Khi cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine dường như sắp xảy ra vào đầu năm 2022, các quan chức tình báo Mỹ đã tự tin cho rằng xe tăng Nga sẽ nhanh chóng giành chiến thắng, đến mức nhân viên đại sứ quán Mỹ tại Kyiv phải sơ tán. Dựa trên các thước đo truyền thống về sức mạnh, đánh giá của tình báo là hợp lý. Năm 2021, Nga đứng thứ 5 thế giới về chi tiêu quốc phòng, trong khi Ukraine xếp hạng 36, sau Thái Lan và Bỉ. Tuy nhiên, hơn hai năm sau, Nga và Ukraine vẫn đang tiếp tục cuộc chiến tàn khốc của mình mà chưa có bên nào giành được ưu thế rõ ràng.
Những nỗ lực hiện nay của Ukraine là một dấu hiệu rõ ràng cho sức mạnh của họ không còn như trước nữa. Thành tích đáng ngạc nhiên của đất nước này phần lớn đến từ dân số có trình độ học vấn cao và một hệ sinh thái đổi mới công nghệ đã sản xuất ra hàng loạt máy bay không người lái và các loại vũ khí tự chế khác một cách nhanh chóng. Ukraine thậm chí đã xoay sở để tiến hành chiến đấu hải quân mà không cần hải quân, sử dụng máy bay không người lái tự chế và các thiết bị khác để tấn công tàu chiến của Nga và ngăn cản Nga kiểm soát Biển Đen.
Trong nhiều thế kỷ, sức mạnh của một quốc gia bắt nguồn từ các tài nguyên hữu hình mà Chính phủ của họ có thể nhìn thấy, đo lường và kiểm soát. Chẳng hạn như dân số có thể được huy động, lãnh thổ có thể được chinh phục, hải quân có thể được triển khai, và hàng hóa có thể được thả nổi hoặc hạn chế như dầu mỏ… Vào thế kỷ XVI, Tây Ban Nha có quân đội, thuộc địa, và kim loại quý. Vào thế kỷ XIX, Vương quốc Anh có hải quân mạnh nhất thế giới và những lợi ích kinh tế từ cuộc Cách mạng Công nghiệp. Vào thế kỷ XX, Mỹ và Liên Xô sở hữu những kho vũ khí hạt nhân khổng lồ.
Ngày nay, các quốc gia ngày càng dựa vào các nguồn lực vô hình. Đó là những kiến thức và công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) đang thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, khám phá khoa học và tiềm năng quân sự. Những tài sản này rất khó để Chính phủ kiểm soát, chúng dễ dàng “thoát ra ngoài” vì tính chất vô hình và khả năng lan truyền dễ dàng qua các ngành và quốc gia khác nhau. Ví dụ, các quan chức Mỹ không thể yêu cầu đối thủ trả lại một thuật toán cho mình như cách mà chính quyền George W. Bush đã yêu cầu trả lại một chiếc máy bay do thám của Mỹ bị rơi trên đảo Hải Nam sau khi một phi công Trung Quốc va chạm với nó vào năm 2001. Họ cũng không thể yêu cầu một kỹ sư sinh học người Trung Quốc trả lại những kiến thức thu được từ nghiên cứu sau tiến sĩ tại Mỹ. Kiến thức là vũ khí di động tối thượng.
Việc những nguồn lực này thường xuất phát từ khu vực tư nhân và giới học thuật khiến cho công việc của Chính phủ càng trở nên thách thức hơn. Chính sách đối ngoại luôn là một trò chơi hai cấp độ. Các quan chức Mỹ phải đối phó cả với các nhân tố trong nước lẫn các đối thủ nước ngoài. Nhưng ngày càng có nhiều quyết định của các công ty tư nhân đang định hình các kết quả địa chính trị, và lợi ích của khu vực tư nhân Mỹ không phải lúc nào cũng phù hợp với các mục tiêu quốc gia. Meta, công ty mẹ của Facebook, Instagram, và WhatsApp, đang quyết định điều gì là sự thật cho ba tỷ người trên toàn thế giới sử dụng các nền tảng này. Trong năm qua, các CEO Mỹ có lợi ích kinh doanh gắn liền với Trung Quốc đã gặp trực tiếp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình với tần suất gần bằng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Và khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, tỷ phú Elon Musk đã một mình quyết định liệu quân đội Ukraine có thể liên lạc bằng mạng vệ tinh Starlink mà ông sở hữu hay không, ở đâu và khi nào.
Đồng thời, nhiều năng lực của chính phủ Mỹ đang suy yếu. Các công cụ chính sách đối ngoại truyền thống của nước này đã lụi tàn. Việc xác nhận các đề cử của tổng thống đã trở nên phức tạp đến mức ít nhất một phần tư các vị trí quan trọng về chính sách đối ngoại bị bỏ trống vào giữa nhiệm kỳ đầu tiên của ba tổng thống Mỹ gần đây nhất. Do nợ công liên tục tăng cao, năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ sẽ chi nhiều tiền cho các khoản lãi vay hơn là cho quốc phòng. Vì Quốc hội thường không thể thông qua ngân sách hàng năm, Lầu Năm Góc ngày càng phải dựa vào các biện pháp ngân sách tạm thời, chỉ tài trợ cho các chương trình hiện có, chứ không phải các chương trình mới. Ngăn cản các sáng kiến nghiên cứu và phát triển mới hoặc các chương trình vũ khí được triển khai. Hệ thống bị rạn nứt này cản trở các công ty mới, nhỏ và sáng tạo một cách không cân xứng. Kết quả là, các hệ thống vũ khí lớn và đắt tiền tiếp tục tồn tại trong khi các giải pháp mới, rẻ tiền lại dần bị loại bỏ. Nếu Trung Quốc thiết kế một quy trình ngân sách với mục đích kìm hãm sự sáng tạo, đẩy chi phí vũ khí lên cao ngất ngưởng, và làm suy yếu quốc phòng của Mỹ, thì quy trình đó sẽ trông giống như thế này. Trong khi đó, vấn đề quan trọng không kém là sức khỏe của hệ thống giáo dục từ mẫu giáo đến lớp 12 và các trường đại học nghiên cứu của Mỹ là những nguồn cung cấp tiềm năng sáng tạo lâu dài của đất nước lại đang trên đà suy thoái.
Trong thế giới ngày nay, nơi kiến thức và công nghệ đóng vai trò then chốt, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần suy nghĩ theo những cách mới về những gì cấu thành nên sức mạnh của mình, cách phát triển và triển khai nó. Sự thịnh vượng và an ninh trong tương lai sẽ phụ thuộc ít hơn vào việc ngăn chặn đối thủ tiếp cận các công nghệ của Mỹ và nhiều hơn vào việc củng cố năng lực giáo dục và nghiên cứu của quốc gia, đồng thời huy động các công nghệ mới nổi để phục vụ lợi ích quốc gia.
ĐỔI MỚI VÀ DỰ BÁO
Trong nhiều thập kỷ, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã sử dụng các công cụ sức mạnh cứng và mềm để gây ảnh hưởng đến các đối thủ và đồng minh nước ngoài. Để thúc đẩy lợi ích của Mỹ bằng sức mạnh cứng, họ đã xây dựng sức mạnh quân sự và sử dụng nó để bảo vệ đồng minh cũng như đe dọa hoặc đánh bại kẻ thù. Với sức mạnh mềm, họ chia sẻ các giá trị của Mỹ và thu hút những người khác tham gia vào sự nghiệp của mình. Cả sức mạnh cứng và mềm vẫn còn quan trọng, nhưng vì chúng không còn quyết định thành công của một quốc gia như trước đây. Washington cần phải nỗ lực mở rộng sức mạnh tri thức của đất nước mình nhằm nâng cao lợi ích quốc gia bằng cách thúc đẩy khả năng của đất nước trong việc tạo ra công nghệ đột phá.
Sức mạnh tri thức có hai yếu tố cơ bản: khả năng sáng tạo và khả năng dự đoán. Yếu tố đầu tiên liên quan đến khả năng của một quốc gia trong việc sản xuất và khai thác các đột phá công nghệ. Yếu tố thứ hai liên quan đến tình báo. Một phần công việc này thuộc về nhiệm vụ truyền thống của các cơ quan tình báo Mỹ, đó là phát hiện ý định và khả năng của các đối thủ nước ngoài để bảo vệ lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, khi ranh giới giữa ngành công nghiệp trong nước và chính sách đối ngoại ngày càng mờ nhạt, các cơ quan tình báo cũng cần giúp chính phủ hiểu được những tác động của các công nghệ phát triển trong nước.
Đổi mới và dự báo không chỉ là những yếu tố làm tăng cường sức mạnh quân sự và sức hấp dẫn của Mỹ. Chúng có thể làm cả hai điều đó, nhưng chức năng chính của sức mạnh tri thức nằm gần hơn với lợi ích nội bộ. Trong khi các công cụ chính sách đối ngoại truyền thống nhắm đến các yếu tố bên ngoài— sử dụng các mối đe dọa, vũ lực và các giá trị để tác động đến hành vi của các tác nhân nước ngoài . Việc xây dựng và sử dụng sức mạnh tri thức yêu cầu Washington phải nhìn vào bên trong. Điều này liên quan đến việc huy động ý tưởng, tài năng và công nghệ để giúp Mỹ và các đối tác của mình phát triển mạnh mẽ bất kể Trung Quốc hay bất kỳ đối thủ nào khác làm gì.
Giáo dục và đổi mới là chìa khóa cho sức mạnh Mỹ.
Các yếu tố của sức mạnh tri thức khó có thể nhìn thấy và định lượng. Nhưng một điểm khởi đầu tốt là trình độ giáo dục quốc gia. Có bằng chứng rõ ràng cho thấy lực lượng lao động được giáo dục tốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lâu dài. Vào năm 1960, Đông Á gần như đứng ngang hàng với châu Phi cận Sahara về GDP bình quân đầu người thấp nhất thế giới. Tuy nhiên trong 30 năm tiếp theo, Đông Á đã vượt lên phía trước, phần lớn nhờ vào những cải thiện trong giáo dục.
Sự tập trung về mặt địa lý của tài năng công nghệ là một chỉ số hữu ích khác về sức mạnh tri thức, cho thấy các quốc gia nào có khả năng tiến xa trong các lĩnh vực quan trọng. Có lý do cho việc các nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu tụ tập tại các phòng thí nghiệm và tuyển chọn các đội ngũ xuất sắc thay vì tự cô lập mình trong văn phòng, tự thiết kế các thí nghiệm một mình và đọc các tài liệu nghiên cứu trực tuyến. Sự gần gũi về mặt vật lý có ý nghĩa rất quan trọng. Các bộ óc hàng đầu của thế giới làm việc gần gũi với nhau là công thức cho những đột phá về công nghệ.
Đánh giá triển vọng sức mạnh lâu dài của một quốc gia cũng cần phải đo lường sức khỏe của các trường đại học nghiên cứu của quốc gia đó. Các công ty đóng vai trò quan trọng trong đổi mới công nghệ, nhưng chuỗi cung ứng đổi mới thực sự bắt đầu từ sớm, tại các phòng thí nghiệm và lớp học của các trường đại học. Mặc dù các công ty phải tập trung nguồn lực vào việc phát triển các công nghệ có triển vọng kinh doanh thương mại trong ngắn hạn, các trường đại học nghiên cứu không phải đối mặt với những yêu cầu tài chính hoặc thời gian tương tự. Nghiên cứu cơ bản là huyết mạch của các trường đại học, tập trung vào những câu hỏi ở ranh giới của tri thức có thể mất hàng thế hệ để trả lời và có thể không bao giờ có ứng dụng thương mại. Nhưng nếu không có nó, nhiều đột phá thương mại sẽ không thể xảy ra, bao gồm radar, GPS và Internet.
Gần đây, những gì trông như thành công ngay lập tức của các vaccine dựa trên mRNA thực ra là kết quả của hơn 50 năm nghiên cứu cơ bản tại các trường đại học. Trước khi các công ty dược phẩm thúc đẩy phát triển vaccine, các nhà nghiên cứu học thuật đã phát hiện ra rằng mRNA có thể kích hoạt và chặn các tế bào protein, và họ đã tìm ra cách đưa nó vào tế bào người để kích thích phản ứng miễn dịch. Tương tự, các thuật toán mã hóa bảo vệ dữ liệu trên Internet ngày nay bắt nguồn từ hàng thập kỷ nghiên cứu học thuật trong toán học thuần túy. Từ ChatGPT đến nhận diện hình ảnh và nhiều tiến bộ mới trong trí tuệ nhân tạo được xây dựng trên công trình phát triển tiên phong tại Đại học Toronto, Đại học Montreal, Đại học Stanford và các nơi khác.
CHẢY MÁU CHẤT XÁM
Nếu giáo dục và đổi mới là chìa khóa để Mỹ phát huy sức mạnh của mình thì triển vọng của đất nước đang ở trong tình trạng bất ổn. Giáo dục từ mẫu giáo đến lớp 12 của Mỹ đang gặp khủng hoảng. Học sinh hiện nay điểm kém hơn trong các bài kiểm tra năng lực so với nhiều thập kỷ trước và tụt lại phía sau so với các bạn đồng trang lứa ở nước ngoài. Các trường đại học của Mỹ cũng đang gặp khó khăn khi phải đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng về nhân tài, sự thiếu đầu tư dài hạn của chính phủ liên bang vào nghiên cứu cơ bản, điều cần thiết cho đổi mới lâu dài.
Vào năm 2023, theo báo cáo của National Assessment of Educational Progress (đánh giá tiến bộ giáo dục Quốc gia), điểm số môn toán và đọc hiểu của học sinh 13 tuổi ở Mỹ đã ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Một nửa số học sinh Mỹ không thể đáp ứng yêu cầu tối thiểu của tiểu bang. Điểm số trên kỳ thi ACT, bài kiểm tra tuyển sinh đại học phổ biến, đã giảm trong sáu năm liên tiếp, với 70% học sinh lớp 12 không đạt tiêu chuẩn sẵn sàng vào đại học về toán và 43% không đạt tiêu chuẩn sẵn sàng vào đại học ở bất kỳ môn học nào. Đáng lưu ý, các xu hướng này đã bắt đầu trước đại dịch COVID-19.
Trong khi học sinh ở Mỹ tụt lại phía sau, học sinh ở các quốc gia khác đang vượt lên. Theo chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (Program for International Student Assessment), đánh giá học sinh 15 tuổi trên toàn cầu, vào năm 2022, Mỹ xếp thứ 34 về mức độ thành thạo toán học trung bình, đứng sau Slovenia và Việt Nam. (Xếp hạng về đọc hiểu và khoa học cao hơn nhưng chỉ vừa lọt vào top 10 và top 20). Hơn một phần ba sinh viên Mỹ có trình độ toán học thấp hơn mức chuẩn, có nghĩa là họ không thể so sánh khoảng cách giữa hai tuyến đường hoặc chuyển đổi giá thành sang loại tiền tệ khác. Ở mức cao nhất, chỉ có 7% thanh thiếu niên Mỹ đạt mức thành thạo toán học cao nhất, so với 12% ở Canada và 23% ở Hàn Quốc. Ngay cả các khu vực xuất sắc trong Mỹ cũng không nổi bật trên trường quốc tế. Massachusetts là bang có điểm số toán học cao nhất ở Mỹ vào năm 2022 nhưng sẽ xếp thứ 16 thế giới nếu là một quốc gia. Hầu hết các bang của Mỹ xếp gần mức trung bình toàn cầu. Và bang có điểm số thấp nhất, New Mexico, tương đương với Kazakhstan. Một phần của câu chuyện này là sự trỗi dậy của các quốc gia khác. Dân số toàn cầu đã trở nên có trình độ học vấn cao hơn rất nhiều trong vài thập kỷ qua, qua đó tái vẽ lại bản đồ sức mạnh tri thức. Kể từ năm 1950, số năm học trung bình đã tăng mạnh và số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học trên toàn thế giới đã tăng gấp 30 lần. Khi sân chơi giáo dục trở nên bình đẳng hơn, các trường đại học và công ty của Mỹ ngày càng phụ thuộc vào tài năng nước ngoài để duy trì đẳng cấp thế giới. Vào năm 1980, 78% số bằng tiến sĩ trong các lĩnh vực khoa học máy tính và kỹ thuật điện do các trường đại học Mỹ cấp được trao cho công dân Mỹ hoặc công dân thường trú. Vào năm 2022, con số này giảm xuống còn 32%. Khoảng một triệu sinh viên quốc tế hiện đang học tập tại Mỹ mỗi năm, phần lớn đến từ Trung Quốc, chiếm 27%.
Kỷ lục của Mỹ trong việc thu hút tài năng từ khắp nơi trên thế giới là một tài sản vô cùng quý giá. Gần 45% tất cả các công ty trong danh sách Fortune 500 năm 2020, bao gồm Alphabet, SpaceX và gã khổng lồ chip NVIDIA, đều được sáng lập bởi những người nhập cư thế hệ đầu tiên hoặc thứ hai. Khoảng 40% người Mỹ được trao giải Nobel trong các lĩnh vực khoa học kể từ năm 2000 là người nước ngoài. Tuy nhiên, ngay cả trong lĩnh vực này, Mỹ cũng đang từ bỏ lợi thế ngắn hạn của mình và tạo ra những lỗ hổng dài hạn. Các chính sách nhập cư lỗi thời đã tạo ra một hệ thống nhân tài tự phá hoại. Đó là đào tạo những sinh viên nước ngoài xuất sắc nhưng sau đó lại yêu cầu nhiều người trong số họ rời khỏi Mỹ, mang theo tất cả những gì họ đã học được.
Hơn nữa, chuỗi cung ứng nhân tài này chỉ hoạt động khi sinh viên nước ngoài muốn học tập tại Mỹ và các chính phủ của họ cho phép điều đó. Các trường đại học nước ngoài đã cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho những sinh viên xuất sắc nhất. Hiện tại, các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ sinh viên Trung Quốc ưa thích học tập ở châu Á hoặc châu Âu thay vì Mỹ đang tăng lên. Nếu chính phủ Trung Quốc hạn chế dòng chảy của những sinh viên hàng đầu đến Mỹ, nhiều phòng thí nghiệm và công ty của các trường đại học sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng.
Lợi thế đổi mới mà các trường đại học của Mỹ có so với các đối thủ nước ngoài cũng đang suy giảm. Mười năm trước, Mỹ cho ra số lượng các bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Ngày nay, Trung Quốc đã đứng đầu. Vào năm 2022, lần đầu tiên các đóng góp của Trung Quốc vượt qua Mỹ trong Nature Index, chỉ số theo dõi 82 tạp chí khoa học hàng đầu.
Sức hút từ khu vực tư nhân đang làm cạn kiệt nguồn lực đổi mới trong tương lai.
Các xu hướng tài trợ cũng đang đi sai hướng. Chỉ chính phủ Mỹ mới có thể thực hiện những khoản đầu tư lớn, dài hạn và rủi ro cần thiết cho nghiên cứu cơ bản mà các trường đại học tiến hành. Tuy nhiên, kể từ khi đạt đỉnh 1,9% vào năm 1964, kinh phí nghiên cứu liên bang đã giảm xuống chỉ còn 0,7% vào năm 2020. (So với đó, Trung Quốc đã chi 1,3% GDP cho nghiên cứu vào năm 2017.) Đạo luật CHIPS và Khoa học năm 2022 được kỳ vọng sẽ đảo ngược xu hướng giảm này bằng cách đầu tư hàng tỷ đô la vào nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, nhưng các điều khoản này sau đó đã bị loại bỏ trong các cuộc đàm phán ngân sách.
Nghiên cứu cơ bản đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Cho đến năm 2014, Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health) phân bổ phần lớn ngân sách của mình cho nghiên cứu cơ bản tại các trường đại học về bệnh tật và sức khỏe con người. Giờ đây, họ chi nhiều hơn cho các thử nghiệm lâm sàng và các nghiên cứu ứng dụng khác. Đạo luật CHIPS và Khoa học lẽ ra phải gấp đôi ngân sách của Quỹ Khoa học Quốc gia (National Science Foundation), cơ quan chính phủ hàng đầu tài trợ nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học phi y tế, công nghệ, kỹ thuật và toán học trong năm nay. Thay vào đó, ngân sách của cơ quan này đã bị cắt giảm 8%. Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) hiện cấp các khoản tài trợ nhỏ hơn và ngắn hạn hơn so với một thập kỷ trước, buộc các nhà khoa học và kỹ sư phải dành nhiều thời gian hơn để tìm kiếm tài trợ và ít thời gian hơn để thực hiện nghiên cứu. “Chúng ta đang tiến gần đến mức mà các khoản tài trợ tiêu chuẩn của NSF không còn khả thi tối thiểu nữa,” một quan chức cấp cao tại một trường đại học nghiên cứu lớn cho biết, với điều kiện giấu tên để tránh làm tổn hại quan hệ với NSF. “Đối với một số giảng viên của chúng tôi, nó không đáng để họ nộp đơn”. Mặc dù Mỹ vẫn tài trợ nhiều nghiên cứu cơ bản hơn so với Trung Quốc, nhưng đầu tư của Trung Quốc vào nghiên cứu đã tăng hơn 200% từ năm 2012 đến năm 2021, so với mức tăng 35% của Mỹ. Nếu các xu hướng hiện tại tiếp tục, chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc sẽ vượt qua chi tiêu của Mỹ trong vòng mười năm tới.
Sự hấp dẫn của khu vực tư nhân đang thúc đẩy sự đổi mới ngắn hạn và lợi ích kinh tế, nhưng nó cũng đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên cho đổi mới trong tương lai. Ví dụ, trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), sự di cư tài năng từ học viện sang ngành công nghiệp đang thúc đẩy những tiến bộ thương mại đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, điều này cũng đang làm phân tán nhân tài và sự chú ý khỏi nghiên cứu cơ bản mà đổi mới tương lai phụ thuộc vào, đồng thời làm suy giảm số lượng giảng viên đào tạo thế hệ kế tiếp. Vấn đề này rất nghiêm trọng ở cấp độ cao nhất. Tại một khoa Khoa học máy tính hàng đầu ở Mỹ, gần một phần ba các giảng viên AI cấp cao cách đây một thập kỷ đã rời khỏi học viện. Tại một khoa hàng đầu khác, một học giả AI, người phát biểu với điều kiện giấu tên, ước tính rằng một nửa số giảng viên AI đã chuyển sang làm bán thời gian. Các nghiên cứu sinh và giảng viên tiến sĩ tại một phòng thí nghiệm AI của một trường đại học hàng đầu khác không có khả năng thảo luận về nghiên cứu của họ một cách tự do. Điều này rất quan trọng cho sự hợp tác, vì một số người đang làm việc tại OpenAI và đã ký các thỏa thuận bảo mật. Năm ngoái, hơn 70% các tiến sĩ AI mới nhận bằng ở Mỹ đã trực tiếp gia nhập ngành công nghiệp, bao gồm một tỷ lệ không tương xứng của các sinh viên hàng đầu. Như một ủy ban của chính phủ Mỹ về AI đã nêu, “Tài năng theo chân tài năng.” Một thế hệ nữa, các nhà hoạch định chính sách sẽ than thở, “Làm sao chúng ta không thấy được cuộc khủng hoảng tài năng này sắp xảy ra?” Nhưng tất cả những gì họ cần làm là nhìn vào thực tế.
MỘT CƠ SỞ QUYỀN LỰC MỚI
Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần một sách lược mới để giúp họ đánh giá, nâng cao và sử dụng sức mạnh tri thức của đất nước. Bước đầu tiên là phát triển khả năng tình báo để đánh giá Mỹ đang dẫn đầu ở đâu trong các công nghệ mới nổi và tụt hậu ở đâu? Đồng thời xác định các khoảng cách nào quan trọng và các khoảng cách nào không quan trọng. Bộ Quốc phòng có rất nhiều nhà phân tích so sánh khả năng quân sự của Mỹ và các nước đối thủ, nhưng không có cơ quan nào trong chính phủ Mỹ làm điều tương tự cho các công nghệ mới nổi. Việc này cần phải thay đổi. Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia đã bắt đầu xây dựng các mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các công ty và trường đại học để có cái nhìn sâu sắc hơn về các phát triển công nghệ của Mỹ. Các nỗ lực này cần được thể chế hóa với các kênh chia sẻ chuyên môn nhanh chóng và thường xuyên hơn. Để thúc đẩy tiến bộ, Quốc hội nên tổ chức các cuộc điều trần đánh giá công nghệ hàng năm với các quan chức tình báo và các nhà lãnh đạo học thuật, ngành công nghiệp. Các trường đại học cũng cần đóng góp bằng cách chia sẻ các chi tiết và hệ quả của những phát hiện mới nhất từ các phòng thí nghiệm của họ. Ví dụ, Đại học Stanford đã khởi động một sáng kiến mới vào năm ngoái gọi là Stanford Emerging Technology Review để cung cấp thông tin dễ tiếp cận và thường xuyên hơn cho các nhà hoạch định chính sách về mười công nghệ mới nổi chính bao gồm AI, kỹ thuật sinh học, công nghệ không gian, khoa học vật liệu và năng lượng… từ các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực đó. Hiện tại, việc mở rộng và làm sâu sắc thêm các nỗ lực này là rất quan trọng. Xây dựng các mạng lưới chuyên gia đáng tin cậy và tăng cường chia sẻ thông tin giữa các trường đại học và chính phủ Mỹ, các quan chức cấp tiểu bang và địa phương cũng như các đối tác quốc tế.
Washington cũng cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho đổi mới công nghệ. Vào những năm 1950, Tổng thống Dwight Eisenhower đã phát triển Hệ thống Xa lộ Liên bang để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Mỹ và để dễ dàng di tản dân thường và di chuyển quân đội trong trường hợp bị Liên Xô tấn công. Sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, Tổng thống Gerald Ford đã thành lập Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, kho dự trữ dầu thô khẩn cấp lớn nhất thế giới, để đảm bảo rằng một lệnh cấm vận dầu mỏ nước ngoài hoặc sự gián đoạn khác sẽ không bao giờ làm tê liệt nền kinh tế Mỹ. Cơ sở hạ tầng an ninh quốc gia còn thiếu sót hiện nay là sức mạnh tính toán. Tiến bộ trong hầu hết các lĩnh vực phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo, mà trí tuệ nhân tạo lại yêu cầu sức mạnh tính toán tiên tiến để hoạt động. Ví dụ, sức mạnh tính toán cần thiết để huấn luyện mô hình AI ChatGPT-3 lớn đến mức nhiệm vụ này sẽ mất 9.000 năm trên một máy tính xách tay thông thường. Ngày nay, chỉ có các công ty lớn như Amazon, Google, Meta và Microsoft mới có khả năng chi trả cho các cụm chip tiên tiến khổng lồ cần thiết để phát triển các mô hình AI tiên phong. Trong khi những đơn vị khác gặp khó khăn trong việc chi trả cho mức tối thiểu. Năm nay, Đại học Princeton đã thông báo rằng họ sẽ sử dụng quỹ tài trợ của mình để mua 300 chip NVIDIA tiên tiến cho nghiên cứu (với chi phí ít nhất là 9 triệu USD), trong khi Meta đã công bố kế hoạch có 350.000 chip tương tự vào cuối năm nay, với dự kiến chi tiêu khoảng 10 tỷ đô la.
Một kho dự trữ tính toán chiến lược quốc gia sẽ cung cấp máy tính tiên tiến miễn phí hoặc giá thấp cho các nhà nghiên cứu thông qua các khoản tài trợ cạnh tranh cho thuê thời gian trên các dịch vụ đám mây hiện có hoặc hệ thống siêu máy tính tại các phòng thí nghiệm quốc gia. Kho dự trữ này cũng có thể xây dựng và vận hành các cụm máy tính quy mô nhỏ của riêng nó. Cơ sở hạ tầng này sẽ có sẵn cho các nhà nghiên cứu ngoài các công ty công nghệ lớn và các trường đại học nghiên cứu có nguồn tài trợ dồi dào.
Nó sẽ tạo điều kiện cho nghiên cứu AI tiên tiến vì lợi ích công đồng, không chỉ vì lợi nhuận cá nhân. Và nó sẽ giúp ngăn chặn chảy máu chất xám của các nhà khoa học máy tính hàng đầu từ học viện sang ngành công nghiệp bằng cách cung cấp cho họ các tài nguyên để thực hiện công việc tiên phong trong khi vẫn giữ vị trí giảng dạy tại các trường đại học. Những cải tiến đã bắt đầu được thực hiện. Vào tháng 1, Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) đã ra mắt một chương trình thử nghiệm gọi là Kho Tài Nguyên Nghiên Cứu AI Quốc Gia (NAIRR), cấp quyền truy cập vào sức mạnh tính toán, dữ liệu, và các tài nguyên khác cho 35 dự án trong số hơn 150 đề xuất. Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng đã đề xuất một dự luật để làm cho NAIRR trở thành vĩnh viễn.
Tăng cường sức mạnh tri thức của Mỹ không chỉ là phát triển các khả năng mới. Washington cũng cần khắc phục những vấn đề trong hệ thống nhập cư và ngân sách quốc phòng của quốc gia. Quốc hội phải thông qua các cải cách nhập cư để cho phép nhiều sinh viên xuất sắc nhất và sáng giá nhất từ khắp nơi trên thế giới ở lại và làm việc tại Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học, với điều kiện các biện pháp được thực hiện để bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ và ngăn chặn nguy cơ gián điệp. Bộ trưởng Quốc phòng nên ưu tiên cải cách quy trình mua sắm vũ khí của Lầu Năm Góc, đặt nguồn tài trợ thực sự vào các lời hứa lâu dài về việc chấp nhận tính hợp lý và đổi mới. Đồng thời làm rõ với Quốc hội và người dân Mỹ rằng sự bất ổn trong ngân sách làm cho quốc gia kém an toàn hơn.
Nếu các trường đại học nghiên cứu của Mỹ muốn tiếp tục là động lực của đổi mới trong tương lai, chính phủ liên bang cũng phải đảo ngược nhiều năm thiếu đầu tư vào nghiên cứu cơ bản. Một số lãnh đạo khu vực tư nhân đang cố gắng lấp đầy khoảng trống thông qua các chương trình từ thiện như AI2050 của Schmidt Sciences, cam kết 125 triệu USD trong 5 năm để tài trợ cho nghiên cứu học thuật táo bạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Nhưng đây chỉ là một giọt nước trong đại dương. Chỉ có chính phủ Mỹ, đang chi 125 triệu USD cho một máy bay chiến đấu F-35 mới có thể đầu tư ở quy mô cần thiết. Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng, do các Thượng nghị sĩ Martin Heinrich, Mike Rounds, Chuck Schumer và Todd Young dẫn đầu, đã kêu gọi thực hiện lại lời hứa ban đầu của Đạo luật CHIPS và Khoa học bằng cách tăng gấp mười lần mức tài trợ hiện tại của Chính phủ cho nghiên cứu và phát triển AI không liên quan đến quốc phòng, lên 32 tỷ USD. Tuy nhiên, con đường từ đề xuất này đến việc thông qua dự luật còn rất dài. Ý tưởng này đã xuất hiện tại Quốc hội từ năm 2021. Đó đã là một thời gian rất lâu trong sự phát triển AI. Với tốc độ và mức độ quan trọng của sự thay đổi công nghệ, không chỉ cần tăng cường tài trợ, mà nó cũng cần phải được thực hiện nhanh chóng hơn.
Cuối cùng, Mỹ cần phải cải cách giáo dục từ cấp Tiểu học đến Phổ thông (K–12). Những cảnh báo rằng sự suy giảm chất lượng giáo dục đang đe dọa đến sự thịnh vượng, an ninh và sự lãnh đạo toàn cầu của quốc gia không phải là điều mới mẻ, nhưng cải cách giáo dục chưa được coi là ưu tiên an ninh quốc gia cấp bách như nó cần phải có. Ngày nay, ở hầu hết trong số 13.500 trường công lập của đất nước, mức lương của giáo viên dựa trên số năm kinh nghiệm và trình độ học vấn. Điều này có nghĩa là các giáo viên vật lý và thể dục nhận cùng một mức lương. Các giáo viên giỏi nhất và kém nhất cũng có mức lương như nhau. Một số thành phố đã bắt đầu thử nghiệm các phương pháp tiếp cận tốt hơn. Tại Dallas, Houston và Washington, D.C., các quan chức giáo dục đã thử nghiệm quỹ khuyến khích để đánh giá giáo viên và thưởng cho những người hiệu quả nhất. Ở một số nơi, các quận có thể nhận thêm ngân sách tùy ý nếu họ phân bổ các giáo viên giỏi nhất đến các trường học kém nhất. Những thực tiễn này đã bắt đầu cho thấy kết quả hứa hẹn và nên được nghiên cứu và mở rộng.
Không có thay đổi nào trong số này là dễ dàng, nhưng nếu không thực hiện chúng, khả năng tri thức của Mỹ sẽ tiếp tục bị suy giảm và sức mạnh của nước này sẽ yếu dần trong những năm tới. Washington đã bám víu vào ý tưởng rằng các hạn chế đối với việc tiếp cận công nghệ của Trung Quốc qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và giới hạn đầu tư ra nước ngoài có thể duy trì lợi thế công nghệ của quốc gia. Nhưng việc chỉ cản trở Trung Quốc sẽ không kích thích được đổi mới lâu dài mà Mỹ cần để đảm bảo an ninh và thịnh vượng trong tương lai. Hiện tại, hơn bao giờ hết, Washington phải hiểu rằng kiến thức là sức mạnh và nó phải được nuôi dưỡng ngay tại trong nước./.
Biên dịch: Nguyên Nguyễn
Tác giả: Amy Zegart là thành viên cao cấp của Morris Arnold và Nona Jean Cox tại Viện Hoover, tác giả của cuốn Spies, Lies and Algorithms: The History and Future of American Intelligence.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]