III. Đối với quan hệ Trung-Nga
Trong những năm gần đây, quan hệ Trung-Nga đã trở thành hình mẫu của quan hệ nước lớn có mức độ tin cậy lẫn nhau, phối hợp và giá trị chiến lược cao. Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, làm thế nào để nhìn nhận tác động của quan hệ Trung-Nga ở môi trường bên ngoài và triển vọng về sự phát triển của quan hệ Trung-Nga trong tương lai đã trở thành sự tham khảo quan trọng để nhận định ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với xu thế của cuộc đọ sức nước lớn.
1. Môi trường bên ngoài của quan hệ Trung-Nga đang bị tác động
Thứ nhất, sự đồng thuận về việc duy trì hệ thống và trật tự quốc tế đang đối mặt với áp lực. Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, mặc dù hệ thống quốc tế vẫn chưa rơi vào tình trạng sụp đổ hoàn toàn, nhưng sự mong manh và xu thế phân hóa cục bộ là không thể tránh khỏi. Cho dù sự thảo luận về việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, trục xuất Nga khỏi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại Thế giới, G20, hay sự đối lập giữa dân chủ và chuyên chế ngày càng gay gắt và sự định hình của trục Trung-Nga đều cho thấy các lực lượng quốc tế có thể sẽ thực hiện tiến trình thiết lập lại phe cánh lấy sự đối lập về giá trị quan và an ninh mang tính bài xích làm tiêu chí. Trong bối cảnh này, quyền thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu và quyền tham gia các vấn đề đa phương của Nga có thể bị siết chặt, việc Trung Quốc và Nga cùng bảo vệ hệ thống quốc tế với Liên hợp quốc làm trung tâm, trật tự quốc tế với luật pháp quốc tế làm cơ sở, thực hiện nhận thức chung về chủ nghĩa đa phương thực sự… cũng sẽ phải đối mặt với thách thức chưa từng có.
Thứ hai, cơ hội và rủi ro để tăng cường hợp tác đều tăng lên. Do tác động của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine, lợi ích của toàn cầu hóa nhiều khả năng sẽ dần biến mất. Xu hướng vũ khí hóa tài chính, công nghệ và năng lượng, cũng như tái cấu trúc an ninh hóa các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi sáng tạo và chuỗi giá trị quốc tế sẽ khó có thể đảo ngược. Nhu cầu của các nước thiết lập “bức tường lửa” thương mại và “vành đai cách ly” ngành nghề sẽ tăng mạnh. Về cơ hội, do quan hệ với Trung Quốc sẽ trở thành biện pháp quan trọng để Nga thoát khỏi tình trạng bị cô lập chính trị, khó khăn kinh tế và phong tỏa công nghệ, nên nước này rất cần đến Trung Quốc trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ, đầu tư, tài chính… Thị trường, vốn, công nghệ và nhân tài của Trung Quốc có thể lấp đầy khoảng trống được tạo ra bởi sự “tách rời” của Mỹ và châu Âu với Nga. Về rủi ro, sự dai dẳng của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… có cơ hội gia tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga, sẽ làm tăng rủi ro bên ngoài để Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác. Các doanh nghiệp hoặc cá nhân Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt thứ cấp khi hợp tác với Nga, bao gồm việc bị Mỹ đưa vào danh sách Các công dân bị chỉ định đặc biệt (SDN); việc ký kết hợp đồng các dự án của Nga ở nước ngoài, đầu tư xuyên biên giới và thanh toán thương mại… đều bị cản trở; tuyến đường sắt Trung-Âu đi qua Nga và Belarus có thể bị buộc phải cắt giảm.
Thứ ba, cần gấp rút phối hợp sự định vị chiến lược và trọng tâm ngoại giao. Đối với Nga, xung đột Nga-Ukraine sẽ khiến Nga và EU hình thành đường ranh giới sâu sắc về tư tưởng. Cùng với việc EU đề xuất loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch của Nga vào năm 2027, hiệu ứng đòn bẩy của hợp tác năng lượng đối với quan hệ Nga-châu Âu đang đối mặt nguy cơ chấm dứt. Việc Mỹ lợi dụng xung đột Nga-Ukraine để cô lập Nga cũng sẽ hạn chế mong muốn và không gian thỏa hiệp vốn đã hạn hẹp của hai bên. Thế giới phi phương Tây và “nhìn về hướng Đông” sẽ trở thành phương hướng ưu tiên của Nga trong chính sách ngoại giao. So với sự chuyển hướng của Nga trong chính sách ngoại giao, chính sách ngoại giao của Trung Quốc vẫn kiên trì xây dựng khuôn khổ quan hệ nước lớn nhìn chung ổn định và phát triển cân bằng. Bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Nga trong thời đại mới, Trung Quốc vẫn nhấn mạnh việc nhìn nhận và xử lý quan hệ Trung-Mỹ dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng thắng, cho rằng là hai lực lượng lớn, hai thị trường lớn và hai nền văn minh lớn trên thế giới, Trung Quốc và châu Âu có những lợi ích chung sâu rộng và cơ sở hợp tác vững chắc. Trong cuộc đọ sức nước lớn giữa Trung Quốc, Nga, Mỹ và châu Âu trong tương lai, địa vị chủ động và khả năng vận hành của Nga sẽ thay đổi, Trung Quốc và Nga sẽ phải đối mặt với sự điều phối lại về định vị chiến lược và trọng tâm ngoại giao.
2. Vượt ra ngoài tư duy Chiến tranh Lạnh và chủ nghĩa kinh nghiệm: Nhìn nhận một cách có lý trí khả năng tái định hình cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với quan hệ Trung-Nga
Thứ nhất, Trung Quốc và Nga sẽ không nhân cơ hội này để thành lập liên minh hoặc tạo ra một mặt trận thống nhất chống phương Tây. Nhiều chuyên gia cho rằng trước sức ép chiến lược của phương Tây và sách lược “kiềm chế kép” (an ninh và kinh tế) của Mỹ, đặc biệt là trước các biện pháp trừng phạt và cô lập đối với Nga chưa từng có do xung đột với Ukraine, Trung Quốc và Nga sẽ buộc phải tiến vào con đường liên minh đã thảo luận từ lâu, tăng cường ràng buộc chiến lược và lợi ích, xây dựng cái gọi là mặt trận thống nhất “chống phương Tây”. Trên thực tế, liên minh Trung-Nga đi ngược lại kinh nghiệm lịch sử về sự phát triển của quan hệ song phương, cũng không phù hợp với sự định vị của hai bên đối với nhau. Từ kinh nghiệm lịch sử cho thấy Trung Quốc từng ba lần thử thiết lập liên minh với Nga (Liên Xô) trong thời kỳ cận đại, bao gồm Hiệp ước bí mật Trung-Nga năm 1896; Hiệp ước đồng minh hữu nghị Trung-Xô năm 1945 và Hiệp ước hỗ trợ đồng minh hữu nghị Trung-Xô năm 1950. Tuy nhiên, kết quả cho thấy ba lần thử nghiệm liên minh này đều không đạt được phòng thủ chung, không xây dựng được mối quan hệ bình đẳng và cùng có lợi giữa hai bên, không giải quyết được sự bất đồng về ý thức hệ hoặc lợi ích quốc gia, thậm chí có thời điểm còn gây ra xung đột vũ trang, cuối cùng đã trở thành một ví dụ thất bại trong lịch sử phát triển quan hệ hai nước. Dựa trên những bài học kinh nghiệm này, Trung Quốc và Nga đã ký kết hàng loạt hiệp ước chính trị mang tính lịch sử như Hiệp ước láng giềng hữu nghị Trung-Nga và tiêu chuẩn vàng “không kết thành đồng minh, không đối đầu, không nhằm vào bên thứ ba” của quan hệ Trung-Nga sẽ không bị thay đổi bởi sự hỗn loạn chính trị và an ninh do xung đột Nga-Ukraine.
Ngoài ra, Trung Quốc và Nga (đặc biệt là Trung Quốc) đều phụ thuộc nhiều vào kinh tế và thương mại, khoa học công nghệ và giao lưu nhân dân. Năm 2021, ASEAN, EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là năm đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, trong đó châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 38% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc; EU là đối tác thương mại hàng đầu của Nga, chiếm 37% tổng kim ngạch ngoại thương của nước này. Mặc dù thương mại Nga-EU có thể dần thu hẹp do các biện pháp như giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, nhưng quá trình này không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Mặc dù một số quốc gia thúc đẩy “chủ nghĩa dân tộc công nghệ”, nhưng thế giới vẫn chưa tách thành hai hệ thống tách biệt về quy tắc khoa học và tiêu chuẩn kỹ thuật. Do đó, không có cơ sở vật chất khách quan để Trung Quốc và Nga xây dựng mặt trận thống nhất “chống phương Tây”. Ngay cả ở mong muốn chủ quan, dường như Trung Quốc và Nga đang ngày càng có sự đồng thuận về chống phương Tây, điều này xuất phát từ sự kiềm chế chiến lược toàn diện của Mỹ và sự đối đầu về ý thức hệ “dân chủ-chuyên chế” ngày càng gia tăng, là sự liên kết mang tính phòng thủ để ứng phó với các hành vi bắt nạt và các biện pháp trừng phạt đơn phương, chứ không phải là mặt trận thống nhất mang tính tấn công với mục tiêu là chống phương Tây.
Thứ hai, xung đột sẽ không làm cho Trung Quốc và Nga thâm hụt lòng tin và mối đe dọa trừng phạt sẽ khó có thể ngăn cản hai bên phối hợp chiến lược. Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, quan hệ Trung-Nga gặp thử thách chưa từng có, các luận điệu như Trung Quốc phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa Mỹ và Nga, hợp tác quân sự Trung-Nga có thể tăng lên liên tục xuất hiện. Một số quốc gia thậm chí còn đe dọa trừng phạt nhằm ép Trung Quốc từ bỏ hợp tác với Nga. Điều cần nhận thấy là Trung Quốc đã không chọn bên dựa trên lôgích của phương Tây trong xung đột Nga-Ukraine, mà đã đưa ra các nhận định độc lập. Bên cạnh việc ủng hộ các quan tâm an ninh hợp lý của Nga, Trung Quốc cũng nhấn mạnh tôn trọng và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, bao gồm cả Ukraine, tuân thủ các tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Điều này cho thấy Trung Quốc và Nga có quan điểm khác nhau trong một số vấn đề quốc tế và khu vực, cách thức thực hiện và theo đuổi cũng khác nhau, nhưng điều này không cản trở cục diện hợp tác chiến lược Trung-Nga. Do sự tin cậy lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga được xây dựng dựa trên nhận thức chung của hai bên về công bằng và chính nghĩa quốc tế, nhận định chung về xu hướng chung của thế giới và sự phối hợp lẫn nhau về lợi ích quốc gia của từng bên, nên hai bên có thể duy trì khả năng chống chịu bên trong và tính linh hoạt ở bên ngoài. Đồng thời, do không tuân theo lôgích liên minh “không phải là bạn thì là kẻ thù”, hợp tác chiến lược Trung-Nga sẽ không bị tách rời do sự khác biệt về lập trường, cũng sẽ không bị phân hóa do sự dụ dỗ và ly gián của bên ngoài. Bên cạnh đó, trong sự tương tác ba bên Trung-Mỹ-Nga, xu thế phát triển của các mối quan hệ song phương sẽ không bị phá vỡ, quan hệ Trung-Nga, Trung-Mỹ và Mỹ-Nga sẽ không có sự đối lập hoặc liên kết.
Thứ ba, động lực nội sinh và giá trị độc lập của quan hệ Trung-Nga sẽ trở nên nổi bật hơn. Trung Quốc và Nga là hai nước láng giềng lớn nhất của nhau, với đường biên giới dài tới 4.300 km; Trung Quốc và Nga đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là trụ cột để duy trì hòa bình và ổn định quốc tế; Trung Quốc và Nga đều là hai nước có thị trường mới nổi quan trọng, cơ cấu kinh tế và thương mại có tính bổ sung cao, kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ 8 tỷ USD năm 2000 lên 146,8 tỷ USD năm 2021. Trung Quốc và Nga đều là lực lượng chủ chốt trong hợp tác khu vực và đa phương, dẫn đắt các cơ chế như Tổ chức hợp tác Thượng Hải, BRICS, G20… Như Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhấn mạnh quan hệ Trung-Nga có động lực nội sinh và giá trị độc lập mạnh mẽ, không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của tình hình quốc tế và không bị quấy rối bởi bất kỳ yếu tố nào khác. Là hai nước láng giềng lớn nhất của nhau, Trung Quốc và Nga chia sẻ môi trường địa lý, cùng gánh vác trách nhiệm quốc tế và có lợi thế so sách và tính bổ sung về phát triển, là động lực nội sinh cho sự phát triển nhanh chóng của quan hệ song phương, những yếu tố này sẽ không bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraine. Trung Quốc và Nga không có ý định và không có điều kiện để thành lập liên minh, và Trung Quốc cũng không có nghĩa vụ phải cắt bỏ quan hệ kinh tế và thương mại bình thường với Nga. Ngoài ra, mục tiêu của việc Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện là thực hiện trách nhiệm của các nước lớn trong việc bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Tăng cường phối hợp chiến lược song phương không nhằm vào nước thứ ba, cũng không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của nước thứ ba và tình hình quốc tế. Do không có sự ràng buộc trách nhiệm, trao đổi lợi ích và quan hệ chủ-tớ trong chính trị liên minh truyền thống, nên hợp tác chiến lược Trung-Nga không cần lợi dụng xung đột Nga-Ukraine để ngụy tạo kẻ thù tưởng tượng hoặc phân định phạm vi ảnh hưởng, và không cần vượt ra ngoài biên giới năng lực và ý chí chiến lược của các bên.
3. Hợp tác mang tính xây dựng: Tầm nhìn cho sự phát triển của quan hệ Trung-Nga trong tương lai
Có thể khẳng định rằng sự phân hóa và kết hợp của các lực lượng toàn cầu, sự phân chia và tái cấu trúc của trật tự thế giới, sự va chạm và hòa hợp của các trào lưu tư tưởng, cũng như sự hỗn loạn và thay đổi trên thế giới do hiệu ứng lan tỏa của xung đột Nga-Ukraine gây ra sẽ tiếp tục gia tăng. Làm thế nào để đối phó với những thách thức mới trong hệ thống quốc gia, trật tự thế giới và quản trị toàn cầu thời “hậu xung đột” sẽ trở thành nhiệm vụ ưu tiên mà sự phát triển của quan hệ Trung-Nga phải đối diện.
Thứ nhất, tăng cường phối hợp mang tính xây dựng ở cấp độ toàn cầu và đa phương, trở thành bên ổn định tình hình hỗn loạn. Mặc dù sự hợp tác chiến lược Trung-Nga chỉ mang tính quan hệ song phương, nhưng lại có ý nghĩa mang tính toàn cầu và liên quan trực tiếp đến sự ổn định của khu vực và thế giới. Trước cuộc tranh luận về việc liệu trật tự thế giới có quay trở lại Hội nghị Yalta năm 1945 (phân chia phạm vi ảnh hưởng) hoặc quay trở lại Đại hội Vienna từ năm 1814-1815 (điều phối cường quốc và cân bằng quyền lực nước lớn) do xung đột Nga-Ukraine gây ra hay không, Trung Quốc và Nga cần bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới, duy trì sự vận hành ổn định của trật tự quốc tế, khởi xướng các quan niệm giá trị chung của toàn nhân loại, hình thành hợp tác mang tính xây dựng về quan trị toàn cầu để ngăn chặn bất kỳ thế lực nào tiến hành tái cấu trúc mang tính phá hoại đối với hệ thống quốc tế lấy Liên hợp quốc làm trung tâm, trật tự quốc tế lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế lấy các tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc làm cơ sở, tránh để thế giới rời vào một chiến tranh lạnh mới.
Thứ hai, mặc dù Trung Quốc và Nga kiên trì tăng cường lòng tin song phương, nhưng cũng phải xác định rõ điểm giới hạn. Trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Trung Quốc không những ủng hộ lập trường của Nga về việc phản đối NATO mở rộng về phía Đông thông qua hình thức tuyên bố chung, mà còn ủng hộ đề xuất của Nga về việc xây dựng sự đảm bảo an ninh lâu dài có sức ràng buộc về pháp lý ở châu Âu. Điều này không phải do sự tin tưởng lẫn nhau không có giới hạn giữa Trung Quốc và Nga, mà dựa trên khái niệm mới về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững do Trung Quốc khởi xướng, tức là an ninh của một quốc gia không nên trả giá bằng việc hy sinh an ninh của các nước khác, và an ninh khu vực không thể được bảo đảm bằng cách tăng cường và mở rộng các tập đoàn quân sự. Ngoài ra, trước việc Mỹ tăng cường Liên minh Ngũ Nhãn, cơ chế Đối thoại an ninh Bốn bên (Bộ tứ) gồm Mỹ Anh, Australia và Ấn Độ, Quan hệ đối tác an ninh Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) và tìm cách tạo ra NATO ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, việc Trung Quốc lần đầu tiên phản đối việc NATO mở rộng về phía Đông cũng dựa trên sự thay đổi tình hình an ninh thế giới và khu vực xung quanh Trung Quốc, chứ không phải là sự ràng buộc về lập trường theo các yêu cầu an ninh của Nga. Cần phải nói rằng điểm giới hạn của sự tin cậy lẫn nhau không có giới hạn giữa Trung Quốc và Nga là đạt được sự cân bằng giữa nhu cầu của mỗi bên và sự đồng thuận của hai bên, sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, đảm bảo sự tin cậy lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga trở thành “tài sản có chất lượng cao” bảo vệ các chuẩn mực quốc tế cơ bản và đạo nghĩa quốc tế, bảo vệ sự công bằng và chính nghĩa của thế giới.
Cuối cùng, khởi xướng hợp tác chiến lược Trung-Nga không có vùng cấm, nhưng phải làm nổi bật hơn định hướng giá trị. Xung đột Nga-Ukraine bùng nổ cho thấy Trung Quốc và Nga vừa có nhận thức chung vừa có khác biệt về việc lựa chọn giải pháp đối với sự không công bằng, không hợp lý và không hoàn hảo trong hệ thống quốc tế và trật tự quốc tế. Trung Quốc nhấn mạnh cải cách và hoàn thiện trật tự quốc tế, trong khi Nga nhấn mạnh việc tái cấu trúc hoặc chấm dứt nó, thậm chí coi xung đột quân sự là một trong những cách để xoay chuyển tiến trình chính trị. Điều này cũng cho thấy hợp tác chiến lược Trung-Nga không đặt ra “vùng cấm” trên các lĩnh vực, nhưng cần điều phối những khác biệt trong quan niệm của hai bên, coi nhận thức chung như phản đối chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa can thiệp là giá trị cốt lõi của hợp tác chiến lược và làm nổi bật hiệu ứng cùng thắng trong hiệp tác chiến lược Trung-Nga.
Tóm lại, mặc dù xung đột Nga-Ukraine có thể khiến sự đồng thuận hiện có giữa Trung Quốc và Nga đối mặt với thử thách, phải điều tiết lại sự định vị chiến lược và trọng tâm ngoại giao và khiến hợp tác thực chất tồn tại cả nguy cơ và cơ hội, nhưng sẽ không định hình lại lôgích nội tại của sự phát triển quan hệ song phương Trung-Nga, cũng không dẫn đến sự xuất hiện của liên minh chống phương Tây, cũng như sẽ không dẫn đến thâm hụt lòng tin lẫn nhau giữa hai nước. Động lực nội sinh và giá trị độc lập của quan hệ Trung-Nga sẽ trở nên nổi bật hơn. Tăng cường sự hợp tác mang tính xây dựng ở cấp độ toàn cầu và đa phương, vạch rõ điểm giới hạn bên cạnh việc kiên trì tăng cường lòng tin không có giới hạn,làm nổi bật định hướng giá trị bên cạnh việc khởi xướng hợp tác không có vùng cấm, là chìa khóa để quan hệ Trung-Nga phát triển chuyển sang cấp độ, chất lượng và trình độ cao hơn. (Còn tiếp)