc gia liên kết với đất liền và cung cấp nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cao hơn và mức sống tốt hơn cho người dân. Dự án BRI đầu tiên – Đường sắt Lào – Trung Quốc, bắt đầu vào năm 2016 và hoàn thành vào năm 2021, dài khoảng 1.000 km với kinh phí khoảng 6 tỷ USD, kết nối thành phố Côn Minh, Trung Quốc đến Vientiane, Lào. Tuyến đường giúp tăng mạng lưới hậu cần quốc tế, giảm chi phí và thời gian vận chuyển, tạo ra lợi nhuận kinh tế tích cực, đồng thời đóng vai trò là tuyến đường vận chuyển đường bộ quan trọng ở bán đảo Ấn Độ, giúp tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước, gắn kết nó với BRI như một thành phần trong quá trình triển khai dần dần Hành lang kinh tế Lào – Trung Quốc.
Mặc dù là hai nước ủng hộ nhiệt thành BRI và những đóng góp của BRI đối với sự phát triển của Lào và Campuchia trong thời gian qua là rất đáng kể, tuy nhiên, các dự BRI ở hai nước này cũng gặp khá nhiều vấn đề liên quan đến các lo ngại về “bẫy nợ”, tham nhũng, ô nhiễm môi trường, tác động đến cộng đồng dân cư cũng như sự gia tăng “quyền lực mềm” của Trung Quốc tại đây. Trong thời tới, nhu cầu về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về cầu và đường nông thôn ở Campuchia còn rất lớn, do đó, các dự án BRI sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa ở đất nước này. Trong khi đó, Lào cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ BRI bởi hợp tác quốc tế được coi là chiến lược quan trọng để Lào phát triển đất nước và họ kỳ vọng Sáng kiến này sẽ giúp biến Lào từ một quốc gia không có biển thành một trung tâm liên kết trên đất liền kết nối Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Singapore.
Thái Lan: Thái Lan là một trong những nước ủng hộ BRI ngay từ ban đầu, một phần là do mối quan hệ chặt chẽ hơn của Băngkok với Bắc Kinh sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, tuy nhiên, việc xác định dự án nào có liên quan chính thức với BRI là rất khó, ngoài dự án đường sắt cao tốc Thái – Trung đáng chú ý. Việc hợp tác với Trung Quốc thông qua khuôn khổ BRI giúp củng cố mối quan hệ kinh tế hai nước, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thái Lan và củng cố vai trò là một trung tâm khu vực của nước này. Các dự án BRI ở Thái Lan trong mười năm qua đã mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức do các lo ngại về khả năng tài chính của một số dự án. Do lo ngại rơi vào “bẫy nợ” nên chính phủ Thái Lan đã có các cuộc thảo luận và đàm phán kéo dài giữa với Trung Quốc về dự án đường sắt cao tốc trước khi chính phủ quyết định tài trợ cho dự án này bằng nguồn vốn trong nước, còn Trung Quốc được nhượng quyền xây dựng đường ray và vận hành đoàn tàu. Hơn nữa, các vấn đề như thâm hụt thương mại, tác động đến môi trường và cộng đồng dân cư vẫn là những vấn đề đáng quan tâm. Nhìn chung, giới tinh hoa chính trị và kinh tế của Thái Lan hoan nghênh vai trò kinh tế của Trung Quốc tại vương quốc này vì có lợi cho sự phát triển kinh tế của Thái Lan, qua đó củng cố tính hợp pháp chính trị của chính phủ.
Indonesia: Trong thập kỷ qua, các dự án BRI của Trung Quốc tại Indonesia trải rộng trên nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, khai thác mỏ…, qua đó giúp Trung Quốc trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia. Các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ BRI được kỳ vọng giúp Indonesia kết nối đảo Java tới các khu vực phía Đông để thúc đẩy phát triển kinh tế và kết nối khu vực. Chính phủ Indonesia đang kỳ vọng Trung Quốc đầu tư sâu hơn vào thủ đô mới Nusantara (IKN), với hợp đồng trị giá 32 tỷ USD, cũng như dự án thành phố sinh thái đảo Rempang trị giá 11,5 tỷ USD. Nhìn chung, các dự án BRI ở Indonesia đã mang lại những tác động tích cực nhưng có nhiều lĩnh vực cần cải thiện, bao gồm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản lý rủi ro, nếu không có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này trong tương lai cũng như phúc lợi của người dân
Malaysia: Malaysia nằm trên tuyến giao thương quốc tế quan trọng, nhất là đối với Trung Quốc. Hơn nữa, với vị trí địa lý nằm giữa khu vực và với một cộng đồng người Hoa khá lớn, Malaysia là một tác nhân hàng đầu, một yếu tố chính giúp Trung Quốc thắt chặt các mối quan hệ với ASEAN. Trung Quốc là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Malaysia, nhất là sau khi BRI được triển khai từ năm 2013. Các dự án BRI nổi bật ở Malaysia có thể kể đến như Khu công nghiệp Kuantan Malaysia-Trung Quốc (MCKIP); Khu thương mại tự do kỹ thuật số; Dệt may D&Y; Liên minh Thép; Đầu tư vào năng lượng mặt trời của Jinko tại Penang; Trung tâm Đầu máy toa xe (CRCC) của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc tại Batu Gajah, Perak; và khoản đầu tư ô tô của Geely vào Proton, công ty ô tô quốc gia. BRI cũng bao gồm các khoản đầu tư của Huawei và ZTE vào lĩnh vực viễn thông cũng như các khoản đầu tư vào năng lượng mặt trời của Longyi tại Sarawak ở Đông Malaysia.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại về quyền đất đai, khung pháp lý cho liên doanh, quyền lao động và thực tiễn việc làm, tham vấn cộng đồng, tính minh bạch và truyền thông, đầu tư cộng đồng cũng như các vấn đề ngôn ngữ và văn hóa. Trong tương lai, nhu cầu đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Malaysia sẽ ít hơn, thay vào đó Kualalumpur kỳ vọng vào sự chuyển dịch đầu tư sang “các dự án nhỏ nhưng đẹp”, đặc biệt là các dự án xanh và kỹ thuật số phù hợp với các ưu tiên hiện tại của chính phủ.
Nhóm các nước có thái độ vừa phải với BRI gồm Myanmar và Việt Nam
Myanmar: Kể từ khi BRI ra mắt, quan điểm của Myanmar đã chuyển từ sự phụ thuộc đa dạng trong chính quyền của Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang Myanmar (USDP) được quân đội hậu thuẫn từ năm 2012 đến năm 2016, sang hỗ trợ tích cực hơn mặc dù thận trọng trong chính phủ của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) từ năm 2016. Sau cuộc đảo chính tháng 02/2021, chế độ quân sự của Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC) đã ủng hộ BRI, tìm cách khởi động lại hoặc đẩy nhanh các dự án bị đình trệ hoặc trì hoãn trong nhiệm kỳ của NLD. Các dự án BRI của Trung Quốc tại Myanmar tập trung vào thủy điện, các khu công nghiệp xuyên biên giới và kết nối, chẳng hạn như mạng lưới đường sắt cao tốc và cảng biển nước sâu Kyaukphyu, tuy nhiên, đã bị trậm trễ do các lo ngại liên quan “bẫy nợ” và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hơn nữa, tình hình chính trị của Myanmar định hình thái độ của nước này đối với quỹ đạo phát triển của BRI. Xung đột ở Myanmar nổ ra sau cuộc đảo chính năm 2021 đã làm gián đoạn mọi lợi ích tiềm năng từ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và làm sâu sắc những phản ứng người dân do các lo ngại liên quan đến sự thống trị kinh tế và ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc ở quốc gia này ngày càng tăng.
Việt Nam: Việt Nam nằm trong phạm vi địa lý của Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc và có nhu cầu lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng, có thể được hưởng lợi từ Sáng kiến này. Thông qua BRI, Việt Nam có thể nhận thêm nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông, gia tăng năng lực phục vụ và phát triển kinh tế; đồng thời tận dụng cơ hội tăng trao đổi thương mại đầu tư, gắn kết với các nước Đông Nam Á. Việc tham gia BRI cũng có thể mang lại những tiềm năng du lịch lớn hơn cho Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam khá thận trong với các khoản vay liên quan đến BRI bởi có nhiều thách thức như “bẫy nợ”, vấn đề hiệu quả kinh tế và môi trường. Hơn nữa, vốn vay của Trung Quốc dành cho Việt Nam kém ưu đãi hơn các nguồn vốn vay khác. Một số dự án mà Việt Nam hợp tác với Trung Quốc để lại nhiều tác động tiêu cực như đội vốn, chậm tiến độ mà điển hình là dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. Trong thời gian tới, có thể Việt Nam sẽ khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong nước vay các khoản vay trong khuôn khổ BRI thông qua Ngân hàng AIIB để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng theo mô hình BOT nhằm giảm thiểu tác động chính trị và lo ngại tiềm ẩn đến an ninh và chủ quyền quốc gia, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều động thái cứng rắn để khẳng định cái gọi là “tuyên bố chủ quyền” ở Biển Đông. Chính vì vậy, những lợi ích và thách thức Việt Nam có thể đối mặt một khi tham gia BRI vẫn cần được xem xét kỹ lưỡng.
Quốc gia có phản ứng tiêu cực với BRI: Philippines
Philippines: Các dự án BRI phụ thuộc vào tính toán chính trị của chính quyền nắm quyền. Trong khi Philippines chính thức tham gia BRI dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III, chính phủ không theo đuổi bất kỳ dự án BRI lớn nào vào thời điểm đó. Các dự án BRI quy mô lớn chỉ được thống nhất và triển khai dưới thời chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte. BRI mang lại nguồn tài chính phát triển cho Dự án Thủy lợi Máy bơm Sông Chico và Đập New Centennial, cũng như các khoản đầu tư trực tiếp do nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mặ dù Philippines được hưởng lợi về mặt kinh tế từ các hoạt động xây dựng và việc làm tại địa phương, nhưng các dự án BRI quy mô lớn này đã không làm thay đổi nền kinh tế Philippines theo hướng mô hình phát triển lâu dài và mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy, khi Tổng thống Ferdinand Marcos trở thành tổng thống vào năm 2022, ông đã hủy bỏ 03 dự án đường sắt giai đoạn đầu ở Luzon và Mindanao và vẫn chưa đồng ý với bất kỳ dự án BRI mới nào.
Nhìn chung, trong một thập kỷ qua, các dự án BRI ở khu vực Đông Nam Á đã tạo cơ hội nâng cao mức sống của người dân trong khu vực khi giúp lấp các khoảng trống về cơ sở hạ tầng, cải thiện khả năng kết nối nội địa và xuyên biên giới. Các nước ASEAN dường như không có thái độ thù địch với các dự án BRI và hoan nghênh sự phát triển và kết nối mà các dự án này hứa hẹn mang lại. Bên cạnh đó, các dự án BRI giúp nâng cao triển vọng phát triển và tạo ra cơ hội kinh doanh mới tại Đông Nam Á – một trong những khu vực năng động nhất thế giới. Các dự án trong khuôn khổ BRI đang thiết lập một mạng lưới các hành lang kinh tế xuyên quốc gia, các tuyến đường bộ và hàng hải đa phương thức, đường ống dẫn dầu khí và lưới điện giúp Trung Quốc đại lục và các nước tham gia phòng ngừa trước những rủi ro địa chính trị vốn có của các tuyến thương mại đơn lẻ.
Thực tế triển khai BRI ở Đông Nam Á trong thập kỷ qua cho thấy, mặc dù về cơ bản các nước trong khu vực đã cam kết thực hiện BRI nhưng đa số đều vẫn thận trọng, không cam kết quá mức và do đó giữ một khoảng cách nhất định với Trung Quốc. Thái độ thận trọng này là điều dễ hiểu, ở chỗ việc cam kết quá mức có thể dễ dàng dẫn đến sự phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. Những lo ngại đối với các dự án liên quan BRI là rất đáng kể bao gồm lo ngại về sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc (như ở Philippines), căng thẳng sắc tộc (chẳng hạn ở Indonesia) và các vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp liên quan đến tiêu chuẩn của dự án (như ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam). Những cáo buộc về thiếu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Trung Quốc khi thực hiện các dự án BRI ở Đông Nam Á đã dẫn đến tranh chấp về quyền sở hữu đất đai, quyền lao động, sự thiếu minh bạch và tham nhũng cũng như các tác động xấu đến môi trường và đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nhất là đối với các dự thủy điện do Trung Quốc tài trợ. Các vấn đề liên quan giải phóng mặt bằng cho dự án, tranh chấp bồi thường và dòng công nhân Trung Quốc tràn vào nước sở tại luôn là những vấn để nổi cộm trong khu vực. Một số quốc gia tham gia BRI đang phải “cõng” những khoản nợ lớn do vội vã hay thiếu cẩn trọng trong tính toán chi phí xây dựng và quản lý dự án. Vấn đề an ninh quốc gia và việc duy trì cân bằng địa chiến lược giữa các cường quốc gây ra những mối quan ngại với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Do đó, mức độ giải quyết những mối lo ngại này sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của người dân địa phương cũng như triển vọng dài hạn của các dự án BRI trong khu vực.
TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN CỦA BRI Ở ĐÔNG NAM Á TRONG BỐI CẢNH CẠNH TRANH MỸ – TRUNG
Các chuyên gia quốc tế và các nhà quan sát đánh giá, mặc dù thời gian gần đây các dự án lớn về cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ BRI gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng nhưng Sáng kiến này sẽ không “sụp đổ” mà tiếp tục phát triển, ít nhất là cho đến khi Chủ tịch Tập Cận Bình – “kiến trúc sư trưởng” của Sáng kiến vẫn còn tại vị. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng, bước sang một giai đoạn hợp tác mới, BRI sẽ tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới, mang lại cơ hội phát triển chung cho các quốc gia tham gia Sáng kiến cũng như chính Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang nỗ lực đưa hợp tác Vành đai và Con đường lên một giai đoạn phát triển mới có chất lượng và trình độ cao hơn, từ đó thúc đẩy quá trình hiện đại hóa của tất cả các quốc gia. Trung Quốc dự kiến, trong 5 năm tới (2024-2028), khối lượng xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ của nước này dự kiến sẽ đạt hơn 32.000 tỷ USD và 5.000 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới ước tính đến năm 2030, các khoản đầu tư liên quan đến BRI có thể giúp 7,6 triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo cùng cực và 32 triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo vừa phải.
Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gay gắt, khu vực Đông Nam Á đã trở thành địa bàn chiến lược trong cuộc cạnh tranh này và ASEAN với tư cách là tổ chức duy nhất bao trùm khu vực đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong mối quan hệ với hai siêu cường này. Mục tiêu của Trung Quốc là biến khu vực Đông Nam Á thành cầu nối, giúp Trung Quốc vươn ra thế giới. Trong khi đó, Mỹ muốn thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với khu vực để tìm lại vị thế và ảnh hưởng, từ đó kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vì vậy, cả Mỹ và Trung Quốc đều tìm cách thúc đẩy lợi ích chung với ASEAN, sử dụng nhiều nguồn lực để tác động đến quan điểm, chính sách của ASEAN vì lợi ích riêng. Đứng trước thách thức rất lớn trong quan hệ với hai siêu cường, trong các hợp tác với BRI của Trung Quốc cũng như các quan hệ hợp tác với Mỹ, các nước ASEAN đã khéo léo đề cao lợi ích của mình khi thực hiện phương châm ngoại giao bình đẳng với cả Trung Quốc và Mỹ, tránh quá nghiêng về bên nào, từ đó thu được lợi ích từ mối quan hệ thuận lợi với cả hai cường quốc. ASEAN đã triển khai nhiều biện pháp nhằm duy trì chính sách trung lập và tự chủ trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, tranh thủ thời cơ để củng cố vị thế của một tổ chức có khả năng đóng vai trò trung gian, kết nối giữa hai cường quốc vì hòa bình và ổn định tại khu vực khi kiên trì chính sách “phòng bị nước đôi” và lập trường trung lập; thúc đẩy quan hệ với các cường quốc khác để tạo thế cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc và chủ động phát huy vai trò trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Trường hợp của ASEAN là minh chứng về sự thành công trong việc chủ động thúc đẩy lợi ích riêng bằng chính sách ngoại giao khéo léo, linh hoạt và mềm dẻo để không chỉ mang lại lợi ích riêng mà còn tối ưu hóa các hợp tác, đồng thời nâng cao vai trò và vị thế của khối. Chẳng hạn, xung đột thương mại Mỹ-Trung trong ngành bán dẫn đã làm đảo lộn mạng lưới sản xuất ổn định trước đây, tuy nhiên, một số nền kinh tế Đông Nam Á dường như đã được hưởng lợi từ việc các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) dần rời bỏ thị trường Trung Quốc.
Ngân hàng (ADB) ước tính rằng tổng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của ASEAN từ năm 2016 đến năm 2030 sẽ vào khoảng 2,8 nghìn tỷ. Những nhu cầu cơ sở hạ tầng này rất quan trọng để hỗ trợ sự phát triển ngày càng tăng của thương mại trong khu vực. Hơn nữa, BRI và Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN có những điểm chung đó là đều coi kết nối giao thông là cách giúp các nước xích lại gần nhau hơn và cải thiện khả năng tiếp cận thương mại, đầu tư,và du lịch. Với tầm nhìn chung này, sẽ có một cơ hội tuyệt vời tìm cách hướng tới lợi ích chung, nếu không muốn nói là ngang bằng cho cả BRI và khả năng kết nối khu vực của ASEAN.
Một số định hướng phát triển trong thời gian tới của các dự án trong khuôn khổ BRI của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á như sau:
Một là, các dự án đầu tư BRI ở Đông Nam Á có thể tăng lên: Là khu vực tiếp nhận chính dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, khu vực này có thể sẽ chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng của các dự BRI trong thời gian tới, nhất là khi kinh tế Trung Quốc phục hồi. Tuy nhiên, sẽ tập trung vào các dự án “nhỏ và đẹp” với các khoản đầu tư mới ở quy mô nhỏ hơn nhưng mục tiêu rõ ràng hơn, tập trung vào các nước trọng điểm. Hơn nữa, các dự án cũng sẽ “xanh hơn”, thu gọn hơn, có mục tiêu rõ ràng hơn và tiết kiệm chi phí hơn, bao gồm các dự án ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục triển khai các dự án đường sắt và các dự án về ống dẫn dầu và khí đốt trong khu vực.
Hai là, xây dựng chương trình BRI chất lượng: Trong bối cảnh các nhà đầu tư và các nước nhận đầu tư từ Trung Quốc ngày càng thận trọng hơn về việc tham gia BRI, chất lượng hơn số lượng có thể sẽ là kim chỉ nam và đặc điểm chính của các dự án mới tại khu vực Đông Nam Á. Xu hướng BRI gần đây cho thấy sự thay đổi trọng tâm sang các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, công nghệ và xe điện (EV), trong khi các dự án than có thể sẽ bị loại bỏ dần như một phần đóng góp của Trung Quốc trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính làm khí hậu nóng lên.
Ba là, tập trung vào các dự án về khoa học và công nghệ: Khoa học và công nghệ là những mục tiêu chính trong trong các kế hoạch mới mà Trung Quốc công bố tại BRF-3. Các nhà phân tích đánh giá, động thái này của Trung Quốc nhằm đối phó với các hạn chế công nghệ ngày càng lớn từ Mỹ và phương Tây. Những phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn cho thấy tầm nhìn của ông về BRI trong thời gian tới sẽ giúp Trung Quốc vượt qua các thách thức và mở ra con đường để đạt được tham vọng về công nghệ và đổi mới. Ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “thúc đẩy đổi mới khoa học và công nghệ” thông qua hợp tác với các đối tác Vành đai Con đường khác. Đáng chú ý, trong kế hoạch mới đề cập đến tầm nhìn tương lai về BRI với 8 điểm chính có việc “khai thác thị trường và nhân tài của các nước liên quan để giúp thúc đẩy tiến bộ công nghệ của chính Trung Quốc”. Ông Tập cũng cam kết hợp tác với các nước khác để xây dựng các phòng thí nghiệm thúc đẩy phát triển khoa học và nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI); đồng thời bày tỏ mong muốn thúc đẩy sự phát triển an toàn của AI và tổ chức hội nghị thượng đỉnh khoa học Vành đai và Con đường. Hơn nữa, các dự án kỹ thuật số trong khuôn khổ DSR cũng sẽ được ưu tiên đẩy mạnh nhằm đẩy mạnh các tiêu chuẩn kỹ thuật số của Trung Quốc trong khu vực cũng như phạm vi rộng lớn hơn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ với Mỹ ngày càng gay gắt. Mặt khác, không thể phủ nhận “số hóa” các quan hệ hợp tác là xu hướng tất yếu trong bối cảnh thương mại điện tử đang vượt qua thương mại và bán lẻ thông thường bằng cách tiếp cận với người tiêu dùng xuyên biên giới. Lĩnh vực này đang mang lại nhiều cơ hội và phạm vi tiếp cận rộng lớn về mặt địa lý cho tất cả loại hình doanh nghiệp. Ở cấp độ vĩ mô, thương mại điện tử đang định hình lại thương mại toàn cầu. Thúc đẩy thương mại điện tử ở các nền kinh tế tham gia BRI cũng cho phép các nền kinh tế kém phát triển hơn tiếp cận hàng tiêu dùng có chất lượng từ Trung Quốc, ngược lại cũng giúp nền công nghiệp sản xuất hàng đầu thế giới mở rộng thị trường tiêu thụ. Một yếu tố thuận lợi lớn cho tham vọng này của BRI chính là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hướng tới mục tiêu tạo ra khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới, kể cả về thương mại lẫn dân số, cho phép sự hội nhập nhanh hơn của các công ty sản xuất Trung Quốc vào chuỗi cung ứng toàn cầu và mở rộng xuất khẩu các mô hình cùng tiêu chuẩn đường sắt của Trung Quốc.
Để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược trong khuôn khổ BRI cũng như các mục tiêu rộng lớn hơn, Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi thêm các hình thức hợp tác khác nhằm duy trì và tăng cường liên kết kinh tế với khu vực Đông Nam Á.
Một số khuyến nghị chính sách với Việt Nam
Với vị thế địa chiến lược quan trọng của mình, Việt Nam luôn đóng vai trò “cầu nối” để Trung Quốc thực hiện mục tiêu liên kết khu vực Đông Nam Á – mắt xích then chốt, chiến lược nhất trong BRI. Đồng thời, BRI cũng tạo mở những cơ hội rất đáng tận dụng để thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việc tham gia BRI cũng có thể mang lại những tiềm năng du lịch lớn hơn cho Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, những lợi ích và thách thức Việt Nam có thể đối mặt một khi tham gia BRI vẫn cần được xem xét kỹ lưỡng.
Trong thời gian tới, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bền vững, cân bằng hơn; tăng cường hợp tác liên kết về hạ tầng, đặc biệt trong khuôn khổ các kết nối “Hai Hành lang, một Vành đai” và “Một Vành đai, một Con đường” và có nhiều dư địa để triển khai các hoạt động hợp tác trên cơ sở 03 đề xuất của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đưa ra tại Diễn đàn BRF-3 liên quan đến hợp tác về kinh tế số, dựa trên 03 trụ cột: (1) Hợp tác về thể chế số để xây dựng các quy định phù hợp, bảo đảm sự thông suốt, an toàn, bảo mật dữ liệu; tạo môi trường kinh doanh thân thiện; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia, cần tính đến trình độ phát triển, đặc thù của các quốc gia, bảo đảm cân bằng lợi ích, bình đẳng cho các bên. (2) Hợp tác về hạ tầng số để bảo đảm và nâng cao năng lực tham gia của các nước vào nền kinh tế số toàn cầu. (3) Hợp tác nhân lực số để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới, hiện đại; thúc đẩy các dự án chuyển giao tri thức và công nghệ.
Việt Nam luôn ủng hộ các sáng kiến có lợi cho sự phát triển và ổn định của mọi quốc gia, khu vực do Trung Quốc khởi xướng, bao gồm cả BRI. Thực thi chiến lược BRI sẽ góp phần tạo lập nền tảng cho việc duy trì tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao, chuyển đổi cơ cấu và phát triển xã hội ở nhiều quốc gia tham gia vào sáng kiến này, giúp mở ra các cơ hội không hạn chế cho sự hợp tác và hội nhập về thương mại, đầu tư và dịch vụ giữa các quốc gia, các cộng đồng, trong đó có cả Trung Quốc và Việt Nam.
Trong suốt một thập kỷ qua, Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc đã có sự thay đổi từ phạm vi địa lý đến các trọng tâm triển khai để phù hợp với lợi ích chiến lược cũng như tham vọng của Bắc Kinh, tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á vẫn luôn là trọng tâm trong Sáng kiến này. Các dự án BRI đã chuyển từ cơ sở hạ tầng cứng sang các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số; các sáng kiến ngoại giao mới được xây dựng dựa trên các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và kết nối của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các lợi ích chiến lược theo chuẩn mực của Trung Quốc. Điều quan trọng là phải quan sát mức độ và cách thức Trung Quốc quản lý để chuyển đổi BRI và các khoản đầu tư kỹ thuật số của mình thành ảnh hưởng hữu ích.
BRI là chương trình hợp tác mang tính toàn cầu, xuyên châu lục, đa quốc gia, đa lĩnh vực. Qua 10 năm triển khai, mặc dù còn tồn đọng nhiều hạn chế và đối mặt với nhiều thách thức, nhưng Sáng kiến này đã đem lại nhiều giá trị tích cực và lợi ích cho sự phát triển của các quốc gia “dọc tuyến đường”. Trong bối cảnh Trung Quốc cam kết thực hiện “8 hành động” để xây dựng Vành đai Con đường “chất lượng cao”, các nước tham gia BRI đang nỗ lực hợp tác với Trung Quốc, nhằm thực hiện tiêu chí “cùng thắng”, “cùng hưởng lợi”, theo nguyên tắc được Trung Quốc khẳng định ngay tại thời điểm đề xuất BRI. Hiện nay, Trung Quốc đang đánh giá lại tác động của BRI đối với các nền kinh tế khu vực cũng như của chính nước này, nhằm chuyển đổi sang BRI 2.0, chú ý nhiều hơn đến phát triển xanh, kinh tế kỹ thuật số và lợi ích cộng đồng. Vấn đề về hiệu quả và tính minh bạch cũng trở nên quan trọng hơn khi BRI bước vào thập kỷ thứ hai. Những vấn đề này có liên quan không chỉ vì nhu cầu kết nối BRI với Chiến lược tuần hoàn kép của Trung Quốc mà còn để cạnh tranh với các giải pháp thay thế mới về cơ sở hạ tầng như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu và Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu do EU dẫn đầu (được coi là để đối trọng với BRI của Trung Quốc). Cạnh tranh lành mạnh chắc chắn sẽ cải thiện chất lượng và mức độ phù hợp của các dự án BRI, từ đó tăng thêm sức nặng cho Kế hoạch chi tiết Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 cũng như vai trò Trung tâm của ASEAN./.
Tác giả: Nguyên Long
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. Randy Mulyanto, Belt and Road Initiative at 10: Milestones and Concerns Across Southeast Asia, 05/12/2023, https://chinaglobalsouth.com/analysis/belt-and-road-initiative-at-10-milestones-and-concerns-across-southeast-asia-3/
2. ISS, China’s Belt and Road Initiative a decade on, 2023, https://www.iiss.org/publications/strategic-dossiers/asia-pacific-regional-security-assessment-2023/aprsa-chapter-4/
3. LYE LIANG FOOK, The future of the Belt & Road Initiative in ASEAN, 7/2023, https://fulcrum.sg/chinas-community-of-shared-future-with-southeast-asia-behind-the-numbers/
4. Ngeow Chow-Bing, “China-ASEAN Information Harbor: The Digital Silk Road from Guangxi to Southeast Asia”, Friedrich Ebert Stiftung, 8/2021, http://library.fes.de/pdf-files/bueros/indonesien/18185.pdf.
5. Pongphisoot Busbarat, Alvin Camba, Fadhila Inas Pratiwi, Sovinda Po, Hoàng Đỗ, Bouadam Sengkhamkhoutlavong, Tham Siew Yean, Moe Thuzar – Road Initiative Impacted Southeast Asian Countries? 05/12/2023. https://carnegieendowment.org/2023/12/05/how-has-china-s-belt-and-road-initiative-impacted-southeast-asian-countries-pub-91170
6. Paul Triolo et al, “The Digital Silk Road: Expanding China’s Digital Footprints”, Eurasia Group, 8//2020, https://www.eurasiagroup.net/files/upload/Digital-Silk-Road-Expanding-China-Digital-Footprint-1.pdf.
7. Park, Tritto & Sejko, The Belt and Road Initiative in ASEAN – Overview, 3/202, https://iems.ust.hk/publications/reports/uob-bri-overview
8. USIP, Why China is Rebooting the Belt and Road Initiative, 2/10/2023, https://www.usip.org/publications/2023/10/why-china-rebooting-belt-and-road-initiative
9. Wang Zheng , 2022/57 “Assessing the Belt and Road Initiative in Southeast Asia amid the COVID-19 Pandemic (2021-2022)” https://www.iseas.edu.sg/articles-commentaries/iseas-perspective/2022-57-assessing-the-belt-and-road-initiative-in-southeast-asia-amid-the-covid-19-pandemic-2021-2022-by-wang-zheng/
10. Chanrith Ngin, 2022/99 “How Recipient Countries in Southeast Asia Manage ‘Belt and Road Initiative’ Projects https://www.iseas.edu.sg/articles-commentaries/iseas-perspective/2022-99-how-recipient-countries-in-southeast-asia-manage-belt-and-road-initiative-projects-by-chanrith-ngin/
11. Hiro Katsumata and Shingo Nagata, ASEAN and the BRI: The Utility of Equidistant Diplomacy with China and the US, 11/8/2019, https://ipus.snu.ac.kr/eng/wp-content/uploads/sites/2/2019/11/08_Hiro-Katsumata-and-Shingo-Nagata_DOI-1.pdf, http://www.beltandroadforum.org/english/n101/2023/1010/c124-895.html
12. BRF, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc, The Belt and Road Initiative: A Key Pillar of the Global Community of Shared Future, 10/2023, https://www.lse.ac.uk/ideas/Assets/Documents/reports/LSE-IDEAS-China-SEA-BRI.pdf
13. Guanie Lim and Hong Liu, The BRI at 10: What have We Learned from Southeast Asia?, 1/3/2023, https://munkschool.utoronto.ca/belt-road/research/bri-10-what-have-we-learned-southeast-asia
14. Hoang Thi Ha, Late to the party: Vietnam and the Belt and Road Initiative, 21/12/2023, https://www.thinkchina.sg/late-party-vietnam-and-belt-and-road-initiative
15. Prashanth Parameswaran, China’s Belt and Road Initiative in Southeast Asia: The Next Decade, 1/11/2023, https://thediplomat.com/2023/11/chinas-belt-and-road-initiative-in-southeast-asia-the-next-decade/