Các phương tiện truyền thông của Pháp tỏ ra kinh ngạc trước làn sóng thay đổi chính quyền tại các nước châu Phi nói tiếng Pháp tại Sahel – vùng thảo nguyên Tây Phi rộng lớn cận sa mạc Sahara, và cũng không thể giải thích được thái độ thù địch mà cựu mẫu quốc này vấp phải tại các nước trên.
Những lập luận quen thuộc về mô hình bóc lột thuộc địa, đơn cử như việc doanh nghiệp Pháp khai thác một cách bất bình đẳng uranium từ Niger nhưng chỉ thanh toán theo giá thấp một cách kệch cỡm so với thị trường quốc tế, dù chính xác nhưng dường như là chưa đủ thuyết phục để lý giải tình trạng này khi mà phe đảo chính chưa bao giờ nhắc tới các lập luận trên mà đề cập tới những đề tài hoàn toàn khác.
Những câu chuyện “giả thuyết” về “sự thao túng của người Nga” cũng chẳng còn mấy đáng tin, trước hết vì Nga không đứng sau những lực lượng đảo chính tại Mali, Guinea, Burkina Faso, Niger hay Gabon, và trên hết bởi vì thái độ bất bình này bắt nguồn từ rất lâu trước khi người Nga hiện diện. Sự góp mặt của Moscow chỉ thực sự đáng kể từ sau chiến thắng của họ tại Syria vào năm 2016, trong khi vấn đề với người Pháp đã bắt đầu ít nhất từ năm 2010, nếu không phải từ năm 2001.
Hệ quả của 12 năm siết chặt gọng kìm
Như trong hầu hết các trường hợp, khi một thực trạng trở nên “khó hiểu” chính là bởi người ta đã bỏ qua hoặc quên mất nó xuất hiện ra sao. Kể từ vụ khủng bố 11/9/2001, Mỹ đã “giao” cho Pháp vai trò vận động và đại diện cho các chính sách của “chú Sam” tại châu Phi. Đối với Washington, Paris cần “giữ nguyên hiện trạng” (status quo) tại châu lục này cho tới khi Lầu Năm Góc có thể thiết lập được căn cứ của Bộ Tư lệnh châu Phi (AfriCom) tại chính “lục địa đen” (hiện tại căn cứ của lực lượng này đặt tại Đức) để triển khai trực tiếp chiến lược hủy hoại các cấu trúc Nhà nước quốc gia, như họ đã áp dụng tại khu vực “Trung Đông mở rộng”, hay còn được gọi là “Đại Trung Đông”. Dần dần, các chính sách kiểu quốc gia cộng hòa dần nhường chỗ cho những chính sách mang nặng tính sắc tộc, bộ lạc, và theo một nghĩa nào đó, làn sóng đảo chính vừa qua với người bản địa châu Phi là một hình thức nhất định để giải phóng khỏi sự “giúp đỡ” ngày càng ngột ngạt của Pháp, cho dù từ góc độ tổ chức nhà nước, đây là một bước thụt lùi.
Năm 2010, Tổng thống Pháp khi đó Nicolas Sarkozy, có thể là theo những lời “cố vấn” từ Washington, đã quyết định ra tay “giải quyết” cuộc xung đột tại Bờ Biển Ngà. Khi quốc gia Tây Phi này trải qua một cuộc nội chiến, một chiến dịch lúc đầu do Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và sau đó là Thủ tướng Kenya Raila Odinga – một người anh em họ của Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama – dẫn đầu đã lật đổ chế độ toàn trị của tổng thống Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo. Vấn đề không nằm ở chế độ của Gbagbo mà ở chỗ vị nguyên thủ này thất thế khi ban đầu nghe theo những hiệu lệnh của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhưng sau đó đã trở mình hướng theo quan điểm bảo vệ quyền lợi dân tộc.
Sau cuộc bầu cử tổng thống năm đó, Pháp can thiệp quân sự vào Bờ Biển Ngà để bắt giữ Gbagbo với mục đích được tuyên truyền là để ngăn chặn một cuộc diệt chủng và thay thế bằng Alassane Ouattara – một người bạn cũ của tầng lớp lãnh đạo Pháp. Sau khi bị phế truất, Gbagbo bị đưa ra xét xử tại Tòa án Hình sự quốc tế La Hay, nhưng sau một tiến trình tố tụng dài lê thê, cơ quan này phải thừa nhận Gbagbo không phạm bất kỳ tội ác diệt chủng nào, nói cách khác, hành vi can thiệp của Pháp là không thể biện minh.
Năm 2011, Tổng thống Sarkozy, vẫn theo “lời khuyên” từ Washington lại can dự vào Libya, một lần nữa theo các tuyên bố chính thức là để ngăn chặn một kẻ độc tài phạm tội diệt chủng với chính nhân dân mình. Để tạo uy tín cho lời buộc tội này, CIA đã dàn dựng một loạt chứng cớ tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, còn tại New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép các cường quốc can thiệp vào Libya để ngăn chặn một cuộc thảm sát chưa bao giờ tồn tại. Tổng thống Nga khi đó Dmitry Medvedev chọn cách ngoảnh mặt. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Obama nhìn thấy cơ hội để AfriCom rốt cục có thể chuyển sở chỉ huy từ Đức tới châu Phi; nhưng vào phút chót, tư lệnh AfriCom khi đó đã từ chối chiến đấu chống Muammar al-Gaddafi trong cùng chiến hào với những kẻ Jihad (Hồi giáo cực đoan) từng sát hại chính lính Mỹ tại Iraq – động thái phơi bầy ác cảm từ lâu của quân đội Mỹ với trò chơi hai mang của CIA, khi cơ quan này lợi dụng lực lượng Jihad để chống lại Nga, nhưng đôi khi với cái giá là chính sinh mạng của người phương Tây. Ông Obama buộc phải huy động NATO mặc dù trước đó từng đưa ra lời hứa không bao giờ sử dụng liên minh quân sự này tấn công một nước phương Nam. Cuối cùng, Gaddafi bị bắt, bị tra tấn rồi sát hại, trong khi Libya trở thành một quốc gia hỗn loạn và chia cắt.
Thế nhưng, Đại dân quốc Nhân dân Xã hội chủ nghĩa Ả-rập Libya (Libyan Arab Jamahiriya) không phải là một nền độc tài mà là một chế độ lấy cảm hứng từ tư tưởng của chính các nhà xã hội chủ nghĩa Pháp thế kỷ XIX trong Công xã Paris, ngoài ra còn là lực lượng duy nhất tại châu Phi quan tâm tới chính sách đoàn kết người da mầu và người Ả-rập châu Phi. Lý tưởng của Gaddafi là giải phóng cả châu lục như đã từng giải phóng người Libya khỏi chủ nghĩa thực dân phương Tây và cùng với Dominique Strauss-Kahn, vị chủ tịch người Pháp khi đó của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Gaddafi còn dự định thành lập một đồng tiền chung cho toàn châu Phi.
Bước đi “xóa sổ” Gaddafi đã đánh thức lại nhiều ám ảnh tưởng chừng đã bị chôn vùi: Libya lại trở thành sân khấu của những cuộc thảm sát người da mầu, kể cả người mang quốc tịch Libya, dưới cái nhìn thờ ơ của những kẻ chiến thắng phương Tây. Các quốc gia châu Phi nghèo đói từng nhận viện trợ của Libya suy sụp, trong số đó có Mali. Các thế lực cực đoan Jihad người Ả-rập mà NATO đã đặt vào vị trí nắm quyền tại Tripoli đã ủng hộ một số cộng đồng Tuareg (một sắc tộc Ả-rập du mục tại vùng Sahara và theo đạo Hồi) tiến hành các hành động bạo lực chống người da mầu, và vấn đề này dần lan rộng ra cả vùng Sahel.
Không nhìn trước được hậu quả, người kế nhiệm Sarkozy trên cương vị tổng thống Pháp, Francois Hollande, đã tổ chức bước đi thay đổi chế độ tại Mali. Tháng 3/2012, khi nhiệm kỳ tổng thống của Amadou Toumani Toure gần kết thúc và vị nguyên thủ này không tìm cách tái cử, một nhóm sĩ quan được đào tạo tại Mỹ đã lật đổ ông mà thậm chí còn không biết đưa ra một lý do nào hợp lý. Hành động này làm đứt gẫy chiến dịch tranh cử tại Mali và những kẻ đảo chính chỉ định Dioncounda Traore làm “tổng thống chuyển tiếp”. ECOWAS, dưới nhiệm kỳ chủ tịch của Alassane Outtara, đã bảo lãnh cho cuộc đảo chính này, và ở bước đi được nhiều người đoán trước tiếp theo, “tổng thống chuyển tiếp” Dioncounda Traore yêu cầu Pháp trợ giúp để đấu tranh chống các lực lượng Jihad đang tấn công Mali. Paris khi đó chính thức bắt đầu “Chiến dịch Serval”, mà mục tiêu đích thực là đồn trú quân Pháp tại Mali với ý đồ tấn công Algeria. Biết trước nước mình sẽ là nạn nhân kết tiếp, giới tướng lĩnh Algeria đã mạnh tay xử lý vụ bắt cóc con tin tại cơ sở dầu khí In-Amenas và trước động thái này, Pháp đã chùn bước và từ bỏ ý đồ xâm phạm Algeria.
Paris quyết định tổ chức lại bộ máy của mình tại khu vực, và từ đó “Chiến dịch Barkhane” bắt đầu. Trên thực tế, lực lượng quân đội Pháp hành động theo sự sắp đặt từ AfriCom, và những người lính Pháp, giờ đây với sự hỗ trợ của các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) như Đan Mạch, Tây Ban Nha, Estonia, Anh, Thụy Điển và Séc, đã tiêu diệt các mục tiêu do AfriCom xác định. Tại khu vực cựu thuộc địa của Pháp này, quân đội Pháp có thể giao tiếp tốt với người bản địa trong khi binh lính Mỹ sẽ vấp phải rào cản ngôn ngữ.
Nhận xét đầu tiên đó là “Chiến dịch Barkhane”, bất chấp kết quả ra sao, mang tính phi pháp. Dĩ nhiên, đối với phương Tây, đây là hoạt động nhằm ngăn chặn Jihad, nhưng bất kỳ người dân vùng Sahel nào cũng đều hiểu rằng chính phương Tây đã mang chủ nghĩa Jihad tới khu vực này khi lật đổ Đại dân quốc Nhân dân Xã hội chủ nghĩa Ả-rập Libya. Nhưng đó chưa phải là tất cả.
Việc hoạch định chiến tranh tại Sahel, vào ngày 11/5/2022, trong một cuộc họp tại Morocco, đã dấy lên làn sóng đảo chính hiện nay tại các quốc gia châu Phi nói tiếng Pháp, và nước duy nhất trong khối này không đối diện nguy cơ trực tiếp từ làn sóng trên chính là Morocco, nhờ vào vai trò là căn cứ tiền tiêu cho quân đội Mỹ. Nhìn lại quá khứ, có thể thấy rằng tất cả chuỗi sự kiện này bắt đầu với mong ước của Lầu Năm Góc phá hủy các cấu trúc của các nhà nước châu Phi thông qua AfriCom, như họ từng khởi đầu làn sóng tương tự tại “Trung Đông mở rộng” thông qua CentCom.
Ngày 11/5/2022, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị, Victoria Nuland, đã họp tại Morocco với đại diện 85 nước thành viên trong liên minh chống Tiểu vương quốc Hồi giáo (Daesh – tên gọi Ả-rập của Nhà nước Hồi giáo hay IS) và thông báo với những người tham gia phần kế tiếp của chiến lược hành động này. Trong khi đó các lượng Jihad tái thành lập Daesh tại Sahel, với trang bị vũ khí tới từ Ukraine, nhiều lúc gần như công khai. Khu vực này đang dần biến thành một lò lửa âm ỉ và vào tháng 11/2022, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari xác nhận hiện tượng “đổ bộ hàng loạt” các loại vũ khí của Mỹ ban đầu được dành cho Ukraine tới cả vùng Sahel lẫn vùng hồ Chad.
Chính mối nguy hiểm tồn vong này mà giới quân sự tại Mali, Burkina Faso và Niger đã quyết định nắm lấy quyền lực để bảo vệ đất nước. Cần nhớ rằng từ vài năm qua nhiều nhà lãnh đạo châu Phi đã than phiền về việc hỗ trợ của Pháp dành cho chính các lực lượng Jihad mà về lý thuyết là đối tượng đấu tranh của họ. Những cáo buộc này không phải nhắm vào quân nhân Pháp, mà chủ yếu là vào giới tình báo Pháp, mà trong trường hợp này là hoạt động phục vụ tình báo Mỹ.
Kể từ đầu Chiến dịch Serval, lực lượng Jihad chiến đấu tại Syria đã phàn nàn về việc Pháp “bỏ rơi” họ để ưu tiên cánh Jihad tại Sahel. Trong khi tại Sahel, tổng thống Hollande từng phải kìm hãm quân đội Pháp để những kẻ hướng dẫn người Qatar kịp thời giải cứu nhóm Jihad tại Mali. Khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đề cập vấn đề này với người đồng cấp Pháp khi đó Laurent Fabius, đại diện ngoại giao của Paris khi đó đã trả lời trong tiếng cười rằng: “Đó chính là chính sách thực dụng (realpolitik) của chúng tôi đó!”.
Một khu vực trải dài giữa hai thành phố Ghat (gần biên giới với Algeria) và Sabbah (gần biên giới với Niger) trong khu vực cằn cỗi Fezzan ở phía Nam của Libya đã trở thành thánh địa cho những căn cứ của Al-Qaeda. Theo tuần báo Le Canard enchaine của Pháp, với giọng điệu cay nghiệt nhưng nhiều thông tin chính xác, những “học viện” của chủ nghĩa Jihad này được chính các cơ quan tình báo của Anh và Pháp tổ chức.
Cả trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin RIA-Novosti (Nga) của Thủ tướng Mali, Choguel Kokalla Maiga, lẫn trong bức thư của Ngoại trưởng Niger, Yaou Sangare Bakar gửi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 9/2023, đều có lời cáo buộc cụ thể việc các điệp viên Pháp đã trả tự do cho 16 trùm khủng bố bị bắt giữ trong 3 chiến dịch truy quét trước đó (2 tại Niger và 1 tại Mali), những kẻ sau đó tái tập hợp tại một thung lũng gần địa danh Fitili (gần thành phố Yatakala, Đông Bắc Mali) để lên kế hoạch tấn công các cứ điểm quân sự tại khu vực ngã ba biên giới Mali – Niger – Algeria.
Bức thư của Ngoại trưởng Niger khi đó còn đưa ra những nhận xét quan trọng về vai trò của ECOWAS, những đánh giá trên thực tế đã được ghi nhận khá phổ biến tại khu vực kể từ cuộc đảo chính tại Bờ Biển Ngà và hiện đang lặp lại với chính Niger. Khối “liên kết kinh tế” này vừa đưa ra các biện pháp trừng phạt Niger với lập luận muốn khôi phục trật tự hiến pháp tại quốc gia Sahel này và thậm chí còn huy động quân đội sẵn sàng can thiệp. Nhưng các điều lệ thành lập của ECOWAS trên thực tế không cho phép tổ chức khu vực mang tiêu chí kinh tế này áp dụng các biện pháp trừng phạt theo mục đích trên, cũng như Hiến chương Liên hợp quốc cũng không cho phép can thiệp quân sự vào một nước thành viên.
Những trường hợp của Guinea và Gabon có đôi chút khác biệt. Hai quốc gia này không nằm trong khu vực hồ Chad hay Sahel và không bị các lực lượng khủng bố đe dọa trực tiếp. Giới quân sự tại 2 nước này nổi dậy ban đầu là để chống lại các chế độ độc tài, Alpha Conde tại Guinea và Ali Bongo tại Gabon, những người không chịu rời bỏ quyền lực đi ngược lại quy định và mong muốn của tuyệt đại đa số quần chúng. Tại cả 2 nước này, các lực lượng đảo chính cũng nhanh chóng lên tiếng chất vấn sự hiện diện quân sự của Pháp, vì họ chẳng có gì để đảm bảo cuối cùng lực lượng quân đội Pháp đồn trú sẽ không hành động theo lợi ích của Mỹ, với cái giá là quyền lợi của chính người dân Guinea và Gabon, và thậm chí đôi khi là chính lợi ích của Pháp. Về tính đồng loạt của các cuộc đảo chính tại khu vực này, có thể hiểu tâm lý vội vã của những người muốn thay đổi chế độ: một cuộc chiến luôn đòi hỏi thời gian chuẩn bị lâu dài, thậm chí là nhiều năm, và Mỹ đang tận dụng cuộc xung đột tại Ukraine để che đậy hoạt động luân chuyển vũ khí tới vùng Sahel, và chính vì vậy hành động vào ngày mai đã có thể là quá muộn.
Trong bối cảnh đó, không có gì bất ngờ khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vội vã đứng vào cương vị “người bảo vệ trật tự hiến pháp” bên ngoài lãnh thổ Pháp. Lập trường này không chỉ đặt những quốc gia Sahel trước một nguy hiểm tức thì mà còn có thể khiến ông Macron đi ngược lại Hiến pháp của chính nước Pháp.
Cuộc phản công của Pháp
Khi các chính phủ “nổi dậy” tại Burkina Faso, Mali và Niger thiết lập quan hệ gần như một hiệp ước an ninh xuất phát từ thực tế là họ đều có cùng nhu cầu đấu tranh chống lại cả chủ nghĩa khủng bố cực đoan lẫn chủ nghĩa khủng bố thực dân, mối liên kết này đe dọa nghiêm trọng lợi ích của Pháp và các đồng minh, và chắc chắn Paris không thể khoanh tay. Những vận động mới đây cho thấy dường như chính phủ Pháp đang vận dụng lại những phương thức và chiêu bài quen thuộc để khuấy động Sahel và giành lại ảnh hưởng và đặc quyền của mình.
Sau vài lần tuyên bố không công nhận chính phủ quân sự đảo chính tại Niger và không rút đại sứ cùng 1400 quân đồn trú của mình tại đây về nước theo yêu cầu của chính quyền trên, Tổng thống Pháp Macron đã đột ngột đổi ý và dường như quá trình hồi hương binh lính Pháp sẽ sớm bắt đầu. Nhìn thoáng qua, quyết định của Tổng thống Pháp có vẻ như là một chiến thắng của nhóm lãnh đạo quân sự do tướng Abdourahamane Tchinani cầm đầu, thế nhưng mọi việc có vẻ như không đơn giản như vậy.
Những binh lính Pháp đầu tiên rời quốc gia Sahel này là 400 quân nhân tại căn cứ Oullam, phía Tây Niger và gần vùng ngã ba biên giới với Burkina Faso và Mali, trung tâm của các hoạt động vũ trang và truyền giáo của lực lượng Daesh Sahil Wilayat (Nhà nước Hồi giáo cho vùng Đại Sahara). Số 1000 binh lính còn lại, thuộc căn cứ không quân Niamey, thủ đô của Niger, chắc chắn sẽ phải ở lại tới cuối năm do các điều kiện hậu cần và nhiệm vụ vận chuyển số lượng trang thiết bị và khí tài hùng hậu.
Như vậy, Pháp sẽ rút đi số binh sĩ đang cắm chốt trực tiếp tại nơi các hoạt động khủng bố “sôi động” nhất, nói cách khác là gỡ bỏ bớt kiềm tỏa cho các thế lực này, trong khi vẫn lưu giữ ít nhất là tới cuối năm lực lượng lớn kề sát chính quyền quân sự mới tại Niger. Hơn nữa, hành động “đổi ý” của ông Macron diễn ra ngay sau chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tới Niamey, nơi bà đạt được thỏa thuận với chính quyền quân sự về việc kéo dài sự hiện diện của 1000 lính Mỹ đồn trú tại Niger, điều tiếp tục cho thấy sự phối hợp chặt chẽ của Paris với các chính sách của Washington và rằng quyết định rút quân của Pháp chỉ là thay đổi mang tính chiến thuật.
Pháp đã có kinh nghiệm lâu đời trong việc can thiệp vào các thuộc địa cũ của mình, và từ năm 1958, Paris đã kích hoạt một hệ thống được gọi tên là “duy trì kiểm soát” (domaine réservé) – ý tưởng của Jacques Foccart (1913-1997), chuyên gia cố vấn của nhiều đời tổng thống Pháp trong vấn đề châu Phi – qua đó kiểm soát các chính sách kinh tế và quân sự của các nước họ thường gọi một cách khá khinh thường là châu Phi của Pháp (Françafrique).
Foccart, với sự ủng hộ của Tổng thống Charles De Gaulle, trong năm 1960 cũng đã lập ra Đội hành động dân sự theo trường phái Gaulle (Gaullist Service d’Action Civique, gọi tắt là SAC), một cấu trúc bán quân sự tập hợp các lực lượng ủy nhiệm (trong đó các nhóm sắc tộc và chi nhánh Hồi giáo khác nhau đóng vai trò chủ chốt) mà ban đầu hoạt động trong cuộc kháng chiến giành độc lập của Algeria và sau đó mở rộng ra phần các nước châu Phi nói tiếng Pháp khác và từng gây ra hàng loạt vụ ám sát các nhà lãnh đạo và thủ lĩnh phong trào giải phóng, trở thành tổ chức thúc đẩy và tiến hành nhiều cuộc đảo chính tại các nước này.
Nhiều tổng thống, chính trị gia, doanh nhân và cơ quan mật vụ Pháp từng tham gia vào cơ chế duy trì quyền thống trị này, mà về mặt chính thức hoạt động ngoài tầm kiểm soát của Quốc hội Pháp. Hệ thống này chính là nền tảng cho việc tạo dựng một hệ thống tham nhũng ăn sâu vào tất cả các cấu trúc chính quyền trong các chính phủ của các nước cựu thuộc địa châu Phi, cũng như cho hơn 100 cuộc can thiệp quân sự của Pháp vào các nước này chỉ trong giai đoạn 1960 – 1990.
Các biện pháp “duy trì kiểm soát”, cùng một số biến thể của chúng, vẫn luôn được sử dụng trong suốt chiều dài lịch sử kể từ khi ra đời, và hiện tại chúng càng thể hiện vai trò hơn bao giờ hết, thậm chí có thể dễ dàng kiểm chứng qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong những tuần qua, hầu như một cách đồng loạt, cả 4 quốc gia vùng Sahel đang “nổi dậy” chống ảnh hưởng của Pháp, gồm Guinea, Burkina Faso, Mali và Niger, đã bùng phát các vụ xung đột ngày càng ác liệt hơn cùng những vụ việc “bất thường”.
Tại Guinea, sau 2 năm khôi phục chính phủ của Ủy ban Hòa giải và Phát triển quốc gia (CNRD), do đại tá Mamady Doumbouya đứng đầu sau khi lật đổ Alpha Conde vào năm 2021, một nhóm các chính đảng dưới tên Các lực lượng Sức sống Guinea (FVG) đã phát động tại thủ đô Conakri một loạt các cuộc biểu tình bạo động dẫn tới các hành động đàn áp đáp trả làm 4 người thiệt mạng
Về phần Burkina Faso, ngoài những cuộc tấn công liên tục của các nhóm “truyền giáo” (khatib) Hồi giáo cực đoan từ năm 2017 – bất chấp sự hiện diện quân sự của Pháp với Chiến dịch Sabre, lực lượng cũng bị chính quyền quân đội theo đuổi mục tiêu cách mạng trục xuất sau khi đảo chính nắm chính quyền, cũng đáng chú ý vụ bắt giữ hồi cuối tháng 9 vừa qua tại làng Kwane Yar (thuộc Burkina Faso) 2 tuần cảnh người Bờ Biển Ngà, mà theo chính quyền Yamoussoukro, đã “vô tình” vượt qua biên giới hai nước khi truy đuổi những kẻ khai mỏ bất hợp pháp, một vi phạm vốn là có thể hiểu được khi dấu mốc biên giới hai nước là không rõ rệt trên thực địa. Tuy nhiên, điều bất thường là đây đã là vụ việc thứ hai dạng này chỉ trong năm nay, khi hồi tháng 3 đã có 4 cảnh sát Bờ Biển Ngà cũng bị phát hiện và bắt giữ ở cùng khu vực và được phóng thích ngay sau đó. Chính vì vậy lần này 2 sĩ quan tuần cảnh nêu trên đã bị đưa về Ouagadugu, thủ đô Burkina Faso. Cần lưu ý là kể từ cuộc đảo chính tại Niger hồi tháng 7, Ouagadugu đã trở thành một đồng minh quan trọng của Niamey, trong khi Bờ Biển Ngà lại cùng với Niger sắm vai những bên thúc đẩy chính cho ý đồ thực hiện một chiến dịch can thiệp quân sự để phục chức cho tổng thống Niger bị lật đổ Mohamed Bazoum thông qua ECOWAS, tổ chức mà ai cũng hiểu là cánh tay nối dài của Pháp và Mỹ tại Tây Phi.
Ngay sau đó, ngày 27/9, chính quyền Burkina Faso cũng ra thông cáo trên truyền hình quốc gia về việc bắt giữ 4 sĩ quan quân đội có ý đồ thực hiện một cuộc đảo chính một ngày trước đó nhưng đã bị “các lực lượng tình báo và an ninh Burkina Faso ngăn chặn”. Như vậy, chính phủ tự định nghĩa cách mạng của Đại úy Ibrahim Traore đang phải cố giải quyết mối nguy hiểm kép đến từ chủ nghĩa cực đoan vũ trang và cuộc đấu đá trong nội bộ quân đội.
Đây có thể coi là cái giá phải trả của những bước đi theo hướng tự chủ của Burkina Faso, khi một năm sau khi lên nắm quyền, ông Traore ngoài vệc trục xuất giới quân sự Pháp cũng là người, trong số các nhà lãnh đạo mới tại Sahel, đã có bước đi tiếp cận Nga rõ rệt và đang vươn lên nắm vai trò chủ đạo trong mặt trận chống thực dân tại châu lục. Tới nay, bất chấp quyết tâm lớn, Traore vẫn chưa làm được gì nhiều trước thảm kịch tồi tệ nhất của Burkina Faso, đó là sự hiện diện của các nhóm khủng bố mà trên thực tế đã kiểm soát hoàn toàn miền Bắc đất nước này và chỉ tính riêng trong năm 2023 đã tàn sát 6000 người.
Tại Mali, nhiều tổ chức của người Tuareg đã thành lập Liên minh các Phong trào Azawad (CMA), và vào tháng 9 vừa qua đã “tuyên chiến” chống chính phủ của Đại tá Assimi Goita, với cáo buộc rằng Lực lượng vũ trang Mali, với sự trợ giúp của nhóm quân sự tư nhân Wagner của Nga, đã tấn công các cứ điểm của họ.
Ngay sau khi nhóm vũ trang tự xưng Khung Chiến lược thường trực (CSP) – thành viên của CMA, tiến hành vài cuộc đột kích vào các căn cứ của quân đội Mali tại phía Bắc quốc gia này, như tại Amoustarat (gần thành phố cổ Timbuktu) và Nampalari, cách thủ đô Bamako 400km về phía Tây Bắc.
Một cánh quân lớn của Lực lượng vũ trang Mali đã buộc phải triển khai tại khu vực Kidal, phía Bắc Mali, nơi các lực lượng ly khai nổi dậy đã trở nên hùng mạnh, và có thể chờ đợi những cuộc xung đột mạnh trong thời gian tới. Quân đội Mali cũng đã tung ra một cánh quân đông đảo xuất phát tư thành phố Gao tiến về khu vực này, khi thời gian chuyển quân qua 400km đã phải kéo dài một ngày, với nhiệm vụ chính là để tái chiếm Tessalit và Aguelhok để giành lại các căn cứ mà lực lượng Sứ mệnh đa phương Bình ổn Mali của Liên hợp quốc (MINUSMA) mới rời đi chưa lâu. Đây là các mục tiêu có tầm quan trọng chiến lược vì chúng giúp kiểm soát con đường tới Algeria, đồng thời cũng mang giá trị biểu tượng không nhỏ khi tại đây vào các năm 2012 và 2014, quân đội chính phủ đã chịu những thất bại ê chề trước các lực lượng ly khai Tuareg.
Cuộc nổi dậy của người Tuareg năm 2012 đã trở thành mô hình cho các cuộc xung đột hiện tại tại Sahel. Kiềm chế sự hiện diện trong bối cảnh đó của nhiều nhóm cực đoan khác nhau, mà từ năm 2017 đã tập hợp dưới cùng ngọn cờ của Al-Qeada (Nhóm Hỗ trợ Hồi giáo và tín đồ), chính là nguyên cớ cho Chiến dịch Barkhane năm 2013 với sự đổ bộ của 5000 quân nhân Pháp để hợp sức cùng khoảng 40.000 thành viên trong Lực lượng vũ trang Mali. Từ năm 2015, Nhà nước Hồi giáo vùng Đại Sahara bắt đầu tham gia vào cuộc chiến phức tạp này, và kể từ đó không còn ai kìm giữ được các thế lực khủng bố.
Đợt nổi dậy mới này của người Tuareg, với khoảng 3000 – 4000 tay súng, là rất đáng chú ý vì đây là những người trên thực tế đã không tham chiến suốt 12 năm qua và những thông tin về hỏa lực của họ vẫn là một bí mật. Chính vì vậy, những chiến dịch chóng vánh và tương đối thành công của họ trước quân đội Mali cho thấy những nhóm này không chỉ được huấn luyện quân sự bí mật trong khoảng thời gian tương đối mà họ còn được trang bị vũ khí và phương tiện thông tin liên lạc tốt hơn trước rất nhiều.
Nếu vậy, ai là những người có điều kiện hợp tác với họ? Trước hết phải loại bỏ khỏi danh sách nghi vấn những người Muyahidines, vì ngoài việc không có sẵn lượng khí tài hùng hậu thì về mặt tư tưởng hệ, họ sẽ khó lòng hợp tác với bất kỳ lực lượng nào mà họ thường gọi một cách miệt thị là Takfir (tà đạo), nói cách khác là những người không diễn giải kinh Koran theo cùng cách của họ, và những người Tuareg thuộc về các nhóm người này.
Trong bối cảnh đó, không còn lại nhiều tác nhân có năng lược tham dự vào việc tái trang bị cho người Tuareg, nêu như không phải là Morocco phối hợp với cơ quan tình báo Mossad của Irael hoạt động theo ủy nhiệm của Pháp.
Cần lưu ý rằng vùng Kidal, nơi các nhóm Tuareg ly khai này dấy binh nhờ vào đặc điểm địa lý, vốn là khu vực ưa thích cho các nhóm buôn lậu thâm nhập, đặc biệt là các nhóm buôn lậu vũ khí đến từ Libya.
Trong nỗ lực xây dựng một mặt trận rải rộng chống chính quyền Bamako, các nhóm chi nhánh của Al-Qeada này cũng đang tiến sát các thành phố Gao, Menaka và Timbuktu, thậm chí hình thành thế bao vây các đô thị này.
Song song với quá trình đóng băng quan hệ giữa Niamey và Paris kể từ cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Mohamed Bazoum hồi tháng 7 vừa qua, hoạt động khủng bố tại Niger cũng liên tục gia tăng, thậm chí còn vượt quá mức độ tại Mali và Burkina Faso, trong khi trước đó các cuộc tấn công dạng này là thưa thớt hơn khá nhiều so với hai quốc gia láng giềng. Năm 2013, Niger trở thành điểm tựa hậu cần và giao thông cho các chiến dịch chống khủng bố của Pháp tại Mali và là trung tâm của hệ thống an ninh của Pháp tại khu vực, và do đó những bùng phát của phong trào quân sự dân tộc chủ nghĩa không chỉ ảnh hưởng tới chiến lược quân sự của Paris, mà chủ yếu còn tác động tới những lợi ích kinh tế lớn của Pháp tại khu vực.
Như vậy, xu hướng gia tăng hoạt động khủng bố tới mức trở thành hằng số trong đời sống chính trị Niger dường như hướng tới dự định tạo ra sự đổ vỡ trong quân đội Niger và lật đổ chính quyền của tướng Tchiani để tái lập một hệ thống nhà nước từng luôn biệt đãi Pháp trong các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên trong suốt chiều dài lịch sử.
Các cuộc tấn công khủng bố đã gia tăng tới mức đáng báo động tại miền Bắc Niger, đặc biệt là tại các khu vực giáp giới Mali và Burkina Faso như Tillabery và Tahoua. Hai cuộc phục kích do nhóm Sahil Wilayat tiến hành tại Takanamut ngày 2/10 nhắm vào đoàn xe của quân đội Niger đang trên đường hành quân giải cứu lực lượng cảnh vệ quốc gia đã khiến 60 quân nhân thiệt mạng và một số chưa xác định mất tích, và tất cả nhưng người đã hi sinh đều thuộc lực lượng đặc nhiệm. Nhóm “khatib” thực hiện cuộc phục kích kép này thường xuyên di chuyển trong một khu vực rộng lớn trải dài từ Tillia tới Menaka của Mali.
Theo các phương tiện truyền thông phương Tây, sự hiện diện của nhánh Daesh tại Sahel đã được củng cố một cách đáng kể tại khu vực ngã ba biên giới Niger – Mali – Burkina Faso kể từ khi các lực lượng Pháp trong Chiến dịch Barkhane rút quân. Thế nhưng thực tế là trong suốt 10 năm quân Pháp đồn trú tại khu vực này thì các nhóm Hồi giáo cực đoan dòng Sunni cũng chưa bao giờ giảm bớt các hoạt động của mình, nếu không muốn nói là còn gia tăng, đơn cử như trong năm 2019, khi chiến dịch nói trên của quân đội Pháp đang được triển khai toàn diện, đã có ít nhất 130 binh sĩ chính phủ bị các nhóm Muyahidines thuộc Daesh sát hại tại Chinagodar và Inates chỉ trong vòng chưa tới một tháng. Các cuộc đột kích của các lực lượng Daesh vẫn thường gây ra thương vong lớn, như tại Indelimane (Mali), một cuộc tấn công vào tháng 11/2020 đã khiến 54 quân nhân Mali thiệt mạng, và một tháng sau đó tại Inates (Niger) một hành động tương tự đã cướp đi sinh mạng của 74 binh sĩ của lực lượng phối hợp giữa quân đội Mali và Niger; hay 2 cuộc tấn công cũng trong khoảng thời gian đó tại Gao và gần Sanam cũng lần lượt gây ra cái chết của 25 quân nhân Mali và 18 vệ binh Niger.
Những ví dụ nhiều tới mức không đếm xuể này một lần nữa chỉ ra chân lý rằng không quan trọng việc ai nắm vai trò điều hành các chiến dịch chống khủng bố, hiện tượng này không thể giải quyết đơn thuần bằng các hành động quân sự, mà chỉ kết thúc khi gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố, cũng như của những làn sóng di cư ồ ạt tới châu Âu, được giải quyết triệt để. Nói cách khác là chỉ khi những kẻ chịu trách nhiệm thực sự cho cuộc khủng hoảng kinh tế triền miên của các nước Sahel từ bỏ những thói quen thực dân của mình, còn ngược lại, chủ nghĩa khủng bố vẫn còn tiếp tục tìm thấy nơi đây một mảnh đất mầu mỡ để sinh sôi. Thế nhưng những diễn biến mới đây đang làm sục sôi Sahel vẫn với những tác nhân tôn giáo chia rẽ tôn giáo và sắc tộc, hình thái đấu tranh khủng bố và chiến tranh ủy nhiệm, dường như khu vực này vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt với vòng tròn luẩn quẩn của bạo lực và đói nghèo đã kéo dài trong suốt quá trình lịch sử đó./.
Biên dịch và tổng hợp: Uyển My
Nguồn tham khảo chính:
Thierry Meyssan (2023), France’s rejection in French-speaking Africa punishes 12 years of betrayal, https://www.voltairenet.org/article219665.html