“Theo quan điểm của tôi, ASEAN đang có một sự chia rẽ hơn là đoàn kết. Đây là một phép thử, nhưng cũng là một mối đe dọa hiện hữu đối với cả Tổ chức.” Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 thể hiện quan điểm.
Cuộc khủng hoảng chính trị bắt đầu bằng việc lực lượng quân đội tiếp quản chính phủ nước này diễn ra vào năm 2021 đã dẫn đến tình trạng bất ổn kéo dài tại Myanmar, đến nay vẫn chưa có một giải pháp thỏa đáng nào dành cho đất nước này. Trong đó, với vai trò là một “mắt xích” quan trọng có thể giúp Myanmar giải quyết khủng hoảng hiện thời, những nước đi của ASEAN tác động mạnh mẽ đến tình hình nội bộ của quốc gia thành viên này.
Châm ngòi bất ổn
Vào ngày 1/2/2021, quân đội Myanmar (Tatmadaw) đã tiến hành một cuộc chính biến trong chính phủ. Theo lý do chính thức mà Tatmadaw đưa ra, lực lượng này nghi ngờ có sự gian lận đối với kết quả tổng tuyển cử vào tháng 11/2020, với chiến thắng áp đảo của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi dẫn dắt.[1]
Kể từ đó, lực lượng quân sự đã tiến hành những biện pháp cứng rắn đối với bất kỳ lực lượng đối lập nào tại quốc gia này. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, một tổ chức phi lợi nhuận của Myanmar theo dõi tình hình khủng hoảng, đã có ít nhất 4.185 thường dân và các nhà vận động thuộc phe đối lập đã thiệt mạng kể từ tháng 2/2021.[2]
Có thể nói, Myanmar đang ngày càng sa lầy trong cuộc khủng hoảng chính trị. Từ lâu, đất nước Đông Nam Á này đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc phát triển đất nước bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế. Giờ đây, nước này lại phải chứng kiến cuộc xung đột leo thang giữa quân đội với các nhóm liên minh chính trị đối địch cùng các tổ chức vũ trang sắc tộc.[3]
“Phép thử” dành cho ASEAN
ASEAN đóng một “mắt xích” quan trọng trong việc giải quyết bất ổn chính trị tại Myanmar, bởi đây là diễn đàn đa phương hàng đầu khu vực và là sợi dây kết nối giữa các quốc gia thành viên, trong đó có Myanmar. ASEAN nhấn mạnh sự ổn định chính trị tại các quốc gia thành viên là tất yếu nhằm đảm bảo vai trò trung tâm của Cộng đồng ASEAN trong việc gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực, đồng thời nâng cao vị thế và uy tín của tổ chức này trên trường quốc tế.[4]
Khi lực lượng vũ trang tại Myanmar bắt đầu mạnh tay với các cuộc biểu tình, ASEAN đã mời Min Aung Hlaing – người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar đến Hội nghị cấp cao diễn ra vào tháng 4/2021 tại Jakarta. Tại đây, Đồng thuận Năm điểm đã được ra đời với nỗ lực đưa đến hòa bình, ổn định cho Myanmar.[5]
Năm điểm thống nhất về vấn đề Myanmar gồm: (i) chấm dứt ngay lập tức bạo lực tại Myanmar; (ii) đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên; (iii) bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN hỗ trợ tiến trình hòa giải; (iv) cung cấp viện trợ nhân đạo; (v) thực hiện chuyến thăm của đặc phái viên đến Myanmar.[4]
Đồng thuận này đã được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres hoan nghênh tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – Liên hợp quốc lần thứ 12. Ông đánh giá cao sự hỗ trợ mạnh mẽ của các nước thành viên ASEAN đối với nhiệm vụ của Đặc phái viên chịu trách nhiệm trong tiến trình hòa giải tại Myanmar.[6]
Bên cạnh đó, ASEAN cũng đảm bảo tính tuân thủ Đồng thuận Năm điểm đối với các quốc gia thành viên thông qua báo cáo đánh giá thường niên. Tính đến nay đã có hai bản đánh giá chính thức.
Cụ thể, báo cáo năm 2022 do Campuchia làm Chủ tịch có một vài điểm đáng chú ý như sau: (i) các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhìn nhận Myanmar là một phần không thể tách rời khỏi khối; (ii) khẳng định ASEAN thực hiện trách nhiệm trên tinh thần của Hiến chương ASEAN và kêu gọi các bên giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.[7]
Đối với bản báo cáo năm 2023 tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 43, ASEAN ghi nhận vai trò kiến tạo một môi trường thuận lợi của Indonesia – Chủ tịch ASEAN 2023 để các bên liên quan thực hiện đàm phán hòa bình, đồng thời đánh giá cao sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc nhằm giúp ASEAN thực hiện nghĩa vụ của mình.
Tuy nhiên các nhà lãnh đạo ASEAN cũng quan ngại về cam kết thực hiện Đồng thuận đối với giới chức Myanmar hiện tại.[8] Điều khoản đầu tiên về chấm dứt bạo lực tại Myanmar đã nhiều lần bị vi phạm khi các cuộc tấn công nhắm vào dân thường vẫn diễn ra và số liệu thương vong ngày càng tăng. Hiện những người đứng đầu đất nước chưa thể hiện hết tinh thần tích cực, chủ động về việc đem lại hòa bình và ổn định cho quốc gia này.[9] Thậm chí, Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC) do quân đội Myanmar thành lập chưa tạo điều kiện để các đặc phái viên của ASEAN gặp bà Aung San Suu Kyi trong khi phía ASEAN vẫn đang nỗ lực liên lạc với các bên liên quan.[5]
Biểu hiện thiếu thiện chí của Myanmar làm dấy lên nghi vấn về tính hiệu quả của Đồng thuận và vai trò của ASEAN trong tình thế này. Thành viên Hạ viện Indonesia, Mercy Barends cho biết rằng nếu ASEAN thực hiện thỏa thuận theo lối mòn thì chính ASEAN đã đồng tình với cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Myanmar.[9]
Với “các bên liên quan” mà Đồng thuận nhắc đến, Chính phủ Thống nhất quốc gia (NUG) bao gồm các nhà lập pháp thất thế tại Myanmar đã lên tiếng mạnh mẽ rằng “ASEAN nên công nhận NUG là đại diện thực sự của Myanmar”, Bộ trưởng Ngoại giao NUG Zin Mar Aung cho biết thêm, “ASEAN nên và phải tham gia với các bên liên quan khác nhau, không chỉ với chính quyền quân sự”.[10]
Vậy, có nên hay không việc thiết lập một phương thức mới thay thế cho Đồng thuận Năm điểm, và ASEAN cần có thái độ như thế nào? Liệu Lào – chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ 2024 sẽ đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề đang là ưu tiên hàng đầu của Cộng đồng ASEAN?
Hi vọng về một viễn cảnh mới
Tại lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã trao búa Chủ tịch luân phiên ASEAN 44 cho Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.[11] Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, Lào chính thức kế nhiệm Indonesia, trở thành Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh khu vực có nhiều phức tạp mà bài toán dai dẳng vẫn là vấn đề Myanmar.
Bất chấp những nỗ lực của các chủ tịch trước đó như Brunei (2021), Campuchia (2022) và Indonesia (2023), vẫn còn tồn tại nhiều thách thức cho Lào trong việc giải quyết tình hình Myanmar một cách hiệu quả: Thứ nhất, ASEAN hiện chưa có hành động cụ thể vì Tổ chức vẫn còn bám giữ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên. Thứ hai, nhiều nước trong ASEAN ủng hộ lực lượng quân đội cầm quyền tại Myanmar [12]; Thứ ba, các bên liên quan tại Myanmar vẫn không sẵn sàng tìm ra giải pháp hòa bình và cam kết thực hiện chúng. Thứ tư, các cường quốc khác nhau không ngừng ủng hộ các bên đối lập, vốn làm phức tạp thêm tình hình hiện nay.[13]
Mặc dù vậy, tuyên bố chính thức của Lào từ khi cuộc chính biến nổ ra đến nay không thay đổi. Trước hết, Lào vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định chính trị ở tất cả các nước thành viên ASEAN. Thứ hai, Lào khuyến khích tất cả các bên liên quan tham gia vào một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại, hòa giải. Cuối cùng, Lào sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN để hỗ trợ tạo nên một môi trường thuận lợi nhằm đạt được hòa bình và ổn định lâu dài ở Myanmar.[14]
Trong Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 43, Thủ tướng Lào Siphandone cũng cam kết tiếp tục những nỗ lực của Indonesia trong việc xây dựng một ASEAN kết nối và kiên cường, mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN, củng cố vai trò trung tâm và sự thống nhất của khối, đồng thời xây dựng cấu trúc khu vực vì ổn định, hòa bình và phát triển trong khu vực.[13]
Trước nhiều ý kiến xoay quanh vai trò của ASEAN trong các vấn đề hiện tại, Tổng thư ký ASEAN đương nhiệm Kao Kim Hourn vẫn luôn khẳng định: “Tôi không nghĩ chúng tôi có bất kỳ sự chia rẽ nào về Myanmar. Điều đó rất rõ ràng,”. “Có sự thống nhất về cách ASEAN tiếp cận Myanmar, và nó có nghĩa là chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Myanmar.”[15]
Tổng hợp: Nguyệt Hằng
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Dr Angela Clare (2021), “The Myanmar coup: a quick guide”, Parliament of Australia, https://www.aph.gov.au/About_Parliament/Parliamentary_departments/Parliamentary_Library/pubs/rp/rp2122/Quick_Guides/MyanmarCoup
[2] “Myanmar military admits facing ‘heavy assaults’ from anti-coup forces”, Al Jazeera, https://www.aljazeera.com/news/2023/11/16/myanmar-military-admits-facing-heavy-assaults-from-anti-coup-forces
[3] Thái An (2023), “Myanmar liên tiếp nổ ra các cuộc tấn công của nhóm vũ trang thiểu số”, VOV, https://vov.vn/the-gioi/myanmar-lien-tiep-no-ra-cac-cuoc-tan-cong-cua-nhom-vu-trang-thieu-so-post1059065.vov
[4] “ASEAN đạt đồng thuận 5 điểm về tình hình Myanmar”, Báo điện tử Công lý, https://congly.vn/asean-dat-dong-thuan-5-diem-ve-tinh-hinh-myanmar-185783.html
[5] Al Jazeera Staff (2022), “Why is the Myanmar crisis such a challenge for ASEAN?”, Al Jazeera, https://www.aljazeera.com/news/2022/8/3/why-is-the-myanmar-crisis-such-a-challenge-for-asean
[6] “Southeast Asian Nations Play Crucial Role in Building Peaceful Societies, Global Economy, Secretary-General Tells Association’s Summit”, United Nations, 11/11/2022. https://press.un.org/en/2022/sgsm21580.doc.htm
[7] “Asean Leaders’ Review And Decision On The Implementation Of The Five-Point Consensus”, 2022, ASEAN Cambodia. https://asean.org/wp-content/uploads/2022/11/06-ASEAN-Leaders-Review-and-Decision-on-the-Implementation-of-the-Five-Point-Consensus.pdf
[8] “Asean Leaders’ Review And Decision On The Implementation Of The Five-Point Consensus”, 2023, ASEAN Indonesia. https://asean.org/wp-content/uploads/2023/09/01.FINAL-ASEAN-LEADERS-REVIEW-AND-DECISION-ON-THE-IMPLEMENTATION-OF-THE-5PC-1.pdf
[9] “ASEAN must take stronger stance beyond Five-Point Consensus, Southeast Asian MPs say”, ASEAN Parliamentarians for human rights, 24/04/2023. https://aseanmp.org/2023/04/24/asean-must-take-stronger-stance-beyond-five-point-consensus-southeast-asian-mps-say/
[10] Ali MC, “Myanmar aid convoy attack raises stakes for under-fire ASEAN”, Al Jazeera, 09/05/2023. https://www.aljazeera.com/news/2023/5/9/myanmar-convoy-attack-raises-stakes-for-asean
[11] Dương Ngọc, “Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN”, Báo Người Lao Động, 08/09/2023. https://nld.com.vn/chinh-tri/chuyen-giao-cuong-vi-chu-tich-asean-cho-lao-20230907220225099.htm
[12] Nyein Kaung, “ASEAN’s Defective Approach to the Crisis in Myanmar”, The Diplomat, 26/05/2023. https://thediplomat.com/2023/05/aseans-defective-approach-to-the-crisis-in-myanmar/
[13] Sochan, “Laos prepares to accept ASEAN chair against backdrop of Myanmar crisis”, ANN, 04/12/2023. https://asianews.network/laos-prepares-to-accept-asean-chair-against-backdrop-of-myanmar-crisis/
[14] “Laos Makes Official Statement on Myanmar”, Laotian Times, 15/03/2021. https://laotiantimes.com/2021/03/15/laos-makes-official-statement-on-myanmar/
[15] Nana Shibata, “ASEAN’s Myanmar stance won’t change with Laos in charge: official”, Nikkei Asia, 27/10/2023. https://asia.nikkei.com/Spotlight/Myanmar-Crisis/ASEAN-s-Myanmar-stance-won-t-change-with-Laos-in-charge-official