Hơn 7 tháng kể từ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra, cộng đồng chuyên gia và những độc giả quan tâm đến lĩnh vực quốc phòng – an ninh bắt đầu có những nhìn nhận sâu sắc hơn về các vấn đề quân sự trong cuộc chiến này. Một trong số đó là vai trò của các hệ thống trinh sát dẫn đường. Liệu rằng các hệ thống trinh sát – dẫn đường, đặc biệt là hệ thống tác chiến điện tử, thực sự có vai trò mạnh mẽ và đáng sợ (ví dụ như hệ thống Krakushka[1] của Nga) hay các hệ thống này chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi có hệ thống tình báo mạnh mẽ hỗ trợ (đối với trường hợp của Ukraine) ?
So sánh hệ thống trinh sát – dẫn đường, tình báo và thông tin của Nga và Ukraine
Về mặt tổng quan, các hệ thống trinh sát – dẫn đường nói chung bao gồm ba thành phần chính: hệ thống trinh sát, hệ thống dẫn đường và hệ thống tác chiến điện tử. Các hệ thống trinh sát bao gồm các xe trinh sát chiến trường, các đơn vị trinh sát và các trạm phân tích, kiểm tra trinh sát. Các hệ thống dẫn đường chủ yếu bao gồm các bộ phận dẫn đường của các vũ khí, các radar và trạm kiểm soát dẫn đường. Còn các hệ thống điện tử thường bao gồm các hệ thống chặn – bắt tín hiệu, phá hoại tín hiệu và gây nhiễu, đánh lừa điện tử. Ngoài ra, các hệ thống này còn được bổ sung bởi các lực lượng tình báo và truyền thông nhằm tăng hiệu quả sử dụng lên tối đa.
Xét về các hệ thống trinh sát, cả Nga và Ukraine có sức mạnh có thể nói là tương đương nhau. Nga và Ukraine đều có những đơn vị trinh sát có nhiều kinh nghiệm thực chiến ở các chiến trường Donbass và Syria. Bổ trợ cho các đơn vị trinh sát này là các xe trinh sát với đủ các kiểu loại, ví dụ như các xe BRM-3K[2], GAZ Tigr[3] và các dòng xe quân sự mới của KrAZ[4]. Những chiếc xe này không chỉ có khả năng chở quân, mà còn có khả năng trinh sát tốt nhờ sự kết hợp giữa việc tích hợp công nghệ liên lạc và quan sát với độ cơ động cao và sự gọn nhẹ[5]. Và để hoàn thiện công tác trinh sát, cả hai bên cũng tích cực huy động các xe trạm phân tích và kiểm tra thông tin trinh sát. Nhưng hệ thống trinh sát mà Nga và Ukraine sử dụng sẽ không thể hoàn thiện nếu thiếu đi các UAV. Hai bên hiện nay đã đưa vào chiến đấu rất nhiều UAV với đủ các kích cỡ, điển hình như Orlan-10 của Nga và TB-2 Bayraktar. Các UAV này không những mở rộng tầm quan sát cho hai bên, mà còn giảm thiểu thiệt hại nhân sự khi không chứa người bên trong. Trong sự tương quan này, ưu thế tiêu biểu nhất của Nga là khả năng sản xuất của mình khi Nga có thể tự sản xuất các hệ thống trinh sát. Còn Ukraine lại có sự hỗ trợ tích cực của phương Tây khi phương Tây tích cực viện trợ các hệ thống trinh sát cho Ukraine[6].
Về phần hệ thống dẫn đường, thực tiễn chiến sự cho thấy Nga và Ukraine đã và đang tích cực sử dụng các loại vũ khí dẫn đường. Mặt trận vũ khí dẫn đường hiện nay là một đấu trường giữa Kalibr, Iskander với HARM[7], HIMARS. Trong đó, ngoài các hệ thống dẫn đường tự vận hành bên trong, còn có các hệ thống vệ tinh bay trên quỹ đạo hỗ trợ. Với ưu thế có hệ thống định vị riêng GLONASS, Nga dễ dàng sử dụng Kalibr và Iskander để tập kích vào các hệ thống tại hậu phương của Ukraine. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ vệ tinh từ cả Elon Musk lẫn chính phủ Mỹ, Ukraine dễ dàng tận dụng GPS trang bị cho HARM và HIMARS để tập kích, gây thiệt hại cho hậu cần quân sự Nga.
Xét về các hệ thống tác chiến điện tử, chiến tranh điện tử tại Ukraine gần như là một sân chơi độc diễn của Nga khi Nga có ưu thế tác chiến điện tử tuyệt đối so với cả Ukraine và phương Tây. Với kinh nghiệm gặt hái tại Donbass[8] và Syria[9], Nga đã nâng cấp cả về học thuyết, chiến thuật và trang bị tác chiến điện tử, gia tăng khả năng của Nga trên chiến trường. Và Nga đã sử dụng những kinh nghiệm trên để không những thu thập vị trí có giá trị của Ukraine, mà còn để tích cực gây nhiễu và thao túng tâm lý chính trị của phương Tây, thúc đẩy nhanh hơn sự thất bại của Ukraine. Tuy nhiên, hiện nay, Ukraine và phương Tây tuyên bố đã thu giữ được một số hệ thống tác chiến điện tử của Nga[10]. Điều này sẽ gây nên các khó khăn cho Nga khi phương Tây có thể tìm ra cách đối phó thông qua việc phân tích các công nghệ có trong các hệ thống này.
Khi nói đến cuộc chiến tình báo giữa Nga và Ukraine – NATO, đây là một chiến trường rất thú vị và gay cấn. Các cơ quan tình báo của cả Nga và Mỹ – Anh – Pháp đều là những lực lượng tình báo giàu kinh nghiệm, kĩ thuật và nhân lực. Vì thế, cuộc chiến hiện nay đang là một đấu trường quyết liệt và đầy khó khăn cho cả hai bên. Về phía Nga, FSB và SVR đang có ưu thế tại khu vực phía Đông và Nam Ukraine khi người dân ở đây đều là người nói tiếng Nga hoặc có tư tưởng, cảm tình thân Nga. Vì thế, Nga có thể dễ dàng nắm bắt tình hình tại các khu vực này, từ đó đưa ra các quyết định hợp lý và thậm chí dễ dàng phản gián. Tuy nhiên, NATO – đặc biệt là Mỹ và Anh đang tích cực hỗ trợ tình báo cho Ukraine thông qua tất cả các kênh[11]. Điều này có tác dụng rất cao khi phía Nga đang có ưu thế quá lớn so với Ukraine về lực lượng mật thám, chỉ điểm. Và hiệu quả của sự hỗ trợ này có khả năng bao gồm cả các vụ tập kích sân bay tại Crimea[12] – lãnh thổ đã nhập vào Nga từ 2014 và được Nga xem là “thánh địa”.
Trái với cuộc chiến của các hệ thống tác chiến điện tử – nơi mà Nga có ưu thế vượt trội và áp đảo, cuộc chiến tranh thông tin lại là nơi tràn ngập các thông tin và quan điểm của Ukraine và các lực lượng phương Tây và đồng minh. Với ưu thế nắm trong tay các hãng truyền thông lớn nhất toàn cầu và ảnh hưởng của quyền lực mềm[13], phương Tây dễ dàng lái dư luận theo hướng chống Nga và ủng hộ Ukraine. Điều này càng có tác dụng khi phong trào bài Nga cực đoan đang nổi lên mạnh mẽ ở các quốc gia phương Tây[14]. Do đó, Nga hiện đang bị bất lợi trong mặt trận này. Tuy nhiên, nước Nga chưa bao giờ là một quốc gia dễ bị đánh bại. Vì vậy, người Nga thay vì chủ động áp chế thông tin của phương Tây, họ lại để cho phương Tây đánh trước, sau đó họ tiến hành phản bác thông tin của phương Tây bằng các bài giải ẩn[15] (demystification) và tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia ngoài phương Tây – cũng là các quốc gia chủ yếu bỏ phiếu trắng và chống trong các nghị quyết chống Nga[16].
Sử dụng các hệ thống trinh sát dẫn đường trên thực địa
Trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, việc dẫn đường cho vũ khí diễn ra tuy rất phổ biến về cường độ sử dụng, nhưng các loại vũ khí có dẫn đường được sử dụng thì lại rất hạn chế. Nếu không xét đến các loại tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không và các loại đạn pháo thông minh như Krasnopol và sắp tới là Excalibur[17] vốn chủ yếu sử dụng hệ thống dẫn đường bằng laser hoặc tự vận hành, thì số lượng vũ khí dẫn đường mà cả hai bên thường xuyên sử dụng cũng không nhiều. Phía Nga chủ yếu sử dụng các loại tên lửa Kalibr và Iskander, và ưu tiên tấn công vào các vị trí chiến lược tại hậu phương Ukraine như trại lính, cơ sở sửa chữa, kho nhiên liệu, lương thực[18]. Đối với Nga, các vũ khí dẫn đường kiểu này có giá trị kinh tế cao, vì thế, việc sử dụng chúng trên chiến trường không hoàn toàn hữu ích khi nó chỉ có thể giải quyết một đơn vị quân sự đơn lẻ chứ không thể đánh mạnh vào hệ thống quân sự – chính trị – kinh tế. Như một hệ quả tất yếu, các quả tên lửa Kalibr và Iskander đã được Nga tích cực sử dụng để đánh quỵ cả một hệ thống của Ukraine và chúng rất hiệu quả. Về phía Ukraine, với Tochka-U và HIMARS trong tay, Ukraine dễ dàng đánh chính xác vào các vị trí của Nga mà họ muốn. Tuy nhiên, với tầm bắn hạn chế (không tính ATACMS), những vũ khí này không thể tấn công sâu vào vị trí của Nga. Vì vậy, phá hoại các tuyến hậu cần tiền phương là phương án khả dĩ hơn của Ukraine[19][20]. Và Tochka-U và HIMARS đang làm tốt việc này. Nhưng với số lượng còn lại tương đối ít, chúng không thể thay đổi được thế trận như kì vọng.
Về phần trinh sát chiến trường, Nga hiện vẫn có ưu thế lớn hơn so với Ukraine. Tuy kinh nghiệm chiến đấu của các đơn vị lính trinh sát của hai bên là tương đương nhau, Nga vẫn có ưu thế lớn hơn về số lượng cũng như chất lượng thiết bị trinh sát. Không chỉ có ưu thế áp đảo về số lượng xe trinh sát so với Ukraine, Nga còn có ưu thế rõ rệt với số lượng UAV cỡ nhỏ lớn hơn 3 đến 4 lần. Sự kết hợp giữa UAV, xe trinh sát và cả lính trinh sát đã cho Nga lợi thế nắm bắt tình hình trực tiếp nhanh và hiệu quả hơn so với Ukraine. Tuy nhiên, Nga vẫn không thể đè bẹp được Ukraine ở mảng này khi Ukraine được viện trợ các loại UAV do phương Tây sản xuất, điển hình là Switchblade và TB-2 Bayraktar.
Như đã đề cập phía trước, mặt trận tác chiến điện tử tại lãnh thổ Ukraine là một sân chơi độc diễn của Nga. Tại mặt trận này, Nga có ưu thế tuyệt đối so với cả NATO và Ukraine không chỉ về số lượng hệ thống tác chiến điện tử, độ bao phủ của các hệ thống mà cả kinh nghiệm và công nghệ tác chiến điện tử. Các hoạt động tác chiến điện tử phổ biến của phía Nga bao gồm: chặn – bắt các cuộc trao đổi thông tin giữa các đơn vị Ukraine, do thám và xâm nhập vào hệ thống liên lạc, phá sóng và chặn các hoạt động tác chiến điện tử của Ukraine và NATO. Với các hệ thống Krakushka, Leer và Murmansk-BN[21] trong tay, Nga đủ khả năng thiết lập một “vùng chết” điện tử rộng lớn nơi mọi tín hiệu đều bị nắm bắt tại khu vực Donbass. Những hoạt động này đã góp phần tạo nên các chiến thắng quân sự của Nga tại Luhansk và các cuộc phá hoại, tiêu hao sức mạnh của Ukraine. Mạnh mẽ, tinh vi và hiệu quả cao, nhưng các hoạt động này lại không hề được đăng tin quá rộng rãi hay rùm beng, rầm rộ như các hoạt động tại Syria trước đó[22]. Và tại Ukraine, các hệ thống tác chiến điện tử của Nga đã có thêm một chức năng – triệt hạ các UAV, và hiện các hệ thống này đang làm rất tốt[23].
Tại mặt trận tình báo và thông tin, nơi này đã thu hút sự quan tâm của không những cộng đồng quan tâm đến quốc phòng – an ninh mà còn cả những người xem vốn không quan tâm chủ đề liên quan đến chính trị. Các lực lượng tình báo giữa hai bên đang tích cực tiến hành những chiến dịch công khai và bí mật chống lại nhau. CIA – MI6 một mặt tích cực cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine, mặt khác tích cực hỗ trợ các lực lượng du kích thân Ukraine tại các khu vực quân Nga kiểm soát. Thêm vào đó, CIA và MI6 cũng tích cực tài trợ cho các lực lượng chống chính quyền tại Nga, để triệt hạ Nga nhiều nhất có thể. Các chiến dịch này cũng không loại trừ các hoạt động ám sát và thủ tiêu[24]. Các cơ quan tình báo SVR-FSB-GRU cũng đã và đang tiến hành các chiến dịch tình báo tương tự, tuy nhiên, các cơ quan tình báo của Nga còn có thêm công tác phản gián và bảo vệ các nhân vật Ukraine thân Nga quan trọng. Hiệu quả của tình báo hai bên hiện nay là tương đối rõ khi Nga hoàn toàn nắm bắt được các đường viện trợ vũ khí của NATO, cũng như dự báo được tương đối tốt các nước đi của Ukraine, và các vị trí trọng yếu có thể bị bắn hạ. Còn tình báo Ukraine – NATO đã thành công ám sát một số nhân vật thân Nga và thậm chí là thành công gây rối Nga tại Crimea[25] và suýt ám sát được một nhân vật thân chính quyền Nga nổi tiếng – Aleksandr Dugin[26].
Nhưng cuộc chiến tình báo – thông tin không chỉ có thế. Internet giờ đây cũng trở thành chiến trường khi nhóm hacker Anonymous đã tuyên chiến với Nga[27] và hack vào các website và cơ sở dữ liệu mạng của Nga[28]. Tuy nhiên, với đặc tính phi tập trung, Anonymous không thể tập trung đủ nhân lực để thực sự gây thiệt hại cho Nga. Vì thế, khi nhóm hacker Killnet thân chính quyền Nga đứng lên phản kháng[29], chiến trường mạng giờ đây đã trở thành khu vực nơi hacker Nga làm chủ khá tốt[30].
Tương tự với chiến trường mạng, truyền thông cũng ban đầu là nơi mà phương Tây phô ra ưu thế cực đại và đè bẹp Nga trên mọi hãng truyền thông. Các thông tin bất lợi cho Nga luôn được tung ra đầu tiên và để vào các vị trí bắt mắt[31]. Ngoài ra, truyền thông phương Tây cũng rất tích cực trong việc tận dụng tâm lý bài Nga để kích động, tìm kiếm sự ủng hộ. Tuy nhiên, hiệu quả truyền thông của phương Tây đã giảm sút khi không chỉ bị truyền thông Nga phản bác thành công[32], mà còn bị lộ những thông tin rất bất lợi cho phương Tây thông qua các câu chuyện cho thấy cách hành xử của phương Tây hiện nay hoá ra không như những diễn ngôn chính trị của họ[33]. Từ đó, uy tín truyền thông phương Tây dần giảm đi, và Nga đã gần như đạt đầy đủ mục đích của mình trên mặt trận truyền thông.
Một số vấn đề rút ra từ cuộc chiến
Như vậy, ta có thể thấy rằng cuộc chiến Nga – Ukraine đã cho chúng ta thấy được những cuộc chiến tranh trong tương lai thực sự có thể tàn khốc như thế nào. Chúng không chỉ tàn khốc về sức sát thương vật lý, chúng còn có sát thương tinh thần mạnh mẽ đến áp đảo, thậm chí còn có tính quyết định cao hơn cả tác chiến trên thế giới thực. Vì vậy, dưới đây là những bài học mà chúng ta có thể xem xét, từ đó cải thiện khả năng quốc phòng – an ninh của mình.
Thứ nhất, tác chiến điện tử có vai trò thực sự rất quan trọng trong tác chiến hiện đại. Tác chiến điện tử không những giúp cho một phe xâm nhập và nắm bắt được thông tin, tình báo của địch, mà còn giúp đánh lừa địch, tạo thêm khó khăn cho địch. Vì thế, phát triển năng lực tác chiến điện tử sẽ có vai trò rất tích cực cho Việt Nam khi các quốc gia xung quanh cũng đang chạy đua phát triển năng lực này. Việt Nam hiện nay, có thể phát triển năng lực tác chiến điện tử theo hướng chuyên về gây nhiễu và đánh lừa điện tử khi những chiến thuật này không yêu cầu nhiều thiết bị có hàm lượng công nghệ cao – thứ mà Việt Nam hiện chưa có nhiều. Ngoài ra, Việt Nam có thể tăng cường việc xây dựng và phát triển các đơn vị chuyên về tác chiến điện tử, hỗ trợ tác chiến cho chiến trường.
Thứ hai, cuộc chiến về tình báo ngày nay thực sự khó khăn hơn xưa rất nhiều. Ở mặt trận tình báo, việc bảo vệ yếu nhân và đảm bảo bí mật trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong các biện pháp bảo vệ bí mật, không chỉ có thủ tiêu hay che giấu, Việt Nam hoàn toàn có thể học tập kinh nghiệm tung hoả mù của Nga để chống lại các cuộc tấn công tình báo của địch. Tung hoả mù đã được chứng minh là không những dễ dàng thực hiện hơn, mà còn khó bị theo dấu và dò ra hơn. Ngoài ra, việc bảo vệ các yếu nhân cũng rất quan trọng, nhất là về vấn đề kỉ luật. Kỉ luật trong các đơn vị bảo vệ, tình báo phải được thắt chặt và kiểm tra thường xuyên. Và nghiệp vụ phản gián cũng phải được nâng cao để chống lại các phương thức tình báo mới.
Thứ ba, thông tin trong thời đại 4.0 tuy có độ mở cao hơn ngày trước, nhưng cũng đặt ra rất nhiều khó khăn dành cho các nhà nước trong việc chống lại tin giả và áp lực truyền thông từ bên ngoài. Như chúng ta đã thấy, Nga đã phải chật vật như thế nào trước bão tuyên truyền của phương Tây. Vì thế, Việt Nam có thể sẽ cần phải nâng cao việc giáo dục về kĩ năng sàng lọc thông tin cho người dân. Ngoài ra, cần tăng cường hiệu quả truyền thông từ nhà nước để chống lại các luồng tin giả, tin thất thiệt từ bên ngoài và bên trong. Thêm vào đó, Việt Nam có thể sử dụng phương Tây làm tiền lệ để phát triển mạnh hai lực lượng là lực lượng hacker và lực lượng truyền thông mạng xã hội khi ngành công nghệ thông tin và truyền thông đang phát triển rất mạnh và nhanh tại Việt Nam.
Cuối cùng, một quân đội mạnh không thể sống bám vào vũ khí nhập khẩu. Nền công nghiệp quốc phòng của Việt Nam đã có nhiều bước phát triển rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, với tốc độ vũ bão của công nghệ và nguy cơ chiến tranh, công nghiệp quốc phòng Việt Nam cần được đầu tư và phát triển mạnh hơn nữa. Điều này thực sự quan trọng khi cuộc chiến Nga – Ukraine đã cho thấy sự thiếu hụt khả năng sản xuất thời chiến đã đe doạ nghiêm trọng đến hiệu quả chiến đấu. Câu chuyện này đã xuất hiện cả ở phía Nga và Ukraine. Và không chỉ số lượng, mà bản thân công nghiệp quốc phòng Việt Nam cũng cần tăng cường nghiên cứu và cho ra đời các giải pháp và nâng cấp mới cho các loại trang thiết bị hiện đại, từ đó giảm khả năng bị lệ thuộc và thâm nhập tình báo khi có thể giữ kín thông số kĩ thuật một cách khá dễ dàng. Những sự nâng cấp này sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, nhưng chúng là một sự đầu tư xứng đáng, nhất là khi còn có thể sử dụng để xuất khẩu, tăng cường đảm bảo an ninh kinh tế cho Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Trần Hoàng Anh
Tài liệu tham khảo:
- https://web.archive.org/web/20150714165635/http://kret.com/en/product/12/
- https://weaponsystems.net/system/345-BRM-3K+Rys
- https://www.militaryfactory.com/armor/detail.php?armor_id=727
- https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_armoured_fighting_vehicles_of_Ukraine
- https://www.armytimes.com/news/your-army/2021/04/16/army-scouts-could-be-cruising-the-battlefield-in-an-electric-recon-vehicle/
- https://www.reuters.com/world/latest-us-aid-package-ukraine-includes-surveillance-drones-official-2022-08-19/
- https://www.janes.com/defence-news/news-detail/ukraine-conflict-ukrainian-mig-shown-firing-harm-missiles
- https://www.cigionline.org/articles/russias-stalled-electronic-warfare-betrays-bad-planning-poor-training/
- https://jamestown.org/program/russias-electronic-warfare-capabilities-as-a-threat-to-gps/
- https://interestingengineering.com/innovation/ukraine-captures-russian-ew-system
- U.S. Intelligence Is Helping Ukraine Kill Russian Generals, Officials Say – The New York Times (nytimes.com)
- https://www.aljazeera.com/news/2022/9/7/ukraine-military-chief-claims-responsibility-for-strikes-in-crime
- https://www.academia.edu/9783024/Is_western_soft_power_a_form_of_cultural_imperialism
- https://www.aljazeera.com/opinions/2022/4/1/beware-of-the-resurgent-russophobia
- https://foreignpolicy.com/2022/08/22/information-warfare-in-russias-war-in-ukraine/
- https://www.eeas.europa.eu/delegations/un-new-york/joint-statement-six-months-russia
- https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-09-08/most-accurate-us-artillery-shell-is-quietly-added-to-ukraine-aid
- https://www.ukrinform.net/rubric-ato/3529055-russia-fired-630-iskander-kalibr-missiles-at-ukraine-since-war-began.html
- https://tass.com/world/1434717
- https://www.newsweek.com/ukraine-himars-strike-russian-bases-counter-attack-kherson-artillery-1730303
- https://www.armyrecognition.com/ukraine_-_russia_invasion_conflict_war/russia_deploys_its_most_powerful_jamming_communication_system_murmansk-bn_in_ukraine.html
- https://spectrum.ieee.org/the-fall-and-rise-of-russian-electronic-warfare
- https://www.businessinsider.com/drones-russia-ukraine-war-electronic-warfare-2022-7
- https://edition.cnn.com/2022/07/01/politics/ukraine-assassination-attempts-kherson-resistance-movement/index.html
- https://www.nytimes.com/live/2022/08/16/world/ukraine-russia-news-war
- https://www.reuters.com/world/europe/russias-fsb-says-ukraine-behind-murder-ultra-nationalists-daughter-2022-08-22/
- https://www.theguardian.com/world/2022/feb/27/anonymous-the-hacker-collective-that-has-declared-cyberwar-on-russia?CMP=Share_iOSApp_Other
- How is Anonymous attacking Russia? The top six ways ranked (cnbc.com)
- Russian ‘Hacktivists’ Are Causing Trouble Far Beyond Ukraine | WIRED
- https://www.theguardian.com/technology/2022/may/10/russian-hackers-targeting-opponents-of-ukraine-invasion-warns-gchq-chief
- https://english.almayadeen.net/news/politics/russia-on-zaporozhye-npp:-western-media-must-end-russophobia
- https://www.recordedfuture.com/russian-information-operations-divide-western-coalition-ukraine
- https://www.washingtonpost.com/politics/2022/07/21/lets-look-trust-news-media-equal-coverage/
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.