Đông Nam Á được hợp thành bởi hai bộ phận: Đông Nam Á hải đảo và Đông Nam Á lục địa. Trong đó, năm quốc gia Đông Nam Á lục địa gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, và Việt Nam tạo nên tiểu vùng sông Mê Kông.
Là con sông dài nhất Đông Nam Á, dài thứ 7 châu Á và dài thứ 12 thế giới, Mê Kông chảy qua 6 quốc gia gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Lưu vực sông Mê Kông là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất trên thế giới, cung cấp sinh kế cho khoảng 66 triệu người, 10% tổng dân số ASEAN, bao gồm “hầu hết dân số Lào và Campuchia, một phần ba dân số của Thái Lan và một phần năm dân số Việt Nam” [1]. Sông Mê Kông cung cấp nguồn thực phẩm, nước tưới tiêu cho cây trồng và là tuyến đường vận chuyển hàng hóa và con người [2]. Ngoài ra, tiểu vùng sông Mê Kông còn có vị trí địa lý đặc biệt, là nơi kết nối khu vực ASEAN với hai nền văn hóa – kinh tế lớn nhất thế giới: Trung Quốc và Ấn Độ.
Sông Mê Kông hiện nay là nơi hội tụ của hơn 15 cơ chế hợp tác [3]. Trong đó, một số cơ chế hợp tác có sự tham gia của một số hoặc tất cả các quốc gia sông Mê Kông và một số cơ chế hợp tác khác liên quan đến các quốc gia bên ngoài khu vực. Có thể thấy, phần lớn các cơ chế tại tiểu vùng sông Mê Kông được thiết kế và thực hiện một cách phụ thuộc vào các chính sách từ bên ngoài, chủ yếu là các nước lớn. Trong hợp tác với các nước lớn ngoài khu vực, “Hợp tác Mê Kông – Lan Thương” (MLC) là một cơ chế tiêu biểu với sự tham gia của Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, và Việt Nam. Các nền tảng hợp tác thể hiện rằng tiểu vùng Mê Kông có mối quan tâm kinh tế và địa chiến lược đáng kể đối với nhiều cường quốc ngoài khu vực [2].
Mặc dù có tiềm năng về kinh tế – xã hội to lớn tại tiểu vùng sông Mê Kông, vấn đề Mê Kông dường như đang bị “lãng quên” trong ASEAN khi Hiệp hội này khiến các cơ chế hợp tác ở tiểu vùng chịu sự kiểm soát chặt chẽ của các cường quốc [4]. Điều này được phản ánh qua sự tiến triển chậm chạp của nền tảng “Hợp tác phát triển lưu vực sông Mê Kông ASEAN” (AMBDC), được thành lập vào năm 1996. Nhóm này có sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm mục đích tăng cường hợp tác kinh tế và xã hội trong khu vực [2].
Các cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông trong ASEAN
Hợp tác AMBDC do Malaysia đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 1995, và chính thức được thành lập năm 1996 với 10 nước ASEAN nhằm tăng cường kết nối và liên kết kinh tế giữa các nước ASEAN hải đảo và ASEAN lục địa. Đây cũng là sáng kiến nhằm gắn kết ASEAN với hợp tác GMS. Hợp tác AMBDC tập trung trên 9 lĩnh vực: giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, thương mại – đầu tư, nông nghiệp, môi trường, du lịch, y tế, phát triển nguồn nhân lực. AMBDC bao gồm một hành lang đường sắt từ Singapore đến Côn Minh, Vân Nam – băng qua Bán đảo Malaysia, Thái Lan và CHDCND Lào, đồng thời phân nhánh sang Campuchia và Myanmar – là trục chính. Chương trình này được coi là công cụ phát triển lưu vực sông Mê Kông, và là diễn đàn đối thoại chính sách giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm tăng cường phát triển kinh tế, hợp tác và giảm nghèo ở tiểu vùng [5].
Tuy nhiên, AMBDC đã không đạt được những tiến triển đáng kể. Tính đến năm 2019, tuyến đường sắt Singapore – Côn Minh phần lớn vẫn chưa hoàn thiện mặc dù ý tưởng này đã xuất hiện hơn hai thập kỷ trước. Điều này nói lên một mâu thuẫn rằng, với tư cách là tổ chức khu vực của Đông Nam Á, ASEAN lại không quan tâm nhiều đến tiểu vùng sông Mê Kông so với các nước bên ngoài khu vực. Ví dụ, MLC được cho là đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm gần đây, hơn hẳn những gì ASEAN đã đạt được trong vài thập kỷ ở tiểu vùng Mê Kông thông qua AMBDC [2].
Mặt khác, một số cơ chế về hợp tác kinh tế, cơ sở hạ tầng có sự tham gia của các nước ASEAN hải đảo đã giúp ASEAN đạt được một số thành tựu nhất định và giảm bớt khoảng cách về trình độ phát triển trong khu vực. Trong đó, nổi bật là “Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng” (PBG) thành lập năm 2006 gồm Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam (Trung Quốc), Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Brunei. Khu vực hợp tác PBG là một chương trình hợp tác tiểu vùng trong khuôn khổ ASEAN – Trung Quốc nhằm mục đích nâng cấp các ngành công nghiệp, cải thiện giao thông vận tải và hậu cần, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch trong khu vực. Hơn nữa, cơ chế này còn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và ASEAN. Kết nối cơ sở hạ tầng đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các nước trong khu vực, đặc biệt là “Hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore” (NSEC). Hành lang này đã đóng góp vào việc thúc đẩy dòng vốn tại các quốc gia kém phát triển trong tiểu vùng sông Mê Kông, đặc biệt là Campuchia, Lào, Myanmar, và Việt Nam (CLMV) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực [6].
Đến năm 2020, khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, vấn đề bị “lãng quên” này lại được khơi dậy thông qua “Diễn đàn ASEAN về Phát triển tiểu vùng: Hội tụ hợp tác tiểu vùng Mê Kông với các mục tiêu của ASEAN”. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Nhóm Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN của Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, Diễn đàn là hoạt động đầu tiên của ASEAN bàn về quá trình phát triển của tiểu vùng, đặc biệt là tiểu vùng Mê Kông [7].
“ASEAN đang vươn lên và đóng vai trò trung tâm quan trọng của khu vực. Do vậy, ASEAN không thể bỏ qua các tiểu vùng trong khu vực của mình; đồng thời mong muốn gắn kết các chương trình phát triển của tiểu vùng Mê Kông với các chương trình, kế hoạch phát triển của ASEAN. Diễn đàn được tổ chức nhằm bàn thảo các biện pháp, cách thức tạo sự hài hòa, gắn kết các chương trình phát triển của tiểu vùng Mê Kông với ASEAN cũng như các tiểu vùng khác. Từ đó đóng góp vào mục tiêu chung là thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vững mạnh, sánh vai với các khu vực khác trên thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết [7].
Bên cạnh đó, các vấn đề về môi trường, ô nhiễm, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực ngày một gia tăng càng đòi hỏi khu vực ASEAN cần thúc đẩy hợp tác, kết nối cả các quốc gia lục địa và hải đảo. Điều kiện thủy văn của sông Mê Kông thay đổi với tình trạng hạn hán, lũ lụt khó lường, trầm tích sông suy giảm đã tàn phá sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp nội địa. Vào tháng 12/2020, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia thông báo rằng sản lượng đánh bắt cá nước ngọt của một số ngư dân được cấp phép của nước này đã giảm 31% so với năm 2019 [8]. Trong khi đó, đầu năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam hứng chịu đợt hạn hán và xâm nhập mặn tồi tệ nhất, ảnh hưởng đến 42,5% diện tích đất liền, tương đương 1.688.600 ha, tăng mạnh so với 50.376 ha của năm 2016 [9].
Theo Báo cáo Khảo sát Tình hình Đông Nam Á: Năm 2021 của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN của ISEAS – Viện Yusof Ishak, nhiều người Đông Nam Á lo ngại về các vấn đề môi trường của sông Mê Kông và tác động của chúng đối với an ninh lương thực khu vực. Có 72,2% trong số 1.032 người tham gia khảo sát đồng ý rằng ASEAN nên đưa vấn đề sông Mê Kông vào chương trình nghị sự. Tâm lý này không chỉ thể hiện rõ rệt ở các quốc gia ven sông hạ nguồn, cụ thể là Việt Nam (92,6%), Thái Lan (87,8%) và Campuchia (73%), mà còn ở các quốc gia Đông Nam Á hải đảo như Singapore (74%), Malaysia (67,5%), và Philippines (67,2%) [10]. Kết quả khảo sát chứng minh rằng những thách thức về an ninh lương thực ở lưu vực sông Mê Kông là nguyên nhân gây lo ngại cho toàn khu vực vì các quốc gia thuộc tiểu vùng Mê Kông nằm trong số những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, bao gồm cả các quốc gia ASEAN hải đảo.
Sau tình trạng ô nhiễm khói mù nguy hiểm bao phủ vùng biển Đông Nam Á trong nhiều tháng vào năm 1997, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về khói mù đã được thành lập, theo đó, sương mù xuyên biên giới là vấn đề hàng đầu dưới một cơ quan bộ trưởng chuyên trách của ASEAN [11]. Việc ký kết Hiệp định ASEAN về “Ô nhiễm khói mù xuyên biên giới” (AATHP) vào năm 2002 [12] là minh chứng cho những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của các quốc gia bị ảnh hưởng trong việc tận dụng các khuôn khổ ASEAN để giải quyết vấn đề khói mù xuyên biên giới. Những nỗ lực đó là do các quốc gia này nhận ra rằng cần có cách tiếp cận đa phương của ASEAN thay cho đòn bẩy ở cấp độ trong nước còn hạn chế để chống lại ô nhiễm xuyên biên giới và nhu cầu chia sẻ gánh nặng trong các hành động giảm nhẹ [13].
Với tiền lệ về việc lồng ghép vấn đề khói mù vào chương trình nghị sự toàn khu vực, việc xếp cuộc khủng hoảng môi trường ở sông Mê Kông vào một phạm trù tiểu vùng là không hợp lý. Các quốc gia lục địa ASEAN đã hưởng ứng lời kêu gọi này với các thành viên ASEAN hải đảo về việc thúc đẩy mang tính khu vực hơn về vấn đề Mê Kông như đối với vấn đề khói mù trước đó. Myanmar, Thái Lan và Việt Nam cùng với Singapore, Malaysia và Brunei đã sớm phê chuẩn AATHP để hiệp định này có hiệu lực vào tháng 11/2003. Do tính cấp bách của thảm họa sắp xảy ra ở hệ sinh thái Mê Kông, đã đến lúc các thành viên hải đảo của ASEAN phải xem xét lại cách tiếp cận của họ khi các “đối tác” ASEAN lục địa đang lâm vào khủng hoảng môi trường [14].
Đánh giá
Có thể nói, các cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của khu vực, tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho chính phủ các nước tiểu vùng thực hiện kết nối hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, đây còn là diễn đàn đề các nước tiểu vùng xây dựng lòng tin, tăng cường đối thoại và cùng nhau xử lý các thách thức chung trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên mà nỗ lực riêng lẻ của từng nước hoặc hợp tác song phương không thể giải quyết được. Thông qua các chương trình, dự án cụ thể, việc hợp tác cũng đóng góp thiết thực cho kết nối tiểu vùng, thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế của các nước tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong tiểu vùng.
Nhìn chung, các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Kông với các nước bên ngoài khu vực Đông Nam Á được tăng cường hơn cả. Tuy nhiên một số cơ chế, dự án hợp tác giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN vẫn đem lại những tác động tích cực đối với tiểu vùng nói riêng và cả khu vực nói chung. “Hợp tác phát triển lưu vực sông Mê Kông ASEAN” (AMBDC) đã thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ASEAN với Trung Quốc, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển trong các quốc gia thành viên, đồng thời xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa khu vực với Trung Quốc.
Ngoài ra, “Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng” (PBG) tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, v.v. cũng góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân tại tiểu vùng Mê Kông và cả khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, xây dựng các tuyến đường xuyên biên giới nhằm phục vụ cho hoạt động giao thương và chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia thành viên trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Hơn nữa, việc hợp tác của tất cả các thành viên ASEAN trong vấn đề Mê Kông cũng giúp giải quyết các vấn đề về an ninh phi truyền thống, ô nhiễm nguồn nước, v.v. ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt tạo không gian chiến lược cho các nước thành viên hợp tác trong các vấn đề liên quan đến sông Mê Kông. Hiện nay, về mặt an ninh địa lý, lưu vực sông Mê Kông đang phải đối mặt với một số vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường, tội phạm xuyên quốc gia, v.v. Do các vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính chất xuyên biên giới tạo nên những tiềm ẩn có tác động tiêu cực đối với các nước ASEAN không thuộc lưu vực sông Mê Kông. Vì vậy, cần có cách tiếp cận toàn khu vực để có giải pháp toàn diện, cần nhấn mạnh rằng an ninh phi truyền thống là một trong những vấn đề được quan tâm trong Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN (APSC). Tóm lại, sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong khu vực nhằm đạt được một chiến lược chung vì lợi ích hợp tác và an ninh toàn diện là điều cần thiết [4].
Bên cạnh những thành tựu đạt được, các cơ chế hợp tác tiểu vùng vẫn còn một số hạn chế đáng kể. Thứ nhất, thương mại được coi là lĩnh vực hợp tác quan trọng trong tiểu vùng nói riêng cũng như trong khu vực nói chung, tuy nhiên số lượng các dự án hợp tác trong lĩnh vực thương mại vẫn còn khá ít. Các chính sách, quy định quản lý cửa khẩu, các quy định hệ thống kiểm dịch động thực vật (SPS), thương mại điện tử của các nước tiểu vùng còn nhiều khác biệt, gây khó khăn cho việc hài hòa các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại chung.
Thứ hai, sự khác biệt về trình độ và khoảng cách phát triển giữa khối Đông Nam Á lục địa và hải đảo cũng là một thách thức không nhỏ nếu ASEAN hải đảo không tìm được lợi ích của mình khi hợp tác với các quốc gia lưu vực sông thì khó mà để họ chủ động hợp tác với các nước kém phát triển hơn.
Thứ ba, việc can thiệp và chi phối vấn đề Mê Kông của các nước lớn tại tiểu vùng ở Đông Nam Á cũng ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, gây chia rẽ tiểu vùng, làm phức tạp tình hình an ninh khu vực. Điều này tác động sâu sắc đến vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực cần được bảo vệ trước sự tranh chấp của một số bên tham gia bên ngoài trong tiểu vùng Mê Kông. ASEAN nên đặt mục tiêu trở thành “trung tâm” trong tiểu vùng sông Mê Kông. Nếu ASEAN không nỗ lực hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển của tiểu vùng sông Mê Kông, ASEAN sẽ đánh mất vai trò này so với các nước khác như Trung Quốc và Nhật Bản. Do đó, sự chia rẽ tưởng chừng như vô hình nhưng hiện hữu giữa Đông Nam Á đất liền và hải đảo sẽ ngày càng mở rộng. Việc tiểu vùng Mê Kông coi lợi ích và giá trị của mình với tư cách là một tổ chức khu vực vì lợi ích lâu dài của ASEAN thay vì chỉ có 5 quốc gia trong tiểu vùng là cần thiết và nên được tăng cường hợp tác khu vực hơn nữa trong tương lai [2].
ASEAN cần làm gì?
Để tăng cường sự phù hợp và giá trị gia tăng của ASEAN đối với tiểu vùng sông Mê Kông, ASEAN cần tiến hành nghiên cứu chuyên sâu để xác định những “lỗ hổng” trong các cơ chế hợp tác hiện có với sự tham gia của các nước sông Mê Kông. Khi đó, ASEAN nên nỗ lực lấp đầy những khoảng trống đó để đảm bảo rằng các nước Đông Nam Á lục địa nhìn thấy vai trò quan trọng mà ASEAN có thể đóng góp trong tiểu vùng sông Mê Kông. Ngoài ra, trong bối cảnh có nhiều khuôn khổ hợp tác khác nhau ở tiểu vùng sông Mê Kông, ASEAN cần tìm cách tăng cường sự phối hợp và cải thiện tính cạnh tranh giữa các cơ chế này.
Sẽ là điều khôn ngoan nếu tận dụng tốt nhất các cơ chế hiện có và trẻ hóa AMBDC thay vì tạo ra một cơ chế hợp tác mới. Sự tham gia của Trung Quốc vào AMBDC cũng nên được coi là một lợi ích chứ không phải là một mối nguy hại vì điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến với Trung Quốc vì nguồn của sông Mê Kông là ở Trung Quốc [2].
Lào là Chủ tịch ASEAN năm 2024. Trước đó, vào tháng 4/2023, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith đã chủ trì Hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) lần thứ 4 với chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Kông” đã diễn ra thành công tốt đẹp với thông điệp đẩy mạnh hợp tác kết nối kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh; khuyến khích thương mại biên giới và phát huy hệ thống cửa khẩu trên đất liền, v.v [15].
Tháng 11/2023 vừa qua, nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith đã thăm Việt Nam và đồng chủ trì kỳ họp Tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Lào lần thứ 10. Tại đây, hai bên nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Kông; ủng hộ lập trường chung của ASEAN về các vấn đề chiến lược ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự chuẩn bị chủ động của Lào cho năm Chủ tịch ASEAN 2024 và nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công nhiệm vụ quan trọng này [16].
Có thể thấy từ nay đến năm 2025, các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng sông Mê Kông sẽ đón nhận không ít thách thức. Trước tình hình đó, các cơ chế tiểu vùng và khu vực sẽ phải liên tục đổi mới, tự hoàn thiện, triển khai các nội dung hợp tác phù hợp với từng tình hình cụ thể. Để tiểu vùng thực sự phát triển bền vững trong thời gian tới, hợp tác đảm bảo an ninh nguồn nước, tiếp tục kết nối cơ sở hạ tầng giữa các quốc gia thành viên, góp phần hoàn thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 cần phải là những trọng tâm quan trọng được các cơ chế hợp tác tại khu vực quan tâm đẩy mạnh.
Một số khuyến nghị dành cho Việt Nam
Trong bức tranh toàn cảnh khu vực, những năm gần đây đã chứng kiến sự quan tâm ngày càng tăng của các cường quốc trong khu vực. Việc nâng cấp các cơ chế hợp tác liên quan đến tiểu vùng sông Mê Kông sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới các chiến lược lớn như Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Hành động hướng Đông, Chính sách hướng Nam mới, v.v. Việc các nước khác ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cho thấy ASEAN cần tận dụng triệt để cái gọi là xu hướng lớn này.
Đối với Việt Nam, khu vực Mê Kông có tầm quan trọng về địa chiến lược, liên quan trực tiếp đến an ninh và phát triển của đất nước. Cùng với Biển Đông, sông Mê Kông đóng vai trò là không gian sinh tồn và phát triển của Việt Nam, gắn với lợi ích chính đáng của quốc gia trong bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế, ổn định an ninh xã hội. Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống ở khu vực này đang tác động trực tiếp và sâu sắc đến sinh kế của hàng chục triệu người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiểu vùng sông Mê Kông, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực tham gia vào tất cả các cơ chế hợp tác liên quan đến tiểu vùng. Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng dưới nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo; xây dựng các văn bản quan trọng; thúc đẩy các sáng kiến và hỗ trợ tài chính cho các nước trong tiểu vùng. Tại Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông lần thứ 4 vừa qua, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã có sự đóng góp rất tích cực, chủ động, hiệu quả, thể hiện Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm ở khu vực cũng như trong cộng đồng quốc tế, chung tay đóng góp để Mê Kông mãi là dòng chảy của hòa bình, thịnh vượng và phát triển, như nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam khẳng định mạnh mẽ tại diễn đàn quan trọng này: sông Mê Kông quanh co, uốn khúc nhưng thái độ của Việt Nam đối với dòng sông sẽ luôn rõ ràng, minh bạch, tất cả vì môi trường sinh thái của dòng sông, vì lợi ích chung của cộng đồng cư dân sống quanh lưu vực, vì trách nhiệm với thế hệ tương lai [15].
Trong tương lai, Việt Nam nên tiếp tục tham gia tích cực, chủ động và phát huy vai trò của mình nhiều hơn trong các cơ chế hợp tác. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chủ động phối hợp, vận động các nước trong tiểu vùng đạt được sự đồng thuận trong việc quy hoạch phát triển tiểu vùng, cũng như đoàn kết để tranh thủ và đấu tranh khi cần thiết với các đối tác bên ngoài.
Tiếp đó, Việt Nam nên chú trọng vào các lĩnh vực hợp tác mà Việt Nam có thể phát huy lợi ích và lợi thế. Việt Nam cần có chiến lược tổng thể cho việc tham gia vào các cơ chế tiểu vùng cũng khu khu vực, xác định rõ trọng tâm, tập trung và phân bổ nhân lực cần thiết để việc tham gia đạt được kết quả tối ưu thay vì theo đuổi nhiều cơ chế khác nhau nhưng lại thiếu hiệu quả.
Ngoài ra, việc lồng ghép hợp tác Mê Kông vào các cơ chế hợp tác của ASEAN, các diễn đàn, chương trình hợp tác song phương là một biện pháp cần được thực hiện liên tục. Việt Nam có thể thúc đẩy đưa vấn để sử dụng nguồn nước vào chương trình nghị sự của ASEAN để thành lập một Ủy ban về sử dụng nguồn nước tại sông Mê Kông, dựa trên mô hình trước đây trong ASEAN về Ủy ban hợp tác chống cháy rừng và khói mù xuyên biên giới giữa 4 thành viên Malaysia, Singapore, Indonesia, và Thái Lan.
Việt Nam, quốc gia nằm ở cuối hạ lưu sông Mê Kông, đã và đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các hoạt động khai thác từ các nước ở thượng nguồn nên việc chủ động và tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác liên quan tại tiểu vùng là rất cấp thiết. Việc trở thành thành viên tích cực trong các cơ chế là cơ hội để Việt Nam tranh thủ triển khai các nội dung hợp tác phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường hợp tác song phương, đa phương trong và ngoài tiểu vùng, vừa có thể sử dụng các diễn đàn khác nhau để đấu tranh, bảo vệ các lợi ích của Việt Nam trong khu vực. Chính vì vậy, một chính sách xác đáng, các biện pháp khéo léo nhằm tranh thủ sự trợ giúp về vốn, kỹ thuật từ các dự án hợp tác, tuyên truyền và đấu tranh bảo vệ lợi ích của các nước hạ nguồn sông Mê Kông là rất cần thiết để Việt Nam tiếp tục phát triển, bảo đảm an ninh, đồng thời nâng cao vị thế và vai trò của mình trong khu vực và trên thế giới./.
Tác giả: Nguyệt Hằng
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Eyler, B. (2019). Last Days of the Mighty Mê Kông. London: Zed Books Ltd. P. 1-20.
[2] Shawn Ho & Kaewkamol Pitakdumrongkit (2019). Can ASEAN Play a Greater Role in the Mê Kông Subregion? The Diplomat. https://thediplomat.com/2019/01/can-asean-play-a-greater-role-in-the-MêKông-subregion/
[3] Tô Minh Thu & Lê Đình Tình (2019). Vietnam and Mê Kông Cooperative Mechanisms. In: Southeast Asian Affairs 2019. Singapore: ISEAS–Yusof Ishak Institute. P. 395–411.
[4] Vu Thi T.N (2022). The Mê Kông issue on ASEAN’s agenda and Vietnam’s middle-power diplomacy. Russian Journal of Vietnamese Studies.
[5] Nguyen, A.D., T.H. Duong and T.T. Vo (2020), ‘Mê Kông Subregion: Development and Cooperation Status’, in Kimura, Fukunari (ed.), Subregional Development Strategy in ASEAN after COVID-19: Inclusiveness and Sustainability in the Mê Kông Subregion (Mê Kông 2030). Jakarta: ERIA, pp.BP1–BP23. https://www.eria.org/uploads/media/Books/2020-Subregional-Development-ASEAN-after-COVID19-Mê Kông/07_MSR-Development-and-Cooperation-Status.pdf
[6] Vannarith Chheang, Sub-regional cooperation in East Asia: Present and Future. Cambodian Institute for Cooperation and Peace. https://cicp.org.kh/wp-content/uploads/2021/02/CICP-Working-Paper-No_-52_Sub-regional-cooperation-in-East-Asia-Present-and-Future-by-Chheang-Vannarith.pdf
[7] Thu Phương & Việt Đức, “Gắn kết tiểu vùng Mê Kông với các chương trình, kế hoạch phát triển của ASEAN”, Báo Tin tức, ngày 14/7/2020. https://baotintuc.vn/thoi-su/gan-ket-tieu-vung-MêKông-voi-cac-chuong-trinh-ke-hoach-phat-trien-cua-asean-20200714194834871.htm
[8] “Cambodia’s Tonle Sap shows what’s at stake in the Mê Kông’s dam-fueled decline”, ASEAN Today, 28/12/2020. https://www.aseantoday.com/2020/12/cambodias-tonle-sap-shows-whats-at-stake-in-the-Mê Kôngs-dam-fueled-decline.
[9] Thanh Phong, “Đợt hạn, mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử ĐBSCL”, Nhân Dân Điện tử, 20/06/2020. https://nhandan.com.vn/chuyen-lam-an/dot-han-man-nghiem-trong-nhat-trong-lich-su-dbscl-475180.
[10] Seah, S. et al., The State of Southeast Asia: 2021 (Singapore: ISEAS – Yusof Ishak Institute). /wp-content/uploads/2021/01/The-State-of-SEA-2021-v2.pdf.
[11] Heilmann, D., “After Indonesia’s Ratification: The ASEAN Agreement on Transboundary Haze Pollution and its Effectiveness As a Regional Environmental Governance Tool”, Journal of Current Southeast Asian Affairs, 34, 3, p. 101, (2015). https://journals.sagepub.com/doi/pdf/10.1177/186810341503400304.
[12] ASEAN Agreement on Transboundary Haze Pollution. https://haze.asean.org/asean-agreement-on-transboundary-haze-pollution.
[13] Paruedee Nguitragool (2011). “Environmental cooperation in Southeast Asia : ASEAN’s regime for transboundary haze pollution”. Routledge. P. 66.
[14] Hoang Thi Ha & Farah Nadine Seth (2021). “The Mê Kông River Ecosystem in Crisis: ASEAN Cannot be a Bystander”. ISEAS. https://www.iseas.edu.sg/articles-commentaries/iseas-perspective/2021-69-the-Mê Kông-river-ecosystem-in-crisis-asean-cannot-be-a-bystander-by-hoang-thi-ha-and-farah-nadine-seth/
[15] Hà Thanh Giang, “Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông quốc tế lần thứ 4: Vì một dòng chảy của hòa bình, thịnh vượng”, Báo Nhân dân, ngày 06/04/2023. https://nhandan.vn/hoi-nghi-cap-cao-uy-hoi-song-Mê Kông-quoc-te-lan-thu-4-vi-mot-dong-chay-cua-hoa-binh-thinh-vuong-post746465.html
[16] BNG, “Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công năm Chủ tịch ASEAN 2024”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 22/11/2023. https://baochinhphu.vn/viet-nam-san-sang-ho-tro-lao-dam-nhiem-thanh-cong-nam-chu-tich-asean-2024-102231122175635328.htm