Báo “Le Figaro” (Pháp) ngày 27/7 đăng bài viết có tựa đề “Châu Âu chật vật đối phó với ‘vũ khí’ khí đốt của Putin”, trong đó cho rằng kế hoạch tiết kiệm năng lượng do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất và được các nước thành viên đồng thuận thông qua chưa chắc đã giúp lục địa này vượt qua được một mùa đông khắc nghiệt đang đến gần. Nội dung bài viết như sau:
Tình huống xấu nhất đang đến gần châu Âu theo một cách không thể nguy hiểm hơn. Trong bối cảnh 12 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đang loay hoay vì bị Nga cắt đứt một phần hoặc hoàn toàn nguồn cung khí đốt, Moskva một lần nữa lại gia tăng áp lực vào ngày 25/7 khi thông báo sẽ tiếp tục giảm lưu lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống Nord Stream 1 nối Nga với Đức, khiến giả thuyết về một mùa Đông không có nhiên liệu trở nên hiện hữu hơn ở châu Âu và có khả năng gây ra những tác hại không nhỏ cho Lục địa già.
Chưa đầy 1 tuần sau khi đưa Nord Stream 1 hoạt động trở lại, Gazprom đã khiến cả châu Âu choáng váng khi thông báo tiếp tục giảm lưu lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống này. Từ ngày 27/7, lưu lượng của đường ống đang hoạt động với 40% công suất sẽ giảm xuống còn 20%. Tập đoàn khổng lồ của Nga cho biết sự sụt giảm thêm này là do các vấn đề kỹ thuật, nhưng lời giải thích đã không thuyết phục được các nhà lãnh đạo châu Âu. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định thông báo này “một lần nữa minh họa cho sự không đáng tin cậy của Nga với tư cách là nhà cung cấp năng lượng”.
Tối 25/7, nhà quản lý hệ thống dẫn khí đốt của Ukraine cũng cảnh báo rằng Gazprom đang “tăng áp lực đối với đường ống dẫn khí đốt” nối Nga với nước này. Động thái này có thể dẫn đến “tình huống khẩn cấp”. Trong khi đó, Thierry Bros – Giáo sư tại Sciences Po và là chuyên gia về địa chính trị năng lượng – đánh giá: “Moskva đang không hành động theo bất kỳ nguyên tắc nào. Việc giảm lưu lượng khí đốt của Nga đang đạt đến mức mà rủi ro hệ thống có thể xảy ra. (Tổng thống Nga) Vladimir Putin đang tận dụng ‘vũ khí’ khí đốt một cách tốt nhất, khiến giá năng lượng tăng vọt, suy thoái kinh tế đang gõ cửa châu Âu trong khi thu nhập của Nga vẫn rất cao”. Đây là “cái bẫy” mà Putin đã đặt ra cho toàn bộ EU, ngoại trừ Hungary – quốc gia vừa nhận được đảm bảo nguồn cung khí đốt từ Nga.
Các động thái của Điện Kremlin diễn ra trong bối cảnh các nước châu Âu phải vật lộn để lấp đầy kho dự trữ khí đốt, mà theo yêu cầu phải đạt 80% trước khi mùa Đông đến so với mức 65% ở thời điểm hiện tại. Theo tính toán của EC, việc lấp đầy 2/3 kho dự trữ cũng sẽ chỉ giúp các nước châu Âu đủ lượng khí đốt tiêu thụ trong 46 ngày mùa Đông! Phuc Vinh Nguyen, nhà nghiên cứu tại Viện Jacques Delors, nhận định: “Vladimir Putin đang gia tăng áp lực đối với các nước châu Âu. Ông ấy muốn gây chia rẽ giữa các nước bằng ‘vũ khí’ khí đốt. Với việc bị cắt giảm thêm lưu lượng này, các nước thành viên EU sẽ không thể lấp đầy 80% kho dự trữ khí đốt, cùng lắm chỉ đạt được khoảng 70% và như vậy là không đủ”.
Điều kỳ lạ là quyết định của Moskva được đưa ra vào cuối cuộc đàm phán quan trọng của châu Âu về kế hoạch chuẩn bị cho mùa Đông. Các nước thành viên đã đồng thuận thông qua thỏa thuận về kế hoạch khẩn cấp mà EC đề xuất vào tuần trước để chuẩn bị cho kịch bản Nga ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu. Theo thỏa thuận này, tất cả các nước EU đều được khuyến nghị tự nguyện giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong thời gian từ ngày 1/8/2022-31/3/2023. Nếu làm được như vậy, châu Âu sẽ giảm được 45 tỷ m3 cho nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra “nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng”, EC sẽ áp đặt cơ chế bắt buộc cắt giảm đối với các nước thành viên, mà mục tiêu là hỗ trợ các quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga, đặc biệt là Đức.
Theo thỏa thuận được các bộ trưởng phụ trách năng lượng thông qua, EU đã đưa ra một danh sách các trường hợp được miễn trừ bất kỳ biện pháp ràng buộc nào. Do vị trí địa lý, các quốc đảo như Ireland, Cyprus và Malta sẽ không phải tham gia “nỗ lực đoàn kết” do không có kết nối với mạng lưới cung ứng khí đốt ở lục địa. Ngoài ra, các nước chịu hạn hán kéo dài, chẳng hạn như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cũng được xếp vào diện ưu tiên, có thể chỉ phải cắt giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt ở mức 7%. Trong trường hợp xuất hiện nguy cơ về sản xuất điện, các nước Baltic gồm Estonia, Litva và Latvia – vốn chủ yếu kết nối với mạng lưới điện của Nga – có thể không phải giảm mức tiêu thụ khí đốt nếu thấy cần cho việc sản xuất điện.
Cuối cùng, với tất cả các khoản miễn trừ nêu trong thỏa thuận, EU sẽ chỉ “tiết kiệm” được 30 tỷ m3 khí đốt thay vì 45 tỷ m3 được tính toán trong kế hoạch ban đầu của EC. Giới chuyên gia nhận định mức tiết kiệm được sau các khoản miễn trừ có thể “đủ dùng” cho một mùa Đông ôn hòa, nhưng sẽ xa mục tiêu trong trường hợp mùa Đông tới diễn ra khắc nghiệt và kéo dài. Nói tóm lại, thỏa hiệp đạt được ngày 26/7 không có gì đảm bảo cho một mùa Đông yên bình của các công ty và công dân châu Âu. Trên hết, nó chỉ giúp trì hoãn các cuộc thảo luận khó khăn và những quyết định đau đớn sau này. Sự thống nhất đạt được giữa các bộ trưởng phụ trách năng lượng châu Âu có lẽ cũng chỉ là tương đối và không thể khiến Putin mất đi “cảm giác thỏa mãn”. Hungary, thành viên duy nhất bỏ phiếu chống đối với thỏa thuận nêu trên, đã công khai cho biết sẽ không áp dụng các quyết định của EC. “Vũ khí” khí đốt của Nga sẽ tiếp tục khuấy đảo Lục địa già trong những tuần tới và có thể sẽ là “liều thuốc độc” ngấm dần vào nội bộ EU./.
(Nguồn TTXVN)