Năm 2024 đã qua, và cuộc xung đột Nga-Ukraina khốc liệt sẽ sớm tròn ba năm. Phản ứng mạnh mẽ từ phương Tây do Mỹ dẫn đầu đối với cuộc xung đột này, cùng với việc can thiệp mạnh mẽ, đã gây ra những rung chuyển nghiêm trọng và lâu dài đối với trật tự toàn cầu. Nga và Mỹ có sự bất đồng căn bản về quan điểm đối với trật tự quốc tế. Mỹ coi trật tự quốc tế hiện có là cách thức quan trọng để duy trì quyền bá chủ đơn cực của mình; trong khi Nga ủng hộ một thế giới đa cực, điều này cho phép Nga có không gian hành động lớn hơn trong các lợi ích quan trọng mà họ xác định.
Trong khi đó, xu hướng “Đông thăng Tây giảm” trong cấu trúc lực lượng quốc tế đang phát triển nhanh chóng, và cái gọi là trật tự quốc tế tự do liên tục gặp phải thất bại, do đó tạo ra cơ hội mà Nga cho là có lợi cho hành động của mình. Sau khi xung đột Nga-Ukraina bùng phát, Mỹ đã gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, cố gắng ngăn chặn sự gần gũi hơn giữa Trung Quốc và Nga, trong khi các quốc gia ở phương Nam toàn cầu trở thành đối tượng quan trọng mà các cường quốc cạnh tranh giành giật.
Mặc dù xung đột Nga-Ukraina đã gây ra những bất đồng mới trong hệ thống liên minh xuyên Đại Tây Dương, nhưng nhìn chung, sự đoàn kết của các quốc gia này đã được củng cố, hợp tác an ninh và phối hợp quân sự đã có tiến triển rõ rệt; NATO đã thực hiện đợt mở rộng mới nhất, với các quốc gia trung lập truyền thống như Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Đồng thời, Mỹ và các đồng minh cốt lõi của họ đã tăng cường hệ thống đồng minh Đông Á-Thái Bình Dương, Liên minh Ấn Độ-Thái Bình Dương và các đối tác chiến lược đa diện, bổ sung thêm những nội dung quan trọng về quân sự, công nghệ và kinh tế.
Hệ thống quản trị toàn cầu vốn đã yếu kém nay chịu cú sốc nghiêm trọng dưới tác động trực tiếp và gián tiếp của xung đột Nga-Ukraina. Hệ thống quốc tế hiện tại, với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là trụ cột chính, đang đối mặt với những thách thức lớn trong các lĩnh vực an ninh và nhiều lĩnh vực khác. Trong tương lai có thể dự báo, mặc dù quân đội Nga có ưu thế trên chiến trường, nhưng xung đột vẫn sẽ tiếp tục, và vì vậy, cuộc xung đột Nga-Ukraina sẽ càng làm trật tự toàn cầu bị chấn động.
Xu hướng phân cực trong cấu trúc chính trị thế giới đang trở nên mạnh mẽ hơn. Sức mạnh và ảnh hưởng của Nga và châu Âu đang bị suy giảm ở các mức độ khác nhau; hợp tác kinh tế giữa các quốc gia bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong quan hệ chính trị, có thể suy yếu hoặc tăng cường; sự đứt đoạn và tái cấu trúc các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu đang gia tăng, và việc hình thành các nhóm kinh tế trong những lĩnh vực then chốt ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Khả năng xảy ra xung đột giữa các cường quốc đang gia tăng, và do đó, các cường quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách chuẩn bị chiến tranh tích cực.
Cuộc chiến do Israel phát động ở Trung Đông đã mở rộng đáng kể. Kể từ tháng 12 năm 2023, lực lượng Houthi từ Yemen đã liên tục xung đột với các lực lượng hải, không quân Mỹ và Anh. Vào giữa tháng 4 năm 2024, Iran và Israel đã xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp. Hezbollah và Israel đã có những cuộc đụng độ quy mô lớn vào tháng 7 và tháng 8; vào cuối tháng 9, chiến sự giữa Israel và Hezbollah lại diễn ra gay gắt, và Iran ngay lập tức phóng hàng loạt tên lửa vào Israel. Vào đầu tháng 12, chính quyền Assad ở Syria nhanh chóng sụp đổ khi không nhận được sự hỗ trợ từ Nga và Iran do các quốc gia này đang bận rộn với chiến sự riêng của mình, và ngay lập tức, không quân Israel đã ném bom các mục tiêu quân sự như kho vũ khí trên toàn Syria, lực lượng mặt đất của Israel đã xâm nhập và vượt qua khu vực phi quân sự dọc biên giới Israel-Syria.
Việc Israel tiến hành không kích và tác chiến trên bộ sẽ diễn ra như thế nào? Số phận của những con tin còn lại trong tay Hamas sẽ ra sao? Cuộc chiến ở Dải Gaza và thảm họa nhân đạo sẽ kéo dài bao lâu? Liệu xung đột giữa Mỹ, Anh với lực lượng Houthi ở Biển Đỏ và Yemen có leo thang? Iran có can dự sâu hơn, làm bùng phát xung đột giữa nước này và Israel không? Liệu các cơ sở hạt nhân và cơ sở dầu mỏ của Iran có bị tấn công? Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah có tiếp tục được duy trì? Mức độ tấn công có chọn lọc của Israel vào Syria sẽ đến đâu?
So với cuộc xung đột Nga – Ukraine, chiến tranh Trung Đông của Israel chủ yếu ảnh hưởng ở cấp độ khu vực thay vì toàn cầu. Tuy nhiên, nó gián tiếp làm trầm trọng thêm thế bế tắc của Nga, Mỹ và châu Âu, đồng thời khiến trật tự an ninh thế giới ngày càng hỗn loạn và mong manh.
Bán đảo Triều Tiên là khu vực căng thẳng nhất ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương. Trong nhiều năm qua, liên minh quân sự Mỹ – Hàn liên tục tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn, hợp tác an ninh Mỹ – Hàn – Nhật ngày càng mở rộng và sâu sắc, trong khi đó Triều Tiên không ngừng thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Gần đây, Triều Tiên liên tục tuyên bố coi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”, thay vì một phần của “dân tộc chờ thống nhất”, đồng thời có những hành động tương ứng.
Hiện nay, an ninh quốc gia của nhiều nước ngày càng đáng lo ngại, nền kinh tế thế giới có xu hướng phân tách, và xã hội trong nước đang bị chia rẽ sâu sắc. Điều này dẫn đến những thay đổi chính trị và sự xuất hiện của các chính phủ cứng rắn ở nhiều quốc gia.
Tại Mỹ, sự trở lại của Donald Trump sẽ khiến quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu cũng như quan hệ Mỹ – Mexico có những thay đổi lớn. Các chính sách đối ngoại cơ bản của chính quyền Trump so với chính quyền Biden có thể sẽ không hề suy giảm, mà thậm chí còn quyết liệt hơn. Phong cách hành động của Trump có thể làm suy giảm đáng kể niềm tin và sự tôn trọng của thế giới đối với Mỹ, đồng thời khiến tình hình toàn cầu thêm phần bất ổn.
Mặc dù các nước Tây Âu đang đối mặt với những khó khăn kinh tế và chia rẽ xã hội nghiêm trọng hơn trước, nhưng họ vẫn kiên quyết tăng cường sức mạnh quân sự. Anh, Pháp, Đức đều sở hữu trang bị quân sự tiên tiến, tiềm năng phát triển quân sự của họ không thể xem thường. Ảnh hưởng từ những động thái này không chỉ giới hạn trong chiến lược địa chính trị châu Âu – Đại Tây Dương.
Sau khi chịu áp lực từ Trump, liên minh quân sự Mỹ – Nhật, Mỹ – Hàn và sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc có thể vẫn sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, sự bất mãn và mất lòng tin của Nhật Bản và Hàn Quốc đối với Mỹ sẽ ngày càng gia tăng, thúc đẩy xu hướng tự phát triển quân sự, thậm chí là hướng đến vũ khí hạt nhân.
Kể từ năm 2019, Mỹ đã không ngừng đổi mới và nâng cấp các biện pháp kiềm chế công nghệ cao đối với Trung Quốc, đến nay đã đạt đến mức cao nhất. Trong tương lai, chiến lược này có thể vẫn tiếp tục nhưng theo xu hướng tăng trưởng chậm dần. Ngược lại, sau năm 2017, Mỹ vốn có xu hướng gia tăng sức mạnh quân sự một cách chậm rãi, nhưng giờ đây có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển và đổi mới vũ khí chiến lược.
Có một quan điểm khá phổ biến cho rằng chính sách biệt lập của Trump có thể giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, điều này vẫn còn nhiều nghi vấn.
Về chiến lược tổng thể đối với Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ lựa chọn tập trung vào hai điều kiện tiên quyết quan trọng: (1) Duy trì sự ổn định kinh tế lâu dài, đảm bảo đoàn kết nội bộ và (2) Tránh xung đột quân sự lớn với Mỹ cũng như các đồng minh cốt lõi, trừ khi những lợi ích then chốt của Trung Quốc bị đe dọa.
Trong các chính sách cụ thể đối với Mỹ và đồng minh, Trung Quốc không thể thiếu các biện pháp phản công kiên quyết và phù hợp. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào phản công thì có thể làm giảm tính linh hoạt và chủ động trong chiến lược. Do đó, Trung Quốc có thể sẽ chủ động hành động theo thời gian, địa điểm, phương diện và lĩnh vực được lựa chọn trước, thay vì chỉ phản ứng theo diễn biến của Mỹ.
Bên cạnh đó, trong việc kiểm soát rủi ro và xoa dịu quan hệ, những hành động mang tính mở đường và sáng tạo quan trọng hơn so với những phản ứng mang tính đối phó.
Biên dịch: Thu Oanh
Tác giả: Thời Yên Hồng là Giáo sư trường Quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]