Belarus sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga khi NATO xem xét mở rộng sự hiện diện ở Đông Âu
Vào ngày 25/03/2023, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng, Nga đang chuẩn bị triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới quốc gia láng giềng và đồng minh Belarus. Vì thông báo này có ý nghĩa mang tính toàn cầu đối với việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và ổn định chiến lược, cũng như đối với diễn biến của cuộc khủng hoảng Ukraine và rộng hơn là cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, nó đã ngay lập tức trở thành tiêu đề trên khắp thế giới. Một số chính phủ, chủ yếu ở phương Tây và các tổ chức quốc tế đã nhanh chóng đưa ra các tuyên bố chính thức, chủ yếu là phản đối kế hoạch đã tuyên bố này của Nga.
Các cuộc thảo luận chính trị và truyền thông về tuyên bố của Tổng thống Putin tập trung vào lý do tại sao Moscow có thể quan tâm đến việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình ở Belarus và chính xác thì thông báo này nhằm mục đích đạt được điều gì. Với vị thế siêu cường hạt nhân của Nga, suy nghĩ và ý định của Tổng thống Putin trong bối cảnh này rõ ràng là quan trọng nhất. Tuy nhiên, việc phân tích xung quanh vấn đề này sẽ không đầy đủ nếu không quan tâm đến Belarus và lập trường của chính phủ nước này. Trên thực tế, ngay từ tháng 11/2021, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko đã cảnh báo rằng, ông sẽ đề nghị Moscow chuyển vũ khí hạt nhân tới Belarus nếu Mỹ cân nhắc đặt bom hạt nhân ở Đông Âu. Và vào tháng 06/ 2022, Tổng thônsg Lukashenko đã đề cập với Tổng thống Putin về việc Nga giúp nâng cấp máy bay của Belarus để có thể mang đầu đạn hạt nhân như một phản ứng trước hoạt động quân sự gia tăng của phía NATO, bao gồm các chuyến bay huấn luyện của máy bay ném bom có khả năng hạt nhân.
Thông báo mới cho một quyết định cũ?
Mặc dù các phương tiện truyền thông quốc tế hàng đầu đưa tin về thông báo ngày 25/03/2023 của Tổng thống Vladimir Putin là một tin tức nóng hổi, nhưng nó hầu như không gây ngạc nhiên. Bên cạnh những tuyên bố nêu trên của Tổng thống Belarus, Moscow và Minsk đã công khai nêu vấn đề này trong một số dịp trước đó. Ví dụ, tại cuộc họp báo chung vào ngày 19/12/ 2022, Lukashenko và Putin xác nhận rằng, các nước đang hợp tác để đào tạo cho các phi công và máy bay quân sự của Belarus có năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ hạt nhân có thể xảy ra. Một ngày sau, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng, hai quốc gia này đang phản ứng trước việc hiện đại hóa năng lực hạt nhân của Mỹ ở châu Âu.
Tuy nhiên, phát biểu mới nhất của Tổng thống Putin đã làm nổi bật một vài chi tiết mới. Đây là những gì chúng ta biết tại thời điểm này:
- Các thỏa thuận chỉ liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến thuật, không liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến lược (những vũ khí sau này đã được triển khai trên lãnh thổ Belarus trong Chiến tranh Lạnh);
- Belarus sẽ có hai loại bệ phóng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân – hệ thống tên lửa Iskander và 10 máy bay được nâng cấp gần đây;
- Các phi công Belarus sẽ hoàn thành chương trình đào tạo vào tháng 04/2023 và sau đó sẽ có thể vận hành máy bay có khả năng kép;
- Các cơ sở cất giữ vũ khí hạt nhân ở Belarus sẽ sẵn sàng vào tháng 07/2023;
- Nga sẽ không chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Belarus kiểm soát trực tiếp.
Tuy nhiên, không có thông tin cụ thể nào được cung cấp về kế hoạch thực sự triển khai vũ khí trên lãnh thổ Belarus. Một số nhà bình luận cho rằng, Moscow không có ý định hoàn tất việc chuyển giao vũ khí hạt nhân trên thực tế và chỉ quan tâm đến việc nâng cao nguy cơ leo thang để buộc Mỹ/NATO phải đàm phán. Thật vậy, vào tháng 12/2022, khi bình luận về kế hoạch Belarus-Nga liên quan đến hợp tác hạt nhân, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga đã nhấn mạnh rằng, nước này không có kế hoạch di chuyển bất kỳ đầu đạn nào ra khỏi kho chứa ở Nga. Tuy nhiên, điều quan trọng cần ghi nhớ là chúng ta đang quan sát thấy một cuộc đối đầu quân sự-chính trị lớn đang diễn ra, và khi căng thẳng leo thang, các biện pháp đối phó của các đối thủ cũng vậy. Do đó, một khi toàn bộ cơ sở hạ tầng ở Belarus đã sẵn sàng, trừ khi căng thẳng lắng xuống, việc triển khai vũ khí của Nga có thể sẽ là bước tiếp theo.
Động thái đáp trả thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO
Cả Minsk và Moscow đều nhấn mạnh rằng, thỏa thuận của họ không phải là điều mới lạ, vì họ chỉ chuẩn bị thực hiện điều mà Mỹ và một số đồng minh châu Âu đã thực hiện kể từ những năm đầu của Chiến tranh Lạnh. Điều này đề cập đến cái gọi là thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO, trong đó “đảm bảo rằng lợi ích, trách nhiệm và rủi ro của việc răn đe hạt nhân được chia sẻ trong toàn Liên minh”. Hiện tại, năm quốc gia châu Âu phi hạt nhân tham gia vào cơ chế này là Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Một cách rõ ràng nhất, Belarus và Nga nhấn mạnh rằng, họ sao chép thông lệ đã có của NATO khi được hỏi liệu ý định của họ có vi phạm Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) hay không. NPT cấm rõ ràng mọi hoạt động chuyển giao vũ khí hạt nhân trực tiếp hoặc gián tiếp cho “bất kỳ người nhận nào”. Moscow từ lâu đã chỉ trích các thỏa thuận của NATO nhưng giờ lặp lại lập luận tương tự rằng, miễn là họ không chuyển giao quyền kiểm soát vũ khí cho Minsk trong thời bình, thì sẽ không có sự vi phạm NPT nào.
Điều đáng chú ý là thái độ quay ngược lại đối với các hoạt động chia sẻ hạt nhân dường như phản ánh quan điểm chính sách đối ngoại đang thay đổi tổng thể của Moscow. Thay vì tiếp tục chỉ trích hành vi mà họ cho là không phù hợp của Mỹ, Moscow hiện tuyên bố rằng, nếu Washington được phép làm điều gì đó thì Nga và các cường quốc khác cũng nên được hưởng quyền tương tự.
Belarus: Từ tình trạng trung lập không có hạt nhân…
Mặc dù vẫn chưa chắc chắn liệu vũ khí hạt nhân của Nga có được triển khai vĩnh viễn ở Belarus hay không và nếu có thì chính xác là khi nào, nhưng việc giải quyết triệt để câu đố này đòi hỏi phải hiểu suy nghĩ ở Minsk. Đặc biệt là trong thời gian chỉ vài năm, Belarus đã vượt qua một chặng đường dài từ việc không cho phép có vũ khí hạt nhân đến yêu cầu vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ của mình.
Belarus là đồng minh thân thiết với Nga từ giữa những năm 1990. Các quốc gia có các cam kết phòng thủ chung hai tầng – một song phương trong Nhà nước Liên minh Belarus và Nga và một đa phương khác như một phần của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), cũng bao gồm Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan là thành viên. Tuy nhiên, cho đến đầu năm 2022, Hiến pháp Belarus đã có một điều khoản quy định rằng, Belarus “nhằm mục đích biến lãnh thổ của mình thành một khu vực phi hạt nhân và nhà nước trung lập”.
Trong khi tất cả vũ khí hạt nhân mà Belarus kế thừa từ Liên Xô đã được rút đi vào cuối tháng 11/1996, Minsk chưa bao giờ thực sự cố gắng rời bỏ các thỏa thuận phòng thủ chung với Nga để trở thành một quốc gia trung lập thực sự. Tuy nhiên, khi Minsk đóng vai trò là địa điểm chính cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga vào năm 2014-2020, Belarus về cơ bản đã theo đuổi chính sách “trung lập theo tình huống” đối với cuộc xung đột cụ thể đó và thậm chí còn ấp ủ ý tưởng trở thành một “Thụy Sĩ Đông Âu” .
…đến chuẩn bị tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Nga
Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào cuối năm 2020 khi Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ phản ứng trước kết quả chính thức của cuộc bầu cử tổng thống ở Belarus bằng một số gói trừng phạt và về cơ bản là đình chỉ liên lạc với Minsk. Nhiều biện pháp trừng phạt tiếp theo sau sự cố máy bay Ryanair, cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus-EU, và cuối cùng là sau khi cuộc xung đột Ukraine bắt đầu. Hiện tại, các biện pháp trừng phạt tương đương với việc phong tỏa một phần Belarus. Những diễn biến liên quan đến lệnh trừng phạt này, cuộc chiến tranh bên cạnh với khả năng mở rộng địa lý cao, cũng như quá trình quân sự hóa ồ ạt đang diễn ra ở Đông Âu và hội nghị thượng đỉnh NATO Madrid với các quyết định mở rộng sự hiện diện của Liên minh về phía Đông đã tạo ra một môi trường an ninh khác biệt về chất cho Belarus.
Chính bối cảnh này giải thích sự thay đổi mạnh mẽ trong thái độ của Minsk đối với vũ khí hạt nhân. Theo quan sát của tác giả, không ai trong Chính phủ Belarus tỏ ra đặc biệt hài lòng về tình hình khu vực đang xấu đi nhanh chóng và sự phát triển của vũ khí hạt nhân, vì những rủi ro liên quan đến việc trở thành mục tiêu cho kho vũ khí hạt nhân của NATO là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, xét đến mức độ mà cuộc đối đầu địa chính trị đã đi xa, thì khía cạnh răn đe của việc sở hữu vũ khí hạt nhân của Nga dường như chiếm ưu thế trong suy nghĩ của những người ra quyết định Belarus.
Đặc biệt là khi Belarus biết được vào năm 2020 về một trò chơi chiến tranh được phân loại cao do Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ thử nghiệm vào cuối thời chính quyền Obama. Trong trò chơi đó, một nhóm các chỉ huy quân sự Hoa Kỳ đã quyết định bắn vũ khí hạt nhân vào Belarus, vốn không có vai trò gì trong trò chơi, để buộc Nga phải xuống thang trong một cuộc khủng hoảng hạt nhân giả định. Trong khi chỉ là một trò chơi, các phương tiện truyền thông đưa tin về nó, trong bối cảnh những diễn biến tiêu cực khác, rõ ràng đã tìm thấy một lượng khán giả chăm chú ở Minsk. Vào tháng 02/2022, Belarus đã thông qua Hiến pháp mới, không còn đề cập đến tình trạng không có vũ khí hạt nhân.
Yêu cầu chủ động của Belarus đối với vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga dường như tuân theo logic tương tự như được thể hiện trong các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO, theo đó các quốc gia châu Âu tham gia kế hoạch coi đó là một sự đảm bảo bổ sung (bên cạnh cam kết phòng thủ tập thể được ghi trong Điều 5 của Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương) rằng, toàn bộ sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ, bao gồm cả khả năng hạt nhân của nước này, sẽ đến để bảo vệ họ trong trường hợp bị tấn công. Vì lý do tương tự, ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, nhiều chính phủ châu Âu muốn tiếp nhận binh lính Mỹ trên đất của họ. Tương tự, các quan chức ở Minsk lo ngại rằng, trong trường hợp Belarus bị tấn công, Moscow cuối cùng có thể từ chối kích hoạt “chiếc ô hạt nhân” của mình để bảo vệ đồng minh với hy vọng giảm leo thang nhanh chóng mà không mạo hiểm tấn công hạt nhân vào lãnh thổ của mình. Do đó, việc lưu trữ vũ khí hạt nhân của Nga ở Belarus nhằm giảm thiểu sự không chắc chắn này và do đó, tăng cường uy tín răn đe.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Tiến sĩ Yauheni Preiherman là người sáng lập và giám đốc tại Hội đồng Đối thoại Minsk về Quan hệ Quốc tế (Belarus). Ông có bằng tiến sĩ về Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Warwick, bằng Thạc sĩ Chính trị Châu Âu của Đại học Sussex và bằng Cử nhân Quan hệ Quốc tế của Đại học Bang Belarus.