Tháng 7 năm 2024, Kongsberg Defence & Aerospace của Na Uy đã ký một thỏa thuận với Cơ quan Vật liệu Quốc phòng Na Uy (NDMA) để phát triển tên lửa tấn công siêu thanh thế hệ tiếp theo – một phần của dự án hợp tác giữa Na Uy và Đức lần đầu tiên được công bố vào tháng 11 năm 2023. Theo đó, tên lửa tấn công trên biển với khả năng cơ động cao, được gọi là Tyrfing, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2035.
Đây chỉ là một trong số những nỗ lực gần đây có sự tham gia của các quốc gia Bắc Âu nhằm tăng cường khả năng tác chiến thông thường, giúp ngăn chặn sự xâm lược và duy trì sự ổn định chiến lược. Phần Lan vào tháng 5 năm 2024 đã thông báo sẽ mua vũ khí Tên lửa tầm xa không đối đất liên hợp có tầm bắn mở rộng (JASSM-ER) thuộc đơn đặt hàng máy bay chiến đấu F-35 Hoa Kỳ năm 2021. Cũng trong năm 2024, Thụy Điển đã tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine máy bay điều khiển và cảnh báo sớm được trang bị hệ thống radar Erieye, dự kiến sẽ là một nguồn lực đáng kể cho máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine.
Những động thái này ở khu vực Bắc Âu phản ánh xu hướng chung của châu Âu trong việc phát triển và triển khai khả năng tấn công chính xác bằng vũ khí thông thường tiên tiến. Việc đầu tư vào các tên lửa tầm xa có thể điều khiển và hệ thống phòng – bao gồm Tyrfing và kế hoạch triển khai trên lãnh thổ Đức các hệ thống siêu thanh tên lửa phóng từ mặt đất của Mỹ – không còn bị cấm do Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung ( INF ) hết hiệu lực đã góp phần làm dấy lên nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tên lửa mới ở châu Âu. Ngoài ra, các bản nâng cấp theo kế hoạch đối với hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) của châu Âu sẽ củng cố thêm vai trò của các hệ thống vũ khí này trong việc định vị, chọn và tiêu diệt mục tiêu một cách nhanh chóng.
Đối với các quốc gia Bắc Âu, đặc biệt là các thành viên NATO mới như Phần Lan và Thụy Điển, cuộc chiến Nga – Ukraine đã cung cấp lý do chính đáng cho những hoạt động triển khai như vậy. Các quốc gia này đang tìm cách thể hiện sự đoàn kết với các thành viên NATO khác và củng cố năng lực tác chiến thông thường của liên minh để bổ sung cho khả năng răn đe hạt nhân mở rộng của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những quyết định này sẽ ẩn chứa nhiều hàm ý, đồng thời đi kèm với những rủi ro mà các nhà hoạch định chính sách châu Âu có thể chưa cân nhắc đầy đủ.
Vũ khí thông thường tiên tiến – nguồn gốc của sự bất ổn
Các hệ thống tấn công chính xác bằng vũ khí thông thường lần đầu tiên được Hoa Kỳ sử dụng với số lượng lớn trong Chiến tranh vùng Vịnh 1990–1991. Kể từ đó, đã có những phát triển đáng kể của loại vũ khí này, với sự cải thiện của khả năng dẫn đường, sự tiến bộ trong công nghệ đầu đạn và khả năng tình báo, giám sát và trinh sát. Hơn nữa, trong khi Hoa Kỳ sở hữu phần lớn các loại vũ khí này vào cuối chiến tranh Lạnh, thì hiện nay nhiều quốc gia hiện đã và đang đặt ra kế hoạch sở hữu chúng với một số lượng lớn.
Mặc dù các hệ thống tấn công chính xác đem lại nhiều công dụng trong chiến tranh thông thường, song chúng cũng có thể tác động đến sự ổn định chiến lược và động lực răn đe hạt nhân. Điều này là bởi chúng có thể đe dọa các mục tiêu liên quan đến hạt nhân như hầm chứa tên lửa và các nút chỉ huy và kiểm soát ở mức độ lớn hơn nhiều so với các hệ thống vũ khí trước đó. Từ năm 2012, Hàn Quốc đã áp dụng chiến lược răn đe nhắm vào lực lượng hạt nhân Triều Tiên bằng kho vũ khí tấn công chính xác thông thường trên không, trên bộ và trên biển. Đáp trả lại, Triều Tiên đang phát triển một số lượng lớn tên lửa tầm ngắn có sức mạnh hạt nhân và các hệ thống phóng khác. Mặc dù có một kho vũ khí hạt nhân nhỏ – ước tính khoảng 50 đầu đạn, Triều Tiên là một ví dụ điển hình về cách các quốc gia có vũ khí hạt nhân có thể phản ứng với các cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường.
Nhìn chung, các rủi ro tiềm ẩn rơi vào hai loại chính.
Thứ nhất, việc phát triển và triển khai năng lực tấn công chính xác bằng vũ khí thông thường tiên tiến có thể đẩy nhanh cuộc chạy đua vũ trang. Tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân sẽ ngày càng cân nhắc kỹ đến năng lực tấn công thông thường của đối thủ trong quá trình phát triển cấu trúc lực lượng và thế trận quân sự của mình. Điều này đặc biệt liên quan đến việc triển khai các năng lực tấn công chính xác của NATO ở Phần Lan và Thụy Điển, nơi gần các địa điểm hạt nhân quan trọng của Nga như cơ sở tàu ngầm tên lửa đạn đạo trên Bán đảo Kola và các máy bay ném bom chiến lược đặt tại căn cứ không quân Olenya (chỉ cách biên giới Phần Lan 150 km và được cho là mục tiêu của một cuộc tấn công từ Ukraine vào tháng 7 năm 2024).
Ngay cả khi không có ý định nhắm vào các địa điểm hạt nhân của Nga, các quốc gia Bắc Âu cần cân nhắc xem vũ khí và khả năng thông thường mà họ đang phát triển có thể ảnh hưởng đến tính toán chiến lược của Nga và các đồng minh của nước này như thế nào. Ví dụ, sau tuyên bố vào năm 2024 rằng Hoa Kỳ có kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa siêu thanh ở Đức, Tổng thống Vladimir Putin đã cam kết thực hiện các biện pháp đối xứng, và Nga sau đó đã sử dụng hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik của mình ở Ukraine với khẳng định rằng việc triển khai này không bị ràng buộc bởi bất kỳ hiệp ước nào.
Thứ hai, sự gia tăng về khả năng tấn công chính xác có thể tác động tiêu cực đến sự ổn định của khủng hoảng. Ví dụ, trong một cuộc khủng hoảng, một quốc gia có vũ khí hạt nhân có thể nhầm tưởng rằng một cuộc tấn công thông thường bằng vũ khí tấn công chính xác là nhằm vào lực lượng hạt nhân của mình, từ đó tạo ra áp lực phải sử dụng vũ khí hạt nhân thay vì mạo hiểm để mất chúng. Ngoài ra, biện pháp mà các quốc gia thực hiện để đảm bảo sự tồn tại của năng lực hạt nhân trước các mối đe dọa thông thường ngày càng gia tăng, chẳng hạn như nâng cao mức cảnh báo, từ đó có thể gia tăng khả năng leo thang căng thẳng. Những rủi ro này sẽ trở nên rõ rệt hơn trong các cuộc khủng hoảng liên quan đến các quốc gia có kho vũ khí hạt nhân nhỏ và dễ bị tổn thương như Triều Tiên. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên NATO không nên chủ quan cả khi đó là một nước có năng lực hạt nhân lớn như Nga.
Xem xét lại sự ổn định chiến lược trong kiểm soát vũ khí
Các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân song phương trong quá khứ giữa Liên Xô/Nga và Hoa Kỳ được thành lập dựa trên khái niệm về sự “ổn định chiến lược” – một sự cân bằng mong manh dựa trên nhu cầu chung là duy trì đảm bảo trả đũa hạt nhân. Các hệ thống thông thường tiên tiến ngày càng đe dọa các khả năng trả đũa này và do đó, đe dọa đến sự tự tin của các đối thủ rằng mối quan hệ chiến lược là ổn định. Hậu quả của điều này dường như đã ảnh hưởng đến triển vọng đối thoại về việc kiểm soát vũ khí, chẳng hạn như khi Nga từ chối thảo luận về việc nối lại Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) bị đình chỉ từ năm 2023, thể hiện sự ưu tiên mạnh mẽ cho việc xem xét các yếu tố khác của an ninh chiến lược trong đàm phán, cũng như mong muốn có sự tham gia của các quốc gia châu Âu khác.
Việc phát triển và triển khai các năng lực thông thường tiên tiến có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực trong tương lai nhằm xây dựng lại kiến trúc kiểm soát vũ khí hạt nhân nói chung. Bất kỳ khuôn khổ kiểm soát vũ khí nào trong tương lai có thể sẽ phải xem xét lại những năng lực nào được coi là chiến lược, và khả năng kết hợp các năng lực thông thường của các quốc gia không có vũ khí hạt nhân.
Năm 2021, vài tháng trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine diễn ra, Nga và Hoa Kỳ đã thành lập một nhóm làm việc về “năng lực và các hành động có tác động chiến lược” như một phần của cuộc đối thoại về sự ổn định chiến lược đang bị tạm dừng. Điều này cho thấy sự công nhận của hai bên về tầm quan trọng chiến lược của một số hệ thống vũ khí thông thường. Việc cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga gần đây bao gồm khả năng sử dụng hạt nhân để đáp trả hành vi xâm lược từ các quốc gia không có vũ khí hạt nhân nhưng có sự tham gia hoặc được hỗ trợ bởi một quốc gia có vũ khí hạt nhân càng làm mờ đi ranh giới giữa năng lực tác chiến thông thường và năng lực hạt nhân.
Có lẽ vấn đề cơ bản là sự ổn định chiến lược, vốn đã khó đạt được trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, dường như còn khó hơn trong một thế giới đa cực như hiện nay. Sự tổn thương của các lực lượng hạt nhân bởi các vũ khí tấn công chính xác và sự tiến bộ công nghệ trên không gian mạng và năng lực phản vệ trong không gian sẽ đồng nghĩa với việc các động cơ sử dụng vũ khí hạt nhân có thể gia tăng, đặc biệt là trong các tình huống xung đột hoặc khủng hoảng. Ranh giới mờ nhạt giữa vũ khí thông thường và hạt nhân không những xóa bỏ vị thế độc nhất của vũ khí hạt nhân mà còn dẫn đến những hậu quả chưa được khám phá đối với điều cấm kỵ về hạt nhân, như đã được gợi mở qua hành động đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Putin để đáp trả các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân.
Hiểu rõ và đảm bảo hiệu quả răn đe như mong muốn
Tất cả những điều này đặt ra nghi vấn đối với các giả định của quyết sách mà các quốc gia Bắc Âu đưa ra. Ngay cả khi năng lực thông thường tiên tiến được hình thành cùng với sự đoàn kết chính trị – nguồn sức mạnh răn đe quan trọng nhất của NATO, thì sự phát triển và phổ biến liên tục của các năng lực đó vẫn mang lại những hậu quả sâu rộng đối với các chiến lược, cấu trúc lực lượng hạt nhân và thậm chí là việc sử dụng hạt nhân. Để tránh các kịch bản xấu nhất, có ba điều các quốc gia Bắc Âu cũng như các quốc gia châu Âu khác cần cân nhắc trước khi đầu tư thêm vào các năng lực như vậy.
Đầu tiên, cần liên tục cân nhắc và cẩn thận đánh giá hậu quả tiềm tàng của việc phát triển và triển khai các năng lực tấn công thông thường tiên tiến. Quá trình này nên bắt đầu bằng việc cân nhắc một cách có hệ thống về cách chúng thay đổi cán cân sức mạnh tác chiến thông thường, cũng như cách hoạt động phù hợp với nhận thức của các mối đe dọa tiềm ẩn, bao gồm Nga và các đồng minh của nước này, và những tác động tiềm tàng đến động lực răn đe hạt nhân. Quá trình này cũng phải đảm bảo rằng bất kỳ thái độ nào trong quá trình triển khai các năng lực thông thường phải nhất quán trong nội bộ (bao gồm cả giữa các đồng minh) và rõ ràng với bên ngoài. Ngay cả khi điều này không thay đổi các quyết định triển khai, ít nhất nó cũng có thể giảm nguy cơ xảy ra hậu quả không mong muốn.
Thứ hai, các quốc gia này cũng nên tính đến bản chất và tác động của việc làm mờ ranh giới giữa năng lực thông thường và hạt nhân trong các chiến lược an ninh của họ. Điều này đòi hỏi sự phân tích cẩn thận về cách những bên khác nhìn nhận các tác động chiến lược – về mặt công nghệ, vật chất, quân sự, cũng như chính trị. Ví dụ, cả Trung Quốc và Nga đều từ chối các nỗ lực ngoại giao của Hoa Kỳ nhằm tách biệt việc kiểm soát vũ khí hạt nhân ra khỏi bối cảnh chiến lược lớn. Bên cạnh đó, việc đặt lại vấn đề về các ranh giới truyền thống của các khái niệm như “tác động chiến lược” và vượt ra khỏi lối tư duy thời chiến tranh Lạnh có thể giúp các quốc gia Bắc Âu và các quốc gia châu Âu khác hiểu rõ hơn về hệ quả của các quyết định cấp độ quốc gia trong lĩnh vực vũ khí thông thường, đồng thời tạo điều kiện cho các giải pháp chính sách sáng tạo và ít rủi ro hơn, bao gồm cả việc kiểm soát vũ khí.
Thứ ba, các quốc gia Bắc Âu và các quốc gia châu Âu khác nên xem xét lại các giả định cơ bản của mình về răn đe hạt nhân. Điều này bao gồm cả việc đánh giá các lập luận thường được các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đưa ra về những gì mà năng lực hạt nhân có thể răn đe thành công. Ngoài ra, khi các quốc gia Bắc Âu thực hiện các bước nhằm tăng cường năng lực răn đe hạt nhân của NATO, họ có thể cân nhắc tham gia các diễn đàn thảo luận mà ở đó những phức tạp và rủi ro liên quan đến mô hình răn đe được thừa nhận một cách cởi mở hơn. Những diễn đàn này bao gồm cả các phát hiện gần đây từ các mạng lưới chuyên gia, cũng như các nỗ lực đang diễn ra của các quốc gia thành viên Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân trong việc nghiên cứu “những rủi ro và giả định vốn có trong mô hình răn đe hạt nhân”.
Việc xóa bỏ những quan niệm sai lầm và chỉ rõ chính xác thời điểm và cách thức răn đe hiệu quả sẽ mở đường cho các biện pháp tốt trong quá trình theo đuổi mục tiêu an ninh quốc gia, chẳng hạn như các giải pháp phi quân sự, đồng thời giúp giảm thiểu nguy cơ mất ổn định và khả năng leo thang xung đột tiềm tàng trong tương lai./.
Biên dịch: Trần Anh Khôi
Các tác giả:
Tiến sĩ Wilfred Wan là Giám đốc Chương trình Vũ khí hủy diệt hàng loạt của SIPRI.
Tiến sĩ Gitte du Plessis là Nghiên cứu viên của Viện Hàn lâm Phần Lan có trụ sở tại Đại học Oulu.
Bài viết thể hiện quan điểm của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]