Tóm tắt:
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gia tăng, “Miền Nam toàn cầu” đang hoạt động tích cực trên trường quốc tế như một lực lượng chính trị tương đối độc lập, đóng vai trò quan trọng trong quản trị toàn cầu và xung đột khu vực. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Ấn Độ đưa “Miền Nam toàn cầu” vào bố cục chiến lược đối ngoại của mình để hỗ trợ chiến lược cường quốc, nâng cao uy tín quốc tế của mình. Ở cấp độ chính sách, Ấn Độ đã tăng cường mối quan hệ với “Miền Nam toàn cầu” thông qua một số biện pháp chiến lược để trở thành nước dẫn đầu “Miền Nam toàn cầu”. Đóng vai trò là cầu nối giữa “Phương Tây” và “Miền Nam toàn cầu”, mở rộng và tăng cường quan hệ “chủ nghĩa đa phương thu nhỏ” hoặc "tiểu đa phương". Họ coi khu vực này là công cụ quan trọng để khẳng định quyền tự chủ chiến lược, phòng ngừa nguy cơ đối với Trung Quốc. Đồng thời, cũng cần lưu ý rằng cuộc tấn công ngoại giao “Miền Nam toàn cầu” của Ấn Độ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức: tính hợp pháp lãnh đạo “Nam toàn cầu” của Ấn Độ, những mâu thuẫn sâu sắc giữa Ấn Độ và các nước phương Tây, vai trò lãnh đạo”Nam toàn cầu”của Ấn Độ đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài.
Trong những năm gần đây, những thay đổi lớn chưa từng thấy trong thế kỷ qua trên thế giới ngày càng gia tăng. Cấu trúc và trật tự thế giới bước vào giai đoạn điều chỉnh và biến đổi mới, “Miền Nam toàn cầu” ngày càng sôi động. “Miền Nam toàn cầu” phát triển từ các khái niệm như “Miền Nam”, “quốc gia phía Nam” và là một khái niệm tương đối mơ hồ. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1948 lần đầu tiên đặt vấn đề phát triển kinh tế vào chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc một cách có hệ thống và tiếp tục chia thế giới thành “Bắc” và “Nam”. “Miền Nam” chủ yếu đề cập đến Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, Caribe cũng như một phần của Châu Á và Châu Đại Dương. Là các nước thuộc nhóm kém phát triển, họ bắt đầu tìm kiếm sự hợp tác trong hệ thống Liên Hợp Quốc. Vì vậy, trong chương trình nghị sự quốc tế, “quốc gia phía Nam” thường được dùng để chỉ số lượng lớn các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Trong khi “quốc gia phía Bắc” lại được dùng để chỉ các nước phát triển ở các khu vực khác. Năm 1955, các nước châu Á và châu Phi độc lập tổ chức và triệu tập Hội nghị Bandung. Lãnh đạo Chính phủ 29 nước ở hai châu lục đã thảo luận các chủ đề như đấu tranh giành độc lập dân tộc và phát triển kinh tế dân tộc ở các nước phía Nam. Hội nghị Bandung đã đưa các nước phía Nam trở nên nổi bật trên trường quốc tế, đánh dấu sự gia nhập chính thức của các nước phía Nam với tư cách là một tập thể vào vũ đài chính trị và kinh tế thế giới. Sự ra đời của phong trào “Không liên kết” và các nước G-77 đã đã giúp các nước miền Nam tiếp tục nâng cao ảnh hưởng của mình trong các vấn đề chính trị và kinh tế quốc tế. Sau Chiến tranh Lạnh, sự gia tăng liên kết trong bối cảnh toàn cầu hóa, ảnh hưởng kinh tế chính trị của các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh ngày càng tăng. “Miền Nam toàn cầu” bắt đầu có tiếng nói trên trường quốc tế.
Đặc biệt kể từ xung đột Nga-Ukraine năm 2022 đến nay, đối mặt với cuộc tấn công ngoại giao của Mỹ nhằm đẩy nhanh quá trình “hội nhập” của các đồng minh phương Tây và nỗ lực mở rộng “mặt trận thống nhất” chống Nga, hơn 80 nước đang phát triển từ châu Á, Châu Phi và châu Mỹ Latinh đã từ chối “chọn phe”. Tiếng nói độc lập, tự chủ của “Miền Nam toàn cầu” được cất lên. Điều này đồng nghĩa với việc “miền Nam toàn cầu” đang ngày càng đi đầu trong chính trị quốc tế và trở thành một thế lực chiến lược không thể bỏ qua trong các cuộc chơi quốc tế. Vị thế của “Miền Nam toàn cầu” trong xung đột Nga-Ukraine đã nằm ngoài dự đoán của các nước phương Tây, khiến Mỹ và các nước phương Tây phát động cuộc tấn công ngoại giao nhằm tranh giành ảnh hưởng các nước thuộc “Miền Nam toàn cầu”. Tháng 2/2023, Hội nghị An ninh Munich đã đưa ra “Báo cáo An ninh Munich 2023”, trong đó 55 lần đề cập đến “Nam toàn cầu” và xây dựng một cuộc thảo luận đặc biệt về “Hợp tác Bắc-Nam”, nhấn mạnh các nước phương Tây cần giành lợi thế ở Nam toàn cầu. Tháng 5/2023, một trong hai chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 Hiroshima là “tăng cường kết nối với miền Nam toàn cầu”. Tạp chí “Chính sách đối ngoại” của Mỹ coi sự trỗi dậy của “Miền Nam toàn cầu” là xu hướng mới có ý nghĩa biến đổi nhất trong chính trị toàn cầu năm 2023.
Đồng thời, các nước “miền Nam toàn cầu” thường xuyên đưa ra lời kêu gọi đoàn kết, tự cường mạnh mẽ. Tháng 08/2023 cuộc họp các nhà lãnh đạo BRICS lần thứ 15 được tổ chức tại Nam Phi đã thể hiện màu sắc “Nam toàn cầu” khác biệt trong chương trình nghị sự. Thể hiện sự đoàn kết và sức mạnh của các quốc gia “Nam toàn cầu”, đồng thời củng cố hơn nữa cơ chế BRICS như một cơ chế quan trọng. Từ ngày 09 đến ngày 10 tháng 9/2023, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 lần thứ 18 được tổ chức tại New Delhi. Ấn Độ tận dụng vai trò chủ tịch luân phiên của mình để thúc đẩy chương trình nghị sự “Miền Nam toàn cầu”, toàn thể Liên minh châu Phi gia nhập G20. Ngày 15 và 16 tháng 9/2023, hội nghị thượng đỉnh “G77 và Trung Quốc” được tổ chức tại Cuba, nhấn mạnh vị thế của “Miền Nam toàn cầu” và thúc đẩy những thay đổi trong hệ thống quản trị toàn cầu. Ngoài ra, Ấn Độ đã hai lần tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến “Tiếng nói miền Nam toàn cầu” vào tháng 1 và tháng 11/2023, nỗ lực mở rộng tiếng nói của “Miền Nam toàn cầu”. Nếu “Miền Nam toàn cầu” là từ nóng quốc tế vào năm 2023 thì Ấn Độ là một trong những quốc gia thúc đẩy tích cực nhất chương trình nghị sự “Miền Nam toàn cầu” vào năm này. Ông Modi nhấn mạnh tầm quan trọng của “Miền Nam toàn cầu” trong nhiều dịp song phương và đa phương quan trọng, đồng thời bày tỏ mong muốn trở thành nhà lãnh đạo của “Miền Nam toàn cầu”. Điều này thể hiện đầy đủ vị trí quan trọng của “Miền Nam toàn cầu” trong chiến lược chính sách đối ngoại của Chính phủ Modi. Vì vậy, cần xem xét mối liên hệ giữa Ấn Độ và “Miền Nam toàn cầu” trên cơ sở làm rõ nội hàm của “Miền Nam toàn cầu”. Phân tích các biện pháp chiến lược của Ấn Độ nhằm thúc đẩy “Miền Nam toàn cầu”, chỉ ra những vấn đề thách thức mà chiến lược “miền Nam toàn cầu” của Ấn Độ phải đối mặt.
Việc phát triển từ các nước “Miền Nam” tới “Nam toàn cầu” làm nổi bật đặc trưng thời đại của khái niệm “Miền Nam”. Sự trỗi dậy của “Nam toàn cầu” cho thấy các nước “Miền Nam” đã từ bỏ những thuộc tính lạc hậu mà đại diện là “Thế giới thứ ba” và “các nước kém phát triển”, từ bỏ sự phân biệt chính trị giữa “trung tâm” và “ngoại vi”. Bắt đầu vượt qua ranh giới địa lý và hình thái ý thức, cùng tồn tại với “miền Bắc” và “các nước phát triển” trong làn sóng toàn cầu hóa. Điều này cũng mang đến một câu chuyện mới về địa chính trị toàn cầu. Do đó “Miền Nam toàn cầu” với tư cách là một tập thể dần dần thoát ra khỏi cái lồng “địa phương hóa” và trở thành một mắt xích quan trọng trong khuôn khổ hệ thống quốc tế hiện nay. Sự trỗi dậy của “Miền Nam toàn cầu” đại diện cho triển vọng rộng lớn của các nước đang phát triển và mới nổi trên thế giới, cũng đánh dấu tầm quan trọng ngày càng tăng của các mối quan hệ quyền lực địa chính trị.
Các biện pháp chiến lược của Ấn Độ hướng tới “Miền Nam toàn cầu”
Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1947, Ấn Độ đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia phía Nam. Về mặt lịch sử, mối quan hệ của Ấn Độ với “Miền Nam toàn cầu” có thể được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là từ giai đoạn sau Thế chiến thứ II đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, khi “sự chia rẽ Bắc Nam” trong quan hệ quốc tế bắt đầu xuất hiện. Ấn Độ thúc đẩy “các nước miền Nam” trở thành lực lượng chính trị độc lập bắt đầu xuất hiện trên vũ đài chính trị thế giới. Vào những năm 1950, Ấn Độ ủng hộ cuộc đấu tranh quốc tế chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa thực dân. Sau những năm 1960, Ấn Độ trở thành nước đi đầu trong Phong trào Không liên kết và là đại diện tiêu biểu của các nước đang phát triển, đồng thời trở thành một trong những thành viên sáng lập của Nhóm G-77. “Không liên kết” đã dần trở thành “bản sắc cốt lõi của Ấn Độ trong nền chính trị toàn cầu”. Trong giai đoạn này, Ấn Độ nhìn chung coi việc hỗ trợ dành cho các quốc gia thuộc “Miền Nam toàn cầu” là nền tảng trong chính sách đối ngoại, tích cực cung cấp hỗ trợ cho “Miền Nam toàn cầu”. Trong giai đoạn này, thái độ của Ấn Độ đối với chính sách “không liên kết” cũng trải qua những thăng trầm, dần dần từ bỏ không liên kết ở một mức độ nhất định và chuyển sang liên minh thực tế hoặc gần như liên kết với các quốc gia cụ thể. Giai đoạn thứ hai là từ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đến năm 2014, khi Ấn Độ điều chỉnh một phần chính sách “không liên kết” và nhấn mạnh quan hệ cân bằng giữa các nước lớn, “chơi cả cánh hữu và cánh tả”. Với sự sụp đổ của Liên Xô và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, sự đoàn kết của Thế giới thứ ba không còn là trọng tâm của Ấn Độ nữa. Đặc biệt sau cuộc cải cách kinh tế của Ấn Độ vào cuối thế kỷ 20 và việc ký kết thỏa thuận quốc phòng và thỏa thuận hạt nhân dân sự giữa Mỹ và Ấn Độ vào đầu thế kỷ 21, Ấn Độ càng chú ý đến các nước phương Tây. Trong giai đoạn này, Ấn Độ bắt đầu vượt ra ngoài chính sách “không liên kết” thời Chiến tranh Lạnh, chuyển trọng tâm ngoại giao sang tăng cường quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và các nước phát triển châu Âu. Mặc dù Ấn Độ và “các nước miền Nam” như Trung Quốc cùng tạo ra các cơ chế như Nhóm BRICS, nhưng nhìn chung, Ấn Độ đã bỏ qua đoàn kết với các nước đang phát triển ở mức độ lớn. Giai đoạn thứ ba là kỷ nguyên của Chính phủ Modi tự định vị mình là “cường quốc đi đầu”, theo đuổi chính sách “liên minh đa hướng”, từ lạnh nhạt chuyển sang chủ động với “miền Nam toàn cầu”. Sau khi Narendra Modi trở thành Thủ tướng, ông tuyên bố Ấn Độ đã bước vào kỷ nguyên “tự chủ chiến lược”. Họ đã vắng mặt hai nhiệm kỳ liên tiếp tại hội nghị cấp cao của Phong trào Không liên kết. Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên không tham gia hội nghị thượng đỉnh thường niên của Phong trào Không liên kết từ năm 1979. Khi cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gia tăng, Ấn Độ chuyển sang chính sách đối ngoại linh hoạt hơn. Trên cơ sở xem xét “ngoại giao cân bằng giữa các cường quốc”, Ấn Độ chủ trương “đa liên kết” (multi-alignment) hợp tác với các nước khác nhau trong các vấn đề khác nhau. Năm 2019, Ngoại trưởng Ấn Độ Vijay Gokhale tin rằng Ấn Độ đã chia tay kỷ nguyên “không liên kết” và trở thành quốc gia liên kết dựa trên những vấn đề cụ thể. Harsh V. Pant, người đứng đầu chương trình nghiên cứu chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát Ấn Độ, thẳng thắn nói: “Chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã đạt được sự chuyển đổi quan trọng từ truyền thống lịch sử ‘độc lập chiến lược’ sang ‘liên minh chiến lược’, cố gắng tăng cường quan hệ đối tác để đạt được các mục tiêu quốc gia”. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, ảnh hưởng quốc tế của “Miền Nam toàn cầu” ngày càng trở nên rõ ràng. Thủ tướng Modi đã chuyển sang nỗ lực “khôi phục” hình ảnh cũ của Ấn Độ với tư cách là người phát ngôn của “Miền Nam toàn cầu” trong thời đại Nehru, nhấn mạnh vai trò của Ấn Độ là người bảo vệ các nước đang phát triển. Theo quan điểm của Ấn Độ, “Miền Nam toàn cầu” là nguồn lực quan trọng để đạt được mục tiêu chuyển đổi từ một cường quốc khu vực thành một cường quốc toàn cầu. Đồng thời là phương tiện quan trọng để Ấn Độ duy trì độc lập chiến lược và phòng ngừa trước ảnh hưởng của Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu này, “Miền Nam toàn cầu” đã trở lại vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự ngoại giao song phương và đa phương. Nhìn chung, Ấn Độ đang cố gắng nâng cao ảnh hưởng của mình ở “Miền Nam toàn cầu” và trên trường quốc tế bằng cách thúc đẩy nước này trở thành nước dẫn đầu “Miền Nam toàn cầu”, là cầu nối giữa “Phương Tây” và “Miền Nam toàn cầu”, mở rộng “ngoại giao đa phương nhỏ”.
Thúc đẩy Ấn Độ trở thành nhà lãnh đạo “Miền Nam toàn cầu”
Đầu tiên, nhấn mạnh mối liên hệ tự nhiên giữa “Miền Nam toàn cầu” và phong trào “Không liên kết”. “Miền Nam toàn cầu chiếm vị trí quan trọng trong cục diện chính trị quốc tế hiện nay, là lực lượng chiến lược mà Ấn Độ cần coi trọng để tìm kiếm vị thế cường quốc. Mặc dù trong giai đoạn đầu cầm quyền, Thủ tướng Modi chú ý duy trì khoảng cách với “không liên kết” và nhấn mạnh “liên minh đa hướng”, nhưng là thành viên của G-77, Ấn Độ phải đối mặt với những vấn đề và thách thức tương tự với các nước khác. Về bản chất, chính sách này vẫn chưa thoát khỏi mục đích và nguyên tắc “không liên kết”, tức là thông qua phương thức hòa bình độc lập tự chủ triển khai ngoại giao. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết rằng “liên minh bắt nguồn từ di sản của chủ nghĩa thực dân và hệ tư tưởng Chiến tranh Lạnh đang nhường chỗ cho bối cảnh và quan hệ đối tác mới, Ấn Độ vẫn tuân thủ các nguyên tắc và mục tiêu của Phong trào Không liên kết”. Ngoài ra, trong những năm gần đây, Mỹ Latinh và Đông Nam Á đang thúc đẩy xu hướng “không liên minh tích cực” mới đưa vào chương trình nghị sự ngoại giao của các nước “Miền Nam toàn cầu”. Ấn Độ thông qua bối cảnh lịch sử của phong trào “không liên kết”, cố gắng nhấn mạnh mối liên hệ tự nhiên của mình với “miền Nam toàn cầu”.
Ngày 26/1/2023, tại buổi lễ Ngày Cộng hòa Ấn Độ, Modi đã mời Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, một trong những người đồng sáng lập Phong trào Không liên kết, tham dự với tư cách là khách mời chính trong nỗ lực tăng cường quan hệ với “miền Nam toàn cầu” bằng cách khởi động lại quan hệ đối ngoại trong kỷ nguyên không liên kết. Jaishankar cho rằng: “Từ phong trào phi thực dân hóa cho đến việc phản đối liên minh trước một thế giới bị phân cực sâu sắc, ‘Miền Nam toàn cầu’ luôn thể hiện con đường trung dung”. Trong cuốn sách mới của mình, “Con đường của Ấn Độ: Chiến lược trong một thế giới không chắc chắn” Jaishankar đã tóm tắt chiến lược đối ngoại của Ấn Độ như sau: “Làm bạn với Mỹ, đối phó với Trung Quốc, đi sâu vào châu Âu, xoa dịu Nga, huy động Nhật Bản, hội nhập các nước láng giềng, gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh rộng hơn và mở rộng những người ủng hộ truyền thống”. Chính phủ Ấn Độ cố gắng chứng tỏ rằng Ấn Độ nhất quán với “Miền Nam toàn cầu”, kiên trì không liên minh và luôn tuân thủ con đường tự chủ chiến lược.
Tiếp đến, thúc đẩy Ấn Độ trở thành người phát ngôn và bảo vệ lợi ích của “Miền Nam toàn cầu”. Trong những năm gần đây, Ấn Độ liên tục khẳng định mình là người bảo vệ các nước đang phát triển, tích cực thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Nam bán cầu, sự tích cực của Ấn Độ thể hiện việc theo đuổi mục tiêu vai trò lãnh đạo trong “Miền Nam toàn cầu”. Thậm chí mượn “Miền Nam toàn cầu” để mở rộng ảnh hưởng quốc tế của mình. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, Ấn Độ đã tích cực cung cấp vắc-xin và thuốc men cho hơn 100 quốc gia đang phát triển. Ngày 01/12/2022, Ấn Độ giữ chức chủ tịch luân phiên G20, Thủ tướng Modi cho rằng tiếng nói của “Miền Nam toàn cầu” thường bị bỏ qua và cho rằng các ưu tiên của G20 không chỉ cần được đàm phán với các đối tác G20, mà còn với các các nước rộng lớn hơn ở ‘miền nam toàn cầu’. Tuyên bố về “miền Nam toàn cầu” trở thành mục tiêu cốt lõi trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên G20 của Ấn Độ và đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ Ấn Độ bày tỏ thái độ tích cực đối với “miền Nam toàn cầu”.
Tháng 1/2023, Ấn Độ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến “Tiếng nói miền Nam toàn cầu” đầu tiên. Hội nghị tập trung vào các vấn đề chung mà “Miền Nam toàn cầu” phải đối mặt và tìm cách mở rộng hơn nữa tiếng nói của nhóm này đồng thời thảo luận các vấn đề mà các nước “miền Nam toàn cầu” cùng quan tâm, bao gồm phục hồi sau dịch bệnh, nợ gia tăng, an ninh lương thực và năng lượng, hành động về khí hậu, thúc đẩy kết nối và trao đổi kinh tế, thương mại giữa các nước trong “Miền Nam toàn cầu”. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Modi cho biết: “Hiện nay, nhiều thách thức toàn cầu khác nhau đã đặt thế giới vào thời điểm quan trọng. Hầu hết các thách thức toàn cầu không phải do ‘Miền Nam toàn cầu’ gây ra, mà chúng ta đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ hơn… vai trò hoặc tiếng nói của chúng ta không được tính đến trong việc tìm kiếm giải pháp… chúng ta nên cố gắng định hình trật tự mới”. Tại hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Modi nhấn mạnh Ấn Độ coi trọng lợi ích và mối quan tâm của “Miền Nam toàn cầu” và tuyên bố rằng “tiếng nói của ‘miền Nam toàn cầu’ là tiếng nói của Ấn Độ và ưu tiên của ‘miền Nam toàn cầu’ là ưu tiên của Ấn Độ.” Ngoài ra, Ấn Độ cũng công bố 5 sáng kiến lớn nhằm tăng cường hỗ trợ cho “Miền Nam toàn cầu”. Nhấn mạnh rằng các sáng kiến do Ấn Độ đề xuất phù hợp với “Miền Nam toàn cầu”. Tinh thần của sáng kiến này là nhất quán và sáng kiến này ưu tiên các nhu cầu phát triển của “Miền Nam toàn cầu”.
Tháng 5/2023, khi Thủ tướng Modi đến thăm Papua New Guinea và tổ chức Diễn đàn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông nói rằng Ấn Độ có trách nhiệm thu hút sự chú ý của thế giới đến các vấn đề, kỳ vọng và nguyện vọng của “miền Nam toàn cầu”. Tháng 11/2023, Ấn Độ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến “Tiếng nói của miền Nam toàn cầu” lần thứ hai. Modi kêu gọi các nước đang phát triển tăng cường tham vấn, hợp tác, liên lạc, sáng tạo và xây dựng năng lực (5G) để thực hiện tầm nhìn “một hành tinh, một gia đình, một tương lai”.
Thúc đẩy Ấn Độ trở thành cầu nối giữa “phương Tây” và “Miền Nam toàn cầu”
Ngoài việc nhấn mạnh vai trò là người phát ngôn của “Miền Nam toàn cầu”, Chính phủ Modi tin rằng Ấn Độ có đủ ảnh hưởng quốc tế để trở thành cầu nối giữa “Phương Tây” và “Miền Nam toàn cầu”. Cường quốc Nam Á này có thể đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển nhỏ hơn và các cường quốc lớn trên thế giới, đồng thời định hình chương trình nghị sự toàn cầu. Trong chuyến thăm Pháp, ông Modi nói: “Tôi nghĩ Ấn Độ là một bờ vai vững chắc. Nếu ‘Miền Nam toàn cầu’ muốn phát triển, Ấn Độ có thể là bờ vai thúc đẩy nó tiến lên. Ấn Độ cũng có thể giúp ‘Miền Nam toàn cầu’ xây dựng kết nối với ‘Miền Bắc toàn cầu’, để tăng cường sức mạnh của ‘Miền Nam toàn cầu’.”
Ở cấp độ song phương, chính phủ Modi không ngừng tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ với các nước Mỹ, châu Âu và nhận được phản hồi tích cực. Tổng thống Biden cho rằng quan hệ Mỹ-Ấn là một trong những mối quan hệ mang tính quyết định nhất của thế kỷ 21, hoan nghênh “sự trỗi dậy của Ấn Độ với tư cách là một cường quốc thế giới và là đối tác hợp tác quốc phòng, chiến lược mạnh mẽ”. Nga coi quan hệ Nga-Ấn là một mối quan hệ đặc biệt được xây dựng trên cơ sở quan hệ đối tác thực sự thân thiết. Ấn Độ cũng chú trọng củng cố quan hệ với Nhật Bản và các nước ASEAN. Ở cấp độ đa phương, Ấn Độ tập trung mở rộng vai trò lãnh đạo trong các tổ chức đa phương. Ví dụ, Ấn Độ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Điều hành Tổ chức Y tế Thế giới WHO giai đoạn 2020 – 2023. Năm 2023 Ấn Độ được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và giữ chức Chủ tịch luân phiên G20. Khi sự cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, Ấn Độ ngày càng được coi là cầu nối giữa Bắc và Nam, Đông và Tây. Cựu Đại sứ Singapore tại Liên Hợp Quốc, ông Mak Kai-seok, cho biết: “Trật tự toàn cầu đang trải qua một sự thay đổi cấu trúc, sức mạnh của phương Tây đang suy giảm, trong khi sức nặng và quyền lực của miền Nam toàn cầu – thế giới bên ngoài phương Tây – đang tăng lên… Chỉ có Ấn Độ mới có thể là cầu nối giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới.”
Quan tâm tới lợi ích của “miền Nam toàn cầu” trong các tổ chức đa phương do phương Tây lãnh đạo
Tháng 5/2023, Ấn Độ được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Tại phiên họp phụ “Ứng phó với nhiều cuộc khủng hoảng”, đối mặt với các cuộc khủng hoảng lương thực, nhiên liệu và phân bón toàn cầu, Thủ tướng Modi đã đề xuất xây dựng một hệ thống lương thực bao trùm hơn, tăng cường chuỗi cung ứng phân bón toàn cầu, sử dụng công nghệ kỹ thuật số để mang lại lợi ích cho nông dân và hỗ trợ sự phát triển của các quốc gia “miền Nam toàn cầu”. Trong khi đó, Thủ tướng Modi đặt câu hỏi về hiệu quả của các tổ chức toàn cầu như Liên Hợp Quốc trong việc duy trì hòa bình và ngăn chặn xung đột, đồng thời kêu gọi cải cách các tổ chức này để đáp lại những lo ngại và tiếng nói của “miền Nam toàn cầu”. Năm 2023, Ấn Độ mời các nước láng giềng Nam Á như Bangladesh, Ai Cập, Nigeria và các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi tham gia tiến trình G20 với tư cách khách mời để nâng cao tính đại diện quốc tế của G20. Hội nghị Thượng đỉnh khắc phục bất đồng của các nước tham dự về vấn đề xung đột Nga – Ukraine, đạt được Tuyên bố chung. Swasti Rao, nghiên cứu viên tại Trung tâm Châu Âu và Á-Âu tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar, cho biết: “Bản thân sự đồng thuận mà G20 đạt được cho thấy vai trò của Ấn Độ như một điểm tựa đáng tin cậy đã được củng cố trong thế giới bị chia rẽ sâu sắc về các vấn đề địa chính trị như cuộc xung đột Ukraine”. Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế Đại học Nehru – Srikanth Kondapalli cũng cho rằng vai trò của Thủ tướng Modi trong việc tìm kiếm điểm chung giữa các nước phát triển và đang phát triển là “rất quan trọng”.
Nhấn mạnh rằng Ấn Độ “được phương Tây hoan nghênh hơn” và có thể thúc đẩy thay đổi quan niệm “phương Tây”.
Cần nhấn mạnh rằng Ấn Độ “được chào đón nhiều hơn” ở phương Tây. Trong những năm gần đây, khi chiến lược của Mỹ chuyển hướng về phía đông, Ấn Độ đã trở nên quan trọng hơn trong bố cục ngoại giao của Mỹ, trở thành đối tác chiến lược để kiểm soát và cân bằng với Trung Quốc. Từ góc nhìn của phương Tây, trong đó có Mỹ và các đồng minh, Ấn Độ với nền dân chủ lớn nhất thế giới là một đối tác có cùng chí hướng. “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và “Đối thoại an ninh bốn bên” của các cường quốc phương Tây như Mỹ cũng cần Ấn Độ phát huy vai trò quan trọng. Đồng thời, Ấn Độ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của “các giá trị dân chủ chung” trong các dịp hợp tác song phương và đa phương. Tại “Hội nghị thượng đỉnh dân chủ toàn cầu” đầu tiên do Mỹ tổ chức vào tháng 12 năm 2021, Thủ tướng Modi nhấn mạnh “tinh thần dân chủ” là một phần không thể thiếu trong “tinh thần văn minh” của Ấn Độ. Tại hội nghị thượng đỉnh Đối thoại An ninh Bốn bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, ông Modi nói rằng “Các cuộc hội đàm bốn bên” sẽ tiếp thêm sức mạnh để bảo vệ nền dân chủ toàn cầu. Ngoài ra, ảnh hưởng ngoại giao và quyền lực mềm của Ấn Độ khiến nước này trở thành cầu nối tiềm năng với các nước không liên kết trước đây và có thể dùng làm vũ khí chính trị để các nước phương Tây chia rẽ các nước đang phát triển. Akita Hiroyuki, nhà bình luận các vấn đề chiến lược của Nihon Keizai Shimbun ở Tokyo tin rằng có sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc về vai trò lãnh đạo của “miền Nam toàn cầu” và rằng Ấn Độ, chứ không phải Trung Quốc, đóng vai trò dẫn đầu ở “Miền Nam toàn cầu” là phù hợp với ích của của Nhật Bản và nhóm các quốc gia G7.
Từ góc độ thực tế, Ấn Độ có thể định hình thái độ và lập trường của phương Tây, thúc đẩy phương Tây coi trọng hơn đến “miền Nam toàn cầu”. Từ đó phát huy vai trò liên lạc và phối hợp giữa “phương Tây” và “miền Nam toàn cầu”. Trong xung đột Nga-Ukraine, trái với kỳ vọng của châu Âu, các nước thuộc “Miền Nam toàn cầu” không nhất trí phản đối Nga. Ngoài những cân nhắc chính trị thực tế, sự bất mãn mang tính lịch sử của “Miền Nam toàn cầu” đối với chủ nghĩa thực dân châu Âu và việc thiếu đại diện của “Miền Nam toàn cầu” trong các thể chế đa phương hiện nay cũng làm gia tăng sự khác biệt của họ với châu Âu. Đáp lại, Ấn Độ kêu gọi “châu Âu” tự xem xét lại. Bộ trưởng Ngoại giao Jaishankar cho biết, “Châu Âu cho rằng các vấn đề của châu Âu là vấn đề toàn cầu và các vấn đề toàn cầu không phải là vấn đề của châu Âu cần phải được điều chỉnh”. Động thái này không chỉ gây được tiếng vang với “miền Nam toàn cầu” mà còn được châu Âu công nhận. Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich rằng lý thuyết “tâm lý châu Âu” của Jaishankar là hợp lý và châu Âu cần nhận ra rằng chỉ bằng cách bảo vệ lợi ích và mối quan tâm của “miền Nam toàn cầu” mới có thể nhận được sự ủng hộ của họ. Cuộc thảo luận của Jaishankar về “tâm lý châu Âu” cũng được đưa vào Báo cáo An ninh Munich. Về vấn đề này, Shairee Malhotra, phó nghiên cứu viên tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát Ấn Độ, tin rằng sự thể hiện rõ ràng và nhất quán của Ấn Độ về “miền Nam toàn cầu” đã thúc đẩy sự thay đổi tư duy châu Âu.
Mở rộng “chủ nghĩa đa phương thu nhỏ”, giúp “miền Nam toàn cầu” tham gia quản trị khu vực và toàn cầu.
Trái ngược với chủ nghĩa đa phương truyền thống, “chủ nghĩa đa phương thu nhỏ” hoặc “tiểu đa phương” (Minilateralism) tìm cách thành lập các tổ chức mới quy mô nhỏ, không chính thức, dựa trên các chủ đề cụ thể và bảo vệ lợi ích chung bên ngoài các thể chế chính thức. Một thể chế mới tổ chức để bảo vệ lợi ích chung. “Chủ nghĩa đa phương thu nhỏ” được coi là cách tiếp cận ngoại giao linh hoạt và dễ thích ứng hơn trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe và an ninh lương thực. Hiện nay, những thay đổi liên tục trong cán cân quyền lực toàn cầu và khu vực đã ảnh hưởng đến hoạt động hiệu quả của các thể chế đa phương. Việc xây dựng sự đồng thuận trong các thể chế đa phương và khu vực truyền thống ngày càng khó khăn hơn. Vì vậy “chủ nghĩa đa phương nhỏ” đã trở thành công cụ quan trọng để tiến hành ngoại giao của Ấn Độ. Đặc biệt bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và xung đột giữa Nga và Ukraine trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tích cực mở rộng “hợp tác tiểu đa phương” để đưa ra giải pháp cho các thách thức toàn cầu.
Tích cực củng cố hình ảnh là đối tác phát triển đáng tin cậy của “Miền Nam toàn cầu” thông qua “chủ nghĩa đa phương thu nhỏ”. Trong lĩnh vực an ninh, Ấn Độ tăng cường hợp tác an ninh tiểu đa phương với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương. Đặc biệt tập trung vào ảnh hưởng an ninh đối với các quốc đảo Ấn Độ Dương. Trong lĩnh vực chính trị, Ấn Độ giữ vai trò chủ đạo thành lập Diễn đàn Đối thoại Ấn Độ – Pakistan, nêu bật bản sắc là “quốc gia dân chủ” của mình. Trong lĩnh vực kinh tế, Ấn Độ tích cực thúc đẩy xây dựng cơ chế “nhóm BRICS+”, chủ yếu mời các quốc gia không phải thành viên tham gia và tích cực triển khai hợp tác kinh tế, thương mại với họ. Trong lĩnh vực quản trị khí hậu, Ấn Độ hợp tác thành lập Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế.
Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế(International Solar Alliance) Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (Coalition for Disaster Resilient Infrastructure)và các dự án Mission LiFE. Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế là một liên minh gồm 121 quốc gia, chủ yếu ở “Miền Nam toàn cầu”, nhằm thúc đẩy năng lượng mặt trời và chống biến đổi khí hậu. Gurjit Singh, cựu Đại sứ Ấn Độ tại ASEAN, cho biết: “ Chúng tôi đang tiếp tục thúc đẩy xây dựng năng lực thân thiện với khí hậu và phát triển quan hệ đối tác với ‘Phía Nam toàn cầu’. Hành động của chúng tôi phản ánh cam kết của Ấn Độ trong việc thúc đẩy các nước đang phát triển phát huy vai trò lớn hơn cho tương lai chung”
Mượn ưu thế của hệ thống liên minh phương Tây để định hình “Miền Nam toàn cầu” thông qua “chủ nghĩa đa phương thu nhỏ”. Ấn Độ, Trung Đông, Châu Âu và Mỹ đã đạt được sáng kiến Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu, với sự tham gia của tám bên là Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê Út, Liên minh châu Âu, Pháp, Ý, Đức và Mỹ. Sáng kiến này cam kết đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sắt và vận tải biển ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Đồng thời tăng cường kết nối thương mại, năng lượng và kỹ thuật số trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt. Ông Modi tin rằng hành lang kinh tế này sẽ trở thành phương tiện hiệu quả để hội nhập kinh tế giữa Ấn Độ, Nam Á và châu Âu. Nó sẽ trở thành ngọn hải đăng của hợp tác, đổi mới và tiến bộ chung. Giới học thuật Ấn Độ thừa nhận sáng kiến này cạnh tranh với sáng kiến ”Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc, cũng là biểu hiện cho ý đồ của Ấn Độ nhằm cạnh tranh với Trung Quốc để giành quyền lãnh đạo trong xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước thuộc “Miền Nam toàn cầu”.
Những thách thức đối với chiến lược “miền nam toàn cầu” của Ấn Độ
Sau sự trỗi dậy của “miền Nam toàn cầu”, các nước như Ấn Độ, Brazil, Nam Phi đã dấy lên cuộc cạnh tranh giành vị trí lãnh đạo “miền Nam toàn cầu”. Mặc dù Trung Quốc không có ý định tranh giành vai trò lãnh đạo “miền Nam toàn cầu”, nhiều lần nhấn mạnh “miền Nam toàn cầu” cần nỗ lực thực hiện phát triển toàn cầu và hợp tác cùng có lợi trên cơ sở cùng tham vấn, cùng xây dựng, cùng chia sẻ. Bắc Kinh phát đi tín hiệu rõ ràng “miền Nam toàn cầu” độc lập tự chủ, liên hợp tự cường. Nhưng Ấn Độ vẫn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong cuộc tranh giành vị trí lãnh đạo “miền Nam toàn cầu”. Đối với vấn đề này, Ấn Độ liên tục tổ chức hội nghị thượng đỉnh “Tiếng nói phương Nam toàn cầu” và loại trừ Trung Quốc ra ngoài. Mượn lực Mỹ phóng đại vị thế lãnh đạo của Ấn Độ trong “miền Nam toàn cầu”, tạo trở ngại cho các cơ chế hợp tác liên quan giữa Trung Quốc và “miền Nam toàn cầu” như “Một vành đai, một con đường”.
Trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy hợp tác với “Miền Nam toàn cầu”, cạnh tranh vị trí lãnh đạo của “Miền Nam toàn cầu” trên phạm vi toàn cầu. Sự coi trọng và lôi kéo của các nước phương Tây đối với Ấn Độ cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược “miền Nam toàn cầu” của Ấn Độ. “Miền Nam toàn cầu” cũng rất hoan nghênh khi nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của Ấn Độ dành cho mình, đồng thời tìm kiếm cơ hội phát triển cho riêng họ ở trong đó. Tóm lại, thiện chí và động lực nội tại của Ấn Độ trong việc thúc đẩy hợp tác với “miền Nam toàn cầu” ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng việc Ấn Độ thúc đẩy chiến lược “Miền Nam toàn cầu” không phải là chuyện đương nhiên mà sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tính hợp pháp của nước này với tư cách là nước lãnh đạo “Miền Nam toàn cầu”, xung đột lợi ích với các nước phương Tây và sự cạnh tranh khốc liệt từ bên ngoài.
Thứ nhất, vấn đề về tính hợp pháp của Ấn Độ với tư cách là nhà lãnh đạo của “Miền Nam toàn cầu”. Ấn Độ cho rằng họ có vai trò là cầu nối giữa miền Nam và miền Bắc, Đông và Tây trên toàn cầu, nhưng vai trò là cầu nối và nhà lãnh đạo mà nước này mô tả vẫn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khách quan về tính hợp pháp. Một mặt, việc “viện trợ” của Ấn Độ cho “Miền Nam toàn cầu” phục vụ lợi ích quốc gia của nước này, gây lo ngại cho nhiều quốc gia “Miền Nam toàn cầu”. Các quốc gia phương Nam đặt trọng tâm quản trị toàn cầu vào phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế, phát triển là chủ đề cốt lõi mà họ quan tâm. Nhưng đối với Ấn Độ, “kế hoạch viện trợ” cho các nền kinh tế mới nổi được thúc đẩy bởi lợi ích an ninh quốc gia (như an ninh năng lượng) và lợi ích kinh tế (như thâm nhập thị trường). Điều này trong mắt “miền Nam toàn cầu” không khác gì “ Mô hình miền Bắc” trước đây. Sự tham gia của Ấn Độ vào hợp tác Nam-Nam ngày càng đồng nghĩa với “ngoại giao kinh tế” và “chiến lược quản lý kinh tế”. Bản chất là sử dụng các mô hình tài chính để hỗ trợ các tương tác kinh tế, chính trị và địa chiến lược của Ấn Độ ở nước ngoài. Mặt khác, có sự mâu thuẫn giữa khả năng phối hợp của Ấn Độ và khát vọng phát triển của “Miền Nam toàn cầu”. Là thành viên của “Miền Nam toàn cầu”, Ấn Độ có lợi ích chung với “Miền Nam toàn cầu” và phải đối mặt với những vấn đề chung như phát triển kinh tế chậm và khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, có sự mâu thuẫn giữa việc Ấn Độ theo đuổi lợi ích riêng của mình và sự phát triển ưu tiên của các nước tiếp nhận. Ví dụ, đầu tư của Ấn Độ vào Châu Phi chủ yếu tập trung vào dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, khai thác mỏ và các lĩnh vực khác, phản ánh rằng an ninh năng lượng là yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng đầu tư của Ấn Độ vào Châu Phi. Nhưng điều này không phù hợp với mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của địa phương. Ngoài ra, “miền Nam toàn cầu” hoàn toàn không phải là một khối sắt, nội bộ của nó có tính không đồng nhất rất lớn về kinh tế, thể chế chính trị, bảo vệ môi trường. Các quốc gia khác nhau có những ưu tiên chính sách rất khác nhau trong các lĩnh vực vấn đề khác nhau. Ví dụ, Costa Rica đi đầu trong việc bảo vệ môi trường và chuyển đổi sang năng lượng sạch, trong khi Nigeria là nước sản xuất dầu lớn. Vì vậy, làm thế nào để phối hợp các hành động bảo vệ môi trường và nhu cầu phát triển của các quốc gia khác nhau là một vấn đề thực tế trước mắt. Trong khi đó, làm thế nào để thực sự xuất phát từ lợi ích và nhu cầu thực tế của “miền Nam toàn cầu” để “lãnh đạo” lại trở thành vấn đề mang tính phương hướng của chiến lược “miền Nam toàn cầu” mà Ấn Độ phải đối mặt.
Thứ hai, vai trò lãnh đạo của Ấn Độ ở “Miền Nam toàn cầu” đang xung đột với lợi ích chiến lược của các nước phương Tây. Một mặt, sự ủng hộ của Mỹ và các nước phương Tây dành cho Ấn Độ mâu thuẫn với lợi ích chiến lược của chính họ. Mặc dù Ấn Độ tự hào là “nền dân chủ lớn nhất thế giới” và sử dụng mối quan hệ đặc biệt của Ấn Độ với Mỹ và phương Tây như một sự trợ giúp trong nỗ lực trở thành nhà lãnh đạo của “Miền Nam toàn cầu”. Mỹ cũng tích cực hỗ trợ Ấn Độ trong việc đảm nhận vai trò lãnh đạo của “Miền Nam toàn cầu.” Tuy nhiên, các hành động chiến lược như “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và “Hành lang kinh tế Ấn-Âu” mới là phương tiện truyền tải lợi ích quan trọng hơn giữa Mỹ, phương Tây và Ấn Độ. Mỹ ủng hộ Ấn Độ trở thành người phát ngôn của “Miền Nam toàn cầu” ở mức độ nào và liệu Ấn Độ có đủ thiện chí và khả năng thực hiện cam kết với “Miền Nam toàn cầu” hay không là những vấn đề thực sự không thể bỏ qua. Mặt khác, có một mâu thuẫn không thể hòa giải giữa nhu cầu tự chủ chiến lược của Ấn Độ và lợi ích riêng của Mỹ và phương Tây. Ví dụ, các mục tiêu chiến lược tổng thể của Ấn Độ bao gồm hiện thực hóa “Ấn Độ Dương của Ấn Độ.” Chiến lược khu vực độc quyền này không nhất quán với “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ. Sau xung đột Nga-Ukraine, diễn ngôn về các giá trị dân chủ của Ấn Độ về vấn đề Ukraine “tan thành mây khói”. Ấn Độ không những không theo phe phương Tây cáo buộc Nga “gây hấn” mà còn tăng cường mua dầu của Nga. Trong quá trình này, Ấn Độ liên tục nhấn mạnh rằng nước này tiến hành ngoại giao dựa trên lợi ích quốc gia của mình. Đồng thời, với tư cách là một nền kinh tế đang phát triển, Ấn Độ vốn đã có những “mâu thuẫn mang tính hệ thống” với các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu về các vấn đề kinh tế và thương mại, và “các giá trị dân chủ chung” không đủ để khắc phục những khác biệt này. Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9/2023, Ấn Độ, với tư cách là chủ tịch luân phiên, đã nhắc lại trong tuyên bố chung rằng nước này tuân thủ các nguyên tắc chính của trật tự thương mại dựa trên quy tắc lấy Tổ chức Thương mại Thế giới làm trọng tâm và cam kết thúc đẩy Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới. Tuy nhiên, trong một bài phát biểu hồi tháng 9 có tựa đề “Tổ chức Thương mại Thế giới và Hệ thống Thương mại Đa phương”, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã nói rõ rằng chính quyền Biden không quan tâm đến việc “khôi phục” cơ quan kháng cáo của WTO. Sự khác biệt về lợi ích và lập trường này phản ánh những mâu thuẫn sâu sắc giữa Ấn Độ và các nước phương Tây. Trong các thể chế song phương và đa phương trong tương lai, “sự vững chắc” của Ấn Độ với tư cách là cầu nối giữa “phương Tây” và “miền Nam toàn cầu” vẫn còn cần tiếp tục quan sát.
Thứ ba, vai trò lãnh đạo của Ấn Độ ở “Miền Nam toàn cầu” phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài. Là lực lượng chính trị lỏng lẻo, sự lãnh đạo “Miền Nam toàn cầu” không thể do một quốc gia đơn lẻ “tự xưng” mà cần phải được hầu hết các thành viên của “Nam toàn cầu” công nhận rộng rãi. Hiện nay, Ấn Độ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước như Brazil trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo “miền Nam toàn cầu”. Ví dụ, Brazil đã cam kết đóng vai trò là một “cường quốc không thể thiếu” trong nền chính trị toàn cầu kể từ thế kỷ 21. Nước này đã nhiều lần tuyên bố đại diện và bảo vệ lợi ích của các quốc gia “Nam toàn cầu” tại các diễn đàn quốc tế như Hội nghị G20, đồng thời áp dụng hành động tích cực thông qua các hình thức dẫn dắt các nước đang phát triển đàm phán với các nước phát triển. Brazil cũng không ngừng định hình và nhấn mạnh vai trò đặc biệt của mình là cầu nối giữa “Nam toàn cầu” và “Bắc toàn cầu”. Thông qua những hành động bảo vệ lợi ích của “Miền Nam toàn cầu” và chia sẻ kinh nghiệm phát triển cũng như cung cấp nhiều hỗ trợ khác nhau cho “Miền Nam toàn cầu”, vai trò lãnh đạo của Brazil ở “Miền Nam toàn cầu” đã được một số quốc gia công nhận.
Tóm lại, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cường quốc, xung đột Nga-Ukraine, xung đột Palestine-Israel ngày càng gia tăng, Ấn Độ thông qua các sáng kiến song phương, đa phương, đưa “Miền Nam toàn cầu” vào bố cục chiến lược đối ngoại, đi sâu hợp tác với “miền Nam toàn cầu” sẽ giúp giảm bớt những khó khăn phát triển của “Miền Nam toàn cầu” ở một mức độ nhất định và thúc đẩy “Miền Nam toàn cầu” tham gia rộng rãi hơn vào quản trị toàn cầu. Đồng thời, Ấn Độ coi Trung Quốc là đối thủ trong quá trình cạnh tranh quyền lãnh đạo “Miền Nam toàn cầu”. Điều này sẽ tác động đến trật tự khu vực và toàn cầu, cũng sẽ giúp Mỹ dùng Ấn Độ làm cầu nối để mở rộng hợp tác với “Phía Nam toàn cầu”, tiến hành ngăn chặn Trung Quốc./.
Lược dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Chu Linh Linh – Nghiên cứu sinh Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh. Xu hướng nghiên cứu chính: ngoại giao và chính sách đối ngoại của các nước lớn.