Ngày 24/4/2025, đại diện Chủ tịch ASEAN năm 2026, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo Phát biểu với báo chí bên lề Hội nghị An ninh hàng hải 2025 tại Manila: Các nước đều nhất trí muốn có một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vào năm 2026 và đang nỗ lực để có thể đàm phán thành công. Hiện có một số vấn đề cần có sự đồng thuận của tất cả các quốc gia để hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Có thể thấy các quốc gia có liên quan trực tiếp tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đang muốn thúc đẩy một vòng đàm phán có kết quả và thực tế. Nhưng trong giai đoạn phức tạp của hệ thống quan hệ quốc tế hiện nay, các biến số có tác động tới quá trình đàm phán đang biến động với tốc độ nhanh chưa từng có, liệu rằng điểm nóng địa chính trị này có đi đến kết quả có lợi nhất cho các bên hay không?
Tổng quan về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)
Ngược về quá khứ, tháng 11/2002, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 8 tổ chức ở Campuchia, các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với nguyên tắc tôn trọng Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Đây được xem như một biện pháp thỏa hiệp tạm thời, bước đầu tạo ra môi trường chính trị có lợi cho việc giải quyết tranh chấp, ngăn chặn xung đột, bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông sau hàng loạt sự kiến đối đầu trực tiếp giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, DOC mang trong mình những hạn chế vì tính pháp lý của Tuyên bố đó, một Tuyên bố chỉ có tính chính trị và không biện pháp ràng buộc cụ thể nào ngoài “Đạo đức chính trị” của nhà cầm quyền mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, Tuyên bố DOC không phải là một bộ nguyên tắc hoàn chỉnh về quy tắc ứng xử, thực thi và giám sát. Giai đoạn 2002-2012, Trung Quốc và một số nước ASEAN có thảo luận sơ bộ về việc xây dựng COC, nhưng chưa đạt được đồng thuận do khác biệt lập trường, đặc biệt về phạm vi áp dụng và tính pháp lý, điều này dẫn đến các cuộc tranh chấp chủ quyền vẫn diễn ra và có chiều hướng leo thang hơn. Đặc biệt là năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã đẩy khu vực rơi vào một cuộc khủng hoảng niềm tin đối với các bên tham gia Tuyên bố DOC.
Những gì diễn ra sau Tuyên bố DOC đã nhanh chóng thúc đẩy các bên tham gia tuyên bố đó có những hành động thực tế để đưa khu vực này thoát khỏi các cuộc xung đột tiềm tàng có dấu hiệu tăng nhiệt nhanh chóng. Trong hai ngày 14 và 15/9/2013, tại thành phố Tô Châu (Trung Quốc), trong khuôn khổ cuộc họp lần thứ 6 của SOM ASEAN – Trung Quốc và cuộc họp lần thứ 9 Nhóm công tác chung giữa hai bên về triển khai DOC, lần đầu tiên, các bên đã tiến hành tham vấn chính thức về xây dựng COC. Trong quá trình tham vấn, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng COC, nhất là trong tăng cường hơn nữa xây dựng lòng tin và môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Ðông. Hai bên khẳng định, SOM ASEAN – Trung Quốc về DOC, với tư cách là cơ chế chính để xây dựng COC cần phải quyết tâm và nỗ lực hơn nữa trong nhiệm vụ này; đồng thời, giao cho Nhóm công tác chung và các cơ chế trực thuộc có thể được lập sau này hỗ trợ SOM trao đổi về việc xây dựng COC.
Tuy mở ra một giai đoạn đàm phán đi vào chiều sâu và hứa hẹn sẽ có một bộ quy tắc có tính ràng buộc giữa các bên từ những cuộc đàm phán song phương và nhóm. Nhưng COC vẫn còn đó những vấn đề mà các bên không thể thông qua bởi các bên:
Về phía Trung Quốc, dường như giới cầm quyền của Bắc Kinh không muốn đưa ra một cam kết pháp lý có tính ràng buộc. Lãnh đạo quốc gia này ưu tiên các cam kết mềm hơn và quy mô áp dụng nhỏ hơn – không phải toàn bộ Biển Đông. Điều này đã gây cản trở đến quá trình đàm phán và thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), khi mà các bên liên quan trực tiếp và có tranh chấp với phía Bắc Kinh như Việt Nam và Philippines muốn có một bộ quy tắc ứng xử “cứng”, yêu cầu các bên tham gia kí kết phải tuân thủ đẩy đủ quyền và nghĩa vụ của họ trên Biển Đông.
Bên cạnh đó, Trung Quốc mong muốn giải quyết trên cơ sở song phương giữa ASEAN và Trung Quốc, qua đó giảm thiểu các bên thứ 3 tham gia sâu vào quá trình đàm phán. Tuy nhiên, để đạt được sự đồng thuận và tuân thủ cao COC, sự có mặt của các bên ngoài ASEAN và Trung Quốc là điều có thể xem xét. Điều này khiến cho Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có tính pháp lý và giám sát quốc tế hơn.
Thực tế hiện nay, Biển Đông vẫn đang diễn ra hàng loạt hành động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo và nhiều vụ xung đột tàu Trung Quốc đâm va, ngăn cản, cắt cáp tàu khảo sát của Việt Nam và các nước khác… Cùng với đó, Chiến dịch FONOPs (Tự do hàng hải) do Mỹ dẫn đầu nhằm phản đối các yêu sách phi pháp. Mỹ, Nhật, Úc, Anh đã cử tàu chiến tuần tra, diễn tập tại Biển Đông tạo thành thế đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc…
Vào tháng 8/2017, các bên đã đồng ý về một bản khung một trang để hướng dẫn các cuộc thảo luận trong tương lai. Một năm sau, các bên đã thông qua một Văn bản Dự thảo Đàm Phán Duy nhất (SDNT) dài 19 trang, trong đó có nội dung đệ trình của mỗi bên trong số 11 bên về những gì COC nên được tính đến. Vào tháng 8/2019, các bên đã đưa ra bản dự thảo đầu tiên (dự kiến tổng cộng ba bản) nhằm hợp nhất SDNT và bổ sung các đề xuất mới.
Bước tiếp theo là đàm phán về bản dự thảo thứ hai, nhưng vì đại dịch Covid-19 nên không có cuộc họp nào được tổ chức trong suốt năm 2020. Đến tháng 8/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tiết lộ rằng đã đạt được thỏa thuận về phần mở đầu của Bộ quy tắc.
Diễn biến trên bàn đàm phán là vậy, nhưng trên thực địa, Trung Quốc vẫn không ngừng có những động thái hòng khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, có rất ít dấu hiệu cho thấy sự ổn định lâu dài, và “sự hiểu biết” giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đang trở nên mong manh. Mọi thứ vẫn không có thay đổi thực sự nào và cũng chẳng có bất kỳ sự sẵn sàng thỏa hiệp cần thiết nào để có thể thực sự hoàn thành đàm phán COC.
Những hoạt động, xung đột và sự góp mặt của bên thứ 3 đã làm cho tình hình địa chính trị khu vực này trở nên nóng hơn bao giờ hết. Hơn một thập kỷ các bên tham gia đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và những điểm bất đồng vẫn chưa được giải quyết khiến cho tuyên bố của phía Chủ tịch ASEAN năm 2026 trở thành một dấu chấm hỏi lớn? Liệu COC sẽ được thông qua trên nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông? Hay chỉ là một vòng đàm phán kéo dài mới?
Bối cảnh khu vực và thế giới có đang thúc đẩy thỏa thuận này?
Cuộc họp của nhóm công tác chung về việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (JWG-DOC) diễn ra tại Manila từ ngày 9-11/4 vừa qua. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, cuộc họp là cơ hội để Philippines kêu gọi mạnh mẽ về nhu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Phán quyết trọng tài Biển Đông năm 2016.
Philippines sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2026. Trợ lý người đứng đầu cơ quan phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Jonathan Malaya đánh giá các cuộc đàm phán COC đang tiến triển với tốc độ chậm, đồng thời bày tỏ hi vọng đến thời điểm Philippines là chủ tịch ASEAN, Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ được hoàn tất. Điều gì khiến Philippines tuyên bố đạt được thỏa thuận quan trọng này vào nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN luôn phiên của họ.
Trung tuần tháng 4/2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một chuyến công du Đông Nam Á. Ở chuyến công du này, ông Tập đã đưa vấn đề Biển Đông – một điểm nóng về tranh chấp lãnh thổ và hàng hải đã trở thành tâm điểm chú ý.
Các tuyên bố được đưa ra cùng với Hà Nội và Kuala Lumpur: nhấn mạnh vào việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và phản đối leo thang căng thẳng.
Trong bối cảnh các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Philippines và sự hoài nghi dai dẳng về ý định của Bắc Kinh, chuyến công du của Tập Cận Bình đã tiết lộ một sách lược ngoại giao tinh tế. Khác xa với hình ảnh biếm họa của một cường quốc bành trướng, Trung Quốc đang báo hiệu sự sẵn sàng chấp nhận luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp thực dụng và tầm nhìn về sự thịnh vượng chung tôn trọng ASEAN.
Bắc Kinh muốn giữ các tranh chấp Biển Đông ở đúng vị trí của chúng: quan trọng, đúng vậy, nhưng không phải là tất cả và là kết thúc của mối quan hệ với các nước láng giềng. Tuyên bố chung Trung Quốc – Việt Nam cho thấy cả hai bên đều muốn quản lý những khác biệt của mình để thúc đẩy hợp tác. Tương tự như vậy, tuyên bố chung Trung Quốc – Malaysia định hình hợp tác hàng hải chỉ là một trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của họ.
Đây không phải là sự lạc quan viển vông mà là chủ nghĩa thực dụng cứng rắn hơn. Bất chấp các yêu sách hàng hải chồng chéo, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa đang có động thái mở rộng các tuyến đường sắt xuyên biên giới. Trong khi đó, Malaysia là chốt chặn trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, với các dự án như Tuyến đường sắt Bờ Đông đang tiến triển. Tất cả đều là một phần trong thông điệp của Bắc Kinh: đừng để vùng biển động của Biển Đông làm lật úp những chiếc thuyền cứu sinh kinh tế.
Tuy nhiên, đây không phải là việc bỏ qua con voi trong phòng. Hiện tại, các chuyến thăm của Tập Cận Bình báo hiệu mong muốn phân chia các tranh chấp, đảm bảo chúng không đầu độc nguồn thương mại, cơ sở hạ tầng và quan hệ giữa người với người. Nếu căng thẳng bùng phát không được kiểm soát, các luồng chủ nghĩa dân tộc ở các quốc gia có yêu sách vẫn có thể làm vẩn đục vùng nước này. Theo nghĩa này, các chuyến thăm phục vụ mục đích kép về vấn đề Biển Đông.
Trong nước, họ muốn ngăn chặn tình cảm dân tộc chủ nghĩa chiếm đoạt chính sách đối ngoại. Trên trường quốc tế, họ trấn an các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á rằng Bắc Kinh coi họ là những đối tác đa chiều, không chỉ là những đối thủ trong một trò chơi tổng bằng không. Họ cũng ngăn chặn sự can thiệp từ “các thế lực bên ngoài” – có lẽ là một sự ám chỉ ngầm đến lập trường đối đầu của Mỹ và Philippines.
Trong khi các nước ASEAN khác theo đuổi chính sách ngoại giao thầm lặng, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jnr đã tăng gấp đôi quan hệ quân sự với Mỹ. Sự khác biệt này một phần xuất phát từ chính trị trong nước: mối quan hệ lịch sử của gia tộc Marcos với Washington và nhu cầu cân bằng sự ủng hộ của Trung Quốc đối với giới tinh hoa đối thủ. Tuy nhiên, nước cờ của Manila mang theo rủi ro. Bản chất không đối đầu của ASEAN khiến Philippines ngày càng bị cô lập. Những nước khác đã tránh ngoại giao phô trương về các tranh chấp hàng hải với Trung Quốc.
Chiến lược đàm phán song phương của Trung Quốc với các bên yêu sách kết hợp với nỗ lực chung của Trung Quốc – ASEAN nhằm duy trì hòa bình là một tín hiệu lớn khác. Tuyên bố Trung Quốc – Việt Nam ngụ ý rằng cách tiếp cận này có hiệu quả trong khi văn bản Trung Quốc – Malaysia cảnh báo rằng sự can thiệp của các bên không trực tiếp liên quan có thể phản tác dụng.
Cùng với đó, dưới tác động của nhiệm kỳ Trump 2.0, cuộc chiến thương mại trở nên “điên rồ” giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến mâu thuẫn giữa hai bên ngày càng gia tăng. Sự áp thuế qua lại của Mỹ và Trung Quốc đã thổi bùng lạm phát, kéo tụt niềm tin tiêu dùng, đầu tư và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Các dấu hiệu cho một cuộc nói chuyện giữa 2 siêu cường kinh tế đã xuất hiện, song về dài hạn có thể Trung Quốc cần giảm thiểu sự ảnh hưởng của Mỹ ngay khu vực ngay bên cạnh như là giải pháp cho cả kinh tế và chính trị mà Bắc Kinh xem là khả thi.
Liệu rằng, với sự hậu thuẫn của Mỹ và chiến thắng mang đậm “tính hình thức” vào năm 2016 ở Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có tạo ra tiền lệ cho các thành viên Đông Nam Á ưu tiên cho đà gia tăng của các yếu tố bên ngoài vào tình hình đàm phán COC hay không? Và ở một khía cạnh khác, sự cởi mở “đầy nghi hoặc” trong đối thoại được thể hiện gần đây của Bắc Kinh có phải là dấu hiệu cho thấy các vòng đàm phán hơn một thập kỷ của COC đang dần đi đến kết quả?
Hơn một thập kỷ ngồi vào bàn đàm phán của các bên liên quan đến vấn đề Biển Đông, những dấu hiệu và tác động lớn của khu vực và thế giới đang được biểu hiện rõ nhất suốt thời gian qua. Tuy nhiên, một văn kiện có tính pháp lý hoàn toàn bất lợi cho sự mở rộng sức ảnh hưởng của Bắc Kinh, ngay tại cửa ngõ của mình, Trung Quốc khó lòng chấp nhận cách hành xử có tính quy ước cao. Điều này có thể ngăn cản Bắc Kinh tiến hành hoạt động mở rộng các hòn đảo tranh chấp với các quốc gia ASEAN. Cách hành xử của Trump cũng đang gây ra những hành động thiếu chắc chắn, có thể thành tiền lệ xấu cho hành động của các nước lớn và tính thiếu cam kết cho đồng minh của mình.
Việc có một bản thỏa thuận có tính pháp lý như COC đang là dấu chấm hỏi lớn với giới quan sát chính trị khu vực và thế giới. Những nước thuộc khối ASEAN, đặc biệt là Việt Nam đang cho thấy các nỗ lực cao độ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thành văn bản pháp lý này, qua các lần giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN, các quốc gia này cho thấy sự mạnh dạn trong đề xuất và lên tiếng đẩy mạnh các cuộc đàm phán có tính thực tế nhất. Những thông tin và cách hành xử của các bên liên quan là chưa đủ để chắc chắn rằng nó sẽ thành công. Tuy nhiên, một văn bản như COC sẽ là điều kiện tiên quyết cho tính ổn định của khu vực và hạn chế được sự chi phối của bên thứ 3, có thể Bắc Kinh sẽ cân nhắc một cách nghiêm túc cho điều kiện thế giới hiện nay và trong tương lai gần ít nhất là đến năm 2030.
Tác giả: Lục Đình Lộc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. Đinh Đôi (2025), Cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với căng thẳng ở Biển Đông: giảm ngay, giải quyết sau, https://chinaus-icas.org/research/beijings-approach-to-south-china-sea-tensions-reduce-now-resolve-later
2. Thành Đạt (2025), Trung Quốc: Mỹ đã liên hệ để đàm phán thuế quan, https://dantri.com.vn/the-gioi/trung-quoc-my-da-lien-he-de-dam-phan-thue-quan-20250502103829056.htm
3. Phạm Hà (2025), ASEAN và Trung Quốc “cam kết về mặt chính trị” hoàn tất COC vào năm 2026, https://vov.vn/the-gioi/asean-va-trung-quoc-cam-ket-ve-mat-chinh-tri-hoan-tat-coc-vao-nam-2026-post1194707.vov?
4. Lê Đức Cường – Bùi Văn Mạnh (2017), Vài nét về tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, http://tapchiqptd.vn/vi/binh-luan-phe-phan/vai-net-ve-tien-trinh-xay-dung-bo-quy-tac-ung-xu-o-bien-dong/10463.html
5. Hùng Cường, Hoàng Lê, Kiều Anh (2022), Đi tìm lời giải cho COC thực chất, hiệu quả, phù hợp luật quốc tế – COC đang ở đâu sau 1/4 thế kỷ “thai nghén”?, https://vov.vn/emagazine/coc-dang-o-dau-sau-hon-14-the-ky-thai-nghen-919557.vov?
6. Duy Linh (2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính: ASEAN đang ở tâm điểm vòng xoáy cạnh tranh nước lớn, https://tuoitre.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-asean-dang-o-tam-diem-vong-xoay-canh-tranh-nuoc-lon-20230905204206443.htm