Từ khi mở cửa và cải cách, Trung Quốc đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, những biến động của tình hình địa chính trị thế giới, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ngày càng gay gắt cùng với các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã khiến tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chậm lại và có khả năng rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng giai đoạn trước dần biến mất. Trong bối cảnh nền kinh tế đang “giảm tốc”, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã và đang tìm kiếm sự “bùng nổ” từ khu vực kinh tế tư nhân – động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế thời kỳ khó khăn, nền tảng cho sự phát triển chất lượng cao và hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.
Trong một động thái quan trọng nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển khu vực tư nhân trong giai đoạn khó khăn, ngày 04/9/2023, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) tuyên bố thành lập Cục Phát triển Kinh tế tư nhân. Cơ quan này chịu trách nhiệm theo dõi, nghiên cứu, phân tích sự phát triển của nền kinh tế tư nhân, đưa ra các chính sách thúc đẩy sự phát triển của các công ty tư nhân trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế; đồng thời chịu trách nhiệm giải quyết những vướng mắc, xử lý sự cố mà các doanh nghiệp tư nhân gặp phải. Cục Phát triển Kinh tế tư nhân có thể coi là một trường hợp đặc biệt trong cơ cấu chính phủ Trung Quốc, bởi quốc gia này rất hiếm khi thành lập một cơ quan chuyên trách về một lĩnh vực nào đó, từ đó có thể thấy, Trung Quốc đang quyết tâm vực dậy nền kinh tế đến mức nào. Tuy nhiên, liệu các chính sách mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân có được thực hiện hiệu quả hay không vẫn cần phải có thời gian mới có thể trả lời.
Vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế Trung Quốc
Vai trò của khu vực ngoài quốc doanh với nền kinh tế Trung Quốc đã được thể chế hóa từ dưới thời ông Giang Trạch Dân (1989-2002). Những năm gần đây, kinh tế tư nhân dần vượt qua khu vực quốc doanh, vốn là một lực lượng khổng lồ trong nền kinh tế Trung Quốc về đóng góp cho quốc gia. Doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội. Tổng cục Giám sát và Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc tổng kết, chỉ trong vòng 10 năm từ 2012 đến 2021, số lượng doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc tăng hơn 4 lần (từ 10,857 triệu lên 44,575 triệu), tỷ trọng trong tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế quốc dân tăng từ 79,4% lên 92,1%. Theo số liệu từ Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) Trung Quốc, khu vực tư nhân đóng góp hơn 50% tổng doanh thu thuế, 60% GDP, hơn 70% đổi mới công nghệ, hơn 80% việc làm ở thành thị và 90% các doanh nghiệp mở mới ở Trung Quốc. Công thức “50/60/70/80/90” được coi là minh chứng hùng hồn nhất về tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Thực tế cho thấy, sự phát triển quá nhanh của khu vực kinh tế tư nhân ở Trung Quốc trong những năm qua đã dẫn đến sự xuất hiện của các tập đoàn kinh tế ngoài quốc doanh khổng lồ như Alibaba, Tencent, Baidu, Geely, JD.com, Bytedance, Meituan hay Didi. Quyền lực thị trường của khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh tới mức chính quyền Trung Quốc nhận thấy, cần phải có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Trong hai, ba năm trở lại đây, Trung Quốc ban hành nhiều quy định và thực hiện việc xử phạt các hành vi độc quyền của một số tập đoàn công nghệ lớn như Alibaba, Didi Chuxing… với số tiền hàng tỷ đôla. Các biện pháp này được coi là thể hiện định hướng “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm nắn chỉnh các hoạt động kinh tế tư nhân từ thương mại điện tử, trò chơi điện tử, giải trí cho đến giáo dục tư thục.
Tuy nhiên, chính các biện pháp kiểm soát chặt chẽ này đã khiến niềm tin của kinh tế tư nhân – động lực chính của phát triển kinh tế Trung Quốc hiện nay suy giảm, từ đó kéo theo động lực tăng trưởng bị giảm theo. Đầu tư tài sản cố định của khu vực này trong những tháng đầu năm 2023 giảm mạnh so với khu vực kinh tế quốc doanh. Bên cạnh đó, những tác động từ các biến động địa chính trị trên thế giới, cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gay gắt cùng với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đặc biệt là khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản vốn chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc đã tác động nặng nề tới sự tăng trưởng của nền kinh tế tỷ dân. Sự xoay vần khó lường của các diễn biến địa chính trị và sự lao dốc của nền kinh tế thế giới nói chung, sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc nói riêng đã khiến các nhà lãnh đạo nước này phải thay đổi tư duy chiến lược cũng như chính sách nhằm hỗ trợ kinh tế tư nhân lấy lại đà phát triển mạnh mẽ, qua đó đưa khu vực kinh tế tư nhân một lần nữa trở thành “động lực xương sống” cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.
Các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân của Trung Quốc
Mặc dù chính phủ Trung Quốc tin rằng nền kinh tế nước này có khả năng phục hồi và tiềm năng lớn nhưng quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của Trung Quốc đã mất đà và cần có thêm các biện pháp kích thích. Đầu tư của khu vực tư nhân Trung Quốc giảm 0,5% trong 7 tháng đầu năm. Sự tăng trưởng yếu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thúc đẩy nhu cầu cấp thiết phải vực dậy khu vực tư nhân, động lực tăng trưởng quan trọng đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế do đại dịch COVID-19 và các biện pháp thắt chặt quy định trên diện rộng nhằm vào các lĩnh vực từ công nghệ đến tài sản. Chính vì vậy, chính phủ Trung Quốc gần đây đã có nhiều ưu tiên cho khu vực kinh tế tư nhân nhằm củng cố niềm tin đang lung lay của các doanh nhân trong bối cảnh nền kinh tế lớn nước này đối mặt hàng loạt khó khăn do nhu cầu trong và ngoài nước ảm đạm.
Về mặt chủ trương
Các diễn ngôn chính trị của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc từ đầu năm 2023 đến nay phát đi tín hiệu hòa hoãn hơn với khu vực tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài. Vào giữa tháng 01/2023, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Phó Thủ tướng Lưu Hạc phát biểu rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân và mở cửa hơn nữa cho đầu tư nước ngoài.
Tại Kỳ họp Lưỡng hội hồi đầu tháng 3/2023, Chính phủ Trung Quốc đã cho thấy họ nhận thức một cách rõ ràng về nhiệm vụ khó khăn trong phục hồi kinh tế khi công bố mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ ở mức 5% – mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Hy vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra đã được dồn hết vào khu vực kinh tế tư nhân. Tại kỳ họp này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận bình đã trấn an khu vực kinh tế trọng yếu khi phát biểu rằng, ông muốn thấy “doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng hơn trong thúc đẩy tăng trưởng, việc làm và đổi mới công nghệ”. Đây là tín hiệu về sự nhượng bộ quan trọng từ chính quyền, đó là khi nền kinh tế có dấu hiệu chậm lại, chính quyền cần khu vực tư nhân để tạo động lực quay lại đà tăng trưởng. Ông Tập cũng nhắc lại hai khái niệm kim chỉ nam “hai kiên định” và “ba bất biến” trong bài phát biểu để tái khẳng định sự ủng hộ của chính quyền với khu vực kinh tế tư nhân. Ngoài ra, ông Tập nhấn mạnh phải bảo vệ quyền tài sản của các công ty tư nhân và doanh nhân, đối xử bình đẳng giữa công ty nhà nước và tư nhân để “thúc đẩy kỳ vọng và niềm tin của thị trường”.
Trong buổi họp báo đầu tiên sau khi nhậm chức ngày 13/3/2023, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã trấn an khu vực kinh tế tư nhân khi hứa “tạo ra một môi trường kinh doanh theo định hướng thị trường, tuân thủ luật pháp và quốc tế hóa, đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu, bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp và quyền, lợi ích của doanh nhân”.
Các diễn ngôn chính trị trong thời gian qua của giới lãnh đạo Trung Quốc được coi là động thái hiếm thấy và báo hiệu nhiều điều chỉnh chính sách trong tương lai, như sự kiểm soát với ngành công nghệ, thương mại điện tử, fintech sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, rõ ràng việc phát triển kinh tế tư nhân ở Trung Quốc vẫn phải trong “khuôn khổ”.
Về mặt chính sách
Trung Quốc đang nỗ lực “tạo ra một môi trường kinh doanh hạng nhất theo định hướng thị trường” bởi khu vực tư nhân là lực lượng mới thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, nền tảng quan trọng cho sự phát triển chất lượng cao và là lực lượng chủ chốt thúc đẩy Trung Quốc xây dựng toàn diện một cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại. Một loạt chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân đã được triển khai ở Trung Quốc chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua:
Thứ nhất, triển khai chính sách bảo vệ quyền sở hữu của các công ty tư nhân và doanh nhân cũng như các bước nhằm đảm bảo cạnh tranh thị trường công bằng bằng cách phá bỏ các rào cản gia nhập thị trường; tạo ra một khuôn khổ rõ ràng trong đó xác định các lĩnh vực mà nhà đầu tư tư nhân có thể đầu tư, khuyến khích một số công ty tư nhân phát hành trái phiếu đổi mới công nghệ; đảo ngược một số chính sách hạn chế đối với lĩnh vực công nghệ và bất động sản. Hỗ trợ các công ty nền tảng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm và cạnh tranh quốc tế. Các công ty tư nhân sẽ được khuyến khích tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất và lưu trữ điện cũng như internet công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tăng cường đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và tham gia đầu tư, xây dựng các loại cơ sở hạ tầng mới.
Thứ hai, tung ra một loạt gói chính sách nhằm hỗ trợ cấp bách cho các doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn và ngăn chặn những rủi ro mang tính hệ thống trong nền kinh tế. Ngày 19/7/2023, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) và Quốc vụ viện Trung Quốc đã cùng ban hành một chính sách chi tiết có tựa đề “Ý kiến về Thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế tư nhân” (Ý kiến) bao gồm gồm 31 điều khoản trong 8 chương nhằm xây dựng khu vực tư nhân “lớn hơn, tốt hơn và mạnh hơn”. Mục tiêu chung của Ý kiến là tối ưu hóa môi trường kinh doanh cho khu vực tư nhân, tăng cường pháp quyền để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp và doanh nhân tư nhân, đồng thời tạo điều kiện thị trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng cho khu vực tư nhân. Ý kiến cũng bao gồm các điều khoản nhằm tiếp tục tăng cường thực thi pháp luật phản cạnh tranh, trong đó chỉ ra rằng chính phủ có quyền hạn chế khu vực tư nhân thông qua việc thực thi pháp luật cạnh tranh – điều đã từng xảy ra trong quá khứ.
Bên cạnh đó, để triển khai “Ý kiến”, ngày 01/8/2023, NDRC đã ban hành chính sách “Một số biện pháp ngắn hạn nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Cục Quản lý ngoại hối nhà nước (SAFE) đã “nới lỏng” các chính sách để cho phép các công ty vay thêm từ các nguồn vốn từ nước ngoài.
Thứ ba, thành lập Cục Phát triển Kinh tế tư nhân. Việc NDRC công bố thành lập Cục Phát triển Kinh tế tư nhân vào ngày 04/9/2023 nhằm hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tư nhân thông qua việc điều phối hiệu quả chính sách. Cơ quan này có thể giúp NDRC phát huy vai trò “trung tâm đầu não” trong việc ra các quyết định kinh tế vĩ mô, đóng vai trò là chủ thể phối hợp giữa các bộ ngành để xử lý các vấn đề mà trước đây các bộ khác không thể xử lý, đồng thời xây dựng các kế hoạch phát triển dài hạn. Cục Phát triển Kinh tế tư nhân có thể coi là một trường hợp đặc biệt trong cơ cấu chính phủ Trung Quốc bởi quốc gia này rất hiếm khi thành lập một cơ quan chuyên trách về một lĩnh vực nào đó, từ đó cho thấy Trung Quốc đang quyết tâm vực dậy nền kinh tế đến mức nào.
Những động thái chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế thời gian qua của Trung Quốc đang báo hiệu lập trường chính sách ủng hộ và đưa ra nhiều ưu đãi hơn với các doanh nghiệp tư nhân. Giờ đây cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân được coi là “đôi cánh” của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế của Trung Quốc kỳ vọng chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ khối tư nhân trong các ngành được coi là có tầm quan trọng chiến lược đối với nhà nước như sản xuất trang thiết bị cao cấp, năng lượng tái tạo và nông nghiệp, đặc biệt cần đưa ra các biện pháp cụ thể và khung pháp lý rõ ràng, minh bạch cho khu vực tư nhân.
Hiệu quả của các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
Chính phủ Trung Quốc nhận ra những thách thức đáng kể mà doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt và đang quyết tâm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân lấy lại đà phát triển. Không chỉ ở cấp trung ương, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý ngành có thể cũng sẽ triển khai các chính sách ưu đãi bổ sung cho các doanh nghiệp tư nhân. Về cơ bản, các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân đã phát hu hiệu quả bước đầu khi vực dậy phần nào niềm tin cho các doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc vốn phải chịu nhiều biện pháp kiểm soát gay gắt của nhà nước trong thời gian vừa qua, từ đó tạo động lực để giúp nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc hơn. Chỉ số PMI tổng hợp của Trung Quốc đạt 51,7 điểm trong tháng 8/2023, phản ánh tháng tăng trưởng thứ tám liên tiếp của hoạt động khu vực tư nhân nhưng đạt tốc độ chậm nhất kể từ tháng 01/2023. Số lượng đơn hàng mới tăng ở mức vừa phải, tuy nhiên, đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 5/2023. Lạm phát giá đầu vào tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng qua nhưng vẫn ở mức thấp trong khi giá bán nhìn chung ổn định. Theo dự báo của Trading Economics, GDP Quý III/2023 Trung Quốc sẽ tăng 0,5% so với Quý II/2023 và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên, để kiểm chứng liệu các chính sách này có phát huy hiệu quả thực sự lâu dài như kỳ vọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hay không sẽ không phải chuyện “một sớm, một chiều”.
Thứ nhất, các nhà phân tích đánh giá rằng, khu vực kinh tế tư nhân của Trung Quốc sẽ không thể nào quay trở lại thời “hoàng kim” như dưới thời ông Giang Trạch Dân bởi Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình là “thịnh vượng chung”. Điều đó có nghĩa là chính quyền vẫn đang quản lý việc mở cửa có tính toán trong các ngành cần nguồn lực của tư nhân và nước ngoài. Không có việc khu vực tư nhân sẽ là nơi duy nhất “cầm cương” nền kinh tế.
Khu vực tư nhân, đặc biệt là các công ty bất động sản và công nghệ, đã gặp khốn đốn trong những năm gần đây bởi một loạt các quy định nghiêm ngặt cũng như do các quy biện pháp hạn chế bởi chính sách Zero Covid gây ra. Trong báo cáo của mình, NDRC thừa nhận những khó khăn mà các doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt đó là: “Doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ đang gặp khó khăn trong sản xuất, hoạt động, người dân dè dặt trong chi tiêu. Đồng thời, việc thiếu niềm tin vào các doanh nghiệp đang phát triển và nhu cầu thị trường yếu có thể dẫn đến một chu kỳ suy yếu”.
Thứ hai, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân trong tầm kiểm soát. Mặc dù, các chủ trương, chính sách mới đây mang đầy hứa hẹn về việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường hỗ trợ chính sách và đảm bảo pháp lý cho sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân nhưng mọi thứ rõ ràng vẫn phải trong tầm kiểm soát. Ông Tập đã từng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường kiểm soát chính trị và tư tưởng với khu vực tư nhân và rằng các doanh nhân nên được hướng dẫn để “hiểu đúng” các nguyên tắc và chính sách của nhà nước, bao gồm chủ trương “thịnh vượng chung”.
Hơn nữa, các nhà phân tích cũng cho rằng vì nội dung cải cách thể chế do Trung Quốc công bố hồi tháng 3 năm nay không có tên Cục Phát triển Kinh tế tư nhân nên rất có thể, việc thành lập cơ quan này chỉ “biện pháp bổ sung tạm thời”. Hơn nữa, cơ quan này lại không có quan chức nào ngang hàm thứ trưởng. Điều này cho thấy nó khó có thể trở thành một cơ quan có ảnh hưởng lớn về chính sách trong bộ máy hành chính rộng lớn của chính phủ Trung Quốc, vốn từ lâu dành sự ủng hộ cho các doanh nghiệp nhà nước hùng mạnh của đất nước. Một số chuyên gia cho rằng, Cơ quan mới này sẽ không đủ vực dậy niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân. Ông Zerlina Zeng, nhà phân tích cấp cao về nợ doanh nghiệp Trung Quốc của CreditSights đánh giá, liệu văn phòng mới có thể tác động đến chương trình nghị sự của các cơ quan chính phủ khác hay không vì họ có những ưu tiên khác nhau. Trong khi đó, Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Group, nhận định văn phòng mới không đủ vực dậy niềm tin ở khu vực tư nhân.
Bên cạnh đó, chính quyền đang quay trở lại cách tiếp cận “cổ phiếu vàng” với doanh nghiệp tư nhân, ý chỉ những cổ phần có quyền biểu quyết ở một doanh nghiệp. Chính sách này giúp nhà nước Trung Quốc luôn có “một lá phiếu” trong hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, để kiểm soát hoặc tiết chế ảnh hưởng của họ khi cần. Chẳng hạn, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc, thông qua quyền sở hữu đa số trong Quỹ đầu tư Internet Trung Quốc, nắm giữ 1% cổ phần trong một công ty con của ByteDance, công ty sở hữu TikTok. Dù tỉ lệ không đáng kể, đây là “cổ phiếu vàng” theo quy định của chính quyền, đi kèm với quyền bổ nhiệm một trong 03 thành viên hội đồng quản trị.
Thứ ba, về mặt lý thuyết, các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc, với tư cách là một phần của nền kinh tế tư nhân, cũng cần được bảo vệ theo các chính sách mới. Các nguyên tắc minh bạch, đối xử bình đẳng và công bằng trong các lĩnh vực như tiếp cận thị trường, dự án mua sắm, thủ tục hành chính nhanh chóng và tiếp cận tài chính có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi chính phủ Trung Quốc hứa hẹn việc tiếp cận thị trường bình đẳng đối với các dự án quan trọng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể phải đối mặt với các rào cản bổ sung nếu các dự án đó bị hạn chế vì lý do an ninh quốc gia, chính sách công nghiệp hoặc các lý do khác. Cũng chưa rõ làm thế nào để lồng ghép các biện pháp thúc đẩy khu vực tư nhân trong nước với các biện pháp khác nhằm tăng cường đầu tư nước ngoài. Chủ nghĩa hoài nghi có thể vẫn tồn tại đối với tính lâu dài của các chính sách tự do hóa đối với khu vực tư nhân.
Chính vì vậy, vượt qua chủ nghĩa bảo hộ địa phương và ưu tiên lâu dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các doanh nghiệp nhà nước trong tiếp cận thị trường, mua sắm chính phủ, tài chính, trợ cấp của chính phủ, giảm nợ và thực thi pháp luật luôn là vấn đề thách thức tính bền vững của các cải cách có lợi cho khu vực tư nhân. Do đó, vẫn cần phải đợi xem liệu chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân của Chính phủ Trung Quốc có thành công hay không và các doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân có thực sự tin tưởng các cam kết mới của chính quyền hay không?
Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong phát triển kinh tế tư nhân
Đối với Việt Nam, kinh tế tư nhân là một bộ phận của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và ngày càng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tính trung bình trong giai đoạn 2010 – 2021, bình quân mỗi năm có trên 100 nghìn doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng ký hàng năm đạt trên 500 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2018 – 2022, mỗi năm có hơn 130 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập mới với số vốn mới đạt trên 150 nghìn tỷ đồng. Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã hình thành và phát triển một số doanh nghiệp khu vực tư nhân có quy mô lớn, đang từng bước kinh doanh đa ngành và trở thành những doanh nghiệp lớn, quan trọng trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã và đang đầu tư ra nước ngoài, đạt được thành công và tạo dựng thương hiệu riêng.
Từ việc triển khai các chính sách cũng như thực tế phát triển kinh tế tư nhân ở Trung Quốc thời gian qua, có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam như sau:
Một là, thống nhất nhận thức về kinh tế tư nhân và vai trò của thành phần kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân; Đảng và Chính phủ Việt Nam cần phải khẳng định tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong các văn bản, nghị quyết và pháp luật nhằm thay đổi nhận thức của người dân đối với kinh tế tư nhân, qua đó thấy rõ đây là bộ phận kinh tế năng động, tích cực và là động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.
Hai là, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục đổi mới cải thiện môi trường kinh doanh và sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường; mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực.
Ba là, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, phát huy những ưu điểm, thế mạnh của khu vực kinh tế tư nhân, hạn chế các tác động tiêu cực của kinh tế thị trường,
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân; nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp đối với kinh tế tư nhân. Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân không ngừng được hoàn thiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân phát triển thông qua hoàn thiện các chính sách thuế, công nghệ, thủ tục hành chính công.
Chính vì vậy, thực hiện đúng định hướng của Đảng để kinh tế tư nhân ở Việt Nam thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế đòi hỏi cần phải tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức và tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Sau hơn 40 cải cách mở cửa, kinh tế tư nhân ở Trung Quốc có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng, trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế nước này thời gian qua là do Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận sự tồn tại của thành phần kinh tế tư nhân và ban hành nhiều chủ trương chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế ngoài quốc doanh này. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của khu vực kinh tế tư nhân ở Trung Quốc trong những năm qua dẫn đến sự xuất hiện của các tập đoàn kinh tế ngoài quốc doanh khổng lồ với sức ảnh hưởng lớn đã khiến chính quyền Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đã khiến niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân – động lực chính của phát triển kinh tế Trung Quốc hiện nay suy giảm, từ đó kéo theo động lực tăng trưởng bị giảm theo. Bên cạnh đó, sự biến đổi khôn lường của các diễn biến địa chính trị, địa kinh tế trên thế giới đã khiến nền kinh tế Trung Quốc lao dốc và buộc các nhà lãnh đạo nước này phải thay đổi tư duy chiến lược cũng như chính sách nhằm hỗ trợ kinh tế tư nhân lấy lại đà phát triển mạnh mẽ để một lần nữa đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành “động lực xương sống” cho sự phục hồi kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế tư nhân ở Trung Quốc rõ ràng vẫn phải nằm trong “khuôn khổ” và liệu rằng các chính sách này có phát huy hiệu quả giúp lấy lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế Trung Quốc và một lần nữa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Trung Quốc hay không không phải chuyện “một sớm, một chiều”.
Tác giả: Nguyên Long
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. Lester Ross và Kenneth Zhou, China Issues New Policy to Boost Private Economy, 11/8/2023, Wilmerhale, https://www.wilmerhale.com/insights/client-alerts/20230811-china-issues-new-policy-to-boost-private-economy
2. Bloomberg, China to Set Up New Agency to Promote Private Sector Growth, 04/9/2023, https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-09-04/china-to-set-up-new-agency-to-promote-growth-in-private-sector
3. Ella Cao & Kevin Yao, China to increase support for private firms to bolster recovery, 19/7/2023, Reuters, https://www.reuters.com/markets/asia/china-increase-support-private-companies-bolster-economy-2023-07-19/
4. Raffaele Huang, China Creates Government Body to Support Private Sector, 04/9/2023, The Wall Street Journal, https://www.wsj.com/world/china/china-creates-government-body-to-support-private-sector-cb21a548
5. Juliana Liu và Wayne Chang, China vows to support private businesses in bid to boost economic growth, 20/7/2023, CNN, https://edition.cnn.com/2023/07/20/economy/china-economy-private-business-hnk-intl/index.html
6. Jane Cai, China has a 31-point plan for private sector to kick-start economy. But are bruised business owners buying it?, 09/8/2023, South China Morning Post, https://www.scmp.com/news/china/politics/article/3229706/china-has-31-point-plan-private-sector-kick-start-economy-are-bruised-business-owners-buying-it
7. Swati Mittal, China to set up new agency to promote private sector growth, 13/10/2023, The Economic Times, https://economictimes.indiatimes.com/news/international/world-news/china-to-set-up-new-agency-to-promote-private-sector-growth/articleshow/103368421.cms?from=mdr
8. Hồ Đức Thành và Trần Đức Anh, Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, nguyên nhân, dự báo và tác động lên kinh tế Việt Nam, 10/8/2023, KB Secirities Vietnam, https://www.kbsec.com.vn/pic/Service/Kinh_te_Trung_Quoc.pdf
9. Zhang Hongpei, China sets up a bureau for private economy, 04/9/2023, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202309/1297540.shtml
10. Global Times, China issues guideline to spur growth of private economy with concrete measures, 19/7/2023, https://www.globaltimes.cn/page/202307/1294676.shtml
11. Ouyang Shijia, China unveils guidance for supporting private sector, 19/7/2023, China Daily, https://www.chinadaily.com.cn/a/202307/19/WS64b7cb12a31035260b817580.html
12. Zichen Wang, Jia Yuxuan, Zhuoning và cộng sự, New Top Document Promoting China’s Private Economy, 20/7/2023, Pekingnology, https://www.pekingnology.com/p/new-top-document-promoting-chinas
13. Stephan Haggard và Yasheng Huang (2008), The Political Economy of Private-Sector Development in China, China’s Great Economic Transformation, Cambridge University Press, tr. 337 – 374, https://www.shareweb.ch/site/DDLGN/Documents/Chapter%2010%20%20The%20Political%20Economy%20of%20Private%20Sector%20Development%20in%20China.pdf
14. Tianlei Huang và Nicholas R. Lardy, China’s support for the private sector is only lip service so far, 07/2/2023, Peterson Institute for International Economics, https://www.piie.com/blogs/realtime-economics/chinas-support-private-sector-only-lip-service-so-far
15. Nicholas Lardy (2016), The Changing Role of the Private Sector in China, RBA Annual Conference. https://www.rba.gov.au/publications/confs/2016/lardy.html
16. Ding Rui, China Sets Up Bureau to Support Private Sector, 05/9/2023, Sixthtone, https://www.sixthtone.com/news/1013664
17. The Manila Times, Beijing to set up bureau for private economy, 06/9/2023, https://www.manilatimes.net/2023/09/06/business/foreign-business/beijing-to-set-up-bureau-for-private-economy/1908695
18. Nguyễn Văn Thành và Trần Kim Chung, Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, 18/4/2023, Tạp chí Cộng sản, https://tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-van-de-ly-luan-thuc-tien-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-o-viet-nam
19. Hind El Atmani (2022), The policies issued especially for the private sector economy in China since 1982 till 2022, https://www.academia.edu/76363440/The_policies_issued_especially_for_the_private_sector_economy_in_China_since_1982_till_2022?f_ri=85034
20. Scott Kennedy, Logan Wright, John L. Holden và Claire Reade, China’s Economic Slowdown: Causes and Implications, 30/8/2023, Center for Strategic and International Studies, https://www.csis.org/analysis/experts-react-chinas-economic-slowdown-causes-and-implications