Ngày 24/10/1945 tại Mỹ, Liên Hợp Quốc (LHQ) được thành lập bởi đa số quốc gia với mục tiêu bảo vệ hòa bình và an ninh toàn cầu sau cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai để lại nhiều tổn thất nặng nề. Đến nay, tổ chức quốc tế đại diện cho tiếng nói của gần như toàn bộ các nước trên thế giới đã và đang trải qua gần 80 năm hoạt động đóng góp tích cực vào tiến trình giải quyết tranh chấp trên khắp các khu vực. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine xảy ra ngoài dự báo được giới chuyên gia đánh giá là một trong những cuộc khủng hoảng địa chính trị tác động nhiều nhất đến cục diện an ninh – chính trị ở châu Âu, không chỉ vậy cuộc khủng hoảng đó còn như phép thử lớn cho vai trò của LHQ trong giải quyết khủng hoảng quốc tế. Như vậy, nhìn rộng ra các điểm nóng trên toàn cầu hiện nay có thể thấy trách nhiệm cũng như quá trình giải quyết tranh chấp, xung đột của LHQ đang diễn ra với tiến trình ra sao? Và trong tương lai cách thức hoạt động như hiện tại của LHQ còn phù hợp với sự biến chuyển trước tình hình thế giới ngày càng bất ổn hay không?
Vai trò giải quyết khủng hoảng quốc tế của Liên Hợp Quốc nhìn từ Hiến chương 1945
Ngày 24/10/1945 được nhân loại biết đến là ngày thành lập Liên Hợp Quốc nhưng trước đó 4 tháng tại San Francisco, California, ngày 26/6/1945, hơn 50 nước thành viên đầu tiên đã nhóm họp và thông qua các điều khoản của bản Hiến chương nêu ra các nguyên tắc hoạt động cơ bản của tổ chức. Hiến chương được coi như hiến pháp của LHQ, nền tảng định hướng chung cho các nước thành viên tuân thủ và dựa vào để hoạch định các chính sách. Bản Hiến chương ra đời đóng góp to lớn cho sự phát triển của luật pháp quốc tế trong thế kỷ XX. Nhờ đó, mọi cuộc xung đột, tranh chấp lãnh thổ, biên giới giữa các quốc gia đều được giải quyết trên tinh thần hòa giải hòa bình.
Trước hết, tôn chỉ mục đích của LHQ được ghi rõ trong những dòng đầu tiên của Hiến chương phản ánh nguyện vọng của nhân dân thế giới khi vừa bước qua những mất mát chưa từng có trong chiến tranh thế giới thứ hai đó là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới. Điều 1 của Hiến chương đã khẳng định mục đích hàng đầu của LHQ: “Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, và để đạt được mục đích đó, thi hành những biện pháp tập thể có hiệu quả để phòng ngừa và loại trừ các mối đe dọa hòa bình, cấm mọi hành vi xâm lược và phá hoại hoà bình”[1]. Đồng thời, Hiến chương xác định những mục đích quan trọng khác cho các hoạt động của LHQ là tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, thúc đẩy hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế và đảm bảo quyền con người. Các quốc gia cũng trao cho LHQ vai trò trung tâm điều hòa các hành động của các dân tộc hướng theo những mục đích đó.
Tuy có mục đích cao cả nhưng trong nhiều trường hợp xung đột đã diễn ra, LHQ thực chất không đóng nhiều vai trò trong việc duy trì hòa bình thế giới. Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, hai siêu cường Xô – Mỹ nắm mọi quyền lực quyết định đứng trên cả tiếng nói của các quốc gia khác trong Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an (HĐBA) chỉ đồng thuận cho hoạt động quân sự của Liên Hợp Quốc tại bán đảo Triều Tiên năm 1950 và việc sử dụng liên quân NATO tại Iraq và Kuwait năm 1991. Ngoài ra, mọi quyết định lớn đều vấp phải mâu thuẫn và xung đột, đặc biệt giữa các cường quốc là thành viên thường trực của Hội đồng. Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ cùng NATO mở nhiều chiến dịch quân sự tại Nam Tư 1998, Afghanistan 2001, Iraq 2003, Nga cũng triển khai hoạt động quân sự tại lãnh thổ Gruzia 2008 và Ukraine từ năm 2022.
Ðóng góp lớn nhất của LHQ đến nay là góp phần ngăn ngừa không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới trong 79 năm qua. Theo thống kê, tổ chức này đã hỗ trợ các cuộc thương lượng cho nhiều cuộc xung đột ở các khu vực cũng như triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình gồm Tổ chức giám sát ngừng bắn ở Trung Đông 1948, Ấn Độ và Pakistan 1949, Lực lượng ở Síp 1964, Lebanon 1978, Iraq – Kuwait 1991 và vấn đề Campuchia 1991…[2]. Như vậy, trật tự thế giới dựa trên “luật lệ” với các tổ chức quốc tế được hoạt động theo cơ chế cân bằng linh hoạt nhằm hoà hợp quyền lực giữa 5 thành viên thường trực HĐBA như LHQ không đạt được kết quả kỳ vọng. Thực chất, đây chỉ là sân chơi để các nước lớn tranh giành quyền lực, lôi kéo các nước khác đi theo lợi ích nhóm của họ.
Thực tiễn vai trò giải quyết khủng hoảng của Liên Hợp Quốc thông qua các điểm nóng gần đây
Chiến tranh Nga – Ukraine
Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine có lẽ là điểm nóng quốc tế phản ánh rõ nét nhất về tình hình thế giới đang nằm trong một trật tự bất ổn và cho thấy vai trò giải quyết khủng hoảng thiếu tính công bằng của LHQ. Đến nay đã gần 800 ngày chiến sự diễn ra kể từ khi Tổng thống Putin tuyên bố bắt đầu một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi quân sự hóa” Ukraine, đồng thời cảnh báo NATO không can thiệp hành động của Nga. Quá trình thể hiện thực tiễn vai trò trong giải quyết khủng hoảng quốc tế được diễn ra tích cực nhưng kết quả lại không được đặt đúng nơi cần thiết.
Ngay lập tức, LHQ đã nhanh chóng nhóm họp và đưa ra các giải pháp chính trị về vấn đề Ukraine. Theo đó, ngày 24/3/2022, Đại Hội đồng thông qua nghị quyết “kêu gọi Nga chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine” đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine, kết quả nhận được 140 phiếu thuận. Trước đó, vào ngày 2/3/2022, nghị quyết liên quan đến tình hình Ukraine đã được thông qua với 141 phiếu thuận, 35 phiếu trắng và 5 phiếu chống[3]. Những quốc gia bỏ phiếu chống đều là những quốc gia có mối quan hệ truyền thống với Nga. Ngược lại, bên phiếu thuận đa phần thuộc các khối chống Nga, Mỹ, Liên minh Châu Âu và phiếu trắng với quan điểm trung lập.
Tuy nhiên, những nghị quyết được thông qua không mang tính ràng buộc mà còn tạo ra phản ứng gay gắt giữa các bên liên quan. Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho rằng nghị quyết phản ánh một chiều những gì đang xảy ra, không đề cập nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng hoảng. Người đại diện cho phía Nga ám chỉ đến việc LHQ đã cố tình bỏ qua quá trình hình thành mâu thuẫn, lý do dẫn tới chiến tranh trong quá khứ. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield khẳng định nghị quyết được thông qua đã thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế chống lại cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine. Trước đó ngày 23/3/2022, Nga đã đệ trình một nghị quyết lên HĐBA về “tình hình nhân đạo” ở Ukraine nhưng không được thông qua bởi trong 15 phiếu chỉ có 2 phiếu thuận của Nga và Trung Quốc[4]. Rõ ràng cuộc chiến Nga – Ukraine cho thấy một cuộc xung đột nội bộ trong chính LHQ khi các bên chủ chốt nhất là trong HĐBA đều có liên quan đến cuộc chiến từ nhiều góc độ.
Những nỗ lực của Mỹ và phương Tây trong việc tập hợp một mặt trận chung chống lại Nga trên các diễn đàn quốc tế. Ngày 23/2/2023, Đại Hội đồng LHQ trong phiên họp đặc biệt về một năm chiến sự ở Ukraine đã thông qua một nghị quyết chống Nga do các nước phương Tây soạn thảo về “những nguyên tắc cơ sở cho một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững ở Ukraine” 141 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ. Nghị quyết “đầy triển vọng” này chủ yếu dựa trên góc nhìn của Ukraine về “một thế giới công bằng” khi không có Nga[5].
Điều này cho thấy một thực tế rằng, vai trò giải quyết khủng hoảng nhìn từ bề ngoài của LHQ đang tỏ ra rất có hiệu quả theo những giải pháp mà Hiến chương của tổ chức nêu ra. Khi theo dõi sát cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ thấy các giải pháp được đưa ra đó đều mang tính “một chiều” thúc ép Nga mau chóng rút quân và hợp thức hóa việc “thêm dầu” vào chảo lửa chiến tranh thông qua các gói viện trợ. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về đối ngoại và an ninh, ông Josep Borrell khẳng định lại lời nhận xét rằng “LHQ là tấm gương phản chiếu thế giới. Nếu nhìn ra ngoài ranh giới Ukraine thì sẽ thấy rõ rằng, những cuộc khủng hoảng toàn cầu đang tích tụ dần dà, nhưng phản ứng toàn cầu thì hoặc bị phong tỏa, hoặc còn chưa đủ. Một tình trạng ‘không có vua’ và thiếu sự thống nhất”[6].
Chiến tranh Israel – Palestine
Trong khi xung đột Hamas – Israel ở Dải Gaza ngày càng khốc liệt và có nguy cơ vượt tầm kiểm soát, HĐBA LHQ tính đến hết năm 2023 vẫn chưa thể thông qua nghị quyết ngừng bắn. Điều này cho thấy chưa có vấn đề nóng nào làm chia rẽ nội bộ sâu sắc trong tổ chức như xung đột ở Gaza. Tổng thương vong trong chiến dịch tấn công bắt đầu từ ngày 7/10/2023 của quân đội Israel đến tháng 1/2024 đã vượt mốc 95.000 người, hơn 25.000 người chết, hơn 7.000 người mất tích và gần 63.000 người bị thương. Hầu hết thương vong là dân thường, trong đó trẻ em và phụ nữ chiếm khoảng 70%[7].
Thực tế, ngay cả trong xung đột Nga – Ukraine, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng không sử dụng đến Điều 99 trong Hiến chương, một điều khoản rất có trọng lượng chính trị để lưu ý với HĐBA về bất kỳ vấn đề nào bị coi là có thể đe dọa đến nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Tuy nhiên, ông Guterres đã có động thái hiếm hoi khi lần đầu tiên viện dẫn điều khoản để thúc giục HĐBA ngăn chặn thảm họa nhân đạo và nguy cơ trật tự Trung Đông sắp sụp đổ hoàn toàn ở Gaza. Ông Stephane Dujarric, Phát ngôn viên của Tổng Thư ký, giải thích: “Trong khuôn khổ Hiến chương của LHQ, đây là quyết định rất hệ trọng, bước đi rất mạnh mẽ để thúc đẩy cộng đồng quốc tế gây sức ép nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn nhân đạo”[8]. Nhằm biến những nỗ lực thúc đẩy hòa bình thành hiện thực Đại Hội đồng LHQ hôm 12/12/2023 đã bỏ phiếu áp đảo yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ở Gaza trong một minh chứng mạnh mẽ về sự ủng hộ toàn cầu nhằm chấm dứt xung đột Israel – Hamas.
Theo kết quả bỏ phiếu của 193 quốc gia thành viên, đã có 153 phiếu ủng hộ nghị quyết. 10 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh và Israel, đã bỏ phiếu chống, trong khi 23 nước bỏ phiếu trắng với lý do đưa ra nghi ngại một lệnh ngừng bắn lâu dài sẽ chỉ có lợi cho Hamas[9]. Đại sứ Qatar tại LHQ Alya Ahmed Saif Al Thani tiếc nuối khi dự thảo nghị quyết liên quan đến lệnh ngừng bắn tại Gaza không được thông qua. Đại sứ Pháp Nicolas de Riviere cho biết: “Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza đang tồi tệ hơn bao giờ hết và số người thiệt mạng đang ở mức báo động. Israel cần phải dừng chiến dịch tấn công tại đây ngay lập tức”[10].
Tín hiệu tích cực bắt đầu xuất phát từ ngày 25/3/2024, HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết đầu tiên từ sau tháng 7 năm ngoái yêu cầu ngừng bắn thời hạn ở Gaza trong thời gian còn lại của tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo sẽ kéo dài 6 tuần. Đây là cơ sở quan trọng để tiến tới một lệnh ngừng bắn lâu dài. Đại diện Mỹ đã bỏ phiếu trắng trong khi đó, 14 thành viên khác trong Hội đồng bao gồm Nga, Trung Quốc và Anh bỏ phiếu ủng hộ. Điều này đã phản ánh một vấn đề lớn về quyền lực chi phối của Mỹ trong việc sử dụng quyền phủ quyết của nhóm “P5” trong HĐBA khi Mỹ liên tục lên án Nga và kêu gọi chống Nga song với việc dân thường bị thương vong ngày càng tăng ở Gaza thì Mỹ và các đồng minh lại sử dụng quyền phủ quyết trong thúc đẩy ngừng bắn.
Khủng hoảng ở ECOWAS
Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) được thành lập năm 1975 với sứ mệnh thúc đẩy hội nhập, phát triển kinh tế khu vực Tây Phi. ECOWAS hiện có 12 thành viên (Niger, Mali, Burkina Faso đã rút khỏi cộng đồng) bao gồm Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea Bissau, Liberia, Senegal, Sierra Leone, Benin, Ghana, Bờ biển Ngà, Nigeria và Togo. Ngoài mục tiêu kinh tế, ECOWAS cũng đóng vai trò là lực lượng giữ gìn hòa bình trong khu vực[11].
Tổ chức này hoạt động giống như một LHQ thu nhỏ tại châu Phi nhưng không có hiến chương chung mà hành động thiên hướng về can thiệp quân sự. ECOWAS đã từng nhiều lần điều lực lượng quân đội của khối vào nước thành viên nhằm khôi phục trật tự hoặc đối phó đảo chính. Khu vực Tây Phi được gọi như một “vành đai đảo chính” và càng nóng hơn gần đây, do vậy khủng hoảng ở ECOWAS là khủng hoảng mà LHQ không thể không can thiệp. Ý tưởng về trách nhiệm bảo vệ (R2P) ra đời và được LHQ ủng hộ từ năm 2005. Cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ can thiệp quân sự được gọi là can thiệp nhân đạo cưỡng bức để giải cứu dân thường giữa các cuộc xung đột vũ trang[12].
LHQ thông qua các hoạt động gìn giữ hòa bình đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề gây khó khăn cho khu vực, đặc biệt là ở các quốc gia nơi xung đột leo thang đã gây ra mối đe dọa đáng kể cho hòa bình và ổn định, như ở Cote d’Ivoire, Liberia, Sierra Leone và Mali. Lực lượng gìn giữ hòa bình đã giúp các quốc gia này đàm phán các thỏa thuận hòa bình, giúp tăng cường lực lượng phòng thủ, các cơ chế dân chủ và an ninh quốc gia nói chung, đồng thời củng cố chương trình giải trừ quân bị, tái hòa nhập, thúc đẩy rộng rãi nhân quyền và hòa hợp xã hội cũng như đoàn kết các nhóm khác nhau ở địa phương và quốc gia. Cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan từng nhận xét rằng mặc dù các hoạt động gìn giữ hòa bình song song của ECOWAS và LHQ ở Liberia đã đạt được những thành tựu, nhưng toàn bộ hoạt động này cũng có thách thức như nhau vì mỗi bên tham gia sứ mệnh đều có chương trình nghị sự và nguyên tắc riêng[13].
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên
Vai trò tham gia vào việc giải quyết khủng hoảng tại điểm nóng bán đảo Triều Tiên đã không còn quá xa lạ với LHQ. Cách đây 74 năm Đại hội đồng thông qua Nghị quyết có tên gọi “Thống nhất vì hòa bình”, đưa quyền ra nghị quyết trước “các hành động vi phạm hòa bình” sẽ thực hiện tại Đại hội đồng, trong trường hợp HĐBA có nước phủ quyết vẫn được đảm bảo thông qua. Dưới danh nghĩa này, Mỹ đã lôi kéo được hơn 20 nước tham gia, trong đó có 15 nước gửi quân sang trực tiếp, số còn lại cung cấp, trợ giúp vũ khí, trang bị đánh dấu sự tham gia trực tiếp của lực lượng LHQ vào chiến tranh Triều Tiên.
Sau hiệp định đình chiến Bàn Môn Điếm, cho đến tận bây giờ đây là trường hợp mà vai trò gìn giữ hòa bình an ninh quốc tế của LHQ phải liên tục theo dõi sát sao nhất. Từ năm 2006, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết số 1718 nhằm phản ứng với hành động của Bình Nhưỡng và áp đặt một số biện pháp trừng phạt. Từ đó cho tới nay, HĐBA đã thông qua một số nghị quyết nhằm tăng cường trừng phạt quốc gia Đông Bắc Á này sau những vụ thử tiếp theo[14].
Tính đến năm 2019, Triều Tiên hiện phải chịu khoảng 11 biện pháp trừng phạt nhắm vào các lĩnh vực chủ chốt cho sự phát triển quân sự – kinh tế. Càng về sau khi Bình Nhưỡng càng tăng cường thử nghiệm vũ khí hạt nhân các biện pháp trừng phạt lại càng được LHQ tăng cường.
Với kho tên lửa của Triều Tiên, LHQ chỉ có thể sử dụng các biện pháp bóp nghẹt kinh tế nhằm vào nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao thay vì sử dụng vũ lực. Tại HĐBA, Nga và Trung Quốc trở thành hai quốc gia duy nhất phủ quyết các cáo buộc về chính quyền ông Kim mặc dù không xóa bỏ các lệnh cấm vận song hai nước đồng minh của Triều Tiên vẫn “vượt rào” ủng hộ, cung cấp, viện trợ các nhu cầu thiết yếu và nỗ lực kêu gọi giải quyết vấn đề Liên Triều trong hòa bình thì Mỹ lại kêu gọi trừng phạt Triều Tiên nghiêm khắc nhất.
Dự báo vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết các khủng hoảng, xung đột những năm tiếp theo
Thế giới ngày nay đã khác rất nhiều so với thế giới trong Chiến tranh Lạnh và giai đoạn hình thành nên Hiến chương LHQ năm 1945. Các cơ cấu quản trị toàn cầu được ghi trong Hiến chương nhất đối với trách nhiệm gìn giữ hòa bình an ninh toàn cầu không phù hợp với thực tế ngày nay. Điều đó cho thấy một tương lai về khả năng cải cách Hiến chương và cách thức vận hành của LHQ không còn xa vời. Từ đầu thế kỷ XXI, một loạt các sự kiện quốc tế như sự xuất hiện của chủ nghĩa khủng bố, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, chiến tranh xung đột lãnh thổ vượt quá tầm kiểm soát thách thức vai trò trung tâm, thúc đẩy hợp tác, đối thoại và đoàn kết từ LHQ.
Nhiều mặt hạn chế được thể hiện khi bản Hiến chương 1945 để hở những lỗ hổng cho các nước lớn thực hiện toan tính của mình. Chẳng hạn trong cuộc chiến Nga – Ukraine khi đưa quân vào Donbass năm 2022, Tổng thống Nga viện dẫn Điều 51: “Không có một điều khoản nào làm tổn hại đến quyền tự vệ cá nhân hay tập thể chính đáng trong trường hợp thành viên LHQ bị tấn công vũ trang cho đến khi HĐBA chưa áp dụng được những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”[15] để ra quyết định. Hay đối với quyền phủ quyết “Veto” quyền lực tối thượng của nhóm P5 trong khi điều 24 “các thành viên LHQ trao cho HĐBA trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và HĐBA hành động với tư cách thay mặt cho các thành viên của LHQ”[16]. Để một nghị quyết được thông qua thì cần nhận được ít nhất 9 phiếu thuận từ 15 nước thành viên của HĐBA. Tuy nhiên, chỉ cần một phiếu chống hay phủ quyết của một thành viên thường trực thuộc nhóm P5 sẽ ngăn cản nghị quyết đó được thông qua. Điều này cho thấy Hiến chương 1945 đang chưa thực sự phù hợp với mong muốn xây dựng trật tự quốc tế dựa vào luật lệ mà trong đó Hiến chương được lấy làm cốt lõi.
Như vậy, việc cải cách Hiến chương và cách hoạt động của HĐBA hiện nay rất cần thiết. Thực tế trong quá khứ, bản Hiến chương ra đời năm 1945 đã được trải qua 3 lần chỉnh sửa vào các năm 1963, 1965 và 1973. Những điểm chung của những lần sửa đổi này đều không thay đổi quyền lực của các nước thành viên P5 mặc dù có sự tăng thêm của các nước thành viên HĐBA từ 11 lên 15 nước những Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc mới thực sự là nhân tố quyết định. Những thách thức đối với an ninh con người ngày nay vượt xa những thách thức được nêu trong Hiến chương LHQ.
“Thế giới không chỉ có 5 ủy viên thường trực. Hội đồng bảo an cần mở rộng hơn nữa, mọi quốc gia đều nên có đại diện”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu[17]. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Press Trust of India, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi Liên hợp quốc cải cách phù hợp với thực tế thế kỷ 21 để đảm bảo tính đại diện của tất cả các nước. LHQ cần cải cách Hiến chương để hướng đến trao quyền cho phía Nam nhiều hơn. Các quốc gia Nam bán cầu đóng góp 80% tăng trưởng toàn cầu và là những người chơi quan trọng trên trường thế giới. Hiện nay, các chủ thể đó đóng vai trò là nút thắt của sự mở rộng và phát triển toàn cầu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và dân chủ nhưng cũng là vùng chịu nhiều biến động an ninh, xung đột nhất[18]. Nhật Bản, Đức, Brazil và Ấn Độ trở thành các ứng viên cho vai trò thường trực HĐBA mở rộng để công bằng hơn.
LHQ cần có nhiều hành động thực tiễn hơn tiếng nói, chỉ có như vậy các nước nhỏ mới có nơi để bám vào trước sự thay đổi của thế giới. Trong vị trí đó LHQ đứng ở trung tâm để xử lý những phức tạp trong thế giới đương đại và định hình cơ cấu quản trị toàn cầu, lấy hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương làm khởi nguồn và tầm nhìn định hướng đối với mọi hoạt động. Cộng đồng quốc tế cần coi các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế là nền tảng vững chắc để ứng phó ứng phó hiệu quả với những biến động và thách thức phức tạp của tình hình quốc tế hiện nay.
Một số vấn đề đặt ra đối với các nước nhỏ có nguy cơ khủng hoảng
Liên Hợp Quốc ngày càng chứng tỏ là một tổ chức không thể thiếu trong nền chính trị thế giới, góp phần rất quan trọng để giữ gìn hòa bình, môi trường hòa bình, hợp tác phát triển thịnh vượng thế giới. Tuy nhiên, đối với các nước nhỏ và vừa đang có nguy cơ khủng hoảng thì tiếng nói đến Liên Hợp Quốc càng trở lên nhỏ bé hơn. Do vậy, xu thế chính hiện nay chính là tự chủ chiến lược. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, một quốc gia có tính tự chủ chiến lược cao nghĩa là quốc gia đó có khả năng thiết lập, điều chỉnh và thực thi các quy tắc, “luật chơi” quốc tế, thay vì chỉ tuân thủ thụ động “luật chơi” do người khác đặt ra[19].
Sự bất ổn về chính trị xảy ra ở một số quốc gia, khu vực và trên thế giới thời gian qua, nguyên nhân sâu xa đều bắt nguồn từ việc tranh giành quyền lực chính trị, mâu thuẫn lợi ích giữa các đảng phái hoặc ngay nội bộ của đảng cầm quyền. Hậu quả của bất ổn chính trị không chỉ là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia mà còn gây ra rất nhiều hệ luỵ mang tính chất toàn diện đến đời sống nhân dân các quốc gia trực tiếp có bất ổn chính trị và nhân dân trên toàn thế giới[20].
Bên cạnh khủng hoảng về chính trị là sự kéo theo của khủng hoảng về kinh tế. Thế giới đang trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu. Số lượng các quốc gia có nguy cơ khủng hoảng nợ tăng lên mức cao kỷ lục là vấn đề ưu tiên giải quyết hàng đầu trong chương trình nghị sự của các cơ chế tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Lạm phát bùng nổ, chi phí đi vay leo thang và đồng USD tăng mạnh đã khiến việc trả nợ và huy động dòng tiền trở nên đắt đỏ hơn đáng kể đối với đối tượng đang cần nguồn vốn mạnh như các quốc gia đang phát triển.
Thứ nhất, việc lâm vào khủng hoảng chính trị hay khủng hoảng kinh tế có thể dẫn đến bùng phát bất ổn và an ninh khu vực lan rộng dẫn đến đe dọa nền hòa bình toàn cầu. Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn hiện nay, các nước nhỏ, vừa đa phần nằm ở những khu vực có địa chính trị phức tạp ở châu Á, Phi, Mỹ-Latinh. Trước tình thế đó, các quốc gia gặp khủng hoảng rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy địa chính trị và bị “nuốt trọn” bởi các nước lớn sẵn sàng can thiệp, tấn công các nước nhỏ bằng các biện pháp vũ trang và phi vũ trang. Thứ hai, tranh chấp thường xuyên xảy ra tại các khu vực này do đó Liên Hợp Quốc gặp khó khăn trong việc tiếp cận điều hòa ổn định tình hình hoặc cứu trợ. Mặc dù là tổ chức quốc tế lớn nhất đảm nhận nhiệm vụ giữ gìn hòa bình nhưng Liên Hợp Quốc vẫn gặp phải nhiều thách thức trong cơ chế hoạt động và đưa ra quyết định. Thứ ba, việc thực hiện nguyên tắc tự cứu trước khi được cứu trở thành rất cần thiết trước hết phải dựa vào các cơ chế liên kết khu vực trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tự giải quyết bằng hòa bình đối ngoại ngoại giao trước khi có các cơ chế trung gian đứng ra hòa giải./.
Tác giả: Lại Thị Thảo
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] [15] [16] United Nations, “United Nations Charter (full text)”. https://www.un.org/en/about-us/un-charter/full-text
[2] Ban văn kiện (2018), “Liên Hợp Quốc (UN)”, Báo điện tử Đảng Cộng sản. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ho-so-su-kien-nhan-chung/to-chuc-quoc-te/lien-hop-quoc-un-3283
[3] TTXVN (2022), “Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết thứ 2 liên quan đến Ukraine”, Báo điện tử Chính phủ. https://baochinhphu.vn/dai-hoi-dong-lhq-thong-qua-nghi-quyet-thu-2-lien-quan-den-ukraine-102220325091840046.htm
[4] Hồng Vân (2022), “Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu Nga lập tức ngừng chiến ở Ukraine”, Báo Tuổi trẻ. https://tuoitre.vn/dai-hoi-dong-lhq-thong-qua-nghi-quyet-yeu-cau-nga-lap-tuc-ngung-chien-o-ukraine-20220324235521866.htm
[5] [6] Hồng Thanh Quang (2023), “Thế giới với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine: Bất đồng gia tăng”, Công an Nhân dân. https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/the-gioi-voi-chien-dich-quan-su-dac-biet-cua-nga-tai-ukraine-bat-dong-gia-tang-i685181/
[7] VOV (2024), “Chiến sự Trung Đông: Tổng thương vong tại Gaza vượt 95.000 người”. https://vov.vn/the-gioi/chien-su-trung-dong-tong-thuong-vong-tai-gaza-vuot-95000-nguoi-post1073072.vov
[8] Tuyết Minh (2023), “Xung đột Gaza thách thức vai trò của Liên Hợp Quốc”, Báo Đà Nẵng. https://www.baodanang.vn/channel/5408/202312/xung-dot-gaza-thach-thuc-vai-tro-cua-lien-hop-quoc-3961509/
[9] CGTN News (2023), “UN General Assembly votes overwhelmingly to demand ceasefire in Gaza”. https://news.cgtn.com/news/2023-12-13/UN-General-Assembly-votes-overwhelmingly-to-demand-ceasefire-in-Gaza-1puOPCOOUDu/index.html
[10] Tùng Lâm (2024), “Phản ứng quốc tế trước việc Mỹ phủ quyết lệnh ngừng bắn tại Gaza”, Kinh tế & Đô thị. https://kinhtedothi.vn/phan-ung-quoc-te-truoc-viec-my-phu-quyet-lenh-ngung-ban-tai-gaza.html
[11] Anait Miridzhanian (2023), “Military interventions by West African ECOWAS bloc”, Reuters. https://www.reuters.com/world/africa/military-interventions-by-west-african-ecowas-bloc-2023-08-04/
[12] [13] Noiranjana Kashyap (2023), “Analyzing the Role of UN Peacekeeping Operations in West Africa”, The Geopolitics. https://thegeopolitics.com/analyzing-the-role-of-un-peacekeeping-operations-in-west-africa/
[14] Lê Ánh (2019), “Những lệnh trừng phạt chính của Liên hợp quốc áp đặt với Triều Tiên”, Báo Tin tức. https://baotintuc.vn/ho-so/nhung-lenh-trung-phat-chinh-cua-lien-hop-quoc-ap-dat-voi-trieu-tien-20190301123900717.htm
[17] Evelyn Leopold (2007), “New proposals unveiled for Security Council reform”, Reuters. https://www.reuters.com/article/idUSN20203534/
[18] Klaus Kotze (2024), “The United Nations must reform to better represent the interests of the Global South”, Global Governance Forum. https://globalgovernanceforum.org/united-nations-must-reform-represent-interests-global-south/
[19] Nathalie Tocci (2021), “European Strategic Autonomy: What It Is, Why We Need It, How to Achieve It”, https://www.iai.it/sites/default/files/9788893681780.pdf
[20] Phan Thị Nhuần (2023), “Cục diện chính trị thế giới – nhìn từ sự bất ổn chính trị hiện nay”, Trường khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Vinh. https://cssh.vinhuni.edu.vn/cuc-dien-chinh-tri-the-gioi-nhin-tu-su-bat-on-chinh-tri-hien-nay-c5l0v0p0a90709.html