Đúng như hành trình đã được giới truyền thông tiết lộ, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tới Đài Bắc vào đêm 2/8.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương trước đó tuyên bố nước này sẽ thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, khẳng định Trung Quốc sẽ có phản ứng kiên quyết và mạnh mẽ trong vấn đề này. Phát biểu trên kênh truyền hình CNN, nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng Pelosi là 1 trong 3 đại diện cấp cao nhất của chính quyền Mỹ và không thể coi chuyến đi của bà tới Đài Loan là sự kiện bình thường. Ông nói: “Chuyến thăm của bà ta dưới bất kỳ hình thức nào và vào bất kỳ thời điểm nào trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hạ viện đều gây ra phản ứng chính trị cực kỳ nặng nề và sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng ở Eo biển Đài Loan, căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc”. Theo ông, chuyến thăm 25 năm trước của Chủ tịch Hạ viện “đã là sai lầm” và lẽ ra Mỹ “nên rút ra bài học từ điều đó thay vì lặp lại lỗi lầm”. Đại sứ Tần Cương nói thêm: “Chúng tôi có mọi quyền để làm những gì cần làm. Tình huống này thuần tuý do Mỹ tạo ra, vì vậy chắc chắn họ phải chịu trách nhiệm”.
Tờ “The Guardian” (Anh) ngày 1/8 cho rằng chuyến công du của bà Pelosi đã làm Bắc Kinh chao đảo trong một năm chính trị đầy nhạy cảm đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, trong khi Đại hội XX của Đảng sắp diễn ra vào mùa Thu năm nay, cho phép Tập Cận Bình nắm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Năm nay, Trung Quốc cũng sẽ tổ chức mừng 95 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).
Chuyên gia Robert Daly, Giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ, Trung tâm Woodrow Wilson (Washington), trao đổi với phóng viên của “The Guardian” rằng xét bối cảnh kể trên, chuyến thăm Đài Bắc của Pelosi không làm dịu được mối quan hệ Mỹ-Trung, cũng như không phục vụ các lợi ích của Mỹ, và cũng không giúp tăng cường an ninh cho Đài Loan. Theo ông, Washington sợ rằng nếu bà Pelosi không “quá cảnh” Đài Bắc, điều đó chẳng khác gì đưa ra một tín hiệu mềm yếu của Mỹ và có thể làm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Đài Loan, nhưng chuyến đi này cũng có nguy cơ nuôi dưỡng luận điệu của “phe diều hâu” ở Bắc Kinh, chỉ trích Mỹ và các đồng minh hậu thuẫn chính quyền Thái Anh Văn tìm kiếm một nền độc lập. Mối ngờ vực này càng được củng cố khi một thông tin ngày 1/8 cho biết phái đoàn nghị sĩ cấp cao của Anh cũng dự kiến đến thăm Đài Loan vào khoảng cuối năm nay.
Theo nhận định của trang mạng hk01.com, để chuẩn bị cho chuyến đi của Pelosi, chính phủ và quân đội Mỹ đã tính toán thận trọng và cố tình thay đổi trình tự chuyến thăm. Pelosi trước tiên đến Singapore và Malaysia, sau đó đến Nhật Bản và Hàn Quốc, ở giữa bổ sung lịch trình không chính thức Đài Loan. Tuyến đường bay cũng đã được dày công thiết kế để tránh việc bị không quân PLA áp sát hoặc đánh chặn. Không chỉ vậy, quân đội Mỹ còn triển khai 2 tàu sân bay USS Reagan và USS Antietam cũng như tàu tấn công đổ bộ USS Tripoli và tàu khu trục USS Higgins ở vùng biển phía Đông Đài Loan. Trước khi chuyên cơ của Pelosi đến Đài Loan, theo tin tức của truyền thông Nhật Bản, Mỹ cũng đã điều 8 máy bay chiến đấu và 5 máy bay tiếp dầu trên không cất cánh từ căn cứ không quân Kadena để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh.
Bắc Kinh tất nhiên đã rất tức giận và không ngừng đe dọa có hành động đáp trả mạnh mẽ. Theo quan điểm của Bonnie Glaser, Giám đốc Trung tâm châu Á, Quỹ Marshall Đức, một cơ quan tư vấn có trụ sở tại Washington, dù nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang là rất thấp, “xác suất Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thực hiện một loạt hành động quân sự, kinh tế và ngoại giao để phô trương sức mạnh và thể hiện quyết tâm của họ là khá lớn. Có khả năng Trung Quốc sẽ tìm cách trừng phạt Đài Loan bằng nhiều cách”.
Về phần mình, nhà nghiên cứu Daly cảnh báo cuộc khủng hoảng lần này rất có thể là một cơ hội cho Bắc Kinh tạo ra một tiền lệ mới: Theo sát “hộ tống” các chuyến thăm Đài Loan của quan chức Mỹ bằng máy bay quân sự, hoặc bay gần hơn và hay thường xuyên hơn về phía không phận Đài Loan. Cũng theo nhà nghiên cứu này, mỗi cuộc leo thang sẽ dẫn đến một hiện trạng mới, và điều đó chỉ làm mối quan hệ Mỹ-Trung càng trở nên nguy hiểm. Do vậy, theo ông, tốt hơn hết là Washington và Bắc Kinh “dồn hết mọi nỗ lực cho các cuộc đàm phán bình ổn chiến lược thay vì chơi trò leo thang căng thẳng”.
Trang mạng hk01.com chỉ trích chuyến thăm Đài Loan của Pelosi là một sự công nhận bị “ngụy tạo” đối với Đài Loan, và đòn trả đũa mạnh mẽ nhất của Trung Quốc là sẽ kiểm soát Đài Loan hơn nữa. Trước mắt, sự hiện diện của PLA ở Eo biển Đài Loan có thể đạt đến mức độ nào chính là thước đo để Bắc Kinh đạt mục tiêu cốt lõi trong việc giải quyết vấn đề này. Do đó, dư luận đang đặc biệt theo dõi các động thái của PLA. Chuyến thăm của Pelosi tới Đài Loan là một tình huống quan trọng mà Trung Quốc và Mỹ cần giải quyết, song hk01.com cũng cho rằng sự kiện này không nên kích hoạt cuộc đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc. Một bài bình luận trên trang mạng này có đoạn: “Cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ là một cuộc chiến kéo dài và hai bên sẽ không dễ dàng ngả bài. Ngay cả khi chuyến thăm Đài Loan của Pelosi sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Trung-Mỹ thì mọi chuyện vẫn sẽ ở một quy mô nhất định. Đây chính là lý trí cần có của nước lớn”.
Giáo sư quan hệ quốc tế Thời Ân Hoằng, làm việc tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp quân sự nghiêm khắc, nhưng sẽ tránh những hành động có thể dẫn đến rủi ro xung đột quân sự nghiêm trọng. Ông nhìn nhận dù tình hình quanh Đài Loan có nhiều dấu hiệu đáng quan ngại hơn, nhưng về cơ bản vẫn duy trì ổn định.
Cùng quan điểm, Yết Trọng, Tổng thư ký Hiệp hội Tầm nhìn Chiến lược Đài Loan-Trung Quốc nhận định dù tình hình Eo biển Đài Loan được cho là đang ở mức căng thẳng cao độ, PLA thực tế chỉ tiến hành một cuộc phô trương lực lượng quân sự quy mô lớn, chưa có các dấu hiệu chuẩn bị tấn công Đài Loan như huy động nhân lực và vật lực quy mô lớn, vận chuyển lực lượng quân đội và vật tư đến khu vực ven biển Đông Nam, do đó tình hình Eo biển Đài Loan hiện nay vẫn chưa đứng bên bờ vực chiến tranh.
Về những diễn biến tiếp theo, chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov được Sputnik dẫn lời nhận định: “Bước đi tiếp theo, rất có thể sẽ là phong tỏa hoàn toàn vùng biển và trên không đối với Đài Loan. Trung Quốc có tiềm lực quân sự được chuẩn bị đầy đủ cho động thái này. Họ có thể dùng chiêu bài tập trận để đóng cửa toàn bộ vùng biển xung quanh Đài Loan trong suốt thời gian tập trận mà không tàu thuyền nào, thậm chí là tàu dân sự, có thể vào các cảng của hòn đảo”. Theo ông, Trung Quốc có lực lượng và phương tiện trong đó có cả tàu sân bay để phong tỏa cả vùng trời quanh đảo Đài Loan. Ông nói thêm: “Họ có thể thiết lập vùng cấm bay quanh hòn đảo. Bắc Kinh sẽ nhấn vào chuyện Washington đã có những bước đi không thân thiện và buộc Trung Quốc phải thực hiện động thái như vậy”.
Về khả năng Trung Quốc triển khai tấn công trực diện Đài Loan, Tsuneo Watanabe, chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực an ninh quốc tế, làm việc tại Quỹ Hòa bình Sasakawa, bình luận: “Hiện tại, Trung Quốc không đủ lực lượng để tấn công Đài Loan. Họ không có số lượng tàu đổ bộ cần thiết. Vì thế, không có nguy cơ rủi ro nào trên bình diện này. Nghĩa là, chuyến thăm của bà Pelosi sẽ không kéo theo cuộc tấn công Đài Loan”. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng nguy cơ tiềm ẩn này có thể xảy ra sau đây từ 5-6 năm, nếu Trung Quốc nhanh chóng đóng các tàu cần thiết và tích lũy sức mạnh quân sự. Chuyên gia Nhật Bản nói thêm: “Nảy sinh vấn đề then chốt mà chưa ai dám chắc là liệu Mỹ có sẵn sàng bảo vệ Đài Loan? Nếu phía Mỹ không sẵn sàng, khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan sẽ cao hơn”./.
(Theo TTXVN/Sputnik/RFI)